User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ngoinhdacochu
 
Chuyến bay đã chậm mất 1 giờ 20 phút vì thời tiết xấu. Ngồi trong lòng tàu, đầu óc tôi váng vất, ngầy ngà vì những hình ảnh thân yêu cứ dồn dập ùa đến phủ kín vây siết. Tôi lim dim đôi mắt, thả hồn bay bổng đến một miền đất rực rỡ sắc màu, rộn rã tiếng reo mừng và những nụ hôn thật đậm đà tình thương yêu, trìu mến. Nơi đó, bóng dáng Ngự cùng Tri, Châu, Linh, Kiệt vồn vã ôm siết tôi sau những năm dài chờ đợi thấp thỏm, lo âu. Nơi đó là một ngày hội lớn trong vòng thân mật, đậm đà tình yêu thương mầu nhiệm. Cũng chính nơi đó, tôi sẽ sống lại đời sống con người thật của mình sau bao năm trời bị tước đoạt, lấy mất quyền làm người bởi ngục tù vây hãm. Tôi sẽ được hít thở không khí tự do một cách sảng khoái vào lồng ngực teo gầy, vào trí não khô cằn hầu như đã mất hết sinh lực. Tôi sẽ làm lại cuộc đời, một cuộc đời đã đi quá nửa, đã ngả bóng xế chiều, đã bị đứt đoạn trong quãng thời gian dài nghiệt ngã của tù ngục. Tôi sẽ tìm thấy chính tôi trong thân phận lưu đày – một thứ lưu đày có tự do và đầy ắp tình người. Tôi sẽ nói gì với Ngự sau một nụ hôn dài của nàng trong lần gặp lại nầy? Tôi sẽ nói gì với Tri, Châu, Linh, Kiệt sau những vòng tay siết chặt thân quen của đợi chờ nứt mắt?  Và tôi sẽ làm gì sau khi đặt chân đến ngôi nhà mà mẹ con Ngự đã tạo được chỉ sau 5 năm xa xứ? Tôi ngủ thiếp cùng với những hình ảnh rộn ràng đón chào thân quen đầy ắp tình thương trìu mến. Tiếng người nữ tiếp viên nói trên máy thu âm làm đánh thức tôi dậy trong nỗi bàng hoàng mê hoặc. Tôi ngồi bật dậy, với tay xách cái túi xách tay nhẹ hẫng, đứng xếp hàng cùng đám hành khách chưa quá trăm người để bước ra khỏi lòng tàu bay chật chội và tù túng, để đặt chân xuống miền đất hứa xa lạ này mà từ nay sẽ được gọi là nơi tạm dung của kiếp tị nạn bất đắc dĩ.

Ngự đón tôi tại phòng đợi của phi trường Dulles.  Có cả Tri, Châu, Linh, Kiệt nữa. Ngự mặc “rốp” đỏ, tóc búi cao. Thoáng thấy nàng, tôi nhận ra ngay, mặc dù thân hình cùng cách phục sức của nàng có nhiều thay đổi, nhất là làn da và sự đẫy đà của vóc dáng đang bước vào ngưỡng cửa của tuổi bốn mươi. Tôi chỉ kịp nhận ra Tri và Châu, còn Linh và Kiệt thì khó mà nhận ra nếu chúng không đi cùng với mẹ. Vừa kịp đặt xách tay xuống nền thảm, lũ trẻ xông vào bám chặt tôi. Ðứa nắm tay, đứa bá cổ, đứa ôm eo… Ngự đứng ngoài đưa mắt nhìn quan sát lũ trẻ và tôi. Nàng nở nụ cười không mấy hài lòng, nói:

–  Anh!

Một tiếng “anh” ngắn ngủi cũng đủ làm tôi xúc động. Tiếng gọi “anh” ngọt ngào đã vắng xa biền biệt suốt 6 năm trường trong chuỗi đời cơ cực. Tôi thoáng thấy trên đôi mắt Ngự có những giọt lệ long lanh.  Tôi nắm tay nàng, hỏi khẽ:

– Em vẫn khỏe chứ?

Nàng gật đầu thay câu trả lời. Lũ trẻ rộn rã tiếng reo mừng, hỏi thăm bố ríu rít như đàn chim non mừng mẹ tha mồi về tổ ấm. Tôi đặt lên trán mỗi đứa một nụ hôn nồng ấm. Thằng Tri cao hơn mẹ một tấc con Châu cao xấp xỉ mẹ. Linh, Kiệt trổ mã đẹp ra. Chúng tôi rời phòng đợi để ra bãi đậu xe. Ngự cầm tay lái. Thằng Tri ngồi băng ghế trước. Tôi ngồi băng sau với Châu. Linh và Kiệt. Mỗi đứa tranh nhau hỏi thăm tôi. “Bố có được khỏe không?” “Sao bố lâu xuất trại quá vậy?” “Trông bố gầy đi nhiều!” “Bố có nhớ tụi con không?”… Ngự chăm chú lái xe, thỉnh thoảng nàng hỏi tôi một câu bâng quơ lấy lệ, nghe chừng xa lạ. Tôi đã nôn nóng gặp lại nàng. Vừa ra khỏi trại tù cải tạo, tôi vượt biển ngay, bất chấp mọi gian nguy rình rập, đón chờ. Nỗi nhớ nhưng Ngự và các con đã khuyến khích tôi liều lĩnh vượt biển hơn là ý thức tự do của một con người còn đủ lý trí sáng suốt. Ngự là động lực mãnh liệt nhất đã thôi thúc tôi từ ngày đặt chân vô tù. Tôi đã trả cái giá Tự Do quá đắt bằng 5 năm tù tội và nửa năm ở trại tị nạn. Tôi đã học được bài học thế nào là sự tự do của con người, thế nào là “hòa hợp hòa giải dân tộc”, thế nào là “chủ nghĩa xã hội”… Tôi không mong gì hơn được gặp lại vợ con thân yêu, được hít thở không khí tự do, được trở lại “con người” đích thật của mình mà trước đây tôi không nhận ra. Những danh từ “thành phần thứ ba”, “hòa hợp hòa giải dân tộc”, “độc lập, hòa bình, thống nhất”… đã choán hết lý trí tôi lúc đó, đã thâm nhập vào máu, đã đục khoét bản năng con người lương thiện của tôi. Tôi đã say sưa và thú vị với những danh từ rộn rã âm thanh đẹp đẽ, mầu nhiệm ấy. Tôi đã mặc khải từ chối quyền-làm-người đích thật của mình. Tôi đã bôi nhọ lên sự tự do của người khác. Tôi đã xô đẩy gần ba mươi triệu dân hiền lành, chất phác vào con đường cùng. Lúc đó, tôi không còn là “cái tôi” nữa, mà là một con người khác, một sinh vật tham lam ích kỷ vì dục vọng đốn mạt hơn là bản ngã đích thật của con người trí thức chân chính. Cái tham vọng khôn cùng đó lồng trong cái nhãn hiệu “cách mạng dân tộc” làm mờ lương tri, làm băng hoại cái Chân-Thiện-Mỹ. Chính tôi tự nhận mình là thành phần khác – “thành phần thứ ba” không giống ai. Khi hai cánh tay đã bị trói chặt, khi cái miệng đã bị dán kín bởi nhãn hiệu “ngụy quyền”, lúc đó tôi mới là con người thật, mới sáng mắt sáng lòng, một con người chỉ hơn con vật một bậc: biết suy tư. À, thế ra ta chả là “thành phần” gì cả! “Thành phần” chỉ là một chiếc áo màu sắc đẹp đẽ, không hơn không kém! Khi chiếc áo bị lột ra khỏi thân xác, lúc đó ta chỉ còn lại là “con người”. Một chiếc áo mà ta đã tự mặc vào mình, chỉ là chiếc áo đánh lừa dư luận, đánh lừa ngay chính bản thân ta! Tôi không còn nghe thấy gì nữa ngoài tiếng nói lào xào của lũ trẻ, tiếng động cơ rù rì của chiếc Pontiac, tiếng bánh xe lăn rào rào lướt nhanh trên mặt lộ…

Ngự đánh thức tôi dậy – mặc dù tôi không hề ngủ – bằng tiếng rít của thắng xe.  Xe về tới nhà. Ðó là nhà của Ngự, nhà của các con tôi. Tôi làm gì có nhà ở đây! Ngôi nhà của tôi nằm trên đường Hồng Thập Tự ở Sài Gòn. Ngôi nhà đã đổi chủ sau ngày tôi đi tù. Tri giành lấy xách tay của tôi, trong đó vỏn vẹn có một bộ quần áo, một bàn chải đánh răng, đôi dép cao su, một bàn cạo râu, cùng xấp thư mà tôi đã nhận được từ Ngự và các con tôi sau khi tôi đến đảo và bắt được liên lạc với Ngự. Lũ trẻ tranh nhau chạy ùa vào nhà. Chúng mở cửa, bật đèn. Tôi đứng ngoài quan sát ngôi nhà, lòng thầm phục Ngự. Nàng quả là đảm đang hơn trước nhiều. Ở xứ người, chỉ sau mấy năm tị nạn mà nàng đã tạo được ngôi nhà khang trang như thế nầy, quả thực tôi xin chào thua! Chẳng những thế, Ngự còn chăm sóc 4 đứa con đang tuổi chóng lớn, chúng chỉ biết ăn biết mặc mà không biết lo xa, không làm ra tiền. Tôi bước chân vô nhà mà như đi vào một nơi chốn xa lạ. Phòng khách trình bày khá đẹp và gọn gàng. Một bộ sa-lông da thú, một bức tranh thủy mặc, một độc bình, và một cây đàn dương cầm. Tôi đi quan sát một vòng. Ngôi nhà có 4 phòng ngủ và một “basement”. Mỗi phòng ngủ là một thế giới riêng. Ngự chiếm căn phòng rộng nhất, trang trí màu hồng nhạt từ tường vôi cho đến rèm màn cửa sổ, khăn trải giường… Ba phòng còn lại dành cho lũ trẻ. Châu chiếm một phòng, Linh một phòng, Tri và Kiệt một phòng.

Khi tôi trở lại phòng khách, Ngự đã chuẩn bị xong bộ đồ tắm và quần áo mới cho tôi. Châu và Linh vào bếp phụ mẹ làm thức ăn. Bữa cơm tối thịnh soạn nhưng đậm đà. Ngự biết tôi thích Courvoisier nên đã mua sẵn một chai VSOP. Gần sáu năm tôi mới được nếm lại hương vị Courvoisier cay nồng. Vừa ăn, chúng tôi vừa nói chuyện về quê nhà, về cuộc đời tù tội và những ngày thuyền nhân ở trên đảo Bidong. Ngự kể sơ qua về cuộc sống ở quê hương mới, những việc làm và sự học hành của lũ trẻ. Lòng tôi thầm mừng vì thấy lũ trẻ được tiếp tục con đường học vấn một cách suông sẻ và tốt đẹp. Thằng Tri học Đại Học năm thứ nhất, con Châu lớp 10, Linh lớp 8 và Kiệt lớp 6.  Ðứa nào cũng được giấy ban khen của nhà trường. Thật là một vinh dự lớn lao cho gia đình tị nạn. Ngự làm việc tại hãng IBM. Nàng bỏ nghề “gõ đầu trẻ” để sang lãnh vực kỹ thuật. Như thế là thức thời. Nghề dạy học của nàng không còn thích nghi ở quê hương mới, nhất là môn triết khô khan. Tôi say sưa theo dõi những thay đổi lớn trong cuộc sống gia đình. Bọn trẻ nói tiếnh Anh ngọt xớt như chẻ tre. Ngự cũng nói tiếng Anh giòn như cắn miếng bánh phồng tôm. Chỉ có tôi là người đi thụt lùi. Quá khứ nặng nề vây kín. Vốn liếng học thức xưa không thể bắt kịp đà tiến hóa của xã hội mới vốn nặng về khoa học kỹ thuật. Bây giờ tôi mới nhận ra tôi là một gánh nặng cho Ngự. Tôi sẽ phải làm gì đây trong những ngày sắp tới? Một thứ lỗi thời sẽ làm được gì ở cái xứ văn minh nầy? Những thay đổi quá nhanh mà con người ù lì như tôi làm sao có thể hội nhập được trong một sớm một chiều? Thấy ánh mắt đăm chiêu của Ngự, tôi trấn an nàng bằng một câu mà chính tôi cũng không biết mình có thực hiện được hay không:

– Hồi còn ở trại tị nạn, anh định qua tới đây là đi làm ngay để đỡ gánh nặng cho em, và bây giờ anh vẫn giữ ý định đó.

Không e dè, Ngự buông một câu nói:

– Sáng thứ Hai, em sẽ dẫn anh đến Sở Xã Hội để xin “welfare”“Food Stamp”. Chương trình giúp đỡ người tị nạn còn kéo dài, anh vội gì phải đi làm!

Thằng Trí nói chen vào:

– Con thấy như thế không được ổn, mẹ ạ!  Chẳng lẽ đường đường như bố mà nhận “welfare” thì kỳ quá!  Tốt hơn hết là để cho bố ở nhà nghỉ dưỡng sức một thời gian, sau đó tìm việc làm cũng không muộn.

Ngự đưa mắt lườm Tri. Tôi giảng hòa:

– Ý kiến của mẹ con rất hợp lý, và ý kiến của con cũng hay, nhưng bố nghĩ khác. Sở dĩ bố muốn đi làm ngay là vì mấy năm nay bố đã ăn không ngồi rồi, nay đi làm để cho giãn gân cốt và làm nhẹ bớt gánh nặng cho mẹ con.

Bầu không khí trở nên căng thẳng. Lũ trẻ không bênh vực tôi vì chúng biết bản tính Ngự rất khe khắt. Lúc chưa rời đảo, tôi mường tượng bầu không khí gia đình trong đêm đầu tiên đoàn tụ sẽ rộn ràng vui nhộn, đầy ắp tiếng cười hân hoan. Nhưng sự thật hôm nay đổi khác. Tôi không còn là tôi của thời gian sáu, bảy năm trước nữa. Bây giờ, tôi chỉ là một gã đàn ông tị nạn, khố rách áo ôm; một tên tù vừa mới rời khỏi ngục với thân xác còm nhom, tóc bạc trên đầu và một mớ kiến thức cũ kỹ, lỗi thời. Buổi tối đêm đoàn tụ khép lại bằng những hơi thở nặng nhọc và những ý tưởng rời rạc trong từng người. Ngự cáo mệt đi nghỉ sớm. Tôi ngồi nán lại ôm các con vào lòng, ve vuốt chúng như báu vật còn sót lại trong cuộc đời nghiệt ngã. Tôi đón nhận từng nụ hôn đằm thắm ngọt ngào của các đứa con đang chạy rần khắp thân thể. Tình máu mủ thiêng liêng đến thế sao? Tình cha con thắm thiết đến dường ấy sao? Con Linh – đứa gái út khi xa tôi mới vừa 8 tuổi – đòi ngủ với bố nhưng thằng Tri nạt con bé, bảo “để bố ngủ với mẹ”. Thằng Tri đã lớn khôn, hiểu biết việc “người lớn” nên mở lối thoát cho tôi. Linh nũng nịu khóc nhưng Châu kịp dỗ ngọt. Tri xử sự như người lớn, lấy quyền làm anh dạy em từ ngày rời khỏi nước.

Ðêm đón tiếp người viễn khách bằng một trận mưa thật dai dẳng, sấm chớp liên hồi. Lũ trẻ đã rúc vào phòng riêng. Tôi uống cạn ly rượu cuối cùng, tắt đèn phòng khách trước khi vào phòng ngủ. Ngự đã ngủ say, nằm nghiêng, úp mặt lên gối. Tôi rón rén đặt mình nhè nhẹ xuống phần nệm nàng dành cho tôi. Căn phòng lạnh lẽo, ngào ngạt mùi nước hoa. Một đêm không còn sinh khí của cặp vợ chồng trải qua 15 năm gắn bó. Ngự nằm đó như một khối thịt làm cảm giác tôi tê liệt. Cái thân thể mềm mại, gọn gàng, cân xứng của năm xưa không còn nữa! Ngự đêm nay là một con người khác với một thân thể khác. Những đường nét nẩy nở trên thân thể Ngự thật không còn cân xứng với vóc dáng của nàng. Quá khứ trôi về, dật dờ như đám lục bình giữa con nước đứng. Ngự ngày đó và Ngự bây giờ như hai thực thể đối nghịch. Ngự hôm nay đã khác với Ngự của 6, 7 năm trước. Thời gian làm thay đổi con người chóng đến thế sao? Còn tôi? Tôi đã thay đổi được gì hay chỉ là một mớ thức tỉnh ngổn ngang trong cõi lòng rã rượi?  Tôi mê thiếp trong nỗi rã rời thân phận, không còn cảm hứng vòng tay ôm thân hình Ngự để ve vuốt làn da thịt mát rượi của nàng.

--------oOo---------

Tiếng chim ríu rít ngoài song cửa đánh thức tôi dậy sau một đêm giấc ngủ nặng nhọc. Ngự trở mình, quay qua hỏi tôi:

– Anh thức dậy rồi à?

– Vâng. Ngủ như thế đủ rồi! Tôi đáp.

– Anh thích ăn món gì để em làm?

– Anh chỉ uống cà phê thôi. Nhưng anh tự pha lấy được. Em cứ việc ngủ tiếp đi.

Ngự thở dài:

– Em muốn nói với anh một điều…

– Thì em cứ nói.

– Em chỉ sợ làm anh buồn!…

Tôi nghĩ điều mà Ngự sắp nói với tôi sẽ không ra ngoài vấn đề tài chánh gia đình. Nàng muốn tôi đi làm chứ gì?  Việc đó rất dễ và tôi đã tính trong đầu từ lâu rồi. Còn sống được sau 5 năm trong tù Cộng Sản, giờ đây bất cứ việc gì tôi sẽ không từ chối.  Nhà tù Cộng Sản đã tôi luyện tôi thành một con người khác, thích nghi với mọi hoàn cảnh dù khó khăn nghiệt ngã đến mức độ nào. Tôi giục Ngự:

– Em cứ nói đi, anh không buồn đâu.

Ngự chặc lưỡi:

– Hãy còn quá sớm đối với anh! Thôi để khi khác vậy!

Tôi đoán Ngự có điều gì bất ổn, song tôi không tha thiết muốn nghe tâm sự cũng như chia sẻ nỗi lo lắng của nàng vì chính nàng không buồn chia sẻ với tôi nỗi khổ đau trong thời gian tôi ở tù Việt Cộng. Cách cư xử của Ngự trong đêm qua đã làm cho tôi suy nghĩ về thân phận mình, một thứ gánh nặng không đáng để cho người phụ nữ gánh vác. Hay thời gian đã làm phai nhạt tình yêu? Tôi không tin Ngự có thể chóng thay đổi như thế! Lẽ nào guồng máy xã hội Hoa Kỳ đã làm cho con người nàng tê liệt mọi thứ tình cảm? Tôi rời khỏi giường, rửa mặt qua loa rồi xuống bếp nấu nước pha cà phê. Bọn trẻ hãy còn ngủ say. Ngự nằm nán lại trong phòng, có thể nàng sẽ ngủ lại hay tiếp tục thao thức với ý nghĩ của nàng. Tôi nhớ đến những người bạn quen biết hồi ở trong nước. Chắc họ đã vượt thoát được hết cả? Tôi hình dung từng khuôn mặt: Thế, Lộc, Cao, Năng… Tôi lật từng trang điện thoại niên giám mang vần H, L, N, T, V… Hãy còn quá sớm để đánh thức họ dậy. Nhưng tôi không thể chờ đợi thêm một phút nào nữa! Phải dựng họ dậy trong cơn ngái ngủ, như Việt Cộng đã dựng tôi dậy trong thời gian qua. Họ đã ngủ say từ 6 năm nay rồi còn gì! Sá gì một giấc ngủ nướng? Tôi muốn được nghe lại giọng nói thân quen của họ. Tôi muốn được nghe một câu nói an ủi, vỗ về. Tôi gọi ngay Thế, người mà tôi đã có nhiều lần ngồi chung bàn tiệc, trong buổi họp… Ðầu dây bên kia không có ai trả lời. Tôi quay số của Lộc, được đáp lại bằng một câu ngắn gọn: “Lộc đang ngủ”. Tôi quay số của Năng, nhưng Năng đi vắng. Còn lại Cao, không thân lắm nhưng có đôi lần xã giao. Giọng Cao trong điện thoại làm tôi sung sướng đến tột độ:

– Mừng anh. Hân hạnh được anh gọi. Không phiền gì hết. Vậy hả? Anh cần bao nhiêu? Hiện không có sẵn, nhưng tôi sẽ lo được cho anh nội trong ngày nay. Anh cho tôi địa chỉ, tôi sẽ mang tới…

Tôi cúp máy. Lòng nhẹ nhàng, thơ thới. Thì ra vẫn còn chút tình đồng hương ở con người tị nạn may mắn đi trước. Một dự tính bất ngờ chợt nảy ra trong đầu: Tôi sẽ đi đến một nơi chốn khác để tránh bầu không khí gia đình ngột ngạt, đúng hơn là để tránh sự khó chịu của Ngự. Bữa cơm trưa chấm dứt, bọn trẻ thúc giục tôi đi “shopping”

Con Châu khoe:

– Con để dành được 60 đô, dẫn bố đi sắm hai bộ quần áo thật kẻng.

Thằng Tri ngắm nghía tôi, nói:

– Bố mặc vét size 38 thì vừa. Con tặng bố một bộ vét màu xám nhé?

Linh vuốt tóc tôi, nói:

– Tóc bố khô cháy và bạc quá! Con sẽ nhuộm tóc cho bố mới được!

Thằng Kiệt ngắm nghía bàn chân tôi, đề nghị:

– Chân bố phải mang giầy số 8 mới vừa. Bố thích màu đen hay nâu?

Ngự ngồi lắng nghe các con tíu tít chăm sóc “sắc đẹp” cho bố, nàng góp lời:

– Em định mua cho anh mấy bộ quần áo mới nhưng sợ mua trước không vừa nên đợi anh qua mới mua.

Tôi miễn cưỡng theo Ngự cùng bọn trẻ ra phố. Ngắm mình trong gương mà không nhận ra mình. Thợ hớt tóc hỏi bọn trẻ có phải tôi là “grandpa” của chúng nó không. Tôi cười thầm trong bụng. Thật đúng mình là thằng mán ra thành! Quần áo xốc xếch, tay chân khẳng khiu. Bao năm trời giam hãm thân xác trong lao tù Cộng sản, còn sống đã là may mắn quá rồi, còn ước mơ gì hơn. Tôi mặc bộ đồ mới mà lòng không còn cảm giác náo nức như thời mới lớn. Tôi đi bên cạnh Ngự như một “tiểu đồng” theo “thầy” ra kinh ứng thí.   

----------oOo----------   

Ngày thứ ba của tuần-trăng-mật-đoàn-tụ, Ngự mang về nhà một đứa bé gái độ 2 tuổi, tên Uyển. Ngự cho biết, ngoài những giờ ở sở ra, nàng còn làm thêm nghề giữ trẻ nữa. Tôi nghĩ nàng làm việc quá sức như vậy, chẳng qua vì sinh kế gia đình. Quả thật nàng là người đàn bà đảm đang theo truyền thống Á Đông. Tôi thật cảm động không ít! Bé Uyển bập bẹ nói tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ. Tôi bồng bé Uyển vào lòng, nựng đôi gò má phúng phính. Uyển đẹp và dễ thương. Nhìn kỹ, khuôn mặt Uyển có nhiều nét giống Ngự, nhất là đôi môi hình trái tim, cặp mắt lá răm, sóng mũi dọc dừa. Tôi cho đó là sự tự nhiên, người giống người là lẽ thường.

Ðợi lúc Ngự đi vắng, Linh kề tai tôi nói nhỏ:

– Bé Uyển là con của mẹ với bác Tạo đấy bố!

Tôi lặng người… Có thật như thế sao? Tôi không thể nào tin Ngự đã phản bội tôi. Chính tôi đã đích thân lo chuyến bay cho nàng và các con tôi rời khỏi Việt Nam trước ngày Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng Việt Cộng. Ngự có bổn phận phải lo cho các con trong lúc tôi vắng mặt. Chính Ngự đã từng nói với tôi rằng nàng không thể sống xa tôi, hay thiếu vắng tôi trong đời nàng. Sao bây giờ lại có chuyện nàng có con với Tạo? Vậy Tạo nào? Một tên Tạo làm Ðổng lý ở Bộ Xã Hội, gọi là Tạo-lùn. Một tên Tạo làm Tỉnh Trưởng tỉnh nọ, tức Tạo-đen. Một tên Tạo làm Tùy Viên Quân Sự, gọi là Tạo-trắng

Tôi nói dối với Linh:

– Bố có việc làm ở xa, ngày mai bố phải đi. Các con ở lại với mẹ, ngoan ngoãn và học hành đàng hoàng. Bố sẽ gửi thư cho các con hay khi nào bố sắp đặt xong nơi ăn chốn ở.

Linh nắm tay tôi, giọng buồn bã:

– Bố ở lại đây với chúng con, hoặc là chúng con đi với bố. Con ghét bác Tạo lắm. Bác khó tính và hay la chúng con.

Tôi cố nén cơn xúc động, nói với con:

– Bố cũng muốn ở lại đây với các con, nhưng ở đây không có việc làm thích hợp với khả năng của bố nên bố phải đi xa.  Các con yên tâm, bố sẽ trở về thăm các con.

Sau bữa cơm tối, bọn trẻ rút xuống “basement” chơi ping-pong, còn lại Ngự và tôi ở phòng khách. Tôi cố gắng nói một câu để thử ý Ngự:

– Anh đã liên lạc được một người bạn ở Texas.  Anh ấy sẵn sàng dành cho anh một việc làm. Anh định ngày mai sẽ đi xuống dưới đó xem sao…

Gương mặt Ngự không gợn một nét xúc động nào, nàng nói:

– Anh định như thế cũng phải. Ở đây rất khó tìm việc làm, mà anh thì không thích lãnh “welfare”, nên sẽ có nhiều trở ngại cho anh. Em định mướn nhà cho anh ở riêng vì nhà nầy không phải của em…

Tôi đoán biết thế nào Ngự cũng nói ra ý định của nàng nên tôi không lấy làm ngạc nhiên. Tôi nói:

– Không phải đợi đến khi em nói anh mới biết, mà anh đã biết có sự thay đổi nơi em khi chúng ta gặp lại nhau tại phi trường. Em miễn cưỡng làm giấy bảo lãnh anh mà thật tâm em không muốn tí nào. Thôi, việc đó đã lỡ xảy ra rồi, anh cầu mong em được hạnh phúc như khi ở bên anh. Phần anh thì dễ dàng quá, chỉ cần một xách tay quần áo và một vé xe buýt là đủ rồi.

Ngự nhìn ra bóng đêm để che giấu hai dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Nàng nói:

– Em không có ý định phụ anh, nhưng xin anh hiểu cho hoàn cảnh của em lúc mới đặt chân tới đây, sự cô đơn và khủng hoảng tinh thần làm cho em không kiểm soát được lý trí. Giữa lúc đó, Tạo đến với em như môt vị cứu tinh.

Và bây giờ, đời em chỉ còn biết có mình Tạo mà thôi. Do đó, sự có mặt của anh ở đây, em nghĩ là thừa… Tôi cướp lời Ngự:

– Vì yêu em, một lần nữa anh phải hy sinh tình yêu để em được hạnh phúc. Dù sao, anh cũng xin cám ơn em đã lo cho anh qua tới đây, được gặp lại các con.   

------------oOo------------   

Nhờ vào số tiền Cao mang đến cho mượn, tôi lấy xé xe buýt đi Houston vào sáng sớm thứ Hai, sau 3 đêm ngủ đỡ tại nhà Ngự, hay Tạo cũng thế. Vinh đón tôi tại trạm xe buýt và đưa về nhà. Vinh mua ngôi nhà ba phòng ngủ, anh nhường cho tôi ở basement để tôi được tự do hơn. Tôi chỉ phụ vào tiền ăn, không phải trả tiền nhà. Vinh đã xin được việc làm cho tôi cùng sở với anh. Như thế thật tiện cho tôi về vấn đề di chuyển.

Sau 6 tháng “định cư” tại quê hương mới, tôi nhận được thư của Tri báo tin. 

“Bố kính mến,  

Chúng con sẽ đến với bố trong vòng 2-3 tuần nữa. Bố đã chuẩn bị xong nơi ở cho chúng con chưa? Con đã mua xe rồi. Anh em con sẽ kéo ‘đại ban’ xuống Houston. Chúng con đã xin đổi trường rồi. Bố giữ bí mật chuyện nầy cho đến khi thành công. Chúng con lúc nào cũng thương yêu bố và không muốn bố buồn. Chúng con chỉ chờ có dịp nầy để rời khỏi ngôi nhà tối tăm nầy. Mong bố đón chúng con bằng vòng tay thương yêu của bố như ngày xưa.

Thương bố thật nhiều.  

Các con yêu của bố: Tri, Châu, Linh, Kiệt.”  

(Suối Bạc, 25-02-1981)   

Vĩnh Liêm (Trích trong tập truyện “Hạnh Phúc Phía Bên Kia”, chưa xuất bản)  

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com