
Thiếu nữ – tranh Mai Trung Thứ
Từ khi biết soi gương trang điểm, tôi thường nhìn hình bóng mình, tự hỏi: Mắt ta có xanh không? Màu xanh ấy liệu có đủ để truyền cho cây lá?
**************
Mùa mưa ở quê tôi đến sớm và kéo dài. Mưa từ giữa tháng Tám. Vài ba năm mới có một Trung Thu trọn đêm trăng tròn sáng. Tháng Chín, tháng Mười mưa đổ dầm dề suốt ngày suốt đêm. Nhà nào cũng phải đóng thêm mấy tấm phên bện tranh che trước hiên để chắn mưa, ngăn gió. Xẩm tối, đốt một đống lửa bằng củi ổi tươi giữa nhà, quây quần ngồi ấm. Than hồng gạt ra âu lớn, vùi tro, đêm đặt dưới giường. Mỗi lần thức giấc vì lạnh, rón rén ra khỏi chăn mền, bước xuống bươi lửa. Than củi tươi, đến sáng hôm sau mới bọn một nửa, vẫn còn hừng đỏ nửa âu. Những cơn mưa liên tiếp, năm ngày, mười ngày, dai dẳng đến nửa tháng. Vách đất, nền nhà ỉ ướt, bàn ghế quên lau một hôm đã đóng mốc trắng. Những ngày trời động, chỉ còn mưa nhỏ buổi sáng, nhưng gió cứ vun vút chạy từng luồng, xuyên qua làn da, xoáy sâu vào gan vào ruột. Người ngồi trong nhà, đôi vớ len không rời hai bàn chân. Người làm ngoài đồng, chiếc khăn bông không rời vòng cổ.
Khi trời hanh nắng, mấy tấm phên tranh được chống lên. Nắng tràn vào nhà, reo vui cùng người. Người bước ra sân, coi lại hàng rào, chái hè bị bỏ quên trong những ngày mưa. Mặt sân đóng dày một lớp rong. Có thứ rong nhuyễn như tóc em bé mới sinh, kết từng mảng dày mịn như trải thảm. Có thứ rong cỏ, hoa cao chừng vài phân, trên chóp là những hạt tròn như hạt tấm, màu xanh nhạt. Từng chấm nắng run run đậu trên chóp hoa rong cỏ ấy, như phụt tắt khi gió nhẹ thổi qua, rồi sáng lại, tươi lên. Nắng hong khô mặt sân, dần dần bóc nhẹ lớp rong, mỗi mảng bằng miệng tách, quanh mép hơi cong cong.
Tôi thường thích thú giẫm lên lớp đất ấy, xốp xốp, giòn giòn, vỡ vụn ra dưới bàn chân, dùng chiếc que nhỏ cạy rong chung quanh hai thùng nước lớn đặt nơi sân trước. Mỗi thùng chứa khoảng mươi đôi nước, bên trong nhờ chà súc luôn vẫn còn giữ được màu đỏ của đất nung, nhưng ở mặt ngoài, hai làn hoa văn trên dưới và hình tám vị tiên, cỡi ngựa, cỡi voi, cỡi lân, cỡi phụng, cầm phủ phất, chống gậy cùn, mang bầu rượu, thổi ống sáo… sắp vòng tròn như giễu hành đang chìm khuất dưới lớp rong màu xanh nhạt.
Một buổi chiều như thế, tôi đang chăm chút dung nhan cho người nữ tiên duy nhất trong tám vị, thầm nghĩ bà tiên cũng là con gái như mình, chợt có tiếng hỏi:
– Trò Vị, có ba má trò ở nhà không?
Tôi giật mình ngẩng lên, bỏ cái que xuống, không kịp phủi vết đất trên hai bàn tay, vội vàng khoanh lại:
– Thưa thầy ba má con đi vắng, có cô con, mời thầy vô nhà…
Tôi theo sau thầy Lộc, thầy quay lại hỏi tiếp:
– Cô trò Vị học ở xa mà?
– Thưa thầy, cô con nghỉ phép.
Thầy Lộc bước lên thềm, cô Nhã ra chào thầy. Như thường lệ khi có khách, tôi quanh quẩn nơi bàn học, cách một khung cửa sổ, phòng khi người lớn cần gì sai bảo.
Thầy Lộc không phải là thầy giáo. Thầy đang học trường Mỹ Thuật Đông Dương, lên thăm người anh là thầy Phước đang dạy lớp chúng tôi. Thầy Phước bị cảm mấy ngày, nhờ thầy Lộc coi lớp.
Đến năm nay, lớp Ba, chúng tôi mới được học với một ông thầy do nhà nước bổ đến tại trường Bình Trị, không còn luân chuyển nữa. Làng tôi đã có một trường Tiểu Học, trường Vân Hòa, đặt tại ấp ngoài, vị trí trung tâm, để thu nhận học sinh cả vùng bắc huyện. Trước đây, trường Sơ Học luân chuyển này là chung cho ba làng Vân Hòa, Phong Cao và Trung Trinh, mỗi niên khóa dạy một nơi. Cứ sắp vào kỳ tựu trường, ông thầy đến nhiệm sở sớm, cùng hướng dẫn trai tráng khiêng bàn ghế, bảng đen, tủ học cụ đến địa điểm mới. Đến phiên Vân Hòa nhận trường đặt tại ấp Bình Trị, trẻ con ấp Bình Điền cùng sang đây học. Dân hai ấp này đông hơn dân hai làng Phong Cao và Trung Trinh gộp lại. Những năm Phong Cao, Trung Trinh nhận trường, trẻ con xóm tôi lên lớp Ba phải ra học trường Vân Hòa.
Từ lúc làm quen với quyển sách, tập vở, chúng tôi học ông thầy do làng cắt đặt: anh Chín Bằng, tên tục anh là Ụt, người em là Mười Éc. Những người tôn sư trọng đạo, theo quan niệm dẫu dạy nửa chữ cũng là thầy, thường gọi là thầy Bằng hay thầy Chín. Những người vốn coi thường mớ kiến thức của anh thì gọi là thầy Ụt, có khi là thằng Ụt. Chúng tôi lấy làm xấu hổ khi bị gọi là học trò của thầy Ụt, nhất là khi các bà, các chị, ễnh bụng ra, nhại dáng đi lạch bạch của thầy Bằng, trái lại đôi lần sung sướng khi nghe các bậc cha chú khen thầy Bằng văn hay chữ tốt, hai tiêu chuẩn để đánh giá trình độ văn hóa. Văn hay, còn tùy thuộc theo sự cảm nhận của từng thời kỳ, có thể từng người có ý kiến khen chê khác nhau, riêng điểm chữ tốt của thầy Bằng ai cũng công nhận là có hoa tay. Ngay đến thầy Phước, ông thầy nhà nước, được dân làng gọi là ông Trợ Phước, người mang cả một không khí mới mẻ về trường luân chuyển Bình Trị, cũng khen chữ thầy Bằng.
Thầy Phước đến, thầy Bằng vẫn tiếp tục dạy lớp nhỏ, địa vị như có được bảo đảm hơn vì đương nhiên là phụ tá của thầy Phước. Những tấm bảng cần thiết treo trên tường, chương trình dạy hàng tháng, hàng tuần, thời khóa biểu, danh sách học sinh, bảng kê các ngày nghỉ lễ, các bài học thuộc lòng… đều do thầy Bằng viết, bên dưới thầy Phước ký tên, đóng con dấu tròn màu xanh.
Học với thầy Bằng thân mật, dễ dãi. Khi thầy chấm bài, chúng tôi ùa lên vây quanh bàn, mè nheo xin thêm điểm, phụng phịu khi làm sai bị điểm thấp. Học với thầy Phước, không khí nghiêm trang, chúng tôi cảm thấy mình lớn lên. Tên chúng tôi được viết vào quyển “sổ cái”, bìa chữ in, mỗi trang trong cũng in sẵn từng cột. Điểm được ghi vào một quyển sổ nhỏ hơn và mỏng hơn. Ngày nào nghỉ dạy thầy dùng bút đỏ ghi rõ lý do nơi cột điểm diện. Tuần lễ nghỉ Tết choán một khoản giấy khá rộng, thầy viết một dòng chéo từ góc trái lên góc phải với tất cả sự trịnh trọng “La fête du Tết”, gạch thêm hai nét đỏ bên dưới. Chúng tôi bắt đầu học Pháp văn, về nhà tập đọc, đứa thì hét lên inh ỏi, đứa thì ngâm nga như bài hát: lơ ki lô là quả cân, lơ cô cô là trái dừa…
Thầy Lộc cho chúng tôi những niềm vui khác. Thầy vào lớp với một nụ cười, khoát tay bảo: “Ngồi xuống, ngồi xuống”, không nói tiếng Pháp “Asseyez-vous”, chúng tôi được miễn đồng thanh “Nous nous asseyons”, cuối buổi thầy mới điểm diện, có buổi quên luôn. Có khi thầy Lộc giảng giải dài dòng chúng tôi ít hiểu, có khi thầy vừa giảng vừa vẽ lên bảng, chỉ mấy nét đơn sơ đã là đoàn người, khóm cây, con chim, con cá, hoặc nhà cửa, ruộng vườn… khiến chúng tôi đứa nào cũng xuýt xoa thích thú.
Cô Nhã hỏi thăm việc học của tôi. Thầy Lộc trả lời:
– Vị học giỏi nhưng hôm nọ thấy cột luận trong sổ chỉ có một điểm, tôi lấy làm lạ, gọi đem vở lên xem, đó là bài anh Phước cho “tả cảnh đi săn chồn”, Vị làm có một câu.
Bài luận chỉ có một câu, điều này thầy Phước đã nói với cả lớp, thầy Lộc nhắc lại làm tôi hết sức ngượng ngùng. Cảnh đi săn chồn, đó là đề luận tôi hoàn toàn bí. Là con gái, ở Xóm Chợ, tôi chưa biết cảnh săn chồn ra sao cả, nhờ Chú Thuận bày thì chú cười vang:
– Ông thầy của mày dốt. Chồn thì ai thèm đi săn làm quái gì. Người ta săn nai, săn xách, thú nhỏ thì săn cheo, cà đong thỏ… Ba thứ chồn đèn bắt gà, chỉ trẻ con mới làm cũi nhử, bắt được chơi chán, chết đem quăng. Còn chồn mướp, chồn ngận, thỉnh thoảng đập được đem làm thịt, ai hơi đâu đi săn chồn. Mấy ông thầy dưới đồng lên đây tưởng con gì cũng đi săn hết.
Không có cách nào hơn, tôi đành viết vào vở, đúng ra là hai câu chứ không phải một câu: “Hôm ấy là ngày Chủ Nhật, được nghỉ học, em theo chú em đi săn chồn. Đến nơi, người ta giăng lưới rồi cùng nhau đuổi hụi hụi…” Tôi không viết được câu nào nữa, cho đến hôm nộp bài, nhận một điểm.
Nói chuyện học hành của tôi có chừng ấy. Rồi thầy Lộc và cô Nhã nói những chuyện khác. Tôi thấp thoáng nghe cô Nhã nói về màu đỏ của hoa phượng trong đại nội, điều mà lúc nào cô cũng nói đến khi đề tài là cuộc sống nữ sinh lưu trú. Thầy Lộc nói về những cây vông trên đường xóm tôi, nhắc cô Nhã để ý đến mùa hoa nở đỏ, nói về màu xanh của cây cối, nói về một chiếc lá nào đó sắp rơi, về màu mắt của cô Nhã. Tôi thấy cô Nhã đã cười nụ cười hiền hậu nhất.
Vài hôm sau thầy Phước hết bệnh, thầy Lộc khỏi phải dạy thay, đem giá đến nhà tôi, bắt cô Nhã ngồi cạnh thùng nước có khắc hình bát tiên để vẽ. Bọn trẻ chúng tôi xúm nhau đứng xem sau lưng nhưng thầy Lộc không hề để ý, không cười đùa như mọi khi, cũng không xua đuổi hay quát nạt. Thầy chỉ nhìn cô Nhã và nhìn khung vải. Chiếc áo choàng thầy mặc bên ngoài loang lổ nhiều đốm màu. Có khi thầy kéo vạt áo lên để lau cọ hay chùi bàn tay dính sơn dầu. Ba buổi chiều ròng rã, khi vệt nắng chiều vừa tắt trên vai cô Nhã thì thầy Lộc quăng cây cọ xuống. Bức ảnh đã xong. Cô Nhã trong ảnh đối với chúng tôi chỉ hao hao giống cô Nhã bên ngoài, cái gì cũng dài ra, dài một cách dịu dàng như thầy Lộc nói, có đôi mắt xanh, xanh hơn đôi mắt thật của cô, xanh như những lá cây vườn sau lưng. Thầy cũng vẽ cho tôi một bức phác thảo bằng chì than, dưới ghi: “Lớn lên Vị Hiên cũng sẽ có đôi mắt thật xanh như cô Nhã Uẩn”.
***********
Cuộc đời học sinh của tôi gắn liền với những thay đổi của ngành giáo dục trong giai đoạn lịch sử nước nhà đầy biến động. Cái bằng Tiểu Học Tốt Nghiệp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có chữ ký đệ trình của Giám Đốc Giáo Dục (Nguyễn Vỹ), bên cạnh là TM. Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Miền Nam Trung Bộ (Trần Đình Tri) duyệt, đóng đấu tròn, giấy mỏng, nhỏ bằng một phần tám bằng Sơ học Yếu Lược thời cô Nhã với con dấu vuông của ông quan “Le Kiểm Học” (Nguyễn Đình Cầm) in trên giấy dày. Thi vào lớp Đệ Nhất Niên* lúc còn gọi là trường Trung Học quốc lập, hai năm sau đổi thành trường phổ thông cấp hai, ra Bình Định học lớp Tám, còn năm lớp Chín nữa là hết cấp ba thì bỏ dở. Rồi thi lại bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, thi vào lớp Đệ Tam để làm một lưu học sinh.
Mỗi kỳ nghỉ hè, hoa phượng nở đỏ. Cổng trường, sân trường chìm ngập trong màu phượng. Đi trên đường phố đâu đâu cũng sắc phượng rực rỡ. Đêm cuối cùng ở ký túc xá tất cả cùng thức suốt, vui cười, đùa giỡn và phá phách, đứa thì hát: “Vui một đêm nay rồi mai lên đường…”, đứa thì đọc thơ: “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ…”. Sáng ra, bỗng bịn rịn và rưng rưng khóc. Vẫy tay tạm biệt nhau, khi xe chạy nhìn lại thấy bạn mình chỉ còn là vệt trắng chập chờn bên màu phượng đỏ.
Mỗi kỳ tựu trường, chúng tôi lại gặp nhau, là lúc lá cây trong công viên úa vàng. Các thầy cô chưa đến đủ, có những giờ trống, những giờ về sớm, chúng tôi kéo nhau ra ngồi cả dãy trên băng đá, ngậm ô mai nói chuyện mùa hè. Trên mấy giàn hoa leo, hoa công chúa còn những đóa vàng, hoa hoàng hậu vẫn đậm đà màu tím, những chiếc lá từ cành cao thỉnh thoảng trớt xuống người chúng tôi, vướng vào mái tóc, hoặc đậu trên vai, trên cánh tay, nổi bật trên màu áo dài trắng. Nhìn những em bé ôm cặp tung tăng, các bạn tôi bảo rằng trong giây phút chúng tôi đã hóa làm những pho tượng trắng cho công viên này trở thành công viên Luxembourg và tìm cho mình hình ảnh ấu thơ. Tôi cũng tìm hình ảnh ấu thơ, nhưng lối đến trường trong quá khứ không phải qua công viên hoa vàng hoa tím, mà là một đoạn đường quê, hai bên là nhà tranh, hàng rào cây xanh xén phẳng, giữa lòng đường hoa dầu trảo nhỏ nhoi rắc trắng.
Ý niệm thời tiết trong lòng tôi đâm ra lẫn lộn. Bên cạnh những cây dầu trảo tôi còn hình dung ra hàng vông ven đường. Tháng Chạp, khi chúng tôi đi hái lá vông về gói những chiếc nem tết thì cây vông nào cũng đầy những lá dày, thế mà vào độ cuối xuân, giữa lúc mọi người không ai để ý, tất cả đầy hoa nở đỏ. Mùa hè ở quê tôi nắng dịu, trời càng cao, càng xanh, màu hoa vông càng sáng choang lộng lẫy. Tôi cũng nhớ về cây cối bốn mùa xanh mượt. Dù là gió heo may se se hay gió bấc quất lạnh, chẳng lúc nào có chiếc lá úa vàng.
Màu đỏ của hoa vông và màu xanh của cây lá. Chính thầy Lộc đã giúp tôi nhận biết vẻ đẹp của làng mình. Tôi dựng lại những lần gặp gỡ giữa thầy Lộc và cô Nhã. Trong câu chuyện buổi chiều, cách xưng hô đã đổi tự lúc nào, thầy Lộc đã cắt bỏ tiếng cô đứng trước và gọi cô Nhã bằng cái tên ghép dùng trong gia đình: Nhã Uẩn.
– Nhã Uẩn để ý xem… Tôi thấy… Tôi thấy… vân vân…
– Anh Lộc mới đến mà đã biết rất nhiều…
Thầy Lộc vui vì lời khen, chứng tỏ thêm sự tìm hiểu của mình:
– Phải biết chứ. Nhất là đối với nơi mình… thích. Bên đường xóm tôi chú ý hai loại cây có hoa đẹp là cây dầu trảo và cây vông. Cây vông đến mùa hoa nở… Có thể Nhã Uẩn chưa nghĩ đến vì nó quá gần gũi, hóa ra tầm thường… màu đỏ thật tươi, rụng xuống rồi, thậm chí bị bao bàn chân giày nát vẫn còn tươi. Khi hoa nở, cành vươn lên cao, thân cây màu mốc xám và những lá non còn lại màu xanh nhạt đều nhòa vào nền trời nên trông cứ như những chùm hoa nạm trên mây trắng. Và bao nhiêu cây cối quanh vùng Bình Trị, từ những khu vườn được chăm chút đến mấy dãy đồi hoang trên đường ra Phước Hậu, đường xuống Kim Sơn… cây hòe cao trước cổng nhà Nhã Uẩn kìa, mấy cây đỏ bên bờ dốc Trạm, những rừng nen, rừng chà rang, cả những cây sầm cóc da dẻ xù xì, mùa này là mùa rụng lá, thế mà hết thảy đều xanh nguyên vẹn, không thấy một chiếc lá vàng nào.
– Anh Lộc quả là một họa sĩ. Chỉ có họa sĩ mới hiểu rõ màu sắc phong cảnh như thế. Cảm ơn anh đã để làng quê Nhã lọt vào mắt xanh, trong khi Nhã chẳng biết gì hết. Các họa sĩ, các nhà thơ đều có tâm hồn nhạy cảm. Nhã tiếc mình không được như vậy, con gái mà theo ban Khoa học toán thì khô khan là phải.
– Không… không… thầy Lộc như tranh lời cô Nhã…
Rõ ràng tôi không thấy Nhã Uẩn khô khan chút nào hết. Hoa lá ở đây tươi thắm mượt mà là nhờ ở đất đai, khí hậu, một phần cũng nhờ ở cái nhìn của con người. Có những đôi mắt đã truyền xanh cho lá, có những nụ cười đã truyền thắm cho hoa…
Mỗi lần dựng lại tôi nhớ thêm vài chi tiết.
Cô Nhã nói:
– Nhã có đọc O’Henry. Sự so sánh không được chuẩn xác, nhưng chính anh Lộc đã đem cho Nhã niềm tin về làng quê mình như người họa sĩ trong truyện đã đem lại niềm tin về cuộc sống cho cô gái.
– Tôi không đồng thuận với Nhã Uẩn về sự so sánh, nhưng vui với ý nghĩ tốt của Nhã Uẩn về giới hội họa…
Giọng thầy Lộc vẫn sôi nổi… Tôi yêu người họa sĩ già đã bắc thang vẽ chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa bão. Đó là bức tranh vô giá của đời ông, bức tranh vẽ bằng lòng nhân đạo, đức hy sinh, ông đã đem cả sự sống của chính mình để hoàn thành.
Lần sau tôi bổ sung bằng một cảnh cô Nhã tiễn thầy Lộc. Suốt từ bậc thềm ra sân hai người dừng lại đến mấy lần. Khá lâu, nghe cô gọi tôi, bằng cái tên ghép, giọng thật trong, thật vui:
– Vị Hiên! Vị Hiên!
Tôi vội vàng chạy ra. Một tay cô còn níu giữ cành tử kinh.
– Vị Hiên, xem này, những hoa tử kinh còn búp, cô cho nó nở đây.
Vừa nói cô bóp mạnh từng búp hoa. Hai ngón tay nhỏ và trắng của cô vừa buông ra, những đài hoa vỡ giống như vội vàng kịp nở. Tôi cũng bắt chước cô, nhưng mới có vài hoa thì cô ngăn lại, hai cô cháu dắt tay nhau vào nhà. Cô đẹp biết chừng nào…
Lần khác, như một cuộn băng ghi âm lời thầy Lộc:
– Tôi lấy làm thú vị khi nghe cách đặt tên. Những gia đình khác, tên gọi ở nhà thường đơn giản hơn, nhiều khi không đẹp, còn xấu xí là khác. Còn ở gia đình này, tên ghi trên giấy tờ, dùng tiếp xúc với đời lại đơn giản hơn tên gọi ở nhà, phải không? Mọi người ở ngoài chỉ biết cô Trần Thị Nhã, còn trong nhà, khi họp mặt đầy đủ, khi bày tỏ cho nhau niềm xúc động, những người ruột thịt gọi bằng cái tên đài các: Nhã Uẩn. Cả cô bé Vị, sổ sách nhà trường chỉ ghi Trần Thị Vị, còn trong không khí ấm áp dưới mái gia đình cô bé là Vị Hiên. Nhã Uẩn, Vị Hiên… những âm thanh nghe ra vừa âu yếm, vừa trân trọng.
… Cứ như thế, trên cái nền đó, tôi xây dựng thêm, tô vẽ thêm, câu chuyện giữa thầy Lộc và cô Nhã mỗi ngày một tỉ mỉ hơn, cho đến lúc nào đó không rõ, tôi nhập vào vai cô Nhã. Có một người họa sĩ đã đến quê tôi, gặp gỡ tôi, không phải là con bé Vị khoanh tay chào thầy, mà cô Vị nữ sinh đang dọn thi Tú Tài phần hai, để nói với nhau về màu sắc hoa lá ở Vân Hòa và vẽ cho tôi bức chân dung bằng những đường nét kéo dài thanh tú, nhẹ nhàng. Người họa sĩ trong câu chuyện của tôi ban đầu không có diện mạo rõ rệt, dần dần hình thành lờ mờ, có lúc ẩn hiện hao hao như thầy Lộc. Lúc đó, tôi liền gạt đi, bởi nghĩ rằng cô Nhã đã từng có cảm tình với thầy Lộc, và ngày thầy Lộc đến quê tôi, tôi còn nhỏ quá. Nhưng tôi chưa có được hình ảnh nào ngoài đời để đóng vai người họa sĩ, cũng như không biết hình ảnh hiện tại của thầy Lộc ra sao, nên nhiều khi tôi thấy mình hôm nay đã lớn ngang bằng thầy Lộc năm xưa, thành ra, khi nghĩ đến người họa sĩ, trước hết tôi phải nhớ đến thầy Lộc. Mỗi lần soi gương tôi lại tự hỏi: Mắt Vị Hiên đã kịp xanh bằng cô Nhã Uẩn?
Vào giữa năm học Đại Học Sư Phạm, tôi theo cô bạn về Qui Nhơn chơi. Tôi chuẩn bị cho chuyến đi bằng những mơ ước nhẹ nhàng, không phải là hồi hộp mà có một chút hồi hộp, chưa biết gặp được điều gì mới mẻ không, song cứ đinh ninh là sẽ có một điều gì mới mẻ. Cô bạn rủ đi Gò Bồi. Đây là quê của thầy Phước, thầy Lộc. Ở nhà ông ngoại cô bạn tôi hỏi thăm được nhà thầy Phước, chỉ cách có một quãng đồng ruộng. Thầy Phước già nhanh quá, nét ngày cũ chỉ còn lại nơi vầng trán. Khi tôi xưng là con bé Vị học trường Bình Trị ở Vân Hòa, lập tức cả dòng hồi ức cùa thầy thức dậy, thầy hỏi thăm từng người quen, từng đoạn đường, từng công việc ngày mùa. Tôi nhắc đến thầy Lộc thì thầy Phước lắc đầu:
– Chú Lộc sống rày đây mai đó, theo cái kiểu cách nghệ sĩ, chẳng vợ con chi, cũng không hề bận tâm đến gia đình. Từ khi bà già tôi qua đời đến bây giờ chẳng biết chú ấy ở đâu, trước thỉnh thoảng còn về thăm mẹ, mấy năm nay biệt vô âm tín.
Nói đến sự nghiệp hội họa, thầy Phước nhếch mép cười:
– Sự nghiệp gì ba chuyện vẽ vời đó. Hồi chín năm có triển lãm ở Bồng Sơn một lần. Sau nghe nói tranh gởi qua La Mã. Chẳng biết người ta căn cứ vào đâu mà chọn tranh của chú ấy. Tôi thì chịu, không biết đường nào mà hiểu, cây không ra cây, lá không ra lá, con người cứ dài ra và cô gái nào mắt cũng một màu xanh.
Nghe thầy Phước nói tôi vui vui nhưng thoáng một chút nghẹn ngào, một chút sung sướng, cộng với một chút ghen tức… Tôi nài nỉ thầy Phước tìm cho một cái gì của thầy Lộc. Được một bức tranh nhỏ thì quý biết chừng nào, nhưng không có gì cả, một quyển sách có ghi nét chữ, một tập sổ tay phác thảo… tất cả đều không. Hình như ngôi nhà này không phải là nơi thầy Lộc đã sống, đã lớn lên.
Nhà thầy Phước có vườn rộng. Buổi trưa tôi đi thơ thẩn trong vườn và nằm trên võng cột giữa hai cây cau lão. Tôi tưởng tượng ra một thuở nào đó, bước chân thầy Lộc đi trên những lối này, chỗ kia biết đâu thầy Lộc đặt giá vẽ, và trên chiếc võng cột chỗ này, nhiều lần thầy Lộc đã nằm đọc sách hoặc nghỉ ngơi. Buổi trưa ấy, mây giăng mỏng như thế này chăng? Không biết là vì gió thổi đầy vườn hay là vì cái cảm tưởng bầu không khí này thầy Lộc đã từng hít thở, làm đầu óc tôi choáng váng. Tuy vườn nhà thầy Phước không có hoa, nắng trong vườn lọc qua tán lá đủ gợi cho tôi nhớ đến cô Nhã hôm cô đứng bên khóm tử kinh. Đến lúc này tôi vẫn còn lấy làm lạ: Sao cô lại nói với tôi, một con bé khờ khạo chưa biết gì, về chuyện bắt những đóa hoa nở sớm? Hôm ấy cô Nhã thật tươi, thật đẹp, đáng yêu biết bao. Tại sao thầy Lộc không yêu cô Nhã và không có ngày trở lại Vân Hòa? Tôi đã giận cô Nhã, lúc sắp lấy chồng cô không hề nhắc đến thầy Lộc trong câu chuyện như trước đó. Tôi đã thương cô khi hình dung ra cái nhìn của cô khi cùng thầy Lộc ngắm bức tranh khi mới vẽ xong. Trong số đồ đoàn riêng tư mang về nhà dượng Kiên, bức tranh ấy được cô xếp vào va li trước nhất. Rồi tôi lại thương tôi, trong bao nhiêu ngày tháng, tôi đóng vai thầy Lộc để tha thiết với cô Nhã, đóng vai cô Nhã để chung tình với thầy Lộc, người họa sĩ của tôi vẫn hoài hoài là ảo ảnh khói sương.
Trên đường về Qui Nhơn tôi thấy lòng mình trống trải, cũ kỹ và hoang vắng như những ngọn tháp Chàm rã rời đứng bên đường. Rồi người bạn rủ thăm mộ Hàn Mặc Tử. Tôi bâng khuâng ngơ ngẩn khi nhớ đến hai câu trong một bài thơ. Có phải trong tôi cũng là tình thương chưa đến, mến chưa bưa? Có phải tâm hồn tôi cũng hóa dại khờ?
Ra trường đi dạy. Sống xa quê, một năm bốn mùa hình ảnh cứ hiện ra trong nỗi nhớ. Nhớ những điều tỉ mỉ, nhỏ nhặt nhất. Con đường quanh quanh giữa vườn đầy tiếng chim. Con tu hú kêu gióng giả khi mọi người chưa thức giấc. Con thua tuốt khua vang động buổi trưa. Tiếng gáy con cu cườm làm cho nắng càng thêm sâu thẳm. Tiếng con thương cô áo cụt khắc khoải bồi hồi. Đi qua Ruộng Cầu con giẽ re re chỗ này chỗ kia hối hả gọi nhau. Không thấy con chim nào ở đâu, chỉ nghe tiếng kêu của nó trong vườn đầy tán lá, trong ruộng đầy ngọn lúa, tưởng như đó là tiếng kêu phát ra từ màu xanh trên ngọn vườn, mặt ruộng.
Năm qua, rồi năm qua… Tôi lập gia đình. Chồng tôi cũng là một nhà giáo. Mấy đứa con xinh xắn ngoan hiền, chúng tôi sống thật hạnh phúc. Nhưng cứ mỗi độ hè về, nhìn hoa phượng nở đỏ, mỗi độ giữa thu, lá ngoài đường phố rụng vàng, tôi lại nhớ đến, dựng lại câu chuyện của một họa sĩ và một cô gái cao nguyên, câu chuyện không có đoạn kết, người họa sĩ lúc này vẫn chưa có khuôn mặt rõ ràng, vẫn còn ẩn hiện dáng dấp của thầy Lộc thuở thanh niên.
***********
Tôi đưa hai con về Vân Hòa giữa mùa hoa vông nở. Nắng mùa hè dịu vàng, gió cao nguyên lồng lộng thổi mát thay cho lời chào của quê mẹ. Đứa lớn reo lên khi nhìn theo đôi sáo ngà vút đến lượn vòng đậu trên cành vông có hoa nở đỏ. Đôi sáo nghiêng nghiêng mắt nhìn bên này bên khác, chợt khuất mất, rồi chiếc đầu tròn, chiếc mỏ xinh lại hiện ra giữa cành hoa thắm. Trời Vân Hòa không rực nóng, vông Vân Hòa vẫn đỏ tươi, đó là điều khiến nó ngạc nhiên. Đứa bé thì mắt long lanh nhìn lên màu xanh mượt mà của lá cây vườn, trong đó những con ve sầu đối đáp lúc khoan lúc nhặt…
Nghe các con trầm trồ thích thú, niềm cảm xúc lắng đọng qua thời gian tưởng đã nhạt phai trong lòng tôi bỗng như có sức mạnh dâng tràn. Tôi kéo hai con lại, ngồi xuống nhìn vào bốn đồng tử chong tròn, thấy bát ngát màu xanh của nền trời và sắc lá…
Trần Huiền Ân
——
* lớp Đệ Nhất Niên, sau đổi là lớp Đệ Thất, hiện nay là lớp 6.