Hoàng Lan là con gái Đô Thành “chính hiệu con nai vàng”. Chị thuộc thế hệ 5X đời cuối. Chị sinh ra trong một gia đình gia phong nề nếp. Cũng như bao thiếu nữ nội thành, con cái gia đình căn bản, chị được ăn học nên người. Trưởng thành, chị đi làm ở một công ty. Bản tính siêng năng, cần mẫn, chị mẫu người đằm thắm, dịu dàng. Chị bén duyên cùng một đồng nghiệp trong công ty. Anh cũng là người nội đô. Hai gia đình ở cách nhau không xa. Hai anh chị xây tổ ấm hạnh phúc, rồi lần lượt có hai đứa con xinh, càng tăng thêm sự gắn kết của mái ấm gia đình. Đồng thời cũng là lúc trong vai trò làm vợ, làm mẹ, chị phải lo vén khéo chi tiêu, đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Thời gian tích cóp, anh chị cũng tạo dựng được một căn nhà khang trang ở một con phố thuộc quận 2, cách cầu Sài Gòn chừng vài cây số.
Cuộc sống cứ bình lặng an yên với hạnh phúc gia đình. Anh chị vẫn làm lụng, các con ngoan, chăm lo học hành. Sau một thời gian công tác, anh đã được lên chức, lên quyền. Anh được bổ làm giám đốc công ty. Nhân viên trẻ nhiều, trai xinh gái đẹp. Anh cũng được săn đón kỹ càng hơn. Ở nhà vợ cưng, đến công ty thì có nhân viên chăm sóc chiều chuộng.
Đùng một cái anh bị tiếng sét ái tình giáng xuống khi anh phải lòng cô gái trẻ, một nhân viên dưới quyền ở tỉnh miệt vườn ven đô lên thành phố làm việc. Trạc tuổi cô bé chỉ nhỉnh hơn con gái anh vài tuổi và dĩ nhiên là trẻ đẹp rồi! Ở một gia đình đang êm ấm chợt trở nên lạnh lẽo. Sóng ngầm bất ngờ quá! Người vợ hiền, không thể lường trước biến cố nên có khi trở tay không kịp. Nhưng thôi, việc gì đến, sẽ đến thuận theo tự nhiên ý thích của con người. Ý thích riêng của mỗi người sai đúng hồi sau sẽ rõ.
Anh chị ra tòa ly dị. Ai đi đường nấy, chị ôm hai đứa con về mình. Để anh tự do phiêu bồng cùng tình mới. Hoàng Lan đưa hai con về bên ngoại. Căn nhà ở quận 2 được bán để chia đôi tài sản. Phần chị, chị về quận Bình Thạnh mua một căn nhà khác đủ công năng sinh hoạt cho 3 mẹ con và mẹ chị. Mẹ chỉ có mỗi con gái duy nhất là chị. Nên sau khi chuyện chồng con không suôn sẻ, chị mua nhà đón mẹ về ở cùng. Như vậy, không chồng thì có mẹ. Chuyện chồng con lỡ dở may mà còn mẹ và các con, vậy cũng đỡ cô đơn. Cuộc đời vậy cũng an ủi cho chị phần nào để có động lực sống tiếp. Chị lại tiếp tục làm việc để mưu sinh và chăm lo gia đình. Mỗi lần chị bận đi làm vắng thì con cái nhờ bà ngoại chăm nom. Chị cũng yên lòng làm lụng. Hoàng Lan đảm đang, vén khéo, chịu thương chịu khó lo cho hai đứa con đến nơi đến chốn.
Về phần anh, số tiền được chia anh về vùng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân mua một sở đất rộng, là nhà vườn cho thuê kiếm thu nhập. Còn anh và cô gái ấy thuê nhà ở cùng nhau. Họ cũng đã sinh được một cháu trai gọi là cu Win. Chị qua thăm, mua sữa bồi bổ cho mẹ con cô ấy. Thấy anh ở trọ, chị nghĩ chắc cũng thiếu thốn nên thường mua thêm cá tôm, đồ ăn khô và sữa... để cuối tuần anh ghé lấy về xài dần. Chị nói với các con là: Bố và dì còn ở trọ, mình phải bù chì cho bố. Những việc làm cho anh, bên nhà nội ông bà các cô chú đều biết. Chị vẫn dạy con thương yêu bố và em khác mẹ, kính trọng ông bà nội và các cô chú bên nội.
Bên nhà nội, dù ly dị nhưng vẫn coi chị là con dâu của gia đình. Cứ mỗi lần ông hay bà ốm, nằm viện thì mẹ con chị lại bới xách vào bệnh viện chăm sóc. Ông bà nội và mấy chú thím rất quý chị và thương hai cháu. Cứ cuối tuần là hai đứa lại về thăm gia đình bên nội. Nay hai đứa con chị đã thành đạt, sau khi du học về đều có công ăn việc làm ổn định. Dù lớn vậy cứ mỗi lần gặp là mấy thím lại dúi cho ít tiền. Chị bảo:
– Thôi! Cháu lớn rồi, già chát là đằng khác, nay 30, 40 tuổi cả rồi! Nhưng mấy thím thương nên khi nào cũng xem như bé bỏng vậy.
Lại đùng một cái, cô vợ sau chán ông chồng già, không muốn ở nữa. Lại đưa nhau ra tòa ly dị. Chị bảo anh đem Cu Win về nuôi cho có tương lai. Dù gì thì ở gần bên gia đình bên nội cũng thuận tiện để cho cháu học hành. Hơn nữa mấy chú trong gia đình cũng có vị trí công tác rất tốt. Để cháu ở lại sẽ có điều kiện hơn là theo mẹ về dưới quê vất vả. Thế là cô vợ trẻ ra đi, để lại hai bố con chăm nhau trong căn nhà trọ. Như vậy, anh và cô vợ trẻ không duy trì được lâu, chưa hẳn đã vì thiếu tiền mà còn bị chênh nhiều thứ: chênh về cách nghĩ, cách sống của hai thế hệ tuổi tác cách xa nhau, chênh lệch sức khỏe, sinh lý bản năng… cũng là một vấn đề đối với người không nghĩ sâu xa coi trọng gia đình và con cái. Chị hằng tuần lại tiếp tục mua sắm lương thực, thực phẩm dành cuối tuần anh ghé lấy về hai cha con có mà dùng, khỏi bận bịu mua sắm.
Ai bảo sao chị cũng không đi bước nữa để nương tựa. Vì lúc ly dị chị còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng chị bảo:
– Thôi! Lấy chồng một lần là cũng đủ rồi! Ở vậy nuôi con cho con ăn học.Tình mẹ phải dành trọn vẹn cho con. Lấy chồng nữa, liệu người khác (nếu yêu mẹ) chắc gì đã họ đã thương con mình, rồi con thêm khổ mà thôi. Tất nhiên, có người may mắn vẫn gặp được mẹ kế, hoặc bố dượng tốt (có mà hiếm, xác suất rất thấp) nhưng liệu may mắn đó có đến được với con mình? Hay là lại rước thêm người ngoài về bạo hành, ngược đãi con mình như mấy vụ án gần đây đã từng chấn động báo chí. Tôi thì nghĩ rằng chị lấy chồng một lần cũng đã đủ "thấm đòn" của tình yêu và hôn nhân rồi!
Dĩ nhiên con người tồn tại với những điều rất người. Cũng có những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Khi cần chia sẻ ngọt bùi vẫn có bạn bè tâm giao ở bên ngoài, tiệc tàn ai về nhà nấy. Vậy thôi cũng là cách lấy cân bằng trong cuộc sống.
Công việc hàng ngày của chị cũng vất vả. Công ty trước đây bị giải thể, chị lãnh tiêu chuẩn về một lần. Kiếm việc khác, chị xin làm ở công ty cung cấp rau quả tươi cho các siêu thị trong thành phố. Nên phải làm đêm để sáng sớm xuất hàng cho kịp. Ban ngày về nhà ngủ vài tiếng để tái tạo năng lượng. Chị cố gắng làm việc để con cái học hành và hiếu sự hai bên nội ngoại, còn bù chì cho cả anh nữa.
Chị bây giờ đã ngoài lục tuần. Tôi hỏi chị:
– Vậy bây giờ chị có tha thứ cho anh, về sống chung để ông bà già chăm nhau được không?
Chị bảo:
– Không! Bây giờ coi nhau như bạn bè tri kỷ vậy thôi. Khi ông đau ốm nằm bệnh viện thì mẹ con chị vẫn tới chăm sóc.
– Hết duyên thì còn nghĩa, dù sao ổng cũng là bố của các con mình.
Bây giờ chị đã là bà nội của mấy cháu, các con ngoan, hiếu thảo. Chị được bà con gia đình bên nội quý trọng, thương yêu. Ngay cả chồng cũ của chị cũng nể phục chị vì tấm lòng nhân ái bao dung. Cái tâm tốt, sức khỏe tốt, da dẻ chị hồng hào khỏe mạnh. Chị bây giờ có cuộc sống an nhiên, vui vầy cùng con cháu.
Tôi nghe chị kể say sưa, quên cả việc đi ăn sáng ở đầu hẻm. Lòng dâng lên xúc động. Người mẹ đơn thân đã nuôi con vẹn toàn, hiếu thảo với nội ngoại hai bên, tình nghĩa cả với người chồng bội tình, người từng mang đến cho chị cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Chị còn có cách ứng xử hợp lòng người nhất có thể. Ngưỡng mộ một tấm lòng người vợ cũ như chị.
Hoàng Thị Bích Hà