Con chim sắt bắt đầu sà cánh, lượn quanh mấy vòng, rồi từ từ hạ thấp. Tôi ngồi bên cửa sổ, đôi mắt đăm chiêu nhìn phong cảnh bên dưới, những ánh đèn lấp lánh hình dung như những vì sao long lanh của bầu trời hạ giới, soi đường cho phi công định hướng đáp xuống, khoảnh khắc sau một âm thanh bánh xe va chạm phi đạo thình thịch, một tràng pháo tay đã vang lên, mừng cho chuyến bay hoàn hảo. Chẳng mấy chốc, đoàn chúng tôi được đưa theo hành lang và lên xe buýt đang chào đón và đưa chúng tôi vào trung tâm định cư. Nơi đó chính quyền chuẩn bị rất chu đáo, từ chỗ ăn, chỗ ở, tiền bạc, và cho học hành thời gian ba tháng rồi sau đó bắt đầu phân tán đi ra nhà riêng để tự lập và hội nhập theo đời sống mới. Người dân rất hiền hòa, dễ thương. Mỗi gia đình đều được một người bảo trợ, để hướng dẫn cách sống, từ ăn uống, đi đứng, và thăm viếng những thắng cảnh nội địa. Chúng tôi thấy cái gì cũng vĩ đại, mình như con nai vàng ngơ ngác, đạp lên cảnh thần tiên. Rồi một lần đi vào siêu thị để mua sắm, đi chỗ nào cũng thấy hình dáng mình trên màn ảnh ti vi gắn trên trần nhà, nghĩ bâng quơ một chút mình là nhân vật quan trọng, ngờ đâu là máy theo dõi những kẻ ăn cắp đồ. Đẩy xe đi vòng quanh lựa đồ, đói con mắt và thấy thứ nào cũng cần nên cái gì cũng bốc, chiếc xe đầy ắp mà không hay biết, hết chỗ đựng rồi cũng tỉnh ngộ, đồng tiền trong túi rục rịch bò ra và nhắm không đủ sở hụi nên phải khuân bỏ lại bớt và hai tay đưa tiền theo kiểu nho giáo Việt nam cho bà đầm ngồi quầy tính tiền và chỉ biết nhe răng cười một cái rồi giã từ. Trạm xe buýt trước siêu thị, vội vã lấn bước lên trước kiếm chỗ ngồi. Về đến trại thì ngẫm ra mình đã nhiễm cái đời sống bon chen chụp giựt của cái xã hội chủ nghĩa cọng sản bao giờ mà mình không biết.
Về đến phòng, bà xã nhanh chân vào bếp bật lò ga trổ tài công dung ngôn hạnh. Còn tôi không còn đóng vai người chồng gác chân tréo mảy ngồi chờ nên mâm nên bát, mà nghe theo cái miệng lắp bắp sai, chỉ làm cái nầy cái kia v.v. của nội tướng, tuy nhiên cái chờ đợi nhất là kết bia lạnh Heineken không những nổi tiếng ở Hòa Lan mà cả thế giới nữa chuẩn bị rót vào cái mồm thèm khát. Vài giờ phục vụ cho cái bao tử đã đầy ắp. Rồi. Ai lo phận nấy lên giường khò khè, để rồi ngày mai dậy sớm lên văn phòng khai báo cái đời tư và mộng ước về đâu nhưng chưa thành lời cho tương lai của cuộc đời. Đúng chín giờ cô Nguyệt thông dịch viên gõ cửa mời lên văn phòng khai báo, bà cán sự Susan tươi cười niềm nở mời ngồi và hỏi về lý lịch, làm gì ở đâu mấy tuổi, trình độ, có bằng lái xe không? v.v. và v.v., vì tốp người tỵ nạn trước đó đã rỉ tai nhau ở đây có bằng lái xe ở Việt Nam đều được đổi qua bằng lái xe Hà Lan, cho nên đa số đều khai có, chắc bà cán sự thầm nghĩ rằng dân Việt đều giàu có hết. Tuy nhiên có kẻ quan niệm phải học mới bảo đảm tính mạng. Thực ra cũng có kẻ có bằng lái thật, còn đa số viết thư về gia đình làm bằng giả. Lúc đầu đều thông suốt nhưng sau bị bại lộ vì thật thà là cha đứa dại. Có một người khai báo, khi nhận được bằng thật từ Việt Nam mới gởi qua đã xác nhận với cơ quan rằng cái bằng nầy mới là bằng chính, còn cái trước là bằng giả. Từ đó cơ quan thẩm quyền biết mánh khóe gian dối nên chấm dứt không đổi nữa, may mắn cho những người nhanh chân, đúng là trâu chậm uống nước đục. Tội nghiệp cho kẻ tính toán kỹ nên lâm vào cảnh khốn đốn với cái bằng lái, có kẻ đã phải chi ra cả năm bảy ngàn USD mới giựt được cái bằng lái, vì vậy nhiều người đã bao lần xách gói đi thi mà vẫn ngậm đắng nuốt cay, đành dùng xe chân lê gót suốt đời. Thật ra muốn có một tấm giấy cho phép được lái xe ít nhất phải mất vài năm, trừ lứa tuổi đôi mươi. Sở dĩ thi lái khó cũng giống như thi ca sĩ phải đúng tiêu chuẩn nhạc lý, không giống như ở nước Mỹ, tương tự như hát ca ra ô kê là có bằng ngay, chỉ tốn khoản năm bảy chục USD trong vòng một vài tháng là đỗ được, giả như mấy ngài HO ở Mỹ, lớn tuổi qua đây cũng phải lê chân mòn gót, khòm lưng cõng vợ đi chơi suốt cả đời.
Thôi ta trở lại đời sống cá nhân đã trải nghiệm trong nhiều thập niên qua, một vài mẩu chuyện dí dỏm. Một hôm anh Lâm và Dũng may mắn được chú thông dịch tặng cho một chiếc xe hơi sắp quá đát, nghĩa là sẽ không được phép sử dụng được nữa và phải đưa đi nghĩa địa và phải trả cho chủ nghĩa địa chút ít gì đó thôi. Hai gã thanh niên sung sướng và hí hửng nhận chiếc xe và nhờ chỉ dẫn sơ đẳng, nổ máy, sang số, đạp ga v.v.. vì Lâm và Dũng đã quen thuộc sử dụng rành về xe gắn máy ở Việt Nam. Tuy nhiên hai gã thanh niên điếc không sợ súng nên nóng lòng trông cho mặt trời thức giấc réo gọi. Cơm nước xong xuôi và ra quân, họ bắt đầu phân công tác, Lâm cầm tay lái, đạp thắng, và tổng chỉ huy cuộc tốc hành, còn Dũng chỉ thừa lệnh, chỉ có nhiệm vụ sang số từ một lên tới hai ba bốn khi nhận lệnh. Xe ngoan ngoãn lăn bánh, Lâm ra lệnh bỏ số một và lần lần qua số hai, ba, bốn, xe từ từ bò dần lên con đường dọc bờ đê vắng vẻ. Dũng làm công việc nhẹ nhàng hơn, nên cũng ngân nga nhại vài câu hát của Hoàng Thi Thơ, để nói lên nỗi lo sợ: ta đương đi trên bờ đê rớt xuống sông cả cuộc đời tiêu luôn. Nhưng rồi quen dần và năm ba lần rồi cũng thành thạo và noi gương Từ Hải: dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
Rồi thời gian lặng lẽ trôi, và người tỵ nạn bắt đầu khôn lớn mọc lông mọc cánh, đa số tìm được công ăn việc làm, trẻ thì đi học chữ và nghề, còn những kẻ lươn ươn trẻ không trẻ, già không già bôn ba đi tìm nghề riêng tư như đi làm ở nông trại hay lặt củ bông, lột vỏ tôm, may vá rất khấm khá, nhưng hái được đồng tiền cũng khá vất vả, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Sau một mùa lặt củ bông nhiều lao động viên bị lột móng tay cái vì ép sức lao động quá mức. Có kẻ đi hái dâu, hái dưa, lượm củ dền cũng biến thành bà vợ của thi sĩ Tú Xương, chân đi chữ bát, vòng kiềng. Riêng một số ít người mạo hiểm mở nhà hàng, quán ăn. Nhưng vì sớm bon chen, thiếu kinh nghiệm về đầu bếp, nên chẳng mấy thành công, và một lý do là không cạnh tranh đựợc với những nhà hàng của mấy chú Ba Tàu.
Rồi một phép lạ, trời cũng thương cho, đẻ ra một nghề mới xuất hiện trên thị trường Hà lan, nghề đi lượm bạc cắc, tương đối thành công, cạnh tranh ngang hàng với những món ăn phổ thông và nổi tiếng nhất. như khoai tây chiên, patat, hamburger, hot dog của Mỹ. v.v.. đó là sự khai sinh ra nghề bán chả giò, gọi theo tên Hà-Lan là Loempia, giá chi có tám chục xên tới một đồng (gulden) năm 1980. May mắn thay ở Hà Lan có khoảng hai ngàn khu chợ trời, ai nhanh chân, hay gặp hên xin được chợ lớn thì thu lợi nhuận khá hơn. Để hiểu vì đâu mà món ăn chả giò rất nổi tiếng ở Hòa Lan và đôi khi họ còn chọc ghẹo như câu nói rất vui nhộn ‘loempia met sambal erbij’. Có lẽ trời phật đã độ lượng chăng? Sự ngẫu nhiên theo sự tiết lộ của một chủ nhân, nó bắt đầu từ gia đình kia làm một bữa tiệc thết đãi người bảo trợ, họ ăn cái chả giò nóng hổi giòn rụm với chén nước mắm mặn mặn cay cay hoặc tương ớt tự chế ăn thật tuyệt vời. Từ cái ngon miệng đó họ có sáng kiến và khuyến khích thử đưa vào thương mại và họ chỉ dẫn cách thức xin chợ, chủ nhân, vài người háo hức nhanh chân đi xin các chợ và thành công. Rồi một sáng tinh mơ hai vợ chồng chuẩn bị sẵn sàng quảy gánh ra bán với cái nồi, dầu, bếp ga, cọng thêm cái lòng tham không đáy mang theo cả trăm cái chả giò v.v.. Dàn trận đã xong, dầu đã lên độ, hai tay hốt năm ba cái quăng cái chũm vào chảo dầu, dầu văng tung tóe lên cả mặt họ, đưa tay chùi chùi, rồi vớt những chiếc chả giò đã sáu phút trốn lặn dưới đáy nồi để trang điểm lại nhan sắc bạc trắng sang màu vàng hườm, hấp dẫn, bây giờ nổi lên trình diện với khách hàng. Liền có một bầy gái Tây duyên dáng đẹp lộng lẫy, như cô gái quảng cáo sữa tươi Hòa Lan tiến đến cất giọng, nói một cách lịch sự ‘mag ik tien loempias aub.’, được phép mua mười cái loempias (chả giò). Mừng quá vì được một khách mua mở hàng, tay run run gắp cái chả, nhưng cái chả giò ngoan cố trượt lên trượt xuống không muốn trao thân ngọc ngà cho kẻ khác và có lẽ vì cô gái hớp hồn hay vì mừng quá run tay, rồi từ đó mùi dầu bốc lên thơm ngất làm cơn đói dùi đục trong bao tử của khách bộ hành qua lại nơi đó nổi lên đòi hỏi, và họ cuồn cuộn xúm tới mua thật tấp nập. Chẳng mấy chốc cái thùng đựng chả đói meo và hốt tiền bỏ túi với niềm vui hớn hở ra về và tính toán cho ngày mai đi chiếm chợ.
Rồi từ đó, làn sóng được lan truyền khắp gần hai ngàn cái chợ trời và từ đấy, đa số các chợ trời đều có mặt hàng chả giò ngự trị. Lúc ban đầu với dụng cụ thô sơ, nồi niêu soong chảo đặt trên một cái sạp, nay thì tiến nhanh tiến mạnh tiến nhảy vọt, với những dụng cụ tối tân hơn, nào xe, nào lò chiên, tủ lạnh v.v.. Nhưng rồi cũng bị cạnh tranh, cụ thể như hãng chả giò của chàng Trịnh Vĩnh Bình xông pha trận tuyến, lấn áp, nhưng quá sớm nên không phát triển được mấy. Tuy nhiên danh nhân nầy được tin chính quyền cộng sản sớm mở cửa nên nhanh chân về Việt Nam kinh doanh địa ốc rất thành công. Nhưng chữ tài đi với chữ tai một vần, đúng như cụ Nguyễn Du đã cảnh báo trước đây mấy trăm năm. Thế rồi một buổi hoàng hôn rơi xuống, doanh nhân hát bài: Đời lắm phong trần tay trắng tay. Nhưng chưa yên, con heo đã mập thì theo truyền thống của cộng sản là đưa vào lò mổ. Chẳng những thế họ còn tặng thêm mười ba cuốn lịch nữa, anh đã gỡ được mấy tấm rồi không biết, nhưng giờ thấy anh xuất hiện bên xứ cờ hoa và tìm cách kiện lên tòa án quốc tế và thắng kiện, tòa phán quyết bên bị cáo phải bồi thường một tỷ hai trăm ngàn đô la Mỹ. Tuy nhiên họ có thi hành hay không là tùy nhà nước cộng sản, nếu không quỵt được sẽ phải trả phí càng ngày càng cao, lãi mẹ lẫn lãi con và nhiều chi phí khác nữa. Điển hình những vụ đã qua. Chuyến máy bay MH17 của Hà Lan bị Nga bắn rơi, làm thiệt mạng nhiều hành khách, có bằng chứng rành rành mà Nga chối lem lẽm không nhận tội, nhưng chờ diễn biến trong tương lai sẽ trả lời. Cái gương trước mặt còn đó, vụ kiện của hãng máy bay Pháp kiện nhà nước Việt nam, dần dà cũng phải trả đến cả trăm triệu.
Thôi qua chuyện liên quan đến hiện trạng đời sống nơi xứ người, và, còn nhiều khía cạnh vui buồn lẫn lộn thúc đẩy đà tiến hóa, đẻ thêm những nghề mới, đem lại sự phúc lợi cho những người dân Viêt sống trên mảnh đất thân yêu nầy.
Một làn sóng mới từ hiệp chủng quốc Hoa Kỳ thổi qua, tô điểm cho những đám không mày râu xứ tulip một bàn tay duyên dáng mỹ miều do các cô gái Việt khéo tay vẽ vời, ân ái nhẹ túi tiền cho thân chủ, nên càng ngày càng tiến triển và thịnh hành. Một điều họ trách móc bâng quơ sao làn sóng thổi sang Hà Lan muộn màng thế, chứ ở Mỹ đã nhiều doanh nhân của nghề tô điểm móng tay nầy đã thành triệu phú.
Thôi các cô ơi nhẫn nại đi, túi sẽ rủng rỉnh, dần dà rồi mấy cô cũng thành công như họ.
Nam Bình Bùi Công Hải