Cả tháng nay, anh chàng than đau chân, đi khập khễnh như chim cánh cụt, gọi bác sĩ hẹn ngày khám, thấy anh cũng ăn được ngủ được nên cũng không lo lắng gì. Vậy mà chiều nay anh té cái độp trong phòng tắm, chới với vì chóng mặt, may mắn là không trầy da tróc vẩy, cả nguời mọi thứ đều ok, nhưng phải gọi xe cứu thương cho an toàn long thể, hồi đó tới giờ nghe tiếng còi hú vang vọng đâu đâu, vậy mà bữa nay nó đậu ngay nhà mình mới ghê. Mấy nhân viên AMR khiêng anh lên xe chạy cái vèo tới phòng Emergency, rồi xúm nhau xét nghiệm tùm lum, phát hiện ra anh có khối u trong não, nhưng hên là nó nằm ở vị trí không nguy hiểm tới tánh mạng. Nhưng ông bác sĩ quyết định chuyển anh tới bệnh viện chuyên khoa về vấn đề u (ám) này càng sớm càng tốt, mà chuyển bằng máy bay mới hết hồn chớ, trong khi khoảng cách chỉ có 42miles, tội nghiệp anh chàng hoang mang "rình rang kiểu này mai mốt nó gởi bill về chắc mất đứt căn nhà" hai vợ chồng nhìn nhau cuời méo xẹo. Kệ, miễn bảo toàn tánh mạng là tốt rồi ông Đồ ơi.
Đứng chờ máy bay cất cánh trong màn đêm mất hút, cô nàng mới lủi thủi ra gọi Uber về nhà, bệnh viện lúc nửa đêm về sáng vắng đến rợn người, ma quỷ nhà thương không làm em run sợ, chỉ lo có kẻ xấu nào lang thang qua đây thì em chết chắc. May quá tới nhà lúc 3 giờ sáng bình yên. Một cuộc gọi từ bệnh viện báo tin anh chàng nhập viện OK, "don' t worry, good night."
Biết vậy chớ dễ gì ngủ ngon đêm nay, ngày mai phải khăn gói lên ở bên chàng thôi, hồi đó tới giờ chưa bao giờ hai đứa hai nơi...
- Đó là một bệnh viện lớn mà tôi mới biết được ở vùng heo hút này, tôi hỏi tên anh và đi thẳng vào phòng cấp cứu, gặp nhau vui hết biết, chỉ có xa mấy tiếng trong đêm về sáng mà cả hai mừng như mấy thế kỷ không gặp, tôi nắm tay anh âu yếm như cố truyền chút năng lượng tự tin cho bệnh nhân "đừng lo, có em đây rồi".
Lại đẩy qua một phòng chờ khang trang sáng sủa, có cả sofabeds cho người nhà, nhân viên thấy người phụ nữ dáng vẻ nhỏ con, đội nón kết che mái tóc đen rối bù, quấn quýt bên anh chàng nói cười ríu rít, họ hỏi bằng câu lịch sự dè dặt, "người này là gì của ông?"
Vốn tánh hay đùa, anh chàng giới thiệu một cách hóm hỉnh về tôi bằng một câu tiếng Mỹ rành rọt "có người tưởng là con gái tôi, có người nghĩ rằng là bồ nhí tôi, nhưng đây là vợ tôi, cô ta sẽ chịu mọi trách nhiệm về cuộc đời tôi."
Ai cũng bật cười khi thấy ông già 84 tuổi móm mém, cái đầu mới cạo trọc trong chiếc áo khoác chỏng chơ của bệnh viện, kín trước hở sau, trước giờ lên bàn mổ còn lạc quan tếu. "Cười lên đi em ơi, cười lên giấu những dòng lệ rơi." Phải sẵn sàng để đối diện với cơn đau long trời lở đất này thôi, cả hai chúng tôi đều biết như vậy mà.
Rồi dây nhợ quấn đầy chuẩn bị cho cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện, họ lấy không biết bao nhiêu là ống máu để xét nghiệm, kiểu này chắc anh chàng khô máu như ve sầu thoát xác, con nhỏ cứ xót xa hít hà, chút xíu là đo huyết áp, chút xíu là đo nhịp tim, lâu lâu lại vạch mắt đo cái gì hổng biết... y tá, bác sĩ cứ vào ra nhộn nhịp. Hình như trong bệnh viện không có khái niệm về thời gian, không có ranh giới ngày đêm hay sao ấy, vì lúc nào đèn đuốc cũng sáng choang, người người cứ lượn lờ phòng nọ phòng kia.
Rồi giờ "hoàng đạo" cũng lù lù tới, tôi nắm bàn tay lủng lẳng kim tiêm của anh chàng để trấn an, "Đừng lo, có em luôn luôn bên cạnh anh." Nói cứng vậy chớ trong bụng rầu thúi ruột khi nhìn ánh mắt đau đáu lo âu của anh, chợt nhớ chuyện xưa cảnh thiếu phụ tiễn chồng ra chiến trận, để rồi "anh trở về trên chiếc băng ca"... Mới nghĩ tới đó thôi đã rùng mình lo sợ. Làm gì có em bên cạnh được khi người ta đẩy băng ca anh vào phòng mổ khép kín mít bằng cánh cửa sắt lạnh lùng.
Tôi thẩn thờ ôm ba lô lang thang xuống phòng chờ đợi, còn mấy tiếng nữa hai đứa con gái của anh mới bay từ TX qua yểm trợ tinh thần bà "stepmother" này? Tin nhắn là tụi nó sẽ xuống máy bay lúc 12 giờ khuya nay.
Đêm chợt dài thê thảm!
Tôi ngồi dật dựa ở phòng chờ giữa mênh mông hàng ghế của bệnh viện lúc nửa đêm, sự im vắng rờn rợn vì không còn ai lúc này. Tôi thật sự mệt mỏi và chỉ muốn ngủ gục nhưng ráng đợi tụi nhỏ tới, chúng nó đã đặt khách sạn gần đâu đây và sẽ chở tôi về đó tắm rửa nghỉ ngơi để chờ trời mau sáng.
Những căng thẳng lo âu mấy ngày nay khiến tôi không nhớ chút gì sinh nhật của mình, đến khi thấy bạn bè chúc mừng tá lả trên Facebook mới nhận ra cái ngày trùng với ngày anh vào phòng mổ, đứa con gái viết trong thiệp mừng, "Món quà sinh nhật lớn nhất năm nay của Má là sự phục hồi sức khỏe của Daddy sau ca mổ."
Ừ, chắc nó nói đúng.
Cả ngày đi tới đi lui chờ đợi mỏi mòn trước phòng ICU để mong được thấy anh sống sót trở về, cái lo lắng bồn chồn này không phải vô cớ, khi mà những người bạn trạc tuổi anh trước đây, sau ca mổ họ đã ngủ giấc ngàn thu vì trụy tim, vỡ mạch máu...
Khi băng ca được đẩy ra khỏi phòng mổ, thấy mắt anh mở ra ngơ ngác mệt mỏi, tim tôi đập mạnh hò reo. Ơn Trời, vậy là anh sống rồi, nhìn nụ cười tươi vui của nhóm bác sĩ phẫu thuật, tôi đến "hug" từng người để rối rít cảm ơn... Có lẽ họ chưa gặp người phụ nữ Châu Á nào nhiều cảm xúc đến như vậy.
Phòng ICU có nơi họ không cho người nhà ở lại, nhưng chắc thấy tôi lăng xăng lo lắng cho bệnh nhân quá nên họ kéo thêm cái sofabeds để cạnh bên, thêm mền gối trắng tinh, ngày 3 bữa ăn đầy đủ cho người nhà, sự chu đáo ở đây khiến tôi chạnh lòng nhớ tới mấy bệnh viện ở Sài Gòn, lúc nào cũng đông nghẹt người, họ chen chúc dưới gầm giường, nằm la liệt ngoài hành lang chật hẹp để nuôi bệnh, để chờ đợi gọi tên vào phòng khám với số tiền tốn kém không hề nhỏ cho mỗi trường hợp bệnh tật. Có người phải đành ôm cơn đau về nhà chờ chết vì không có tiền đóng viện phí... Thấy mình hết sức may mắn khi được ở đây và lòng xót xa cay đắng nghĩ về người dân nghèo ở quê nhà, bao giờ đất nước tôi có được những "nhà thương" đúng nghĩa như của thời VNCH?
- Anh chàng "sống "nhưng còn mê mệt vật vã sau ca đại phẫu, vết mổ trên đầu không băng kín, thấy rõ mấy cây kim bấm ghim vết thương giống như staples đóng tập, cái này tôi ngạc nhiên thiệt, sao mà sơ sài quá vậy trời, da thịt mà làm như bìa giấy hổng bằng, hổng lẽ nước Mỹ không có chỉ may vết thương?
Anh nằm thoi thóp như vậy cả tuần, ăn-thở -tiểu đều bằng ống, dây nhợ lằng nhằng quanh người, bắp tay bầm tím trong các đợt lấy máu, mắt nhắm lại khi tỉnh khi mê, trông anh chàng xanh xao thấy mà thương, bác sĩ, y tá cứ vào ra thăm chừng, thỉnh thoảng anh cựa quậy theo yêu cầu, tay và chân trái như tê liệt không nhấc lên nổi. Đứa con gái lo lắng hỏi bác sĩ, ông bảo trường hợp này không sao, khi nào vết thương trên đầu lành thì mọi thứ sẽ được hồi phục lại.
Tôi thì nhấp nhổm không yên, cứ suốt ngày ngồi cạnh đầu giường thủ thỉ nói chuyện này kia, theo lời dặn của ông anh chồng bên TX gọi qua dặn dò "em ráng nói chuyện cho nó nghe nha "(cái kiểu này chắc ông coi trong phim Hàn Quốc) và tôi cũng cố dụ dỗ bệnh nhân mỗi ngày, "Anh à, anh phải ráng tỉnh lại nhe, anh có vợ đẹp (?) con khôn, có cháu nội ngoại cả bầy, có nhà xe đầy đủ, có lương hưu mỗi tháng vô acc, có nhiều bạn bè luôn quan tâm thăm hỏi, có học trò gần xa đều quý mến thương yêu, anh đã sống một đời đàng hoàng có ý nghĩa cho xã hội, vậy còn chút xíu đoạn đường mười mấy năm nữa anh phải ráng bước với em nhe anh..."
Không biết anh có nghe không, hay nhờ lời cầu nguyện bình an của bạn bè thân quen góp lại động lòng Trời Phật, hoặc do cảm nhận tấm chân tình của vợ hiền mà khuya ngày thứ mười một, khi tôi đang trăn trở khó ngủ thì nghe anh chàng kêu tên "Ánh ơi" thảng thốt, dù âm thanh còn lùng bùng trong họng, nhưng đó là dấu hiệu của sự hồi sinh sau cơn mê, mừng quá tôi nắm tay anh reo vui "Dạ em đây", anh cố gắng mở mắt nhìn "người yêu bé nhỏ" và mấp máy đôi môi khô héo.
- Ánh ơi, anh thương em.
- Dạ em cũng vậy, em thương anh mà.
Nói xong hai đứa cười hớn hở, thiệt tình thấy cảnh này sao giống trong cải lương ghê, tôi bấm máy thu lại hình ảnh người trở về từ cõi chết để khoe với mọi người là anh ấy tỉnh lại rồi. Mỗi ngày đều có các bác sĩ, thực tập sinh đến theo dõi bệnh trạng của anh, họ quan tâm đến sự phục hồi trí nhớ của bệnh nhân nhiều hơn, đứa con gái thấy vậy cũng đố vui ba vài câu như "Ba biết truyện Kiều của ai không?" Anh đáp nhanh "Nguyễn Du."
Ba biết đoạn tiếp theo "biên cương lá rơi Thu Hà em ơi..." và hỏi cái gì anh cũng đều nhớ, đều biết rất rõ ràng, sự phục hồi nhanh chóng so với tuổi 84 gần đất xa trời của anh khiến ai cũng vui mừng, kinh ngạc, không biết cái năng lượng tình yêu của tôi có góp phần vào sức mạnh phục sinh cho anh không, nhưng sự tỉnh lại này là một Hạnh Phúc cho cả hai đứa.
Thú thật những ngày anh còn nằm mê man, tôi cứ lo lắng tâm trí anh lãng đãng, quên trước quên sau như bệnh thường gặp của một số người già, nhưng bây giờ thì yên tâm rồi, tôi kể chuyện với bạn bè là anh tỉnh dậy gọi đúng tên tôi, chớ nhớ tên Hồng Lan Đào Diễm nào đó thì chắc buồn chết đi được...
Thấy tình trạng sức khỏe của anh dần ổn định, bệnh viện lại chuyển anh qua Rehab để tập vật lý trị liệu, điều đáng tiếc là ở đây không cho người nhà được ở lại.
Xe chuyển tới nơi cũng 5-6 giờ chiều, nhìn quanh khu Rehab này sao thấy nhếch nhác quá, toàn là người già giống như nursing home mà tôi từng biết. Tự dưng thấy lo lắng cho anh khi ở lại một mình nơi đây, phòng chật hẹp có 2 người, cách nhau cái màn mỏng, giường không có thanh chắn an toàn, nó khác xa mọi tiện nghi của bệnh viện mà chúng tôi đã ở mấy tuần trước. Nhưng thôi cũng đành, chắc anh chỉ ở tạm chừng tuần. Tôi tự an ủi mình ráng lên, và xách giỏ ra đón xe về khi trời sụp tối.
Hồi trẻ, đi giang hồ đây đó, khi bóng chiều lãng đãng hoàng hôn mà còn lang thang chưa về tới nhà, nhìn con đường vắng vẻ phía trước, hay thấp thoáng nhà ai có đèn lúc trời chạng vạng thì đã thấy chùn bước vì buồn rồi. Huống gì bây giờ già, đi một mình trong buổi chiều tối mà nhà còn xa lắc, thấy cả trời cô đơn vây bủa. Chia tay ra về cho kịp chuyến xe, anh chàng nhìn theo như sắp khóc khi ở lại một mình đêm nay. Biết thế nào hai đứa cũng mất ngủ vì phải chấp nhận cảnh "mình ên."
Dù khu Rehab thì có đông người ở, nhân viên lúc nào cũng tới lui bận rộn, nhưng vẫn thấy thiếu một bàn tay để nắm, một ánh mắt chia sẻ ấm áp luôn dành cho nhau của cặp tình nhân trong buổi xế chiều. Ba tuần nay có ngủ nghê gì đâu, đêm trong bịnh viện cứ chập chờn nhân viên vào ra, khi thì lấy mẫu máu, lúc lại đo nhiệt độ. Nửa khuya lại có nhóm sinh viên thực tập bu quanh hỏi những câu như ngớ ngẩn để kiểm tra xem trí nhớ người bệnh có bị hỏng hóc ở đâu không, chọc cù lét coi tay chân có nhúc nhích hay bị liệt chỗ nào. Thiệt tình mất ngủ nên dễ nổi quạu, nhưng ít ra hai đứa cũng bên cạnh nhau trong suốt thời gian mệt mỏi, dù chỉ một chiếc dép sút quai,và chiếc kia coi cũng không lành lặn gì, có điều vẫn song hành chia sẻ bước thấp bước cao trên đường đời còn lại.
Cứ nghĩ một tuần có là bao, để anh chàng phục hồi mấy cái chức năng vận động còn lạng quạng sau ca phẫu thuật, tập đi, tập ngồi dậy, tập cầm muỗng ăn, tập nuốt và thậm chí tập ngồi bô như em bé.
Hãy ráng lên nhe anh, chỉ cần đứng vững trên đôi chân của mình là anh có thể vịn vai em mà bước tới, mọi gập ghềnh phía trước đã có em lo. Dĩ nhiên em không phải cây tùng cây bách để chở che mọi sóng gió cuộc đời của anh, em chỉ là cây sậy mỏng manh nhưng sức chịu đựng thì luôn bền vững, chấp luôn!
Nói vậy chứ tối ngủ một mình thấy cô đơn gì đâu á. Ở đằng nớ chắc ảnh cũng trằn trọc mong trời mau sáng để gặp em với "nụ cười tỏa nắng." Tội nghiệp mấy bữa rày cứ nắm tay em miết, rồi thủ thỉ "Già rồi, tụi mình cần có nhau biết bao nhiêu." Ừa, hứa nhen.
Buổi sáng tất tả vô thăm, thấy anh thảm hại như con mèo ướt, hỏi ra mới biết tối qua anh bị té xuống sàn nhà, bản năng sinh tồn anh vớ cái gối che đầu lại, may mà giường cũng thấp nhưng sức yếu anh loay hoay cả buổi vẫn không leo lên được, trời tối không tìm thấy nút bấm gọi nhân viên giúp đỡ, và anh đã nằm chỏng chơ dưới sàn đến sáng. Nghe anh kể mà thương anh đến nghẹn ngào, kể lại cho con gái, nó nóng mặt gọi vô văn phòng la một trận, dĩ nhiên là họ sorry cho xong chuyện, như được nước làm tới con bé yêu sách là phải cho tôi ngủ lại để chăm sóc anh. Có lẽ thấy con bé Châu Á dữ dằn quá nên họ đành chấp nhận.
Thế là hai đứa lại bên nhau, ngủ hơi chật chội chút, nhưng yên lòng, có điều tôi sống cực khổ hơn vì không có chỗ tắm rửa, không biết tiệm quán nào gần để ăn uống đàng hoàng, cứ mì gói trường kỳ kháng chiến, vài bữa đi vô fitness tắm lần, còn quần áo thì tìm chỗ giặt công cộng bằng tiền coin, có lần gặp tên homeless đi lang thang, ôm bọc đồ dơ sao giống mình quá, nhưng mà hắn không có tiền để giặt, tôi lại động lòng giúp kẻ sa cơ, thấy hắn vui ra mặt. Có bữa sáng sớm tắm ở Fitness ra đói bụng cồn cào, tôi gõ cửa xe một tên đậu trong parking, nhờ hắn chỉ chỗ mua thức ăn, chắc dòm điệu bộ của tôi nghèo khổ quá, hắn móc túi cho 1$, tôi bật cười và tự dưng thấy thương mình ghê, bụi đời cỡ nào cũng chịu được.
Mấy bạn nghe kể khổ quá, nhà xa cả tiếng lái xe cũng ráng chạy lên thăm, mang theo đầy nhóc đồ ăn giúp sống sót được vài ngày, thiệt là tình thương mến thương, cám ơn bạn hiền, cám ơn luôn chị bạn mới quen trong khu Rehab, lâu lâu cho hộp cơm nóng ngon gì đâu.
Tưởng 1 tuần thôi, dè đâu ở đây gần cả tháng, nhưng được ở lại bên anh là vui rồi, tôi có dịp học cách thay tã dọn giường rất bài bản của nhân viên y tá, học cách điều chỉnh độ cao thấp giường để cho anh ngồi dậy dễ dàng và tự tay múc đồ ăn đưa vào miệng, cái tay còn run run nên đôi khi rơi vãi "không sao, có em dọn cho, nhưng anh giống baby quá trời," tôi cười chọc anh, và mỗi lần như vậy anh cố gắng hơn. Ngày ngày đẩy xe anh đến phòng physical therapy để tập tay chân, tôi cũng quan sát để mai mốt về nhà tập cho anh, cứ vô Fitness thì máy móc có đủ loại, còn đi bộ mỗi ngày 2 miles đối với chúng tôi là chuyện nhỏ.
Tôi và anh đều cố gắng hết sức để mong được sớm xuất viện trở về nhà, hơn tháng trời rồi, tôi thật sự mỏi đuối, nhưng nhìn sức khỏe anh ngày dần hồi phục, tôi vui mừng lắm. Anh có thể bỏ walker đi chầm chậm một mình, anh nắm tay tôi thật chặt và nói đùa là bên anh luôn có cây gậy 110 lbs giúp anh vững bước. Anh đâu biết rằng qua cơn bệnh của anh, cây gậy sụt mất mấy ký lô, bạc nửa mái đầu.
Rồi cũng tới ngày được trở về mái nhà xưa, anh chầm chậm bước xuống xe, home sweet home thật tuyệt vời, dù cả tháng vắng nhà, cây cối rác bụi ngập tràn, hoa lá héo úa xác xơ, bụi cúc vàng nở muộn vì thiếu nước nhưng cũng ráng vẫy mừng anh bước lê trên thềm nắng, mừng anh thoát qua bờ tử sinh mong manh bằng hơi tàn sức tận của một kiếp người sương gió, bằng tình yêu thương thăm hỏi, lo lắng, chia sẻ của bạn bè người thân ở khắp nơi gởi về qua email, qua tin nhắn tràn phone, lớp lớp học trò gần xa quý mến đã thường xuyên vấn an sức khỏe Thầy và hơn thế nữa là trái tim yêu thương cùng sự chăm lo tận tụy hết lòng của "người vợ bé (bỏng)" suốt những ngày trên giường bệnh đã giúp anh bình phục như điều kỳ diệu đầy ơn phước của Đấng thiêng liêng, để thấy yêu đời yêu người hơn, biết quý trọng cuộc sống chung quanh, biết khoan dung và buông bỏ.
Xin cám ơn tất cả bạn bè quý mến, cám ơn các con cháu học trò khắp nơi bằng tấm lòng thương yêu.
Xin cám ơn người, cám ơn đời đã mang niềm tin và sức mạnh cho anh ấy, để chúng tôi còn có thể nắm tay nhau thêm mười mấy năm nữa trên đoạn đời còn lại.
Ngọc Ánh