Ông Già Noel khóc
Không hiểu sao Ông Già Noel lại đọc được tất cả thư của trẻ em trên khắp thế giới! Vậy Ông là ai? Ông có thật hay không? Nhà của Ông ở đâu? Đó là những câu hỏi quá quen thuộc mà các bé vẫn đặt ra, làm cha mẹ của các bé khó trả lời, có chăng là những câu trả lời để tránh làm các bé thất vọng.
Ông Già Noel cũng không trả lời được luôn!
Bởi vì Ông biết có rất, rất nhiều Ông Già Noel ở khắp nơi. Cho nên Ông không muốn giành một vị trí đặc biệt. Ông có thể chỉ là do trí tưởng tượng mà có, mặc dù mọi người đều biết có một vị thánh được xem là Ông Già Noel nguyên thủy. Nhưng không hiểu tại sao Ông đây lại có thể đọc được thư của các bé, một khi bé đã viết thư cho Ông.
Vâng, một khi bé đã viết thư cho Ông, thì Ông sẽ đọc được. Có bé gửi thư qua đường bưu điện, có địa chỉ, tên người gửi và người nhận, có dán tem hẳn hoi. Đương nhiên tên người nhận là Santa Claus, và bé sẽ nhận được một món quà. Nhưng cũng có nhiều bé để thư ở đầu giường, chân giường, hoặc ở trước lò sưởi, đâu đó trong nhà của mình. Và Ông cũng đọc được. Thường thì các bé khoe với Ông là mình rất ngoan, chăm học, vâng lời cha mẹ thầy cô, kế đó là trình bày một điều ước rằng Ông sẽ cho bé quà. Có bé chỉ xin một món đồ chơi. Nhưng cũng có rất nhiều bé ghi rõ cho Ông Già Noel cả một “wish list” dài. Cũng không vì bé tham, mà vì mỗi năm Ông Già Noel chỉ đến với bé một lần.
Có một bức thư, không gửi bưu điện, mà để trên bàn học. Ông Già Noel đọc được.
“Santa Claus thân yêu,
“Cháu ở Newtown. Đã mười năm nay cháu không viết thư cho Ông. Không phải cháu ghét Ông, mà bởi vì cháu quá buồn. Ông có biết không, vào năm 2012, giữa tháng 12, khi cháu vừa mới gửi thư đi cho Ông thì một chuyện buồn xảy ra. Cháu không hiểu vì sao các bạn nhỏ ở tuổi lên sáu lại biến mất khỏi cõi đời này, chỉ vì một tay súng trẻ điên cuồng. Cháu không hiểu vì sao người ta coi súng đạn như trò chơi. Cha mẹ của cháu không giải thích rõ ràng cho cháu, vì thật ra họ cũng không hiểu vì sao. Noel năm đó cháu nhận được một món quà đúng như ý thích của cháu, nhưng cháu không thích nữa. Cháu nghĩ chắc Santa Claus quá bận rộn nên không chú ý đến những chuyện buồn như vậy. Ông quá bận rộn, cháu hiểu, bởi vì Ông phải lo vô số món quà cho vô số bé ở khắp mọi nơi. Và thế là cháu thu mình lại trong nỗi buồn cùng với sự ray rứt. Tại sao? Tại sao? Cháu hỏi rồi cháu tự trả lời. Vậy đó Ông, Santa Claus thân yêu!
“Nhưng năm nay cháu đã mười bảy tuổi. Cháu giật mình. Thế mà các bạn nhỏ ngày đó, ở Newtown, không được lớn lên. Cũng như những bạn nhỏ ở Uvalde, và ở nhiều nơi khác nữa, trên đất nước này. Nghĩ thế rồi cháu lại cảm thấy đau khổ. Rồi cháu nghĩ có thể cháu phải tâm sự với Ông Già Noel, Santa Claus. Lâu nay cháu chỉ xem Ông là một ông tiên nhân từ vui vẻ. Nhưng ngay lúc này, cháu mong muốn Ông trở thành một người bạn của cháu, Ông ơi!
“Cháu dừng đây! Cháu chỉ để thư trên bàn học, không hy vọng Ông đọc nó. Bởi vì cháu đã lớn, đã biết Ông Già Noel không có thật.”
Ông Già Noel nghe hai mắt mình cay xé. Đã bao nhiêu năm nay Ông đọc những bức thư, không biết bằng cách nào Ông có được, ghi những lời lẽ ngây thơ vụng về. Ông nào hay có những góc thật sâu trong lòng các bé chứa những nỗi đau không diễn tả được, những nỗi ám ảnh lớn lên cùng các bé. Ông từng biết đến là đại diện cho niềm vui, cho sự hân hoan sung sướng, và vô tư như tiếng nhạc rộn ràng “Jingle Bells” vang lên mỗi dịp Noel. Ông bay đi khắp nơi, miền nào Ông cũng ghé chân. Ông vào nhà qua ống khói của lò sưởi, như truyền thuyết, đặt những món quà cạnh lò sưởi. Mà đâu phải nhà nào cũng có lò sưởi! Không sao, Ông rón rén đến bên giường, bên bàn học, thậm chí trong một góc bếp, đặt những gói quà, dành sự ngạc nhiên cho các bé khi chạy đi tìm vào sáng hôm sau. Chỉ vậy thôi.
***
“Chào bé!”
“Ô! Ông là Ông Già Noel?”
“Phải rồi!”
“Ông là Ông Già Noel thật hở?”
“Có Ông Già Noel giả sao?”
“Ý cháu muốn nói là Ông đến với cháu thật ư?”
“Thật chứ!”
“Ông cười đi!”
“Hô! Hô! Hô!”
Em bé sung sướng ôm chặt lấy Ông. Em cũng đã từng ôm Ông Già Noel, chụp đủ kiểu hình với Ông, chính là những Ông Già Noel trong các khu thương xá. Họ cũng biết cười “hô hô hô” như Ông vây. Dù biết đó là người hóa trang, nhưng em cũng vui lắm, vì mỗi năm chỉ có một lần. Nhưng lần này, em tin rằng đây là Ông Già Noel thật, không phải hóa trang. Bởi vì Ông đã đến trong giấc mơ của em.
***
“Chào bé!”
“Sao Ông vào được đây?”
“Ông cũng không biết nữa! Cháu mệt lắm phải không?”
“Vâng cháu mệt lắm! Nhưng cháu cũng viết được lá thư gửi Ông rồi.”
“Ông đã đọc. Ông sẽ tặng cháu món quà cháu muốn.”
Ông lấy trong chiếc túi lớn ra món quà cho em. Một mái tóc! Em vui mừng đội ngay mái tóc lên đầu. Gương mặt em sáng trưng dưới mái tóc óng mượt. Em nói trong tiếng thở khó khăn:
“Cám ơn Ông, Ông Già Noel.”
“Cháu mau khỏe lại nhé!”
“Vâng. Cháu ao ước khi lớn lên cháu sẽ làm việc ở địa chỉ North Pole, để mỗi năm cháu giúp mọi người đọc thư, mua quà, gói ghém gửi qua bưu điện cho các bé như cháu.”
“Cháu sẽ làm được.”
“Vâng. Xin cám ơn Ông, vì Ông đã vào trong giấc mơ của cháu.”
***
Và như thế, Ông đã đi vào giấc mơ của các bé. Ông cũng nhìn các bé trong thực tại, xem các bé học, xem các bé chơi, xem các bé sinh hoạt ra sao. Ông bàng hoàng khi đến những vùng đang xảy ra chiến tranh. Những em bé Ukraine co ro trong hầm trú giữa mùa đông lạnh giá. Những em bé ở Gaza lạc cha mẹ trên đường chạy loạn hay bơ vơ trong bệnh viện. Những em bé bám trên lưng cha mẹ rời bỏ mảnh đất nghèo khó bất ổn, vượt sông vượt rừng, không biết sẽ đến nơi đâu. Còn nữa, những em bé Phi châu quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, gầy ốm trơ xương. Những em bé sau đại dịch trở thành trẻ mồ côi. Các em không có tuổi thơ, hoặc có, là một tuổi thơ bị cướp mất.
Ông đến xứ Việt, nơi mà tên của Ông được viết thành “Ông Già Nô-en” một cách gần gũi vì dễ đọc. Dù mùa đông không có tuyết, thậm chí nóng bức, người ta vẫn thích có Ông Già Nô-en mỗi mùa Giáng Sinh.
“Chào bé!”
“A! Ông Già Nô-en!”
“Bé biết Ông hở?”
“Dạ biết. Cháu thấy hình của Ông trong mấy tiệm đồ chơi. Nhưng cháu chưa hề viết thư cho Ông. Cháu không biết chữ.”
“Ô… Ông… hiểu rồi!”
“Nhưng cháu cũng muốn có quà. Ông có thể cho cháu không?”
“Có chứ! Bé muốn quà gì?”
“Cháu không xin quà cho cháu, mà xin Ông giúp ba má cháu có việc làm khá, không phải ở nhà lụp xụp, để cháu có thì giờ đi học. Bây giờ thì mỗi ngày cháu phải đi lượm đồ ve chai, sắt thép vụn, giúp ba má có thêm tiền. Ông Già Nô-en ơi! Ông có giúp được không? Một bạn nhỏ trong khu xóm của cháu, cuối năm rồi đi lượm sắt vụn, té xuống trụ bê-tông chôn sâu dưới đất, hai mươi ngày sau mới đem lên được. Bạn ấy chết rồi Ông ơi! Cháu cũng xin Ông giúp cho tất cả bạn nhỏ như giúp cho cháu. Ông ơi! Ông có giúp được không?”
Ông Già Noel bị hất ra khỏi giấc mơ của đứa trẻ. Ông chưa kịp hứa hẹn gì. Ông bàng hoàng, chợt nhận ra món quà mà cậu bé xin quá lớn. Ông đã thấy từng tốp người, đa số là phụ nữ và trẻ con, lang thang lượm từng cái lon, từng hộp giấy trên những bãi rác khổng lồ, hoặc tìm kim loại vụn trên đất công trường xây dựng. Các em chắc chẳng có thì giờ nghĩ về Ông Già Nô-en? Hay các em cũng có lúc dán mắt vào những tủ kính, thèm muốn những món đồ chơi, và ước ao được Ông Già Nô-en cho quà? Chiếc xe thần thoại của Ông Già Nô-en bay qua những vùng đen tối không ánh đèn, nơi có những người lớn và trẻ em kiếm sống bằng nghề lượm rác, rồi vọt ra những vùng rực rỡ, đèn sáng trưng như hội sao. Chỉ cách một cây cầu, hoặc một khúc đường, là hai cảnh đời trái ngược.
Ông đã phân phát hết túi quà, nhưng sao Ông không nghe vui? Lòng nặng trĩu, Ông ngồi xuống trong bóng tối. Ông ngồi trong sự im lặng đáng sợ, rồi chợt nghe nhịp tim mình vang to như tiếng vọng từ lòng giếng sâu. Ôi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai đã dày xéo trái đất này. Chưa hết, còn sự bất an của xã hội nữa. Làm sao để trẻ thơ có thể hưởng cuộc sống ấm êm? Ông không phải là Thượng Đế để làm nên sự thay đổi hoàn toàn. Ông cảm thấy nước mắt mình rơi xuống.
Bỗng dưng Ông ao ước có một Ông Bụt, một Ông Bụt trong truyện cổ tích Việt, hiện ra và hỏi Ông: “Vì sao lại khóc?” Ồ! Ông đâu phải là trẻ nhỏ. Ông chưa từng nói lên niềm ao ước của mình. Cả đời ông chỉ biết đáp lại niềm ao ước của các trẻ nhỏ. Ông không có tuổi, hay đã có cả ngàn năm? Santa Claus đã chết, nhưng biểu tượng Ông Già Noel vẫn được nuôi sống mãi. Tuy hình ảnh đó được nhân lên, được thương mại hóa, các Ông Già Noel có mặt ở mọi nơi mỗi dịp Giáng Sinh về, nhưng đó phải chăng là do con người vẫn muốn tôn vinh một biểu tượng của lòng rộng lượng và nhân ái? Ông mong là như thế.
Ông cho tay vào chiếc túi lớn Ông thường vác trên lưng. Ông muốn tự tặng cho mình một món quà. Chỉ còn lại một viên kẹo, không biết từ gói quà nào rơi ra. Viên kẹo như con cá bống sót lại trong chiếc giỏ của cô Tấm, một cô Tấm ngoan hiền nhân hậu trong truyện cổ tích Việt, chỉ biết thương yêu, không biết trả thù. Như còn sót lại cho Ông một niềm hy vọng!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Noel 2023