User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
noi dau 
(Viết tặng Minh Du)
  • Những ngày đầu tiên đặt chân đến xứ Mỹ với những mộng tưởng ngút trời và với một mắt nhìn ngơ ngác, những mộng đẹp về một đất nước thiên đàng, cái gì cũng có, cái gì cũng sẵn đang chờ đón mọi người phải chăng đó chỉ là ảo tưởng mà đàng sau là những niềm đau, những cam chịu đắng đót.
Gia đình Kim gồm sáu người ra đi trong niềm hoan hỉ, trong sự tiễn đưa rất thâm tình của bà con bạn bè. Đi Mỹ mà được đi bằng máy bay, đi cả nhà, lại được đưa tiễn chí tình, tiệc tùng đình đám có đủ…. hỏi còn may mắn nào hơn.
 
Sau hơn bảy năm gian khổ trong các trại tù cải tạo ở miền Nam, không phải ra hưởng cái lạnh buốt xương, lại không nếm mùi tử khí qua các trại tù cải tạo đầy hiểm ác của xứ Bắc, Ngữ chỉ ở loanh quanh các trại tù của vùng miền Trung rồi được thả về, tuy cũng gian khổ, cũng khổ nhọc triền miên hơn bảy năm nhưng Ngữ được vợ nhà lo bới xén theo định kỳ nên cũng tạm no đủ trong thời gian lao lý.
 
Ngày trở về, Ngữ cũng được đón tiếp chu đáo và cả nhà dắt díu nhau về Saigon… bôn ba qua nhiều vùng gian khổ, kiếm ăn từng bữa qua những hè phố của “Hòn Ngọc Viễn Đông”, từ những việc rất nhỏ như bán chợ trời, sửa xe đạp, bán cà rem, may gia công, chạy xe ôm…
 
Và chức vụ cuối cùng khi từ giã đất nước ra đi là nghề “May hàng bỏ chợ”, những công việc kiếm sống chụp giựt trên đất Saigon của thời gian sau ngày trở về cũng đã cho vợ chồng Ngữ và Kim biết bao kỷ niệm, biết bao đắng cay cũng chỉ để kiếm sống qua ngày và no đủ cho đám con bốn đứa đủ ăn đủ mặc cũng là may mắn lắm rồi đâu dám mơ chi chuyện xa vời, mặc dù đôi lúc bạn bè cũng có rủ rê “tìm đường ra đi”, nghĩ đi nghĩ lại với số vốn ít ỏi của hai vợ chồng nếu bòn hết lại cũng chỉ đủ để đóng cho Ngữ ra đi… Kim sẽ làm gì với đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn…
 
Thời gian từ năm 90 có tin đồn là những người đi cải tạo về được chính phủ Mỹ cho đi định cư theo diện HO. với những “Lệnh Tha” từ ba năm trở lên. Hàng ngày chạy chợ về Ngữ hay ghé ngang chỗ phỏng vấn gần nhà thờ Đức Bà nghe ngóng, săn tin từ những người trong diện, rỗi việc ra đó ngóng tin, chuyền cho nhau những tin nóng sốt, những kinh nghiệm biết được và có khi là những tin phóng đại tô màu.
 
Rồi ngày ra đi cũng tới, thu gom hết vốn liếng của cả nhà cũng chỉ đủ tiêu xài trong thời gian chờ đợi ngày lên máy bay và may sắm cho mọi thành viên trong gia đình mấy bộ quần áo tươm tất và còn lại mấy trăm đô dằn túi khi rời đất mẹ thân yêu.
 
Sau khi liên lạc được với một người bạn đi trước chọn giùm cho gia đình Ngữ một người “bảo trợ”, Lâm bảo rằng đi “Mồ côi” thì được nhiều quyền lợi hơn, hội sẽ lo cho mình từ A-Z…
 
Bạn bảo sao thì nghe vậy, miễn là cứ lo mọi thủ tục ở Việt Nam: Phỏng vấn, chích ngừa, khám sức khỏe, lấy vé và lên máy bay… Xuống máy bay là có người đón đưa và chu toàn mọi việc.
 
Trong niềm hân hoan trước một thiên đường đang trải thảm hoa đón chào, nào là Ngữ sẽ được phục hồi lại chức vụ cũ, sẽ truy lãnh tất cả mọi tháng lương mà thời gian qua bị bế tắc nên chưa kịp lãnh, v.v…và v…v…Mơ mộng rồi cũng chán, vợ chồng Ngữ nhủ thầm: “Cứ tới đâu hay tới đó, thoát cải cảnh chạy ăn từng bữa là phúc đức lắm rồi… được sống trong một xã hội văn minh nhất thế giới là may mắn lắm rồi còn mơ mộng gì hơn nữa”.
 
Sau bao nhiêu thủ tục của các cửa khẩu, mệt nhoài vì chưa quen, nhưng cuối cùng gia đình Ngữ cũng được Lâm và một ông đại diện cho Hội USCC. đến đón gia đình Ngữ trên một chiếc xe Van kỹ, đưa về một căn hộ thuộc một chung cư rẻ tiền nhất trong thành phố, thuộc một tiểu bang của Lâm sinh sống, nhưng thuộc hướng Nam của thành phố, còn gia đình Lâm thì ở về hướng Bắc, cách chỗ Ngữ đến một giờ lái xe.
 
Về đến căn hộ hai phòng mà hội đã mướn sẵn với vài tấm nệm cũ, một ghế sô pha cũng cũ do các chủ trước bỏ lại, một vài vật dụng sơ sài, Lâm ra về và hẹn ngày mai sau giờ làm việc sẽ trở lại đưa cả nhà mua sắm thêm đồ đạc, có sẵn mì gói và một bao gạo để dùng cho buổi tối hôm ấy.
 
Người đàn ông đại diện của hội cũng rất ít lời, chỉ trả lời một số câu hỏi thật ngắn gọn, tuy rằng ông ta cũng là người Việt Nam.
 
Vợ chồng Ngữ cũng cố thu vén chỗ cho các con  đi ngủ và lót bụng cho mỗi người bằng một gói mì ăn liền của Mỹ… hương vị khó nhá hơn những gói mì tôm của Việt Nam.
 
_ Ba ơi, sao mì của Mỹ không giống mì bên mình?
 
_Ba ơi, sao có ít người đi đón mình quá, sao hổng ai mời mình đi ăn nhà hàng mà phải ăn mì gói????
 
_Ba ơi, sao chỗ ngủ không có mùng giăng như ở nhà mình?
 
_Ba ơi, sao nói ở Mỹ cái gì cũng tốt mà sao chỗ này không tốt dzậy Ba???
 
Giải đáp những thắc mắc của đám nhỏ xong và cũng là tự giải đáp cho mình xong cả nhà lăn ra ngủ vì quá mỏi mệt qua một chặng đường dài chưa quen.
 
***
Sau ba tháng làm quen với nếp sống mới với những thủ tục về di trú và đi học tiếng Anh theo sự sắp xếp của hội, các con Ngữ cũng đã vào trường học gần nơi cư trú, Kim thì đi làm việc tại hãng rau cải, còn Ngữ thì chưa có việc làm nên đang học lái xe, mọi việc cũng tạm ổn cho một gia đình mới định cư, tuy không sang trọng như lời đồn thổi nhưng cũng tạm sống qua ngày với những món trợ cấp vừa phải nhưng có lúc cũng rất buồn vì những khác biệt về ngôn ngữ, nhất là những điều gì không biết phải hỏi cô “thư ký”, người trực tiếp giúp đỡ gia đình Ngữ và đưa đón lúc làm giấy tờ…
 
Đôi lúc Ngữ muốn tát cho cô ta mấy cái, cái thái độ của người đi trước, cái thái độ của kẻ học làm sang, câu nói nào của cô ta cũng “Có gang có thép” mổi lần gặp cô ta về Ngữ kể cho vợ nghe, Kim vẫn thường cười và bảo chồng:
 
_Miệng nhà sang có gang có thép, hơi đâu mà giận người dưng.
 
_Chỉ tức là nhiệm vụ của nó làm cho mình, nó lại khinh khỉnh với mình như mình đi ăn xin nó…
 
Lắm khi những bực bội trong chỗ làm Kim đem về kể cho chồng nghe rồi cùng nhau đi đến một kết luận:
 
_Người mình hay vậy, hơi đâu mà giận người dưng cho mệt, thôi bỏ đi.
 
***
Đúng sáu tháng thì Ngữ biết lái xe và hai vợ chồng mua được chiếc xe cũ để đi đó đây, Ngữ lại xin được một chân quét dọn trong một trường Tiểu Học, công việc làm cũng giống như của Lâm, người bạn đã đi đón gia đình Ngữ và bây giờ đã chỉ vẽ cho Ngữ cách xin vào làm.
 
Công việc của Ngữ cũng chỉ bắt đầu sau bốn giờ chiều, sau khi các học sinh ra về, những người được phân công vào dọn bàn ghế, hút bụi, gom các bao rác lại và lau dọn dãy nhà vệ sinh, sau đó dọn các phòng của thầy cô giáo, và dãy hành lang… Đại khái là “Clean up”, sạch sẽ khắp mọi nơi được phân công.
 
Ngày còn chưa sang Mỹ, nghe các bạn đi trước biên thư về bảo là đi làm trường học… Ngữ và các bạn bên nhà cứ nghĩ là chắc là dạy học hay làm thư ký gì đây, khi sang đây và sát vào thực tế mới hay “làm trường học” là thế đấy.
 
_Ngày mai vợ chồng Lâm mời mừng Tân Gia nhà mới, chắc là mình phải đi.
 
_Không biết mình phải mua gì cho xứng để đền ơn anh Lâm đã giúp mình xin việc.
 
_ Lâu nay ở nhà mướn không thấy mời đến nhà, hôm nay về nhà mới chắc tiệc lớn lắm mới mời mình đây.
 
_Mà lúc trước có mời anh cũng chưa rành đường sao dám chạy, bây giờ sẵn lên thăm cho biết nhà và vợ con ảnh để cám ơn luôn.
 
Sau khi dò bản đồ kỹ càng và chuẩn bị quà cáp mừng nhà mới cho bạn, vợ chồng Ngữ đến trễ vào buổi chiều vì chờ vợ đi làm về và tránh cảnh đông đúc buổi sáng đông đúc những người không quen nên Ngữ cũng ngại.
 
Vợ chồng Lâm đon đả đón Ngữ tận sân nhà và dẫn đi vòng vo trên những lối vòng sau nhà, leo lên cầu thang trước ngôi nhà mới vào phòng khách trên lầu, với những tiện nghi mới tinh, mỗi món vợ Lâm đều cho biết giá cả.
 
_  Bộ sô pha này sáu ngàn, bộ bàn ăn cho khách này năm ngàn, mấy cái ghế chỗ bàn rượu hai ngàn…
 
_ Còn những vật khác cũng toàn hàng xịn và đắt tiền chúng tôi mới mua….
 
Dắt vợ chồng Ngữ vào phòng ngủ, chỉ giường tủ, mền gối, thứ nào cũng trương những giá biểu điếc tai, thậm chí còn mở cả những tủ quần áo đã xếp sẵn gọn ghẽ và đầy ắp cho hai bạn coi… mà có lẽ từ sáng đến giờ hai vợ chồng đã làm công việc này với những người khác.
 
Có lẽ vì cũng đã quá mỏi mệt nên vợ Lâm rủ Kim vào buồng là công việc cuối cùng là mở hộp nữ trang cho Kim coi, Chị lấy ra một chiếc nhẫn sáng lóng lánh ra so với chiếc nhẫn đang đeo bảo là hai chiếc dùng thay đổi kiểu cho nhau.
 
_ Bà thấy chiếc nào đẹp? chấm giùm tôi coi.
 
_  Em nào có biết gì về hột xoàn đâu chị, cái nào em thấy cũng đẹp cả.
 
_ Thôi mình ra ngoài ăn trái cây, chờ mấy ông ấy vào rồi ăn luôn, ổng còn chờ một người bạn nữa và mấy đứa nhỏ đi làm Nail về.
 
Lần đầu tiên đến Mỹ, đây là lần đầu tiên Kim được mời dự tiệc trong một căn nhà mới nguyện lại trang trí lộng lẫy toàn đồ mới, sang trọng… Kim nhủ thầm không biết anh chị Lâm làm gì mà có nhiều tiền quá, Chồng cũng chỉ làm trường học như Ngữ, vợ cũng đi làm hãng nước chấm, vài ba đứa con lớn đi làm Nail, cũng chỉ qua trước mình có vài năm… Sao họ mau giàu quá…
 
_ Thôi mời cả nhà và các bạn vào dự tiệc…
 
Cũng có chụp hình quay phim, chúc mừng, rồi trao quà… mọi người quay quần ăn uống và trên chiếc Tivi lớn giữa nhà đang chiếu cảnh bạn bè đang chúc tụng nhau của buổi sáng nay.
 
Gần tan tiệc bỗng vợ Lâm hớt hải chạy ra gọi Kim vào phòng ngủ của vợ chồng chị, nơi mà chiều nay chị đã lấy hộp nữ trang ra khoe với Kim….
 
- Từ lúc tôi đưa cho chị coi tới giờ không có ai vào phòng cả, tự nhiên sao cái hộp không cánh mà bay.
 
_ Chị,… chị nghi tui???
 
Kim như bị á khẩu vì giận và tức, khi vợ Lâm đem ra khoe các món nữ trang Kim chỉ nhìn vì lịch sự mà thôi, tuyệt nhiên không hề sờ vào món nào cả, sau đó cả hai ra ngoài và Kim không vào phòng này lần nào nữa, sao lại có chuyện này.
 
Sau đó vợ Lâm cứ càm ràm phân bua mãi và Kim phải thề thốt và đưa túi xách cho chị xét… Lòng Kim buồn tủi và đau đớn tột cùng… Bỗng Ngữ vào trong đi vệ sinh, vợ Lâm chạy theo phân bua mọi chuyện. Ngữ vào trước mặt vợ và mặt đanh lại trong hơi men anh phán với vợ mấy câu phũ phàng:
 
_ Bà có lỡ lấy thì trả lại cho chị ấy ngay, ở đây chỉ có tui và chị ấy thôi, đừng để tôi phải xấu hổ.
 
_ Ông… ông nói tui vậy sao??? Trời ơi là trời.
 
Kim như rơi từ trên không xuống tận cùng của một hố thẳm, cảm giác hụt hẫng, đau đớn tột cùng, Kim bỏ chạy ra khỏi nhà Lâm như một người điên dại và không còn biết gì nữa, nỗi đau ngút trời không bút mực nào tả hết nỗi buồn trong Kim.
 
***
Nghe ồn ào bên trong nhà và thấy Kim chạy ra đường, Lâm vào nhà thì mới hay mọi chuyện
 
_ Trời ơi, tôi vào phòng thấy bà để cái hộp nhẫn trên bàn phấn nên cất vào dưới tấm nệm cho bà

_  Ai biết đâu nà, chiều nay chỉ có chỉ và tui trong phòng nên tui mới hỏi sơ thôi.
 
Ngữ chạy theo vợ và tìm mọi lời năn nỉ, ăn năn.. và mọi chuyện lại đâu vào đó, nhưng từ lần xảy ra chuyện đau lòng ấy, Kim không bao giờ đến nhà ai, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai nữa, nàng sống âm thầm như một cái bóng bên Ngữ, cặp mắt luôn u buồn và nhìn Ngữ bằng cái nhìn xa cách… cho dù Ngữ đã cố năn nỉ thuyết phục vợ, niềm đau vì người đầu ấp tay gối  với mình suốt bao nhiêu năm mà còn có thể không hiểu vợ mình như vậy…
 
Cuộc sống đầy bương ba khổ lụy, nhưng cái liêm sỉ của con người mới đáng trân trọng, nhất là với những kẻ nghèo khó, còn kẻ giàu sang nhiều khi muốn giao tiếp với kẻ kém mình cũng chỉ để khoe khoang cho người khác thấy cái hạnh phúc phủ phê thừa mứa của mình mà tạo cho kẻ khác một niềm đau.

Mỗi lần nhìn vợ thở dài… Ngữ lại thấy hối hận và thương vợ dường bao.
 
Atlanta Sept.17th 11
Nguyên Hạ_Lê Nguyễn

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com