User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chi em viet va vo sanh va cac em
Chị em Việt và vợ, Sanh và Các em. Hình tác giả cung cấp
 
Tôi đang đứng tần ngần trước gian hàng bày bán các món Tết như mứt dừa, mứt gừng, kẹo mãng cầu, cũng có cả nguyên hộp trình bày đủ thứ mứt. Bánh trái thì có đủ loại, nào là bánh tét, bánh chưng, bánh ú, giò thủ, chả lụa, v..v... Chao ôi nhìn gian hàng Tết thiệt mát mắt và thèm muốn, nhưng phải suy nghĩ nên mua thứ nào và ở đâu. 
 
Này nhé “trước cúng sau cấp”, chỉ mua tượng trưng hộp mứt gừng chứ có lẽ ông bà cha mẹ cũng... đường cao cần cử kiêng; bánh chưng, bánh tét nên mua ở chùa để hỗ trợ tài chánh; nghĩ chuyện quà cáp người mình quý thì mua giò thủ, chả lụa. Sau năm 1975, không có tiền thì không mua nên khỏi suy nghĩ, nay ở xứ Mỹ có tiền thì phân vân cũng mệt hè. Thôi thì lấy giỏ bốc vài thứ mình chọn đề còn xếp hàng tính tiền, chứ đông nghẹt người đang mua sắm nơi tiệm Ô Mai nằm trong khu Century của thành phố San Jose.
 
Đang mân mê mấy thứ ăn chơi thêm như bò khô, xí muội, bỗng nghe tiếng ai gọi “chị” rất gần, mặc họ, nhưng tiếng ”chị” lớn hơn kèm theo cái đụng vai sau lưng. Tôi quay lại thấy một cô quen lắm không biết đã gặp nơi đâu.
 
- Chị gọi hở? Tôi nhướng mắt.
 
- Dạ đúng rồi, chị không nhớ ra em à? Em Chắt vợ anh Vui đây! Hồi trước ở khu chung cư vùng Hayward với chị đó.
 
Tôi “a” lên mừng rỡ:
 
- “Nhớ rồi, nhớ rồi! Hiện tại em ở đâu?”
 
- Dạ em lên San Jose hơn 20 năm rồi, ở khu Senter. Thỉnh thoảng em gặp chị Mau, có số điện thoại nên lâu lâu nói chuyện một bữa. Nhìn chị không thay đổi nhiều, em nhận ra liền nhưng mới đầu có quên tên, giờ nhớ rồi, vậy chị cho em số điện thoại, Tết em mời chị tới nhà chơi và gọi chị Mau luôn.
 
Tôi cho số điện thoại, hỏi thăm đôi điều về chồng con, nhưng cũng nói trước “Tết chị bận lắm, không có thì giờ tới nhà ai đâu, dịp khác đi nhé.”
 
Chúng tôi mạnh ai nấy mua hàng rồi chia tay. Ra trước khu Century tôi còn nấn ná đứng  xem nhiều loài hoa chưng bán. Hoa Mai, hoa Đào tươi đẹp, hoa Cúc từng chậu tươi vàng, hoa Huệ, hoa Lan chẳng thua. Tôi chọn chậu hoa Lan màu hồng vừa tầm tay, vừa túi tiền về chưng ba ngày Tết cho đẹp mắt chuẩn bị đón xuân về.
 
Tôi nhớ lại....
 
Khoảng năm 1994 ba chị em họ bên chồng là Kim, Vệ, Việt đang ở với ông Bác, sau ông thay đổi công việc dời lên vùng Sunnyvale. Kim và Vệ lên học San Jose State University. Còn lại Việt đang học University Berkeley, em không đủ khả năng trả tiền nhà, dù đã có một cậu share phòng sẵn trước đó, nên gọi vợ chồng tôi lên ở chung, cũng tiện vì chồng tôi làm việc vùng Hayward, còn tôi vùng Livermore.
 
Đó là căn Apartments khi mới thấy tôi rất thích, có tên là “Orange Tree”. Một dãy nhà theo chiều ngang gồm 1 restroom full trên lầu kèm 2 phòng ngủ, dưới thêm 1/2 cái rất tiện. Sau vườn có khoảng sân nhỏ trồng cây cam rất nên thơ, trồng đều cả dãy quay mặt ra đường. Những lúc kho cá hay thịt tôi đặt cái lò bên ngoài dưới bóng cây lố nhố những quả cam vàng đã thấy lòng rung động thích thú. Tôi trồng thêm ít rau thơm, rau răm, hành, vài bụi hoa cũng thấy lòng yên bình hạnh phúc mỗi khi nhắc ghế ra ngồi đó.
 
Tôi ở ngôi đầu tiên sát cánh cổng có khoá an toàn muốn vào phải bấm mật mã. Cạnh nhà là anh chị Khôi-Cúc người Huế, cách hai căn là vợ chồng Vui-Chắt, kế tiếp vợ chồng Mau-Lý cũng người Huế ở gần cuối dãy, phía đối diện có thêm vợ chồng Mạnh-Hòa. Ông trời sắp đặt sao hên quá, vào khu chung cư này gặp toàn đồng hương và giá thuê lại rẻ, còn mơ chi nữa. Tiền mướn mỗi tháng $650, cậu share phòng cũ trả $250, tôi $250, Việt $100 chỗ ngủ là phòng khách, tôi nhận thêm $50 việc cơm nước của Việt. Chị Kim và Vệ thuê phòng trên San Jose tiện việc học nơi đó, mỗi cuối tuần về nghỉ ngơi dưỡng sức. Bạn ở vùng Hayward tên Sanh chơi thân với hai anh em Vệ, Sanh cũng học San Jose State University, thuê nhà chung một nhóm sáu sinh viên (trong đó có Vệ), cuối tuần cũng về mẹ và thường có mặt nơi nhà tôi chơi với hai anh em.
 
Nhiều lần chồng tôi đi làm khuya về, kể lúc dừng xe nơi hộp số kéo cửa kiếng thò tay bấm cửa mở, có người tới chìa thứ gì hỏi mua không, chồng tôi lắc đầu chạy nhanh vào cửa. Tôi kể lại Việt nghe, em trả lời tỉnh bơ” tụi nó bán thuốc phiện đó.”
 
- Ui trời không sợ à? Tôi trợn mắt.
 
Việt nói:
 
- “Tụi nó không làm gì mình hết thì kệ chứ, mình chỉ có cái mạng nghèo rớt mồng tơi thì sợ gì chứ!”
 
Nghe em nói vợ chồng tôi cũng trơ lì luôn chẳng sợ hãi nữa.
 
Tôi đi làm năm ngày, nghỉ hai ngày cuối tuần, nhưng hồi đó tôi có nhiều sức khỏe, siêng nấu cháo lòng, phở, bún bò, bún riêu, bánh xèo, v... v… Cuối tuần tụ họp ba chị em Việt, thỉnh thoảng có thêm các cháu mới qua đang học trên Chabot College. Hễ bữa nào vắng mặt Sanh thì tôi bắt hai em réo qua cho bằng được, vì Sanh tánh tình hiền lành, sống mẫu mực sùng đạo Công Giáo và gia đình giòng họ có rất nhiều người làm Cha.
 
Các em thường kể chuyện đời sinh viên khổ cực. Sanh được phân công làm thủ quỹ chi tiền chợ và tiền mướn nhà. Nhưng thanh niên mới lớn ăn như giặc chưa được nửa tháng tiền chợ đã cạn, Sanh báo động tiền chỉ còn vừa đủ mua hai thùng mì gói. Rồi Sanh chạy về mẹ, Vệ cũng chạy di tản về nhà tôi xin nạp tiền ăn và tiền điện vì học bài khuya, tôi chỉ lấy tiền ăn nhưng em nhất định gởi thêm tiền điện tổng cộng $100. Hai anh em ngủ 2 ghế salon cũ nơi phòng khách. Vệ tánh tình vui vẻ mau miệng, bụng để ngoài da, có gì kể huỵch tẹt ra hết, trái ngược với Việt trầm lắng ít nói, ngoài giờ học chỉ ngồi ôm đàn say sưa. Những lúc rảnh rỗi, Vệ kể nhiều chuyện vui…
 
- Chị xem tụi nó mỗi lần đi chợ, cái gì cũng bốc, đứa bị mặt mụn đòi mua cà chua trong khi mùa đông mắc như vàng, đứa xách cả thùng kem bự về, tụi nó ăn nhiều quá làm em cũng sốt ruột mặc mấy lớp áo lạnh lấy tô ra múc kem ăn đua với tụi nó. Bạn G nghèo kiết xác nhưng cuốn sổ tay luôn ghi ngày sinh nhật các em để chờ... tặng quà, không biết nó có vào mấy nghĩa địa lượm hoa đem tặng mấy nàng.
 
Học chia theo nhóm, có đứa ham làm part-time, không có thì giờ nhìn bài vở, chờ cả bọn làm xong thì chép, có đứa than “Ở Việt Nam tao học mới ngang lớp 9, giờ qua đây hỏng cẳng nhưng gia đình bắt ép học, tao đành bơi bơi chờ chép bài chúng mày”. Những lần chép bài nạp đã đạt được 70%, 80% thì dù lần thi final tại lớp có bị 5 điểm thấp vẫn được xem như đạt điểm B, hoặc C. Sợ nhất lúc thi final xong chúng nó nhìn kết quả, nổi nóng đấm bàn cái rầm, tụi em kéo nhau chạy trốn”. Cuối cùng ai cũng ra trường tốt nghiệp bằng kỹ sư, nhưng đến nay trong nhóm chỉ có ba người làm đúng mảnh bằng, còn lại đứa về bán tiệm furniture, đứa qua Texas làm thư ký cho tàu đánh cá, đứa làm trợ Kỹ Sư.
 
Thời gian đang học thanh niên nào cũng vướng chút ái tình bi lụy. Vệ thích cô em của bạn, trong khi đó bạn T cũng thích đang ra công đeo đuổi, bạn T biết Vệ đẹp trai sẽ chiếm được tình cảm cô nàng, nên tìm cách tâm sự với Vệ, cho biết đang yêu cô đó, ngầm Vệ biết để rút lui. Vệ buồn thấm thía ngậm đau nhưng bản tánh hiền hoà lịch sự, không thể giành giựt, chỉ biết hành xử kiểu người quân tử “ừ mày cứ tiến tới đi, có gì tao giúp thêm cho”. Vệ kể tôi nghe với nét mặt buồn rười rượi, cô kia cũng có cảm tình để ý đến Vệ, nhưng sau này thấy Vệ lạnh lùng quay lưng không còn đến nhà nữa, cuối cùng bạn T đã chiến thắng lấy được cô.
 
Việt có thời gian buồn xơ xác, vì Việt không có phòng riêng, nên tôi bước về nhà là thấy em nằm trùm kín mặt, khi thức thì ôm đàn hoặc mở nhạc bắt tôi đứng nấu bếp nghe hoài tới thuộc lòng.
 
Ngày xưa em cất bước ra đi, không từ giã
Để lòng ai nuối tiếc mối tình, chìm cuối trời xa
Ngày đó xa nhau, đời ngừng tiếng hát
Ngày đó chia tay, trời buồn ngơ ngác
Quạnh hiu đời tôi, từng năm tháng qua - (Dĩ Vãng - Trịnh Nam Sơn)
 
Tôi chẳng hiểu mô tê, sau chị gái hé môi kể Việt thương bạn của mình, nhưng cô kia xem Việt như em, lúc cô ra trường qua tiểu bang Washington làm việc. Hèn gì tôi mới ngẫm ra: có vài cô rất đẹp quen biết trên chùa mỗi lần Việt đi theo tôi những buổi lễ lớn. Mấy cô thường lân la đến nói chuyện với Việt, sau hay gọi phone tới nhà gặp tôi, các cô mượn lý do làm bài tập khó quá, nhờ anh Việt tới giải giùm bài toán. Tôi nhắn lại nhưng Việt tỉnh bơ nói em bận rồi, lúc đó tôi tự nghĩ: mấy cô đẹp lại ăn học đàng hoàng, con nhà nổi tiếng mà sao Việt dửng dưng vậy, lạ lùng ghê, thì ra em này kín đáo quá.
 
Việt ra trường, học giỏi nhưng gặp giai đoạn kinh tế khó khăn, nạp đơn nhiều nơi dù đang có việc part-time vai trò Technician, trong lúc vừa học vừa làm. Việt kể có hai nơi phỏng vấn, đòi trả lương mỗi năm $35 ngàn hẹn sẽ gọi sau, về nhà chờ mãi không thấy hãng nào gọi. Rồi số hên tình cờ đến, vì một Kỹ Sư trong hãng hơn sáu tháng chưa design ra mẫu gì trong khi nhận lương cao, ông ta tự động nghỉ việc về nhà câu cá. Việt được lên thay thế, chỉ hai tháng sau đã phát minh ra máy clean tủ lạnh, hãng tung ra thị trường rất đắt hàng. Boss bên tiểu bang miền Đông qua mua hãng dời về Washington, tăng lương rất cao và dụ qua đó làm việc, chia bonus chia cổ phần. Việt mừng rỡ vì có cơ hội qua gần người mình thương. Rốt cuộc đã chính phục được trái tim nàng, sống bên nhau đến bây giờ.
 
Chiều cuối tuần mấy em hàng xóm thường bồng con xẹt qua nhà tôi tán gẫu, luôn tạo ra chương trình “giờ nói xấu chồng”. Cũng có những buổi chiều tối trong tuần họ tới nhà tôi như tới toà án xử giúp hoặc cần nói với nhà trị liệu tâm lý giải tỏa cơn uất ức. Có lần anh Khôi bước qua nhà tôi nói lớn:
 
- Ui chao... ui chao… tui là một huynh trưởng gia đình Phật Tử, sinh hoạt mấy chục năm, răng tui không bước thêm lên, đi tu cho khỏe mà còn vướng nợ đời chi ri không biết. Hắn hỗn quá, tui muốn bạt tai hắn hết sức, tui… tui... ghét dễ sợ.
 
Anh đang còn kể lể thì 5 phút sau chị Cúc chạy sang vẻ mặt hầm hầm khiêu chiến:
 
- Tui cũng là Phật Tử thuần thành, đàn ông Huế gia trưởng quá tui chịu không nổi, tức nước vỡ bờ em biết không?
 
Chị nhìn qua tôi phân trần.
 
- Thường khi ai cự lộn, cãi nhau, hay gặp chuyện buồn thì tôi chịu thua, câm như hến không biết mở miệng nói điều gì cứ đưa con mắt nhìn. Đang lý luận qua lại thì con gái chị đi học về, hỏi “Ba mẹ có chuyện chi rứa”, cả hai đều im tiếng trở về nhà, chứng tỏ con gái có uy lắm đây với anh chị.
 
Vợ chồng Vui thì cãi nhau như cơm bữa, có lần to họng hét tại nhà họ. Em gái vợ Mau tình cờ đến nhà chị mình chơi, nghe lớn tiếng cùng tò mò phục kích nép bên cửa sổ, thụt đầu xuống trồi đầu lên nhìn vào theo dõi. Xong em chạy qua nhà tôi tường trình…
 
- Chị biết sao không? Em ngồi thụp xuống thấy rõ anh Vui đang ngồi nơi ghế, không biết chuyện gì mà chị Chắt cầm gối ném vào đầu anh liên tục. Anh nghiêng đầu né tránh nói một câu sau mỗi lần bị ném “Tao nhịn mày, tao thua mày”. Chị càng lồng lộn đem tờ giấy ra “Mày viết đi, tao nhất định ly dị”. Anh Vui cúi xuống viết gì không biết, chị Chắt lại nói to “Bây giờ đến mục chia gia tài”. Anh Vui nói gì nhỏ quá không nghe rõ, chỉ nghe chị hét lớn “Xin lỗi mày, cái đó là của tao, cái... đ...m mày”
 
Anh vẫn nói nhỏ, chỉ nghe tiếng chị “Xin lỗi mày cái đó cũng của tao”, cứ như thế cô em vợ Vui chỉ còn nghe Chắt lập đi lập lại cái nào cũng của chị ấy hết.
 
Cô em Chắt còn diễn tả nữa làm tôi không thể nín cười. Hằng ngày nghe cặp này to tiếng hoài riết rồi cũng lờn. Con trai nghe ai kể, về chọc lại ba mẹ mỗi khi thấy không khí nặng nề sắp gây chiến “một đám người đi đưa đám ma, vừa đi vừa kêu gào “vui là vui, vui ơi là vui…” ai dè người chết tên Vui, cốt ý cho máu cha mẹ hạ hỏa.
 
Vợ chồng anh Mạnh, chị Hoà cũng sừng sộ nhau hoài, luôn thi đua tới kể xấu nhau đòi ly dị, nhưng có cái anh chị rất sợ con cái đã lớn, đang học trường Chabot College. Có chuyện gì là yêu cầu cha mẹ ngồi im nghe cháu nói, “Con hơn cha nhà có phúc“ Nhờ vậy anh chị giảm bớt cãi nhau.
 
Tôi mến nhất cặp Mau- Lý. Chồng làm cỏ, vợ phụ bưng tiệm phở. Hai anh chị sinh được bốn cháu, chúng thi đua nhau học ngành Y, con trai đầu còn học thêm chuyên môn về mổ tim. Vợ chồng cuối tuần sinh hoạt nơi chùa, vợ thường nấu những khay thức ăn, ngày lễ đem đặt trên bàn không kể lể của mình, lặng lẽ vái Phật ba vái rồi đi công việc khác. Chồng hiền, vợ ít nói không hề nghe lớn tiếng. Vợ chồng quê ở miền biển nên tánh tình rất thật thà, thường kể “Tụi em đâu có chữ nghĩa mà dạy các cháu, chỉ tự chúng nó học, thôi thì nhờ trời Phật gia hộ.”
 
Nhiều lần tôi đi đổ rác, gặp vợ Vui, vợ anh Mạnh cũng nơi đó. Họ hợp lực đấu tố chồng. Vợ Vui như bị đè nén, bực bội thao thao kể tội xấu chồng, chị Hòa cũng đua kể, bắt tôi đứng nghe gần cả tiếng. Tôi phải can đảm lên tiếng để chấm dứt mục “nói xấu chồng” đến đây đã xong, mời quý vị ai về nhà nấy trước khi bị các ông chồng phát hiện. Họ cười hề hà và khen gia đình tôi luôn êm đềm im hơi lặng tiếng. 
 
Không đâu, họ lầm rồi đó nhé, nhiều lúc cả tuần không nhìn mặt nhau, chàng kênh kênh bản mặt hát (1*) “Anh đã lầm đưa em sang đây...”, hoặc có lúc huýt sáo rống lên (2*) “Không, không... tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa” lập đi lập lại tưởng như hay lắm. A ha! chửi xéo bằng nhạc đây mà, tôi không cần hát, ngu gì hát cho mệt, để ca sĩ hát chứ, tôi lựa CD chọn bài:
 
“Buồn! như ly rượu đầy không có ai cùng cạn.
Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Mà đời luôn cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa đậm màu
Toàn là cay đắng chiếm thương yêu” - (Buồn - Y Vân)
 
Ngày khác tôi lại nặn óc tìm bài nào có lời văn hoa cao xa sâu sắc hơn nữa...
 
Tôi nghe hắt hiu từ mắt anh ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa - (Trên Ngọn Tình Sầu - Từ Công Phụng)
 
Khi ông nghe mấy bản nhạc tôi mở, mặt ông kênh kênh đi ra đi vào lầm bầm “đàn bà, đàn bà...” Tôi cũng muốn ngứa miệng hát (3*) “ôi đàn bà là những niềm đau...”. Nhưng thôi như vậy cũng đủ rồi.
 
Nghĩ lạ lùng thiệt, khi gặp nhau, yêu nhau thì ánh mắt đầy tin yêu trao cho nhau, hẹn hò, chờ đợi, mất ngủ thao thức nhớ về người, rồi còn tâng bốc đối phương (4*) “trong đôi mắt em anh là tất cả” nữa chứ. Ngày ấy đâu rồi, có phải ngày ấy là “duyên” và bây giờ là “nợ” chăng? Nhìn nhau thấy… ghét, mở miệng thì khắc khẩu, vậy đó nhưng khi họ đi đâu về khuya thì mình nóng ruột nóng gan trông đứng trông ngồi lo lắng. Ghét mà âm thầm nấu những món họ thích, tối bới hộp cơm nhiều thức ăn để sẵn cho họ sáng sớm bới theo. Như mấy cặp vợ chồng chung quanh, hục hặc nói xấu nhau nhưng có thấy ai dứt khoát ly dị đâu, họ người miền Nam tốt bụng ăn nói bộc trực thật thà, hét hò xong là quên mau, và mỗi ngày cứ lập đi lập lại cảnh cũ màn thứ mấy chục như vậy, hình như không cự nhau ăn cơm không có ngon thì phải.
 
Từ khi Việt đi, Vệ cũng đi theo làm trợ Kỹ Sư, cậu thuê phòng cũng cưới vợ ra riêng. Chồng tôi làm ca chiều khuya mới về, có khi tôi nghe âm thanh kỳ lạ trước cửa, có lần tên Mễ nào say rượu hay sao mà đấm cửa nhà tôi hung dữ, nói một tràng tiếng Mễ, tôi run quá đi lên rồi lại đi xuống nghe ngóng. Xe tôi đậu ngoài đường bị cạy hộp máy. Một lần tối thứ Sáu đi chùa về, để xách tay trên phòng, xuống nhà ngồi xem ti vi đợi chồng, sau đó lên phát hiện cửa sổ trên lầu bị phá lưới do ai đi trên ban công chui vào, tôi mất $10 đồng bạc và tất cả các thẻ, chỉ mệt công đi làm lại giấy tờ. Tình trạng càng ngày càng sợ nên chúng tôi quyết định mua nhà dời nơi khác. 
 
Nay gặp em Chắt vợ Vui làm tôi sống lại khoảng thời gian ở xóm cũ nhiều kỷ niệm nhớ rất rõ. Mới đó đã hơn 30 năm rồi. Vợ chồng Mau Lý thì tôi vẫn gặp trên chùa, họ mua nhà vùng Union City, các con đã là Bác Sĩ làm việc xa. Lý cho biết tin tức anh chị Khôi cũng qua Texas sau đó, cặp Mạnh Hóa theo con qua miền Đông. Tôi cũng nghĩ không biết các cặp vợ chồng ấy còn khắc khẩu nữa không? Hay là “giận thì giận mà thương thì thương” đây.
 
Mấy ngày gần Tết tôi bù đầu bù óc, nào là cắt cây cỏ sau vườn, dọn dẹp lá rụng đầy tấp từng góc, có lịch khám bệnh, đi Nha sĩ. Làm chả chay, gói bánh tày (loại bánh chỉ gói lá chuối với nếp), rồi mua chợ này trái cây, chợ kia thêm bông hoa. Ngày cuối năm làm mâm cơm cúng dâng bàn thờ mời ông bà cha mẹ về nhà chơi ba ngày Tết, dâng bánh chưng cùng hoa quả bánh mứt. Xong lại quay qua dọn dẹp nhà cửa, việc không tên ở đâu lòi ra nhiều quá. Tối làm mâm xôi chè, bông hoa chờ cúng Giao Thừa ngoài trời, xong dọn dẹp cũng đến 2 giờ sáng, rồi khai bút đầu năm theo thói quen.
 
Ngày Mồng Một phát hành hướng tốt là lên Chùa chúc Tết Thầy và các Sư Cô, thắp nhang nơi bàn vong thờ tứ thân phụ mẫu. Về nhà ngủ chút đỉnh bù đắp tối 30 mất ngủ, lại chuẩn bị bì đỏ lên nhà Từ Đường thắp hương và lì xì các cháu theo nề nếp bố chồng để lại là phải tập trung đúng ngày.
 
Mồng Hai Tết, tôi vừa thức dậy pha cà phê ngồi mở ti vi lên thì điện thoại reng. Đầu dây bên kia:
 
- Alô! em là Chắc đây chị, đầu năm vợ chồng em chúc anh chị luôn được nhiều sức khỏe và tài lộc dồi dào nghe.
 
- Tôi cười “Cám ơn vợ chồng em, anh chị cũng chúc lại gia đình em như rứa, tuổi già rồi không cần tài lộc nữa đâu, có chính phủ phát lương hưu, ăn uống tiêu pha gì với tuổi này cũng giản tiện thoải mái rồi em ơi”.
 
Tiếng nói của Chắt khàn đục vui vẻ:
 
- Lần trước em mời chị tới nhà chơi cho biết, nhưng chị bận. Giờ này em đã liên lạc với vợ chồng Mau Lý và họ nhận lời rồi. Ngày 14 tháng 2 anh chị tới nhà em nghe.
 
Tôi ngớ ngẩn hỏi: “Sinh nhật ai vậy hay là có chuyện gì?”
 
- Trời ơi chị không nhớ à. Tới tập trung nhà em ăn Lễ Tình Nhân.
 
- A... ha... còn cãi nhau nữa không mà bây giờ... tình vậy nè.
 
Bên kia Chắt cũng cười ha hả:
 
- Giảm nhiều rồi chị ơi vì ai cũng hết hơi mỏi miệng rồi, nhưng nói gì thì nói chứ ngày lễ tình yêu năm nào Vui cũng mua tặng em món quà hết.
 
- OK! Chúc mừng em. Chị ghi lịch ngày đó sẽ lên nhà em.
 
- À mà chị ơi! mấy chú hồi trước ở chung với chị đi học đó, bây giờ chị còn liên lạc không?
 
Tôi cho biết mấy người đó là em họ nên vẫn liên lạc với Kim và Vệ đang ở vùng Fremont (Vệ về lại đây xin việc khác), còn Việt sống bên Virginia nhưng thỉnh thoảng cũng về chơi, đôi khi cũng họp mặt có cả bạn hiền của chúng là Sanh nữa, ai cũng đã lập gia đình hạnh phúc, con cái lớn hết rồi.
 
- Ô như vậy chị hỏi mấy chú còn nhớ tụi em không? Em mời lên nhà ngày đó luôn.
 
- OK! Để chị nói lại, nhưng chị muốn mình chơi theo kiểu góp thức ăn chung đó nghe, cho em đỡ mệt.
 
Giọng vợ Vui cười rộn ràng:
 
- Trời ơi sao chị khách sáo quá vậy, mấy chục năm mới gặp lại chị mà. Hôm đó nhất định mình phải khui rượu cụng ly nghe chị.
 
Tôi cũng cười theo “Ừ thì Happy Valentine!”.
 
Gác điện thoại xong, tôi thấy trong lòng vui vui vì thời gian vừa rồi đã chìm đắm dòng sông ký ức thời gian đầu trên đất Mỹ. Nắng đã lên cao bên ngoài, nhìn khu vườn sáng sủa như anh chàng vừa được cúp tóc gọn ghẽ. Ra ngoài đi bộ, nhớ lại những nhân vật xóm cũ, con cái nay đã thành danh. Có thể họ sống vì con, nhịn nhục để con cái có điểm tựa vững vàng, chăm lo học hành. Nhớ có lần chị Cúc vợ anh Khôi huynh trưởng gia đình Phật Tử tâm sự: “Vợ chồng không hoà thuận cũng cố gắng sống vì con, vì gia phong lễ nghĩa phải giữ lề lối, không muốn gia đình hai bên mang tiếng mất mặt, nhất là người Huế mình lại luôn giữ kẽ, thôi thì cho qua một đời...”
 
Dù sao trước mắt tôi nơi xóm cũ chưa có cặp nào bỏ nhau, con cái học đến nơi đến chốn, sự nghiệp thành công vẻ vang. Cũng đáng khen đáng ngưỡng mộ lắm chứ.
                        
Minh Thúy Thành Nội
2025 
 
(1*) Lầm -NS Lam Phương
(2*) Không -NS Nguyễn Ánh Chín
(3*) Đàn Bà- NS Song Ngọc
(4*) Như Đã Dấu Yêu - Đức Huy
 
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình Người Hoa Nở”. Cô tên thật là Nguyễn Thị Minh Thúy, sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải Vinh danh Tác giả 2023. Nhân ngày lễ Tình Nhân sắp đến, bài viết kỳ này ôn lại vài mẩu chuyện “giận mà thương” của những cặp vợ chồng  nơi xóm cũ.
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com