.
Một năm có bốn mùa. Mỗi mùa có nét đẹp riêng. Đặc biệt mùa Xuân, đất trời vui tươi, trẻ trung. Cây lá đâm chồi nẩy lộc. Chu kì lẩn quẩn của thời gian. Từ cổ chí kim, từng Đông sang Tây vẫn thế. Bốn mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông lui tới, chồng chất lên kiếp người, muôn loài muôn vật. Trong bốn mùa, con người ta, nhất là các nhà văn nhà thơ, vẫn khoái cảm mùa Xuân và mùa Thu. Hơn ai hết, những người làm thơ không mấy ai bỏ qua những cảm xúc, giao động mỗi độ Xuân về. Dù mới tấp tảnh làm thơ hay những bậc đại thi hào như Lý Bạch, Nguyễn Du đều có thơ về mùa Xuân hay Thu. Cũng bởi Xuân đến rồi Xuân đi, Xuân qua rồi Xuân lại, để lại cho nhà thơ nhiều vui buồn, nuối tiếc. Cứ thế, con người trôi theo dòng chảy thời gian, tha hồ lặn ngụp trong thưởng ngoạn sự đổi mới của đất thời. Thi nhân đã cho con người những áng thơ làm đẹp cuộc đời, thăng hoa cuộc sống. Các nhà thơ mỗi thời mỗi khác, thấy gì, cảm gì viết lên những vần thơ cho đời thưởng ngoạn. Nói đến người Việt, ngôn ngữ Việt đã là thơ rồi. “Xuất khẩu thành thơ” mà, nhưng làm được thơ hay không phải ai cũng làm được. Trong kho tàng thơ Việt Nam, thơ về mùa nào cũng có. Riêng thơ về Xuân và mùa Xuân quả thật phong phú. Cũng bởi từ ngàn xưa, mỗi độ Xuân về, thi nhân thường khai bút đầu Xuân. Từ đó thơ Xuân trở nên vô tận. Nhiều bài thơ, câu thơ bất hủ, tuyệt hảo.
Vui Xuân, hưởng Tết, vừa Tết Tây vừa Tết Ta, tôi xin lục lọi trí nhớ, vài ba cuốn thơ để trích dẫn một số câu của một số tác giả hầu góp vui trong những ngày Xuân.
Trước hết, nghe các thi sĩ tiền bối nói đến Xuân như thế nào kể từ khi nhảy qua hàng rào thơ đạo lí để làm thơ tình. Từ đó, tình cảnh cuộn vào nhau trong mỗi câu thơ. Cả suốt một tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du chỉ cho Kiều vui hưởng một mùa Xuân và một cảnh Xuân thật chớp nhoáng:
Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Đối với cụ Tú Xương thì thơ đi đôi với rượu:
Gặp Xuân ta giữ Xuân chơi,
Câu thơ chén rượu là nơi đi về.
Hết Xuân cạn chén Xuân về,
Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn Xuân.
Nhìn lại người xưa cảnh xưa trong ngày Xuân qua một số nhà thơ như Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh hay Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực Tàu giấy đỏ,
Giữa phố đông người qua.
(Ông Đồ, Vũ Đình Liên)
Mùa Xuân ở thôn quê Việt Nam:
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe.
Lá nõn ngành non, ai tráng bạc?
Gió về từng trận gió bay đi.
Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng,
Lúa thì con gái mượt như nhung,
Đầy vườn hoa bưởi hoa cum rụng,
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.
(Xuân về, Nguyễn Bính)
Thưởng thức Xuân, đối với nhiều người, những ngày trước Tết vô cùng tấp nập, nhộn nhịp ở thôn quê cũng như thành thị. Chúng ta hãy nghe thi sĩ Đoàn Văn Cử tả cảnh chợ Tết ở thôn quê:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh.
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
(Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ)
Nói đến không gian và thời gian khởi đầu một năm là nói đến sự đổi mới và trong sáng. Cho nên, trong ngôn ngữ Việt Nam tiếng Xuân không hẳn chỉ mùa Xuân mà thôi mà còn nhiều nghĩa ẩn dụ khác như “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” hay “trải mấy Xuân tin đi tin lại” hay “đang độ Xuân thì” v.v . . . Bởi vậy khi tả mùa Xuân, thi sĩ Hồ Dzếnh đã ví von:
Trời đẹp như trời mới tráng gương,
Chim ca tiếng sáng rộn ven tường,
Có ai trong cửa ngồi hong tóc,
Cho chảy lan thành một suối hương.
Sắc biếc giao nhau cành bắt cành,
Nước trong hồ ngợp thuỷ tinh xanh.
Chim bay cánh chỉu trong Xuân ý,
Em đợi chờ ai khuất bức mành.
(Xuân ý, Hồ Dzếnh)
Trong một bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu bài “Vội Vàng”, Ông viết:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua.
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật.
Không cho dài thời trẻ của nhân gian.
Đối với thi sĩ sầu muộn, mùa Xuân về càng thêm não lòng, héo hon. Xuân đến chỉ thêm nỗi sầu và không muốn Xuân đến:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
(Đêm Xuân sầu, Chế Lan Viên)
Hoặc chúng ta nghe thi sĩ Hàn Mặc Tử ngẩn ngơ nuối tiếc:
Trong làn khói ửng, nắng mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt lá kêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng Xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc vui...
(Mùa Xuân chín, Hàn Mặc Tử)
Nhà thơ Quang Dũng đã từng được nhiều người yêu thơ qua những bài thơ “Đôi bờ”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Màu tím hoa sim”... không thể không thương cảm số phận hẩm hiu, buồn khổ sống trong quê hương chiến tranh:
Trời mưa giăng màu xám,
Màu thê lương lại về
Hoa mai dần nở trắng
Mùa Xuân chẳng lỗi thề
Trời mưa giăng màu xám
Bởi vì đâu thê lương!
Chăn đơn chiếc khôn ấm
Già càng đau nhớ thương
Bao nhiêu vành khăn trắng
(Mùa Xuân, Quang Dũng)
Đó là sơ sơ vài hình ảnh mùa Xuân của thời xa xưa. Đối với một số người thích gợi lại những mùa Xuân xưa. Những mùa Xuân đẹp, thơ mộng trên quê hương. Một số người lại không muốn nhắc đến mùa Xuân đã qua với những đau khổ, với những kỷ niệm buồn. Nhưng dù muốn hay không muốn, chuyện Xuân buồn, Xuân vui, Xuân vẫn đến và Xuân vẫn đi, không ai níu giữ mùa Xuân.
Người Việt ra đi rời khỏi quê hương từ năm 1975, ở vào lớp tuổi mà hơn nữa cuộc đời đã vui buồn với gió mưa, hoa lá, đất trời Việt Nam thì không khỏi bồi hồi, thương nhớ những ngày Xuân, những kỷ niệm mỗi độ Xuân về. Trời đất, hoa lá chung quanh trên quên hương mới vẫn cảm thấy còn xa lạ:
Đất khách năm tàn vẫn gió mưa
Ngồi bên ly rượu đón giao thừa
Nhìn qua khung cửa mờ hơi nước
Chợt nhớ mưa phùn đất Bắc xưa.
Ôi, cố hương xa nửa địa cầu
Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau
Đâu đây trong khói trầm hương ngát
Hiện rõ trời xuân một thuở nào.
(Cõi xuân non, Thanh Nam)
Chuyện đến nơi đất lạ quê người, lạ cảnh lạ vật là chuyện dĩ nhiên. Nhiều người cho rằng, sống lâu rồi cũng quen. Nhưng đối với người Việt ở lớp tuổi vừa nói, khó mà quên được. Không những cảnh vật không quen đã đành, đến mùi vị hít thở cũng lạ lùng:
Hương xuân trên đất người ta
Ngửi vô lạ hoắc, thở ra bồi hồi
Hương trầm còn lại trong tôi
Oà lên nghi ngút xông đời quạnh hiu.
(Xuân trên đất người, Huy Lực)
Hoặc:
Ngoài đêm tuyết trắng như bông nỏn
Không đợi mùa xuân vẫn cứ qua
Em với quê hương hai mũi nhọn
Bất ngờ đâm thấu suốt tim ta.
(Cho quê hương và người tình lỡ, Hà Huyền Chi)
Những rộn ràng hoa lá, những màu sắc tình nhân cũng đã được viết lên:
Trong nắng xuân muôn sắc màu đua nở
Đường em về áo mỏng quyện mùi hương
Anh khai nguyên một cành hoa dạ lý
Sắc mây hồng khơi dậy ý tơ vương.
Giữa ngàn hoa thơm nồng cơn gió lạ
Môi tươi cười nâng nhẹ tóc em lay
Trong ánh mắt hồn bay đi băng giá
Xin lâng lâng chào đón phút giây nầy.
(Cành mai cho người yêu dấu, Phan Việt Thuỷ)
Hay hãy nghe Uyên Hạnh:
Ngày xuân phơ phất mưa bay
Gió xuân ấm áp ngây ngây men tình
Xuân hồng thắm một bình minh
Vì xuân lòng nặng nguồn tình gửi trao
Gom túi thơ gạt hững hờ
Men xuân chưa cạn cơ hồ đã say!
(Tình Xuân, Uyên Hạnh)
Mùa Xuân đến, mùa của đoàn tụ, yêu thương. Nhưng ai cũng có tình yêu đôi lứa, tình bạn thâm sâu. Những người Việt xa quê hương, ở rải rác khắp năm châu, bốn bể không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những người yêu, người bạn còn ở quê nhà. Họ đang sống như thế nào? Vất vả, khổ cực. Mùa Xuân về không có đủ áo cơm đừng nói gì đến hoa với pháo:
Đón xuân như một trò chơi
Tàn canh vắng lặng tiếng cười nhẹ tênh
Một mình ngồi tựa chênh vênh
Trăng đêm gọi nhớ dăm tên bạn bè
Thằng thì ở tù vẫn chưa về
Thằng neo mạng sống gần kề vực sâu.
(Đêm xuân nhớ bạn, Vĩnh Liêm)
Hãy nghe Tạ Ký thốt lên tâm trạng của mình:
Tết đến rồi đây xuân đến đây
Xuân Xuân Tết Tết được bao ngày
Cười nghiêng núi thẳm thêm gian khổ
Tết đến quê xa Tết đọa đày
Có những con người không biết Tết.
Quê hương ơi sao đầy nỗi nhớ thương. Nhớ mà thương mà hận. Làm gì đây để thắp sáng mùa Xuân cho quê hương:
Xuân lại về đây, xuân xứ lạ
Khối sầu vong quốc trĩu vai thêm
Xa quê thấy biển đời băng giá
Hạnh phúc trôi theo sóng nổi chìm
Vẫn sống trong hồn cơn ác mộng:
Sài Gòn đổi chủ tháng Tư đen
Mười năm đất khách mười năm tủi
Xuân đến buồn thêm phận cỏ hèn.
Chia sẻ với nổi khổ đau bất hạnh với bao nhiêu cô gái phải hy sinh thân mình để đi lấy chồng nước ngoài, nhà thơ Võ Thị Điềm Đạm có lời chúc:
Lời chúc đầu năm, tôi xin gởi:
Đến cô gái Việt đầu đường xứ lạ,
Thôi nhọc nhằn, tìm được chỗ dựa thân.
Thôi mưa dầm, nhơ, đẫm ướt thân em.
Nắng xuân ấm sưởi khô giòng nước mắt.
Đến em nhỏ Việt, món hàng đổi chác,
Thân gầy còm! Lắm kẻ bán người mua.
Ánh nắng xuân tươi dẫn dắt tìm đường
Trả lại em tương lai, đưa em về với mẹ.
(Lời chúc đầu năm, Võ Thị Điềm Đạm)
Bỏ qua những muộn phiền, những âu lo cuộc sống, đón Xuân người ta thường tìm đến đời sống tâm linh. Đón Tết, đến chùa niệm Phật, cầu an cầu lộc, cầu sức khoẻ và nghe tiếng chuông chùa, tiếng kinh kệ cho lòng lắng xuống:
Đón giao thừa pháo rền vang,
Tiếng chuông chùa điểm mênh mang thoát trần.
Múa lân trống giục bao lần,
Đón xuân thơm ngát, trong ngần từ bi.
(Xuân bên cửa Phật, Bá Duy)
Một nhà thơ rất quen thuộc với người yêu thơ hiện nay ở hải ngoại: nhà thơ Luân Hoán. Thơ ông dàn trải đủ mọi thể tài, đủ mọi tình huống tình cảm, cuộc sống. Có thể nói, Luân Hoán là người làm thơ nhiều nhất hiện nay (www.luanhoan.net). Một thể tài gần gũi cuộc sống đó là ngày nay con người sống thọ hơn:
Xuân nầy lên bảy chục
Thừa thêm hăm bốn ngày
Sao mà thọ quá vậy
Với đời giàu đắng cay?
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Bây giờ ló bảy chục
Không tin sẽ tám mươi
Nhưng truyền thống gia tộc
Xấp xỉ mức chín mươi.
(Xuân và tuổi thọ, Luân Hoán)
Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học, nhất là ngành y khoa và điều kiện vật chất, môi trường con người ta sống thọ hơn ngoài truyền thống gia đình như Luân Hoán nghĩ.
Số trang, số chữ có hạn của một bài báo không cho phép chúng tôi ghi chép thêm nữa. Tôi xin mượn mấy câu thơ sau đây để xin chúc Tết toàn Ban biên tập, cộng tác viên và đọc giả an vui, hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ và vạn sự như ý trong ngày Tết, trong năm mới trên quê hương người, cũng như trong nước:
Cung kính mời nhau chén rượn nồng
Chúc mừng năm đến, tiễn năm xong
Tân niên phúc lộc khơi vừa dạ
Xuân mới tài danh khởi thoả lòng
Vạn chuyện lo toan thay đổi hết
Sự gì bế tắc thảy hạnh thông
Như anh, như chị, bằng bè bạn
Ý nguyện trọn đời đẹp ước mong.
(Vô Danh)
Phan Việt Thuỷ
* Phan Việt Thuỷ là bút hiệu của GS Phan Văn Giưỡng, đã xuất bản: Hoa Buồn (thơ 1964), Bàn Tay Tình Tự (thơ 1967), Dung Nhan (thơ 1970), Tấm lòng người bạn (truyện ngắn 1986), Vietnamese Press in Australia (1987).