.
Nhà thơ Phùng Quán
Hôm nay chợt nhớ tới nhà thơ Phùng Quán. Một lý do, cũng vì có người nhắc cuối tuần này, là Ngày Lễ Mẹ. Mình quen Lễ Vu Lan rồi, nhưng hễ nghe nói tới Mẹ là lòng vẫn bùi ngùi.
Theo các tài liệu phổ biến, Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội Miền Bắc.
Vài năm sau, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.
Wikipedia ghi rằng:
“Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui"...”
Nghĩa là bị trù dập.
Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội.
Báo Lao Động hôm 2-5-2015 có bản tin tưạ đề “Người đứng tên thay cho nhà thơ Phùng Quán.”
Bản tin là cuộc phỏng vấn ông Vũ Quang Khải. Trong đó ông Khải kể, Phùng Quán là anh vợ ông Khải, và Phùng Quán nhờ ông Khải đứng tên các tác phẩm, trong đó có tác phẩm trúng giải thưởng năm 1970.
Báo Lao Động ghi lời ông Khải:
“Tôi sinh năm Quí Mùi (1943), cái tuổi có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Các cụ bảo: Trai Đinh, Nhâm, Quí thì tài mà tôi không có chút năng khiếu gì về văn chương cả, nên tôi mới làm nghề chăn nuôi! Tác phẩm mang tên tôi: Như cánh cò vàng trong cổ tích.- Giải nhất cuộc thi sáng tác VHNT năm 1970, là của người anh vợ tài hoa và long đong - nhà thơ Phùng Quán...”
Bản tin LĐ ghi lại:
“...Ông kể, năm 1967, ông tốt nghiệp đại học nông lâm, rời Hà Nội về công tác ở Nghệ An. Đây cũng là quãng thời gian mà ông có kỷ niệm không quên với ông anh rể - nhà thơ Phùng Quán. Một buổi sáng, bất ngờ ông nhận được giấy mời đi nhận giải nhất cuộc thi sáng tác văn học, bạn bè xúm lại chúc mừng, ông cũng mừng, nhưng tủm tỉm cười không nói gì, vì ông biết đây là tác phẩm của ông anh rể. Ông đón tàu về Hà Nội lãnh giải, còn nhà thơ Phùng Quán đứng chờ bên ngoài. Ông còn nhớ phần thưởng là chiếc xe đạp Liên Xô, (thời bấy giờ gọi là xe trâu vì nó to lớn kềnh càng), xe đã có nhưng đang chờ người ta ráp. Nhà thơ nghe nói vậy cứ tiếc mãi, bảo: “Sao cậu dại thế, không nhận về nhà mình ráp có phải được cái thùng gỗ, đóng bao nhiêu thứ không?” Kể lại chuyện này xong, ông buồn rầu nói: “Ngày đó ai cũng nghèo nhưng anh chị tôi nghèo lắm, nhà thơ Phùng Quán rất tiết kiệm, anh tận dụng mọi thứ người ta phế thải để sử dụng”...”(hết trích)
Hôm nay, xin trích vài dòng thơ của Phùng Quán từ bài Lời Mẹ Dặn, năm 1957:
“...Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chóị
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”(hết trích)
Cô Tư Sài Gòn