User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Cười là một cách để biểu lộ tình ý và nhân cách. Người từng trải có thể nhìn nụ cười hay nghe tiếng cười mà đoán được tâm tính con người: nụ cười hồn hậu thì tâm trong sạch; nụ cười trí trá thì tâm nhơ bẩn. Tâm có tu thì nụ cười mới đẹp.

Thuở xưa, xã hội Việt còn khép kín, người ta thường giữ nét mặt nghiêm trang nên vẻ mặt ít tươi cười. Ngày nay, cuộc sống cởi mở nên không thể thiếu nụ cười vui tươi. Châm ngôn Mỹ có câu: “Live well, Love much, Laugh often” nghĩa là “Hãy Sống tốt, Yêu nhiều, Cười thường”, viết tắt là L3 (L ba).

Vâng, Trời ban cho con người ai cũng biết cười, nhưng mỗi người cười một kiểu. Dân tộc ta vốn được thiên nhiên ưu đãi có sông núi gợi cảm nên tâm hồn con người cũng chứa chan tình ý. Vì thế, người Việt có khá nhiều cách cười: cười tủm tỉm, cười đon đả, cười nhếch mép, cười toe toét, cười mỉm, cười kiêu ngạo, cười khinh khỉnh, cười hô hố, cười khan, cười góp, cười ruồi, cười nhe răng, cười nửa miệng, cười dê, cười giòn, cười ngạo nghễ, cười xỏ lá, cười trăng hoa, cười lả lơi, hóm hỉnh, cười khúc khích, cười nịnh, cười mũi, cười ngất, cười Sở Khanh, v.v.
Nhưng, cười để làm gì? Trước hết, cười để gây thiện cảm. Trong các buổi tiếp tân, nếu MC tạo được nhiều chuỗi cười là MC đó thành công.

Ðặc biệt nơi phái yếu, cười để làm tăng phần duyên dáng làm mê mẩn những trái tim sắt đá nhất. Người ta thường nói nụ cười có thể làm nghiêng thành, đổ nước như nụ cười của nàng Bao Tự làm cho Trụ Vương phải mất ngai vàng.
Ca dao có câu:

Trăm quan mua lấy nụ cười
Nghìn quan mua lấy tiếng cười ngây thơ

Cười để thư giãn thần kinh có lợi cho sức khỏe. Những người cười nhiều thường sống lâu hơn những người ít cười. Người Nhật khám phá ra cười làm giảm đường trong máu sau bữa ăn. Cười rất có lợi cho người bị tiểu đường. Ðại học Maryland cho biết xem hài kịch giúp máu huyết lưu thông tốt. Các cuộc khảo cứu cho biết hài hước có thể giúp gia tăng chất kháng sinh trong cơ thể và gia tăng các tế bào miễn nhiễm. Như vậy, mỗi ngày nên tập luyện cười thành tiếng lâu chừng 15 phút. Tạp chí Reader’s Digest tặng $300. cho mỗi mẩu chuyện cười.

Triết gia Hy Lạp Aristotle (384 – 322 Trước Tây Lịch) nhận định “chỉ có loài người biết cười”. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc khảo sát, người ta đã biết thêm không riêng chỉ loài người biết cười mà loài chó, khỉ, chuột, cá, v.v. cũng biết cười, tất nhiên cái cười của chúng rất đơn thuần. Trên thân thể chúng cũng có những chỗ như nách hay bụng có thể làm chúng nhột và phát ra tiếng cười. Trẻ sơ sinh chừng 17 ngày đã biết cười, một nụ cười vô nhiễm của thiên thần.
Nụ cười quả đã điểm tô cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Cho nên:

Thế gian mà thiếu nụ cười
Người ơi, cuộc sống trên đời vui chi?

Thi hào Nguyễn Du mô tả nụ cười của Thúy Vân:

Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

Nhưng nếu cười để mà chế nhạo hay tự cao, thì người ta khuyên:

Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước, hôm sau người cười

Cười quá nhiều có thể thành trơ trẽn và gọi là cười toe toét. Ðó là những người:

Vô duyên chửa nói đã cười

Có khi cười để che giấu âm mưu nham hiểm bên trong:

Buồng đào khuya sớm thảnh thơi
Ra ngoài một mực nói cười như không

[Kiều, Nguyễn Du, câu 1565 – 1566]

Hoặc:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bề trong nham hiểm giết người không dao

Nói chung, nụ cười vui tươi không thể nào thiếu trong cuộc sống chung để tạo hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Các văn nghệ sĩ được mến chuộng vẫn là những người có khả năng tạo những chuỗi cười vô cùng thoải mái cho mọi người như vua khôi hài Fernadel của Pháp, Charlie Chaplin của Anh, và Dan Ahdoof (1979 - ) của Mỹ.

Nụ cười thật sự là món quà quý báu mà Thượng Ðế ban cho con người để tô điểm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nếu biết sử dụng. Trong ý đó, nhà thơ Hải Bằng Hoàng có bài thơ:

Nụ Cười

Hãy cho nhau một nụ cười
Cuộc đời thêm đẹp, vẻ người thêm tươi
Uổng thay sống chẳng biết cười!
Hay chi giữ mãi mẽ người tự cao?

Trời cười: trời nở trăng sao
Ðất cười, đất mở núi cao, sông dài
Mây cười, gió đuổi theo hoài
Nắng cười, gió hát cho ai mơ màng

Em về có nhớ anh chăng?
Anh về nhớ mãi hàm răng em cười
Nụ cười tươi thật là tươi
Cho tình ấm áp, cho đời lên hương

Nụ cười thương thật là thương
Một giây gặp gỡ, tình vương suốt đời
Buồn vui, xin giữ nụ cười
Cho lòng ấm áp, cho người đáng yêu

(Hương Yêu, tr. 64)

Nói tới “cười” thì cũng phải nói tới những nhà thơ và những nhà văn trào phúng là những người dùng thơ văn để chế giễu những điều trái tai, gai mắt hay những bất công.
Xã hội càng có nhiều tiêu cực như những thói hư, tật xấu, tham nhũng, bất công, và đàn áp, thì càng xuất hiện nhiều thơ văn trào phúng.

Nhà thơ trào phúng tiêu biểu nhất trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ thứ 18 là Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương. Bà cất một nhà tranh ở làng Khán Xuân, Thăng Long, nhìn ra Hồ Tây gọi là Cổ Nguyệt Ðường [ghép các chữ Cổ và Nguyệt thành ra chữ Hồ]. Các tài liệu tìm thấy mới đây cho thấy bà là một nhân vật có thực và có tài văn chương, nhưng sinh vào thời buổi nhiễu nhương - thời Lê mạt - số phận lại rất hẩm hiu – hai đời chồng, đều làm lẻ, và nửa đường đứt gánh - từ đó phát xuất ra những giòng thơ mang nhiều vị chua chát, đắng cay, và trào lộng. Hồ Xuân Hương có giao lưu văn bút thân thiết với nhiều thi sĩ đương thời trong đó đậm đà nhất phải là thi hào Nguyễn Du. Người ta tìm thấy 6 bài thơ của XH viết cho Nguyễn Du và 14 bài thơ của ND viết cho XH.

Nguyễn Du viết cho Xuân Hương: “Tây Hồ cảnh đã hoang vu.”
Xuân Hương đáp: “Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa.”
Nguyễn Du viết: “Cây có vầng xanh tỏ tấm lòng.”
Xuân Hương đáp: “Một vầng trăng sáng tỏ tình ta.”

Tác phẩm của bà gồm khoảng 50 bài thơ chữ Nôm và thi tập Lưu Hương Ký gồm 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ Nôm trong đó có nhiều bài rất trang nhã và trữ tình như bài:

Cảnh Thu

Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang san say chấp rượu
Túi nghiêng phong nguyệt nặng vì thơ
Ô hay, cảnh cũng ưa người nhỉ
Thấy cảnh mà ai chẳng ngẩn ngơ

Nhưng đặc biệt là bà có biệt tài dùng lời thơ thanh nhã để nói về cái “giống” hầu tạo tiếng cười. Chẳng hạn, bài:

Quả Mít

Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay

Và bà chê với mấy anh học trò thường theo ghẹo bà, nhưng rất có thể là để ám chỉ mấy quan lớn kém tài văn chương đương thời:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng “ấy ái uông”

Hoặc:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Vào những thập niên 1930, - 1940 khi xã hội Việt Nam chuyển mình theo trào lưu lối sống Tây Phương thì trên văn đàn báo chí xuất hiện nhiều hí họa hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ tiêu biểu cho lớp người quê mùa, cổ lỗ sống với nhiều thói hư, tất xấu của xã hội cũ.

Gần đây nhất, ở Việt Nam, đặc biệt là Miền Bắc, có hàng ngàn, hàng vạn câu vè, bài thơ, kịch, truyện trào lộng của các tác giả vô danh hay hữu danh tiêu biểu như: Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tên của chế độ Cộng Sản Hà Nội ở ngoài Bắc)
Ðồ đạc bán hết, của nhà bán sau
Ăn cơm thì chỉ có rau
Chớ ăn thịt cá mà đau dạ dày
Mọi người làm việc bằng hai
Ðể cho chủ nhiệm mua đài mua xe
Mọi người làm việc bằng ba
Ðể cho cán bộ xây nhà, xây sân

Tuy nhiên, vũ khí trào lộng không còn hữu hiệu nữa, nên người ta đang chuyển hẳn sang giai đoạn trực diện đấu tranh bằng lập hội và đảng.
Ngày nay, rất mừng là càng ngày người ta càng hiểu giá trị của nụ cười là trọng tâm của văn hóa xã hội và chúng tôi chọn chủ đề “Cười” cũng là ước mong từ nay chúng ta sẽ cười nhiều hơn trong ngay cả những lúc gặp phải nghịch cảnh ngõ hầu đối phó với hậu quả của các loại hội chứng (stress).

Ở nước nào gặp nhiều nụ cười nhất?

Sang định cư ở Hoa Kỳ, tôi thấy xứ xở này đã có nhiều nụ cười hơn bất cứ nước nào khác mà tôi đã có dịp viếng thăm. Ngược lại, tôi nhận thấy sau năm 1975, người Việt trong nước, đặc biệt là người Miền Bắc, đã thiếu vắng hẳn đi nhiều nụ cười vui vẻ đã từng có, và nay thay vào đó là những nụ cười gượng gạo.

Một chuyện khác nữa là khi còn kẹt ở Việt Nam trong những năm 1980, tôi gặp một người lang thang rách rưới đi cà nhắc ăn xin nhưng anh thường nhếch mép cười một mình như kiểu “cười ruồi” vậy. Anh nhận quét chợ đổi lấy cơm. Tôi tìm cho anh một manh chiếu và tấm áo mưa. Anh thường đến vườn sau nhà tôi vào buổi trưa tựa gốc cây nghỉ trưa. Thỉnh thoảng anh ta ré lên cười hoặc nhếch mép cười thầm. Ai cũng nói là anh ta khùng. Nhưng anh đã thú thật với tôi là anh chỉ giả khùng và cười là cách để vơi đi nỗi đau khổ. Tôi thường đem cho anh một bát cơm có chút thức ăn dù lúc đó gia đình chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Anh cho biết anh trước 1975 làm trung sĩ thông dịch viên. Rồi anh bị té gãy chân và vợ con bỏ anh đi nơi khác kiếm ăn. Anh xin tôi một cuốn từ điển Anh - Việt để làm bạn. Năm 1999 tôi từ Mỹ về thăm thì biết anh đã giã từ cuộc đời.

Tôi không thể quên tiếng cười cô đơn của anh và tôi làm bài thơ “Giả Cuồng để Sống” để nhớ về anh, thi sĩ Bùi Giáng, và Tướng Dương Văn Ðức.

Ta có điên đâu? - chỉ chẳng may
Ðổi đời nên gặp nỗi nông này
Thân tàn, danh liệt, hồn u uất
Nước mất, nhà tan, dạ đắng cay
Pháp mạt, đời tàn, tâm loạn động
Thuyết lầm, dân khổ, trí hoang say
Thương thay hồn chết trong thân sống
Lây lất giả cuồng qua tháng ngày

(Vương Miện Tuổi Tình Yêu, tr. 131)

Vâng trong cuộc sống đôi khi phải mượn tiếng cười thay cho mước mắt vì e có thể bị cho là yếu hèn. Ðó chính là trường hợp tiềng cười thay nước mắt của Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln (1809- 1865) người đã chứng kiến cảnh cốt nhục tương tàn trong cuộc nội chiến đẫm máu giữa những người Miền Nam và Miền Bắc vốn từng đã là những chiến hữu sát cánh bên nhau trong cuộc chiến cho nền độc lập và tự do của Mỹ Châu. Tổng thống Lincoln đã nói: “I laugh because I must not cry” (Tôi cười bởi vì tôi không được khóc.)

 

Hải Bằng.HDB

 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com