
Sau 54 năm, hài cốt của 81 tử sĩ binh chủng Nhảy Dù QLVNCH được di chuyển trên chiếc máy bay của Không Lực Hoa Kỳ từ Hawaii đến Nam California, Thứ Sáu ngày 13/9/2019. Buổi Lễ Vinh Danh tại Tượng Đài Việt Mỹ, thành phố Westminster vào Thứ Bảy ngày 26 tháng 10, 2019.

Hình 1: Đại Tá Gino Castagnetti (phải) cùng một binh sĩ Mỹ khiêng thùng đựng hài cốt 81 tử sĩ Nhảy Dù VNCH từ trên máy bay xuống. (Hình: Nina Nguyễn cung cấp)
Hình 2: Đại Tá Gino Castagnetti và phu nhân, bà Nina Nguyễn bên cạnh 81 bộ hài cốt. (Hình: Nina Nguyễn cung cấp)

Hình 3: Cây xuyên qua thân phi cơ C-123 của không quân Hoa Kỳ lâm nạn ngày 11 tháng 12 năm 1965. (Ảnh tài liệu của JPAC)

Hình 4: Một phần xác của chiếc C-123 bị nạn ở Tuy Hòa năm 1965. (Hình: Nguyễn Quốc Hiệp cung cấp)
*
Ngày 26 tháng Chín năm 2012, Thông Báo Tin Tức liên quan đến 81 quân nhân Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù QLVNCH mất tích trên chiếc phi cơ C-123 thuộc Không Lực Hoa Kỳ ngày 11 tháng 12 năm 1965.
“Kính xin Quý cơ quan Truyền Thông & Báo Chí vui lòng giúp phổ biến tin tức “nhân đạo” nầy, và mong sao thân nhân của 81 quân nhân Nhảy Dù biết được tin quan trọng sau gần 47 năm (1965-2012).
Lực lượng liên hợp tìm kiếm tù binh/quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong khi chiến đấu (Joint Prisoners of War, Missing in Action Accounting Command), còn gọi là JPAC, muốn liên lạc với thân nhân của 81 quân nhân Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy dù mất tích trên chiếc phi cơ C-123 thuộc Không Lực Hoa Kỳ ngày 11 tháng 12 năm 1965.
Qua liên lạc, xin được tường trình như sau: JPAC vừa nhận được mẫu xét nghiệm DNA gia đình của bốn phi hành đoàn Không Quân Hoa Kỳ, và đang tìm thân nhân của 81 quân nhân Nhảy Dù bị tử nạn trên chuyến bay đó để họ gởi dụng cụ thử DNA. Cần nên biết, thân nhân thích hợp thử DNA được chọn là chị em gái, anh em trai và vợ của những quân nhân kể trên (maternal relatives for all the Airborne ARVN Soldiers)..
JPAC sẽ gởi dụng cụ so sánh DNA đến thân nhân hiện đang sinh sống ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, kể cả tại Việt Nam.
Chân thành cảm ơn.
Để biết thêm chi tiết, thân nhân xin vui lòng liên lạc ông Robert Maves qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Tóm lược bài viết của Tiến Sĩ Duane A. Cachon về Đại Tá:
Trong số hàng trăm bài báo tôi đã viết về các anh hùng tôi nghĩ đây chỉ là bài thứ ba tôi viết về một anh hùng còn sống: Castagnetti
Trong nhiều năm tôi biết Castagnetti, tôi biết rằng ý thức về nghĩa vụ mà anh ta luôn thể hiện kể từ khi tôi biết anh ta là kết quả của bốn thế hệ Castagnettis từng phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến. Castagnetti đã trải qua 28 năm trong TQLC, bao gồm hai chuyến công tác tại Việt Nam, nơi ông được trao huy chương Ngôi Sao Bạc vì hành động của mình như một Thuyền Trưởng trẻ tuổi trong một Đại Đội tác chiến.
Vào ngày 9 tháng 6 năm 1969, Đại Úy Castagnetti khi đó là sĩ quan chỉ huy của Đại Đội B Tiểu Đoàn 1, Thủy Quân Lục Chiến số 5, Sư Đoàn TQLC (Rein). Đại Úy Castagnetti đã dũng cảm trong cuộc tấn công mạnh mẽ vào khu vực phòng thủ của địch quân. Những nỗ lực anh hùng và táo bạo của anh đã tác động tinh thần anh em TQLC và khiến tám mươi binh sĩ Bắc Việt bị giết ngoài việc thu giữ nhiều vũ khí và tài liệu chứa có giá trị tình báo, trong khi chỉ duy trì thương vong tối thiểu trên biển. Bằng lòng dũng cảm, khả năng lãnh đạo năng động và sự tận tụy không ngừng khi làm nhiệm vụ trước nguy cơ cá nhân nghiêm trọng, Thuyền Trưởng Castagnetti đã đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ đơn vị của mình và giữ vững truyền thống cao nhất của Thủy Quân Lục Chiến và của Hải Quân Hoa Kỳ. Tổng Thống Hoa Kỳ trao tặng huy chương Ngôi Sao Bạc cho Thuyền Trưởng Gene E. Castagnetti (MCSN: 0-31285536).
Sau khi phục vụ 28 năm ở Thủy Quân Lục Chiến, Đại Tá Castagnetti đã kết thúc sự nghiệp của mình với tư cách là chỉ huy cơ sở tại Camp Smith, ở Honolulu. Cơ sở này là cơ sở quốc phòng lớn ở Thái Bình Dương. Năm 1990, Castagnetti đảm nhiệm Giám Đốc Nghĩa Trang Quốc Gia Thái Bình Dương.
Đây không chỉ là nơi an nghỉ cuối cùng cho hơn 50.000 cựu chiến binh và gia đình của họ nhằm tri ân sự đóng góp cho đất nước Hoa Kỳ.
Castagnetti đã nghỉ hưu, Đại Tá có thể và nên tự hào về những gì ông đã đạt được khi là một Thủy Quân Lục Chiến và là Giám Đốc Nghĩa Trang Quốc Gia TBD.
Cũng như Jim Webb, ông có vợ người Việt - Nina Nhung Nguyễn, Nina Castagnetti - nên dễ gần gũi với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
*
Những Người Lính Vô Tổ Quốc
James Henry "Jim" Webb được nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ (United States Naval Academy) năm 1964 Hoa Kỳ. Năm 1968 tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Trong chiến tranh Việt Nam, ông là một Tiểu Đội Trưởng trong Đại Đội Delta, Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 5. Ông cựu chiến binh có nhiều huy chương trong chiến tranh Việt Nam. Trong 4 năm phục vụ trong chính phủ Reagan, ông là phụ tá Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, rồi sau đó là Bộ Trưởng Hải Quân.
Trong kỳ bầu cử vào thượng viện Hoa Kỳ năm 2006 ông trở thành Thượng Nghị Sĩ. Chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện.
Cuộc hôn nhân thứ ba và hiện nay của ông với Hồng Lê Webb, Luật Sư người Mỹ gốc Việt. Hồng Lê sinh tại Vũng Tàu, miền Nam Việt Nam và đã tị nạn tại Hoa Kỳ sau biến cố tang thương 30 tháng 4 năm 1975.
Bài viết: tác giả Jim Webb trên tờ USA Today ngày 13 tháng 9 năm 2019, Soldiers without a country: We're finally honoring South Vietnamese who fought with us (Những Người Lính Vô Tổ Quốc: Cuối cùng chúng tôi xin vinh danh những quân nhân miền Nam đã chiến đấu với chúng tôi).
Nguyễn Ngọc Sẵng phỏng dịch
“... Câu chuyện bi thương nhưng hùng tráng về những người lính tử trận từ chiến trường Việt Nam đã an nghỉ nơi nghĩa trang người Mỹ gốc Việt lớn nhất nước nầy, nó cũng là nơi an nghỉ cuối cùng cho nhiều người Việt khác đã trả giá đắt trên đường đến Mỹ tìm tự do...”
Làm thế nào để biết một xã hội nhớ về cái chết của bạn chúng ta, bao gồm cả những người hy sinh cùng với chúng ta trong các cuộc chiến tranh cho quốc gia của chúng ta? William Gladstone, thủ tướng Anh trong thế kỷ 19, đã đưa ra một công thức về thời gian: Hãy cho tôi thấy cách mà một quốc gia hoặc cộng đồng quan tâm đến cái chết của người chiến sĩ, tôi sẽ dùng toán học để đo lường chính xác sự cảm thông, thương cảm của bạn với những tử sĩ, họ là người tôn trọng luật pháp và trung thành với những lý tưởng cao đẹp.
Vào Thứ Sáu, một chiếc máy bay của Không Quân Hoa Kỳ sẽ mang hài cốt của 81 binh sĩ Nhảy Dù của Quân Đội Nam Việt Nam Cộng Hoà đến từ Hawaii, nơi họ đã được cất giữ trong một cơ sở quân sự trong hơn 33 năm, đến California.
Vào ngày 26 tháng Mười, một lễ nghi quân cách được cử hành để vinh danh chiến công của họ ở Westminster, thường được gọi là Little Saigon, nơi hàng chục ngàn người Mỹ gốc Việt hiện đang sinh sống.
Đây sẽ là một sự kiện đặc biệt bởi vì tên của họ có thể không bao giờ được biết đến và vì họ là những người lính của quân đội đồng minh. Sau buổi lễ, những người lính bị lãng quên này sẽ được an nghỉ dưới một trụ bia kỷ niệm tại nghĩa trang lớn nhất của người Mỹ gốc Việt ở nước Mỹ.
Nơi an nghỉ cuối cùng này sẽ đánh dấu một hành trình 54 năm phức tạp bắt đầu trên một chiến trường bị lãng quên từ lâu trong một cuộc chiến tàn khốc xé tan đất nước chúng ta (Mỹ) và dẫn đến cái chết của 58.000 binh sĩ Mỹ và hàng triệu người Việt Nam.
"Những Người Lính Vô Tổ Quốc". Cuối năm 1965, một chiếc C-123 của Mỹ đã bị bắn hạ, thiệt mạng cả bốn thành viên phi hành đoàn Mỹ và 81 binh sĩ Nhảy Dù Nam Việt Nam. Địa điểm xảy ra tai nạn nằm ở khu vực tranh chấp và không ai được lai vãng đến cho đến năm 1974. Các mảnh xương và một số vật dụng cá nhân đã được thu thập, nhưng tất cả các hài cốt được tìm thấy đều bị trộn lẫn lại với nhau và xếp nằm gọn trong một chiếc quan tài lớn. Hài cốt được chuyển đến Bangkok.
Các thành viên phi hành đoàn người Mỹ sau đó đã được xác định thông qua xét nghiệm DNA và đã được chôn cất cẩn thận. Nhưng không có bảng danh sách chuyến bay nào cho những người lính miền Nam. Vào năm 1986, hài cốt của họ đã được gửi đến phòng thí nghiệm của quân đội Hoa Kỳ POW/MIA ở Hawaii, nơi chịu trách nhiệm xác định những người bị chết hoặc mất tích trong các cuộc chiến tranh.
Và ở đó, hài cốt của những người lính miền Nam đã cất giữ trong 33 năm qua. Vì không có bản kê khai danh sách chuyến bay cho nhiệm vụ chiến đấu như vậy, nên có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết tên của những người đã mất. Họ chỉ được xác định là thành viên của một Tiểu Đoàn Nhảy Dù tinh nhuệ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. (Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7 ND, theo hiểu biết của người dịch).
“Khi thiên đường và trái đất thay đổi ngôi”: Ken Burns, Lê Ly và tôi.
Chính quyền Hà Nội đã hai lần từ chối chấp nhận cho họ được chôn cất ở Việt Nam. Và bởi vì đây không phải là công dân hay binh lính Mỹ, nên không được chôn cất và tôn vinh đúng theo cách của Hoa Kỳ. Họ là những người lính vô danh, và thực sự đã trở thành những người chiến binh không có tổ quốc, nên sau khi hy sinh cho đất nước họ vĩnh viễn vào nơi hư vô.
81 Tử Sĩ yên nghỉ trong Công Viên Tự Do ở Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Tôi đã học được về tình huống này hai năm trước. Tôi coi thông điệp về thời gian của Gladstone là kim chỉ nam. Nếu chúng ta là người và chúng ta nói chúng ta là một quốc gia và một dân tộc, chúng ta không những chỉ quan tâm đến cái chết của mình mà còn quan tâm đến những người phục vụ bên cạnh chúng ta trong tình trạng hiểm nghèo. Những người lính tử trận xứng đáng được ghi nhớ với sự tôn vinh và kính trọng của chúng ta.
Sau nhiều tháng đàm phán phức tạp trên cả phương diện ngoại giao và pháp lý, cuối cùng chúng ta đạt được điều mong muốn. Vào ngày 26 tháng Mười, sau lễ Tưởng Niệm ở Công viên Tự do Westminster, những người lính sẽ được an táng gần đài tưởng niệm, và cũng để vinh danh sự can đảm, vượt gian nguy của hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam đã vượt biển, họ mạo hiểm mọi thứ để đến đất nước Mỹ tìm tự do.
Người tị nạn: Ngày 4 tháng 7 này, tôi cam kết trung thành với nước Mỹ. Phải mất hai cuộc chiến để biến tôi thành người Mỹ.
Buổi lễ sẽ có nhiều nghi lễ khác, không chỉ nhớ về những hy sinh, nhớ năm thập kỷ trường chinh của những người lính trẻ, những người từ lâu đã hy sinh cho lý tưởng dân chủ cho một quốc gia không còn tồn tại. Nó cũng sẽ nhắc lại hàng trăm ngàn binh sĩ khác đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác có thể không bao giờ thân xác được tìm thấy.
Câu chuyện bi thương nhưng hùng tráng về những người lính tử trận từ chiến trường Việt Nam đã an nghỉ nơi nghĩa trang người Mỹ gốc Việt lớn nhất nước nầy, nó cũng là nơi an nghỉ cuối cùng cho nhiều người Việt khác đã trả giá đắt trên đường đến Mỹ tìm tự do.
Nó cũng sẽ nhắc quốc gia chúng ta ghi nhớ và đánh giá cao sự đóng góp của 2 triệu người Mỹ gốc Việt đã giúp chúng ta trở thành một xã hội mạnh mẽ và linh động hơn.
Và nó sẽ giúp chúng ta nhớ chúng ta là ai, và chúng ta luôn khao khát trở thành một người biết trân quí cuộc sống của con người và sẽ không bao giờ quên những người đứng bên cạnh chúng ta trong những thời điểm khó khăn đặc biệt.
Jim Webb
Nguyễn Ngọc Sẵng phỏng dịch
*
Theo bài viết của Nguyễn Quân: “Trong cuộc hành quân không tải từ Pleiku đến Tuy Hoà, chiếc vận tải cơ C-123B của Không Lực Hoa Kỳ phi vụ vụ chuyển quân (Airlift Mission) chở 81 quân nhân thuộc Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù cất cánh sáng Thứ Bảy ngày 11 tháng 12 năm 1965, đã không đáp xuống phi trường theo giờ ấn định, mất liên lạc không rõ lý do.
Sau đó phía Không Quân Hoa Kỳ đã cho phi cơ đưa toán chuyên viên RAMP nổ lực tìm kiếm trong các ngày 12, 13 và 14 tháng 12 năm 1965, nhưng không có kết quả. Đến ngày 15 thì cuộc tìm kiếm bị gián đoạn do thời tiết xấu..
Cho đến ngày 22 và 23 tháng 12 năm 1965, toán tìm kiếm từ phi cơ quan sát đã phát hiện ra xác phi cơ bị gãy nát, chỉ còn lại khoảng 20 feet trên một đỉnh núi về phía Tây Nam, cách Tuy Hoà 20 dậm. Toán tìm kiếm cho biết: “Không thấy dấu hiệu có sự sống của toàn bộ 4 phi hành đoàn Hoa Kỳ và 81 quân nhân Nhảy Dù”, thời tiết xấu và mây mù che phủ đã làm ành hưởng, gây trở ngại đến sự quan sát vị trí phi cơ lâm nạn, hơn nữa khu vực nầy lại do Việt Cộng kiểm soát. Toán tìm kiếm đã cố gắng quan sát thêm, và không thấy có dấu hiệu phi cơ đáp xuống, trước khi đụng vào đỉnh núi! Họ không thể xác nhận liệu có thể có sự sống sót xảy ra sau khi phi cơ lâm nạn trong khu vực (REF 1).
Sáu tháng sau, cuộc tìm kiếm được tiếp tục vào ngày 6 tháng 1 năm 1966, trên phi cơ qua kính quan sát trong thời gian khoảng 30 phút từ độ cao 30 đến 100 feet, toán tìm kiếm vẫn không tìm thấy được gì hơn trong khu vực phi cơ lâm nạn (REF 2).
Phải đến tám năm rưỡi sau, vào ngày 16 tháng 6 năm 1974, một toán tìm kiếm khác gồm 2 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà và 8 thợ cưa gỗ rừng tiến vào khu vực phi cơ lâm nạn quan sát tình hình trước.
Đến ngày 23 tháng 6 năm 1974, toán tìm kiếm đã gom lại được tất cả 17 bao từ phần còn lại bên ngoài phi cơ, họ không thể vào trong thân phi cơ vì còn nhiều lựu đạn và đạn M-79.
Đến ngày 28 tháng 6 năm 1974, 17 bao thu hồi bên ngoài phi cơ được Hoa Kỳ đưa về Thái Lan (CIL-THAI) để xác định và phân tích…
(Ghi chú thêm: Theo ghi nhận ở phần sau, năm 1974 khi phát hiện thì các hài cốt đã rã mục, bị trộn lẫn vào nhau nên đưa vào một quan tài, chuyển về Bangkok, Thái Lan. Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận được danh tính của bốn binh sĩ Mỹ, đem về chôn ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia. Năm 1986, 81 bộ hài cốt này được chuyển về phòng giảo nghiệm của Quân Đội Hoa Kỳ ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh – VTrD)
Trong hồ sơ giới hạn phổ biến của toán chuyên viên phân loại và nhận dạng, được ghi nhận như sau: Họ không đủ quyền hạn để giải quyết thỏa đáng phần còn lại của bất cứ thi thể liên quan nào! Bob. Phân loại: Hãy cẩn thận không được phân loại: None…
Theo một tài liệu lưu trữ về chiếc phi cơ C-123 của Không Quân Hoa Kỳ lâm nạn ngày 11 thàng 12 năm 1965 tại chiến trường Việt Nam được ghi nhận như sau: Trưởng phi cơ là Thiếu Tá Robert Milvoy Horsky, ông nguyên là phi công pháo đài bay chiến lược B-52 từ năm 1962 đến năm 1964. Sau đó ông chuyển qua bay vận tải cơ C-123 từ năm 1965 cho đến khi xảy ra tai nạn. Nguyên nhân phi cơ lâm nạn là do mây mù và mưa rào che khuất tầm nhìn của phi công làm cho phi cơ đụng vào cây trên sườn núi cao độ 4000 feet, phi cơ rơi xuống một đĩnh núi cao độ 1000 feet, làm cho tất cả 4 nhân viên phi hành đoàn Không Quân Hoa Kỳ và 81 quân nhân Nhảy Dù QLVNCH thiệt mạng.
Report This AD
Năm 2012, Mr. Robert Maves, Civ JPAC J2; cựu Thiếu Tá KQVNCH Nguyễn Quý An và Gia Đình Mũ Đỏ đã gởi một bản nhắn tin trên các báo chí Việt ngữ tại Hoa Kỳ để thông báo, liên lạc với thân nhân của 81 quân nhân Nhảy Dù, và thông báo duy vật còn lại như: Thẻ bài (ID Tags), Căn Cước Quân Nhân (ID Cards) và vài giấy tờ tuỳ thân của 19 trong số 81 quân nhân thuộc ĐĐ72, TĐ7ND thiệt mạng đã tìm được, danh sách gồm có:
LE, Binh Van SQ 8 Vietnam Armed Forces Card
TRAN, Quy SQ 6DA 100401 ID Tag
NUON, Chau. SQ 121969/52 ID Tag
TRAN, G. O. SQ 58/202.400 ID Tag
NGUYEN, Tanh Xuan SQ 10172 ID Tag
TRAN, Than V SQ 63A 108.047 ID Tag
LE, Hoa Van Birth Certificate
NGUYEN, Tuyet Thi Partial ID Card
LE, Suyen Van SQ 57/211.162
NGUYEN, Tai Van SQ 566726 Vietnam Armed Forces Card
DO, Dien Van SQ 125.114 ID Tag
NGUYEN, Tanh Xuan SQ 10172 ID Tag
TRAN, Than V SQ 63A 108.047 ID Tag
NGUYEN, Tuong Van SQ 591535 ID Card
BICH, Pham N. SQ 401978 ID Tag (Hình như là Đại Đội Trưởng ĐĐ72ND)
DO, Linh Van SQ 55A 121.239 ID Tag
LE, Thu Ng SQ 55A 121.239
LAM Dan Sy SQ 51/302.734 ID Card
THY ID Card
(Ghi chú thêm: Danh Sách 81 Chiến Hữu Nhảy Dù của Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 ND vào thời điểm đó dĩ nhiên có đầy đủ trong hồ sơ của binh chủng Nhảy Dù và Bộ Tổng Tham Mưu nhưng đáng tiếc không hiểu vì lý do gì bị thất lạc? - VTrD)
Một bản thông báo khác đăng trên Việt Báo ngày 25 tháng 9 năm 2012 được ghi nhận như sau: Lực lượng liên hợp tìm kiếm tù binh/quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong khi chiến đấu (Joint Prisoners of War, Missing in Action Accounting Command), còn gọi là JPAC, muốn liên lạc với thân nhân của 81 quân nhân ĐĐ72, TĐ7ND mất tích trên chiếc phi cơ C-123 thuộc Không Lực Hoa Kỳ ngày 11 tháng 12 năm 1965. Qua liên lạc, xin được tường trình như sau: JPAC vừa nhận được mẫu xét nghiệm DNA gia đình của bốn phi hành đoàn Không Quân Hoa Kỳ, và đang tìm thân nhân của 81 quân nhân nhảy dù bị tử nạn trên chuyến bay đó để họ gởi dụng cụ thử DNA.
Tính đến nay đã gần 54 năm trôi qua từ khi chiếc phi cơ C-123 lâm nạn, làm cho 81 quân nhân Nhảy Dù QLVNCH và 4 nhân viên phi hành đoàn không quân Hoa Kỳ vĩnh viễn ra đi không còn sự sống. Giờ đây có lẽ thân xác của các Tử Sĩ Nhảy Dù đã thành cát bụi yên nghỉ tại vị trí phi cơ lâm nạn! Và một số hài cốt thu hồi được 17 bao vào năm 1974 của 81 chiến sĩ nhảy dù vẫn còn lưu giữ tại phòng giảo nghiệm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Hawaii (Defense POW/MIA Accounting Agency Hawaii) đã 45 năm. Không biết có bao nhiêu gia đình Cô Nhi Quả Phụ và thân nhân của của các Tử Sĩ Nhảy Dù biết được chuyện chuyến bay định mệnh ngày 11 tháng 12 năm 1965”
Nguyễn Quân
*
Theo nhà văn Phan Nhật Nam: “Trước tiên cần đề cập đến một chi tiết nhỏ… Người viết nguyên là Thiếu Úy Trung Đội Trưởng Đại Đội 72/TĐ7ND (1963-1965); Đại Đội 72 có nguyên gốc từ Tiểu Đoàn 3/ND do Trung Úy Trần Quốc Lịch đưa từ Sài Gòn về Biên Hòa khi TĐ7ND tái thành lập, 1 Tháng Mười Hai, 1960…
… Quân sử Quân Lực VNCH nói chung, Binh Chủng Nhảy Dù nói riêng chắc không có đơn vị cấp Đại Đội nào gánh chịu số phần bi thảm khốc liệt như Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, KBC 4919 – Đơn vị mà năm 1960, Trung Úy Trần Quốc Lịch đã đưa từ Tiểu Đoàn 3 ND về Biên Hòa như trên đã trình bày. Ngày 11 tháng Sáu, 1965, Đại Đội 72 chung nghiệt cảnh của Tiểu Đoàn 7, đã bị thiệt hại nặng chỉ còn khoảng 10 người! Bản thân là viên Thiếu Úy mang cấp bậc cao nhất còn lại với viên Chuẩn Úy Dương Văn Chánh (em của phu nhân Dương Thị Thanh, người nạn đời chiến đấu với Tướng Quân Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Nhị vị đồng hóa thân trong lửa vào ngày 8 tháng Chín, 1968 trên chiến địa Đức Lập). Chuẩn Úy Chánh và Đại Đội 72 với quân số mới bổ sung dưới quyền của Trung Úy Phạm Ngọc Bích từ Tiểu Đoàn 3 chuyển về (Do Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3, Thiếu Tá Trần Quốc Lịch ưu tiên chỉ định đối với Đại Đội cơ hữu đầu đời của mình) tiếp nhận số mệnh bi thảm gấp bội.. Ngày 11 tháng Mười Hai, 1965, toàn thể Đại Đội 81 người đồng tử nạn phi cơ trong chuyến bay từ Phú Bổn về Tuy Hòa. Năm 1974, 14 bao đựng xác được thu hồi, nhưng mãi đến năm 2012 tất cả mới được nhận dạng, xác định tính danh…
… Sau ngày mãn khóa Trường Võ Bị Đà Lạt, 23 tháng Mười Một, 1963, tôi qua tuổi hai mươi về trình diện Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù ở Biên Hòa, giữ chức Trung Đội Trưởng Đại Đội 72, chức vụ thấp nhất của hệ thống chỉ huy lục quân…
Ngày 11 tháng Sáu, 1965, đụng trận Đồng Xoài (Quận Đôn Luân, Bình Dương), Đại Đội 72 chịu chung nghiệt cảnh của Tiểu Đoàn 7. Đơn vị rơi vào phục kích của Q762 (Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 7 Bộ Binh thuộc Trung Ương Cục Miền Nam, dưới quyền của Trần Văn Trà). Sau khi rút kinh nghiệm từ Trận Bình Giã, Phước Tuy, giao chiến với TĐ4/TQLC và Biệt Đông Quân (Tháng Mười Hai, 1964), phía Cộng Sản vùng Bình Dương, miền Đông Nam Bộ chuẩn bị trận địa Đồng Xoài từ đầu năm 1965.
Đơn vị Cộng Sản đánh Đồng Xoài đã thực tập trên sa bàn, xong tập điều động trên thực địa… Đến ngày 10, lực lượng Trung Đoàn 2 được tăng cường thêm một Tiểu Đoàn địa phương, tấn công chiếm đóng một phần Chi Khu Đôn Luân, tiếp tổ chức phục kích quân nhảy dù tăng viện. Thế nên, chỉ trong một giờ, Tiểu Đoàn 7 bị thiệt hại nặng với 14 sĩ quan, chết, bị thương, bị bắt. Từ Tiểu Đoàn trưởng, Tiểu Đoàn phó, sĩ quan hành quân trở xuống đến cấp Trung Đội Trưởng, trừ Đại Đội Trưởng ĐĐ74, (Đại Úy L.V. Phát). Đại Đội 72 chỉ còn khoảng 10 người! Bản thân là viên Thiếu Úy mang cấp bậc cao nhất còn lại với Chuẩn Úy Dương Văn Chánh….
... Chuẩn Úy Chánh ở lại Đại Đội 72 với quân số mới bổ sung, đặt dưới quyền của Trung Úy Phạm Ngọc Bích từ Tiểu Đoàn 3 (Sài Gòn) chuyển về. Nguyên ĐĐ72 do Trung Úy Trần Quốc Lịch đưa về Biên Hòa khi Tiểu Đoàn 7 thành lập, 1960. Cũng do người ở Bộ Tư Lệnh có quan niệm: Đại Đội 72 nguyên của Tiểu Đoàn 3 (thì) đưa người chỉ huy của Tiểu Đoàn 3 về chỉ huy sẽ được phần tâm lý tin cậy.
Ngày 11 tháng Mười Hai, 1965 (lại một ngày 11), toàn thể Đại Đội với 81 người đồng tử nạn phi cơ trong chuyến bay từ Phú Bổn về Tuy Hòa. Năm 1974, 14 bao đựng xác được thu hồi, nhưng mãi đến năm 2012, tất cả mới được nhận dạng, xác định tính danh. Năm nay (2019) được phía Bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo chính báo chính thức. Tôi đọc danh sách tử sĩ rơi máy bay năm 1965, nhớ lại cách ân cần của Trung Đội Phó Tăng Màn Tài (gốc người Nùng). “Mầy Thiếu Úy có ăn cơm không tao nấu cho.” hoặc lời thở than của hai Binh Nhất Phan Niên, Phan Thỏn (mang đạn đại liên). “Ôn ơi (Thiếu Úy Nam), ở ngoài mền (ở Quảng Trị), nghèo quá, tên không có chữ lót!”…
… Công việc mà Người Chiến Hữu Jim Webb đã thực hiện với một tấm lòng do suy nghĩ viết ra lời cao quý… Nếu Người Mỹ không chỉ chăm sóc cho những người chết của mình mà còn chăm sóc những người từng chiến đấu cùng với chúng ta. Những người lính vô danh VNCH xứng đáng được tưởng nhớ với danh dự và nhân phẩm. Buổi lễ sắp tới sẽ đi xa hơn việc tưởng nhớ sự hy sinh và hành trình dài năm thập niên của Người Lính VNCH đã hy sinh mạng sống khi còn trẻ tuổi cho lý tưởng tự do cho một quốc gia mà nay đã không còn. Cuộc hành trình buồn nhưng vĩ đại của những người lính bị lãng quên từ trận địa Việt Nam sẽ mang đến một kết cục cho nhiều người khác đã tự trả giá và tìm đường đến nước Mỹ để được sống Tự Do”.
Phan Nhật Nam
(Ghi chú thêm: Theo tài liệu, Tiểu Đoàn 7ND Việt Nam được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1953, bởi nghị định số 589-CAB-ND ngày 29/8/1953 tai Hà Đông. Hầu hết Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan chỉ huy đơn vị nầy được lấy từ đơn vị Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù Khmer (Tiểu Đoàn 1st BPK Parachutiste Khmer) và một số quân nhân Nhảy Dù từ Tiểu Đoàn VN thứ 69, (gồm 2 Đại Đội 1&2 súng trường) với tổng số gồm 959 quân nhân…
Sau ngày ký hiệp định Genève, ngày 25/11/54 TĐ7ND không vận di chuyển về Nam đồn trú tại căn cứ Đồng Đế, Nha Trang và đặt dưới sự điều động của Liên Đoàn 3 Nhảy Dù Việt Nam (GAP-3).
Ngày 1 tháng 3 năm 1955. TĐ 7 Nhảy Dù bị giải tán để lấy quân số bổ sung cho các đơn vị khác khi thành lập Liên Đoàn Nhảy Dù Việt Nam.
Ngày 1/11/1961, do nhu cầu phát triển Binh Chủng Nhảy Dù, TĐ7ND được tái thành lập do nghị định số 1210 QP-ND ngày 6/10/1961 đồn trú tại Trại Trần Đình Nghi trong căn cứ Không Quân Biên Hoà với Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Ngô Xuân Nghị.
Thiếu Tá Nguyễn Bá Trước (12/6/1965 - 2/9/1967) thay thế Đại Úy Nguyễn Văn Nhâm tử trận tại Đồng Xoài đến trước Tết Mậu Thân bàn giao lại cho Thiếu Tá Lê Văn Ngọc - VTrD).
*
Chuyện về những người giúp mang hài cốt của 81 ‘Thiên Thần Mũ Đỏ’ về Little Saigon.. Bài viết của Đỗ Dzũng trên nhật báo Người Việt 19/9/ 2019:
“Trong bất cứ một sự kiện lịch sử nào cũng luôn có những câu chuyện, và con người, phía sau, làm cho sự việc xảy ra, có khi công khai, có khi âm thầm.
Câu chuyện hài cốt của 81 chiến sĩ binh chủng Nhảy Dù VNCH, thường được gọi là “Thiên Thần Mũ Đỏ,” hy sinh tại chiến trường Việt Nam cách đây 54 năm, và sau khi “bị kẹt” ở Hawaii 33 năm, giờ được đưa về miền Nam California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại để vinh danh và chôn cất vào ngày 26 tháng Mười tới đây, cũng không phải là ngoại lệ.
Sau khi nhật báo Người Việt đăng bài về câu chuyện này vào ngày 15 tháng Chín, chúng tôi có liên lạc với cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, người phụ trách công tác này, để hỏi nguyên thủy của vấn đề, nhưng được ông giới thiệu Luật Sư Jeffrey McFadden, đồng giám đốc tổ chức Lost Soldiers Foundation.
Ông McFadden từng là Thiếu Tá Hải Quân Hoa Kỳ.
Ngoài ông McFadden, còn có hai giám đốc khác là ông Webb và Đại Tá Gino Castagnetti, cựu giám đốc National Memorial Cemetery of the Pacific ở Honolulu, Hawaii, và hiện là cố vấn Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia..
Điều lý thú là cả hai ông Webb và ông Castagnetti đều là cựu Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từng tham chiến tại Việt Nam, và có vợ người Việt.
Hai người là bạn thân từ lúc còn ở Việt Nam. Ông Webb lúc đó là Thiếu Úy, còn ông Castagnetti là Đại Úy.
Thành lập Lost Soldiers Foundation
Ông McFadden kể: “Phải nói chính Thượng Nghị Sĩ Jim Webb là người tình nguyện làm việc không mệt mỏi trong hai năm qua, thảo luận với Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao Mỹ, và Bộ Ngoại Giao Việt Nam để đem hài cốt của 81 anh hùng này về California.”
“Ông là người có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền liên bang, là người được nhiều người tin tưởng, và là người duy nhất có thể làm được việc này” Đại Tá Castagnetti nói với nhật báo Người Việt…
Ông McFadden kể tiếp: “Hôm đó là ngày 21 tháng Ba, Bộ Quốc Phòng chuẩn thuận chuyển các hài cốt này từ Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii qua cho Thượng Nghị Sĩ Jim Webb làm người giám hộ.”
“Sau đó, ông Webb cùng tôi và Đại Tá Castagnetti lập ra hội bất vụ lợi Lost Soldiers Foundation vào tháng Sáu năm nay. Đến tháng Bảy, ông Webb email cho một số mạnh thường quân, nhờ giúp đỡ, trong đó có Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Hiệp, chủ tịch Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, và chúng tôi dự định gây quỹ hơn $100,000 để có tiền mua đất ở Westminster Memorial Park, để chôn cất những anh hùng này, những người từng một thời chiến đấu với người Mỹ”, ông McFadden kể.
Luật Sư McFadden kể tiếp: “Sau đó, chúng tôi đến California lo thủ tục giấy tờ để chuyển các hài cốt về đây, trong đó bao gồm cả việc lo một chuyến máy bay quân sự bay từ Hawaii đến.”
Về chuyện mời Đại Tá Castagnetti tham gia, ông McFadden giải thích: “Ông Webb nói rằng lý do ông mời Đại Tá Castagnetti vì ông này từng là Giám Đốc một nghĩa trang quân đội lớn, có rất nhiều kinh nghiệm về việc chôn cất cũng như chuyên chở.”
Chứng kiến 81 bộ hài cốt
Đại Tá Castagnetti chia sẻ: “Tôi và ông Webb có một tình bạn thắm thiết, vì cùng một binh chủng, và cùng tham gia chiến tranh Việt Nam.”
Ông Castagnetti cho biết, khi ông Webb đến Hawaii, ông đưa vị cựu Thượng Nghị Sĩ đến DPAA ngay, để chứng kiến các hài cốt.
“Mọi chuyện bắt đầu từ đó,” vị Đại Tá nói. “Và rồi tôi hỏi ông Webb làm thế nào để chôn cất các vị anh hùng này một cách tử tế, đúng nghi lễ, và vinh danh họ, vì họ rất xứng đáng, và họ đã ở đây 33 năm rồi.”
“Ông Webb nói bây giờ ông được Bộ Quốc Phòng giao nhiệm vụ, và có quyền hành, nên phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề một cách danh dự” ông Castagnetti nói.
Ông nói thêm: “Và ông Webb nói thêm rằng chúng ta phải chôn cất những người này một cách danh dự, không chỉ cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, mà còn cho cộng đồng người Mỹ tại Hoa Kỳ, mà nhiều người vẫn chưa hiểu hết cuộc chiến Việt Nam”
Đại Tá Castagnetti nói “Giống như cố Tổng Thống Richard Nixon từng nói cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến mà ít người dân Mỹ hiểu nhất. Cho tới ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn nhiều người chưa trở về”, “Buổi lễ sắp tới không chỉ vinh danh những chiến sĩ này, mà là vinh danh tất cả chiến sĩ VNCH, những người mà con cháu họ, thế hệ thứ hai, bây giờ cũng đang cầm súng bảo vệ nước Mỹ và đóng góp vào xã hội này”.
Trong bài báo trước, Bác Sĩ Nguyễn Trọng Hiệp có nói với nhật báo Người Việt rằng: “Ban đầu, chúng tôi dự trù đưa về Little Saigon để làm lễ vinh danh nhân dịp 30 tháng Tư, nhưng rồi trục trặc giấy tờ thủ tục gì đó, không thực hiện được. Đến tháng Năm năm nay ông Webb cho biết chuẩn bị đưa 81 hài cốt về California, và chúng tôi dự trù làm lễ vào dịp Đại Hội Gia Đình Mũ Đỏ lần thứ 39, được tổ chức ở Little Saigon hồi cuối tháng Tám vừa qua, nhưng lại cũng chưa đem về được. Bây giờ, khi các hài cốt đã về tới California rồi, tôi tin chắc chúng tôi sẽ làm lễ vào ngày 26 Tháng Mười.”
Luật Sư Jeffrey McFadden giải thích: “Có hai trở ngại ở đây. Thứ nhất, chúng tôi phải ký giấy tờ với các cơ quan và với Bác Sĩ Hiệp, qua nhiều thủ tục rắc rối. Thứ hai, để có một chuyến bay quân sự chở 81 hài cốt về California không hề đơn giản.. Tất cả tùy thuộc vào chuyện có chuyến bay hay không, nhất là đối với quân đội.”
Và cuối cùng, 81 bộ hài cốt được chở đến Nam California vào ngày 13 Tháng Chín.
“Trước đó, tôi phải bay đến California, và chờ đợi 81 hài cốt này. Chính tay tôi khiêng hai thùng đựng hài cốt từ trên máy bay xuống. Tôi được Thượng Nghị Sĩ Jim Webb ủy quyền ký nhận các hài cốt này, và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đó, trước khi bay về lại Hawaii”, Đại Tá Gino Castagnetti nói.
Ngày định mệnh của 81 “Thiên Thần Mũ Đỏ”
Theo ông Webb, vào năm 1965, một chiếc máy bay C-123 bị rơi trên một vùng hẻo lánh ở Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn phi công Mỹ và 81 chiến sĩ Nhảy Dù VNCH thiệt mạng. Mãi đến năm 1974 người ta mới tiếp cận được nơi máy bay rớt.
Tuy nhiên, tất cả hài cốt bị trộn lẫn vào nhau, nên người ta đưa vào một quan tài, và chuyển về Bangkok, Thái Lan.
Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận được danh tính của bốn binh sĩ Mỹ, đem về chôn ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.
Trong khi đó, không có thông tin gì để xác nhận 81 người Việt Nam còn lại.
Năm 1986, 81 bộ hài cốt này được chuyển về DPAA, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh.
Về chi tiết chiếc máy bay bị nạn, Bác Sĩ Nguyễn Quốc Hiệp cho biết như sau: “Đó là ngày 11 tháng Mười Hai, 1965, lúc đó, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vừa xong nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn, thì được lệnh của Quân Đoàn 2 ở lại để đánh giải vây cho Sư Đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chẳng may, Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù lại đi trên chiếc máy bay C-123 định mệnh đó.”…
Theo ông Jim Webb, “Chính quyền Hà Nội từng hai lần từ chối cho những hài cốt này được chôn cất một cách đàng hoàng ở Việt Nam. Và bởi vì họ không phải là công dân hoặc binh sĩ Hoa Kỳ, không thể tìm được chỗ nào để chôn và vinh danh họ tại Mỹ.”
Ngày vinh danh 81 tử sĩ
Luật Sư McFadden cho biết, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, Đại Tá Gino Castagnetti, và cá nhân ông sẽ có mặt tham dự buổi lễ vào tháng Mười, 2019.
Ban tổ chức cũng sẽ mời các cựu quân nhân QLVNCH và quan khách địa phương tham dự. Ông Webb sẽ có bài phát biểu.
“Ngày hôm đó, chúng tôi cũng sẽ vinh danh tất cả quân cán chính VNCH và 1 triệu người Việt Nam, trong đó có nhiều người từng bị tù Cộng Sản sau ngày 30 tháng Tư, 1975. Chúng tôi cũng vinh danh thế hệ trẻ người Việt Nam đã đến đây, và đang đóng góp cho đất nước này”, ông McFadden nói.
“Chúng tôi rất hồi hộp chờ đợi ngày này”, ông nhấn mạnh. “Các chiến sĩ này chiến đấu cho chúng ta cách đây hơn 50 năm, bây giờ họ phải được chôn cất một cách đàng hoàng”, ông McFadden nói.
Đại Tá Castagnetti cũng cho biết, ông đang xin thành phố cho tổ chức một cuộc diễn hành nhỏ, để mọi người có thể đi cùng với các hài cốt này, từ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đến Westminster Memorial Park.
Trong khi đó, bà Nina Nguyễn, phu nhân Đại Tá Castagnetti, viết trong một email gởi ra rằng:
“Chương trình vinh danh bắt đầu lúc 9 giờ sáng tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.”
“Tôi tha thiết yêu cầu chúng ta hãy tình nguyện làm thân nhân mặc áo đen, để tang trắng cho những Anh Hùng Thiên Thần Mũ Đỏ và để cho mọi người biết, còn biết bao người lính VNCH mồ xiêu, mả lạc, nắm xương tàn rải rác khắp quê hương Việt Nam chưa có cơ hội được chôn cất để các anh được yên vị”.
Đỗ Dzũng

Liên quan đến nơi chôn cất 81 tử sĩ này, ông Hoàng Tấn Kỳ, chủ tịch Gia Đình Mũ Đỏ Orange County và Vùng Phụ Cận, cho biết như sau: “Trong thời gian qua, tôi có làm việc với cựu TNS Jim Webb và một số người, và đã mua ba lô đất bên Westminster Memorial Park, gần mộ anh Lý Tống. Theo dự trù, một lô để chôn 81 hài cốt, hai lô còn lại làm hành lang đi vào. Phía trên mộ sẽ có một tượng đài cao 1.5 mét, rộng 3 mét, có cờ, có huy hiệu đơn vị, có bàn thờ, để sau này có thể làm lễ tưởng niệm…
Tuy nhiên, sau đó ông Jim Webb lại có nhờ người mua hai lô bên phía Tượng Đài Thuyền Nhân. Thành ra, cho đến nay, chưa biết sẽ chôn 81 hài cốt này ở đâu. Có lẽ vài ngày tới chúng tôi sẽ biết”.
Ông Hoàng Tấn Kỳ cũng cho biết, nghi lễ tưởng niệm sẽ gồm hai phần, phần đầu do Quân Đội Mỹ và Quân Đội VNCH thực hiện, phần sau do Gia Đình Mũ Đỏ thực hiện, trước khi mang 81 hài cốt đi chôn cất. Với công lao đóng góp của hai Sĩ Quan Lục Chiến Hoa Kỳ Castagnetti và Jim Webb mới có ngày Sau 54 Năm, 81 Tử Sĩ Binh Chủng Nhảy Dù yên nghỉ tại Thủ Đô Tỵ Nạn Little Saigon.
Little Saigon Sept 20, 2019
Vương Trùng Dương tổng hợp
*
Thiên Thần Mũ Đỏ
Phan Huy
“Họ tức tưởi buông súng
Như kẻ tín đồ buông cây thánh giá
Vào giờ phút cuối cùng
Khi tình thế đã hoàn toàn tuyệt vọng
Khi bạn đồng minh đã trở mặt cuốn cờ
Khi chủ tướng đã đầu hàng tháo chạy
Giữa Sài Gòn tơi bời hoảng loạn
Những thiên thần gãy cánh bơ vơ
Họ đau đớn trong niềm đau mất nước
Đầu ngẩng cao nhìn quân thù thách thức
Mắt lộ hào quang loé niềm u ức
Bàn tay mắm chặt nộ khí xung thiên
Tại sao?
Cả một cơ đồ hoa gấm vạn niên
Một đạo quân oai hùng bách thắng
Bỗng nhiên
Sụp đổ tan tành
Trong niềm cay đắng
Họ buông súng nhưng không hề chiến bại
Khi kẻ thù còn bàng hoàng kinh hãi
Và thế giới năm Châu ngưỡng mộ cúi đầu
Nghìn năm sau
Trong quân sử Việt Nam
Còn vang dội chiến công
Và lòng quả cảm
Của những thiên thần mũ đỏ
Người lính Nhảy Dù
Những đứa con ưu tú
Của nòi giống Rồng Tiên”.