
Tại ngôi trại tỵ nạn trên hòn đảo Pulau Bidong, tôi đã chứng kiến biết bao thảm kịch của đồng bào ruột thịt. Rất nhiều đau buồn sâu xa, nhưng cũng có nhiều niềm vui trong việc làm Xã Hội và Phát Triển Cộng Đồng trên đảo. Bấy giờ tôi là nhân viên của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, từ Mỹ sang Malaysia, đặt dưới quyền hội Hồng Nguyệt (tức là hội Hồng Thập Tự của Malaysia) trong năm 1987- 1988.
Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30 tháng 4, 1975, hàng ngàn trí thức, học giả miền Nam đã bị tù đầy, giết chóc. Hàng trăm ngàn Sĩ Quan Quân Đội và viên chức chính quyền miền Nam bị đưa vào các trại tù vô thời hạn, gọi là trại cải tạo. Gia đình họ bị buộc phải chuyển đến những vùng đất khắc nghiệt - được gọi là Khu Kinh Tế Mới, hoặc chuyển ra những khu vực ngoại ô của các thành phố lớn, thiếu thốn đói kém cực kỳ khốn khổ. Hàng triệu người đã cố gắng chạy trốn chế độ Cộng sản. Vài trăm ngàn người bỏ xác dưới đại dương.
Ngôi trại tị nạn cho thuyền nhân Việt Nam trên đảo Pulau Bidong - một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi thị trấn Terrenganu - được chính phủ Malaysia và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thiết lập, chính thức mở cửa ngày 8 tháng 8 năm 1978. Đóng cửa ngày 30 tháng 10 năm 1991.
Vào lúc bị đóng cửa, có khoảng 250.000 người đã đi qua ngôi trại tỵ nạn này. Hơn 240.000 người tị nạn tại đây đã được các nước thứ ba tiếp nhận định cư, chủ yếu là Hoa Kỳ, Canada, Úc và Pháp.
Sau khi Pulau Bidong bị đóng cửa, hơn 9.000 người bị trục xuất về Việt Nam. Việc cưỡng bách hồi hương đã gặp phải sự phản đối mãnh liệt của những người tị nạn còn lại.
Riêng tôi cũng bị trục xuất khỏi hòn đảo vào năm 1988 vì tham dự cuộc biểu tình của người tỵ nạn phản đối chính phủ Malaysia định đưa 5 cán bộ CSVN vào trại thuyết phục người tỵ nạn về nước.
- Video này tôi làm 10 năm trước, tức là 23 năm sau khi rời đảo.
Rồi hàng năm cứ gần đến 30 tháng Tư thì xem lại - vì nhớ đến hòn đảo, nhất là nhớ đến những em "cô nhi". Lúc tôi làm việc trên đảo có khoảng hơn 2000 em, có những đứa bé chỉ mới 8, 9 tuổi mà cha mẹ không có khả năng đi, nhưng bồng con bỏ lên ghe với hy vọng cho con thoát khỏi một đất nước kìm kẹp tha hóa để có được một cuộc sống nên người.
Có những em ra đời trong nhà thương trên đảo lúc tôi còn ở đấy, thì nay đã 33 tuổi. Tôi có dịp gặp một em như vậy, khi đi thăm gia đình em định cư ở Hòa Lan cách nay vài năm.
Cha mẹ em này là một - trong 8 cặp vợ chồng mà tôi được hân hạnh làm chủ hôn, rồi đưa họ vào đất liền đến Toà Thị Chính Terenngganu làm giấy giá thú. Như thế họ mới được chính thức đi định cư ở cùng một quốc gia (hình ảnh đám cưới có ghi trong video).
Với phòng Phát Triển Cộng Đồng mà tôi phụ trách với sự tiếp sức của nhiều bạn hữu trên đảo bấy giờ, chúng tôi cũng thường tổ chức văn nghệ, cải lương, mùa hát để giải khuây cho trẻ em, cho người tỵ nạn. Bấy giờ ai cũng căng thẳng vì mong chờ định cư, sau khi đã trải qua cuộc hải trình đầy bão tố, sóng gió, cướp biển hãm hiếp, giết chóc.
Trên đảo chúng tôi cũng điều hành một ngân quỹ nhỏ để khuyến khích người tỵ nạn buôn bán lặt vặt cho có sinh hoạt, gọi là "Dự Án Sinh Lợi".
Rồi cũng tổ chức sinh hoạt Hướng Đạo, sinh hoạt thể thao cho thanh thiếu niên. Tổ chức vẽ tranh, rồi triển lãm trên đảo. Tổ chức "phát thanh": ca hát, đọc tin qua micro trong đảo. Một số hình ảnh sinh hoạt ấy tôi có ghi trong video này
Nhớ nữa là cũng tổ chức một buổi ăn Tết với bàn thờ tổ quốc đặt trên bãi biển. Rồi có làm bài thơ
Xuân Về Trên Đảo Bi Đông
Đêm Giao Thừa
bảy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa
Mùa xuân tới bao giờ?
bảy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa
Mùa xuân tới bao giờ?
Nhưng sau Tết ra sao
sẽ đi đâu
Đời tha hương vẫn những chuyến tàu
chờ đợi bao lâu?
sẽ đi đâu
Đời tha hương vẫn những chuyến tàu
chờ đợi bao lâu?
Khi Tết đến vết thương mưng mủ
Vết thương đời mãi chẳng mọc da
Vết thương đời mãi chẳng mọc da
Đạn vẫn nổ trong tim người
trong tim lịch sử
trên linh hồn trên máu xương người lính cũ
Mảnh tâm tình tan tác trời xa
Những niềm đau như cứa tuốt thịt da
Nhìn về quê
Anh chị em
cô dì chú bác mẹ cha
Người yêu dấu
Bước ra đi chắc trọn đời xa cách
Mấy người đi
mà có ngày về
Anh chị em
cô dì chú bác mẹ cha
Người yêu dấu
Bước ra đi chắc trọn đời xa cách
Mấy người đi
mà có ngày về
Nuốt tủi nhục
uống chung niềm cay đắng
Câu chuyện dài đã mấy chục năm
Bên kia người heo hắt lầm than
người mất hút xó rừng hốc núi tối tăm
Bên này người trôi giạt giữa đại dương
Biển sâu mất xác đảo hoang dựng mồ
uống chung niềm cay đắng
Câu chuyện dài đã mấy chục năm
Bên kia người heo hắt lầm than
người mất hút xó rừng hốc núi tối tăm
Bên này người trôi giạt giữa đại dương
Biển sâu mất xác đảo hoang dựng mồ
Bé gái mười hai
mang thai hải tặc
mang thai hải tặc
Bé trai mười một đội vành khăn trắng
Mắt con thơ đẫm lệ
Tìm bóng cha chỉ thấy sóng bạc đầu
Mắt con thơ đẫm lệ
Tìm bóng cha chỉ thấy sóng bạc đầu
Cháu ơi
hãy xếp vành khăn lại
Một mai đây mang tới phương nào
hãy xếp vành khăn lại
Một mai đây mang tới phương nào
Đêm Giao Thừa
bảy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa
Mùa xuân tới tự bao giờ
bảy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa
Mùa xuân tới tự bao giờ
Vui như Tết nụ cười vẫn nở
Nỗi đau buồn đem giấu giữa trăng sao
Đêm hôm nay gió muôn trùng họp mặt
Đưa những thân dừa vươn ngọn tới trời cao
Nỗi đau buồn đem giấu giữa trăng sao
Đêm hôm nay gió muôn trùng họp mặt
Đưa những thân dừa vươn ngọn tới trời cao
Mùa xuân đến tự bao giờ
Có nghe gió biển phất cờ đuôi nheo
Có nghe gió biển phất cờ đuôi nheo
Dẫu trời chẳng nở cành mai
Nhìn ra hải đảo vẫn hay xuân về
Nhìn ra hải đảo vẫn hay xuân về
(Pulau Bidong, tháng Hai, 1988)
Trong bài thơ có ghi câu "Bé trai mười một đội vành khăn trắng / Mắt con thơ đẫm lệ / Tìm bóng cha chỉ thấy sóng bạc đầu" đấy là chuyện cháu Ngô Hoàng Tuân, tôi không quên tên cháu.
Cháu đi vượt biên với cha, chỉ có hai cha con. Ở đảo nhiều năm vì chưa có diện định cư, cha thường lội xuống biển giăng câu chìm để kiếm cá, rồi bị cá mập táp mất xác. Tội nghiệp cháu Tuân suốt hai ngày cứ đi lủi thủi quanh đảo tìm cha. Thấy thế tôi cũng đi quanh đảo với cháu.
Rồi người ta tìm ra được một nửa xác cha trôi vào đất liền. Cháu bé tội nghiệp quá, tôi chả biết nói gì. Vụng về móc túi cho cháu một cái kèn Harmonica nhỏ mà tôi đem vào đảo. Rồi cháu được nhận đi định cư với diện cô nhi ở Mỹ.
Nhiều năm sau - lúc ở California - không nhớ vì sao bỗng tôi nhận được thư Ngô Hoàng Tuân. Tuân đã trở thành một Kỹ Sư tại một tiểu bang ở Mỹ. Bấy giờ đời sống của tôi đang trong giai đoạn nhiều khó khăn, chìm nổi. Tôi đánh mất lá thư của cháu, nên không có địa chỉ liên lạc. Rồi tôi đi lang thang nước này sang nước khác.
Bây giờ bác sống ở Phần Lan. Đêm nay bác ngồi viết lung tung. Nếu run rủi mà cháu Ngô Hoàng Tuân đọc được mấy giòng chữ này thì liên lạc, bác mừng lắm.
Nguyễn Bá Trạc - Turku, Finland 24/4/20