User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
pic 1 may khau trang
Phụ nữ ngồi may khẩu trang
 
pic 2 xep hang lay khau trang
Người dân xếp hàng đợi phát khẩu trang
 
pic 3 moi nguoi deo khau trang
Ai cũng phải đeo khẩu trang
 
pic 4 mot loai khau trang 1
Một loại khẩu trang
 
pic 5 mot loai chong doi kt
Một lối chống đối đeo khẩu trang
 
pic 6 canh cao nguoi khong deo kt
Một cảnh sát đang cảnh cáo người không đeo khẩu trang
 
pic 7 bai bao kt dong vai tro quan trong trong viec phong chong dich
Bài báo và vai trò quan trọng của khẩu trang trong việc phòng chống dịch
pic 8 khuyen cao deo khau trang
Khuyến cáo đeo khẩu trang của Hội Hồng Thập Tự

Đó là câu hỏi được đặt ra sau mấy tháng đại dịch Covid-19 tấn công toàn thế giới với con số khoảng trên 100 ngàn người thiệt mạng ở Hoa Kỳ, bằng 1/3 con số 360 ngàn người trên toàn thế giới. Người ta bắt đầu nghiệm lại những bài học lịch sử có được từ những trận đại dịch trong quá khứ và nhận thấy dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918 và dịch cúm Covid-19 có rất nhiều điểm tương đồng. Dù khoảng cách thời gian khác tới hơn 1 trăm năm, con người đã tiến bộ hơn trong nhiều lãnh vực, lịch sử vẫn lập lại. Có lẽ các sử gia sẽ căn cứ vào sự giống và khác nhau của hai đại dịch mà chép sử. Dĩ nhiên trang sử có xác thực hay không tùy theo cái dũng của người viết sử, dám viết sự thật mà không sợ chết, không sợ sự uy hiếp của chính quyền đương đại. Giống như 3 anh em sử gia thời Xuân Thu, bị chém đầu vẫn viết sự thật.

Hôm nay, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã từ từ mở cửa và các hoạt động kinh tế, thương mại sẽ được phục hồi. Đây là lúc người ta có thì giờ tổng kết, xem xét lại những gì đã, đang và sẽ xảy ra để tìm phương pháp đối phó với những khủng hoảng và khó khăn chực chờ ở phía trước. Ngay từ lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, thế giới và Hoa Kỳ, đã lật lại trang sử các cuộc đại dịch trong quá khứ để so sánh. Khi sức tàn phá của nó tạo ra con số tử vong cao ngất ngưởng, ai cũng phỏng đoán có thể con số hàng triệu người sẽ thiệt mạng hệt như dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết 20- 50 triệu người trong quá khứ. Spanish Flu đoạt mạng sống con người thành 4 đợt. Đợt thứ hai dữ dội hơn đợt thứ nhất, rồi còn đợt ba và đợt bốn. Không những thế, những phản ứng từ chính quyền, từ công chúng, cách đối phó với bệnh dịch, khủng hoảng y tế, kinh tế, tâm thần, sự đối diện với cái chết, cái thật, cái giả, nỗi sợ hãi, niềm tin, sự chia rẽ và ý thức cộng đồng… tất cả đều xảy ra như khúc phim trắng đen xưa được quay ngược.

Nguồn gốc

Theo Wiki, rất có thể cúm Tây Ban Nha, 1918, bắt nguồn từ Trung Quốc và cúm Covid-19 năm 2019 cũng bộc phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. 

Lý do dẫn đến sự suy đoán này do một trong số ít các khu vực trên thế giới dường như ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch cúm năm 1918 là Trung Quốc. Đó là nơi một số nghiên cứu đã ghi nhận cúm xảy ra tương đối nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp. Sự kiện này được giải thích bởi khả năng miễn nhiễm trước đây của người dân Trung Quốc đối với virus cúm. Năm 1993, Claude Hannoun, chuyên gia hàng đầu về bệnh cúm năm 1918 tại Viện Pasteur, đã khẳng định virus tiền thân có khả năng đến từ Trung Quốc. Sau đó nó đột biến ở Hoa Kỳ gần Boston và từ đó lan sang Brest, Pháp, chiến trường Châu Âu, phần còn lại của Châu Âu và phần còn lại của thế giới, với binh lính và thủy thủ của quân Đồng Minh là những nguồn lây truyền chính.

Năm 2014, GS sử học Mark Humphries lập luận rằng việc huy động 96 ngàn người lao động Trung Quốc làm việc bên cạnh liên quân Anh, Pháp có thể là nguồn gốc của đại dịch. Lời kết luận của ông căn cứ trên  các hồ sơ mới được khai quật. Ông đã tìm thấy bằng chứng lưu trữ rằng một căn bệnh về đường hô hấp đã xảy ra ở miền bắc Trung Quốc vào tháng 11 năm 1917 và được các quan chức y tế Trung Quốc xác định một năm sau đó, giống hệt như bệnh cúm Tây Ban Nha. 

Cúm Covid-19 ngày nay xuất hiện từ TQ rồi lây qua Á Châu, Âu Châu, Hoa Kỳ và cả thế giới, vì sự đi lại cũng như giao thương của thế giới toàn cầu.

Khẩu Trang 

Điều khá ấn tượng được lan truyền trên mạng xã hội là hình ảnh dịch cúm Tây Ban Nha-Spanish flu với các nhân viên y tế, quân nhân hay công chúng đều đeo khẩu trang. Những chiếc giường bệnh với bệnh nhân nằm la liệt, chứng tỏ con số người bị nhiễm bệnh lây lan với một cấp số nhân hay cảnh những phụ nữ đứng, ngồi may khẩu trang cũng là hình ảnh mà chúng ta thấy ngày nay khi khẩu trang trở nên khan hiếm.

Nói đến việc mang khẩu trang ngày nay, ở Hoa Kỳ, mang hay không đã gây ra những cuộc tranh luận khoa học rất gay gắt. Ban đầu cơ quan y tế CDC Mỹ không khuyến khích việc đeo khẩu trang vì cho rằng nó có hại hơn có lợi. Qua sự thành công của khẩu trang ở những nơi đã xảy ra dịch bệnh, CDC sau đó lại khuyến khích dân chúng đeo khẩu trang để tránh sự lây nhiễm khi ra nơi công cộng Tại sao phải đeo khẩu trang? Vì nó giúp một người bị lây nhiễm khi hắt hơi hay ho vi khuẩn sẽ bị chận lại nếu có đeo khẩu trang. Giáo sư Thomas cho biết trong một trường hợp được nghiên cứu tại một bệnh viện ở Hồng Kông. Có khoảng 70 người đã ở gần một bệnh nhân bị lây vi khuẩn cúm Covid-19. Nhưng vì bệnh nhân và mọi người trong bệnh viện đều đeo khẩu trang, không ai bị lây nhiễm. Nhưng không phải mọi khẩu trang đều có hiệu quả như nhau. Nếu bạn tự làm lấy, mà sử dụng một loại vải dày- bằng thứ gì đó, nếu bạn giơ nó ra ánh sáng, bạn không thể nhìn xuyên qua nó, đó có thể là loại tốt nhất.

Có nhiều tiểu bang dùng biện pháp phạt tài chánh khi người dân bất tuân thủ. Rải rác ở vài tiểu bang đã có người bất mãn với việc đeo khẩu trang. Có người xem việc đeo khẩu trang chỉ dành cho người Trung Quốc và đó cũng là nơi xuất phát của dịch Covid-19. Điều này đã đẩy mạnh phong trào kỳ thị người Á Châu. Trong những cuộc biểu tình đòi mở lại các hoạt động thường nhật, người biểu tình phần lớn không đeo khẩu trang vì họ xem đó là vi phạm quyền tự do dân sự.  Mang khẩu trang khó thở nên họ không quen và ít khi dùng đến nó ngoại trừ dùng để che bụi. Các bác sĩ và nhân viên y tế phải mang nó trong công việc điều trị là chuyện miễn bàn. 

Ở Flint, Michigan, một nhân viên bảo vệ đã bị bắn và giết trong một vụ ẩu đả được cho là bắt đầu từ việc khách hàng từ chối che mặt theo lệnh của Thống Đốc bang. Nhiều người New York đã được chụp ảnh ở Công viên Trung tâm vào cuối tuần tận hưởng thời tiết ấm áp mà mặt mũi để trần không che chắn. Kịch bản tương tự đã diễn ra trên các bãi biển California và Florida.

Sự chống đối hay chấp nhận nó hiện nay, cũng đã xảy ra năm 1918 trong dịch cúm TBN. Thời ấy tranh luận khoa học bùng nổ mạnh. Nhà vi khuẩn học người Pháp Charles Nicolle đã phát hiện vào tháng 10 năm 1918 rằng virus cúm nhỏ hơn nhiều so với bất kỳ loại vi khuẩn nào được biết đến. Thế là giới truyền thông chỉ trích việc đeo khẩu trang giống như sử dụng hàng rào dây thép gai để chặn ruồi. Các nơi trên thế giới có nơi không xem việc đeo khẩu trang làm trọng mà chỉ khuyến khích thôi. Hồi đó, chỉ có tiểu bang California là nơi duy nhất của Mỹ bắt buộc đeo khẩu trang. Sự chống đối và không tin vào chúng đã gây ra phản ứng của thành phố San Francisco tạo nên ​​sự thành lập một liên minh chống khẩu trang, cũng như các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự. Nhiều người từ chối đeo chúng ở nơi công cộng hoặc phô trương lối đeo chúng không đúng cách. Họ coi chúng là vi phạm quyền tự do dân sự. Một số kì thị bảo đó là thời trang của các bà Đạo Hồi. Có người đã vào tù vì không đeo chúng hoặc từ chối trả tiền phạt. Có người chỉ đeo sau gáy hay kéo xuống tận cổ cho đến khi anh ta nhìn thấy cảnh sát mới kéo lên. Hầu hết các ông đều cắt lỗ trên khẩu trang để hút xì gà và thuốc lá.

Xin xem tiếp kỳ 2

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo

Face masks: what the Spanish flu can teach us about making them compulsory

https://theconversation.com/face-masks-what-the-spanish-flu-can-teach-us-about-making-them-compulsory-137648 

Nguồn: https://vietbao.com/

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com