User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
1bando
1. Mở đầu

Lịch sử Việt Nam thời kỳ Cận đại là lịch sử của nhiều biến đổi và thăng trầm. Lịch sử thời kỳ này lần đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của một kẻ thù mà Việt Nam chưa hề thấy trước đó bào giờ. Đó chính là sự xuất hiện của đế quốc Phương Tây sừng sỏ Pháp cùng thời kỳ đầu tấn công cửa biển Đà Nẵng, còn có sự hiện diện của Tây Ban Nha. Song lịch sử chúng ta đã phải đối đầu với một kẻ thù mang bản chất đế quốc xâm lược, một đế quốc cho vay nặng lãi có tiếng trong giới tư bản chủ nghĩa- Thực dân Pháp.

Lần lượt ký các hòa ước Hacmang 1883, Patonot 1884 hay qua 1885- Vụ biến kinh thành Huế, Thực dân Pháp đã thống trị được nước ta. Chúng chia Việt Nam thành 3 xứ để dễ bề cai trị. Cũng như các đế quốc khác, khi chiếm được Việt Nam hay thậm chí là Đông Dương, chúng bắt tay ngay vào công cuộc khai thác thuộc địa và Việt Nam không nằm ngoài đó.

Qua hai cuộc khai thác thuộc địa, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nông nghiệp chính là mảng mà Pháp luôn đầu tư mạnh mẽ. So với các ngành kinh tế khác, nông nghiệp là ngành được thực dân Pháp chú trọng đầu tư khai thác nhiều hơn cả. Năm 1924, số vốn bỏ vào nông nghiệp là 62 triệu phơ răng, đến năm 1927 lên tới 400 triệu phơ răng. Điển hình là trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, số vốn đầu tư riêng cho ngành nông nghiệp là khoảng 2 tỉ france. Vì thế, cùng với việc Pháp đầu tư cho ngành nông nghiệp thì đương nhiên, không nói đến yếu tố chủ quan từ Pháp, chính sự đầu tư này đã tự đem đến những biến chuyển mới mẻ cho nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ Cận đại.

2. Nội dung

2.1. Khái quát về tình hình nông nghiệp Việt Nam dưới thời Nguyễn

2.1.1. Tình hình ruộng đất và sản xuất nông nghiệp

Ở nửa đầu thế kỉ XIX, tình hình ruộng đất – tư liệu sản xuất chính của nông nghiệp và là nền tảng kinh tế chủ yếu của xã hội – đặt ra hàng loạt khó khăn[1].

Mặt khác, do sổ sách mất mát, “cách ghi chép không được thực“, “dân xiêu tán nhiều, ruộng đất bị làng bên chiếm đoạt” v.v… Năm 1803, Gia Long cho tiến hành một đợt do đạc ruộng đất lớn, lập “địa bạ“ các xã[2]. Không chỉ ở Nam Kì có rất ít ruộng công mà ở Bắc Kì, trải qua nhiều thế kỉ biến chuyển, nhiều xã hoặc không có hoặc rất ít ruộng công. Tất nhiên, giờ đây số địa chủ rất lớn không còn nữa nhưng hàng loạt nông dân không có ruộng đất hoặc phiêu tán hoặc trông chờ vào khẩu phần ruộng công mà ruộng công ở nhiều xã hoặc không còn hoặc còn lại quá ít. Không đám thực hiện đề nghị của quan lại Bắc Thành, nhưng lại không thể xóa bỏ ruộng đất công làng xã, Gia Long, Minh Mạng buộc phải tìm giải pháp trong chế do quân điền.

Năm 1804, Gia Long ban hành phép quân điền, theo đó tất cả mọi người đều được chia ruộng công ở xã, trừ các quý tộc vương tôn được cấp 18 phần, quan lại nhất phẩm được cấp 15 phần, cứ tuần tự hạ mức cho đến dân nghèo được 3 phần. Không những thế, theo lệ, ruộng đất được chia trước cho các quan chức có phẩm hàm, sau đến lính và cuối cũng mới đến xã dân.

Năm 1831, Minh Mạng[3] cho nhắc lại nguyên tắc nói trên. Tiếp đó, đến năm 1840, một lần nữa Minh Mạng sửa lại phép chia ruộng, cho tất cả mọi người đều được hưởng một phần như nhau, riêng lão nhiêu, tàn tật được 1/2 phần, lương điền của lính không thay đổi. Vào cuối đời Minh Mạng, chế độ quân điền cũng được đưa vào Nam Kì nhưng không được bao nhiêu.

Chính sách quân điền không có tác dụng đáng kể vì làng nào làm theo tục lệ làng ấy, dân nghèo vẫn không có ruộng đất. Đặc biệt là tình hình ở Bình Định[4]. Ban đầu Minh Mạng không chấp nhận, sau đó thực tế yêu cầu, phải ban lệnh sung công một nửa số ruộng đất tư, đem chia cho dân theo phép quân điền. Kết quả, theo lời tâu của Thượng thư bộ Hình Đặng Văn Thiêm với Tự Đức: “Lúc trước định lệ quân điền, cứ 10 mẫu thì 5 mẫu làm công, 5 mẫu làm tư. Nhưng ruộng công màu mỡ thì cường hào cưỡng chiếm, còn thừa chỗ nào thi hương lí bao chiếm, dân chỉ được phần xương xẩu mà thôi“. Và khi Tự Đức hỏi Hà Duy Phiên có nên trả lại ruộng cho địa chủ Binh Định không, thì Duy Phiên cho rằng “tăng giảm thêm bớt không bao nhiêu mà lại sinh ra việc phiền phức bối rối”.

Nhà Nguyễn đã tỏ ra bất lực trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất.

Một trong những phương thức quen thuộc nhằm mở rộng ruộng đất của nhà Nguyễn là lập đồn điền khẩn hoang và khuyến khích nhân dân khai hoang, phục hóa. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn là diện tích ruộng đất bỏ hoang tăng giảm thất thường[5].

Đồn điền được thiết lập ở nhiều nơi, nhất là ở Nam Kì và các tỉnh cực nam Trung Kì. Lực lượng đồn điền bao gồm nhiều loại: binh sĩ, người bị lưu đày, dân nghèo Việt hay Hoa. Nhiều đồn điền sau khi khai phá xong thì được chuyển thành làng xã, ruộng đất do xã quan và nộp thuế. Đợt xây dựng đồn điền quy mô nhất là do Nguyễn Tri Phương – bầy giờ làm Kinh lược sứ Nam Kì – tổ chức vào các năm 1853-1854. Kết quả lập được 21 cơ với 124 ấp phân phối ở cả 6 tỉnh. Tuy nhiên, ruộng đất khai phá được cũng không nhiều.

Năm 1828, theo đề xuất của Tham tán quân vụ Bắc Thành là Nguyễn Công Trứ, một hình thức khai hoang mới ra đời: hình thức doanh điền. Đây là một hình thức kết hợp giữa nhà nước và nhân dân trong khai hoang, theo đó dưới sự chỉ đạo của một quan chức nhà nước và có sự góp vốn ban đầu của nhà nước, nhân dân cùng nhau khai hoang. Ruộng đất sau khi khai hoang sẽ được phân phối cho những người có công tùy theo thời điểm cho phép[6]. Đồng thời ở đây xuất hiện hai hình thức tư điền thế nghiệp và tư điền quân cấp. Hình thức doanh điền được mở rộng ra các tỉnh phía nam, diện tích ruộng đất tăng thêm đáng kể. Ngoài ra, triều Nguyễn còn khuyến khích nhân dân tự động tổ chức khai hoang theo nhiều phương thức khác nhau, kết hợp với việc tích cực phục hóa. Có lẽ nhờ đó mà tổng điện tích ruộng đất thực trưng ngày càng tăng lên: năm 1847 đã là 4.273.013 mẫu.

2.1.2. Trị thủy và công tác thủy lợi được quan tâm xuyên suốt

Mặc dầu ở miền Trung cũng có nhiều lần nước lũ dâng tràn, cuốn trôi nhà cửa, nhưng có lẽ năm 1803, lần đầu tiên Gia Long được chứng kiến một nạn lụt lớn do vỡ đê Bắc Thành gây ra. Cuộc thảo luận về đê ở Bắc Thành được phát động mặc đầu nhà nước vấn tiếp tục sửa đê, đắp đê mới. Riêng trong thời Gia Long, nhà nước đã 11 lần cấp kinh phí cho địa phương làm việc này, mỗi lần từ 7-9 vạn quan tiền. Hơn 47 km đê được tu sửa, nhưng nạn vỡ đê, lụt lội vẫn diễn ra. Năm 1833, Minh Mạng lại hiếu dụ các quan lại kiến nghị về phương pháp trị thủy, thế nào cho nước lớn thuận dòng chảy xuôi, đê sông được bền vững mãi mãi. Trong thời gian trị vì, Minh Mạng cũng đã 14 lần cấp kinh phí (tiền, gạo) cho việc sửa đắp đê điều, đào kênh, sông. Năm 1809, Gia Long cho đặt các chức Tống lí và Tham lí đê chính lo việc đê điều ở Bắc Thành; năm 1828 theo đề nghị của các quan, Minh Mạng cho thành lập Nha đê chính gồm nhiều quan chức và thơ lại, phụ trách công tác thủy lợi. Năm 1833, Minh Mạng bỏ Nha Dê chính, giao mọi việc cho tỉnh với bản Điều lệ chống lụt 4 điếm. Cùng với sự hình thành của các cơ quan, viên chức phụ trách thủy lợi, nhà nước chia đê làm hai loại: đê công ở các sông lớn do nhà nước quản lí, đê tư ở các sông nhánh do địa phương quản lí. Làng xã cũng góp phần vào việc sửa đắp đê điều, phòng lụt lội. Nhiều đoạn sông được nạo vét, khơi thông, nhiều cống đập được xây dựng… Thế nhưng do thiếu phối hợp và quy hoạch chung, do tác động của môi trường, sinh thái, lụt lội, đê vỡ vẫn liên tiếp xảy ra[7]. Công cuộc trị thủy và thủy lợi được tiếp tục trong những năm sau, dưới thời Tự Đức, nhưng nói chung kết quả không có gì khả quan. Nhà Nguyễn đã tỏ ra bất lực.

Để bù lại những mất mát do con người hay trời đất gây ra, người nông dân Việt Nam chỉ còn biết tận dụng những kinh nghiệm của mình trong sản xuất. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống“ trở thành câu đúc kết lí luận chỉ đạo việc sản xuất. Quy trình sản xuất được khẳng định: gieo mạ, cày bừa, cấy lúa, làm cỏ, bỏ phân, tát nước v.v… Vấn đề nhân giống được phát huy, người nông dân đã có được 65 giống lúa tẻ và 27 giống lúa nếp: trong số này có những giống lúa ngắn ngày 3-4 tháng (từ cấy đến gặt) hoặc ít hơn, chỉ 40 ngày (lúa cậu). Điều đáng chú ý là trong khi tìm ra được nhiều giống lúa cho gạo thơm, trắng, dẻo ngon thì người nông dân lại không tạo được điều kiện tăng năng suất lúa.

Tận dụng khả năng của đất và thời tiết, người nông dân trồng thêm nhiều loại cây lương thực như khoai các loại, sắn, ngô, kê, bo bo, đậu… Kinh tế vườn phát triển, đặc biệt là ở Nam Kì. Hàng loạt loại rau, củ, bầu bí, hoa quả được trồng, trong đó có một số giống nhập khẩu như nho, cà phê, hồ tiêu, đậu Hà Lan, rau xà lách v.v…Các loại cây công nghiệp như dâu, bông, đay, thuốc lá, mía, cói… được trồng rộng khắp.

Kinh tế nông nghiệp thời Nguyễn khá đa dạng, phong phú nhưng vẫn không vượt ra khỏi phương thức sản xuất cổ truyền, góp phần tạo nên sự ổn định cho xã hội. Tuy nghiên, trong lúc đó vẫn xảy ra thiên tai, mất mùa, dich bệnh… liên miên, sự việc này đã ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của nhân dân.

2.2. Thực dân Pháp với chính sách nông nghiệp Việt Nam

Nông nghiệp là ngành đầu tư ít vốn mà dễ dàng thu được lợi nhuận. Vì vậy, ngay từ những năm cuối thế kỉ XIX, khi phong trào đầu tranh vũ trang của nhân dân ta đang phát triển mạnh, chúng đã ra sức chiếm đoạt ruộng đất của nông dân trên quy mô lớn với nhiều hình thức. Năm 1897, triều đình Huế kí điều ước nhượng cho thực dân quyền khai khẩn đất hoang. Ngày 1 – 5 – 1900, thực dân Pháp ra nghị định phủ nhận quyền sờ hữu ruộng đất trong luật pháp phong kiến để dễ cướp đoạt ruộng đất của nông dân. “Đất hoang“, “đất vô chủ” thực ra là những ruộng đất màu mỡ của nông dân bị thực dân Pháp đuổi đi để chiếm đoạt. Ở Nam Kì, chúng vét sông, đào mương, thu hút nông dân đến khai thác, thì tư bản Pháp chiếm đoạt làm của riêng bằng hình thức mua của Nhà nước với giá rẻ mạt (80 đồng/1000 hecta ruộng – tức là 192 phơ răng năm 1900), hoặc được nhà nước cấp không.

So với các ngành kinh tế khác, nông nghiệp là ngành được thực dân Pháp chú trọng đầu tư khai thác nhiều hơn cả. Năm 1924, số vốn bỏ vào nông nghiệp là 62 triệu phơ răng, đến năm 1927 lên tới 400 triệu phơ răng. Với số vốn đó, thực dân Pháp ra sức cướp đoạt ruộng đất của nhân dân ta để lập đồn điền. Tính đến năm 1930, tổng số ruộng đất bị thực dân Pháp chiếm đoạt đã lên đến 1,2 triệu ha.

Ở Trung Kì và Bắc Kì, ruộng đất của nghĩa quân thời Cần Vương và Văn thân, ruộng đất của nông dân sơ tán đi nơi khác đều bị coi là “vô chủ’ và bị chúng chiếm để lập đồn điền; cả nương rẫy của nhân dân các dân tộc ít người cũng bị coi là đất hoang và bị chiếm đoạt[8]. Giáo hội Thiên chúa cũng là một trong những thủ phạm cướp đoạt ruộng đất. Chỉ ruộng ở Nam Kì, Giáo hội đã chiếm một phần tư diện tích đất cày cấy.

Năm 1890 1900 1912
Diện tích 10.900 hecta 301.000 hecta 470.000 hecta

Bảng 1: Diện tích đất đai bị Pháp chiếm tại Bắc Kỳ

2.2.1. Củng cố và phát triển hệ thống thủy nông

Thời thuộc Pháp, các công trình thủy lợi và hệ thống đê điều sớm được quan tâm để phục vụ trực tiếp cho chiến tranh xâm lược và mở mang khai thác nông nghiệp thuộc địa, trước hết là ở Nam Bộ.

Ngay từ năm 1866, khi chưa chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, Pháp đã cho đào kênh làm hệ thống giao thông hành quân bình định Nam Bộ bằng đường thủy, đồng thời phục vụ âm mưu khai khẩn và chiếm hữu đất đai sản xuất nông nghiệp sau này. Hải quân Pháp huy động hai tàu cuốc đi theo và hàng vạn dân phu khổ sai để nạo vét và mở rộng kênh Bến Lức và Bảo Định.

Năm 1867, sau khi chiếm xong Nam Bộ, Pháp thành lập ngay một Ủy ban nằm trong bộ tham mưu soái phủ Sài Gòn, chuyên nghiên cứu xác định những kênh rạch cần ưu tiên nạo vét, mở rộng. Việc tăng cường đào vét kênh mương ở miền Tây Nam Bộ đã tạo tiền đề thuận lợi cho sự hình thành các đồn điền nông nghiệp của Pháp ở phía Nam.

Năm 1875, sau khi triều đình Huế chính thức nhượng toàn Nam Bộ cho Pháp (Bằng Hòa ước Giáp Tuất năm 1874 mà triều đình Huế đã ký với đô đốc Dupré – đại diện Pháp), Pháp đã thành lập Ủy ban thường trực lo hoàn chỉnh hệ thống đường thủy từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây. Từ năm 1884 trở đi, sau khi bình định xong toàn bộ Việt Nam, Pháp mới yên tâm bỏ vốn khai thác ở Nam Bộ, sau đó ra miền Trung và miền Bắc.

Trong vòng 10 năm, từ năm 1880 đến 1890, Pháp đã đào được 2,1 triệu mét khối đất kênh rạch, tăng được 169 nghìn hecta đất canh tác so với thời Nguyễn trước đó. Trong 10 năm sau đó, từ 1894 đến 1904, Pháp đưa tàu cuốc vào đào kênh để đẩy nhanh tốc độ[9]. Các năm sau đó, kỹ thuật đào kênh ngày càng hiện đại[10]. Sau năm 1930, mục tiêu của việc đào kênh mương ở Nam Bộ chủ yếu là làm thủy lợi, phục vụ lợi ích kinh tế là chính. Thực tế cho thấy Pháp chỉ tiếp tục đào vét kênh mương thủy lợi cho đến năm 1940 và cũng chỉ coi thủy lợi là giải pháp để khai phá đất đai là chính, giải quyết một phần tiêu úng, chưa thực sự giải quyết vấn đề tưới và xổ phèn, vì đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ và đầu tư vốn cao.

Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, việc xây dựng, khai thác thủy lợi của Pháp bắt đầu muộn hơn, sau khi đã hoàn thành việc mở rộng xâm lược ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ (kéo dài từ năm 1873 đến năm 1884) và bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914). Thủy lợi ở đây được đầu tư như một biện pháp để tăng lợi nhuận của các đồn điền nông nghiệp của tư bản Pháp. Kép là hệ thống thủy nông đầu tiên được xây dựng ở phía Bắc, khởi công năm 1902, mở rộng thêm năm 1911, tưới nước cho 7.500 hecta.

Việc xây dựng thủy lợi ở Trung Bộ ít được quan tâm, do Pháp chưa đầu tư thành lập các đồn điền nông nghiệp ở đây. Hệ thống thủy nông đầu tiên được xây dựng là Sông Chu với công trình đầu mối đập Bái Thượng, có nhiệm vụ dâng mực nước Sông Chu mùa kiệt để dẫn vào khu tưới, được khởi công năm 1920, hoàn thành năm 1928.

Đến năm 1930, ở Bắc và Trung Bộ, Pháp mới chỉ đầu tư xây dựng và cải tạo 5 công trình thủy nông nói trên, tổng diện tích tưới thiết kế là 118.500 hecta, còn nhỏ so với nhu cầu làm thủy lợi cho diện tích canh tác ở Bắc Bộ là 2,593 triệu hecta. Trong 15 năm tiếp theo, từ 1930 đến 1945, nhịp độ phát triển thủy nông ở Bắc và Trung Bộ được tăng lên, với một số hệ thống quy mô khá lớn. 

Cho đến năm 1945, khi kết thúc chế độ thực dân Pháp, kết quả xây dựng thủy nông ở Bắc Bộ có công suất thiết kế tưới tiêu, hoặc ngăn mặn cho 298.000 hecta, trên tổng số 1,44 triệu hecta diện tích canh tác (chiếm khoảng 20,7%; giải quyết từng mặt). Ở Trung Bộ, năng lực thiết kế các công trình tưới là 124.000 hecta trên diện tích canh tác 1,153 triệu hecta (chiếm 10,8%).

Mặc dù đê điều hàng năm được gia cố, thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng, mở mang, nhưng nhìn chung, nông nghiệp nước ta trong những năm thuộc Pháp vẫn phải chịu những rủi ro vì thiên tai, hạn hán xảy ra nhiều nơi, lụt lớn, thường xuyên vỡ đê ở hầu hết các con sông. Tuy còn hạn chế cả về vốn đầu tư  và nghiên cứu quy hoạch, các hệ thống thủy lợi thời kỳ Pháp thuộc tuy xây dựng chưa được nhiều, chưa khai thác hết tiềm năng đất đai nông nghiệp, nhưng đã tạo những điều kiện thuận lợi để khai thác, đưa vào canh tác các vùng đất rộng lớn và quy tụ dân cư ở Nam Bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng một phần diện tích nông nghiệp ở Bắc và Trung Bộ, thành lập được nhiều đồn điền nông nghiệp.

vode

2.2.2. Thành lập cơ quan chuyên môn và nghiên cứu khoa học về nông nghiệp

Ngày 23 tháng 3 năm 1864, Chuẩn đô đốc Pierre-Paul de La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Vườn Bách Thảo tại Sài Gòn. Ngay sau đó, Louis Adolphe Germain, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12 ha trên vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè (Pháp gọi là Arrroyo d’Avalanche, lấy theo tên chiến tàu chiến đã vào rạch Thị Nghè để tấn công thành Gia Định) để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Tháng 3 năm sau (1865) thì một số chuồng trại đã xây xong. Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động vậtthực vật của toàn Đông Dương; vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Muséum national d’histoire naturelle và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn; viên Thống Đốc Nam Kỳ nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn, nên đã mời J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm Giám Đốc vào ngày 28 tháng 3 năm 1865.

Cuối năm 1865, Vườn Bách Thảo được nới rộng đến 20 ha. Sang năm 1924, khuôn viên sáp nhập thêm bên bờ Bắc rạch Thị Nghè 13 ha nữa; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927. Và cũng trong năm đó, nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ Nhật đã cung cấp cho Vườn Bách Thảo khoảng 900 giống cây lạ. Ngày 15 tháng 12 năm 1867, Thống đốc De La Grandière ban hành nghị định số 183 nhằm chấn chỉnh tổ chức và điều hành Vườn Bách Thảo, đặt nơi đây dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn, với một ngân khoản điều hành 21.000 quan Pháp/năm, do ngân sách thuộc địa cung cấp[11]. Đúng ngày Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7 năm 1869, Vườn Bách Thảo mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.

2.2.3. Thi hành chính sách khuyến khích kinh tế đồn điền

Giới tư bản Pháp kêu gọi các nhà đầu tư Pháp xây dựng kinh tế đồn điền. Họ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế đồn điền. Tư bản Pháp cũng không ngừng khai hoang mà ở đây phương thức chủ yếu vẫn là chiếm hữu ruộng đất của nông dân; đất vô chủ cũng sẽ bị giới tư bản Pháp tịch thu. Khuyến khích tư bản nước ngoài hoặc trong nước bằng cách sẽ giảm thuế hay cho các tư bản trồng cây công nghiệp, đặt nhiều giải thương cho các địa chủ trồng nhiều cây công nghiệp,…

 Tính đến năm 1930, tổng số ruộng đất bị thực dân Pháp chiếm đoạt đã lên đến 1,2 triệu ha. Số ruộng đất này được khai thác và lập thành hàng trăm đồn điền, có đồn điền rộng tới vài nghìn ha. Riêng ở Bắc Kì, vào những năm 20 đã có 155 đồn điền, mỗi cái rộng trên 200ha. Phương thức kinh doanh của thực dân Pháp ở các đồn điền nông nghiệp chủ yếu vẫn là phát canh thu tô theo lối bóc lột phong kiến. Chúng không quan tâm đến việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp (trừ một vài đồn điền ở Nam Kì). Nhưng chúng cũng phải lưu ý tới nhiều mặt để khỏi tốn kém, sức lao động không bị kiệt quệ, đất đai không bị khô cằn.

2.3. Những thay đổi và điểm mới trong nông nghiệp Việt Nam thời Cận đại

2.3.1. Sự chuyển biến trong quan hệ sản xuất

Dưới thời Pháp thuộc, phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là phát canh thu tô. Đây là phương thức kinh doanh đơn giản nhất, chắc ăn nhất và ít bỏ vốn nhất. Đây cũng là cách tốt nhất để bóc lột thành quả lao động của người nông dân. Tuy nhiên, sự xâm nhập của yếu tố tư bản chủ nghĩa đã làm cho phương thức sản xuất phong kiến chuyển biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Tồn tại song song với phương thức sản xuất phong kiến là tư bản chủ nghĩa, vì thế đã xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong đó kinh tế đồn điền là bộ phận rõ nét nhất. Bộ phận làm công ăn lương ngày càng xuất hiện nhiều hơn, tạo nên một tầng lớp công nhân trong xã hội.

Các hình thức địa tô cũng chuyển biển: Bên cạnh tô hiện vật còn có tô lao dịch và tô tiền. Đối với thực dân Pháp, thuế khoá là mục tiêu cao nhất trong chính sách vơ vét thuộc địa, đó là chưa kể những đợt lạc quyên, phát hành công trái cùng với nạn phụ thu, lạm bổ mà cả bộ máy quan lại thuộc địa, từ toàn quyền Đông dương cho tới bọn tổng lý, kỳ hào làng xã luôn luôn tìm cách trút lên đầu người dân. Mọi gánh nặng về sưu thuế đã làm cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân thêm cùng khổ, túng bấn.  Các loại thuể điển hình như: Thuế chủ yếu thu cho Đông Dương (bao gồm thuế quan hay thuế đoan hay thuế thương chính và thuế gián thu hay thuế công quản), thuế chủ yếu thu cho ngân sách các xứ (bao gồm thuế thân hay thuế đinh, thuế ruộng đất hay thuế điền thổ, thuế lao dịch)

2.3.2. Kỹ thuật nông nghiệp thay đổi

Về sử dụng phân bón trong nông nghiệp, vẫn được người dân thường xuyên sử dụng là phân chuồng,…và cũng do chính họ tạo ra. Song đến thời Pháp thuộc, đã xuất hiện một loại phân bón mới đó là phân hóa học. Nhưng phân hóa học dường như chỉ được sử dụng trong các đồn điền trồng cây công nghiệp là phổ biến nhất. Còn ở sản xuất, trồng lúa của nông dân ta thì phân hóa học ít được sử dụng vì chi phí khá đắt đỏ.

Để phục vụ cho mục đích khai thác và vơ vét kiếm lời, Pháp đã thành lập Viện khảo sát nông lâm Đông Dương (IRAFI), Túc mễ cục Đông Dương. Đồng thời cũng xây dựng một số cơ sở thí nghiệm về hóa học nông nghiệp, côn trùng học, thổ nhưỡng học,…để tạo điều kiện phục vụ công tác nghiên cứu và đưa vào thực hiện tại các đồn điền. Cùng với sự xuất hiện của các cơ sở, trung tâm nghiên cứu này, đã làm xuất hiện một số giống cây trồng mới tại Việt Nam như cao su, cà phê, khoai tây, vú sữa,…Thực dân Pháp cũng cho nhập một số giống lúa Thái Lan, mía Indonesia, Ấn Độ, giống cam, quýt của Bắc Phi, Địa Trung Hải; khoai tây Pháp; một số giống cây khác như su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, tỏi tây, hành tây,…

Về nông cụ sản xuất hầu như vẫn sử dụng các nông cụ mang tính truyền thống và thô sơ. Song, cùng với sự có mặt của thực dân Pháp, một số nông cụ phương Tây đã du nhập vào Việt Nam thời kỳ này như cuốc, xẻng, xà beng, cưa tay,… đẻ phục vụ cho việc mở mang đất hay phục vụ ở các đồn điền. Sức kéo từ động vật vẫn được sử dụng thời kỳ này, nhưng Pháp đã trang bị một số động cơ hơi nước, động cơ nổ và máy kéo (tuy nhiên số lượng đếm trên đầu ngón tay).

Về cách thức sử dụng đất đai, theo nhà nghiên cứu Tạ Thị Thủy, trong tổng số các đồn điền trồng trọt, chuyên canh chiếm khoảng 42,42%, đồn điền vào khoảng 33,54%. Đa canh cũng được thực hiện trên diện tích lớn, chiếm gần 66,45% diện tích trồng trọt. Đến năm 1930, toàn bộ diện tích đồn điền bị người Pháp chiếm đoạt vào khoảng 1.025.000 triệu ha. Tại nhiều đồn điền, một số loại cây công nghiệp quý như cao su, thuốc lá Cuba, thầu dầu Ai Cập lần đầu được người Pháp đưa vào trồng trọt để kinh doanh kiếm lời.

Tại các đồn điền trồng lúa, các chủ người Pháp cũng như người Việt vẫn thực hiện phương thức canh tác và bóc lột theo kiểu phong kiến, nghĩa là vẫn giao ruộng đất về cho các gia đình nông dân sản xuất rồi thu tô thuế. Các biện pháp kĩ thuật trong các khâu làm đất, tưới nước, chăm bón, thu hoạch… hầu như không được áp dụng.

2.3.3. Cơ cấu cây trồng phong phú

Đến cuối thế kỷ XIX, lúa gạo vẫn là cây trồng chủ đạo của Việt Nam. Nên khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tiến hành khai thác vùng này trở thành nơi xuất khẩu gạo ra thế giới. Và diện tích trồng lúa tăng qua từng năm và xuyên suốt trong một thời kỳ vẫn là cây lương thực chủ đạo của Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc.

Kế đến sẽ là ngô. Diện tích trồng ngô trên toàn lãnh thổ Việt Nam chủ yếu năm ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chiếm gần 200.000 ha vào năm 1938. Cùng năm, sản lượng ngô tính riêng tại Việt Nam đạt vào khoảng 213.800 tấn (chủ yếu đem xuất khẩu), và tính chung cả Đông Dương là vào khoảng 613.000 tấn (danh cho xuất khẩu là khoảng 557.000 tấn). Thị trường nhập khẩu ngô chủ yếu vẫn là Pháp và có thể nhận xét rằng “Đông Dương là nơi xuất khẩu ngô lớn nhất của Châu Á và đứng hàng thứ tư của thế giới về mặt hàng này”.

Cao su cũng được trồng khá nhiều trong các đồn điền. Diện tích trông cao su tăng theo từng năm từ 18.000 ha năm 1925 lên 27.328 ha năm 1937 và 133.000 ha năm 1942. Tính đến năm 1937, có khoảng 814 đồn điền cao su trên khắp Đông Dương, trong đó người Pháp có khoảng 382 đồn điền nhưng chiếm 93.4% diện tích đất canh tác. Phần lớn sản phẩm từ cao su được đem đi xuất khẩu là chính. Theo đó sản lượng và diện tích trồng cao su của Đông Dương vào hàng thứ 2 thế giới chỉ sau Malaysia.

Cà phê cũng được trồng nhiều chủ yếu ở Bắc và Trung Kỳ (Thanh Hóa, Kom Tum, Đắk Lắk) với tổng diện tích khoảng 10.000 ha. Cây chè (Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên) vào năm 1938 khoảng 26.000 ha. Cây thuốc lá khoảng 11.950 ha trên cả 3 Kỳ.

Bên cạnh cao su, cà phê, chè,… còn có các đồn điền trồng các loại cây khác như đồn điền trồng mía, dừa, lạc, thầu dầu, dâu, hạt tiêu,…Song đến năm 1945, bên cạnh lúa thì diện tích trồng cây công nghiệp luôn là hàng thứ hai, nhất là cao su đã không ngừng mở rộng, dân làm mất đi tính độc canh của nền nông nghiệp cổ truyền Việt Nam.

2.3.4. Lúa gạo[12] vẫn là lương thực chính và là mặt hàng xuất khẩu chính

So với thời kỳ cuối thế kỷ XIX, năng suất lúa trung bình trên toàn xứ Đông Dương đã tăng gấp 5 lần (từ 2,3 tạ/ha lên 10,7 tạ/ha). Về sản lượng lúa, tính riêng năm 1913, cả nước thu hoạch khoảng 3.818.000 tấn lúa, trong đó 1.286.804 tấn đem đi xuất khẩu. Ngay từ đầu những năm đầu thế kỷ XX, Bắc Kỳ đã đem xuất khẩu qua cảng Hải Phòng mỗi ngày vài chục tấn lúa gạo, nhất là vào những tháng sau vụ Đông Xuân hay Hè Thu. Riêng tháng 12/1901, số lượng xuất khẩu qua cảng Hải Phòng vào khoảng 25.043 tấn thì đến ngày 05/05/1902 đã xuất sang Hồng Kông là 1.876 tấn.

Theo Pierre Gourou, năm 1870 ở Nam Kì diện tích canh tác là 522.000 ha, sản lượng gạo xuất khẩu 229.000 tấn, đến năm 1910 diện tích canh tác đã tăng lên 1.528.000 ha, sản lượng gạo xuất khẩu 1.109.000 tấn. Riêng ở Nam Kì, sản xuất nông nghiệp có nhịp độ phát triển cao hơn so với cả nước, đạt mức 8,5% trong những năm 20. Chỉ tính từ 1926 đến 1930. các tỉnh Nam Kì đã thu hoạch được 3.360 nghìn tấn lúa. Một phần sản lượng lúa đã được dùng để xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trong những năm 20, lúa vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, đạt từ 60% – 70% giá trị xuất khẩu. Năm 1880, sản lượng gạo xuất khẩu là 240.000 tấn thì đến năm 1928 đã lên 1.700.000 tấn, số lượng xuất khẩu gạo trong thập niên 20 tăng 26%, Việt Nam trở thành nước cung cấp gạo lớn thứ hai cho thị trường thế giới, sau Malaysia.

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, lúa gạo là sản phẩm chính của Việt Nam bị sụt giảm ghê gớm. Năm 1929, giá 1 tạ gạo hơn 11 đồng, năm 1933 còn hơn 3 đồng. Ruộng đất bị bỏ hoang[13] ngày càng nhiều, năm 1933 diện tích bỏ hoang tới 370.000 ha. Sau cuộc khủng hoảng, phần lớn ruộng đất tập trung vào tay tư bản Pháp và một số ít vào tay đại địa chủ, quan lại người Việt. Trong toàn quốc, khoảng 213 hộ nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng (khoảng 13- 14 triệu người). Đại bộ phận đất đai nông nghiệp độc canh trồng lúa. Phần còn lại trồng hoa màu như ngô, khoai, sắn.

Nếu trong những năm 1939-1940, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2.200.000 tấn gạo thì trong Đệ nhị Thế chiến, lượng xuất khẩu gạo giảm dần còn 1.500.000 tấn vào năm 1943. Kết quả là bình quân lương thực ngày càng giảm dần. Nạn thiếu lương thực xảy ra ở Bắc-Trung Kỳ liên miên và phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Đây cũng là nguyên nhân cho vấn đề ruộng đất trở nên nóng bỏng đối với nông dân, cũng là tiền đề dấn đến các cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ cuối thời kỳ thuộc địa.

2.3.5. Kinh tế đồn điền[14] phát triển trong đó cao su nằm ở vị trí trung tâm.

Năm 1890, cả nước bị thực dân Pháp chiếm 10.900 ha, năm 1900 đã chiếm 301.000 ha, 1912 chiếm 470.000 ha ở Bắc Kỳ. Năm 1901, chúng lập được 244 đồn điền, phần lớn trồng lúa. Ngoài ra còn có đồn điền trồng cao su, cà phê, chè. Diện tích cao su từ năm 1897 đến năm 1920 là 7201 ha. Năm 1900 đã xuất khấu được 180 tấn cà phê từ năm 1888 đã có những đồn điền trồng thí nghiệm ở cả ba kì Bắc, Trung, Nam. Từ những năm đầu thế kỉ, sản lượng cà phê ngày càng tăng và là một nguồn lợi đáng kể cho tư bản Pháp. Rừng cũng bị chúng chiếm đoạt để lập những khu lâm khẩn.

Từ những năm 1914-1918, do nông nghiệp “chính quốc” ngay từ đầu chiến tranh bùng nổ đã bị tàn phá nặng bởi bom đạn Đức, nhu cầu các nông sản cho lương thực và công nghiệp lại cao, nên chủ trương của thực dân Pháp là đẩy mạnh việc phát triển trồng trọt ở thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Nông nghiệp Việt Nam từ chỗ chuyên canh trồng lúa, phải dành một phần diện tích canh tác để trồng một số giống mới. Cây lương thực có lúa Tây Ban Nha, các loại đậu tây (có cả đậu Phờlorit) và đậu Vân Nam; công nghiệp có thầu dầu Ai Cập, kể cả thuốc lá Cuba. Ở các tỉnh miền trung du Bắc Bộ, có tới 251 hecta đất trồng lúa chuyển sang trồng dâu tây. Trong các cây công nghiệp thì cao su giữ địa vi trọng yếu. Chiến tranh bùng nổ, việc khai thác kém đi, vừa có hại cho bọn chủ tư bản kinh doanh ngành này, vừa làm cho ngân sách Đông Dương thất thu vì mất nguồn thuế xuất cảng cao su.

Đoán trước thời cơ phát triển của ngành cao su sau chiến tranh, ngay từ tháng 7-1917, Công ti tài chính cao su Đông Dương, thường gọi là tập đoàn Rivaud được thành lập, trong đó các tập đoàn tư bản tài chính như Ngân hàng Dông Dương, Ngân hàng Pháp – Hoa, Công ti Anh em Denis Frères, Michelin nắm phấn lớn thế lực. Vốn đã được tập trung, lại được nhà cầm quyền ra sức giúp đỡ về một nhân công, tư bản Pháp kinh doanh ngành cao su ra sức đấy mạnh hoạt động. Ngay trong chiến tranh, chính quyền Đông Dương đã thành lập ở Nam Kì một Ủy ban dự thảo quy chế tuyển mộ phu ngoài Bắc vào làm việc tại các đồn điền trong Nam. Nhiều đồn điền trồng cao su được thành lập, riêng ở Nam Kỳ đã có 533 chủ đồn điền hoạt động ở các tỉnh Gia Định, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh.

Do nhu cầu của thị trường thể giới, nhất là thị trường Pháp, nên giá cao su sau chiến tranh tăng lên nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà tư bản Pháp đã đố xô vào kiếm lời trong việc kinh doanh cao su. Riêng hai năm 1927 – 1928, các đồn điền cao su đã được đầu tư 600 triệu phơ răng. Nhờ việc tăng cường vốn đầu tư, diện tích trồng cao su được mở rộng không ngừng[15].

Các đồn điền trồng cây công nghiệp phân bố ở Nam Kì và Trung Kì. Tính đến năm 1939, tống diện tích trồng cao su ở Việt Nam là 86.682 ha. Vào đầu năm 1937, Việt Nam có 920 đồn điền (Nam Kì có 902 đồn điền. Trung Kì có 17, Bắc Kì có 1) trong tổng số 1005 đồn điền toàn Đông Dương. Phần lớn số đồn điền này nằm trong tay tư bản nước ngoài. Tư sản Việt Nam chiếm khoảng 60% diện tích. Kinh doanh đồn điền cao su, tư bản Pháp thu được lãi lớn. Công ti cao su Xuân Lộc, với số vốn 6 triệu phơ răng năm 1937 thu 4.193 ngàn, năm 1938 thu 6.146 ngàn, năm 1939 thu 8.833 ngàn phơ răng lãi.

Năm Diện tích
(ha)
Sản lượng

(tấn)

1920 70.007 3.000
1925 73.100 8.000
1930 80.000 14.000
1935 97.300 35.000
1940 104.100 58.000
1945 138.400 77.400

Bảng  2 Diện tích và sản lượng cao su ở miền Nam từ 1920-1945.

Thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các công ty tư bản Pháp đầu tư vốn vào ngành kinh tế cao su ngày một tăng nhưng đa số cây cao su được trồng chỉ mới ở mức độ thử nghiệm nên diện tích trồng cao su chưa lớn và mức thu hoạch cao su chưa cao. Sau chiến tranh, Pháp và cả Châu Au đều lâm cảnh thiếu thốn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhằm phục hồi nền kinh tế đất nước.

Trong đó nhu cầu cao su thiên nhiên rất cao. Để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh, Pháp ồ ạt tăng đầu tư vào các công ty cao su ở Việt Nam, và việc phát triển diện tích trồng và khai thác cao su được nâng lên thành chủ trương có tính chất “quốc sách”. Chẳng hạn như SPTR có tổng số vốn đầu tư ban đầu đã nêu là 2.300.000 Francs, gồm 23.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 Francs. Sau đó vốn càng tăng lên: năm 1923 vốn tăng 36.000.000 Francs, năm 1925: 46.000.000 Francs. Năm 1935: 110.000.000 Francs. CEXO với vốn ban đầu: 1.500.000 Francs, gồm 15.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 Francs. Vốn cũng tăng dần từng năm, 1912: 4.500.000 Francs, 1917: 6.000.000 Francs, 1920: 8.000.000 Francs,1934: 28.000.000 Francs. Cùng với số vốn đầu tư ngày càng khổng lồ thì mức độ tập trung diện tích trồng cây cao su cũng rất lớn. Sự phát triển nhanh chóng của ngành kinh tế cao su ở Đông Dương chủ yếu là ở Việt Nam, mà đặc biệt là Nam Kỳ đã đưa giá trị hàng cao su xuất khẩu chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937: 18%, năm 1938: 21,4%, năm 1939 lên tới 27,4%. Sự phát triển của ngành kinh tế cao su đã góp phần cho cán cân ngoại thương ở Việt Nam có sự thặng dư lớn. Lượng cao su xuất khẩu năm 1939 tăng gấp 7 lần năm 1928, giá trị xuất khẩu của ngành cao su năm 1929 là 11.000.000 Francs đến năm 1939 tăng lên 96.000.000 Francs

Tư bản cao su vì mục tiêu lợi nhuận đã áp dụng tối đa các biện pháp để triệt để bóc lột sức lao động của công nhân như: kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động, sử dụng lao động trẻ em, trả tiền lương ít… Thực trạng xã hội ở đây có sự phân hóa rõ ràng. Một bên là giới chủ đại diện cho lớp người giàu có, sống xa xỉ, nhưng lại khét tiếng tàn ác. Một bên là người lao động thật thà, sống bằng cách bán sức lao động, nhưng nghèo khổ bần hàn. Sản phẩm và lợi nhuận do người lao động làm ra đều đổ vào túi giới chủ và những tập đoàn tư bản lớn. Người lao động sống và làm việc khổ cực đến mức mà người ta quen gọi là những “mảnh đời nghiệt ngã”. Ách áp bức bóc lột của bọn tư bản đối với công nhân cao su Việt Nam trở thành bản cáo trạng lên án chế độ hà khắc, ác nghiệt ở các đồn điền cao su. Để sinh sống và tồn tại người công nhân cao su đã nổi dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột để giải phóng cho mình và cho cả dân tộc.

Bên cạnh cao su, nhiều đồn điền trồng chè, cà phê cũng được xây dựng và mở rộng diện tích, mạnh nhất là từ sau năm 1924. Tính đến năm 1930, thực dân Pháp đã có khoảng 10.000 ha cà phê, 3.000 ha chè, ngoài ra còn có hàng nghìn hecta dùng để trồng mía, bông, hồ tiêu…

3. Kết thúc

Rõ ràng là sự tác động của chủ nghĩa tư bản Pháp thông qua việc đầu tư và phát triển  sản xuất khiến cho kết cấu kinh tế truyền thống của Việt Nam bị phá vỡ và đi liền với nó là sự xuất hiện và ngày càng mở rộng của các thành phần kinh tế mới tư bản chủ nghĩa, trong đó nông nghiệp cũng là một bộ phận chịu sự gián tiếp của việc đầu tư này.

Nền nông nghiệp Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có những bước chuyển biến rõ rệt trên cả ba mặt: diện tích canh tác, năng suất và sản lượng thu hoạch. Tuy vậy, phương thức canh tác và kỹ thuật nông nghiệp còn hết sức lạc hậu, thấp kém và chưa có biến đổi nhiều so với cuối thế kỷ XIX. Song từ sau Đệ Nhất Thế Chiến đến trước năm 1945 nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều biến đổi, nhất là trong kinh tế đồn điền. Một số công cụ đã được nâng cấp, phương tiện kỹ thuật, phân hóa học,… máy móc cũng được đưa vào hoạt động tuy không nhằm mục đích phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Công tác thủy nông.

Nguyễn Tuấn Hùng

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Nguyễn Văn Khánh (2004). Cơ cấu kinh tế – xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
  2. Trần Vũ Tài. Chuyển biến của nông nghiệp và xã hội nông thôn Bắc Trung Kỳ thời thuộc Pháp (pdf)
  3. Lê Hữu Phước (2013). Nhận diện di sản kinh tế thời thuộc địa ở Nam Kỳ. Science and Technology Development
  4. Nguyễn Thị Mộng Tuyền (2012). Quá trình đầu tư và khai thác thuộc địa về cao su của tư bản Pháp ở Việt Nam (1858-1945), Hội khoa học lịch sử Bình Dương
  5. Lịch sử phát triển ngành trồng trọt Việt Nam, <https://vitc.edu.vn/tudiennn/home/view/4272/Lich-su-phat-trien-nganh-trong-trot-Viet-Nam>
  6. Sự ra đời của ngành khai thác cao su ở Việt Nam, <http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/van-hoa-the-thao/van-hoa/su-ra-doi-cua-nganh-khai-thac-cao-su-o-viet-nam.html>
  7. Trần Hữu Thắng (2018), Người Pháp chiếm đất và tăng năng suất lúa, <http://khampha.vn/the-gioi-vi-tinh/nguoi-phap-chiem-dat-va-tang-nang-suat-lua-c51a647585.html>
  8. Trần Thị Huyền (2017). Nông nghiệp Việt Nam thời Pháp thuộc, <https://thuonghieugao.com/nong-nghiep-viet-nam-thoi-phap-thuoc.html>
  9. Trần Thị Huyền (2017). Nông nghiệp Việt Nam thời Nguyễn độc lập, <https://thuonghieugao.com/nong-nghiep-viet-nam-thoi-phap-thuoc.html>
  10. Hà Thanh Liêm, Nguyễn Đình Ninh, Nguyễn Hữu Phú (2015). Ngành thủy lợi Việt Nam trước năm 1945, <http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/Gioi-thieu/Lich-su-truyen-thong/catid/73/item/2599/nganh-thuy-loi-viet-nam-thoi-ky-truoc-nam-1945?fbclid=IwAR3WPELruuBuprGkZoRaHB566IYBh_tlfqEoCCbwl8nVGtz7hGv9laKcycg>
  11. Quang Ngọc (2014). Hào hùng thủy lợi Việt Nam: thời Pháp thuộc, <https://nongnghiep.vn/hao-hung-thuy-loi-viet-nam-thoi-phap-thuoc-post134373.html?fbclid=IwAR2bg14FKlEL0NR6fGHvq7Oc7-IOUkKfCpeKCJnUoB7TNxQxTMdnQ1xVLLw>

[1] Năm 1803 quan lại Bắc Thành tâu: “Ruộng đất… thì đến cuối thời Lê, bọn cường hào kiêm tính mỗi ngày một quá. Nay xin phàm ruộng đất công tư đều dồn cả về số dân, ai có tư điền thì để lại 3 phần, còn 7 phần thì giao cho xã dân quân cấp. Lại ở trong số quân cấp thì để lại 2/10 chờ cấp cho dân mới về sau” hoặc “từ loạn Tây Sơn bò hết luật cũ, dân gian nhiều người đổi ruộng công làm ruộng tư, cũng có kẻ tạ sự việc công mà cấm bán ruộng công…”.

[2] Năm 1820, bộ Hộ chính thức báo cáo: Tổng diện tích ruộng đất của cả nước là 3.076.300 mẫu và 26.750 khoảnh. Thời Minh Mạng, sau nhiều lần lập thêm địa bạ các xã chưa làm và đặc biệt sau đợt đo đạc ruộng đất Nam Kì năm 1836, bộ Hộ đã cho con số (năm 1840): Tống diện tích ruộng đất thực canh là 4.063.892 mẫu, trong đó tổng diện tích ruộng là 3.396.584 mẫu công tư, trong số ruộng này có 2.816.221 mẫu ruộng tư và 580.363 mẫu ruộng công (tức 17%).

[3] Nhận thấy ruộng đất công quá ít ỏi, “các quan viên không cứ chức phẩm cao thấp đều xin thói dự cấp”, năm 1839 Minh Mạng đành chấp nhận đề nghị đó, chỉ “gia án chiếu lệ chia cấp ruộng đặt khẩu phần cho… các viên đã hưu trí“.

[4] Theo báo cáo của Tổng Đốc Bình – Phù là Vũ Xuân Cẩn năm 1838, ở đây ruộng công chỉ có trên 5000 mẫu, ruộng tư đến 17000 mẫu, mà ruộng tư thì bi bọn hào phú chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì. Sự thực theo Thượng thư bộ Hộ Hà Duy Phiên, ở đây ruộng công là 6-7000 mẫu, ruộng tư hơn 70 000 mẫu, mà “nhà hào phú kiêm tính đến 1-200 mẫu, người nghèo không một thước, một tấc đến nỗi phải làm đầy tớ cho người“. Do đó, Vũ Xuân Cẩn đã đề nghị “phàm ruộng tư, định hạn là 5 mẫu, ngoài ra lấy làm ruộng công cả, chia cấp cho bình dân để làm ruộng lương, ruộng khẩu phần”.

[5] Ngay từ những năm 1802, 1808. Gia Long đã nhiều lần hạ lệnh cho quan lại khuyến khích nhân dân, quân sĩ phục hóa, thế nhưng năm 1806, theo báo cáo của quan lại Bắc Thành, nhân dân tiếp tục phiêu tán đến hơn 370 thôn xã; năm 1826 theo quan lại Bắc Thành 13 huyện trong hạt trấn Hải Dương, nhân dân vì đói phiêu tán đến 108 xã thôn, ruộng đất hoang hơn 12.700 mẫu… cho đến cuối những năm 30 diện tích ruộng đất hoang hóa đã lên đến 1.314.927 mẫu (theo “Quốc triều điều lệ lược biên“).

[6] Được sự đồng ý của Minh Mạng. Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức nhiều đợt khai hoang lập làng lớn, trong đó lớn nhất là việc thành lập hai huyện mới: Tiền Hải (Thái Bình) với 18.970 mẫu và 2850 đinh; Kim Sơn (Ninh Bình) với 14.620 mẫu và 1260 đinh.

[7] Từ 1802 – 1858 cả nước phải chịu 88 lần mưa bão lụt lội lớn, trong đó có 16 lần vỡ đê. Các năm 1803, 1804, 1806. 1819, 1828, 1833, 1840, 1842, 1844, 1847, 1866, 1857 hầu như cả vùng đồng bằng Bắc Kì bị ngập lụt, theo đó là mất mùa, đói kém.

[8] Ở Bắc Kì, đến năm 1902 chúng đã chiếm tới 182000 hecta đất, trong đó có 50000 hecta ờ những vùng trù phú nhất như Nam Định, Phủ Lí, Bắc Ninh… Gobert chiếm 11.720 hecta ở Bắc Ninh; Marty chiếm 1183 hecta của 22 làng sau cuộc khởi nghia Bãi Sậy; Chesnay, Tartarin, De Montpezat chiếm hàng vạn hécta sau khi đàn áp nghĩa quân Đề Thám; Bourgoin Meiffte chiếm gần 1000 hecta của 57 làng ven sông Đà.

[9] Trung bình hàng năm từ 1894 đến 1897 đào được 120 nghìn mét khối; từ năm 1897 đến 1903, mỗi năm đào được 877 nghìn mét khối; từ 1903 đến 1904 đào được 3,495 triệu mét khối (đây chủ yếu là khối lượng đất đào của hai con kênh lớn Trà Ót và Saintnoy.).

[10] Nếu trong 10 năm đầu (1890 – 1900), bình quân mỗi năm đào được 824 nghìn mét khối, thì trong vòng 10 năm từ  1920 đến 1930, bình quân mỗi năm đào được 7,233 triệu mét khối. Chưa kể hàng triệu mét khối thực dân Pháp bắt dân ta đào bằng tay.

[11] Ngày 17 tháng 2 năm 1869, phó đô đốc G. Ohier, quyền Thống Đốc Nam Kỳ, ký nghị định số 33 thành lập Ủy ban thường trực do Philastre làm chủ tịch, để giám sát việc chi tiêu tại Thảo Cầm Viên. Vào thời điểm này, chi phí hàng năm của Vườn Bách Thảo đã được nâng lên 30.000 quan Pháp/năm.

[12] Đầu năm 1915, hạn hán xảy ra ở nhiều tỉnh thuộc Bắc Kì (Sơn Tây, Bắc Ninh, Hòa Bình, Lai Châu, Lang Sơn…), nhiều nơi mùa màng bị mất trắng. Giữa năm lại xảy ra lụt lớn, đê vỡ ở hầu hết các sông lớn (sông Hồng, sông Thao, sông Đà, sông Đuống, sông Trà Lí, sông Đáy…) làm cho 221.000 hecta ruộng các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Thái Bình bi ngập. Giữa năm 1915, Nam Kì xảy ra hạn hán. Năm 1916, hạn hán ở Bắc Kì và Trung Kì, trong khi đó từ Quảng Ngãi trở vào bị lụt. Năm 1917, các tỉnh miền Trung lại bị lụt.

Năm 1944 bị mất mùa, nhưng Pháp phải xuất sang Nhật 900.000 tấn gạo, cộng với số gạo cung cấp cho quân Nhật ở Đông Dương, số gạo Pháp dùng để nấu rượu và đốt thay than, số gạo Nhật tích trữ, vì thể đầu năm 1945 đã xảy ra nạn đới làm chết gần 2 triệu người.

[13] Năm 1936, Thống sứ Bắc Kì ra Nghị định cấp không cho những công dân Pháp làm đơn xin đất với diện tích dưới 500 ha để lập làng mới. Trong những năm 1936- 1939, tại đồng bằng Bắc Kì có 1.933.000 xuất đinh thì 968.000 người không có ruộng…. Ở Trung Kì, số người không có ruộng và có ruộng dưới 0,5 ha ở tỉnh Quảng Trị chiếm 69,5%, ở tỉnh Thừa Thiên là 78%, Bình Định là 74%, Phú Yên và Khánh Hòa là 50,91%. Ở Nam Kì, 909 địa chủ chiếm hữu hơn 480.000 mẫu ruộng, trung bình mỗi người chiếm 530 mẫu.

[14] Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, diện tích trồng chè Đông Dương (chủ yêu là Việt Nam) khoảng 12.000 – 15.000 ha, sản lượng 10.000 – 11.000 tấn/năm. Diện tích trồng cà phê năm 1938 khoảng 800-900 hà, sản lượng 3000-4000 tấn/năm.

[15] Năm 1919, diện tích trồng cao su là 16.860 ha, đến năm 1926 tăng lên 18.000 ha và 5 năm sau đã tăng vọt lên gấp 4 lần, đạt 78.620 ha. Các hoạt động kinh doanh cao su tập trung chủ yếu vào ba công ti lớn: Công ty đất đỏ, Công ty trồng cây nhiệt đới và Công ti Michelin. Sản lượng thu hoạch cao su cũng ngày càng lớn, từ 3.600 tấn năm 1919 lên tới 6.796 tấn năm 1924. Riêng số nhựa cao su xuất khẩu vào năm 1929 đã đạt con số 10.000 tấn.

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com