User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
banguoiphunu
 
Năm 1999. Annie Wright đưa con gái, Lacy Lew Nguyen Wright, đến tham gia một cuộc biểu tình ở Little Saigon phản đối một chủ cửa hàng video trưng bày ảnh Hồ Chí Minh và quốc kỳ Việt Nam.
 
Lacy Lew Nguyen Wright, 23 tuổi, đã “đi bầu” từ khi còn là một em bé.
 
Mẹ của cô, Annie Wright, lần đầu tiên đưa cô bằng xe đẩy vào phòng bỏ phiếu khi cô mới 5 tháng tuổi. Khi Lacy khoảng 5 tuổi, mẹ bắt đầu để cô ấy đục lỗ trên thẻ. Khi Lacy 10 tuổi, cả hai đã cùng nhau xem qua lá phiếu mẫu để thảo luận về các ứng cử viên địa phương và lập trường của họ.
 
Annie cũng đưa Lacy đến cuộc biểu tình đầu tiên khi cô chưa được một tuổi. Đó là vào năm 1999, khi một chủ cửa hàng video ở Little Saigon treo cờ Việt Nam có ảnh của Chủ tịch Bắc Việt Nam Hồ Chí Minh. Đám đông lên đến 15.000 người, trong đó có nhiều người tị nạn đã chạy trốn khỏi chế độ cộng sản sau khi Sài Gòn sụp đổ. Họ tập hợp nhau lại và biểu tình suốt hai tháng.
 
Mặc dù Annie quyết tâm dạy con gái mình tinh thần công dân nhưng bản thân cô không muốn hoạt động chính trị.
 
“Khi lớn lên tôi đã học được rằng chính trị có thể khiến người ta giết bạn,” Annie nói.
 
Annie là con gái của bà Jackie Bong-Wright, tên khai sinh là Lê Thị Thu Vân, và cố giáo sư Nguyễn Văn Bông, người bị ám sát năm 1971 khi Annie mới 7 tuổi.
 
Ở Việt Nam, ông Bông là Giám Đốc Học Viện Hành Chính Quốc Gia và đã đào tạo nhiều người trẻ thành công chức. Năm 1969, ông thành lập một đảng chính trị đối lập, Phong Trào Dân Tộc Cấp Tiến.
 
Một ngày trước khi ông Bông bị giết, Tổng Thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu đã yêu cầu ông trở thành Thủ Tướng. Ông Bông đã bị giết bởi một quả bom đặt dưới xe của mình [bởi đặc công cộng sản].
 
“Ở Việt Nam, làm chính trị rất nguy hiểm,” Jackie nói.
 
“Tôi phải đấu tranh cho cuộc sống của đồng bào mình.”
 banguoiphunu1

Bức chân dung gia đình năm 1964 của Jackie Bong-Wright, người chồng đầu tiên của bà Nguyễn Văn Bông, và cặp song sinh Annie và Victor. (Được Annie Wright cho phép đăng trên Los Angeles Times)

Jackie, con áp út trong số 10 người con, cho biết ban đầu gia đình bà không tham gia vào chính trị.
Nhưng một chị gái của bà đã tham gia hoạt động trong một nhóm Việt Cộng, dẫn đến việc gia đình của họ bị chia rẽ. Chị của bà đề nghị chính quyền Bắc Việt Nam tống giam anh trai của bà vào tù, nơi anh ấy cuối cùng đã chết. Hai trong số những người anh em khác của Jackie cũng hy sinh khi chiến đấu trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
 
Jackie cho biết khi bà gặp ông Bông tại đám cưới của một người bạn chung ở Paris, ông ấy chưa có bất kỳ tham vọng chính trị nào. Ông muốn trở thành một Giáo Sư Luật; còn bà định dạy tiếng Pháp.
 
[Rồi ông Bông mất]. Một góa phụ ngoài 30 tuổi với 3 đứa con dưới 8 tuổi, Jackie lao vào công việc như một cách để đối phó. Bà ủng hộ chính sách kế hoạch hóa gia đình, đại diện cho Việt Nam trong một hội nghị quốc tế, và là Giám Đốc Văn Hóa của Hội Việt Mỹ ở Sài Gòn.
 
Khi Sài Gòn thất thủ, bà cùng các con rời nước ra đi. Họ ở nhiều trại tị nạn khác nhau trước khi định cư ở Alexandria, bang Virginia.
 
Sau đó Jackie kết hôn với ông Lacy Wright Jr., người đàn ông mà Lacy được đặt tên theo, một nhà ngoại giao mà bà và ông Bông đã gặp khi ông ấy làm việc tại Việt Nam.
 
banguoiphunu2 
Năm 1973, Jackie Bong-Wright đại diện Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế về kế hoạch hóa gia đình. (Ảnh được Annie Wright cho phép đăng trên Los Angeles Times)

Nhưng sau đó Lacy và Jackie đã không liên lạc lại cho đến khi họ tình cờ gặp nhau bên ngoài một hiệu thuốc (“Bà ấy đã tìm thấy ông Wright”,[1] gia đình thường nói).
 
Sau tất cả những gì bà đã trải qua, Jackie không muốn bất kỳ đứa con nào trong số ba người con của mình tham gia vào chính trị. Nhưng bà cảm thấy riêng cá nhân bà không có lựa chọn.
 
Bà nói: “Tôi phải đấu tranh cho cuộc sống của đồng bào mình.”
 
Bà đã làm việc để giúp tái định cư những người tị nạn và tìm việc làm cho họ.
 
“Tôi đã đăng ký cử tri cho hàng nghìn người để họ có quyền chính trị qua lá phiếu,” cô nói. “Bởi vì chúng tôi phải chiến đấu cho những người ở Việt Nam vẫn đang ở trong tù, như anh trai tôi… Chúng tôi phải chiến đấu cho những người bị mắc kẹt trong các trại tị nạn Đông Nam Á đến được Hoa Kỳ…. Chúng tôi đã phải vận động hành lang Quốc hội Mỹ”.
 
Trong hai thập kỷ qua, Jackie là chủ tịch và giám đốc điều hành của Tổ chức Cử tri Người Mỹ gốc Việt trên toàn quốc.
 
“Tôi nghĩ đó là về việc biết sức mạnh của chính bạn”
 
Lớn lên ở Quận Cam vào những năm 2000, Lacy Lew Nguyen Wright nhớ đã nghe những câu chuyện về ông ngoại, nhưng mọi người đều gọi ông là giáo sư, học giả.
 
Các sinh viên của ông từ Học viện Hành chính Quốc gia vẫn tụ tập hàng năm ở Little Saigon vào khoảng ngày 10 tháng 11, ngày giỗ của ông, để mừng thọ ông.
 
Lacy cho biết cô bắt đầu tìm hiểu thêm về lịch sử gia đình của mình khi bà ngoại của cô đăng quang Hoa hậu Phu nhân Virginia trong cuộc thi Miss Senior America vào năm 2004. Jackie đã tham gia để cô có thể chia sẻ câu chuyện tị nạn của mình.
 
Jackie là người Mỹ gốc Việt đầu tiên tham gia cuộc thi quốc gia này và được ghi lại trong bộ phim năm 2006 “Hoa hậu Virginia: Câu chuyện về Jackie Bong-Wright.”
 
Sau đó, bà cũng đã xuất bản một cuốn hồi ký “Mây Mùa Thu: Từ góa phụ trong chiến tranh Việt Nam đến nhà hoạt động Mỹ”, ghi lại bốn thế hệ trong gia đình họ.
 
Jackie nói: “Tôi không thể giải thích cho các con hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha của chúng bởi vì mỗi lần tôi nói chuyện, tôi lại đau đớn đến phát khóc. “Chỉ khi tôi viết cuốn tự truyện của mình thì mọi thứ mới ra mắt”.
 
Không ai tích cực khuyến khích cô Lacy Lew Wright hoạt động chính trị.
 
“Trong cộng đồng của chúng tôi, chúng tôi phải đối mặt với những chấn thương đó, và khi chúng tôi đến Mỹ, chúng tôi phải cố gắng làm việc để mưu sinh,” Annie nói. “Lúc nào chúng tôi cũng nghĩ đến thế hệ thứ hai. Bởi vì chúng tôi biết đất nước mình đã khó khăn như thế nào, chúng tôi cố gắng hướng con cái mình tránh xa chính trị và những thứ tương tự”.
 
Nhưng khi Lacy tranh cử chức trong Hội Sinh Viên ở trường Đại Học, không ai ngạc nhiên.
 
“Em gái của ông ngoại tôi hiện đang sống ở Lake Forest, và bà ấy nói đại khái, “[Chính trị] đã có sẵn trong gien nhà này!” Lacy nói.
 
Lacy vào Đại Học tại Đại Học California ở Santa Barbara vào năm 2014 khi sinh viên đang vận động các nhà lập pháp để ngăn việc tăng học phí. Đó là lần đầu tiên cô tập tễnh làm việc vận động chính sách và kể từ đó cô đã bắt đầu tiếp xúc với các chính khách địa phương.
 
“Khi bạn nghĩ về các quan chức do mình bầu ra, điều đó có vẻ đáng sợ,” Lacy nói. “Nhưng thật ra họ được bầu ra để đáp ứng các nhu cầu của chúng ta. Không phải chuyện gì họ cũng biết.”
 
Một trong những người bạn thời Trung Học của cô từng là một sinh viên Đại Học cộng đồng nhưng do vô gia cư mà lại không được phép tắm rửa trong phòng tập thể dục của trường. Vì vậy, ông đã viết dự luật cho phép sinh viên vô gia cư được tắm rửa trong tất cả các phòng tập thể dục của trường Đại Học cộng đồng trong bang.
 
“Chúng tôi đi khắp Sacramento [thủ đô bang California], ghé vào văn phòng của các dân biểu, yêu cầu họ đồng tài trợ cho dự luật này và hỏi họ có bỏ phiếu cho nó không,” cô nói. “Tôi nghĩ căn bản là chúng ta hiểu rõ quyền của mình và biết rằng mình có thể đề xuất những gì mình muốn”.
 
Sau khi chuyển đến Đại Học Pennsylvania, cô thực tập trong Ban Vận động Tài chính của bà Hilary Clinton trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2016.
 
Trong cuộc bầu cử sơ bộ Tổng Thống của đảng Dân Chủ vào năm 2019, cô làm nhân viên tiếp xúc tiền trạm (national advance asociate) trong chiến dịch vận động tranh cử của Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris.
 
banguoiphunu3
 
Lacy Lew Nguyen Wright gặp Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris lần đầu vào năm 2016. Năm 2019, cô làm việc trong chiến dịch tranh cử Tổng Thống sơ bộ của Harris. (Ảnh được phép của Lacy Lew Nguyen Wright)

Lacy hiện là Phó Giám Đốc của BLD PWR (đọc là “build power”, nghĩa là “xây dựng sức mạnh”), được thành lập bởi diễn viên kiêm nhà hoạt động Kendrick Sampson nhằm kết nối những người trong ngành giải trí Hollywood với các nhà tổ chức chính trị.
 
“Tôi đã thực hiện rất nhiều vận động hành lang về các loại luật lệ… việc này giống như lăn một tảng đá lên núi chỉ để xem nó lăn xuống,” cô nói.
 
Sau nhiều năm vận động cho những nạn nhân của tấn công tình dục, phải đến khi phong trào #MeToo, Lacy mới nhận ra “cái chúng ta cho phép người khác nghĩ về chúng ta tuỳ thuộc vào những gì được các phương tiện truyền thông và giải trí đưa ra”.
 
Tại BLD PWR, cô làm việc với Black Lives Matter Los Angeles và cộng tác với các tổ chức cơ sở trên toàn quận về các vấn đề từ sức khỏe tâm thần đến công bằng khí hậu.
 
Cô nói, “Công việc hoạt động xã hội và chính trị rất mệt mỏi và hao mòn tinh thần. Nhưng tôi có thể tâm sự với bà ngoại và bà hiểu tôi vì bà đã từng trải qua.”
 
banguoiphunu4
 
Annie Wright, người đứng dưới tấm bảng “Sanctuary improves safety”, biểu tình vào năm 2018 sau khi các thành viên Hội đồng thành phố Aliso Viejo bỏ phiếu tham gia vụ kiện liên bang chống lại luật “California’s sanctuary law”. (Matt Fitt)

“Tôi đã bị sốc đến nỗi phải hành động.”
 
Annie, mẹ của Lacy, cho biết chính Lacy là người đã truyền cảm hứng cho cô tham gia hoạt động chính trị sau cuộc bầu cử năm 2016.
 
“Giống như nhiều người, về cơ bản tôi đã bị sốc đến nỗi phải hành động,” Annie nói, chỉ ra lệnh cấm người di cư Hồi giáo của Tổng Thống Trump là chất xúc tác.
 
“Tôi đã chứng kiến chính phủ của chúng tôi giam giữ, trục xuất và thẩm vấn các công dân và thường trú nhân Mỹ,” cô nói.
 
Vào thời điểm đó, không có Câu Lạc Bộ Dân Chủ ở Aliso Niguel, nơi cô sống, vì vậy cô đã thành lập một câu lạc bộ.
 
Cô yêu cầu Lacy và những người bạn học Đại Học đến dạy cho tổ chức của họ cách vận động hành lang, cách nói chuyện với các quan chức được bầu và cách đọc Luật.
 
Đến năm 2018, câu lạc bộ đã giúp bầu Tiffany Ackley, người phụ nữ duy nhất trong Hội đồng thành phố Aliso Viejo, và làm việc với các tổ chức cấp tiến khác để chuyển bốn quận ở Quận Cam [từ bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà sang Dân Chủ].
 
“Lớn lên ở Quận Cam, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thấy một ngày mà mọi ghế trong quốc hội đều do đảng viên Dân Chủ nắm,” Lacy nói. “Vì vậy, điều thực sự truyền cảm hứng cho tôi là việc mẹ tôi, người chưa bao giờ tham gia chính trị trước năm 2016, là một thành viên của phong trào đang định hình lại cấu trúc chính trị của Quận Cam.”
 
Năm 2019, Annie được bầu làm Phó Chủ Tịch đảng Dân Chủ Quận Cam, đại diện cho vùng phía Nam Quận Cam.
 
“Bất kể điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020, tôi hy vọng rằng đảng Dân chủ sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để tuyển dụng và đào tạo các ứng cử viên cho các văn phòng địa phương và tiếp cận nhiều hơn về mặt văn hóa với các cộng đồng châu Á ở Quận Cam,” cô nói.
 
“Tôi đang bỏ phiếu cho chính mình… cho cộng đồng của tôi”
 
“Tôi luôn được dạy rằng gia đình chúng tôi có mặt ở đây vì được người khác giúp đỡ,” Lacy nói. “Ngay cả bây giờ, bà ngoại tôi có nguy cơ cao nếu mắc bệnh Covid nhưng bà vẫn ra ngoài và phát khẩu trang cho những người làm việc cần khẩu trang. Bà chưa bao giờ chịu bó tay trước một vấn đề khó. Bà luôn luôn suy nghĩ về những điều không ổn trên thế giới và tự hỏi mình có thể làm gì?
 
Ở tuổi 80, Jackie vẫn dẫn chương trình tin tức chính trị hàng tuần trên Saigon Broadcasting Television Network, nơi bà phân tích các chính sách của Mỹ đối với những người nhập cư nói tiếng Việt.
 
“Tôi không thể khuyên cộng đồng của mình bỏ phiếu cho một ứng cử viên nào đó,” bà nói. “Tôi không được đứng về đảng nào… nhưng tôi nghĩ năm nay là năm quan trọng nhất. Hầu hết người Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử này, bằng cách này hay cách khác.”
 
“[Bà ngoại thì vậy, nhưng] mẹ tôi lại công khai ủng hộ đảng Dân chủ,” Lacy nói. “Mẹ tôi có thể gõ cửa mọi nhà và thuyết phục bạn bỏ phiếu sau 10 phút nói chuyện với bà. Mẹ giỏi hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ rằng cả bà và mẹ đều thực sự tuyệt vời trong việc xây dựng cộng đồng và khuyến khích mọi người tham gia, đặc biệt là những người có thể không tham gia nếu không được vận động.”
 
Lacy đại diện cho một thế hệ mới với những ý tưởng mới.
 
“Chúng tôi đã được khuyên bảo rất nhiều lần rằng chúng tôi cần phải bỏ phiếu và nên bỏ phiếu cho một người nào đó,” cô nói, “và tôi nghĩ đó là vấn đề cần thay đổi: Tôi sẽ không bỏ phiếu cho một ứng cử viên hoặc một chính trị gia nào đó, tôi chỉ bỏ phiếu cho chính mình, cho cộng đồng của mình… Tôi nghĩ thế hệ của chúng tôi rất khác biệt bởi vì chúng tôi đang tự mình hành động”.
 
Ngoài công việc của mình tại BLD PWR, cô điều hành trang web Ballot Breakers, phỏng vấn các ứng cử viên trẻ tuổi của đảng Dân chủ, và cô là đại diện văn phòng diễn giả của Mạng lưới quốc gia về tội phạm tình dục (RAINN). Cô ấy đã tham gia hai buổi họp thường niên gần đây nhất của họ.
 
“Khi mọi người nghĩ về tổ chức, họ chỉ nghĩ về tổ chức chính trị,” Lacy nói. “Nhưng tất cả chúng tôi đã tìm ra cách để hoạt động và hỗ trợ, tổ chức mọi hoạt động trên mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Đó là lúc những người trẻ tỏa sáng. Các bạn trẻ biết cách vận động trong không gian này”.
 
[1] Câu này họ chơi chữ: tên họ của ông Lacy Wright phát âm giống như chữ “right” nghĩa là đúng hay thích hợp. Khi người đàn bà nào tìm được ý trung nhân vừa ý, thì người Mỹ nói là “she has found Mr. Right.”
 
Ada Tseng là trợ lý biên tập trong Đội Báo chí Tiện ích của tờ Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times). Đội Báo chí Tiện ích viết những câu chuyện giúp giải quyết vấn đề, trả lời câu hỏi và đưa ra quyết định lớn về cuộc sống trong và xung quanh Los Angeles. Trước đây Tseng từng là biên tập viên giải trí của TimesOC chuyên về Quận Cam, và cô ấy đồng tổ chức chương trình podcast Saturday School về lịch sử văn hóa đại chúng người Mỹ gốc Á.
 
(Bản dịch của Vũ Tường. US Vietnam Review được tác giả Ada Tseng cho phép đăng bản dịch)
 
 
 
 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com