User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nguoi di cu 2910
 
Vào những ngày cuối năm tôi thường có thói quen tìm kiếm những tin tức quan trọng trong năm đã xảy ra trên thế giới để có cái nhìn tổng quát, đánh giá lại những biến chuyển quan trọng đã xảy ra trong năm, rồi từ đó phóng cái nhìn sang năm mới để xem thế giới chung quanh thay đổi như thế nào. Năm nay, tôi dành riêng, duy nhất, nhắc lại những hoạt động của các tổ chức tư nhân, tự nguyện chuyên cứu người di dân, tỵ nạn từ các nước Trung Đông và Phi Châu đang gặp nguy khốn trên Địa Trung Hải. Nhìn lại các hoạt động nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ – NGO để thấy các chính phủ các quốc gia thuộc EU ngày càng trở nên thù địch với người tỵ nạn và người dân EU, ngay cả một số lớn người Việt Nam vẫn thường hãnh diện mang danh là một “Boat Poeple”, ngày càng trở nên ích kỷ vì sợ phải chia “miếng bánh” ấm no với những người nghèo khó khác. Nhìn lại, tổng kết một năm hoạt động của các tổ chức NGO cũng để nhằm vinh danh những người đang ngày đêm chịu thương chịu khó, sẵn sàng hy sinh mọi thứ ngay cả tính mạng để cứu vớt những “xuồng nhân”, những người không cùng màu da tiếng nói, đang lâm nạn trên đường chạy trốn.
 
Các hoạt động này xảy ra từ năm 2015 khi người tỵ nạn, bắt đầu đổ vào Âu Châu qua tuyến đường biển Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền bằng gỗ và phần lớn là xuồng cao su quá đông đúc. Có đến 90% trong số này là người từ Lybia một quốc gia đã xảy ra nội chiến trong nhiều năm. Phần lớn người tỵ nạn đến từ những trại tỵ nạn, hoặc những trại tù vô nhân đạo.
 
Hàng ngàn người đã chết trên đường vượt biển, hàng chục ngàn người cũng đã được cứu thoát nhưng công việc của lực lượng cứu nạn ngày càng trở nên khó khăn trong những năm gần đây, đặc biệt vào năm nay 2020 với đại dịch Corona.
 
Mặc dù nhiệm vụ cứu người gặp nạn trên biển là nhiệm vụ của các chính phủ tại Âu Châu nhưng do thiếu trách nhiệm, chống người tỵ nạn vì sợ phải cưu mang, nên họ đã bỏ rơi, đình chỉ sứ mạng cứu nạn của họ ở Địa Trung Hải mà ngay cả còn gây khó qua các biện pháp chính trị như từ chối tiếp nhận người tị nạn và cấm nhập cảnh vào các cảng tại Ý và Malta. Cũng vì vậy các tổ chức dân sự cứu nạn trên biển từ các quốc gia Châu Âu khác nhau, đặc biệt là Đức, Ý và Tây Ban Nha, đã phải hoạt động trên Địa Trung Hải và họ đã cứu được hơn 3.500 người gặp nạn trên biển vào năm 2020.
 
Trong năm 2020,có tám tàu và thuyền thuộc các tổ chức Phi Chính Phủ – NGO hoạt động nhưng hầu hết chỉ hoạt động được trong vài tuần. Hiện tại chỉ có một con tàu Aita Mari của tổ chức cứu nạn trên biển “Salvamento Marítimo Humanitario” của Tây Ban Nha đang được sử dụng, sáu chiếc khác đang bị giam giữ tại các cảng Châu Âu, năm chiếc đang trong tình trạng chờ sửa chữa.
 
Vào năm 2020, ngoài những cản trở chính trị từ các chính phủ thuộc EU, đại dịch Covid- 19 cũng khiến công việc của các tổ chức NGO trở nên khó khăn hơn. Các nhiệm vụ ở Địa Trung Hải đôi khi hoàn toàn bế tắc, các tàu cứu nạn không được ra khơi, quỹ hoạt động từ tiền đóng góp bị giảm sút nặng do vấn nạn giải cứu người tỵ nạn trên biển ít nhận được sự chú ý của công chúng do hơn do Covid-19.
 
phuongton1
 
Tháng Giêng
 
105 người chết trên biển Địa trung hải được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận.
Những người được các tổ chức NGO giải cứu ở biển Địa Trung Hải: 1125
 
Ngày 7 tháng 1 Thuyền trưởng người Đức Claus-Peter Reisch từ tổ chức cứu hộ biển “Mission Lifeline” được tha bổng ở Malta. Trước đó, ông bị kết án sơ thẩm với khoản tiền phạt 10.000 euro vì vào tháng 6 năm 2018, ông và hơn 230 người được cứu nạn trên biển đã đi vào một cảng ở Malta bằng một con tàu được cho là đăng ký không chính xác.
 
Chiếc Sea-Watch 3 của tổ chức Đức “Sea-Watch” đã cứu được 119 người gặp nạn.
 
Tàu Open Arms vớt tổng cộng 481 người gặp nạn..
 
Tàu Ocean Viking của tổ chức cứu nạn biển “SOS Méditerranée” đã cứu 446
 
Tàu Alan Kurdi của tổ chức cứu nạn biển “Sea-Eye” của Đức đã cứu 62 người kể cả trẻ em trên xuồng cao su khi nước đang vào xuồng. Tàu chạy vào Malta nhưng một ngày sau, Malta tuyên bố không tiếp nhận những người này.
 
phuongton2
 
Tháng Hai
 
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận 105 người chết trên biển Địa Trung Hải.
1125 người được các tổ chức NGO cứu giữa biển Địa Trung Hải
 
Một tòa án ở Palermo đã xóa án cho con tàu Mare Jonio của tổ chức cứu nạn trên biển “Mediterranea Saving Humans” của Ý. Con tàu bị bắt vào ngày 3 tháng 9 năm 2019 tại Licata, Sicily, vì đã đi vào vùng biển của Ý bất chấp lệnh cấm. Tổ chức phi chính phủ phải nộp phạt 300.000 euro.
 
Ngày 10 tháng 2 Các thủy thủ đoàn của Sea-Watch 3 và Mare Jonio được Thị trưởng Palermo trao tặng quyền công dân danh dự cho công việc của họ.
 
– Tàu Aita Mari của tổ chức cứu nạn biển “Salvamento Marítimo Humanitario” của Tây Ban Nha đã cứu tổng cộng 158 người.
 
– Tàu Ocean Viking cứu tổng cộng 274 người trên các thuyền gỗ và xuồng cao su bị nạn.
 
– Tàu Sea-Watch 3 cứu 194 người gặp nạn trên biển.
 
Nicholas Romaniuk, điều phối viên tổ chức “Tìm kiếm và Cứu nạn SOS Méditerranée“ (Such- und Rettungskoordinator von SOS Méditerranée) than phiền: “Chúng tôi đã phải thực hiện ba nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn hoàn toàn không có sự phối hợp của các cơ quan chức năng hàng hải. Trung tâm điều phối cứu nạn địa phương của Libya (JRCC) không trả lời cuộc gọi của chúng tôi hoặc người làm nhiệm vụ không nói được tiếng Anh. Các trung tâm điều phối châu Âu đã nhiều lần chuyển điện đàm của chúng tôi đến JRCC và không đưa ra bất kỳ sự trợ giúp nào, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần nói với họ rằng Tripoli không phản hồi.“
 
Tương tự như con tàu Mare Jonio của tổ chức cứu nạn trên biển “Mediterranea Saving Humans”, ngày 25 tháng 2 Tòa án ở Palermo trả tự do cho chiếc thuyền buồm Alex thuộc sở hữu của tổ chức phi chính phủ Ý “Mediterranea Saving Humans”, đã bị chính quyền Ý bắt giữ vào tháng 7 năm 2019 vì đã đi vào vùng biển của Ý bất chấp lệnh cấm. Tổ chức phi chính phủ phải nộp phạt 66.000 euro. Tuy nhiên, tàu Alex vẫn phải ở lại cảng vào năm 2020 do các qua định về Corona.
 
phuongton3
 
Tháng Ba
 
105 người chết trên biển Địa trung hải được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận.
Các tổ chức NGO cứu được 1125 người trên biển Địa Trung Hải
 
Tổ chức phi chính phủ “Mediterranea Saving Humans” thông báo cho thủy thủ đoàn các tàu Mare Jonio và Alex trong một bức thư ngỏ rằng tất cả các hoạt động cứu hộ sẽ bị tạm dừng trong thời gian này vì đại dịch Covid-19.
 
Trước đó, tổ chức “Sea-Eye” chủ tàu Alan Kurdi nhận được một lá thư từ Bộ Nội Vụ, yêu cầu tàu Alan Kurdi không được rời cảng, vì Malta và Ý sẽ không chấp nhận những người tị nạn gặp nạn do đại dịch Corona. Các tổ chức khác cũng nhận được yêu cầu như vậy.
 
Rõ ràng là Corona khiến tình hình trở nên vô cùng khó khăn. Tất cả các nơi chính thức đều khuyên chúng tôi không nên đi ra biển. Vừa ngay sau khi chúng tôi rời cảng ở Tây Ban Nha, Malta và Ý đã thông báo rằng họ sẽ không cho người tỵ nạn lên bờ. Chúng tôi đã biết các cảng bị chận từ những năm Matteo Salvini còn trong chính phủ. Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ khó khăn như vậy.” Theo lời Gorden Isler, chủ tịch của “Sea-Eye”
 
phuongton4
 
Tháng Tư
 
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận 14 người chết trên biển Địa Trung Hải.
194 người được các tổ chức NGO cứu giữa biển Địa Trung Hải
 
– Đầu tháng Tư, tàu Alan Kurdi cứu 150 người gặp nạn trên biển. Theo chủ tịch Gorden Isler của “Sea-Eye”, chưa bao giờ có nhiều người trên tàu cứu nạn như vậy. Ngay sau đó, Ý và Malta tuyên bố các cảng của họ “không an toàn” do khủng hoảng Corona. Cả hai quốc gia đều từ chối nhận người của tàu Alan Kurdi.
 
– Tiếp đến tàu Aita Mari cứu 44 người khỏi một chiếc xuồng cao su đang bị chìm vào ngày thứ Hai Lễ Phục sinh…
 
Tổ chức “Bác sĩ không biên giới”, trước đây là đối tác của “SOS Méditerranée”, thông báo vào ngày 31 tháng 7 sẽ kết thúc hợp tác với “SOS Méditerranée” do trước đó SOS đã quyết định ngừng hoạt động vì lý do các cảng ở Ý và Malta đã thực sự bị đóng cửa.
 
Ngày 19 tháng 4 Những người được cứu trên tàu Aita Mari chuyển sang tàu kiểm dịch, bị cô lập ở cảng Palermo.
 
phuongton5
 
Tháng Năm
 
12 người chết trên biển Địa Trung Hải được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận.
Các tổ chức NGO cứu nạn không cứu được người trên biển Địa Trung Hải
 
Đầu tháng Năm, tàu Alan Kurdi bị giữ lại tại cảng Palermo. Nhà chức trách Ý đưa ra lý do rằng, con tàu không còn đủ khả năng đi biển. Qua đó, Gorden Isler, chủ tịch của “Sea-Eye” tuyên bố: “Chúng tôi bị bắt vì được cho là không có đủ nhà vệ sinh trên tàu?! Đó là vấn đề nhỏ nhặt nhất mà những người được chúng tôi cứu quan tâm. Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý lập luận rằng chúng tôi đang cung cấp một ‘dịch vụ’ cho những người di cư trên biển chứ không phải làm nhiệm vụ cứu nạn trên biển. Khi làm như vậy, họ áp dụng một câu chuyện dân túy cánh hữu và phủ nhận rằng người ta đã gặp nạn trên biển.”
 
Nhà chức trách Ý còn bắt giữ tàu Aita Mari. Họ chỉ trích tình trạng kỹ thuật của con tàu và cho rằng, thủy thủ đoàn coi thường các quy tắc chống ô nhiễm môi trường biển. Tổ chức “Salvamento Marítimo Humanitario” bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng, con tàu đáp ứng tất cả các yêu cầu.
 
Trong khi đó, Văn phòng Nhân quyền Liên hiệp quốc kêu gọi mở cửa các cảng và chỉ trích việc giam giữ các tàu cứu nạn và sự gia tăng vâng lời Libya. Với các biện pháp này, các nước EU tham gia đã vi phạm luật Dân quyền quốc tế.
 
phuongton6
 
Tháng Sáu
 
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận 99 người chết trên biển Địa Trung Hải.
409 người được các tổ chức NGO cứu giữa biển Địa Trung Hải.
Máy bay quan sát của tổ chức “Sea-Watch” tìm thấy 3 xuồng cao su không người giữa biển.
“Khi chúng tôi nhìn thấy những chiếc thuyền trống, ban đầu không rõ điều gì đã xảy ra với xuồng nhân. Phần lớn các trường hợp có khả năng là họ được đưa vào bờ, nhưng cũng có nhiều tai nạn xảy ra trên thuyền mà không ai để ý.”, Ruben Neugebauer, đồng sáng lập và thành viên thủy thủ đoàn của “Sea-Watch” cho biết.
 
Moonbird, một trong hai máy bay quan sát của Sea-Watch, phát hiện thấy ba chiếc thuyền đông đầy người. Họ được Cảnh sát biển Libya đưa trở lại đất liền. Ngoài ra máy bay còn tìm thấy 25 người gặp nạn, tuy nhiên theo nhật ký của Moonbird, Malta đã không hợp tác và Ý từ chối can thiệp trừ khi có lệnh của Malta. Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia sau đó giải cứu những người này và đưa họ vào bờ ở Tunisia.
 
Một chiếc máy bay trinh sát thứ hai, Seabird, nhận thấy trường hợp khẩn cấp trên biển và đã báo động cùng lực lượng bảo vệ bờ biển Ý, sau đó đã giải cứu 36 người và đưa họ vào bờ.
 
Sea-Watch 3 cứu được tổng cộng 211 người đang lâm nguy ngoài biển. Sau đó các thuyền nhân được nhập vào cảng Empedocle, Sizilien của Ý. Tất cả kể cả thủy thủ đoàn bị cách ly 2 tuần vì Corona.
 
Bộ Nội Vụ Đức cảnh báo chúng tôi về nguy cơ lây nhiễm. Nhưng trong sơ cứu, những điều sau đây được áp dụng: Hãy xử lý trước tiên những gì có thể bị giết chết. Khi con người gặp nạn, nguy cơ lây nhiễm bệnh chỉ là thứ yếu”. Ruben Neugebauer, đồng sáng lập và thành viên thủy thủ đoàn của “Sea-Watch” tuyên bố.
 
Mare Jonio cứu 64 người bị nạn cách Lampedusa khoảng 70 km. Tổ chức phi chính phủ nói rằng những người được cứu đã phải đợi hai ngày mà không có nước uống để được giải cứu. Cộng thêm 43 người gặp nạn từ một chiếc thuyền làm bằng sợi thủy tinh. Ngoài ra thủy thủ đoàn của tàu Mare Jonio báo cáo rằng họ muốn đưa hơn 90 người gặp nạn ngoài khơi bờ biển Libya, nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã cấm họ giải cứu và đưa họ trở lại Libya.
 
Ngày 23 tháng 6 tổ chức “SOS Méditerranée” trình bày báo cáo “Dân Luật trên tàu thuyền”. Trong đó, tổ chức này ghi lại cách Liên minh châu Âu đã giao trách nhiệm cứu hộ trên biển ở Địa Trung Hải cho lực lượng tuần duyên Libya. Kể từ năm 2017, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã được EU thành lập và trao quyền để đánh chặn những người bị đắm tàu và đưa họ trở lại đất nước đang nội chiến. Giải pháp này vi phạm luật pháp quốc tế.
 
Ocean Viking đã cứu tổng cộng 181 người gặp nạn trên biển. Cộng thêm 6 người đã chết trước khi được cứu. Thủy thủ đoàn liên tục yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm ở Malta và Ý chỉ định một bến cảng an toàn, nhưng không thành công.
 
phuongton7
 
Tháng Bảy
 
82 người chết trên biển Địa Trung Hải được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận.
Các tổ chức NGO cứu nạn không cứu được người trên biển Địa Trung Hải
Máy bay quan sát của tổ chức “Sea-Watch” tìm thấy 16 xuồng cao su không người giữa biển.
 
Seabird phát hiện ba trường hợp khẩn cấp trên biển. Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý đã giải cứu 49 người và đưa họ đến Lampedusa. Tàu vận chuyển động vật Talia treo cờ Lebanon đáp ứng cuộc gọi khẩn cấp từ Seabird và giải cứu 52 người theo lệnh của Trung tâm Điều phối Cứu hộ Malta (RCC). Cả Ý và Malta sau đó đều từ chối không cho Talia nhập vào vùng ven biển của họ. Ngày hôm sau, Malta cho phép tàu Talia thả neo gần bờ biển vì con tàu phải đến nơi an toàn trước những đợt sóng lớn. Bất chấp những trường hợp bệnh tật trên tàu, mọi người phải ở trên tàu vài ngày trước khi họ có thể lên bờ ở Malta.
 
Máy bay quan sát Moonbird tìm thấy tổng cộng trong nhiều trường hợp 538 thuyền nhân đang gặp nguy khốn trên biển. Phi hành đoàn đã thông báo đến các cơ quan trách nhiệm của Malta, Ý, Lybianhưng bị từ chối.
 
Sau khi truyền thông Ý và quốc tế đưa tin, một chiếc tàu của cảnh sát tài chính Ý Guardia Di Finanza đã đến đón đưa một số người vào Ý. Một tàu chiến của Malta cũng vớt một số người rồi đưa vào đất liền.
 
phuongton8
 
Tháng Tám
 
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận 136 người chết trên biển Địa Trung Hải.
455 người được các tổ chức NGO cứu giữa biển Địa Trung Hải.
Máy bay quan sát của tổ chức “Sea-Watch” tìm thấy 15 xuồng cao su không người giữa biển.
 
Đúng ba năm trước vào ngày 2.8, tàu Luventa của tổ chức phi chính phủ Berlin “Jugend rettet” (Thanh niên cứu nạn) đã bị bắt giữ tại Trapani, Ý và thủy thủ đoàn bị buộc tội tiếp tay cho việc nhập cảnh bất hợp pháp. Cuộc điều tra vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
 
Chúng tôi cho rằng công tố viên Sicilia không có đủ bằng chứng để kết tội thủy thủ đoàn của chúng tôi. Nhưng trong mọi trường hợp, chúng tôi đã đạt được kết quả là con tàu của chúng tôi đã không thể hoạt động cho đến ngày nay. “ Sophie Tadeus, thành viên hội đồng quản trị “Jugend rettet” cho biết.
 
Máy bay quan sát Moonbird báo cáo tổng cộng họ đã tìm thấy 445 người đang cần cứu khẩn trên biển. Họ đã báo cáo đến các nhà chức trách trách nhiệm nhưng không được đáp ứng. Tuy nhiên có một vài trường hợp như tàu dầu Maersk Etienne (Đan Mạch) được Malta báo động đã cứu người nhưng phải chờ đợi 38 ngày mới được nhập vào cảng. Hoặc tàu hàng PEMBA (Antigua und Berbuda) được Malta báo động nhưng không cứu vớt chỉ quan sát rồi bỏ đi. Có trường hợp được báo cáo, có tàu quân sự của Malta đang ở gần đó nhưng không chịu cứu người dân. Khi phi hành đoàn nhìn thấy chiếc thuyền gặp nạn lần thứ hai, mọi người trên xuồng đã mặc áo phao. “Sea-Watch” cho rằng quân đội Malta đã cung cấp áo phao mà không đưa những người này lên tàu. Có trường hợp lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đưa thuyền bị nạn về Libya. Một chiếc thuyền sau đó bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đốt cháy.
 
phuongton
 
Tháng Chín
 
117 người chết trên biển Địa Trung Hải được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận.
Các tổ chức NGO cứu nạn cứu được 409 người trên biển Địa Trung Hải
Máy bay quan sát của tổ chức “Sea-Watch” tìm thấy 4 xuồng cao su không người giữa biển.
 
Thuyền Louise Michel đến cảng Palma de Mallorca và bị bắt giữ lại tại đó. Hiệp hội vận tải thông báo cho thủy thủ đoàn rằng việc đăng ký là du thuyền thể thao sẽ không còn được công nhận. Cuối cùng con tàu cũng nhận được “giấy phép di chuyển một lần duy nhất” để đến Burriana, Tây Ban Nha, và xin giấy phép mới theo quy định ở đó.
 
Máy bay quan sát Moonbird bị chính quyền Ý bắt giữ với lý do phi hành đoàn đang thực hiện các hoạt động “tìm kiếm và cứu hộ” (search and rescue – SAR), vì những hoạt động này chỉ có thể do các quốc gia giao phó. Tổ chức phi chính phủ tuyên bố rằng họ không thực hiện các hoạt động SAR, mà là quan sát nhân quyền và báo cáo các trường hợp khẩn cấp trên biển theo yêu cầu. Vào giữa tháng 11, máy bay nhận được giấy phép cất cánh trở lại.
 
Tổng cộng trong tháng 9, hai máy bay quan sát Moonbird và Seabird tìm thấy 351 người trên nhiều chiếc thuyền đang gặp nạn ngoài biển. Phi hành đoàn đã thông báo đến các nhà chức trách trách nhiệm cũng như các tàu cứu nạn khác để đến cứu giúp.
 
Tàu Mare Jonio rời cảng Pozzallo, Ý trong một nhiệm vụ mới.
 
Tàu Open Arms và tổ chức phi chính phủ “Emergency” báo cáo Malta đã chỉ thị cho một tàu buôn gần đó không được cung cấp bất kỳ sự giúp đỡ nào cho tàu cứu người bị nạn. Malta sau đó từ chối tiếp nhận những người trên tàu Open Arms.
 
Khi chúng tôi bắt đầu hoạt động vào năm 2015, các tổ chức phi chính phủ đã làm việc với các cơ quan có trách nhiệm và bàn giao những người được cứu cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Ngày nay hầu như không có sự hợp tác từ các cơ quan chính phủ. Các tàu cứu hộ dân sự trên biển với những người được cứu trên tàu chỉ có hy vọng được nhập vào một cảng nào đó – và không thể thực hiện thêm bất kỳ cuộc cứu nạn nào trong thời gian này.“
 
theo lời của Sophie Tadeus, thành viên hội đồng quản trị của tổ chức “Jugend rettet”.
 
Ủy ban EU đề ra một hiệp ước di dân mới. Các điểm chính bao gồm điều tra sơ khởi người di cư tại biên giới và xét nhanh thủ tục xin tỵ nạn cho những người đến từ các quốc gia có tỷ lệ công nhận tỵ nạn thấp. Không nên phân phối bắt buộc cho tất cả các nước EU – một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất trong những năm gần đây. Trong trường hợp cứu hộ trên biển, Ủy ban dựa trên các cam kết tự nguyện của các quốc gia thành viên và muốn đưa ra các khuyến nghị để hợp tác tốt hơn với các tổ chức phi chính phủ. Việc tuân thủ các quyền cơ bản và quyền con người ở biên giới bên ngoài của EU sẽ được Frontex giám sát. Các nhà nghiên cứu về di cư quan ngại về các đề xuất này, cho rằng đó là “quay lưng lại với các giá trị và nguyên tắc cơ bản của châu Âu về bảo vệ người tị nạn”. Hiệp ước di cư sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có.
 
Leona Blankenstein, thành viên thủy thủ đoàn của tàu “Louise Michel” cho rằng: “Mọi thứ liên quan đến cứu nạn trên biển đều bị ảnh hưởng bởi các quyết định chính trị. Và theo tôi họ chỉ dựa trên một nền tảng: phân biệt chủng tộc. Người ta thà để mọi người chết đuối còn hơn đưa họ đến châu Âu vì đơn giản là họ có màu da ‘sai’. Hoạt động của chúng tôi tiếp tục là một biểu tượng đáng buồn cho sự thất bại của EU“.
 
phuongton9
 
Tháng Mười
 
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận 141 người chết trên biển Địa Trung Hải.
Các tổ chức NGO không cứu được người nào trên biển Địa Trung Hải.
Máy bay quan sát của tổ chức “Sea-Watch” tìm thấy 4 xuồng cao su không người giữa biển.
 
– Tàu “Mare Liberum” thắng kiện trong phiên tòa chống lại Bộ Giao thông Vận tải Đức. Đạo luật do Bộ trưởng Andreas Scheuer khởi xướng mâu thuẫn với luật của EU, theo phán quyết của Tòa án hành chính Hamburg. “Các tổ chức phi chính phủ đã cùng nhau lên kế hoạch làm thế nào để họ có thể chống lại quy định này một cách tốt nhất. Điều đó đã củng cố sự đoàn kết. Nhìn chung, năm 2020 là năm cản trở và thù nghịch với công tác cứu nạn trên biển. Nhưng chúng tôi sẽ không để mình thất bại. “ theo lời Axel Steier, Chủ tịch của “Mission Lifeline”
 
– Seabird máy bay quan sát báo cáo tìm thấy 217 người gặp nạn. Họ đã thông báo đến nhà chức trách Malta, Ý và Libya. Dù được thông báo nhưng một thương thuyền khi ở gần đó đã từ chối cứu cấp, theo tổ chức „Sea-Watch“.
 
– Tàu Alan Kurdi lại bị nhà chức trách Ý giam giữ ở Olbia, Sardinia.
 
– Một lần nữa, theo chỉ thị của chính phủ, nhà chức trách Ý cấm các thuyền viên của tàu Mare Jonio lên tàu, lúc đó tàu đang cập cảng Augusta, Ý.
 
phuongton10
 
Tháng Mười Một
 
184 người chết trên biển Địa trung hải được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận.
Các tổ chức NGO cứu nạn cứu được 25 người trên biển Địa Trung Hải.
 
Petra Krischok, phát ngôn viên báo chí của “SOS Méditerranée” cho rằng: “Số người chết không được báo cáo ở Địa Trung Hải có khả năng cao hơn nhiều. Chúng tôi không biết gì nhiều về những người trong số họ bởi vì không có ai để làm chứng cho họ. Chúng tôi không biết có bao nhiêu người chỉ đơn giản là biến mất xuống biển trên những chiếc thuyền quá đông đúc.“
 
Một nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Ý (Instituts für Internationale Politische Studien – ISPI) cho thấy nguy cơ tử vong khi chạy trốn qua biển Địa Trung Hải đã tăng lên trong đại dịch: từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020 là 1,0%, giữa Tháng 6 và tháng 11 năm 2020 ở mức 1,8%. Đồng thời, sự hiện diện của các tàu cứu nạn dân sự của NGO trên Địa Trung Hải đã giảm một nửa trong thời gian này.
 
“Số người chết gia tăng ở Địa Trung Hải cho thấy sự bất lực của các quốc gia trong việc đưa ra các hành động quyết định và cung cấp các khả năng tìm kiếm và cứu hộ cần thiết trên tuyến đường biển nguy hiểm nhất thế giới.” Theo lời Frederico Soda, người đứng đầu văn phòng IOM tại Libya.
 
Tháng Mười Hai
 
Số người chết và được cứu nạn trên Địa trung hải chưa có thống kê chính thức.
 
Một trong hai vụ kiện chống lại Luca Casarini và Pietro Marrone, thuyền trưởng và giám đốc điều hành của tàu Marie Jonio, đã bị tòa án ở Agrigento, Ý hủy bỏ. Cả hai bị truy tố vì đã giúp và tiếp tay cho người nhập cư bất hợp pháp và không tuân theo chỉ dẫn của một tàu chiến sau khi họ đến cảng Lampedusa vào ngày 19 tháng 3 năm 2019 với 49 người được trên tàu.
 
Nghị viện châu Âu yêu cầu rằng, quyền căn bản về tị nạn phải được tôn trọng trong EU và trách nhiệm đó được chia đều giữa các quốc gia thành viên. Quy chế Dublin từ năm 2013 đã đặt “trách nhiệm cao không tương xứng đối với một số ít các Quốc gia Thành viên”, đặc biệt là Malta, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Zypern. Các nghị viên đang đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn cho các Quốc gia Thành viên có biên giới với bên ngoài EU cho đến khi các quy tắc Dublin chưa được cải cách.
 
Trong khi đó, IOM báo cáo rằng các trường hợp ghi nhận người tị nạn bị chết trong năm 2020 đã giảm so với năm trước, nhưng nhấn mạnh rằng việc thu thập dữ liệu đã khó khăn hơn đáng kể bởi đại dịch. IOM ước tính rằng ít nhất 600 người đã chết ở giữa biển Địa Trung Hải mà không xuất hiện trong thống kê chính thức.
 
Do đại dịch Corona, các chính trị gia đã nói rất đúng rằng, mọi thứ phải được làm để cứu sống con người. Thật không may, điều đó dường như không áp dụng cho những người chết đuối ở biển Địa Trung Hải. Hôm nay chúng ta đang ở thời điểm mà các chính phủ EU đang đứng nhìn người dân chết đuối trên biển Địa Trung Hải và những người tìm kiếm nơi ẩn náu trên các hòn đảo của Hy Lạp phải chịu đói, sợ hãi và đau đớn.” theo Gorden Isler, chủ tịch của Sea-Eye.
 
Phương Tôn
Tháng 12.2020
 
Viết theo tài liệu:
 
 
 
 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com