User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
saigonmaitrongtim
 
Sài Gòn từng có Cộng Hòa, Công Lý, Tự Do và Thống Nhất và một thời huy hoàng tột đỉnh.
 
Sài Gòn là thành đô mãi mãi trong lòng người Miền Nam.
 
Năm 1788, chúa Nguyễn Ánh sau khi chiếm lại được Gia Định, năm 1790 chọn đất Sài Gòn làm kinh đô với tên Gia Định kinh, ông xây thành Quy tức thành Bát Quái - Phiên An. Sau đó vua Gia Long dời đô ra Huế nhưng thế lực Gia Định-Sài Gòn vẫn vững mạnh, vì mạnh quá mà có vụ binh biến của Lê Văn Khôi.
 
Sau 1862, Nam Kỳ là thuộc địa, gồm 21 tỉnh, nằm dưới sự cai trị trực tiếp của Pháp và dưới quyền Thống Đốc Nam Kỳ người Pháp, Sài Gòn là thủ đô của toàn Đông Dương.
 
Là đô thành nên Dinh Toàn Quyền Norodom (Dinh Độc Lập) xây vô cùng lớn và lộng lẫy.
 
Trung Kỳ và Bắc Kỳ là xứ bảo hộ, tức Nam Kỳ mới là đất của Pháp, dân Nam Kỳ nhiều người mang quốc tịch Pháp.
 
Đến năm 1902, khi Paul Doumer làm Toàn Quyền Đông Dương với âm mưu khai thác Vân Nam của Tàu nên ông này dời thủ đô ra Hà Nội - lúc này đang trong cơn mê ngủ.
 
Hà Nội trở thành thành đô của toàn Liên Bang Đông Dương.
 
Pháp bắt đầu xẻ vài cái lộ kế Hồ Gươm như Paul Bert (Tràng Tiền)... xây nhà công sở, nhà hát, dinh thự... Hà Nội dần có được bộ mặt mới.
 
Tuy nhiên vì xây gấp nên quy mô không lớn, không lâu dài hơn Sài Gòn, dinh Toàn Quyền Hà Nội vuông vức xám xịt, nặng nề.
 
Trong cuốn “Một Tháng Ở Nam Kỳ” ông Phạm Quỳnh khen Sài Gòn nức nở và không quên chê Hà Nội.
 
Ông viết: “Người ta thường gọi Sài Gòn là cái “hạt báu của Á Đông” (la perle de l’Extrême- Orient).”
 
Ông khen dinh Norodom (Dinh Độc Lập) đẹp hơn Phủ toàn quyền HN: “Mà phủ Toàn Quyền ở đây, qui mô cũng đẹp hơn ở Hà Nội.”
 
Ông khen cái Dinh xã Tây Sài Gòn (Hôtel de ville): “Chẳng bì với nhà Đốc Lý Hà Nội ta, thật so sánh mà thẹn thay. Mà Hà Nội lại là nơi thủ đô của Đông Dương.”
 
Ông khen chợ Bến Thành thanh thoát, bán buôn nhộn nhịp hơn chợ Đồng Xuân.
 
“Còn Chợ Mới Sài Gòn... trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu.”
 
Phạm Quỳnh kết luận:
 
“Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà Thành ta cả.”
 
Sài Gòn lại sáng sủa, vinh quang khi chánh thức trở thành Thành Đô của một chánh thể sau 1950 và nhứt là từ 1954.
 
Khi đã lên đô thành của một chánh thể Cộng Hòa, việc đổi tên đường từ tên người Pháp sang Việt là việc lần cần thiết. Sài Gòn hoa lệ bắt đầu có những cái tên rất ý nghĩa thể hiện tầm nhìn của chánh thể VNCH là Cộng Hòa, Công Lý, Tự Do và Thống Nhất.
 
Sau khi chiếm được Sài Gòn, Nam Kỳ thì người Pháp cho xây ba công trình quyền lực ở trung tâm thành phố là Khám Lớn ở chợ Cây Da Còm (Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp), Toà Đại Hình Sài Gòn, và Dinh Thống Đốc Nam Kỳ (Dinh Norodom, Dinh Độc Lập).
 
Phải kể tới Dinh Gia Long, ban đầu là Viện Bảo tàng thương mại Nam Kỳ rồi thành dinh Phó Thống Đốc.
 
Khu Tòa Án xưa kêu là xóm Vườn Mít vì nơi đây có một vườn mít lớn.
 
Tại khúc sau lưng Tòa Án và Khám Lớn xưa có một cái chợ kêu là “Chợ Cây Da Còm” vì nơi đây có một cây đa lớn cong queo.
 
Khu Dinh Độc Lập kéo dài qua trường trường Chasseloup Laubat (Lê Quí Đôn) qua Đường Mọi (Rue des Mois, Nguyễn Đình Chiểu nay) xưa là dinh của vợ Tả Quân Lê Văn Duyệt kêu là dinh bà lớn, vườn cây của Tả Quân, nhà hát bội và trường ná (trường bắn).
 
Con đường dẫn từ sân bay Tân Sơn Nhứt về tới rạch Bến Nghé (Arroyo Chinois) là một con đường rất quan trọng vì nó đi ngang các công trình quyền lực trên.
 
Ban đầu Pháp kêu là đường số 26, rồi đường Impératrice, đến năm 1870 đổi là Mac-Mahon.
 
Ngày 28-12-1945, đoạn từ dinh Gia Long đến cầu Công Lý gọi là là Général De Gaulle.
 
Năm 1952, đoạn từ đường Gia Long ra Bến Chương Dương đặt là đường Maréchal De Lattre de Tassigny.
 
Từ ngày 22-3-1955, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nhập hai đường làm một và đặt tên đường Công Lý.
 
Đoạn từ cầu Công Lý đến sân bay Tân Sơn Nhứt gọi là Công Lý nối dài, đến ngày 16-5-1955 cắt đoạn từ cầu Công Lý đến cổng sân bay đặt tên là đường Ngô Đình Khôi.
 
Sau đảo chánh 1-11-1963, đặt đoạn sân bay là đường Cách Mạng 1-11.
 
Mang tên Công Lý vì đi ngang qua Pháp Đình Sài Gòn, cũng ngang qua Dinh Tổng Thống.
 
Trước mặt Dinh Tổng Thống đại lộ Norodom được đặt là Thống Nhất, nói lên ý nguyện của chánh thể trong tình cảnh Việt Nam bị cắt làm hai đau đớn.
 
Đường Công Lý hòa quyện cùng Gia Long, Thống Nhất, Tự Do nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập đẹp và ý nghĩa biết chừng nào!
 
Sài Gòn thời đó còn có công trường Dân Chủ, công trường Cộng Hòa nằm ở những vị trí trung tâm.
 
Đường Nancy được đặt tên là Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ). Đường này đi ngang hông thành Ô Ma (Camp des Mares) là Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Cái bùng binh Ngã Sáu ngoài vườn chú Hỏa cũng có tên là Ngã Sáu Cộng Hoà.
 
Công Trường Ngã Sáu Dân Chủ là tên cái bùng binh của các con đường Lê Văn Duyệt (CMT8), Hiền Vương (Võ Thị Sáu), Trần Quốc Toản (3T2), Yên Đổ (Lý Chính Thắng).
 
Sài Gòn đẹp tuyệt vời, đẹp từ những cái tên đường.
 
Một nhạc sĩ đã viết rằng:
 
"Cùng nhau đi tới Saigon
Cùng nhau đi tới Saigon
Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do
Dừng chân trên bến Cộng Hòa
Người Trung Nam Bắc một nhà
Về đây chung sống hát khúc hoan ca...”
 
(Sau 1975 thì Công Lý, Gia Long, Thống Nhất, Tự Do đã biến mất không còn một chút vết tích.)
 
Sài Gòn thân yêu của tất cả người Lục Tỉnh:
 
"Con đường nào ta đi
Với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô
Con đường bụi mờ...”
 
Chúng ta luôn nhớ về thành đô Sài Gòn, thành đô yêu thương.
 
"Tình yêu đón chờ, đêm tối về dìu nhau trên đường phố
Dịu hương tóc thề, vai sát kề đời như giấc mơ
Lá lá lá lá la la, lá lá lá lá la
Lá lá lá lá la la, lá lá lá lá la
Để lòng nhớ ơ... thành đô...”
 
Có ai còn nhớ trong đêm Ba Mươi Giao Thừa năm đó, khi mà tình thường ai cũng đã quay gót trở về nhà với mẹ, với gia đình, vợ con. Vậy mà ở gác trọ ngoại ô Sài Gòn năm đó có một chàng trai lẻ loi, cô đơn đang rầu lòng vì Tết.
 
Rồi trong đêm Giao Thừa tối đen như mực đó có hai chàng trai giữa căn gác trọ đón Tết, niềm vui đến không bến bờ.
 
Đó là một tình bạn chân tình tiêu biểu của tình người Sài Gòn của những năm 60, ấm áp và trân trọng:
 
"Kỷ niệm ấy tôi biết đâu tìm nữa?
Đêm Ba Mươi Giao Thừa niềm thương đến không bến bờ
Một căn gác nhỏ vùng ngoại ô thành đô
không còn người thân đón đưa.”
 
Sài Gòn rộn ràng...
 
Ai cũng có những kỷ niệm gắn bó với xứ này, ít nhiều sẽ có, nó là cái nơi cái giống gì cũng có và ta sẽ cần nó vài lần trong đời.
 
Bạn đi học, bạn đi làm cũng ở đó, bạn hẹn hò, bạn buồn bạn vui cũng ở đó.
 
Ai cũng thương Sài Gòn!
 
Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh và Sài Gòn là hòn ngọc trung tâm, mọi thứ của Sài Gòn đều của Lục Tỉnh đưa lên, người Sài Gòn ban đầu cũng là người Lục Tỉnh, cùng chung giọng nói, cách sống, ý thức hệ và ẩm thực, văn hiến.
 
Ra vô Sài Gòn và về lục tỉnh à? Đã có xe đò Lục Tỉnh, có đường Lục Tỉnh, có cầu tàu Lục Tỉnh và đường xe lửa duy nhứt của Lục Tỉnh: Sài Gòn – Mỹ Tho.
 
Đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đã đưa chưn bao nhiêu những chàng trai, cô gái quê từ Lục Tỉnh ra vô Sài Gòn, đưa các ông Đốc Phủ, ông Chủ Quận, Thầy Thông, Thầy Ký, Điền Chủ, Thầy Cai Tổng, ông Hội Đồng thinh thang đi mua sắm, về Soái Phủ Nam Kỳ làm việc với quan Tây.
 
Dân ở xa về Sài Gòn dòm một cái rồi cũng ngoay ngoắt bước ra:
 
"Lúa mùa rồi trả nợ nần sạch ráo
Để anh đi kiếm chén cháo đổi lấy chén cơm
Trước là cho biết cái xứ Sài Gòn
Sau nữa mua cái quần lãnh với gói bòn bon tặng con bạn tình...”
 
Đất Sài Gòn là đất dân chủ, tự do, biết vị nhân tâm, hễ ai theo luật chơi thì cứ ở lại.
 
"Nước sông trong sao cứ chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Tới đây thì ở lại đây
Khi nào bén rễ xanh cây thì về...”
 
Chúng ta yêu Sài Gòn, Sài Gòn của lòng ngay dạ thẳng, vì ngay quá mà bị bóp nghẹt trong lịch sử.
 
Chúng ta tri ân người Ngũ Quảng miền Trung gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp dưới thời các chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ thứ mười tám; hoặc là những thuyền nhân người Minh Hương đến từ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa... đã góp phần tạo ra Sài Gòn.
 
Chúng ta tri ân những người Pháp thuộc địa có lòng với Sài Gòn.
 
Xin nhắc tới điền chủ Nam Kỳ - Charles Paul Blanchy (1837-1901). Ông này có vợ người Nam Kỳ, là Hội Trưởng Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, Đô Trưởng Sài Gòn 1895-1901, được bầu trực tiếp từ các cử tri đầu tiên.
 
Ông Paul Blanchy suốt đời binh vực cho quyền lợi của xứ Nam Kỳ mà đối đầu với ông quan Toàn Quyền Paul Doumer (1857-1932) - Toàn Quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902.
 
Paul Doumer tăng thuế trực thu, đem ngân sách Sài Gòn ra xứ Bắc. Paul Blanchy cầm đầu nhóm vận động Nam Kỳ giữ tiền lại, rồi tiến tới độc lập.
 
Paul Doumer chửi rằng ông Paul Blanchy không có đầu óc tổ chức, vô chánh phủ, thiếu kỷ luật.
 
Paul Doumer trong hồi ký có viết chửi rằng: “Một người có quyền bính và để tâm phụng sự cho công chúng chắc chắn sẽ là rác rưởi nếu không gạt ra được ông Blanchy.”
 
Rốt cuộc Paul Blanchy bị thất thế, mất ở tại Sài Gòn năm 1901, thọ 64 tuổi.
 
Khi Blanchy chết, ông Toàn Quyền Doumer có mặt ở Sài Gòn nhưng không đến dự đám tang, cũng không cử người thay mặt đến viếng.
 
Paul Blanchy chết được chôn trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, con đường Hai Bà Trưng khi đó đặt tên là Rue Paul Blanchy.
 
Trong thời kỳ làm Đô Trưởng Sài Gòn, ông Paul Blanchy xây rất nhiều công trình, tòa thị sảnh thành phố Hôtel de Ville cũng xây dưới thời ông.
 
Ông Paul Blanchy là người Pháp mà khi làm Đô Trưởng ông ta còn biết giành giựt từng cắc tiền thuế, ngân sách giữ lại cho Sài Gòn đặng phát triển.
 
Xin nhắc nhớ và gợi lòng trắc ẩn, sự ý thức của những người Nam Kỳ đang còn sống trên mảnh đất này.
 
Xin ghi nhớ tướng Trần Đại Định, Hậu Quân Võ Tánh, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Cha Cả Bá Đa Lộc, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Tôn Thọ Tường, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hui Bon Hoa, Quách Đàm... đã ghi dấu ấn ở đất này.
 
“Hò ơ… Nghe anh lào thông sử sách
Em xin hỏi nhứt đất Nam Trung
Hỏi ai Gia Định Tam Hùng
Hò... ơ...”
 
Vong hồn tiền nhân Sài Gòn linh thiêng nhứt là Tả Quân Lê Văn Duyệt, hai lần làm Tổng Trấn Sài Gòn.
 
Trên thế giới chưa có vị quan Tổng Trấn nào mà sau khi qua đời lại trở thành Phước Thần linh thiêng được dân chúng Sài Gòn phụng thờ kính cẩn như Tả Quân.
 
Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sài Gòn xây lăng mộ ông lớn nhứt, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhứt để khấn nguyện xin ông phò hộ?
 
Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt, người Nam Kỳ thương yêu thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để cúng bái, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ xin xăm.
 
"Lăng Ông", “Vườn Ông Thượng" không cần phải kể tên, người ta cũng biết "ông" là ai.
 
Cái oai, cái vía của ông vẫn còn tồn tại mãi mãi trong lòng người dân Sài Gòn và đã trở thành bất tử, mặc dầu ông mất từ lâu lắm, năm 1832.
 
Những ai tỉnh trí sẽ cực kỳ khó chịu khi đọc được những đoạn văn viết người Sài Thành thế này, dân Sài Thành thế kia, ngõ phố Sài Thành.
 
Trong lịch sử hình thành xưa rày, Sài Gòn là Sài Gòn, ông bà chúng tôi chưa bao giờ kêu Sài Gòn là Sài Thành.
 
Sài Thành là nhại từ Hà Thành (Hà Nội) ,còn Kẻ Chợ là tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa.
 
Bạn yêu Sài Gòn không?
 
Thành phố của chúng ta - Sài Gòn - thành đô vẫn sống, phải sống và chúng ta phải sống!
 
Sài Gòn - thành đô mãi mãi trong lòng người!
 
"Cười lên cho ấm phút chia phôi
Em ơi chớ sầu bi, anh đi nữa anh về
Một ngày hết não nề oán sầu
Thành đô mưa nắng lại có nhau...”
 
Hẹn một ngày ta lại trùng phùng giữa lòng thành đô.
 
Theo Fb Nguyễn Gia Việt
 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com