User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
caygstruyenthong
Khi cả hai nền văn hóa Hoa Kỳ và Anh mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới, cây Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện trong các cộng đồng. (Nguồn: pixabay.com)
 
Tại sao cứ mỗi dịp Giáng sinh, nhà nhà, người người lại phải loay hoay với đống lá thông khô, nguy cơ hỏa hoạn và những dây đèn rối rắm, tất bật đến không tưởng?
 
Một biểu tượng của sự sống trong thời kỳ đen tối
 
Hầu như tất cả các xã hội nông nghiệp (xã hội có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp) đều tôn thờ Mặt Trời với tên gọi này hoặc tên gọi khác, vào ngày này hoặc ngày khác – Bắc Âu có thần Sol, Aztec có thần Huitzilopochtli, còn Hy Lạp có thần Helios.
 
Các điểm chí (solstices), khi Mặt Trời ở điểm cao nhất hay thấp nhất trên bầu trời, là những sự kiện lớn. Đông chí (“đông” có nghĩa là mùa đông, “chí” có nghĩa là điểm cực) xảy ra khi Mặt Trời ở 270 độ ở Bắc Bán Cầu. Đây là một sự kiện quan trọng trong các xã hội nông nghiệp xuyên suốt lịch sử nhân loại. Shab-e Yalda của Ba Tư, Dongzhi ở Trung Quốc và Hopi Soyal của Bắc Mỹ, đều là những dịp lễ đánh dấu sự kiện đông chí.
 
Người cổ đại ưa thích phong cách trang trí nào cho các ngày đông chí? Câu trả lời là: Cây Thông Xanh.
 
Dù người Ai Cập ưa trang hoàng những cành cọ trong ngày lễ thần Ra, hay người La Mã thích sử dụng vòng hoa trang trí cho dịp lễ Saturnalia, Cây Thông Xanh từ lâu vẫn được mọi người coi là biểu tượng của sự sống bền bỉ trong mùa đông lạnh giá, và lời nhủ rằng Mặt Trời sẽ quay trở lại.
 
Giáng Sinh xuất hiện từ từ
 
Giáng Sinh ra đời muộn hơn nhiều. Mãi đến hàng thế kỷ sau khi Chúa Giê-su giáng sinh, ngày này mới được cố định trong lịch phụng vụ. Và cho đến hơn 1,000 năm sau sự kiện ban đầu, từ Christmas trong tiếng Anh – là viết tắt của “Christ's Mass” – mới xuất hiện.
 
Dù có vẻ như ngày 25 tháng 12 là một ngày lễ của Cơ Đốc Giáo, nhiều người Châu Âu đơn giản chỉ là kỷ niệm ngày đông chí theo truyền thống, nổi tiếng với những sự kiện lớn. Ví dụ, 12 ngày của lễ Giáng Sinh trong bài hát mừng phổ biến thực ra bắt nguồn từ lễ Yule của người Đức thời xưa.
 
Cây thông xanh vẫn tiếp tục được sử dụng, đáng chú ý nhất là cây Giáng Sinh, đây là tàn dư sót lại rõ nhất của những ngày lễ kỷ niệm sự kiện đông chí cổ xưa. Bài hát nổi tiếng năm 1824 của Ernst Anschütz nói riêng về cây, được dịch sang tiếng Anh là “O Christmas Tree,” nhưng tựa đề của bài hát gốc tiếng Đức chỉ là “Tannenbaum,” có nghĩa là cây linh sam (fir tree), thuộc chi lãnh sam. Không đề cập đến Giáng Sinh trong bài hát, Anschütz dựa trên một bản tình ca dân gian Silesian lâu đời hơn nhiều. Để phù hợp với ngày lễ dịp đông chí ngày xưa, bài hát ca ngợi sự rắn rỏi kiên cường của linh sam trong mùa đông tối tăm và lạnh giá.
 
Lễ Bacchanal
 
Vào thế kỷ 16, những người theo đạo Tin Lành ở Đức muốn loại bỏ các biểu tượng và di tích của Nhà Thờ Công Giáo La Mã. Họ đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy hình ảnh cây Giáng Sinh khi sử dụng nó để thay thế các hoạt cảnh Giáng Sinh. Nhà cải cách tôn giáo Martin Luther được cho là đã áp dụng tập tục này và còn thêm cả nến vào.
 
Nhưng một thế kỷ sau, những người theo Thanh Giáo (Puritans) ở Anh không hài lòng với sự lộn xộn của ngày lễ cũng như vì thiếu tính hợp pháp trong Kinh thánh. Họ đã cấm nó vào những năm 1650, cho lính tuần tra trên đường phố London để canh chừng không cho bất kỳ ai được ăn mừng ngày này. Thực dân Thanh Giáo ở Massachusetts cũng làm như vậy, phạt “bất kỳ ai bị phát hiện đang tổ chức lễ Giáng Sinh hoặc những thứ tương tự, bằng cách cấm tu sửa, tiệc tùng hoặc bất kỳ hình thức nào khác.”
 
Di dân gốc Đức tiến vào các thuộc địa của Hoa Kỳ khiến cho truyền thống cây Giáng Sinh ‘bén rễ’ ở Tân Thế Giới. Benjamin Franklin ước tính rằng ít nhất một phần ba dân số người gốc da trắng của Pennsylvania là người Đức, nhập cư từ trước Cách Mạng Hoa Kỳ.
 
Tuy nhiên, truyền thống cây Giáng Sinh của Đức nở rộ ở Hoa Kỳ phần lớn là nhờ dòng dõi hoàng gia gốc Đức ở Anh.
 
Từ một gợi ý của nữ hoàng
 
Kể từ năm 1701, các vị vua Anh bị cấm trở thành hoặc kết hôn với người Công Giáo. Nước Đức, được tạo thành từ sự chắp vá của các vương quốc, có các hoàng tử và công chúa theo đạo Tin Lành, đủ điều kiện để ‘thông gia’ với hoàng gia Anh. Nhiều hoàng gia Anh duy trì phong tục quen thuộc về cây Giáng Sinh, nhưng Nữ hoàng Victoria – có mẹ và bà nội là người Đức – đã khiến phong tục này trở nên phổ biến và thời thượng.
 
Phong cách cai trị của Victoria vừa phản ánh vừa định hình phẩm hạnh nghiêm khắc, lấy gia đình làm trung tâm, vốn thống trị cuộc sống của tầng lớp trung lưu trong thời đại này. Vào những năm 1840, Giáng Sinh trở thành mục tiêu của các nhà cải cách như tiểu thuyết gia Charles Dickens, người đã tìm cách biến những bữa tiệc linh đình của kỳ nghỉ lễ thành một ngày ấm cúng dành cho gia đình, trong đó mọi người có thể thư giãn, vui vẻ và tạ ơn.
 
Cuốn tiểu thuyết năm 1843 của ông, “A Christmas Carol,” nói về gã Ebenezer Scrooge keo kiệt đã tìm thấy sự cứu rỗi trong ngày lễ, đã gây ấn tượng mạnh với công chúng. Trong khi phong cách trang trí với cây thông xanh thể hiện rõ trong các hình minh họa vẽ tay mà Dickens dành riêng cho cuốn sách, trong những bức tranh đó lại chẳng có cây Giáng Sinh nào.
 
Sau đó 5 năm, Nữ hoàng Victoria đã thêm cây linh sam vào các lễ kỷ niệm của gia đình. Dù cây Giáng Sinh đã là một phần trong lễ riêng của hoàng gia trong nhiều thập niên, nhưng đến năm 1848, một số báo của tờ London Illustrated News đã mô tả cảnh Nữ hoàng Victoria cùng chồng và các con đang quây quần trang trí một cây Giáng Sinh tại Lâu đài Windsor.
 
Tác động văn hóa xảy ra gần như ngay lập tức. Cây Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện trong các gia đình trên khắp nước Anh, các thuộc địa của Anh và phần còn lại của thế giới những nơi nói tiếng Anh. Hai năm sau, Dickens tiếp tục với truyện ngắn “A Christmas Tree.”
 
Truyền thống được tiếp nhận ở Hoa Kỳ
 
Trong thời kỳ này, tầng lớp trung lưu của Hoa Kỳ thường hoan nghênh mọi thứ của Nữ hoàng Victoria, từ kiến trúc đến các cải cách đạo đức trong xã hội.
 
Sarah Hale, nổi tiếng với bài thơ thiếu nhi “Mary had a Little Lamb,” đã sử dụng vị trí biên tập viên của tạp chí bán chạy nhất Godey's Ladies Book để thúc đẩy một chương trình cải cách, bao gồm việc bãi bỏ chế độ nô lệ và tạo ra những ngày lễ đề cao các giá trị những gia đình ngoan đạo. Việc đưa Lễ Tạ Ơn thành ngày lễ toàn quốc vào năm 1863 có lẽ là thành tựu lâu dài nhất của bà.
 
Theo sát sau đó là cây Giáng Sinh.
 
Di dân người Đức ở Hoa Kỳ không thường xuyên tô điểm cho nhà cửa của họ bằng cây cối. Nhưng vào năm 1850, nó đã trở thành một thông lệ chính của tầng lớp trung lưu khi Godey's xuất bản một bức tranh khắc về Nữ hoàng Victoria và cây Giáng Sinh. Là người ủng hộ Dickens và phong trào tái tạo lại Giáng sinh, Hale đã giúp phổ biến hình ảnh cây Giáng Sinh gia đình trên khắp đất nước.
 
Mãi đến năm 1870, Hoa Kỳ mới công nhận Giáng Sinh là ngày lễ liên bang.
 
Tập tục dựng cây Giáng Sinh công cộng xuất hiện ở Hoa Kỳ vào thế kỷ 20. Năm 1923, cây Giáng Sinh đầu tiên xuất hiện trên South Lawn của Tòa Bạch Ốc. Trong thời kỳ Đại Suy Thoái, các địa điểm nổi tiếng như Rockefeller Center của New York bắt đầu dựng lên những cây Giáng Sinh, kích thước của chúng ngày càng lớn.
 
Cây Giáng Sinh vươn ra toàn thế giới
 
Khi cả hai nền văn hóa Hoa Kỳ và Anh mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới, cây Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện trong các không gian cộng đồng, ngay cả ở những quốc gia không theo đạo Thiên Chúa. Hiện nay, các khu mua sắm ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Hồng Kông và Tokyo thường xuyên dựng cây Giáng Sinh trong dịp lễ.
 
Cây Giáng sinh hiện đại là một biểu tượng phổ quát mang ý nghĩa cả về tôn giáo và thế tục. Được trang trí với các dây đèn, chúng mang đến cho một nửa thế giới niềm hy vọng và ánh sáng trong thời điểm tăm tối nhất của năm.
 
Và như thế, cây Giáng Sinh hiện đại đã lộ diện hoàn chỉnh.
 
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “The Christmas tree is a tradition older than Christmas” của Troy Bickham, Giáo sư Lịch sử, Trường Texas A&M University, được đăng trên trang TheConversation.
 

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com