Khi nói đến chủ đề phụ nữ trong khoa học, thì bà Marie Curie thường chiếm ưu thế trong cuộc trò chuyện. Lý do là bà đã khám phá ra hai nguyên tố hoá học, và là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel năm 1903 và là người đầu tiên đoạt giải Nobel lần thứ hai vào năm 1911. Nhưng bà Marie Curie không phải là nữ khoa học gia đầu tiên. Nhiều phụ nữ tài giỏi, tận tụy và quyết tâm khác đã theo đuổi khoa học trong nhiều năm.
1. Emilie Du Chatelet (1706 – 1749)
Gabrielle-Emilie Le Tonnelier de Breteuil, con gái của một vị quan trưởng ban nghi lễ của triều đình Pháp, và kết hôn với hầu tước du Chatelet vào năm 1725, và có ba người con. Nhưng ở tuổi 27, bà bắt đầu chăm chú vào việc học toán và sau đó chuyển sang vật lý. Mối quan tâm này tăng lên khi bà bắt đầu ngoại tình với nhà triết học Voltaire, người cũng yêu thích khoa học. Trong lâu đài Chateau de Cirey của hầu tước du Chatelet có một phòng thí nghiệm, với sự đam mê về khoa học, bà và Voltaire đã kéo dài cuộc tình lãng mạn của họ. Đóng góp lâu dài nhất của bà Du Chatelet cho khoa học là bản dịch qua tiếng Pháp cuốn Principia của Isaac Newton, vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Ở tuổi 43, bà yêu một sĩ quan quân đội trẻ tuổi và có thai; nhưng bà đã chết bởi những biến chứng trong việc sinh con khi đã lớn tuổi.
2. Caroline Herschel (1750 – 1848)
Thuở nhỏ, Herschel chỉ là một đứa trẻ phụ giúp những công việc cực nhọc trong gia đình của cha mẹ bà ở Hanover, Đức (sau này bà tự mô tả mình là “Cô bé lọ lem của gia đình”), khi anh trai của bà, William, đưa bà đến Anh vào năm 1772 để điều hành gia đình của anh ta ở Bath. Sau khi bà đã thành thạo nghệ thuật ca hát — để đi cùng với William, người chơi đàn organ cho Nhà thờ Octagon — anh trai của bà chuyển nghề qua lĩnh vực thiên văn học. Caroline cũng theo chân của anh trai, ngoài việc giúp anh trong việc quan sát và chế tạo kính viễn vọng, Caroline còn trở thành một nhà thiên văn học xuất sắc theo cách riêng của bà ta, khám phá ra các tinh vân và cụm sao mới. Bà là người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra một sao chổi (bà đã phát hiện ra tổng cộng tám sao chổi) và là người đầu tiên có sách nghiên cứu về thiên văn được phát hành bởi Hiệp hội Hoàng gia. Bà cũng là người phụ nữ Anh đầu tiên được trả tiền cho công trình khoa học của mình, khi William, người được mệnh danh là nhà thiên văn học riêng của nhà vua sau khi khám phá ra Sao Thiên Vương (Uranus) vào năm 1781, đã thuyết phục người bảo trợ của mình thưởng cho người phụ tá của ông (chính là người em gái Caroline Herschel) một khoản lương hàng năm. Sau cái chết của William vào năm 1822, Caroline lui về Hanover. Ở đó, bà tiếp tục công việc thiên văn, biên soạn một danh mục các tinh vân— công trình của Herschels đã tăng số lượng cụm sao đã biết từ 100 lên 2,500. Bà mất năm 1848 ở tuổi 97 sau khi nhận được nhiều danh hiệu trong lĩnh vực thiên văn, trong đó có huy chương vàng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.
3. Mary Anning (1799 – 1847)
Năm 1811, người anh trai của bà Mary Anning phát hiện ra thứ mà anh ta cho là bộ xương cá sấu ở một vách đá bên bờ biển gần nhà của gia đình ở Lyme Regis, Anh. Anh ta giao nhiệm vụ cho cô em gái 11 tuổi trong việc đào bới, và cuối cùng cô bé đã đào được xương sọ và 60 đốt xương sống, rồi bán tất cả cho một nhà sưu tập tư nhân với giá 23 bảng Anh. Tuy nhiên, phát hiện này không phải là cá sấu và cuối cùng được đặt tên là Ichthyosaurus, “thằn lằn cá (fish-lizard)”.
Bộ xương hoá thạch của Ichthyosaurus được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên Natural History Museum, London, England, UK
plesiosaur cổ dài
pterodactyl
Từ nguyên nhân đó, bà Anning bắt đầu sự nghiệp lâu dài của một nhà chuyên môn khám phá vật hóa thạch. Ngoài ichthyosaur, bà còn tìm thấy plesiosaur cổ dài, một loài pterodactyl và hàng trăm, có thể là hàng nghìn hóa thạch khác giúp các nhà khoa học vẽ nên bức tranh về thế giới biển cách đây 200 triệu đến 140 triệu năm trong thời kỳ Jurassic. Bà đã tự học về giải phẫu học, địa chất học, cổ sinh vật học và minh họa khoa học. Các nhà khoa học thời đó đã đi từ những nơi xa xôi như Thành phố New York đến Lyme Regis để tham khảo và săn tìm hóa thạch cùng với Anning.
4. Mary Somerville (1780 – 1872)
Bị hấp dẫn bởi x và y trong câu trả lời cho một câu hỏi toán học trên một tạp chí thời trang dành cho phụ nữ, Mary Fairfax, 14 tuổi, ở Scotland, đã nghiên cứu sâu về đại số và toán học, bất chấp lệnh cấm của cha cô đối với những mục tiêu như vậy. Việc học của cô bị đình trệ do cuộc hôn nhân vào năm 1804 với một sĩ quan Hải quân Nga, nhưng sau khi người chồng qua đời, bà trở lại Edinburgh và tham gia vào giới trí thức, kết giao với những người như nhà văn Sir Walter Scott và nhà khoa học John Playfair, và tiếp tục công việc nghiên cứu về toán học và khoa học. Năm 1812 bà lập gia đình với người chồng sau, William Somerville, và ông đã ủng hộ những nỗ lực về khoa học của bà. Sau khi họ chuyển đến London, Mary trở thành chủ nhà chuyên tiếp đãi giới trí thức thân hữu, trong đó có nhà thiên văn học John Herschel và nhà phát minh Charles Babbage. Bà bắt đầu thử nghiệm về từ tính và viết một loạt bài về thiên văn học, hóa học, vật lý và toán học. Bà đã dịch cuốn sách Cơ chế của Thiên đàng (The Mechanism of the Heavens) của nhà thiên văn học Pierre-Simon Laplace sang tiếng Anh, và mặc dù bà không hài lòng với kết quả này, nhưng nó đã được sử dụng làm sách giáo khoa trong phần lớn thế kỷ tiếp theo. Somerville là một trong hai người phụ nữ đầu tiên, cùng với Caroline Herschel, được vinh danh là thành viên danh dự của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
5. Maria Mitchell (1818 – 1889)
Thời trẻ, Maria Mitchell đã học cách quan sát các vì sao từ cha, người đã sử dụng việc quan sát sao để kiểm tra độ chính xác của đồng hồ bấm giờ cho những người săn cá voi ở Nantucket, Massachusetts và dạy các con của ông sử dụng kính viễn vọng lục phân và kính thiên văn phản xạ (sextant and reflecting telescope). Khi Mitchell 12 tuổi, cô đã giúp cha ghi lại thời gian xảy ra nhật thực. Và ở tuổi 17, cô đã thành lập trường học riêng dành cho nữ sinh, dạy họ khoa học và toán học. Nhưng Mitchell đã vượt lên dẫn đầu ngành thiên văn học Hoa Kỳ vào năm 1847 khi bà phát hiện ra một vệt mờ — một sao chổi — qua kính viễn vọng. Bà được vinh danh trên khắp thế giới, nhận được huy chương từ nhà vua Đan Mạch và trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Năm 1857, Mitchell đến châu Âu, thăm các đài quan sát và gặp gỡ những nhà trí thức, bao gồm cả Mary Somerville. Mitchell đã viết: “Tôi không thể không ngưỡng mộ [bà ấy] với tư cách là một người phụ nữ. Việc đi lên con đường khoa học dốc đứng và gồ ghề không phải là không phù hợp với bà ta trong phòng khách; những giờ phút tận tụy học tập không phải là không phù hợp với bổn phận của người vợ và người mẹ.” Mitchell trở thành nữ giáo sư thiên văn học đầu tiên ở Hoa Kỳ, khi bà được Đại học Vassar thuê vào năm 1865. Tại đây, bà tiếp tục công việc quan sát, đặc biệt là Mặt trời, di chuyển quãng đường 2,000 dặm để chứng kiến một vụ nhật thực.
6. Lise Meitner (1878 – 1968)
Khi Lise Meitner học xong bậc Trung Học khi mới 14 tuổi, và cô bị cấm học Đại Học, giống như tất cả các cô gái khác ở nước Áo thời bấy giờ. Nhưng, được truyền cảm hứng từ những khám phá của William Röntgen và Henri Becquerel, bà đã quyết tâm nghiên cứu hiện tượng phóng xạ. Khi bước sang tuổi 21, phụ nữ bắt đầu được phép vào các trường Đại Học của Áo. Hai năm dạy kèm trước khi bà ghi danh vào Đại Học Vienna; ở đó, bà xuất sắc trong môn Toán và Vật Lý và lấy bằng Tiến Sĩ năm 1906. Bà viết thư cho Marie Curie, nhưng không có chỗ cho bà trong phòng thí nghiệm ở Paris nên Meitner đã tìm đường đến Berlin. Ở đó, bà hợp tác với Otto Hahn để nghiên cứu các nguyên tố phóng xạ, nhưng là một phụ nữ Áo gốc Do Thái (cả ba điều đều bất lợi), bà bị loại khỏi phòng thí nghiệm và các bài giảng chính, mà chỉ được phép làm việc dưới tầng hầm. Năm 1912, cặp đôi chuyển đến một trường Đại Học mới và Meitner có phòng thí nghiệm tốt hơn. Mặc dù quan hệ đối tác của họ đã bị chia rẽ khi bà buộc phải chạy trốn khỏi tay Đức Quốc xã vào năm 1938, họ vẫn tiếp tục cộng tác. Meitner tiếp tục công việc của bà ở Thụy Điển và sau khi Hahn phát hiện ra rằng các nguyên tử uranium bị tách ra khi bị neutron bắn phá, bà đã tính toán năng lượng phát ra trong phản ứng và đặt tên cho hiện tượng này là “sự phân hạch hạt nhân (nuclear fission)”. Phát hiện này — mà cuối cùng đã dẫn đến bom nguyên tử (“Bạn không được đổ lỗi cho các nhà khoa học về việc các kỹ thuật viên chiến tranh đã sử dụng các khám phá của chúng ta như thế nào,” Meitner nói vào năm 1945) — đã mang về cho Hahn giải thưởng Nobel năm 1944. Meitner, bị bỏ qua bởi Ủy ban Nobel; bà đã từ chối trở lại Đức sau chiến tranh và tiếp tục nghiên cứu về nguyên tử ở Stockholm cho đến tuổi 80.
7. Irène Curie-Joliot (1897 – 1956)
Con gái lớn của ông Pierre và bà Marie Curie là Irène theo chân cha mẹ vào phòng thí nghiệm. Luận án Tiến Sĩ Khoa Học năm 1925 của cô là về tia alpha của polonium, một trong hai nguyên tố mà mẹ cô đã phát hiện ra. Năm sau, cô kết hôn với Frédéric Joliot, một trong những phụ tá của mẹ cô tại Viện Radium ở Paris. Irène và Frédéric tiếp tục hợp tác trong phòng thí nghiệm, theo đuổi nghiên cứu về cấu trúc của nguyên tử. Năm 1934, họ phát hiện ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo bằng cách bắn phá nhôm, boron và magnesium bằng các hạt alpha để tạo ra các đồng vị của isotopes của nitrogen, phosphorus, silicon và nhôm. Họ đã nhận được giải thưởng Nobel về hóa học vào năm sau, khiến Marie và Irène trở thành cặp mẹ và con đầu tiên giành được giải thưởng Nobel một cách độc lập. Tuy nhiên, tất cả những năm làm việc với phóng xạ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và Irène qua đời vì bệnh bạch cầu (leukemia) vào năm 1956.
8. Barbara McClintock (1902 – 1992)
Khi đang theo học ngành thực vật học tại viện Đại Học Cornell vào những năm 1920, Barbara McClintock lần đầu tiên được tiếp xúc với di truyền học và bị cuốn hút. Khi lấy được bằng Cử Nhân và Thạc Sĩ và tiếp tục với chương trình hậu Tiến Sĩ (postdoctoral), bà đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu về di truyền tế bào của bắp (ngô - corn). Bà theo đuổi nghiên cứu tại các trường Đại Học ở California, Missouri và Đức trước khi tìm được một ngôi nhà để định cư lâu dài tại Cold Spring Harbor ở New York. Chính ở đó, sau khi quan sát các mô hình màu sắc của hạt bắp qua nhiều thế hệ cây trồng, bà xác định rằng các gen có thể di chuyển bên trong và giữa các nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, phát hiện này không phù hợp với suy nghĩ thông thường về di truyền học và phần lớn bị bỏ qua; McClintock bắt đầu nghiên cứu nguồn gốc của bắp ở Nam Mỹ. Nhưng sau khi các kỹ thuật phân tử được cải tiến vào những năm 1970 và đầu những năm 1980 đã xác nhận lý thuyết của bà và những “gen nhảy (jumping genes)” này được tìm thấy ở vi sinh vật, côn trùng và thậm chí cả con người, McClintock đã được trao giải Lasker năm 1981 và giải Nobel năm 1983.
9. Dorothy Hodgkin (1910 – 1994)
Dorothy Crowfoot (Hodgkin, tên sau cuộc hôn nhân năm 1937) sinh ra ở Cairo, Ai Cập, là con của một cặp nhà khảo cổ học người Anh. Cô được gửi về Anh để đi học, nơi cô là một trong hai cô gái duy nhất được phép học hóa học với các nam sinh. Năm 18 tuổi, cô ghi danh vào một trong những trường đại học dành cho nữ của Oxford và học ngành hóa học, sau đó chuyển đến Cambridge để nghiên cứu về tinh thể học tia X, một loại hình ảnh sử dụng tia X để xác định cấu trúc ba chiều của phân tử. Bà trở lại Oxford vào năm 1934, nơi bà đã dành phần lớn cuộc đời làm việc của mình, giảng dạy hóa học và sử dụng phương pháp tinh thể học tia X để nghiên cứu về các phân tử sinh học xem ra có vẻ thú vị hơn. Bà đã dành nhiều năm để hoàn thiện kỹ thuật mà nhờ vậy mà bà đã được trao giải thưởng Nobel năm 1964, và xác định cấu trúc của penicillin, vitamin B12 và insulin.
Từ trái (trên) - Benjamin Franklin, Dorothy Hodgkin, Edward Jenner, Joseph Lister, Isaac Newton (dưới) Robert Boyle, Ernest Rutherford, Nicholas Shackleton, Charles Babbage and Alfred Russel Wallace. (Photo: Royal Mail/PA.)
Năm 2010, 16 năm sau khi bà qua đời, Bưu điện Hoàng gia Anh đã tổ chức lễ kỷ niệm 350 năm ngày thành lập Hiệp hội Hoàng gia bằng cách phát hành những con tem có hình 10 thành viên lừng lẫy nhất của hiệp hội, bao gồm cả Isaac Newton và Benjamin Franklin; Hodgkin là người phụ nữ duy nhất trong nhóm.
10. Rosalind Franklin (1920 – 1958)
James Watson và Francis Crick được công nhận vì đã xác định được cấu trúc của DNA, nhưng khám phá của họ lại dựa vào công trình của Rosalind Franklin. Khi còn là một thiếu nữ vào những năm 1930, Franklin theo học tại một trong số ít trường nữ sinh ở London dạy Vật Lý và Hóa Học, nhưng khi cô nói với cha rằng cô muốn trở thành một nhà khoa học, ông đã bác bỏ ý kiến đó. Nhưng cuối cùng thì ông bố cũng bằng lòng và cô ta đã ghi danh học tại Đại Học Cambridge, rồi nhận được bằng Tiến Sĩ Hóa Lý (physical chemistry). Cô đã học các kỹ thuật về tinh thể học tia X khi ở Paris, trở về Anh vào năm 1951 để làm việc trong phòng thí nghiệm của John Randall tại King's College, London. Ở đó, bà đã tạo ra những hình ảnh X-quang của DNA. Bà ta gần như đã tìm ra cấu trúc của phân tử khi Maurice Wilkins, một nhà nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm của Randall, người cũng đang nghiên cứu DNA, cho James Watson xem một trong những hình ảnh X-quang của Franklin. Watson nhanh chóng nhận ra cấu trúc này là một chuỗi xoắn kép và cùng với Francis Crick đã công bố phát hiện này trên tạp chí Nature. Watson, Crick và Wilkins đã đoạt giải Nobel năm 1962 cho khám phá của họ. Tuy nhiên, Franklin đã chết vì ung thư buồng trứng vào năm 1958.
Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)
Nguyên tác:
Ten Historic Female Scientists You Should Know
https://www.smithsonianmag.com/science-nature/ten-historic-female-scientists-you-should-know-84028788/
Nguồn: http://www.dslamvien.com/2023/03/muoi-nu-khoa-hoc-gia-trong-lich-su.html