Những người lính VNCH, 1968 (ảnh: Stuart Lutz/Gado/Getty Images)
Dẫn Nhập:
Lịch sử vinh quang của nước Mỹ hôm nay là kết quả của một quá trình liên tục tranh đấu, chiến đấu của nhiều Dân Tộc thuộc Liên Bang Mỹ với nhân tố quyết định là từ, do Tập Thể Quân Lực Hoa Kỳ mà cuộc đổ bộ của Liên Quân Anh-Mỹ-Gia Nã Đại lên bờ biển Normandy nước Pháp trong ngày 6 Tháng Sáu 1944 là một xác chứng rất đáng tự hào. Quốc Gia VNCH cũng đã có một Mùa Hè Lẫm Liệt 1972 với những Người Lính hiến thân nơi Cổ Thành Quảng Trị, Xa Cam, An Lộc, Bình Long, Đồi Charlie, Tân Cảnh, Kontum…
Những nơi xa lạ không mấy ai biết bỗng chốc vang dội trong lòng Người Miền Nam yêu nước. Tuy nhiên, hôm nay, 49 năm sau 1975, số đông người Người Việt trong và ngoài nước mấy ai nhớ đến Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu 1965 – Thời điểm Người Lính VNCH chính thức nhận nhiệm vụ Bảo Quốc–An Dân cho đến kết thúc uất hận, 30 Tháng Tư 1975. Người Lính Miền Nam hy sinh khắc kỷ ấy nay ở đâu?
Một
Trước tiên, cần nhắc lại một biến cố chính trị quan trọng đã xảy ra trong Mùa Hè, Tháng Sáu, 1965 nơi Miền Nam. Gần hai năm sau lần lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm (1 Tháng Mười Một 1963), tập đoàn Tướng lãnh miền Nam chỉ chú tâm tranh chấp, củng cố quyền lực, không mấy lưu tâm đến nhiệm vụ bảo vệ dân, giữ nước.
Nắm lấy cơ hội, giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc đã huy động các sư đoàn bộ binh, lực lượng quân sự chính quy vào Nam nhằm thôn tính miền Nam trong thời điểm 1964, 1965. Từ tình hình nguy nan nầy, chính phủ Mỹ, Tổng Thống Hoa Kỳ L. Johnson (có nhiều lý do chính trị-ngoại giao chiến thuật-chiến lược khác), sau biến cố quân sự dàn dựng nơi Vịnh Bắc Bộ (2 và 4 Tháng Tám 1964), được Quốc hội Mỹ đồng thuận gần như tuyệt đối với số phiếu: Hạ Viện: 416/0; Thượng Viện: 88/2 thông qua Nghị Quyết 1145 cho phép dội bom Bắc Việt, mở rộng chiến tranh. Tháng Ba 1965 chính phủ Mỹ quyết định đưa các đơn vị tác chiến bộ Mỹ vào Nam Việt Nam, trước tiên tại Đà Nẵng.
Về phần chính trị nội bộ Miền Nam, sau lần Trung Tướng Dương Văn Minh lãnh đạo cuộc đảo chánh, sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu (1 Tháng Mười Một 1963); ngày 30 Tháng Giêng 1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo cuộc chỉnh lý (mà thật ra là đảo chánh) lật đổ Tướng Minh, bắt giam năm Tướng thân cận của ông Minh.
Trong năm 1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh tiếp giữ các chức vụ Thủ Tướng, Quốc Trưởng, tấn phong nhà giáo Trần Văn Hương chức Thủ Tướng (4 Tháng Mười Một 1964); Kỹ Sư Phan Khắc Sửu chức Chủ Tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia (27 Tháng Chín), tiếp chức vụ Quốc Trưởng (24 Tháng Mười) cùng năm 1964. Ngày 16 Tháng Hai 1965, Trung Tướng Khánh lại tấn phong Bác Sĩ Phan Huy Quát thay thế Thủ Tướng Hương.
Từ tình thế chính trị hỗn loạn nầy, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát lãnh đạo cuộc binh biến 19 Tháng Hai 1965, đảo chánh Tướng Khánh. Tuy thất bại, Thiếu Tướng Phát buộc phải rút lui, nhưng Trung Tướng Khánh đã buộc phải lưu vong, rời Việt Nam ngày 25 Tháng Hai 1965.
Những người lính VNCH, 1962 (ảnh: Michael Ochs Archives/Getty Images)
Bác Sĩ Phan Huy Quát nhận chức Thủ Tướng ngày 16 Tháng Hai 1965, tuy nhiên chẳng mấy khi đồng thuận với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu về chính sách lãnh đạo quốc gia. Cuối cùng, vào trung tuần Tháng Sáu 1965, Thủ Tướng Quát gởi đến Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Trưởng Quốc Phòng, một văn thư trình bày sự bất đồng quan điểm giữa ông với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu. Lá thư cho biết là cả hai đồng từ chức.
Thủ Tướng Quát yêu cầu Hội Đồng Tướng Lãnh nhân danh quân đội nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, khi Mỹ tăng nhanh quân số tham chiến, và chiến tranh mở rộng; điển hình với trận chiến tại Đồng Xoài, Bình Dương gây thiệt hại nặng cho phía quân đội VNCH. Đồng Xoài chỉ cách Sài Gòn khoảng 100 cây số đường chim bay.
Do văn thư của Thủ Tướng Quát, Hội Đồng Quân Đội họp liên tục trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, để có quyết định thành lập một tổ chức với danh xưng “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia/Chủ Tịch Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu” theo nguyên tắc “Ủy Ban quyết định, những thành viên thi hành”. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia chọn ngày 19 Tháng Sáu 1965 ra mắt tân chánh phủ, với danh xưng là “Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương/Chủ Tịch Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ” – đánh dấu lần Quân Đội chính thức nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Ngày 19 Tháng Sáu 1965 được chính thức chọn làm “Ngày Quân Lực”.
Hai
Trong Tháng Sáu, Lễ Memorial Day – Ngày Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Mỹ đã hy sinh trên chiến trường khắp thế giới, trong đó có quê hương Việt Nam – chiến trường khắc nghiệt nhất mà quân đội Mỹ đã gặp phải trong suốt lịch sử tuy mới mẻ nhưng đầy kỳ tích đáng hãnh diện. Tương tự như thế, Người Lính Miền Nam cũng đã hằng thực hiện một nhiệm vụ cao quý theo cùng Lịch Sử, nhưng oan nghiệt thay, tập thể Quân Lực đã tuẫn nạn cùng lần với Dân Tộc, 30 Tháng Tư 1975.
Hãy nhắc lại đoạn quân sử hào hùng bi tráng “đoạn đường chiến binh” Mùa Hè 1972 đáng tưởng nhớ và đầy tự hào: Tháng Ba 1972, lực lượng cộng sản Bắc Việt gồm ba sư đoàn 304, 308, 324B, sáu trung đoàn bộ binh, ba trung đoàn chiến xa, hai trung đoàn đặc công và một sư đoàn pháo 130 ly mở cuộc tấn công khởi đầu ở chiến trường Trị-Thiên. Vùng II Cao Nguyên, Tháng Tư, hai sư đoàn, 320 Thép và Sao Vàng được một trung đoàn chiến xa yểm trợ tấn công vào Tân Cảnh (Darkto), nơi đặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 22 Bộ Binh với lực lượng tham chiến thực sự chỉ một trung đoàn, tăng phái Lữ Đoàn II Dù.
Và chỉ riêng Mặt Trận An Lộc, miền Đông Nam Bộ, chiến trường hẹp nhất của quân sử thế giới trong khoảng thời gian bị vây hãm (từ Tháng Ba 1972), tuyến phòng thủ đo đúng 800 thước bề dài, 500 thước bề ngang. Trên diện tích nhỏ hẹp nầy, chỉ trong đêm 11 rạng 12 Tháng Năm đã chịu đủ 8,000 quả đạn pháo cối của lần tập trung hỏa lực để ba trung đoàn bộ binh cộng sản được chiến xa dẫn đầu quyết thanh toán gọn mục tiêu. Nhưng quân dân Bình Long-An Lộc đã thủ thế đứng vững và phản công tất thắng.
Nhưng sau Ngày Hè oanh liệt vừa kể ra trên, miền Nam phải chịu tình thế bó tay nhẫn tâm do nhu cầu chính trị của giới cầm quyền nước bạn đồng minh, với người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam và khoảng trống quân sự để lại. Điển hình với tình trạng khả năng không quân (được xem là ưu thế của chúng ta trên lực lượng cộng sản) hoàn toàn tê liệt. Đạn cho tất cả các loại vũ khí đến 1975 thì cạn sạch.
Quân Lực miền Nam không có, không còn vũ khí để tự vệ, phải chạm mặt một nền Hòa Bình vô cùng quái dị – Hòa Bình do Hiệp Định Paris 27 Tháng Giêng 1973 cố công tô vẽ mà trong đó “hai trong bốn bên (Mỹ và Bắc Việt) là nhân tố ký kết chính yếu, và phải chịu trách nhiệm thi hành đã hoàn toàn rũ tay, quay mặt”. Ngày 30 Tháng Tư 1975 không hề là một bất ngờ!
Kết từ
Khi Người Lính Cộng Hòa buộc buông vũ khí, không chỉ cư dân miền Nam, mà những người miền Bắc dù dưới tác động xã hội, giáo dục riêng biệt của chế độ cộng sản cũng nhận ra điều khắc nghiệt: “Người Lính Chính Nghĩa của Dân Tộc Việt Nam không còn nữa”.
Cũng bởi, khi Người Lính Miền Nam xuất hiện dưới hình thái não nề của “kẻ tù nhân thất trận” nơi miền Bắc sau 1975 thì cũng là lần chứng tỏ – Nguồn Hy Vọng đến từ miền Nam không còn khả năng hiện thực – Hy Vọng sống đời Tự Do của Dân Tộc Việt hoàn toàn bị mất bỏ – Cả nước đồng vượt biên, cùng đành lìa bỏ quê hương. Cuối cùng, thực tế đất nước hôm nay là một xác chứng: Quốc Sĩ bị coi khinh. An Ninh-Quốc Phòng nguy khốn. Kinh Tế-Xã Hội thoái hóa. Đạo Đức-Gia Đình băng hoại. Giáo Dục suy đồi.
Người Lính miền Nam đã nhận lãnh trách nhiệm trọng đại mà Quốc Dân hằng giao phó, và trả giá lần không hoàn tất trọn vẹn ấy cho đến ngày toàn thắng bằng sinh mạng của chính mỗi người, từng đơn vị. Nhưng đội quân Dân Tộc ấy chỉ thất bại trong cuộc chiến, vẫn vĩnh hằng rực sáng với nhiệm cao quý đã một lần được Quốc Dân trao gởi – Bởi Mùa Hè 1972, người chạy nạn cộng sản ở Quảng Trị, Bình Long, Pleiku… đã nhiều lần kêu lên: “Lính Cộng Hòa ơi cứu Dân! Lính Cộng Hòa ơi…”
30 Tháng 4 1975, Người Lính Miền Nam do bị tước bỏ vũ khí, buộc phải chấp nhận thua cuộc chiến đấu, chứ không hề đào ngũ, trốn chạy để cùng lần Thật Chết Với Quê Hương.
____________
Phan Nhật Nam
(19 Tháng Sáu 1965 -19 Tháng Sáu 2023)