
Hôm nay tôi kể cho các bạn nghe về cuộc hành trình của một con búp bê làm bằng muối.
Linh Mục người Ấn Độ Anthony de Mello là một nhà thần học tu đức Công giáo. Trong tác phẩm “The Song of the Bird” (Khúc Hát của Loài Chim,) ông kể vắn tắt truyện “Búp Bê Muối,” đương nhiên với cái nhìn thần học tu đức. Thật ra truyện này từ lâu rồi đã được dùng làm nền tảng suy tư của cả Ấn Độ giáo và Phật giáo, theo đó, tất cả chỉ là hư ảo dù có thể trong một giai đoạn nào đó người ta nhìn thấy hình tượng của chúng. Chỉ có Đại Ngã là tồn tại, hiện hữu và bất biến.
Anthony de Mello kể vắn tắt lắm. Ở đây tôi dài dòng một chút, theo lối kể truyện dân gian.
Lâu lắm rồi, có một con búp bê làm bằng muối. Là muối nên nó ở trong bếp. Các bà nội trợ dùng muối để làm cho các món ăn do bàn tay chế biến khéo léo của các bà thêm đậm đà. Nhưng bà nội trợ nào đã nặn muối thành con búp bê và nặn ra nó với mục đích gì? Tôi không biết và người kể truyện đầu tiên về nó chắc cũng không biết. Phụ nữ khi rảnh rỗi họ hay tỉ mẩn làm những việc lạ lùng lắm, thường nhân (tức là đàn ông) không hiểu được, và cả họ, khéo chừng họ cũng không hiểu.
Con Búp Bê Muối cũng không biết tại sao nó có mặt trên cõi đời này, mặc dù nó biết rất nhiều chuyện. Chả là nó ở trong bếp mà. Bếp là chỗ chỉ được dùng để nấu nướng, đó là một quan niệm rất sai lầm và ai nghĩ như thế là không hiểu gì về phụ nữ. Phụ nữ rất thích nhỏ to tâm sự (mà người ta vì không hiểu mục đích cao đẹp của nó nên gọi hành động đó là “kháo chuyện” và tiếng “thời thượng” bây giờ gọi là “tám.”) Nơi thích hợp nhất, an toàn nhất để các bà các cô nhỏ to tâm sự là căn bếp. Đó là lý do Búp Bê Muối nghe được rất nhiều chuyện, mặc dầu nó chỉ ở trong xó bếp.
Trong những chuyện các bà các cô nhỏ to với nhau trong bếp, Búp Bê Muối thường nghe họ nhắc đến “Biển” với một giọng vừa thích thú vừa e dè. Sống lâu với phụ nữ nên Búp Bê Muối cũng lây cái tính tò mò của họ. Nghe mãi về Biển, nó tò mò, rồi từ tò mò nó khao khát được biết về Biển. Thế là nó rắp tâm rời bỏ căn bếp ấm cúng và an toàn để đi tìm Biển.
Truyện kể tiếp là Búp Bê Muối đã đi qua nhiều vùng đồi núi, sông suối, làng mạc, thị thành. Mắt nó chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đẹp của thiên nhiên cũng như những cảnh xa hoa và những nỗi cùng khốn của con người. Đến đâu, gặp ai nó cũng hỏi cảnh ấy, vật ấy, người ấy có phải là Biển không, tất cả đều lắc đầu.
Một ngày kia, Búp Bê Muối đối diện với một vùng nước mênh mông, bao la. Nó run lên trước sự vĩ đại của sự hiện hữu ấy. E dè, Búp Bê Muối cất tiếng hỏi: “Bạn ơi, bạn là ai vậy?” Biển (vâng, đó chính là Biển) trả lời: “Tôi là Biển.” Búp Bê Muối lại run lên và trong run rẩy, nó hỏi: “Bạn mới cho tôi biết tên của bạn thôi. Bạn là gì?” Biển đáp: “Tôi là chính tôi. Tôi là Biển.” Lòng khao khát muốn biết về Biển khiến Búp Bê Muối lại hỏi: “Biển ơi, có cách nào tôi biết về bạn không?” Biển đáp: “Không khi nào bạn biết về tôi nếu không đến gần tôi hơn, không chạm đến tôi và cũng cho phép tôi chạm đến bạn.”
Búp Bê Muối hồi hộp và sợ hãi thò một chân xuống biển. Ngay khi ấy nó có một cảm giác rất lạ, rất đẹp. Một cái gì đó khiến cho nó thấy nhẹ tênh và như được nâng lên cao. Nó rút chân lên. Nhưng… ơ hay! Chân nó đâu mất rồi. Búp Bê Muối kêu lên: “Biển ơi! Bạn làm gì cái chân tôi vậy?” Biển đáp: “Vâng, bạn đã cho phép tôi chạm đến bạn. Chân bạn mất rồi. Bạn bắt đầu có kinh nghiệm hoà nhập trong tôi. Để cảm nghiệm hoà nhập ấy lên đến đỉnh điểm của tuyệt vời, bạn hãy đánh mất chính bạn để hoàn toàn hoà nhập trong tôi. Bước sâu hơn vào tôi đi. Ngay bây giờ!”
Nghe theo lời mời gọi, Búp Bê Muối mạnh dạn đi sâu vào Biển. Càng xuống sâu, nó càng cảm thấy một niềm vui ngây ngất, tuyệt vời. Cuối cùng, trước khi hoàn toàn hoà tan vào Biển, Búp Bê Muối, khi ấy chỉ còn là một hạt muối nhỏ bé, thở ra một hơi dài như trút hết những ưu tư phiền muộn và thốt lên: “Bây giờ tôi biết Biển và gì và tôi là ai. Tôi chính là Biển. Chúng ta là một.”
*
Bạn ơi, có biết tại sao hôm nay tôi kể cho bạn nghe truyện Búp Bê Muối không? Vì chúng ta vẫn còn trong mùa đại dịch.
Bạn ơi, có biết tại sao hôm nay tôi kể cho bạn nghe truyện Búp Bê Muối không? Vì chúng ta vẫn còn trong mùa đại dịch.
Có một lời khuyên trong mùa này là chúng ta hãy súc miệng bằng nước ấm pha muối. Nó tốt cho cổ họng chúng ta và khiến cho con “virus” quái ác kia khó lòng xâm nhập phổi chúng ta. Tôi không biết lời khuyên này hữu hiệu đến mức nào, nhưng từ rất lâu rồi tôi đã có thói quen súc miệng bằng nước muối.
Tuy nhiên đó không phải là lý do tôi kể truyện Búp Bê Muối. Lý do là tôi muốn cùng những người bạn thân thiết của tôi suy nghĩ về cái tiểu ngã nhỏ bé hoà nhập vào cái Đại Ngã mênh mông, để cùng nhau cảm nghiệm hơn về “vô ngã.” Cơn đại dịch này khiến cho chúng ta ý thức “tiểu ngã” của mình quá nhỏ bé và mong manh, nó có đấy nhưng cũng mất đấy không biết lúc nào. Muốn giữ nó thì hãy đánh mất nó. Đánh mất bằng cách cho nó tan biến trong Đại Ngã.
Lý do sâu xa hơn khiến tôi nhớ đến truyện Búp Bê Muối trong lúc này là hai chữ Yêu Thương. Cuộc đời là bể khổ, là “khổ hải.” Nhưng Thượng Đế lại là Biển Yêu Thương. Ông thánh Gio-an viết rằng “Thượng Đế là Yêu Thương.” Để vượt thoát bể khổ, chúng ta có một cách là hoà nhập trong Biển Yêu Thương, như Búp Bê Muối hoàn toàn hoà nhập trong Biển.
Cơn đại dịch này khiến nhân loại đang thực tập hoà nhập trong Biển Yêu Thương. Đang lúc toàn thế giới cùng chung cảnh khổ là gian nan chống dịch, thì rất nhiều bác sĩ, y tá đã quên chính thân mình, xông pha nơi tuyến đầu để cứu chữa các bệnh nhân. Biết bao linh mục, tu sĩ, những nhà hướng dẫn tâm linh sẵn sàng chết cho anh chị em tín hữu trong tinh thần phục vụ. Các nhà cầm quyền và những khối óc đầy trí tuệ đang cùng nhau miệt mài kiếm tìm phương thuốc cứu chữa cho nhân loại. Biết bao chương trình hỗ trợ người dân trong cơn dịch nạn. Biết bao nhiêu nhà hảo tâm cung cấp lương thực, thuốc men, khẩu trang cho những người họ chưa từng quen biết. Hàng xóm cũng gần gũi, thông cảm với nhau hơn mặc dù vẫn phải giữ khoảng cách giao tiếp (social distancing,) mọi người trong gia đình sống mật thiết với nhau hơn. Trong khổ đau, cơ cực, hoa nhân ái tươi nở thật tuyệt vời. Tình Yêu của con người đang hoà nhập với Tình Yêu của Thượng Đế.
Cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Thiên Chúa có thể vẽ nét thẳng trên những đường cong.” Trận đại dịch đang diễn ra chính là một khúc quanh, một đường cong của lịch sử nhân loại. Nhưng trên đường cong ấy, Thượng Đế đang hướng dẫn con người tìm đến với nhau và tìm đến với Ngài bằng con đường ngắn nhất giữa hai điểm, đó là đường thẳng. Mà ở đây, đường thẳng ấy chính là Yêu Thương.
Rồi đây, sớm hay muộn, cơn đại dịch cũng sẽ qua. Nhưng chúng ta đều hy vọng Nét Thẳng Yêu Thương nối liền trái tim con người với trái tim con người và nối liền tình yêu của nhân loại với tình yêu của Thượng Đế sẽ tồn tại mãi, trên hành tinh này cũng như trong tâm hồn tất cả mọi người sống chung trong cộng đồng nhân loại.
Cám ơn Búp Bê Muối đã giúp tôi có được chút suy tư nhỏ nhặt này.
Quyên Di