(Hình minh họa: Tim Boyle/Getty Images)
1- Giỏi tiếng Mỹ
Anh Hai mới qua Mỹ mấy tháng, đi làm hãng. Suốt ngày chỉ coi máy chạy nên chẳng nói chuyện với ai. Giờ nghỉ, lại nói toàn tiếng Việt với bà con làm cùng hãng. Vì thế khả năng tiếng Mỹ rất kém, nói thì bập bẹ, chữ thì không biết đọc.
Cũng may, anh có được người quen qua Mỹ đã lâu. Những gì không biết, anh đều nhờ người này giúp đỡ. Một hôm, anh nhận được thư của hãng bảo hiểm với cái check $100. Anh vội đem đến nhờ sư phụ đọc giùm.
Sư phụ liếc qua cái thơ, nguyên văn như sau: “The purpose of this letter is to inform you that your car insurance policy will be terminated on…” rồi phán: Thư này hãng bảo hiểm xe hoàn lại tiền cho anh đã đóng dư. Anh cứ xài.”
Mấy tháng sau, anh Hai bị tai nạn xe. Lúc đó, cảnh sát cho biết xe anh không có bảo hiểm. Anh Hai chỉ còn biết kêu trời, tìm người “agent” hỏi chuyện. Té ra, cái thư của hãng bảo hiểm thông báo chấm dứt bảo hiểm cho xe của anh Hai. Anh thì dốt đã đành, còn sư phụ tự xưng giỏi tiếng Mỹ, sao đọc mà không hiểu?!.
2- Ba của ai?
Nhờ đứa con lai mà ba mẹ con chị Tư qua Mỹ đã hơn 10 năm. Chị đang sống trong khu nhà do chánh phủ trợ cấp, với một người đàn ông gá nghĩa. Chị có thêm ba đứa con nhỏ với người đàn ông này, dù hai người không có hôn thú. Luật lệ nước Mỹ đâu cấm nam nữ không hôn thú sống chung.
Hôm nay, chị Tư đang ngồi xe của người bạn cùng mấy đứa con đi “shopping” về, xe tới ngả tư thì đèn đỏ bật lên nên phải dừng lại. Chị Tư giựt mình khi mấy đứa con nhao nhao nói: “Má ơi, ba ở xe bên kia kìa.”
Sau đó chúng nó mở kiếng xe, đồng loạt la lên: “Ba! Ba!” Cửa kiếng xe kia cũng mở. Có mấy cái đầu con nít ló ra: “Ba của tao. Ba của tao.” Mấy đứa con của chị Tư cũng đáp trả: “Ba của tao. Ba của tao.”
Chị Tư mặt mày tái mét khi thấy chồng ngồi xe với người đàn bà khác cùng với mấy đứa con, mà chị nào có biết. Còn anh Tư thì khỏi phải nói, sượng sùng, ngượng nghịu, không nói nên lời. Rồi đèn xanh bật lên, mỗi chiếc xe chạy về một ngả như dòng sông chia hai xuôi về hai nẻo. Đời là thế!
3- Trời sanh, trời nuôi
Ngày năm mẹ con chị Ba vào trại tị nạn đường bộ tại biên giới Thái-Cambodia, thì mọi người đều ngao ngán lắc đầu “một mẹ với bốn con nhỏ, thì làm sao sống ở Mỹ.”
Vậy mà không sao. Mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp. Đầu tiên là nhờ có bốn đứa con với đứa lớn nhất hơn 10 tuổi, chị Ba có thêm thực phẩm mà những người khác không có.
(Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)
Ngoài ra, thằng con lớn của chị thật lanh lợi, nó liên lạc với lính Thái mua bán nhu yếu phẩm cho dân tị nạn nên kiếm chút lợi tức.
Khi khai lý lịch thì ngoài cái tên và năm sanh có khác, nhưng ngày sanh thì mẹ con người nào cũng y chang: ngày 1 Tháng Một. Ai có thắc mắc thì chị Ba nói chị không nhớ nên chọn ngày cho dễ nhớ. Còn năm sanh thì cứ coi như đẻ năm một. Ba của mấy đứa nhỏ là ai thì chị Ba nói chết rồi. Chị Ba không có thân nhân ở Mỹ, không thuộc diện ưu tiên như đi làm sở Mỹ trước năm 75… Vì thế, chị chờ Mỹ hốt hụi chót lúc trại đóng cửa.
Cuối cùng, năm mẹ con cũng lên đường sang Mỹ. Nhờ Hội Bảo Trợ giúp đỡ, chị Ba có nơi ở, con đi học, chị Ba học tiếng Anh.
Một năm sau, chị Ba được chính phủ cấp nhà (housing project) hoàn toàn miễn phí. Tiền trợ cấp một mẹ bốn con xài không hết.
Ngoài ra, mấy mẹ con dồn vào một phòng, bốn phòng kia cho người “share” mỗi tháng được $2,000, mà khỏi đi làm. Có một người đàn ông “share” phòng, tình nguyện làm tài xế cho chị Ba rồi “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên “share” luôn đủ thứ. Người quen biết cũ gặp chị Ba trong “Shopping mall,” nhưng không nhận ra: chị hoàn toàn thay đổi, không còn lôi thôi, lết thết như ngày nào, ăn mặc như đi dạ hội, nữ trang đầy mình.
Chị khoe, hồi còn trong trại tị nạn mấy người lo mẹ con tui qua Mỹ không sống được. Bây giờ, chẳng những tui sống khỏe mà còn hơn nhiều người. Ví dụ như ông bác sĩ trong trại tị nạn còn thua tui, còn đang vất vả đi học lại. Tui thấy ổng đứng chờ xe bus mà tội nghiệp. Tui không đi làm. Đêm nằm ngáy o o, đâu phải lo ngày mai thất nghiệp.
“Tiền chùa” gởi về nhà đều đều hàng tháng. Chánh phủ còn cho người đến giúp trông coi mấy đứa nhỏ. Đi bác sĩ thì có taxi miễn phí. Thuốc men chẳng tốn đồng nào. Khi nào đứa con nhỏ nhất đúng 18 tuổi, thì tui xin chuyển qua tiền bệnh SSD, social security disability), đến khi tui 65 tuổi thì chuyển qua tiền già (SSI, supplemental social income). Trời sanh, trời nuôi mà. Khỏe ru hà. Mấy người nghe được câu chuyện, kêu lên: “Đúng là trời sanh, nhưng chánh phủ Mỹ nuôi.”
4- Nhờ phong thủy
Vợ chồng anh Năm qua Mỹ hơn 10 năm. Chồng đi làm hãng, vợ làm nails. Người ta thường nói: “Đồng vợ, đồng chồng tát biển đông cũng cạn.” Vì thế, hai vợ chồng chí thú làm ăn để dành đủ tiền để mua nhà. Gần cả tháng trời hai vợ chồng đi coi nhà, chọn nhà vừa ý, rồi mời thầy đến coi phong thủy.
Ông thầy phán: “Hướng nhà hợp với tuổi hai vợ chồng, vị trí đất đai thuận lợi, làm ăn khá.” Rồi hai vợ chồng dọn về nhà mới.
Một buổi tối nọ, hai vợ chồng vừa đi chợ về, mới xuống xe trong garage đã bị hai tên chĩa súng đẩy vào nhà trói lại. Sau một hồi tra hỏi không có kết quả, hai tên cướp bắt đầu tra tấn. Hai vợ chồng bị đánh máu me bê bết.
Chịu đau không nổi, chị Năm đành phải khai chỗ giấu tiền và nữ trang. Bọn cướp hốt lẹ rồi tẩu thoát. Anh Năm tự cởi trói, rồi gọi số 911. Cảnh sát đến lập biên bản. Kết quả, vợ chồng anh Năm bị gãy hết mấy cái răng. Bọn cướp thì “cao bay, xa chạy.” Vụ án chìm vào quên lãng.
Anh Năm tìm thầy phong thủy than thở. Ông thầy nói: “Nhờ phong thủy tốt mà làm ăn khá. Đúng rồi. Có khá thì cướp mới tới. Có ai đi cướp nhà nghèo đâu.”
Nguyễn Đan Tâm