User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
banhmi
Mỗi ngày, mẹ tôi phát cho nó một ổ bánh mì. (Hình: Franck Fife/AFP via Getty Images)
 
Sinh thời, khi không nói lý nữa, mẹ tôi có một cách thuyết phục những ương bướng, ngỗ nghịch của anh chị em tôi đang tuổi lớn bằng một câu hỏi tu từ rất… đi vào lòng người!
 
Gần nhà, có một thằng bé bằng tuổi em út tôi. Thằng bé bị cha bỏ rơi mà mồ côi mẹ, sống với ông. Mỗi ngày, mẹ tôi phát cho nó một ổ bánh mì và dặn nó đói lúc nào thì ghé nhà lấy ăn lúc ấy.
 
Nhiệm vụ của chúng tôi là xuất bánh mì cho nó. Đứa nào nghe thấy nó gọi ở hàng rào, thì đi lấy bánh đưa ra.
 
Thằng nhỏ có bữa ham chơi chiều mới đói thì gọi rất gấp gáp… Nhằm bữa nó gọi, mà bà em kế tôi ham chơi nên vùng vằng đưa bánh mì rồi cằn nhằn. Thay vì la em tôi, mẹ tôi chỉ nói rất đơn giản, dễ hiểu: “Con không thấy là em đã khổ lắm rồi sao!”
 
Mẹ tôi không giỏi nói lý lẽ, tính tình nhút nhát thụ động, nên Chúa ban cho bà một khả năng chốt tình huống khá… “chất.” Chúng tôi học cách ngừng truy vấn, ngừng hằn học, ngừng cả than thở trước một tình huống đã xem như “khổ lắm rồi.”
 
Trước những hoàn cảnh mình thấy làm gì được thì làm thôi, như cách mẹ tôi làm hết sức đơn giản: bánh mì bán ba loại: lớn, trung, nhỏ. Mỗi ngày, họ giao đến nhà cho chúng tôi lượng bánh mì loại trung đủ dùng; mấy đứa nhỏ lười ăn, muốn ít hơn; thế là mẹ tôi gom mấy đứa cho xuống cỡ nhỏ, dư ra đúng một ổ cho thằng bé.
 
Tụi tôi ăn ít đi một chút, nhưng chả đứa nào thiếu dinh dưỡng. Phần của thằng bé được cộng vào khẩu phần ăn của gia đình tôi căn cơ nên bền vững. Mẹ tôi rất tự tin về điều đó, mỗi khi chúng tôi hỏi bao giờ thì ngưng cho nó bánh mì? Mẹ tôi trả lời: “Đến khi em không đến nữa thì thôi.”
 
 
Chương Đặng

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com