User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
vidanmaianh
 
(Tưởng nhớ cố Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu)
 
Vào những năm Sài Gòn chưa được mở mang đường xá, cầu cống thêm lên, Ngã Tư Bảy Hiền - cùng với Ngã Tư Hàng Xanh và Cầu Chữ Y - có lẽ là những nơi nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên nhất mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc mới hoặc lúc tan sở, bởi lưu lượng người và xe cộ qua lại cửa ngõ phía Tây này vào các thời điểm đó rất đông. Nói như vậy cũng là để mặc nhiên thừa nhận, Ngã Tư Bảy Hiền là địa danh rất thân thuộc với nhiều người Sài Gòn. Thân thuộc quá đến nỗi nhiều khi quên luôn những sự kiện văn hóa lịch sử gắn chặt với khu vực này từ trước biến cố 30/4/1975. Có ít nhất 4 liên tưởng gợi nhớ đến Ngã Tư Bảy Hiền, khiến nó trở nên đặc biệt.
 
Thứ nhứt là tên gọi mộc mạc, dân dã, đậm chất Nam Bộ nghĩa tình của nó. Giao lộ Lê Văn Duyệt (Sài Gòn) - Võ Tánh (Phú Nhuận) - Nguyễn Văn Thoại trước đây (tức CMT8 - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt bây giờ) đã được đặt tên theo ông Trần Văn Hiền, một đại điền chủ rất giàu có thời đó (thập niên 1930) với đất đai, ruộng vườn của ông trải rộng khắp vùng đất thuộc Trường Chinh, Cộng Hòa, Bàu Cát… ngày nay. Do ông là con thứ bảy trong gia đình nên được gọi là Bảy Hiền. Mà đúng là “hiền” thiệt. Thay vì kênh kiệu khinh người, ông lại nổi tiếng thương người. Vào dịp ngày rằm hàng tháng, ông hay sai người nhà mang đầy hai thúng bạc xu điếu ra trước cổng mà bố thí cho người nghèo. Ông là một hình ảnh tiêu biểu cho 2 chữ “Vì Dân”. Bởi vậy, dần dà, cái ngã tư đường đất trước khuôn viên nhà ông được người dân ưu ái gọi là “Ngã Tư Bảy Hiền” cho tới tận bây giờ.
 
Thứ hai, tên gọi ngã tư này còn thấp thoáng, ẩn hiện trong nhạc phẩm thấm đẫm tình người “Cho Một Người Nằm Xuống”, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào cuối năm Mậu Thân 1968 nhằm tưởng nhớ đến cái chết người bạn thân và cũng là ân nhân quá cố của ông, Đại Tá Không Quân Lưu Kim Cương. Ðại Tá Cương, lúc đó đang là Tư Lệnh Không Đoàn 33, đã bị một quả B40 của quân Bắc Việt giết chết vào 10 giờ sáng ngày 2/5/1968, ngay tại Nghĩa Trang Quân Đội Pháp (hiện là Trung tâm triển lãm và Nhà văn hóa quận Tân Bình). Sinh thời, Đại Tá Lưu Kim Cương đã nhiều lần bảo lãnh cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khỏi bị Cảnh Sát Quốc Gia VNCH câu lưu, thẩm vấn vì những nghi ngờ ông Sơn là nằm vùng được Mặt trận Dân tộc Giải phóng MNVN cài vào Sài Gòn (nghi ngờ này không trật chút nào!). Vậy là, đã có thêm một gương sáng vì dân mà hy sinh.
 
Thứ Ba, đâu đã hết, nhắc đến Ngã Tư Bảy Hiền là phải nhớ đến một ngôi trường cũ đầy kỷ niệm, giờ đã thành trường “Cao đẳng Lý Tự Trọng”. Trước đây, trường này mang tên “Quốc Gia Nghĩa Tử”, là chỗ học dành riêng cho các con em gia binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chết hoặc bị thương. Bắt đầu niên khóa đầu tiên 1963 - 1964 với vỏn vẹn 500 học sinh, nhưng tới khoá học 1973 - 1974, đã có gần 25.000 người tốt nghiệp, đậu Tú Tài. Thư viện ở đây được xem như lớn nhứt trong tất cả các trường phổ thông trước 1975 và đã vinh dự được cố phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cắt băng khánh thành năm 1971. Học sinh trường “Quốc gia Nghĩa tử” được miễn học phí, miễn tiền nội trú, sinh hoạt ăn uống và chăm sóc y tế cho đến khi ra trường. Bởi tính chất “vì dân” thấm đẫm như vậy (thương bịnh binh giải ngũ thì coi như dân), nên kiến trúc sư Trương Ðức Nguyên đã không lấy tiền thiết kế đồ án và nhà thầu Trần Ngọc Trình cũng đã không nhận thù lao công xây cất.
 
Cuối cùng, đậm đà tình nghĩa vì dân nhứt là hình ảnh khu bịnh viện cũng mang tên “Vì Dân”, toạ lạc ngay ngã tư này. Bịnh viện do bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khởi xướng ý tưởng và kêu gọi quyên góp từ đủ mọi thành phần trong xã hội, từ các thân hào, nhân sĩ đến thương gia, kỹ nghệ gia… để rồi bịnh viện kịp khai trương, được Tổng thống và phu nhân đến cắt băng khánh thành vào ngày 20 tháng 3 năm 1971, sau hơn 7 tháng xây dựng (17/8/1970). Bởi chuyên chở tâm thế “vì dân” của bà Đệ Nhứt phu nhân Mai Anh, cho nên 400 giường của Bịnh viện Vì Dân đã phục vụ dân hoàn toàn miễn phí, từ khám bịnh, phát thuốc chữa bịnh và nằm lại điều trị. Thế nhưng, sau năm 1975, Bịnh viện Vì Dân đã chuyển mục đích phục vụ từ dân sang quan với tên mới “Bệnh viện Thống Nhất”, cũng là cơ sở y tế thuộc “Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương”, khu vực phía Nam, sau khi người phụ nữ sáng lập nên nhà thương này phải lưu vong nước ngoài.
 
Nay bà Nguyễn Thị Mai Anh, tức “cô Bảy Mỹ Tho”, đã trút hơi thở cuối cùng sáng nay tại Nam California để đi đoàn viên cùng chồng bà là cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, hưởng thọ 90 tuổi. Dù bà đã qua đời và dù đứa con tâm huyết của bà năm xưa đã mang một tên khác, chắc chắn lịch sử sẽ vẫn luôn nhắc tới “Bịnh viện Bà Thiệu” với lòng kính trọng nhứt định, bởi cứu cánh tốt đẹp và nhân ái của nó đối với người dân, nơi một ngã tư Sài Gòn phải nói đậm dấu ấn “vì dân” nhứt. Dẫu cho những người Sài Gòn cũ sẽ ít nhiều cảm thấy lạc lõng, bơ vơ khi về thăm cố hương, giữa một thành phố mới mang tên “Hồ Chí Minh”, như lời thơ của nhà văn Nguyễn Đình Toàn thảng thốt: “Mất từng con phố đổi tên đường - khi hẹn nhau ta lạc lối tìm…”, tin rằng hồn cốt Sài Gòn xưa, ký ức Sài Gòn cũ vẫn còn đó, mà Ngã Tư Bảy Hiền chỉ là một minh chứng dễ thấy. Sau chót, trong đức tin Công Giáo, thành kính tiễn bà bằng lời chúc: "Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…”. [1].
 
Lami Nguyễn Hoàng Dũng
 
[1]. Cho Một Người Nằm Xuống (Trước 1975 - Khánh Ly)
Nguồn: Miền Nam Việt Nam - Trước 1975
 
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com