Nguyễn Văn Sâm (tháng 11, 2024)
Trong đời đi dạy học, tôi có rất nhiều học trò từ nửa thế kỷ trước như học trò Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, Pestrus Ký Saigon hay học trò Văn Khoa và sau này là lớp học trò nhí của trường Tiểu Học bên Mỹ, tất cả đến nay tuổi đời suýt soát 60-70 đều đã thành đạt trong cuộc sống, nếu có rải rác đâu đó những kẻ không thành công thì chắc cũng đã thành nhân, đã sống cuộc đời đàng hoàng tử tế, tôi luôn tin tưởng vào số học trò ngày xưa của mình, vì họ đã được hưởng một nền tảng giáo dục rất nhân bản trong chế độ cũ.
Nhưng có lẽ nhờ được làm Thầy nên ngoài số đông học trò “thứ thiệt- học trò ruột”, tôi còn có không ít học trò mà tôi chưa bao giờ dạy họ lần nào, nhưng họ vẫn gọi tôi bằng Thầy với lòng quý mến trong sự giao tiếp, tôi gọi nhóm người này là “học trò vói- học trò ngang hông” nhưng họ cũng đối xử tình nghĩa với Thầy đúng như tinh thần tôn sư trọng đạo, điều này khiến tôi vô cùng tự hào và rất cám ơn cuộc đời đã cho tôi được vinh dự làm Thầy, dù ai cũng biết sự chọn lựa không dễ dàng gì khi bước vào ngành Sư Phạm với tuổi đời còn rất trẻ, và biết bao trăn trở vì cơm áo gạo tiền, vợ con quấn quýt, lương nhà giáo thì đủ sống là mừng, chớ làm sao có của ăn của để như những nghề nghiệp khác, nhưng được cái thanh nhàn, không phải bon chen vất vả trong mưu sinh.
Dĩ nhiên cuộc sống muôn màu thì buồn vui cũng có, cái nghề Thầy của tôi coi vậy mà buồn ít hơn vui, suốt mấy chục năm qua tôi luôn hài lòng về sự chọn lựa này, hồi nhỏ thì thấy mình lớn hơn khi đứng trên bục giảng nhìn xuống đám học trò loi nhoi, nhưng càng về già càng thấy khoảng cách Thầy trò lại gần bằng nhau khi tóc ai cũng bạc. Tôi thích học trò Việt Nam kêu tiếng Thầy nghe thân tình hơn tụi nhỏ bên Mỹ cứ Mr hay Sir ỏm tỏi, bây giờ lại càng thích hơn khi ra đường gặp “học trò” vói gọi Thầy ơi Thầy à dù chỉ mới gặp nhau vài lần đi uống cà phê.
Tôi có mấy ông bạn đồng nghiệp bên nhà bị đám học trò tuổi này còn thích rủ Thầy đi nhậu nữa, cứ vài chai dzô dzô là Thầy giáo lại “tháo giầy” quên mình là ai.
Ngẫm nghĩ cái nghề làm Thầy cũng vui hen, nhưng hồi xưa đâu có “Ngày Nhà Giáo” um sùm gì đâu, mà học trò vẫn kính trọng Thầy Cô một phép, chính sự giáo dục tử tế mới tạo ra nhân cách đàng hoàng cho cả Thầy lẫn trò.
Riêng tôi thì kỷ niệm đau buồn nhất trong đời là bị đuổi ra khỏi trường Văn Khoa khi Saigon bị cưỡng chiếm vào tháng 4/75 đen tối, Thầy giáo mà không được dạy thì khác nào bắt con cá ra khỏi nước, tôi và một số đồng nghiệp cùng chung số phận đã lang thang buồn tủi cho đất nước mình trong giai đoạn bất hạnh đó, nó đã ám ảnh cả trong giấc mơ sau này, để khi tỉnh dậy còn bàng hoàng.
Hơn nữa thế kỷ trôi qua, bạn bè người còn người mất, học trò từng lớp lớn lên, ra đời công thành danh toại hay thất bại trắng tay nhưng vẫn giữ cái nghĩa Thầy trò ấm áp trong lòng, tôi mừng vì mình đã chọn đúng con đường để đi và mãi mãi vẫn còn một số người gọi Thầy khi tay bắt mặt mừng, dù thiệt tình tôi không còn nhớ ai là học trò ruột, ai là học trò vói, nhưng với tôi, tất cả các em luôn dễ thương và tôi cám ơn các em về lòng kính trọng tôn sư này.
Nguyễn Văn Sâm
Victorville, ngày 20/11/2024
Nguồn: FaceBook Nguyễn Văn Sâm.