Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít...
Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị Tổng Thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh... v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
Sở hữu gia tài do thế hệ cha ông để lại, hoặc tự mình vươn lên bằng đôi tay và khối óc là những điều may mắn mà không phải ai cũng gặp được. Nhưng sử dụng vốn liếng trời cho ấy cho đúng với lương tâm lại là một điều không dễ thực hiện. Bao nhiêu cạm bẫy vật chất, bao nhiêu cảnh đời trong phút chốc lại trắng tay. Nếu những người ấy biết dùng sự may mắn để tạo phước đức cho đời này và các thế hệ con cháu, vừa giúp người, vừa giúp mình có một cuộc sống hữu ích, có lẽ cuộc đời sẽ có được biết bao bông hoa tươi đẹp. Và nơi cần sự giúp đỡ ấy nhất có lẽ là những bệnh viện được những người có điều kiện và lòng thiện nguyện giúp đóng góp một bàn tay không nhỏ. Những mảnh đời không may phải mang bệnh tật, nếu không có những tấm lòng nhân ái thì sẽ ra sao? Thời gian gần đây, gia đình tôi đã được tiếp cận và mang ơn những bàn tay ấy đến muôn đời. Cầu xin Ơn Trên gia hộ cho những Tấm Lòng Vàng ấy luôn gặp phước. Xin gởi đến quý vị hai câu chuyện về gia đình của tôi.
Chuyện thứ nhất. Ở xứ Cờ Hoa, những trái tim ấy đã rải tình thương đi cùng khắp. Có những bệnh viện chữa bệnh nan y, bệnh nhân không phải trả bất kỳ một chi phí nào, mà đúng ra rất cao để trang trải bao nhiêu là điều kiện để có được những cuộc phẫu thuật, phòng ốc, nhân viên... Bệnh viện Nhi, nơi cháu tôi vừa mới chào đời, niềm vui chưa trọn thì qua kiểm tra được biết cháu mang căn bệnh rất hiếm ở các bé, có khối nước trên não, chỉ xảy ra 0,15% trường hợp.
Mới được nhìn thấy ánh sáng mặt trời chưa tới một tuần, bé đã phải trải qua phẫu thuật não. Tin như sét đánh! Tại sao? Và tại sao lại là cháu yêu thương của tôi? Bé còn nhỏ quá, sức của bé có thể chịu đựng để vượt qua không? Các bác sĩ với lương tâm nghề nghiệp thật đáng trân trọng vừa muốn cứu chữa bé, vừa muốn học hỏi thêm để đối phó với bao nhiêu căn bệnh nan y khác, hàng ngày đến phòng bệnh của cháu rất nhiều. và trước hôm phẫu thuật, khoảng 20 bác sĩ đến để kiểm tra mắt, tim, phổi... mỗi vị chuyên môn về một ngành.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 9 giờ rưỡi thay vì 6 giờ như dự định. Từng phút giây nặng nề trôi qua. Nhưng Trời xót thương chúng tôi đã gởi đến cho gia đình chúng tôi những vị có lương tâm và tay nghề rất cao nên mọi việc đã thành công. Giờ đây bé đang hồi sức trong ít lâu, để rồi lại chịu hóa trị, xạ trị. Điều làm cho chúng tôi rất ấm lòng trong nỗi đau khôn cùng là ngoài sự giúp đỡ về viện phí của các nhà hảo tâm, còn có bao nhiêu cơ quan đoàn thể đến để giúp ba mẹ cháu làm đơn xin trợ giúp về Y Tế (Medicaid), trợ giúp về phương tiện đi lại (thẻ để đổ xăng… ), những bữa ăn của bệnh viện cho mẹ cháu, và vô vàn những ân cần chăm sóc của những bàn tay thiện nguyện.
Nỗi đau khi nhìn thấy bao nhiêu trẻ con nô đùa, tại sao cháu mình lại không được như chúng, được vơi đi phần nào khi nhận được tình cảm từ những trái tim yêu thương như thế. Cám ơn xứ sở Tràn Đầy Tình Người. Cám ơn những Tấm Lòng Vàng. Xin ghi lòng tạc dạ những sự tận tâm của quý vị bác sĩ y tá, nhân viên của bệnh viện Children's Health, Dallas, Texas. Xin đa tạ các Mạnh Thường Quân.
Và ngẫm nghĩ về Đất Mẹ, nơi các đại gia xây mọi thứ bằng vàng, vung tiền không gớm tay thay vì giúp những bệnh nhân thoát khỏi phải cảnh đau thương! Mỗi bệnh nhân cho dù vào Cấp Cứu, cũng phải bì thư lớn nhỏ thì mới được chữa trị. Tình người của họ ở đâu? “Lương Y Như Từ Mẫu“ đâu rồi? Lời thề Hippocrate “Tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công!” đâu rồi? Chắc họ không cần biết đến lương tâm và việc để lại phước đức cho con cháu. Đau đớn thay!
Chuyện thứ hai. Lúc gia đình tôi mới được thở không khí tự do ở đất nước yêu thương này- sau nhiều chục năm sống với "Bác và Đảng ta". Đến đây rất trễ, so với nhiều gia đình (sau năm 2000), nhưng vẫn còn may mắn hơn những máu mủ ruột thịt còn đau thương ở Đất Mẹ. Có một mùa hè tôi qua California thăm Mẹ và các em tôi.
Một ngày thật đẹp, đi biển Newport, tôi vốn rất mê những con sóng, mê ánh trăng, hoàng hôn, bình minh trên nền trời cũng như đại dương xanh thẫm. Mùa hè nên biển rất đông người, tôi đi với gia đình hai em tôi. Đến nơi hai em bơi ra xa, còn tôi ở gần bờ hơn, tuy vậy mực nước cũng khá sâu. Nước thật trong mát, nhìn ra xa vài con thuyền hoặc ván lướt sóng của các bạn trẻ làm nước bắn tung tóe thật là đẹp mắt và cảnh vật sao thanh bình quá!
Tôi nhắm mắt tận hưởng mùi gió biển, mùi cát mặn, mùi không khí yên bình, vừa thân thương vừa lãng mạn, đất trời bao là đẹp quá... và ước gì ngay bây giờ có một người rất gần gũi đang ở đây, ngay bên tôi, vẫy nước tóe vào nhau như chúng tôi vẫn thích nô đùa như trẻ con mỗi khi ra biển, mơ màng trong niềm vui hư ảo.
Bỗng dưng có con sóng thật mạnh, xoáy vào bên dưới lòng nước, cuốn tôi xuống thật nhanh. Tôi không kịp phản ứng, không còn biết mình phải quẩy chân lên hay la cầu cứu, tôi ú ớ không biết làm thế nào vì kêu không ra tiếng. Trong phút giây ấy, hình ảnh bao nhiêu người thân hiện lên trong trí, Cha Mẹ anh chị em, con cháu... ôi chắc tôi không kịp nói lời giã từ. May sao có một chị người “Mễ” bơi gần đó chạy lên gọi người canh gác bãi biển (safeguard). Người ấy chạy đến ngay và mang tôi lên bờ, làm hô hấp cấp cứu cho tôi.
Tôi thiếp đi. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường bệnh viện cấp cứu, lúc đó người em kế tôi đang đứng bên cạnh giường, và kể lại mọi việc. “…Chỉ một giây nữa thôi, nếu chị người “Mễ” ấy không nhìn thấy, thì giờ này chị đang nằm trong một hộp sắt của ngăn phòng lạnh, im hơi, cùng với bao nhiêu người khác, được kéo ra kéo vô để em và mọi người nhìn thăm chị, chị ơi...!" Vài ngày sau đó, tôi được về nhà, rồi về lại xứ Cao Bồi Texas của tôi.
Nhiều ngày sau, là giấy đòi nợ (bills) khoảng 7,000 đô la! Trời ơi! Gia đình tôi qua đây rất trễ. Hai con trai lớn trên 21 tuổi đã phải du học bên nước Úc, chỉ có hai gái út còn học Trung Học. Bố chúng cũng phải đi cày, phần tôi đi dạy tiếng Pháp và làm thêm 4 “jobs” bán thời gian. Thì ngoài những hóa đơn hàng tháng cho mọi sinh hoạt, làm sao có được một vài trăm mỗi tháng để trả góp cho khoản nợ kếch xù này đây?
Trời đất quay cuồng. Thêm nữa, bên Cali mọi thứ đều đắt đỏ hơn nhiều so với bên tôi ở. Tôi lo canh cánh trong lòng suốt nhiều ngày. Vì mới qua nên không biết rằng ở đây ai cũng phải mắc nợ, từ cô cậu sinh viên cho tới những người có cơ sở làm ăn tiểu thương hoặc đại thương gia. Khi nghe người thân và bạn bè cho biết điều ấy, tôi cũng đỡ lo, nhưng cũng phải nghĩ đến việc trả dần món nợ. Thế là mỗi tháng gởi tạm bên bệnh viện Newport vài chục, một trăm đồng thời làm đơn để được chứng minh là thu nhập thấp, mong họ bớt phần nào món nợ ấy.
Vài tháng trôi qua, tôi đã gởi những giấy tờ cần thiết qua Cali, mà vẫn trả nợ vài phần trăm của số tiền ấy. Đến một ngày, thật là một ngày đẹp trời mùa Xuân, theo như người bản địa các đồng nghiệp thường nói khi họ có một việc rất vui mừng: “You made my day!” Ngày hôm nay tôi thật sự vui mừng quá. Đó là ngày nhận được thư của bệnh viện bên Cali, ghi rằng tôi không còn nợ họ đồng xu cắc bạc nào nữa cả, và lại còn được hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà tôi đã chắt chiu hàng tháng để trả nợ khoảng vài trăm đồng! Thật sự là Lạy Trời! Thật không ngờ một đất nước quá sức Giàu lòng Nhân Ái, thấu hiểu nhưng nỗi khổ của người “lao động cật lực" Tình người bao la, thế nên đất nước họ giàu mạnh là phải, vì được Trời thương!
Những mẩu chuyện trên đây, có lẽ và chắc chắn đối với những người định cư nơi này rất lâu, hoặc đối với người dân bản xứ là điều bình thường, nhưng đối với gia đình tôi, mới được vớt lên từ hố sâu thẳm của khổ ải với thực tế quá phũ phàng của bên gọi là thắng cuộc, với bao nhiêu là đắng cay tủi nhục mà bất kỳ nỗi đau nào cũng cần phải có “bao thơ”, thì những sự việc cỏn con này là niềm hạnh phúc vô biên.
Một lần nữa, xin cảm ơn Nước Mỹ, cảm ơn dân Mỹ và chính quyền Mỹ nói chung, và xin cảm ơn những vị ân nhân- Cầu xin Ơn trên luôn ban Bình An đến gia đình họ. Xin Tạ Ơn Trời.
Mùa Tạ Ơn 2024, xứ Cao Bồi Texas
Phannữlan
Tác giả Phan Nữ Lan (Tháinữlan/TháiLan) sinh trưởng tại Đà Lạt, Việt Nam. Cô làm công việc giảng dạy Pháp ngữ và Anh ngữ và biên, phiên dịch ở Việt Nam cũng như khi đã định cư tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Cô còn là cộng tác viên của báo Trẻ magazine, Bút Việt, Nam Úc Tuần Báo, Á Châu Thời Báo, báo Người Việt và Việt Báo. Đây là bài viết đầu tiên tham dự chương trình Viết Về Nước Mỹ mang nội dung bày tỏ lòng tri ân với những “tấm lòng vàng” trong đời sống của cô và gia đình nhân mùa lễ Tạ Ơn.