User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

anhbang

Trong số các nhạc sĩ đã từng sáng tác trước năm 1975 ở Việt Nam có lẽ Anh Bằng là người thành công nhất, nếu dựa trên con số ấn bản của những nhạc phẩm. Theo chương trình Thơ Nhạc Hằng Tuần của đài VOA phát thanh vào ngày 7/11/2007 thì có một nhạc phẩm của ông đã được phát hành ra đến trên 4 triệu bản! Một con số kỷ lục! Ðiều đó đã nói lên được sự ái mộ của giới yêu chuộng âm nhạc Việt Nam đối với nhạc Anh Bằng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao ông lại thành công đến như vậy? Phải chăng đó là vì sự đồng cảm hiện hữu nơi người sáng tác và giới thưởng lãm? Ðể có câu trả lời chúng ta thử tìm hiểu một số nét đặc thù trong dòng nhạc của ông.

Thật vậy, nếu nhìn nhạc Anh Bằng qua một lăng kính hội tụ thì chúng ta nhận thấy ông chính là một người trong đại đa số quần chúng; có cùng một rung cảm như họ trước bao nhiêu hoàn cảnh của xã hội, của đất nước. Sự khác biệt là ông đã diễn tả được sự rung cảm này một cách tài tình và trung thực qua dòng nhạc của ông, tạo nên những rung động nhẹ nhàng, những cảm xúc tràn đầy tình người. Thêm vào đó nhạc Anh Bằng rất đa dạng, phong phú và sáng tạo qua nhiều thể loại, trữ tình, lãng mạn, vui tươi, hùng hồn; được cấu trúc với nhiều tình tiết uốn khúc giống như một cốt truyện hay một bức tranh sống, nên dễ dàng lôi cuốn người nghe thuộc mọi giới.

Anh Bằng là một nhạc sĩ viết nhạc “hát một câu chuyện”. Thật vậy, ngoài một số nhạc phẩm ông lấy ý thơ hoặc phổ nhạc từ thơ Nguyên Sa, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hữu Loan, Yên Thao v.v., hầu hết những tác phẩm còn lại là do chính ông soạn lời; nếu nghe kỹ những sáng tác này chúng ta sẽ thấy khi cấu trúc nội dung một bài hát ông có lối dẫn nhập rõ ràng, hoặc lung khởi hoặc trực khởi, vào cốt truyện, rồi đến hồi kết. Như trong bài “Chuyện Một Đêm” ông kể về thảm cảnh Tết Mậu Thân xảy ra tại một thôn xóm nghèo tiếp theo tiếng súng nổ vang trời là một cảnh tượng thật bi đát, với lửa cháy ngùn ngụt, thiêu rụi những mái nhà thân yêu, rồi tiếng kêu than của dân làng; rồi hình ảnh một người mẹ đau khổ ôm trên tay đứa con thơ bé bỏng bị thương, máu loang in đậm nền áo trắng, đang tìm cách đem con ra khỏi cảnh tang thương. Nhưng khi nhìn lại con thì đứa bé đã tắt thở từ lúc nào trên cánh tay yêu thương của người mẹ. Thật không còn gì đau đớn cho bằng! Rồi người mẹ biểu lộ tình thương yêu của mình đối với đứa con bằng cách đặt một chiếc hôn cuối cùng trên vầng trán lạnh của đứa bé dưới trời mờ sương trên đám cỏ bình an.

Chuyện một đêm khuya nghe tiếng nổ nổ vang trời
Chuyện một đêm khuya ôi máu đổ đổ lệ rơi
Chuyện một đêm khuya nghe tiếng than trong xóm nghèo
Mái tranh lửa cháy bốc lên ngun ngút trời cao
Bà mẹ đau thương như muối đổ đổ trong lòng
Chạy giặc ôm con qua những cảnh cảnh lầm than
Và người con yêu đã chết trên tay lúc nào
Xót xa vạt áo trắng hôm nay hoen máu đào
Ai, ai giết con tôi
Ai cướp con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình
Ôi thương lời nói tội tình, hàm bao đớn đau
Giờ mẹ con đành cách nhau
Bà đặt con lên đám cỏ phủ sương mờ
Tội gì con ơi khi lứa tuổi tuổi còn thơ
Bà nhẹ đưa môi hôn trán con yêu giá lạnh
Vuốt ve lần cuối trước khi xa con suốt đời
(Chuyện Một Đêm – Viết trong dịp Tết Mậu Thân)

Nhạc sĩ Anh Bằng đã dùng phương thức tượng hình, đem các hình ảnh sống đan vào nhau nên khi nghe hay hát chúng ta có cảm tưởng như đang xem một cuộn phim với những cảnh thực đang diễn ra trước mắt, với cốt truyện được ru theo một âm điệu lúc trầm bổng, lúc nhẹ nhàng, lúc sống động, lúc mơ hồ, quyện vào nhau như khói quyện với sương, như trăng hòa với nước. Một câu chuyện được dàn dựng khúc chiết, có tình tiết, có bố cục chặt chẽ. Tất cả đã giúp cho người nghe hiểu được ý bài hát cộng thêm những rung cảm sâu đậm bộc phát khi thưởng thức. Đúng là hát một câu chuyện. Như trong nhạc phẩm “Tiếng Ca U Hoài”, dù rằng ông sáng tác chung với nhạc sĩ Lê Dinh, nhưng âm hưởng của bản nhạc vẫn đậm nét Anh Bằng; do đó nhiều người cứ lầm tưởng nhạc phẩm này là của chính riêng ông. Ông yêu mến một tiếng hát, luyến nhớ tiếng hát đó để cho tình yêu thấm đẫm của ông lướt thướt trên cỏ ngàn, qua những núi đồi trùng trùng điệp điệp, theo chiếc ba lô lính xuôi ngược khắp các miền đất nước. Thay vì mượn cánh chim câu đưa tình thư cho người có giọng hát u hoài ấy thì ông lại âm thầm mượn cung đàn tỏ niềm mong nhớ người xưa. Trong đời một người thử hỏi mấy ai “không qua một lần yêu tha thiết…” để rồi “Lấy trăng gối mộng dệt nhiều mơ ước xa xôi”; và nhất là trong hoàn cảnh đất nước, khi chiến cuộc leo thang, biết bao nhiêu chàng trai “đi xây tình đất nước quê hương, sông hồ muôn hướng…”. Trên bước đường hành quân “Có những khi ngồi đón hoàng hôn” hay “những khi nhìn trăng xế đầu non”“ngờ rằng mình yêu vì nghe lòng nhớ…”. Ôi! Thật đúng và thật tài tình làm sao khi ông diễn tả lòng mình mà khiến bao người nghe cứ ngỡ đó là tâm sự của chính mình!

Tôi chưa quên một bài ca chan chứa u hoài
Những đêm vắng lạnh bùi ngùi gợi nhớ thương ai
chưa quên một giọng ca ôi luyến lưu làm sao
non như tiếng sáo ru ban chiều
Và dịu êm như khúc ca tình yêu
Bao năm qua miệt mài đi giữa chốn non ngàn
Tiếng ca vẫn gửi niềm thương nỗi nhớ bâng khuâng
Bao năm qua mà giọng ca xưa vẫn ghi vào tôi
người em mái tóc đen buông dài
Dù ngàn sau thương nhớ chẳng nhạt phai

Có những khi ngồi đón hoàng hôn
Những khi nhìn trăng xế đầu non
Ngờ rằng mình yêu vì nghe lòng nhớ
Thoáng bóng không gian thành tơ với cung đàn thương
biết yêu là đau khổ vì duyên mình dang dở
Vì đời mình còn đi xây tình đất nước quê hương
Sông hồ muôn hướng
Biết ngày nào thuyền đến bờ
Ai không qua một lần yêu tha thiết trong đời
Lấy trăng gối mộng dệt nhiều mơ ước xa xôi
Tôi xin dâng trọn niềm thương lên phím tơ người ơi
Dù ngày mai xa cách muôn phương trời
Thì đàn tôi chỉ nhớ một người thôi
(Tiếng Ca U Hoài – Anh Bằng)

Tuyệt! Không những vậy ông lại còn sử dụng kỹ thuật vận năng từ ngữ một cách sống động. Trong những sáng tác của ông chúng ta bắt gặp rất nhiều nơi ông dùng nghệ thuật chơi chữ qua hình thức đối thanh và lập lại nghe lạ mà hay, chừng như thêm chữ mà không thừa, tưởng chừng buông lơi mà sâu thẳm, làm cho ý câu được tô thêm son, điểm thêm phấn, như hai câu đầu của bài “Chuyện Một Đêm” ông đã lập lại chữ “nổ” và chữ “đổ” hai lần và dùng cặp chữ “trùng” này đối với nhau.

Chuyện một đêm khuya nghe tiếng nổ nổ vang trời
Chuyện một đêm khuya ôi máu đổ đổ lệ rơi
(Chuyện Một Đêm) – Viết trong dịp Tết Mậu Thân –

hoặc đối nét tượng hình như trong bài “Nối Lửa Đấu Tranh”

Bàn tay anh, bàn tay em, bàn tay treo nắng trên đường phố
Bàn chân anh, bàn chân em, bàn chân ngăn bão táp phong ba
(Nối Lửa Đấu Tranh – Anh Bằng)

Cũng như xử dụng lối đảo ngược chữ nghe rất dễ thương, rất lãng mạn, rất trữ tình.

Huế ơi không nói mà ly biệt
Mà biệt ly đời Huế với tôi.
(Huế Đã Xa Rồi – Anh Bằng)

Vâng! Ông đã vận hành một lối văn chương trau chuốt, không những từ ngữ được chọn lọc kỹ càng mà còn mang âm hưởng thi ca. Lối trau chuốt từ ngữ tràn đầy thơ tính này mượt mà như lụa, nhẹ nhàng như gió, ray rứt như mưa dầm, và mênh mang như nắng hạ……….

Thật vậy, trong các sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng ngoài âm điệu hợp “gu” người nghe, từ ngữ ông dùng rất gần gũi với quần chúng; ông không dùng sáo ngữ hoặc những từ ngữ khó kiếm trong cõi hồng trần này như chúng ta thấy trong một số trường hợp khác khiến người nghe cứ phải tự hỏi: “Ông nhạc sĩ này muốn nói gì nhỉ?”. Thêm vào đó những tác phẩm của ông có nội dung rõ ràng, mạch lạc, và nhất là rất “thật” khiến người nghe như đang cảm nhận được sự rung cảm của chính mình.

Với hằng mấy trăm nhạc phẩm, nhạc sĩ Anh Bằng đã nâng niu, chăm sóc những đứa con tinh thần của mình bằng cách điểm tô cho thêm nhiều sắc màu, từ nội dung cho đến hình thức mênh mang qua các thể điệu khác nhau như Rumba, Tango, Chachacha, Boston, Pop, Slow v.v. . Không những chỉ dàn dựng phương thức “hát một câu chuyện” nhạc sĩ Anh Bằng đã đưa thi ca vào âm nhạc để hồn thơ len nhẹ trên phím đàn, ông còn xử dụng thể nhạc 7 chữ giống như thơ, như trong bài “Vẫn Như Lầu Hoang”, “Mất Nhau Mùa Đông” hay “Đừng Nói Yêu Tôi“ hoặc thể nhạc 10 chữ trong nhạc phẩm “Về”

Về ngang qua đường cũ lá vẫn xanh nguyên màu
Có đôi chùm hoa lá chậm tím vì mong nhau
Về ngang qua quán cũ nhạc vẫn vang trong chiều
Lời ca như sóng vỗ cuốn lòng theo bay theo

Về ngang qua sông cũ đò xưa nay đã già
Trăng hẹn hò thuở nọ giờ tách bến lao xao
Về ngang qua phố cũ nhạc lòng theo gió mưa
Ngỡ khi mình đứng đợi chung đầu dưới hiên xưa

Về ngang qua trường cũ bông rừng thèm vu vơ
Trái me ai chia nửa đến bao giờ thôi chua..???
(Về – Anh Bằng)

Và kết hợp thể nhạc 7 chữ và tự do trong bài “Huế Đã Xa Rồi”.

Huế đã xa rồi Huế của tôi
Chiều nay thương nhớ một phương trời
Huế ơi không nói mà ly biệt
Mà biệt ly đời Huế với tôi.
Bao tháng năm rồi Huế ở mô
Tình xanh bóng lá mùa trăng nào
Huế thương ơi biết nói răng chưa
Giờ thương nhau biết mấy cho vừa
Kẻ bên ni đêm đêm nỗi sầu bi,
nhắc kẻ ở bên tê

Tôi vẫn đi tìm Huế của tôi
Ngàn Thu áo tím ở bên trời
Vẫn nghe ray rứt bờ môi lạnh
Để khóc từng đêm Huế mô rồi

Vẫn nghe ray rứt bờ môi lạnh
Để khóc từng đêm Huế mô rồi
(Huế Đã Xa Rồi – Anh Bằng)

Bàng bạc đó đây trong dòng nhạc Anh Bằng là hình ảnh quê hương yêu dấu, hình ảnh đẹp muôn đời với những ngày mưa ngày nắng, với những biển rộng sông dài, những triền sóng bao la, những núi đồi chập chùng đỉnh ngọn, dải đất thiêng liêng chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau đã được tổ tiên ta từ bao đời khổ công gầy dựng, luôn ấp ủ trái tim người nhạc sĩ. Hình ảnh dấu yêu nghìn đời đó đã theo đuổi ông len lỏi vào từng hơi thở, từng giấc ngủ, tiếp nối nhau nhảy múa trên phím đàn, trào dâng cảm xúc trên từng âm giai của điệu nhạc. Và trong những nhạc phẩm quê hương của ông, nhất là những sáng tác phản ảnh thời cuộc, nơi nào có bóng hình quê hương là nơi đó có dáng dấp kiêu hùng của người thanh niên Việt Nam thời chiến với đức tính hy sinh, với tinh thần trách nhiệm đối với tổ quốc non sông, với hồn thiêng sông núi, luôn ngẩng cao đầu chiến đấu để gìn giữ dải đất mẹ mến yêu. Đức tính hy sinh của chàng trai Việt vì nợ nước phải quên tình riêng luôn được ông ca ngợi, điển hình là trong bài “Gõ Cửa”.

Luyến ái làm chi sẽ khổ lắm em
Đếm lá mùa thu vương đổ bên thềm
Khi sơn hà nhiều nỗi điêu linh
Đôi bờ đôi ngả phân tranh
Nghĩ chi nhiều đến chuyện chúng mình
(Gõ Cửa – Anh Bằng)

Phụ nữ Việt qua các thời đại luôn đóng một vai trò không kém quan trọng như đã được đề cao đó đây trong văn chương và thi phú. Cũng trong tinh thần này nhạc sĩ Anh Bằng đã khéo léo lồng hình ảnh người phụ nữ Việt trong dòng nhạc của mình ngầm tôn vinh đức tính hy sinh của họ khi kết thúc nhạc phẩm “Gõ Cửa”.

Nếu biết rằng tôi đã bỏ cố hương
Khoác áo đời trai đi ngựa lên đường
Tôi tin rằng người ấy thêm thương
Vui lòng cho kẻ phong sương
Dấn thân ngoài súng đạn sa trường”
(Gõ Cửa)

Nét độc đáo của dòng nhạc Anh Bằng là sự sáng tạo chuyên biệt. Ông kết hợp hài hòa nhiều yếu tố cần thiết trong tiết tấu âm thanh cùng nội dung và hình thức đã tạo nhiều cảm xúc nơi người nghe, lúc mênh mang qua những cánh đồng sim, lúc chập chờn trên cánh bướm cành hoa, lúc thênh thang như gió lộng, ray rứt như mưa giăng, như nỗi buồn đêm vắng, nhịp nhàng như tiếng bước chân ai gõ khua phố vắng, dồn dập như tiếng súng trận chiến trường vẫn từng hồi âm vang trong lòng người ái mộ. Ngoài sự sáng tạo chuyên biệt đó, tình yêu quê hương và tha nhân vẫn luôn rộng mở trong lòng ông qua cửa ngõ tâm hồn; vì vậy hồn nhạc luôn được cảm xúc thúc đẩy trào tuôn trên phím tơ những làn gió nghệ thuật cho quê hương, cho dân tộc và cho bè bạn giữa cõi hồng trần “sắc sắc, không không”.

Giờ đây, với tuổi đời của ông đã vượt quá xa cái tuổi được gọi là “cổ lai hy”, chắc hẳn không một ai trong chúng ta còn vọng tưởng nơi người nhạc sĩ tài ba này những sáng tác mới nữa. Nhưng không, cảm xúc để viết nhạc của ông vẫn còn tràn đầy. Ông vẫn sáng tác, vẫn tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần với tất cả niềm rung cảm, vẫn nâng niu từng cung điệu. Và bài viết nhỏ này chỉ nhằm nói lên lời tri ơn một vị lão thành của nền âm nhạc Việt Nam nói chung, và Việt Nam Cộng Hòa nói riêng, đã cho chúng ta, những người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, mọi giai tầng trong xã hội, những rung động chân thành, điểm tô cho cuộc đời thêm sắc, thêm hương.

Hoàng Huy Giang (Úc Châu, tháng 12 – 2008)

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com