User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

nguyenvandong2018

Giã Biệt Tác Giả Chiều Mưa Biên Giới

Được tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vừa qua đời tại Sài Gòn tối Thứ Hai 26/2/2018 hưởng thọ 87 tuổi (theo cách tính của truyền thống Việt Nam- ông sinh ngày 15-3- 1932 tại Sài Gòn); lòng tôi bồi hồi nhớ tới người nhạc sĩ kính mến cùng những ký ức tuổi thơ của mình.

Lúc khoảng 10 tuổi, ôm cây ghi ta mò mẫm từng phím thì Chiều Mưa Biên Giới là một trong những bản nhạc đầu đời tôi khảy đàn. Bài nhạc có 2 dấu thăng, tông Re Trưởng, vừa khảy vừa hát theo lời ca. Thời đó đầu thập niên 60, Chiều Mưa Biên Giới nổi tiếng, nghe qua Đài Phát Thanh Sài Gòn tiếp vận làn sóng cả nước, nghe các anh chị hát ngêu ngao và cho đến hôm nay lời ca và âm điệu của bài hát vẫn còn quen thuộc với nhiều người.

Xin ghi lại lời ca Chiều Mưa Biên Giới:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt người về bơ vơ. Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang, trăng còn khuyết mấy hoa không tàn. Cờ về chiều tung bay phất phới, gợi lòng này thương thương nhớ nhớ, bầu trời xanh lơ.

Điệp Khúc: Đêm đêm chiếc bóng bên trời, vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người. Xa xôi cánh chim tung trời, một vùng mây nước, cho lòng ai thương nhớ ai. Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay, lưng trời nhớ sắc mây pha hồng. Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng, người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm.

Người đi khu chiến thương người hậu phương, thương màu áo gởi ra sa trường. Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi.

Xét về nét nhạc (melody) thì dễ nghe, có duyên, nhưng về lời ca thì thật là đặc biệt. Tả cảnh biên giới một chiều mưa nơi người lính chiến đang ở. Nỗi nhớ người yêu phương xa nhẹ nhàng với từ ngữ bay bổng, lãng mạn pha chất kiêu hùng của người chiến sĩ nơi trận mạc. Còn thêm một chút triết lý “lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn”.

Trong khi nhạc ở miền Bắc thời đó dùng chữ “ Chiến khu” thì Nguyễn Văn Đông đưa chữ “ Khu chiến” vào bài hát; cũng là một nét độc đáo của Chiều Mưa Biên Giới.

Mời nghe lại tiếng hát Trần Văn Trạch với Chiều Mưa Biên Giới để cảm nhận cái hay của bài nhạc:

Trần Văn Trạch – Chiều Mưa Biên Giới – Thu Âm Trước 1975

Nhà phê bình âm nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh từng nói với tôi rằng các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có tư tưởng lớn.

Một bài khác là Hải Ngoại Thương Ca nét nhạc trong sáng và có những câu chan chứa nỗi ước mơ lớn mạnh của dân tộc Việt Nam:

Một mùa thương kết muôn hoa lòng. Người về đây nối câu tâm đồng. Về cho thấy xuân hồng má em, cho tình xưa thôi cách xa, về chung mái nhà lá. Người về đây giữa non sông này. Hội trùng dương hát câu sum vầy. Về cho thấy con thuyền nước Nam, đi vào mùa Xuân mới sang, xa rồi ngày ấy ly tan.

Điệp khúc: Tôi đi giữa trời bồi hồi, cờ bay phấp phới vui ngày đoàn viên. Vinh quang nước Việt đời đời, anh dũng oai hùng vang danh thế giới. Mặc thời gian tóc pha đôi màu. Mặc đại dương sóng to mưa gào. Đàn chim bé trong làn chớp xanh, Yêu trời tự do Á Đông, thương về đồi núi xa xa.

Mời nghe Hải Ngoại Thương Ca với tiếng hát Hà Thanh:

Hải Ngoại Thương Ca (Nguyễn Văn Đông) – Hà Thanh pre 75

Ngoài những bài tình ca chan chứa lý tưởng của một chàng trai theo nghiệp chiến binh như Sắc Hoa Màu Nhớ, Mấy Dặm Sơn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với bút hiệu Phượng Linh viết ca khúc Đoạn Tuyệt, dòng nhạc ngọt ngào và lời ca u buồn của một kẻ thất tình:

Một mai em có đi lấy chồng. Vòng tay ân ái thay hình bóng.

Xác pháo tươi hồng như trái tim, êm ái trao lòng tôi vết thương. Em biết không em? Một mai đôi ngã xa cách rồi.

Người say duyên mới quên thề ước. Xin chiếc khăn nồng hương cố nhân, đôi mắt em màu xanh ái ân để nhớ muôn đời.

Nước non còn đó, Người sao chóng quên bao lời thề xưa ước hẹn nhau. Bốn phương trời mây còn đâu nửa ngày vui xưa hoà khúc ca sum vầy. Nào ai lấy thước đo tấc lòng. Tình như mây khói trên làn sóng. Anh sẽ đi tìm trong lãng quên, Nhưng cố quên lại càng nhớ thêm. Vì trót yêu rồi.

Mời nghe bài Đoạn Tuyệt của Nguyễn Văn Đông với Thanh Tuyền:

Đoạn Tuyệt – Thanh Tuyền – Nguyễn Văn Đông – Nhạc Vàng Trước 75

Mấy năm trước, nhạc sĩ Phan Anh Dũng, chủ trương Nguyệt San Cỏ Thơm trên Internet có đăng những bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và một số bài hát mới của ông về tình hình đất nước Việt Nam trong nguy cơ bị Tàu xâm chiếm Biển Đông. Điều này chứng tỏ dù tuổi đã cao, đã trải qua mười năm tù Cộng Sản sau năm 1975 vì là Sĩ Quan cấp Tá của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng Đại Tá Nguyễn Văn Đông vẫn mãi mãi là người nhạc sĩ có tâm tình nồng nàn với dân tộc với đất nước.

Mời nghe bài Trường Sa Lương Tri Thế Giới của Nguyễn Văn Đông:

Trường Sa, Lương Tri Thế Giới – Nguyễn Văn Đông

Mời xem tiểu sử nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất đầy đủ do chính ông cung cấp cho đặc san Cỏ Thơm Magazine của nhạc sĩ Phan Anh Dũng ở Virginia.

http://cothommagazine.com/nhac1/NguyenVanDong/TieuSuNhacSiNguyenVanDong-Nov2017.pdf

Gọi phôn cho MC Trần Quốc Bảo, người có nhiều lần gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông những năm sau này, thì anh nói rằng ngoài tài năng âm nhạc thì tác giả Chiều Mưa Biên Giới có một nhân cách đáng kính, nhất là trong thời gian 10 năm tù Cộng Sản 1975-1985. Khi ra tù về lại Sài Gòn thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vẫn sống khép kín và sáng tác. Ông từ chối lời mời của các trung tâm băng nhạc hải ngoại và trong nước để xuất hiện trở lại trước công chúng.

Binh nghiệp và nhạc nghiệp của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông

Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một chỗ đứng rực rỡ trong vườn hoa âm văn nghệ của Việt Nam. Nét oai hùng của một vị Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bàng bạc trong nhiều tác phẩm ca nhạc lãng mạn của ông. Đó là nét đặc biệt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mà bài hát Chiều Mưa Biên Giới tiêu biểu.

Một thời ở chung với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn ở Gia Nã Đại, được nghe kể lại câu chuyện thi ca trong tù Cộng Sản có một anh làm thơ 4 câu như sau:

Buồn quăng hòn đá xuống giòng sông
Nó vẽ to dần con số không
Như mảnh đời dần rồi tan biến
Chiều Mưa Biên Giới Nguyễn Văn Đông.

Câu cuối bài thơ vì bí vận cho nên anh chàng này dùng chữ như vậy, nói lên sự nổi tiếng của bài hát. Và cũng vì thế mà bài thơ trở thành giai thoại.

Tôi vẫn định xin số phôn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để hỏi thăm và tìm hiểu về sự nghiệp sáng tác của ông; nhưng dần dà thời gian qua mau và ông đã từ giã nhân thế.

Xin bày tỏ sự ngưỡng mộ và thương tiếc về người nhạc sĩ tôi kính mến: Nguyễn Văn Đông- Chiều Mưa Biên Giới.

Nửa Khuya Ohio, mùa tuyết đổ 2018

Trần Củng Sơn

******

Nguyễn Văn Đông: Trái Tim Việt Nam

Nguyễn Văn Đông sinh tại Sài Gòn. Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam ở Vũng Tàu. Ở đây, ông được học nhạc với các Giảng Viên Âm Nhạc của Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Pháp sang giảng dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở thành một thành viên của ban Quân Nhạc Thiếu Sinh Quân. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như "Thiếu Sinh Quân Hành Khúc", "Tạm Biệt Mùa Hè"...

Thiếu Sinh Quân Hành Khúc - Hợp Ca

Cuối năm 1951, ông chính thức nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia. Sau Hiệp Định Geneve, di chuyển vào Nam và đến năm 1955, chuyển sang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tên tuổi Nguyễn Văn Đông đã được nhiều người biết tới như một nhạc sĩ tài ba đa dạng, từ nhạc tình yêu đến nhạc quê hương, nhạc chiến đấu cũng như nhạc đời.

Về tình yêu, Nguyễn văn Đông xuất hiện như một người tình dễ mến. Ông đã dùng nốt nhạc để ca tụng tình yêu vượt thời gian như một dấu ấn trọn kiếp thương hoài:

Thương ai vẫn thương hoài
Muôn kiếp không phai
Anh đi về nơi ấy tìm những phút vui xưa
Trông nhau mà không nói lòng hết thấy bơ vơ
Anh đi về lối ấy tìm lấy bóng em thơ
Thương ai mãi thương ai..

Tình yêu da diết như thế, nhưng ít khi trọn vẹn. Tuy tình đã lỡ, nhưng hình bóng em cứ mãi lãng đãng trong đời anh, nhất là mỗi khi xuân về dáng em lại thấp thoáng trong mơ:

Xuân sang lả lơi chợt thấy hoa cười
Nối duyên chạnh nhớ một người
từ mùa Xuân trước tới bây giờ còn mơ

Xuân nào sánh vai cùng ngắm hoa đào
Ái ân nào chẳng lúc tàn
vườn em thơm ngát chờ anh bước sang

Hình ảnh vườn em thơm ngát, thì cũng gắn liền với hình ảnh quê hương thân yêu, mà mỗi lần nhớ về là mỗi lần cảm thấy lòng quặn thắt:

Một mùa thương kết muôn hoa lòng
Người về đây nối câu tâm lòng
Về cho thấy xuân nồng áo em
Cho tình xưa thôi cách xa
Về chung mái nhà lá

Nhớ, rồi cầu cho quê hương thanh bình, mau sạch bóng thù để trăm con Việt đoàn viên dưới cánh mẹ:

Mẹ ơi cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường
Đồng bào ta cùng thương nhau xóa hận thù đi lấp đi đường ranh giới
Mẹ ơi và con trai của mẹ ngày mai sẽ về sẽ về
Mẹ ơi mẹ hiền ơi chớ buồn vì con nước non chưa tròn

Với nỗi lòng thương nước thương nói, Nguyễn Văn Đông đã nhớ tới các đồng đội đã treo chí trai lên ngọn súng ngoài biên giới, bảo vệ quê hương:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ

Người trai thời chiến đành phải chấp nhận thương đau. Ngay cả ngày đầu xuân cũng đành ôm súng mà nhớ quê nhà quay quắt, thèm một chiếc bánh chưng cũng khó:

Ngồi ngắm mấy nóc chòi tranh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương

Tuy dãi dầu sương gió, nhớ mẹ nhớ em, nhưng người Chiến Sĩ Cộng Hòa vẫn ung dung xuất hiện như một người hùng, đẹp một cách lãng mạn giữa khung trời lộng gió:

Anh như ngàn gió, thăm ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương,
Nước non còn đó một tấc lòng,
không mờ xóa cùng năm tháng,
mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên.

Nét đẹp nổi bật trong dòng nhạc quê hương của Nguyễn Văn Đông là ông đã dành trọn con tim cho đất nước. Ông đã hòa nhịp tim ông với nhịp tim Việt Nam của những người con luôn luôn son sắt với quê cha đất tổ. Hãy nghe nhịp đập của Trái Tim Việt Nam:

Kìa nụ hoa vừa nở đang khoe sắc cho đời.
Ɲhìn theo đàn chim Lạc Việt đang tung cách phương trời.
Ɓao trái tim hùng anh mang hơi thở non sông.
Vang khúc ca màu xanh của những bàn taу dựng xâу đất nước.

Nhịp đập của trái tim Việt Nam sẽ mãi vang vọng như hồn thiêng sông núi, mãi tuôn chảy như dòng máu Lạc Hồng, cuộn lên sức sống ngàn đời của dân tộc Việt:

Hồn thiêng núi sông vang vọng trời mâу ngàn năm.
Ɗòng máu Lạc Hồng đã cuộn chảу từ xa xăm.
Ϲho dù thời gian còn trôi mãi mãi nhưng vẫn sáng.
Ɲàу trái tim của những con người Việt Ɲam

 Nguyễn Văn Đông - Trái Tim Việt Nam

Chính nhờ dòng máu anh hùng Việt tộc còn mãi tuôn chảy, nên dù có mang thân phận lưu vong nơi chốn tạm dung, dân Việt vẫn tin tưởng mãnh liệt vào một ngày về vinh quang:

Anh hỡi anh trong niềm chung mơ ước,
Anh có nghe rạo rực ở tâm hồn?
Một niềm tin muôn đời không suy biến:
“Đất quê người nhưng trái tim Việt Nam”.

Mơ ước rồi nguyện cầu. Người nhạc sĩ yêu nuớc đã chấp tay khấn nguyện với cung xanh cho tổ quốc Việt Nam muôn đời là minh châu trời Đông:

Lòng con nén hương dâng Tổ quốc,
muôn đời nguồn suối hướng ra khơi.
Cầu xin hai tiếng trên hoàn vũ:
“Việt Nam ngàn thuở quê hương sáng ngời”.

Như một con chiên ngoan đạo, Nguyễn Văn Đông đã từng qùy xuống bên hang đá Bê Lem trong mùa Noel, thành khẩn nguyện cầu cho nhân loại bình an và đất nước thanh bình:

Con quỳ xin Chúa trên trời
Bình an khắp nơi nhân loại
Trăm họ cùng thân ái
Mùa sao đẹp mãi..
Niềm tin nơi Chúa đời đời
Được trông thế giới tuyệt vời
không còn sầu chinh chiến
Thế gian thần tiên!

Chắc chắn lời cầu của Nguyễn Văn Đông, cũng là tâm nguyện của dân tộc Việt Nam, sẽ được trời cao nhậm lời. Trong niềm tin yêu đó, dân Việt nắm tay nhau hẹn ngày về chào đón mùa xuân dân tộc:

Người về đây giữa non sông này
Hội trùng dương hát câu sum vầy
Về cho thấy con thuyền nước Nam
Đi vào mùa Xuân mới sang
Xa rồi ngày ấy ly tan

Không còn ly tan. Dân Việt sẽ hân hoan chào đón mùa xuân mới. Nhưng mơ ước đó chưa thành hiện thực! Xuân Mậu Tuất vẫn còn là mùa xuân ly tan và Nguyễn Văn Đông đã ngậm ngùi ra đi, mang theo mối hận mất nước. Dân Việt buồn với ông, nhưng cũng xin gửi ông niềm tin tưởng ngày đoàn viên sẽ tới trong một tương lai gần, thật gần..

Ngô Quốc Sĩ

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com