User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

ocuoihaiconduong

Sau những tháng năm đau khổ phải đi qua ghềnh thác chênh vênh, phải đi qua đồi núi nhấp nhô trùng điệp, đến ngả rẽ cuối cùng lữ khách luôn ngoảnh đầu nhìn lại hai con đường trước mặt, lòng riêng suy nghĩ về những bước thăng trầm có trong tháng năm điêu tàn đau khổ. Tất cả những điều cay đắng đau khổ ấy là dấu ấn không thể nào quên, để giữa thinh không lữ khách nghe tiếng lòng trầm lắng ngân vang…

Đành như được đành như thua, được vui mấy bận buồn thua mấy lần. Đành như thăng đành như trầm, Nam Kha nhất mộng vừa không? Chẳng vừa! Đành như có đành như chưa, áo phai màu áo đã vừa niềm đau. Lặng nghe nước chảy qua cầu, con sông ôm nước pha màu thời gian. Màu thời gian nẻo nhân gian, trăm năm cũng một dặm đàng mà thôi. Dặm đàng ở cuối hai con đường ấy là gì… Là tâm sự của người quản giáo Nguyễn Văn Thà gửi lại cho Phạm Tín An Ninh – người từng là tù nhân chính trị trong trại tù Hang Dơi ở vùng sơn lam chướng khí: 

“Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian…” [“Ở Cuối Hai Con Đường.”]

Những người ở hai chiến tuyến có thể đồng cảm với nhau ở cuối hai con đường, nhờ cái tình con người thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian… Cái tình con người này đã trở thành chủ đề chính, trong tuyển tập truyện ngắn “Ở Cuối Hai Con Đường” của Phạm Tín An Ninh – một người lính tác chiến của Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại chiến trường Tây Nguyên, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những mối liên hệ bất ngờ chòng chéo đan kết vào nhau trong “Đằng Sau Cuộc Chiến,” khi hai kẻ từng là tử thù trên chiến trường lại là cha ruột và cha nuôi của Hà Văn Ngộ.

Tác giả đã kể lại một kết thúc đầy tròn nhân nghĩa, khi Hà Văn Ngộ trở về quê hương gặp mặt người cha ruột, “đứng ra nhận lo chi phí cho việc chôn cất và xây phần mộ” cho ông, mà không bị “sốc” vì sự thật phũ phàng về thân thế của anh. Mọi sự sắp xếp đều thuận lợi và gia đình Hà Văn Ngộ “thực sự bước ra khỏi đám mây mù quá khứ. Tất cả như đã cuốn theo dòng nước chảy qua cầu.” [“Đằng Sau Cuộc Chiến”]

Thật khó mà tưởng tượng Phạm Tín An Ninh – một người lính từng chứng kiến những cái chết của đồng đội, từng chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát của bản thân và của những người đồng cảnh ngộ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, lại có thể dùng câu văn dung dị chân thực viết về những câu chuyện thật của đời ông, của đời những người khốn khổ mà ông đã từng gặp, trong những tháng năm phải tù đầy khốn khổ.

Có thể nói tất cả những nhân vật hiện diện trong “Ở Cuối Hai Con Đường” đều là những hình ảnh đặc biệt, nhưng làm cảm động lòng người nhất vẫn là hình ảnh người quản giáo Nguyễn Văn Thà, và chú bé đánh giày tên Khiêm – cháu nội của bà Vương Chu Khánh Hà, một người Hà Nội thanh lịch quý phái, bị đánh tư sản phải lưu lạc lên tận Nghĩa Lộ -Yên Bái mới có con đường sống. Và đó cũng là “… cái huyện miền núi nghèo xơ xác, có thể là một trong những nơi nghèo nhất nước, nằm ở cực bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày trước, cách thị xã Yên Bái khoảng một ngày đường. Và cũng là nơi đã từng nhốt nhiều tù cải tạo từ miền Nam chuyển ra, từ anh binh nhì Thủy Quân Lục Chiến bị bắt trong trận Hạ Lào, cho đến hơn ba mươi tướng lãnh, mà đa số đã không bỏ rơi đồng đội của mình vào giờ thứ hai mươi lăm.” [“Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ”]

Cậu bé đánh giày thừa hưởng nền giáo dục đạo đức, lễ phép, chân thành của gia đình đã nói với tác giả: “… cháu đánh giày để kỷ niệm, để đền ơn chú đã từng đắp con đường ô tô cho quê cháu, chứ không phải xin tiền xin bạc gì chú đâu nhá…” [“Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ”]

Những người đọc truyện của Phạm Tín An Ninh nhận xét ông là người viết văn chương tử tế. Ông được độc giả yêu mến, nhờ những câu chữ trung hậu nhân ái bàng bạc trong khắp các truyện ngắn của ông. Phạm Tín An Ninh không viết để nổi danh hay tìm kiếm lợi lộc. Bởi vì nguyên phẩm chất uy hùng can trường của người quân nhân Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã chiến đấu đến phút cuối cùng bên đồng đội, cùng chịu giam cầm với đồng đội trong những trại tù khắc nghiệt nhất tại miền thượng du Bắc Việt, đủ để ông được những người Miền Nam Việt Nam nói riêng, những người Việt Nam nói chung phải ngưỡng mộ.

Ông viết “Ở Cuối Hai Con Đường” vì muốn ghi lại tâm tình của riêng ông với những người chiến hữu trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thuở xưa, đồng thời cũng để nói lên cảm nhận của ông về những người tử tế như quản giáo Nguyễn Văn Thà, như cậu bé đánh giày làng Nghĩa Lộ, như bà Huyền Trân Thomassen, như anh Bá – người phi công tàn tật trên bãi biển Nha Trang bán sách để mưu sinh, không xoè tay nhận tiền của du khách, từng khẳng khái nói:

Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành tiền cho những người còn nghèo khổ hơn tôi…. Câu nói và thái độ của anh làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Vì từ khi trình giấy thông hành vào nước, trước những người mang lon, đội mão đại diện cho cả một quốc gia mà cũng không có được phong thái thanh tao như anh; và chẳng lẽ ở trong cái thành phố ”mũi nhọn du lịch” này lại còn nhiều người khốn khổ hơn anh? Từ hôm ấy, hình ảnh người tàn tật bán sách trên bãi biển Nha Trang cứ lẩn quẩn trong đầu và theo tôi về tới Na Uy; để rồi nếu có ai đó lỡ lời nói điều gìkhông mấy tốt về những người nghèo khổ ở Việt Nam, tôi có cảm tưởng như đang xúc phạm đến anh, người bán sách khả kính mà tôi bất ngờ được gặp.” [“Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang.”]

Truyện ngắn “Ở Cuối Hai Con Đường” và cũng là tựa đề tuyển tập truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh đã dẫn đưa người đọc đi vào thế giới nội tâm của “Cô Gái Quá Giang Đêm Mồng Một Tết – – Đằng Sau Cuộc Chiến – – Gói Quà Đầu Năm – – Một Chuyện Tình Cao Qúy – – Người Bạn Làng Tam Ích – – Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ – – Trời Đất Bao La – – Những Đàn Chim Thiên Di – – Nợ Đời Một Nửa, Còn Một Nửa Nợ Ơn Em…” Toàn bộ tuyển tập “Ở Cuối Hai Con Đường” viết theo thể loại ký sự, là những câu chuyện thật như sự thật – những câu chuyện với kết thúc có hậu đầy nhân nghĩa, đã làm giảm đi dấu vết đau khổ bi thiết của Miền Nam Việt Nam nói riêng, của cả đất nước Việt Nam nói chung, từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nhà văn Phạm Tín An Ninh đã cưu mang nỗi niềm dâu bể của cuộc đời, dùng câu chữ công bằng nhân ái ghi lại những điều ông đã trải qua đã chứng kiến, để gửi đến cõi người ta một thông điệp: “Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian.”


Hoàng Nhất Phương

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com