User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tinhnghiagiaokhothu

"Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" Thay Lời Nói Đầu

Nhiều thế hệ học trò của Quốc Văn Giáo Khoa Thư nay không còn nữa!

Những cậu học trò Quốc Văn Giáo Khoa Thư đầu “hớt móng ngựa” hay để “ba vá mủng vùa” nếu còn thì nay  tóc đã  bạc màu!

Có người quên rồi Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nhưng khi nhắc lại vẫn gợi nhớ trong chúng ta về cái “”thuở còn thơ, ngày hai buổi đến trường””, nhớ thuở còn ê a những bài học khai tâm, vỡ lòng trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Dầu đã quên hay còn nhớ, nay nhắc lại vẫn làm cho bạn đọc, nay là ông là bà, như đang sống lại ngày nào. Từng câu, từng chữ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư như đang khơi dậy trong tiềm thức của chúng ta một trời kỷ niệm, về một quê hương nào đó như mơ, như thật . . .

Thuở đó, chữ Quốc Ngữ đã thay thế chữ Nam ta, áp dụng trên toàn Việt Nam: từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ.

Bộ sách giáo khoa đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ là bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư do Nha Học Chánh Đông Pháp, giao cho quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận cùng biên soạn, được Nha Học Chánh độc quyền xuất bản, phát hành, và “nhà nước giữ bản quyền”.

Bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư gồm 3 cuốn:

- Cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư dành cho lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) là sách tập đọc tập viết.

- Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) là sách tập đọc.

- Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Sơ Đẳng (Cours Élementaire) là sách tập đọc.

Học hết lớp Sơ Đẳng, học trò ra trường tỉnh để học tiếp lớp Nhì, lớp Nhứt rồi thi lấy bằng Tiểu Học.

Ai từng là học trò của Quốc Văn Giáo Khoa Thư ắt còn nhớ các hình vẽ trong sách. Hồi đó, học trò rất thích coi hình và còn lật hình để thi, coi ai lật được nhiều hình hơn...

Hình hồi đó in bằng kỹ thuật khắc trên gỗ chớ không phải lối in như sau nầy. Hình vẽ trên Quốc Văn Giáo Khoa Thư còn ghi lại trong mỗi chúng ta nhiều ấn tượng, có giá trị giáo dục không thua gì bài học.

Đối với các bạn trẻ, nội dung Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn còn có đôi phần thích hợp, và tinh thần Quốc Văn Giáo Khoa Thư là cái gì đẹp, góp phần làm cho các bạn “về nguồn” và để bảo tồn bản sắc dân tộc” vậy.

Đối với thế hệ tóc bạc, dầu bạn đã quên rồi hay còn nhớ chút gì ở Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nay đọc lại cũng làm cho chúng ta yêu mình thêm và yêu quê hương của mình hơn...

Những bài học Luân Lý, Đạo Đức trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có giá trị sư phạm, góp phần giáo dục con người, nay vẫn còn giá trị.

Viết cuốn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, chúng tôi muốn trang trải nỗi lòng của một người học trò Quốc Văn Giáo Khoa Thư, yêu mến kỷ niệm thuở thơ ấu, cũng như tỏ tấm lòng biết ơn đối với quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

Cám ơn nhà văn Sơn Nam, vì truyện “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”” trong “Hương Rừng Cà Mau”” đã làm  “phải lòng”” tôi.

Cám ơn hiền nội và những bà mẹ Việt Nam đã chịu thương, chịu khó, chắt chiu xây dựng gia đình như là một thiên chức, là nguồn cảm hứng cho tôi hoàn thành quyển sách nầy.

Ước mong bạn đọc xa gần, góp ý, góp lời cho cuốn sách, để cho cuộc sống nầy thêm tình nghĩa như “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”” vậy.

California, Hoa Kỳ Mùa Thu năm 2005

Tác giả

Trần Văn Chi

Quyển "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" Và Tâm Tình Về Thời Gian Đã Mất Của Người Viết

Tác phẩm nào cũng mang nhiều ít tâm tình của người sáng tạo, chỉ có điều là một tác phẩm thuần về khảo cứu thì sự thể hiện tâm tình hình như rất ít xảy ra. Quyển sách của GS Trần Văn Chi thì không vậy, nó là nhịp cầu nối giữa sáng tác và nghiên cứu cho nên dung chứa được tâm tình của người viết. Chỉ cần đọc thoáng qua thôi người đọc sẽ nhận diện được ngay cái tình cảm nồng nàng của ông về quá khứ và quê hương bàng bạc trong từng trang sách. Một quá khứ thời trẻ mà ông trân trọng, ông thấy nó thanh bình, trong sáng ở trong một quê hương nho nhỏ nơi làng quê nghèo khó nhưng dễ thương của ông.

Sao vậy?

Bởi vì khi viết những bài trong quyển nầy tác giả đã thả hồn về để nhập làm một với cậu bé con ở trong cái quá khứ 50 năm trước của mình. Bàn về đi học phải đúng giờ ông nói về chuyện mình đi học ngày xưa, xách cặp làm bằng gì, bình mực như thế nào, áo quần, nón guốc ra sao; chuyện trường làng tôi với cái trống trường với lớp học với ông thầy; về kỷ niệm của mình và tâm sự đứa nhỏ khi đi đến trường…. Nhân bàn về phải yêu kính thầy, ông nói về tình nghĩa thầy trò của thời đại mình, thời đại người thầy học được kính trọng xấp xỉ người cha, có sự sợ và thương thầy chân thật từ người trò, có ngày Mồng Ba Tết để học trò đi viếng nhà thầy….  Chúng ta bắt gặp cả mấy chục trường hợp như vậy trong từng bài viết của Trần Văn Chi. 

Cách viết nầy có thể bị coi như không phù hợp với một quyển sách nghiên cứu nặng ký theo tiêu chuẩn trường ốc, nhưng lại rất phù hợp và ăn khách ở một tác phẩm đứng ở giữa nghiên cứu và sáng tác như trường hợp quyển sách các bạn đang cầm trên tay.   

Tác giả Trần Văn Chi đứng ở mặt nghiên cứu khi nhắc lại cho biết các chi tiết cần thiết (Sự hình thành và thời gian áp dụng chữ quốc ngữ, lý do thắng thế của chữ quốc ngữ trên chữ nôm, Văn Thánh Miếu Biên Hòa và số phận tàn tệ của cơ chế nầy, cách coi giờ ngày xưa, cái đình làng và công dụng của nơi chốn đặc biệt ở thôn quê…)

Những chi tiết nầy tuy có thể không được đào sâu bằng những tài liệu X,Y, tờ a, trang b… chúng có thể không mới lạ bao nhiêu đối với người chuyên môn nhưng cũng đủ làm cho người đọc trung bình thích thú khi nhớ lại/biết thêm vài chi tiết lý thú.

Ông cũng đứng ở mặt sáng tác khi viết với giọng tạp bút, ký để nói lên cảm nghĩ hay tán thán điều gì. Hai mặt viết nầy hài hòa, trộn lẫn nhau, hòa quyện nhau thành những bài viết nhẹ nhàng mà thấm thía, đọc chơi chơi mà bổ ích.

Đọc sách có thể giúp cho người đọc giải quyết nhu cầu tìm hiểu, có thể là một dịp thư giãn trí tuệ. Tôi thích đọc Trần Văn Chi ở chỗ ông cho tôi sự thư giãn cần thiết khi sống giữa đời sống chạy đua với thời gian ở xứ người. Ðộc giả có thể thích Trần Văn Chi  ở mặt khác: những lan man rất dễ thương như bức thơ của Hoàng Hậu Nam Phương khi ông nhắc đến 'mỗi người có một chỗ quê hương trong lòng'. Ông đi lạc sang ca dao và sinh hoạt hay lịch sử vùng nầy vùng nọ. Ôi những câu ca dao ngọt ngào, chìm ẩn trong lòng ta bao năm bây giờ được nghe lại đúng chỗ, đúng lúc.. Ông cho chúng ta sự lâng lâng khi nói 'người Việt mình' thế nầy thế nọ. Tiếng người Việt mình nghe vừa thân  thương vừa gần gũi…

Đoạn ông bàn về công dụng của cái võng thì thật là tuyệt. Nó đầy đủ đã đành, còn man mác và có tác dụng đem ta vào quá khứ của thời thanh bình và trầm lắng của hơn nửa thế kỷ trước…. khiến người đọc có thể thả hồn mình phiêu bồng vào thời gian có tiếng võng đưa --- nhớ đến thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân -- có câu hát ru em ngọt ngào, có giọng à ơi của bà, của mẹ, của chị….

Những cảm thán của tác giả cũng vậy, lắm khi làm ta não nuột lòng. Khi bàn về bữa cơm tối gia đình ông hạ câu: 'Ở Hoa Kỳ, có nhà không coi trọng bữa ăn gia đình. Tiếc thay!

Tôi đắc ý với hai chữ 'tiếc thay' của tác giả. Đó là tiếng than không cần nhiều lời, cũng không bằng gieo nặng giọng trách móc. Ðó là sự thống trách dịu dàng rằng chúng ta xa xứ và sai lầm ở chỗ xa luôn cả cái tập tục lâu đời đáng yêu do ông bà ta tạo dựng hàng bao nhiêu thế kỷ nay.  Cho thấy cái ngậm ngùi về một quá khứ đã mất, về một vẻ đẹp văn hóa của dân mình đã biến thiên theo thời gian và hoàn cảnh… trong khi chúng ta có thể bảo tồn được.

Một vài điều lời thiệt mích lòng của tác giả cũng là từ nhận xét tinh tường về sinh hoạt chung quanh của người Việt mình: thói đi trễ trong sinh hoạt hội hè  đình đám ở khắp nơi trên thế giới. Khi ông dẫn câu thiệu che dù của người đi trễ: không thấy, không care, không nghe, không mắc cỡ tôi nghĩ rằng tác giả đã từng có lúc nào đó đã mắc cỡ vì sự đi trễ quá độ của người mình… mà ông là một thành viên.

Quyển sách gồm ba phần phù hợp với bộ sách của các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Toàn bộ là cái luân lý dạy đạo làm người sống cho phải đạo với người chung quanh và với quê hương. Khái niệm nầy ngày nay chúng ta gọi là đạo đức. Ðó là những điều cốt yếu nhưng tối thiểu để làm người tốt trong xã hội, trong quốc gia. Tiếc thay gần đây cả người ở trong nước và người ngoài nước đều không có dịp nhập tâm cái thứ đạo lý nhẹ nhàng và cần thiết nầy. Có nơi nó bị thay thế bằng thứ đạo đức phục vụ cho mục tiêu nhất thời không phải là cái đạo đức phục vụ con người nói chung và nước nhà Việt Nam nói chung.

Đọc quyển sách cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm về sự mất ngôi đáng lý không có của nền đạo đức xã hội đáng quí đó.

Xưa Triết Gia Berson khi viết quyển sách thời danh về hai nền luân lý mở đóng có giá trị lý trí bao nhiêu thì quyển sách của Giáo Sư Trần Văn Chi về giá trị tâm tình với quê hương và đạo đức với xã hội cũng quan trọng không kém.

Tôi chắc rằng nhiều người sẽ thích quyển sách nầy. Có thể là đã nhập tâm với những gì mình học được từ bộ sách chánh của các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận cũng có thể là khao khát được nghe lại cái đạo lý tưởng chừng đã phai nhạt theo thời gian. Cũng như chúng ta rất thích cái truyện ngắn “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư'' của nhà văn Sơn Nam trước đây vì nó nhắc lại một cách có duyên những câu trong bộ sách.

Nói về sự hình thành quyển sách, Giáo Sư Trần Văn Chi tâm tình với tôi rằng ông yêu thích quá những vấn đề được đưa ra từ bộ sách của các ông Trần Trọng Kim, ông đã sống với nó, ông được nó hướng dẫn để hành sử từng trường hợp trong đời mình như 'Ta Không Nên Báo Thù', 'Phải Nhớ Ơn Thầy', 'Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả….'.  Từ ưa thích quá đó, ông tìm cách khai triển theo chiều hướng dễ nhập tâm để người đọc cũng ưa thích quá như ông, một sự ưa thích có tác dụng tốt cho cá nhân và xã hội. Cách tốt nhất là viết từng kỳ như những lời tâm tình… Nhè nhẹ như nước chảy. Mà thấm về lâu về dài.

Tôi cho rằng quyển sách của Trần Văn Chi là những lời tâm tình tốt. Nhiều khi có lập lại, có xa đề, nhưng đó là những khuyết điểm do sự lan man cần thiết và đáng yêu biết là bao nhiêu.

Nguyễn Văn Sâm

(Rusk, những ngày tránh bão Rita, 10/05)

Cho "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư"

Tôi có dịp đọc và chú trọng tới loạt bài của Trần Văn Chi, ngay từ khi những bài này được đăng trên nhật báo Người Việt, xuất bản ở Quận Cam thuộc Tiểu Bang California, Hoa Kỳ vào năm 2004.

Những bài này lấy cảm hứng từ những bài học rút từ một bộ sách rất phổ thông trong giới trẻ học đường Việt Nam của một thời rất xa xưa, bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư của các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Chú trọng không phải vì giá trị thuần túy tình cảm và văn chương của những bài này mà còn vì giá trị văn hóa, giáo dục, đồng thời cũng vì tác giả đã từng theo học tại trường Đại Học Sư Phạm Saigon thời trước năm 1975, nơi tôi giảng dạy trước khi di tản sang Mỹ.

Trước Trần Văn Chi, nhà văn Sơn Nam, thời trước năm 1975, trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau, đã gửi tới độc giả của ông một truyện ngắn với cùng một nhan đề Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. 

Hai tác phẩm trước sau cùng chung một nguồn cảm hứng, mang chung một nhan đề, nhưng bản chất khác nhau, phản ảnh một sự lựa chọn có suy tính kỹ càng và sự tiếp nối một truyền thống tuy không xa với người đọc là bao nhưng đã phai nhạt rất nhiều và dường như càng ngày càng trở thành một hoài niệm.

Quốc Văn Giáo khoa Thư trong một thời gian rất dài cũng được dùng làm tài liệu giảng dạy trong các học đường của một nước Việt Nam độc lập. Những bài học ngắn, gọn, trong sáng, đầy ắp tình người, đầy ắp hình ảnh của một quê hương Việt Nam thanh bình, hiền lành, dù cho là bị ngoại nhân đô hộ, trước khi bị hận thù và chiến tranh tàn phá, trích từ những tác phẩm giáo khoa này đã được dùng làm những bài chính tả và những bài dịch, vừa đủ cho một bài học hay một giờ học.

Đi xa hơn nữa, để giúp cho những người muốn tự học tiếng Pháp rồi sau này học tiếng Anh, người ta đã trích dịch rất nhiều để in thành sách. Hoàng Văn Lộc đã tuyển dịch và chú giải 60 bài với nhan đề Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Song Ngữ Việt-Anh, Tập I. Nhà Xuất Bản Xuân Thu ở California cũng xuất bản một tập dịch Anh-Việt khác... vào năm 2003, chưa kể những công trình lẻ tẻ khác.

Tác phẩm của Trần Văn Chi không được viết dưới hình thức truyện ngắn hay bản dịch sang ngoại ngữ. Được huấn luyện để làm giáo sư Sử Địa bậc Trung  Học, với một cái nhìn rộng rãi hơn về lịch sử, coi lịch sử là toàn bộ cuộc sống trong quá khứ của loài người, của mọi từng lớp người, không phải chỉ bao gồm các nhà lãnh đạo, các sinh hoạt chính trị, chiến tranh hay hoà bình, lại ít nhiều được sống ở thời đất nước Việt còn chưa bị những biến cố đau thương tàn phá, thời con người Việt Nam còn chân chất, hiền lành, thật thà nhận hậu, ông đã viết Tình Nghiã Giáo Khoa Thư dưới một nhãn quan và một nội dung khác. 

Tác phẩm của ông vừa có tính cách hoài niệm, vừa có tính cách giáo khoa nhằm mách bảo cho người đọc về cuộc sống hiền lành, đơn giản, dễ thương đó.

Ông viết như một nhu cầu cho riêng mình nhưng cũng cho những thế hệ tới, viết ra để tự mình còn nhớ được. Không viết ra thì sẽ mất, không còn tìm lại được nữa vì đó là về một thời đã qua, một thời không còn nữa, viết để đáp ứng và bổ khuyết cho truyện ngắn của Sơn Nam, viết để làm phong phú hơn truyện ngắn của Sơn Nam.

Nhận định này giải thích lối viết của ông. Trần Văn Chi đã viết lan man, chuyện nọ nối tiếp chuyện kia, sự kiện này nối tiếp sự kiện khác. Nói theo ngôn từ thời thượng, ông đã viết theo lối tản mạn. Khởi đầu là Quốc Văn Giáo Khoa Thư, sau đó là chú giải, là kể chuyện đương thời, rồi lan man ra đến tận hải ngoại.

Người đọc cứ thế bị dẫn đi xa dần nhưng mục tiêu thì vẫn vậy, vẫn bài học được đặt ra từ thời các tác giả của bộ sách giáo khoa phổ thông nhất, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1923 này mới thoạt ngồi thảo luận với nhau hay mới ngồi vào bàn viết.

Người đọc do đó không hề cảm thấy mệt mỏi, mặc dầu vốn liếng hiểu biết về những con người và cuộc sống thời đó của họ không được là bao. Tất cả những gì Trần Văn Chi viết đều đã diễn ra trên đất nước Việt Nam chưa tới ba phần tư thế kỷ trước. Tất cả cho đến năm 1945 hãy còn nguyên vẹn, với Trần Trọng Kim, người đứng đầu danh sách các tác giả như là một nhà giáo thuần túy, được mọi người vô cùng được quí trọng. Sự quí trọng đó không cần được nói ra vẫn còn nguyên vẹn xuyên qua sự lựa chọn chung một nhan đề của Sơn Nam và của Trần Văn Chi, bất chấp thời gian, bất chấp mọi thách đố của tình thế.

Đây là một tác phẩm nên đọc và đáng đọc, đặc biệt là đối với những giới trẻ muốn tìm hiểu vể văn hoá Việt Nam, về cuộc sống ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc trước khi những cơn bão chính trị vô cùng khủng khiếp ào ạt tràn tới.

Tác phẩm này cũng xứng đáng được để vô các thư viện của các trường học như là một trong những sách đọc thêm cho tuổi trẻ tương lai, một khi nền giáo dục Việt Nam được cải thiện và phát triển hơn để mỗi trường đều có một thư viện riêng cho mình và học sinh được đọc nhiều sách hơn là một cuốn sách giáo khoa, theo đúng trào lưu tiến hóa chung của cả nhân loại.

Phạm Cao Dương

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com