User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

venoimusuong

"Về Nơi Mù Sương" là một tập truyện của nhà văn gốc Hải Quân Trần Quang Thiệu, do cơ sở xuất bản Vinasoft ở Milpitas, tiểu bang California, ấn loát và phát hành năm 2007.

Tập truyện gồm 11 truyện ngắn và 4 đoản văn tùy bút; bìa sách trình bày trang nhã với nền màu xanh da trời, giữa khung là bức họa lập thể nhiều màu sắc của họa sĩ Bùi Quang Thắng.

Cùng tác giả đi miên man qua những ngõ ngách tâm tình của những chuyện kể, những đoản văn tùy bút, điều đầu tiên độc giả dễ nhận thấy là chủ đề chính làm nền cho hầu hết chuyện kể của ông là tình yêu. Ngay trang đầu cuốn sách tác giả cũng đã xác nhận điều này:

Tuyển tập
những chuyện tình một thuở...
viết vì
yêu thương người
yêu thương đời,
dù chỉ là
cuộc đời lưu lạc!

Bước vào cõi văn chương của Trần Quang Thiệu - qua tập truyện này - người đọc sẽ nhận thấy những điều sau đây: lối dựng truyện sống động, lôi cuốn, đề tài phong phú, bút pháp uyển chuyển, và con người đôn hậu của tác giả.

Trước hết, những chuyện tình đa dạng dàn trải trên mọi ngả đường, mọi giao lộ của cuộc đời đều mang một vẻ gì rất thật vì dường như chúng được góp nhặt từ chính cuộc đời thực muôn mặt mà ông đã nếm trải, đã chứng kiến: từ những thoáng rung động nhẹ nhàng như cánh bướm non qua những tâm tình vụng dại thời học trò, đến những cuộc tình say đắm của thời mới vào đời, đến những thăng trầm tình cảm trong chuỗi ngày lưu lạc xứ người hay trở lại quê hương hôm nay của các nhân vật trong sách..., tất cả là những đoạn phim ký sự sống động.

Kế đến là đề tài của các tiểu truyện rất đa dạng, phong phú. Tuy chủ đề chính là tình yêu, nhưng nội dung không đơn điệu. Qua 11 truyện ngắn, 4 bài tùy bút, người đọc có thể lần theo "nẻo đường tình" của tác giả qua từng thời kỳ của cuộc đời, một đường tình không chỉ chuyên chở chuyện lứa đôi, mà còn bao nhiêu chuyện khác. Chẳng hạn, Như Một Cành Lan, truyện thứ 7 trong tập truyện, đem đến cho người đọc những giây phút bâng khuâng với ký ức, kỷ niệm về những hoa niên nào xa lãng; một mối tình câm nín thuở học trò 40 năm về trước bây giờ mới có đáp số khi gặp lại cố nhân. Ðộc giả sẽ tìm thấy trong những trang sách kể về một thời vụng dại của tuổi trẻ hình ảnh của chính mình... Những Cuộc Tình Ðong Ðưa là câu chuyện điển hình cho những biến thái tình cảm trong một gia đình di dân Việt trên xứ người. Câu chuyện tự nó không đưa ra một luận đề, nhưng người đọc sẽ dễ nhận thấy một kết luận tiềm ẩn: mái ấm gia đình đầu tiên (cuộc hôn nhân đầu) ta xây đắp là cái gì khó thay thế. Nhưng oái oăm thay, vì hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, để nó mất đi người ta mới kịp nhận ra điều đó - ngay cả đối với những ai rắp tâm đạp đổ nó để đi xây tổ ấm mới! Những cuộc tình đến sau là "những cuộc tình đong đưa"Về Nơi Mù Sương, truyện mang tên của tập truyện, một thiên ký sự nhẹ nhàng, sẽ mang đến cho người đọc những giây phút bồi hồi cảm động của tình đồng đội, tình chiến hữu, tình huynh đệ chi binh. Cái tình đặc biệt ấy đã lắng sâu trong tâm tư tác giả, và trong một lúc chợt "thẩm thấu" qua ranh giới giữa hai thế hệ, đã lóe lên trong ông niềm hy vọng ở thế hệ thứ hai, ở ngày mai tươi sáng cho xứ sở quê hương hãy còn là nơi mù sương. Những đoản văn tùy bút là một góc khác của tâm hồn tác giả, nơi ông trải tấm lòng mình về quê hương, bạn hữu, về tấm lòng của người mẹ, người cha, về tình nghĩa vợ chồng. Trên đây tôi chỉ khái quát vài điều trong cuốn sách để nói lên cái đa dạng của đề tài, chứ không tóm lược hết cuốn sách, vì phải dành cho quí độc giả sự thú vị khám phá cõi văn chương của tác giả Trần Quang Thiệu.

Ðiều tôi muốn nói kế tiếp là ngoài lối kể chuyện sống động, ngòi bút của Trần Quang Thiệu là một ngòi bút ký sự điêu luyện. Nó sắc bén và uyển chuyển theo từng tình huống, từng đối tượng. Cái sắc bén ở đây, tôi muốn nói đến lối mô tả tâm trạng nhân vật. Một trong vài kỹ thuật ông hay dùng trong tập truyện này là bằng vài nét mô tả thái độ của nhân vật, ông truyền cho người đọc sự cảm nhận về biến thái nội tâm của nhân vật đó. Ta hãy nghe mẩu đối thoại ngắn sau đây.

- Its OK. Còn anh? Sao chị ấy lại để anh về Việt Nam một mình. Bộ không nghe chuyện dài về Việt Nam lấy vợ nhỏ hay sao?
- Nhà tôi là Dược Sĩ, có cửa tiệm riêng nên rất bận với công việc, hai cháu đã trưởng thành và đi học xa. Nhà tôi tin tưởng tôi, vả lại em nhìn xem. Tuổi tôi cũng đã xế chiều.
Jackie không trả lời, ánh mắt tinh nghịch như có chút gì không tin. (Trang 14-15: Gió Thoảng Tây Hồ).

Người con gái im lặng, nhưng ánh mắt tinh nghịch, nghi ngờ của cô "tố cáo" với người đọc một chút gì đang manh nha trong lòng cô. Tác giả không cần phải dài dòng hơn để truyền cho độc giả cảm nhận đó.

Và đây là một ví dụ khác qua mẩu đối thoại sau đây.

- Mày đi đâu giờ này?
Tôi nói nhỏ:
- Tao đi tìm thằng bé Tùng. Nhà Loan xa và ở nơi vắng vẻ, nên cần có người đưa về.
Ðức cười cười, giơ tay vẫy chào. Tôi bước nhanh hơn và hỏi thầm:
- Nếu mình không tìm thấy Tùng đêm nay thì sao?
Tôi chợt bâng khuâng:
- Hay là mình...
Tôi thở dài, bước chậm lại như không giám nghĩ xa hơn. Gió thổi nhẹ, sương bay vướng ánh đèn đường, tôi rùng mình kéo cao cổ áo lạnh, và bỗng dưng thèm một vòng tay ấm áp như vòng tay của Trinh. (Trang 113: Những Cuộc Tình Ðong Ðưa)

"Tôi thở dài, bước chậm lại như không giám nghĩ xa hơn". Bằng những động tác đó, tác giả truyền được cho người đọc những diễn biến nội tâm... Trong suốt tập truyện, chúng ta sẽ còn thấy một kỹ thuật nữa được dùng nhiều không kém kỹ thuật vừa nêu trên, để diễn tả tâm trạng: đó là ngôn ngữ độc thoại (tác giả để cho nhân vật trong câu chuyện nói lên tâm trạng của chính mình). Ta hãy nghe một trích đoạn:

Huy chở Mỵ trên chiếc xe Lambretta. Mỵ ngồi nép vào lưng Huy, như một đôi tình nhân. Gửi xe tại đường Bonard xong, Huy âu yếm hỏi Mỵ:
- Em muốn đi đâu?
Mỵ nhìn anh dịu dàng:
- Ðâu cũng được, miễn là ...
Ừ đâu cũng được, miễn là có anh cho em tựa bờ vai. Em mơ ước phút giây này từ lúc đứng trước cửa nhìn anh ra về lần gặp gỡ đầu tiên đó. Anh đi biền biệt, không một lời thăm hỏi, em đã buồn, rất buồn. Bây giờ có anh đi với em, dù chỉ một đoạn đường, em cũng rất vui.
Giọng Mỵ như mơ màng:
- Hay là anh cho em ra bờ sông. Em muốn thấy con tàu của anh. (Trang 257: Mưa Cho Tình Nồng)

Một đặc điểm khác của ngòi bút Trần Quang Thiệu là bút pháp uyển chuyển; nó thay đổi, biến hóa theo đối tượng được mô tả. Chẳng hạn, khi miêu tả một anh chàng thuộc giới "bụi đời" ngôn ngữ đối thoại phải lột tả được ít nhiều đặc tính của giới người đó. Ở đây ta cũng thấy tác giả dùng vài nét "chấm phá" của một mẩu đối thoại để mô tả. Hãy nghe một đoạn điển hình sau đây:

- Nó nói với tui là nó về San Diego với bố nuôi Ngụy của nó ít lâu cho tâm hồn thanh thản, cố gắng hoàn tất cái thesis. Son of the gun!
Diễm e dè:
- Chỉ có vậy thôi sao?
Sony nhún vai:
- Hes crazy. Tui có hỏi nhưng he said no sh.t!
Diễm mỉm cười lắc đầu:
- Có lẽ Dũng điên thật - nàng trầm ngâm - Thế Sony và Dũng là bạn ra sao? Sony cũng chơi nhạc cho phòng trà Ritz?
- Tụi tui là high school class mates. Nó học giỏi, được học bổng theo học Đại Học, còn tui chỉ lo đánh lộn nên đi bụi đời, nhưng bây giờ tui tu rồi... (Trang 186: Người Dưng Khác Họ)

Ngòi bút Trần Quang Thiệu thỉnh thoảng cũng có cả sắc thái khôi hài đen. Hãy nghe thêm một đoạn đối thoại với anh chàng bụi đời vừa đề cập ở trên:

- Em biết gì về bố Ngụy của Dũng không?
- Biết chút chị. Dũng nó có đưa tui về chơi nhà ông dưới San Diego mấy lần. Dũng gọi ông bằng bố nên tui cũng gọi ông là bố luôn chứ thực ra ông đâu có nuôi tui ngày nào.
- Ông làm gì dưới đó?
- Bây giờ chỉ thấy ông dịch mấy cuốn sách chữ nho. Hồi còn ở bển ông là quan tàu thủy, chừng qua đây ông làm đủ nghề. Có hồi ông buôn bán nhà cửa gì đó, thấy trong phòng làm việc nhà ông có treo hình cái tàu to đùng, trên viết mấy câu thơ, đọc chị nghe nhưng đừng có cười, và không phải tui bịa đâu. Như vầy nè:
 
Biển xanh xa tắp đời lưu lạc
Tàu cũ anh đem trả mất rồi
Có nhà muốn bán kêu anh nhé
Ðược cái "loan" nào anh cũng chơi
 
Diễm đỏ mặt lẩm bẩm:
- Ðúng là "Ngụy"! (Trang 189: Người Dưng Khác Họ)

Tác giả chỉ mô tả "Diễm đỏ mặt" nhưng người đọc có thể đoán ra nguyên nhân. Chung qui chỉ tại người Việt giới "bình dân" ta sính thêm dấu huyền vào Anh ngữ, một điều thật "tai hại" cho thuật ngữ tiếng Anh vô tội kia! Và sau đây là một màn "trình diễn" khác:

Thùy Dung ngạc nhiên:
- Tưởng Dũng chỉ chơi guitar.
Dũng cười:
- Thường thì Dũng chơi guitar điện, hoặc piano cho ban nhạc, nhưng tối nay Dũng đặc biệt chơi saxo.
Giơ hai tay làm điệu như đang thổi kèn, Dũng khoe:
- Dũng thổi saxo cũng tới lắm. Bạn bè từng khen là "kèn Tây chàng bú một hơi. Clinton cũng chỉ thế thôi là cùng."
Thùy Dung nhăn mặt, bật cười:
- Dũng chỉ đứng đắn được một phút là lại... cà chớn như thường! Nói gì mà nghe... hãi quá.(Trang 165: Người Dưng Khác Họ)

Và sau cùng, một điều đáng ghi nhận nữa trong cõi văn chương của Trần Quang Thiệu là những nhân vật của ông đã làm ta bớt thất vọng với cuộc đời, với con người, nếu không muốn nói yêu cuộc đời này hơn, yêu người hơn. Thảo nào, ngay đầu tập truyện, tác giả đã mở lời, "... viết vì yêu thương người, yêu thương đời..." Những mẫu người như cô Vy, như cô bé Hạnh bán thuốc lá ngày xưa trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn (mà sau này trở thành một Bác Sĩ), dù trong nghịch cảnh đau thương, hay trong an bài đầy diễm phúc của số mệnh, vẫn thể hiện những gì quý hóa của những tâm hồn đẹp rỡ ràng (Một Khối Tình Si). Trong "Quê Mẹ Ở Ðông Hà" ta bắt gặp những tấm chân tình rất người, dù Việt hay Mỹ. Trong chuyện tình buồn "Cuồng Ðiên Vì Nhớ", Gina, người con gái Palestine, dù sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh lịch sử đau thương của xứ sở mình, và dù mang một sứ mệnh diệt thù nhưng tâm hồn vẫn cao cả, bao dung, đã quyết định, "em yêu dân mình và em yêu tổ quốc Palestine nhưng em không thể nào đi giết người vô tội như người ta muốn em làm." (Trang 66: Cuồng Ðiên Vì Nhớ). Và còn những con người đáng trân quí khác, rải rác trong khắp các câu chuyện của tuyển tập.

Tóm lại, "Về Nơi Mù Sương" của Trần Quang Thiệu là một tuyển tập truyện ngắn hay, một đóng góp thêm hương sắc vào vườn hoa văn học Việt hải ngoại.

New Jersey ngày 7 tháng 9 năm 2008

Hà Kỳ Lam

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com