
Từ khi xuất hiện trên thi đàn hải ngoại, Xuyên Trà tuổi đời đã chín, đã kinh qua bao nỗi tình, nỗi đời,... có thể vì vậy mà thơ ông đặc biệt mang thitính của kinh qua, nặng tâm thức và triết lý Đông phương cùng thân phận con người Việt Nam sau một cuộc chiến tương tàn. Thơ của sống sót, của người khi chưa già đã chấp nhận cõi nhân sinh còn lại.
Ở Xuyên Trà cốt lõi là Tình và thi cảm tính Phật. Thơ ông đến với chúng tôi lần đầu thật bất ngờ: trên tạp chí Văn Học số 192 (4-2002), bài Lời Cuối Cho Người đã làm bàng hoàng người đọc - nhà thơ đã can đảm lấy cái chết làm đề tài. Di chúc sớm cho người cùng thời mà như cho người sau, vì với những kẻ vì hoàn cảnh phải ra đi hoặc sống sót trở về từ những trại “cải tạo” sau 1975, thì cái chết không còn là nỗi hãi sợ lớn, dù có khi cái chết trở thành nỗi ám ảnh biết là đang chờ đợi!
Với Xuyên Trà, thi ca được trân trọng như cái thường hằng và vĩnh cửu, như sự sống, và nhà thơ như luôn trung thành cùng Nàng Thơ. Hay vì nhà thơ yêu con chữ tính thơ hoặc làm cho con chữ đó thành thơ, và ông luôn đi tìm, luôn đợi chờ. Và người yêu thơ Xuyên Trà cũng vậy! Nay, Đừng Hỏi Tình Ngọn Lửa Cháy Từ Đâu đến với người thưởng thức thơ, với những bài ca tụng tình, ca tụng đời và người – ngay những dòng mở đã báo tin: “Gần gũi quá / Có khi tình bỏ lỡ / Ta muốn đi / Để có lúc / Thật xa / Về…”.
Những thi bản rất riêng Xuyên Trà, nếu không là da diết tình thì cũng thênh thang phóng dật, mở ra, cho những nụ cười thấp thoáng hiện cạnh vài tiếc nuối, “phải chi”!
“Kìa em, lửa cắn trên thân củi
Mới hiểu âm thầm một nỗi đau
Bèo mây còn dạt trôi muôn kiếp
Sao cõi vô thường lại có nhau
Núi không ngăn bước đường đi tới
Mà sợi tơ lòng lại chắn ngang
Xuân khai từ độ tâm vô lượng
Lệ chảy thêm xanh những lỡ làng…” (Giọt Lệ)
Hay “hình như”:
“Sao anh không là dòng sông
Đưa em về tới bến
Giọt lệ chảy nghẽn dòng sinh mệnh
Có nỗi buồn theo nước trôi xuôi
Sao anh không là hàng cây
Trên đường xưa rực nắng
Em vô tội mộng mơ thời áo trắng
Không lẽ tình góa bụa giữa nhân gian
Sao anh không là bài thơ
Em độc quyền cất giữ
Ngăn ký ức tràn đầy hương quá khứ
Gió thơm lừng theo mỗi bước chân đi
Sao anh không là Trương Chi
Giữa đêm cùng nguyệt tận
Tiếng sáo vọng mở khai lời trắc ẩn
Sóng mạn thuyền chao động lá tình thư
Sao anh không là… hình như
Giọt máu đào e ấp
Em ngưỡng mộ trái tim mình còn đập
Để thấy đời râm mát bóng tình nhân…” (Tình Nhân)
“Trưa nắng hạ, đêm mờ sương
Sông mấy nhánh cũng vô thường đục trong
Thương em ta lội ngược dòng
Mai sau khôn dại cam lòng tình ơi…” (Dặn Lòng)
Khôn dại thì vẫn rõ là tình yêu đã nhập vào hồn thơ để nhà thơ đã yêu là yêu hết lòng, yêu thiết tha, dẻo bền theo thể cách của ông! Nhiều khi chỉ là câm nín:
“Rừng đã thu, trải vàng lá đầy
Nhớ tình ngọn gió cũng heo mây
Ta con thú lạ ngàn năm trước
Săn mối tình câm đã lạc bầy…” (Tình Câm)
Hay chỉ là mộng thôi:
“Biển Đông em đứng nhìn trời
Bờ Tây anh ngắm tuyết rơi hàng hàng
Hai đầu nỗi nhớ miên mang
Long lanh chỉ ánh trăng ngàn đầy vơi
Giọt về cố quận xa khơi
Hạt bay trắng xóa bên trời tha hương
Đêm qua giấc mộng dị thường
Gặp nhau ở giữa con đường: chiêm bao…” (Mộng)
Đúng vậy, khi đối tượng không thực có đó, ở đây, không thể đến gần, thi nhân băng bó những vết thương lòng bằng những con chữ khéo chọn vào thơ.
“Chân quen - bóng lạ - đường chiều
Ngàn cây trút lá bao nhiêu ngọn sầu
Hỏi tình có ở dài lâu
Để ta nối nhịp bắc cầu lại qua
Cha sinh mẹ đẻ thật thà
Tưởng người chung thủy hóa ra bội tình
Ngập ngừng trước cửa ba sinh
Thấy ta hạt bụi tướng hình nguyên sơ
Mai sau đứng trước bệ thờ
Nén nhang em thắp Bụt khờ là anh…” (Bụt Khờ)
Mấy ai trách móc người tình được như Xuyên Trà!
Tình khiến tình thơ đã là lẽ sống như đã là phần đời không thể tách biệt, nghiệp của cõi nhân sinh:
“Làm thơ cũng bởi vì tôi
Tay chân mặt mũi như hồi mới sinh
Tại em xuất hiện thình lình
Câu thơ, trỗ, những đóa tình ngát hương
Giữa phố thị, qua đồi nương
Hoa nhuận sắc, những con đường tôi đi…” (Đóa Tình)
Cái chết, ngay cả của tình, dù vậy, vẫn là trong số những bí ẩn:
“Chỉ đất biết: ân tình, khi đã chết
Cõi vô thường ăn ở có bao lâu
Chân bước tới giữa hai bờ sinh, diệt
Đường thân quen mà cứ tưởng lần đầu
Cho tôi hỏi gió bao đời hết kiếp
Nghĩa trang buồn bia mộ chẳng còn đâu
Hồn tứ tán hay nằm im một chỗ
Có theo em lơ lửng khắp tinh cầu…” (Chỉ Đất Biết, Ân Tình Khi Đã Chết)
Tình yêu không đơn thuần chỉ là hảo hợp, an bình tự tại dễ có, vì nếu thiếu “nội dung” và tia chớp mớm tình, đưa đẩy đến với nhau, rồi trở thành ngọn lửa nóng bỏng khiến tình thành đam mê, khoái lạc, thì tình đã không là đặc sắc, không là cái con người mãi tìm:
“Em như tia chớp từ trong đá
Là ngọn sao băng giữa địa cầu
Mỹ nhân đốt cả ngàn kinh sử
Đừng hỏi tình, ngọn lửa cháy từ đâu…” (Tia Chớp)
Ngọn lửa tình quả thực, là tố chất gì đó Rất Cần Thiết, Những Điều Không Cần Thiết, như tựa một thố lộ khác:
“Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Ta loài chim vẫn chọn một phương trời
Cất tiếng hót không hồ nghi bất trắc
Xoải cánh chiều trong gió lộng ngàn khơi
Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Đất nơi nào làm tên gọi quê hương
Mai có chết đầu sẽ quay về núi
Tiếc thương chi thêm một khúc đoạn trường
Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Bởi tình kia như tia chớp nhiệm mầu
Ta cất giữ những cuồng si trọn kiếp
Trong ngọt ngào có một nửa thương đau
Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Như ngàn năm sóng nước vỗ chân cầu
Em sẽ hiểu trái tim điều bí ẩn
Đừng hỏi tình, ngọn lửa cháy từ đâu…”
Tình bạn trong tình cảnh nhà thơ hình như mạnh mẽ, không thể thiếu. Khi nhà thơ hẹn hò với bạn, cũng là tự biết cái khả thể ít phần trăm. Với bạn đang cõi sống:
“(...) Mấy mươi năm
Thấy bạn già hơn sợi tóc
Ta cũng quê người, ai khóc cho nhau
Rượu xé lòng, không dao cắt mà đau
Nghe sóng vỗ từng cơn chìm nổi
Đường phố đông người
Sao ta dừng vội
Nghe rất thầm ai hát Quốc ca
Chuyến tàu nào vừa đến sân ga
Tiếng còi hụ chở đầy thương tích
Thời gian qua bao nhiêu tờ lịch
Rụng quanh đời theo bước chân đi
Ta vẫn nghe từng ngọn tóc thầm thì
Thời con gái còn thơm ngày biệt xứ
Rượu chưa thấm sao bạn ngồi tư lự
Quá bước trạm người ta cũng buồn theo
Trôi dạt phương Nam số vẫn còn nghèo
Giọt lệ chia đôi mối sầu muôn thuở
Thôi hãy cạn ly, quên nỗi buồn vô cớ
Đất nước hòa bình (?) người chẳng yên thân
Giặc không xa, giặc ở rất gần
Nhân thế mau quên mối thù truyền kiếp
Mai xa bạn ta sẽ còn đi tiếp
Buổi hẹn về hoa mộng kết trong mơ
Tiền đồn năm xưa khi vàng rực màu cờ
Ta sẽ trở về
Quỳ trên đất quê cha
Hôn một lần
Rồi chết…” (Hẹn Về)
Cũng như với bạn đã ra đi:
“Tháng Bảy người cúng cô hồn
Tôi ra đứng cạnh mộ chôn bạn tù
Bên trời gió thổi vi vu
Nửa lay ngọn cỏ nửa mù chân mây
Vái đàng Đông, lạy đàng Tây
Trầm hương loang tỏa đủ đầy mười phương
Trên cây Thánh giá giáo đường
Nở hoa từ những hạt sương nhiệm mầu…” (Tháng Bảy)
Quê Nhà là nỗi niềm canh cánh khác, những lúc chạnh lòng, những dở dang ngoài ý muốn:
“Ta đứng gọi bốn phương trời biển gió
Ngọn thủy triều Cửa Đại cũng hoan ca
Mấy mươi năm áo em về hong nắng
Lụa Duy Xuyên trải mát rượi quê nhà
(...) Giữa chốn trần ai lạ người lạ cảnh
Nước mắt chảy dài có mặn tình quê
Người bỏ ta, ta không bỏ đất
Bước chân đi mà lòng cứ hẹn về
Sông có khúc, người sao không có lúc
Lận đận một đời giữa chốn quê hương
Thương hải tang điền đêm nằm dị mộng
Sao mắt ai cay lớp lớp bụi đường
Mai nếu được buổi thanh bình quê mẹ
Trong cổ quan tài dỗ giấc trăm năm
Cờ vàng thân yêu nô đùa trong gió
Hoa sẽ tươi, quanh mộ chỗ ta nằm…” (Quê Nhà)
Quê nhà là nỗi nhớ về những nơi chốn, về không gian của một thời tuổi học trò, rồi ra đời, nhưng khi có dịp trở về, tác giả đã phải đối đầu với sự hụt hẫng quá lớn:
“(...) Ta lang thang khắp phố chợ sang hèn
Bỗng xa lạ giữa quê mình quá đỗi
Tiếng chim hót trong ngàn cây gió thổi
Hồn ma Hời trên tháp cổ Bàng An
Về mái nhà xưa nhớ thuở cơ hàn
Chung thủy một đời gốc rạ cây rơm
Cá Hố kho dưa mẹ treo giàn bếp
Mấy chục năm trời nghe vẫn còn thơm…” (Nhớ)
Thật vậy, quê hương đối với người xa xứ, đến một lúc nào đó sẽ khác hơn là những niềm vui, hy vọng:
“Quê nhà là chốn về thăm?
Đã nghe ác mộng đêm nằm chiêm bao
Tự dưng nước mắt lại trào
Mới hay xương trắng máu đào còn tươi
Đau sông núi, đau phận người
Quê hương đã mất, nụ cười còn đâu
Hỏi đời biển đã ngàn dâu
Còn xanh thuở mộng ban đầu nguyên sơ
Nghe chim hót tiếng tình cờ
Khúc vui có biết bao giờ hợp, tan…” (Hợp Tan)
Xuyên Trà tỏ ra đã thoát được những trói buộc của những điệp khúc kiểu “quê-hương là nơi đẹp nhất” hay “quê-hương là chốn để về”, v.v.
Thơ Xuyên Trà trước sau vẫn mang những khắc khoải, thắc mắc siêu linh và có những lúc nhà thơ bộc lộ ước muốn vượt cái hữu hạn của thời gian:
“Bóng chim vừa mới bay qua
Rải thêm mấy giọt nắng tà hanh hao
Tượng ngồi cũng giấc chiêm bao
Cố nhân cất tiếng hỏi chào ban sơ
Chờ mưa chờ đến bao giờ
Lòng ta đã lạnh từ sơ sanh buồn
Cửa thiền xa vọng tiếng chuông
Tái sanh từ hạt mưa nguồn huệ tâm…” (Huệ Tâm)
Vô tận, siêu hình,... nên tâm nguyện ở đây mang tính dứt khoát, Để Cội Đời Sau, Hoa Vẫn Tươi:
“Thấy ta một bóng hình nguyên thủy
Tình buổi xa người đã ngủ yên
Đầu non vượn hú trăng kinh hãi
Rụng xuống dòng sông bóng tật nguyền
Thì thôi tự hủy như cây mục
Để cội đời sau hoa vẫn tươi
Cái tâm gởi gió mưa thuần khiết
Ân lượng ngàn sau chỉ một người…”
Và nhà thơ tâm niệm:
“Bên trời đêm nở Pháp Hoa
Thời kinh mầu nhiệm sáng lòa càn khôn
Ngón tay Phật chỉ vô ngôn
Suối từ bi chảy qua hồn cát khô
Hóa thân từ hạt mê đồ
Đài sen chánh giới thơm Bồ Đề tâm
Mười phương ngào ngạt hương trầm
Dưới trăng. Thiền tọa. Niệm thầm: Như Lai…” (Thời Kinh)
*
Thơ Xuyên Trà dù sử dụng thể loại nào thì cũng để nói lên thái độ sống, thân phận, đối đầu thuận theo cái thực hữu hiện sinh của hôm nay. Với ông, thi ca đã đồng nghĩa với tình và ngọn lửa tình làm sống kiếp nhân sinh nòi tình:
“Bài thơ chẻ dọc bửa ngang
Làm củi em đốt làm than em nằm
Bao giờ ở cõi trăm năm
Chiếu hoa anh trải nguyệt rằm dưới sông
Tiễn em từ buổi theo chồng
Như mây ngũ sắc cầu vồng rồi tan
Câu thơ đứng đợi sắp hàng
Lửa vùi hết kiếp về ngàn tái sanh…” (Tái Sanh)
Người thưởng thức thơ Xuyên Trà tin chắc rằng ngọn lửa tình sẽ nuôi hồn thơ và ông sẽ còn đưa thi ca đi xa và đi xa mãi, như ông đã cho biết trong bài Bài Thơ Nào Sẽ Là Bài Thơ Cuối?:
“Ta không biết, bài thơ nào
Sẽ là bài thơ cuối?
Ngẫu hứng bên trời, ngắn ngủi đôi câu
Đừng rót cho ta ngàn chung rượu sầu
Trong ánh mắt những điều em không muốn nói
Ta cũng biết ngọn sóng tình kia đã mỏi
Vỗ mãi một đời có lúc cũng cần yên
Ngã ngựa - hề chi - năm lần bảy lượt
Phủi bụi trần bám chặt ở sau lưng
Về phương Tây, chân cứ bước ngập ngừng
Về phương Đông, gió vẫn mù mịt thổi
Hà cớ chi mà cánh lục bình trôi nổi
Để cuối ngày hoang lạnh tấp bờ xa
Ngọn gió thu thổi rách vạt nắng tà
Không thấy bóng, tìm chi hình xuất hiện
Vô thủy vô chung cõi nào miên viễn
Ta đứng chờ hiu quạnh đã bao năm
Nước mắt và hoa trên chỗ ta nằm
Sẽ thấm đất, trổ nhánh hồng thắm đỏ
Cứ hỏi giọt sương trên đầu ngọn cỏ
Sẽ vô cùng thơm thảo dẫu phù vân…”
Toronto, 20-1-2019
Nguyễn Vy Khanh