User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Một trong các nhạc sĩ sáng tác có nhiều  bài  nhạc xuân được yêu thích là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Ông sáng tác rất nhiều nhạc xuân mà hầu như bài nhạc xuân nào của ông cũng là những hoài niệm và chập chùng bao nỗi nhớ niềm thương.

nghe nhac xuan nho tram tu thieng7
Chân dung Trầm Tử Thiêng

Kể cũng lạ, ở hải ngoại, một năm mười hai tháng quần quật đi làm, vã mồ hôi, kiếm tiền lo cho cuộc sống chẳng biết thời gian qua như mũi tên bay, thế mà chỉ cần nghe một tiếng hát của một bài nhạc xuân vang lên đâu đó trong một khu chợ VN, ai cũng chợt bừng tỉnh, nhớ ra, Tết đến.

nghe nhac xuan nho tram tu thieng3
NS Ngô Tín và CS Thu Sương

Mỗi độ Xuân về, người Việt hải ngoại đều tưng bừng chào đón năm mới dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên cuộc sống giống một con lộ, có khúc thẳng tắp, cũng có khúc quanh co, có nơi êm ả, cũng có nơi ổ gà, lồi lõm. Lòng người cứ theo đó mà vui buồn lẫn lộn, hợp, tan, tái ngộ rồi chia biệt. Do đó những đứa con xa đất tổ, xuân về vui xuân tha hương nhưng lòng vẫn đau đáu nhớ quê. Nhớ từng tiếng pháo, từng đọt xuân non đêm Giao Thừa ngôi chùa cổ, mùi khói nhang quyện vòng ôm của người thân yêu mến chốn làng xưa, đất cũ. Tiếng nhạc xuân như muôn tiết tấu nhịp nhàng gieo vào lòng người tiếng gọi nhớ quê đằm thắm nhất. Một trong các nhạc sĩ sáng tác nhạc xuân nhớ quê là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Ông sáng tác rất nhiều nhạc xuân mà hầu như bài nhạc xuân nào của ông cũng là những hoài niệm và chập chùng bao nỗi nhớ niềm thương. Nhớ người yêu, nhớ mẹ già, nhớ tiếng pháo, tiếng quê nhà cứ chập chùng tiếp nối mãi không lúc nào phai. Các tác phẩm về Xuân tiêu biểu của ông như: Thư Xuân Hải Ngoại, Mùa Xuân Trên Cao, Mùa Xuân Không Đợi, Ta Đã Gặp Mùa Xuân, Bài Xuân Này Xin Hát Quanh Năm, Nếu Xuân Này Hoà Bình…v…v…

nghe nhac xuan nho tram tu thieng5
MC Bích Trâm

Phần cuộc đời và tiểu sử của ông đã được GS Nguyễn Đình Cường lược sơ qua:

Ông tên thật là Nguyễn Văn Lợi (1937-2000). Lớn lên ở miền Nam, Trầm Tử Thiêng bắt đầu ca hát từ năm lên 10. Sau đó ông lên Sài Gòn tiếp tục học và tham gia hoạt động âm nhạc. Ông tốt nghiệp trường Sư Phạm và bắt đầu dạy học. Bài Hương Ca Vô Tận được sáng tác trong thời kỳ này. Năm 1966 Trầm Tử Thiêng nhập ngũ, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời gian đó ông viết các nhạc bản về lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như: Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho. Sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Trầm Tử Thiêng sáng tác bài “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”. 1970, ông làm việc trong ngành Phát Thanh Học Đường cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trầm Tử Thiêng cũng tham gia vào phong trào Du Ca Việt Nam.


Ai cũng từng đến cùng cuộc sống và chỉ 1 lần. Mười chín năm trước, NS Trầm Tử Thiêng cũng rong chơi cõi này và ngày 25 tháng 1 năm 2000, ông đã lên đường ra đi và thong dong bước vào cõi tịnh. Bao nhiêu người thương tiếc và nỗi nhớ vẫn chưa phai, để mấy hôm nay người Việt hải ngoại cùng tụ họp nơi đây tưởng niệm, nhắc nhở đến ông, hát nhạc của ông như một nén hương lòng thắp lên gởi người quá cố.

nghe nhac xuan nho tram tu thieng6

Trưởng BTC Nguyễn V Liêm

Thành phố Little Sai Gon lại một lần vang vọng những tiếng hát lênh đênh trên dòng nhạc Trầm Tử Thiêng trong buổi tưởng niệm ông ngày 27 tháng Giêng, 2019 tại phòng trà ca nhạc Moonlight. Chương trình ca nhạc tưởng niệm rất xúc tích do Diễn Ðàn Giáo Dân & Mạng Lưới Nhân Quyền VN đồng phối hợp với chủ đề “Một Ngày Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Liêm, trưởng ban tổ chức đã lên phát biểu và nhận xét về NS Trầm Tử Thiêng như một người thâm trầm kín đáo giống tên gọi bút hiệu của ông. Nhà văn Huy Phương đã gọi ông là “Người viết sử lưu vong bằng âm nhạc”. Ông Liêm còn cho biết thêm, người ta cũng gọi ông là “Nhạc sĩ của tình khúc quê hương bi hận đớn đau và của lòng nhân ái tình tự dân tộc”. Nhất là trong giai đoạn cuối thập niên 1980 khi làn sóng vượt biên lan rộng và thế giới đóng cửa không tiếp tục nhận người tỵ nạn nữa. Chính phủ Phi Luật Tân đã nhân đạo thành lập làng VN nên NS TTThiêng đã sáng tác nhạc phẩm “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” như một niềm vui cùng chia sẻ với người Việt chúng ta. Ngoài ra trong giai đoạn cuối đời ông đã phối hợp cùng NS. Trúc Hồ hợp soạn những bài ca khơi gợi cảm xúc dâng trào ánh bình minh của tự do trên đất mới như “Bước Chân VN, Một Ngày VN, Bên Em Đang Có Ta”.

nghe nhac xuan nho tram tu thieng4
Hàng đầu, Thị Trưởng Tạ Đức Trí ngồi giữa

Sự hiện diện của Thị Trưởng Westminster, Tạ Ðức Trí đã làm tăng thêm phần long trọng của buổi lễ. Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng có mặt vì tuy hai người thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng họ có chung một mối tình thâm tri kỷ, chung một tấm lòng cùng nghĩ về quê hương, đời sống của người tỵ nạn. Vì thế hôm nay ông đã kể về “Những kỷ niệm và sáng tác cùng NS Trầm Tử Thiêng” cho khán thính giả cùng nghe, cùng tưởng nhớ đến người nhạc sĩ sống thật và sống cùng những người con Việt. Nhà báo Trần Phong Vũ cũng lên trình bày về “Sức mạnh của âm nhạc trong đấu tranh”. Ông đã vạch rõ điểm mạnh của phương pháp dùng âm nhạc trong mục đích đấu tranh để chống cộng và bảo vệ chính nghĩa tự do của TTThiêng và các nhạc sĩ khác.

nghe nhac xuan nho tram tu thieng1
NS Trúc Hồ

Phần MC do Lê Bích Trâm và GS Nguyễn Ðình Cường đảm trách. Chương trình văn nghệ được nhiều ca sĩ và hội đoàn tham dự như ban Tù Ca Xuân Ðiềm, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Liên Ðoàn Hướng Ðạo Hướng Việt. Nhạc sĩ Ngô Tín đã có mặt đàn và hát nhạc Trầm Tử Thiêng. Gọng hát và tiếng đàn Tây Ban Cầm cổ điển của ông đã đưa người nghe về không gian Sài Gòn xưa của một thời Trầm Tử Thiêng trước năm 1975.  Các ca sĩ có: Ái Phương, Vũ Hùng, Tuấn Khải, Thu Sương, Thanh Thanh, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Hạnh Cư, Ðình Ðại, Erlinda và Hải Âu. Những nhạc phẩm được trình bày gồm có: Trộm Nhìn Nhau, Cám Ơn Anh, Tưởng Niệm, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, Thư Xuân Hải Ngoại, Bài Hương Ca Vô Tận, Bên Em Đang Có Ta, Bước Chân VN, Mộng Sầu, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Kinh Khổ…v..v..

nghe nhac xuan nho tram tu thieng2
Ban Tù Ca Xuân Điềm

Các sáng tác của Trầm Tử Thiêng khá đa dạng, từ dân ca cho đến tình ca. Một số ca khúc nổi tiếng từ trước 1975 như: Kinh Khổ, Chợt Nghĩ Về Hai Nơi, Mười Năm Yêu Em, Tình Ca Mùa Đông, Mây Hạ… Trầm Tử Thiêng đến Hoa Kỳ năm 1985, định cư tại Little Saigon, tiểu bang California. Ông là Cố Vấn ban Chấp Hành Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại. Cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư Viện Việt Nam tại Little Saigon.

nghe nhac xuan nho tram tu thieng
Quan Khách

Tại Hoa Kỳ, ông hợp tác làm việc với Mây Productions, Hollywood Night và trung tâm Asia, Trầm Tử Thiêng đã cùng Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc cho thể loại nhạc đồng ca như: Bước Chân Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ, Một Ngày Việt Nam, Tình Đầu Thời Áo Trắng, Cám Ơn Anh, Hẹn Nhau Năm 2000… và những tình khúc như Cơn Mưa Hạ, Bên Em Đang Có Ta, Ðêm, Ðã Qua Thời Mong Chờ. Một bài hát khác của ông là Ðêm Nhớ Về Sài Gòn viết 1987 cũng được nhiều người biết đến. Năm 1996, Trầm Tử Thiêng viết bản Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng.

Trịnh Thanh Thủy

Orange County, CA

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com