User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

thotaky

Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, không có nhà thơ nào lại có thể viết được một bài thơ tình từ những con ruồi xanh gớm ghiếc bu đầy miệng hố xí, mà lại là những hố xí lộ thiên miệng rộng 2m, dài 3m nằm dọc theo hàng rào kẽm gai của trại “cải tạo” những sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà bại trận ngày 30/4/1975. Và cũng chỉ có chiến thắng lịch sử của quân cộng sản Bắc Việt vào ngày này mới đẩy hằng triệu người Miền Nam bỏ nước ra đi, dù phải mất tất cả những gì yêu quí nhất và đối diện với cái chết, cái tang thương trên biển cả. Cũng trong những thời khắc ác nghiệt như vậy, hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hoà đã bị giam giữ vô thời hạn trong những trại tập trung nằm sâu trong làng mạc và núi rừng Việt Nam theo kiểu “Quần đảo Goulag” của Liên Xô, mang tên là Trại Cải Tạo.

Tất nhiên, bi kịch thường sinh ra nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật xuất sắc. Các nhà thơ, nhà văn Miền Nam mặc áo lính, rồi trở thành “kẻ tù đày không xét xử” trong hàng trăm “T” cũng đã thầm lén viết về những gì đã xảy ra trong cái thế giới trừng phạt bị bịt kín hoàn toàn như thế. Trong số đó có nhà thơ Tạ Ký, tác giả của Ruồi Và Em - bài thơ tình đau đớn được khai sinh từ một hố xí của trại “cải tạo” thuộc T6 Long Khánh trong những ngày Tết năm 1976.

Nếu bàn đến công dụng của hố xí thời đó thì chắc chắn nó chỉ có thể dùng để… đi ỉa, và sau đó là để lấy phân bón cây. Nhưng ở trại của chúng tôi, nó có thêm một chức năng đặc biệt quan trọng và hệ trọng: liên lạc với “thế giới tình cảm bên ngoài”. Nơi “hôi thúi ruồi nhặng”, nơi mà ai cần lắm mới ra đó, đã trở thành nơi chúng tôi nhận tin gia đình và găp mặt người thân mà không bị quản giáo phát hiện, bởi nó nằm ngay rìa đường đê ruộng rẫy của nông dân, chỉ ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào kẽm gai. Chúng tôi thường thay phiên nhau ra ngồi “trực” ở đó để chờ nhận những tin nhắn - những diễm phúc oái oăm - từ bên ngoài vội vã đưa vọng vào. Chính ở nơi đó, bọn tù nhân chúng tôi đã gặp được mẹ hoặc vợ con đã không quản gian lao cất công đi tìm chồng, tìm con, tìm cha, dù chỉ để nhìn thoáng thấy mặt nhau trong giây lát hay nói thật nhanh một câu báo tin nhà đã được rút ngắn nhất có thể. Để gặp được chúng tôi ở bên trong trại, họ đã phải mượn quần áo làm đồng, cuốc xẻng của những nông dân sống gần trại để nguỵ trang và nhờ chính những nông dân này che giấu, dẫn đi men theo hàng rào kẽm gai như những người dân đi làm ruộng tình cờ ngang qua hố xí. Chính ở nơi đó, chúng tôi đã nôn nao ngồi chờ những diễm phúc vọng vào. Những diễm phúc mà bất kỳ cho ai thì mình cũng cảm thấy có sức nén tức ngực như cho mình, đại loại như: “Tạ Ký, mẹ gặp lúc 2 giờ trưa nay!”

Đúng vào phiên tôi ra ngồi trực ở hố xí sau giờ cơm trưa, nghe được một lời nhắn như thế, tôi vội chạy vào báo tin cho anh Tạ Ký trong lúc anh đang mệt mỏi ngồi ở một góc lán cách lán tôi chừng 20 mét. Anh nhướng đôi mắt thật lớn sau cặp kính lão để đón một tin vui bất ngờ sau nửa năm chưa được thăm nuôi. Và mọi sự đã diễn ra suôn sẻ để anh được gặp bà mẹ ngay tại cái hố xí ấy như đã hẹn. Thế nhưng, sau đó, khi trở vào chỗ nằm, anh yên lặng hoàn toàn. Cả tuần tiếp theo, tôi cũng không thấy anh sang chơi, hút thuốc lào và tán gẫu như mọi khi. Sợ anh ốm, tôi rủ vài bạn sang thăm anh, có mang theo thuốc lào, ít trà và mấy tán đường mía. Dưới thứ ánh điện vàng quạch hiu hắt, chập chờn cũng như mọi đêm ở đây, hôm ấy - một đêm cuối năm - khiến khuôn mặt của nhà thơ Tạ Ký vốn đã gầy và buồn lại càng âm u hơn bao giờ. Anh lấy từ túi áo ra một tờ giấy xé vội từ cuốn tập học sinh đưa cho tôi và nói:

"Vừa rồi mẹ tôi lên, dẫn theo thằng con. Tôi nghe nó cứ liên tục hỏi: “Cổng trại bố ở đâu hả bà nội?”. Và mẹ tôi bảo: “Ở đằng kia, con chạy tới đi.” Rồi bà nói vội vào cho tôi nghe: “Vợ con nó lấy thằng đại tá Việt cộng rồi. Ở nhà có mẹ lo sắp nhỏ, con yên tâm. Khi được phép, mẹ sẽ đi thăm con...”

Rồi anh nói với tôi: “Cung đọc cái này đi, tôi mới viết...”

Đó chính là bài thơ Ruồi và Em mà tôi còn nhớ rõ từng con chữ đau đớn, dù bao nhiêu năm tháng đã qua đi, nhất là mỗi độ xuân về.

Ruồi Và Em

Ruồi từ hố tiêu bay lên
Tiếng ruồi lao xao như sóng gợn
Mắt ruồi nâu làm nhớ tóc Tây phương
Ruồi đậu trên dây thép gai như chuỗi hạt huyền
Anh tặng em ngày cưới
Ruồi đậu trên dây thép gai như những nốt nhạc
Dây thép gai kẽ nhạc không đều
Làm sao em hát
Có bầy én về
Không phải để báo tin xuân
Vì anh biết mùa xuân đã chết
Có bầy én về tìm ruồi trên dây thép
Chuỗi hạt huyền vỡ tan
Anh gọi tên em
Mấy lần.
T6, Long Khánh 1976

Thơ Tạ Ký

ta ky 3

Thủ bút Tạ Ký

 

Dâng

Đêm lạnh bốn bề gió hú
trần gian mênh mông hoàng hôn
thời gian trở về bến cũ
thịt xương xua đuổi linh hồn.....

có thuở chiên lành mến Chúa
nơi nơi cỏ mướt đồng xanh 
có thuở đời là nhung lụa
danh từ chỉ có anh, em

ai đọc dòng kinh huyết lệ?
ai rung chuông động luân hồi?
hẹn nhau gặp ngày tận thế
không ta mà cũng không tôi

Đoạn Trường Gợi Lại

Bước chân nào nặng phù du
Ngón tay nào thắt sầu tư trói hồn
Cô đơn rồi vẫn cô đơn
Bốn mươi thu đó đòi cơn đoạn trường

Sông xa bãi cát vàng hanh
Đìu hiu bến vắng, mong manh sương chiều
Mười lăm năm giấc mộng vèo
Bốn dây nhỏ máu xuôi theo Tiền Đường

Từ em lần lữa lầu xanh
Cuộc say đầy tháng, tàn canh, vẫn thừa
Chừ đây bên cạnh người xưa
Nửa đêm tái ngộ nghe mưa cuối trời 

Mà thôi, đàn kiếm giang hồ
Trở về cát bụi, cơ đồ ngả nghiêng
Say đến khóc, cười như điên
Ngàn xưa đọng lại một thiên não người.

Dòng Thơ Hôm Nay

Nghe như mình đã ngủ
Từ mười mấy năm qua
Quờ tay trong bóng tối
Ngắt vội một cành hoa

Tuổi em mười sáu nhé
Hay đã ba mươi rồi?
Cành hoa đêm đã héo
Hay vài cánh còn tươi?

Ly cà phê sánh đặc
Dạ hội tan từ lâu
Còn gì mà thắc mắc
Đời không là của nhau 

Đi giữa lòng thành phố
Cúi mặt trông bóng mình
Đôi bàn chân xương xẩu
Con đường rộng thênh thênh

Sơ Nguyện

Hay là tôi đến thăm em?
Chiều không mưa, trăng chưa ngả bên thềm
Đường nhân thế lối đi về Vĩnh Viễn
Tôi chín chắn như thủy thủ già vượt biển
Đọc mây sao tìm hướng của phong ba
Mùa lỡ xuân mà ngày cũng sắp tà
Nên do dự khi mang buồn đến biếu
Người con gái thường vô tình chẳng hiểu
Kẻ thương mình thức trọn giấc chiêm bao
Ba mươi tuổi rồi biết nói làm sao
Lòng luyến mộ lẫn ít nhiều chua chát
Trời hôm nay vài gợn mây tím nhạt
Hay là tôi đến thăm em?
Thương là thương, dù đêm trắng cả đêm
Vẫn thức chép những vần thơ gửi tặng
Lòng chúng ta hẳn nhiều phen cay đắng
Đường em đi hoa đẹp nở bao lần?
(Những đóa hoa tình của một thời xuân)
Cũng buồn thật nếu nhìn nhau đắm đuối
Cũng chán thật nếu lòng kia tiếp nối
Và yêu đương thành những chiếc hôn nồng
Giấc chiêm bao gờn gợn những đường cong
Hay là tôi đến...?
Dòng mắt em xanh
Mong manh mong manh
Nửa chiều sơ nguyện.

Sầu Ở Lại

Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu 
Mượn vui bè bạn sống qua ngày 
Đoạn trường hơn cả thân ca kỷ 
Cơm áo làm quên chuyện nước mây 
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng 
Bên quán ngờ đâu lại gặp mầy 
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ 
Thì xin hãy cạn chục ly đầy 
Quàng vai tìm chút dư hương cũ 
Nhắc đến hằng trăm chuyện đổi thay 
Nhắc đến những thằng nay đã chết 
Những thằng đang sống kiếp trâu cày 
Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy 
Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây

Buồn Như


Buồn như ly rượu cạn 
Không còn rượu cho say 
Buồn như ly rượu đầy 
Không còn một người bạn 

Buồn như đêm khuya vắng 
Qua cửa sổ trông trăng 
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trắng 

Buồn như yêu không được 
Dù người yêu có thừa 
Buồn như mối tình xưa 
Chỉ còn dòng lưu bút

Buồn như buồn như thế 
Buồn như một kiếp người
Đây cõi lòng quạnh quẽ 
Buồn như đóa hoa rơi.

ta ky 2 content

Viết Trang Tình Sử

Ai về xứ mộng xứ mơ
Cho tôi gởi ít vần thơ tặng nàng
Sông Hương lắm chuyến đò ngang
Chờ anh em nhé,đừng sang một mình

Chờ anh kể chuyện tâm tình:
Từ anh theo đuổi những hình phù vân
Thôi em, đã lỡ một lần
Mấy năm đau khổ đã dần vơi vơi

Nghĩ thương kẻ ấy sai lời
Nghĩ thương em những mong đời anh nên
Xa xôi nhiều lúc anh quên
Rằng em gái vẫn chong đèn đọc thơ

Vẫn cầm duyên để đợi chờ
Vẫn trông phượng đỏ hai bờ Hương Giang
Chiều lên huyền hoặc bướm vàng
Em như công chúa mơ chàng Thám Hoa

Không, em tôi còn mẹ già
Còn đàn em dại, cửa nhà cậy trông
Có ai nhắc chuyện lấy chồng
Thì em đôi má ửng hồng thêm duyên

Giận mình chưa đạt lời nguyền
Anh không mong được chung thuyền ấy đâu
Khi mô người bỏ cau trầu
Cho anh biết để u sầu lên men

Để anh vặn nhỏ ngọn đèn
Viết trang tình sử cùng tên một người.

Xin Thật Im

Thật im thật im nghe kìa em đêm cạn
Trắng dờn sương mà lạnh thấu tâm can
Miệng cười ư? sao lệ vẫn đôi hàng?
Hứa hẹn hão không buộc lời gió lại
Tay đã giao tình việc đời oan trái
Hay là ngu, là dại, rất là điên!
Em dẫn tôi qua nhiều xứ ưu phiền,
Chim gãy cánh, sao rơi, hoa héo rụng!
Và mắt tôi khi không còn mơ mộng
Và hồn tôi khi không hát thơ yêu
Vốn tài hoa nên tình cũng rất kiêu
Chọn lựa quá nên tôi nhầm đến chết!
Đời gian ngoa mà mình không quỉ quyệt
Nên đành thua cho đến trắng hai tay!
Trách gì ai đường nghĩa địa buồn thay!
Xe dẫn xác lắc lư từng vó ngựa…
Xin thật im, thật im, im thêm chút nữa
Ồ vô duyên đừng vờ thế em ơi!
Kìa xem trăng ngả ngửa đã lâu rồi
Chim vỡ cổ vì cất cao giọng quá!
Bởi tin lắm nên không ngờ dối trá
Bởi miệng hoa còn biết gửi hôn yêu
Ai dựng bình minh bằng ánh nắng chiều
Và sao rụng chứ không phải là hoa nở
Cửa lòng đóng, cửa mồ kia sắp mở
Xin im giùm, thật im nữa em ơi!
Đừng có thời gian em đã chẳng xa tôi.

Mưa Đầu Thu

Hoa cúc bao giờ mới nở đây?
Trời run nhè nhẹ dáng thu gầy
Tương tư bờ cúc vàng lưng giậu
Sông rộng thêu hình đôi bóng mây

Cầu vắng bâng khuâng bước học trò
Dăm tà áo trắng dệt thêm mơ
Chiều nay nắng chở buồn không hết
Thu chớm thu rồi, thơ chớm thơ

Duyên ngập ngừng duyên buổi hẹn đầu
Không cần lành lạnh mới thương nhau
Cớ sao sương khói đìu hiu quá
Thu đến ai người khóc chuyện Ngâu?

Chim nhỏ không buồn nhảy giậu thưa
Thời gian chừng chuyển điệu sang mùa:
Mây chao, nước lạnh, thuyền im bến
Rời rạc đầu thu đôi giọt mưa

Lệ ở trên trời, mưa thế gian
Tình xưa còn lại nửa cung đàn
Mái tranh thánh thót niềm tương biệt
Thư viết chưa hề gửi cố nhân.

Câu Chuyện Mười Năm

Mười năm qua tỉnh giấc mộng sông hồ
Nghiêng mái tóc soi trên dòng mắt nhỏ
Kẻ thư sinh gối đầu trang sử cũ
Tính đốt tay lòng lạnh chuyện keo sơn
Thời loạn ly chợp mắt đã cô đơn!
Những bước chân qua nghìn trùng sông núi
Cuốn dây thép gai, mơ về Hà Nội
Đồn, đêm đông, phừng phực lỗ châu mai!
Ôi chàng trai từ mười mấy năm xưa
Máu, liếm thử, mặn như là nước mắt!

Ai khóc đâu nào? Cái gì đã mất?
Tháng ngày trôi chậm chạp gót đưa ma
Cô em xưa trong trắng tuổi mười ba
Mười sáu tuổi cười trong cơn thác loạn
Hai mươi tuổi… cánh dơi nào quái đản
Trùm thời gian, nhốt úp cả không gian
Nhấn phím chưa xong đứt phựt dây đàn!
Trang loạn sử chép thêm nhiều chuyện lạ
Chắp đôi tay gầy nguyện cầu Cao Cả
Dòng Tin Yêu cạn rốc tự bao giờ!
Chập choạng bóng hình qua những vần thơ
Khép mi lại, màu xanh vừa thoáng hiện
Màu mắt người yêu hay màu nước biển?

(Tặng Xuân Ái)

Hoài

Viết một bài thơ buồn nữa đây
Đêm đêm nằm đếm đám sao gầy
Chao ôi ba chục năm trời nhỉ
Mà vẫn còn mơ nguyệt Mái Tây!
Từ thuở hai mươi lòng cứ tưởng
Ngàn năm tay đẹp vẫn trong tay
Gió đâu bỗng đổi chiều xoay hướng
Tình ở đầu môi ở cuối mày!
Một giấc hoàng hoa chưa chắc tỉnh
Nửa ly hoan ngộ lấy gì say
Từng phen đất lạ thương thân thế
Những trận cười như thoảng gió bay
Khúc Phượng còn vang thề ước đó
Lời hoa đành bặt ái ân này
Hoa tàn, ước hão, thề suông vậy
Bóng dáng thuyền quyên vẫn nước mây
Tuổi trẻ đã đành khờ khạo quá
Ái tình đâu đến kẻ thơ ngây!
Thời hai mươi ấy xa lăng lắc
Khói lửa còn cay đôi mắt cay
Chạnh chút niềm riêng ai oán tí
Thương mà không nắm trọn bàn tay
Tóc ai xanh phủ cù lao gối
Phấn bướm bay đầy giấc bướm bay
Còn hỏi: - Quên em rồi chứ nhỉ?
- Quên rồi qua chén rượu không say
Quên rồi qua lớp vàng son ấy
Mi mắt thời gian khép lại ngay
Tay ngọc nâng niu lầu ảo mộng
Bao nhiêu người ngọc đã chuyên tay!
Dòng thơ lưu niệm dăm năm trước
Tình cũ còn thơm hương Liễu Trai
Từ dạo tay không mơ nghiệp lớn
Sử kinh qua một tiếng than dài!
Trường thành vạn dặm rêu xanh đá
Thắng những ai mà bại những ai?
Đình trưởng một phen trời ngó lại
Múa gươm trên mộ kẻ anh tài!
Hỡi ơi những chuyện ngàn xưa ấy
Chép miệng mà nghe thấm đắng cay!
“Kỷ độ long tuyền..” ngâm lạc giọng
Mà non sông vẫn khói mù bay
Ai mài kiếm rỉ ai nâng chén?
Cửa sổ chiều chiều mây trắng bay

Điệu Buồn Xứ Núi

Bài cho Thanh Trúc.

Cao nguyên buồn rũ sương chiều
Gió e ấp gió, cây đìu hiu cây
Người lên đày xứ xa này
Ngoảnh đi đô thị còn say dặm về
Càng lên càng lạnh bốn bề
Nào đâu luân vũ đêm hè năm xưa?

Giữa trưa sao nắng chẳng về
Càng say khói thuốc càng tê môi sầu
Ga bên vẳng tiếng còi tàu
Phải đây sa mạc pha màu thiên thanh?
Không ai tiễn buổi lâm hành
Ba mươi mấy tuổi trơ vành mắt sâu!

Tạ Ký 

Trịnh Cung

***************************

ta ky content

Nhà thơ Tạ Ký (1928-1979)

Sinh năm 1928 (khai sanh ghi ngày 16.5.1935) tại Quế Sơn Quảng Nam. Mất năm 1979.

Tác phẩm đã xuất bản:

Sầu Ở Lại (thơ - 1970)

Tạ Ký sinh năm 1928 (Mậu Thìn) tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng Trung Phước nằm trên hữu ngạn con sông Thu Bồn, là một vùng có nhiểu núi non, từ đây càng tiến về phía Tây thì càng đi vào vùng thượng du. Phong cảnh vùng này hữu tình, đồi núi quê anh là nơi Bùi Giáng đã đi chăn dê, hai chàng thi sĩ đất Quảng xuất thân cùng một làng, thậm chí nhà ở cùng một xóm với nhau.

Làm thơ tử thuở còn học Tiểu Học cho mãi đến những năm cuối của đời mình, cuộc đời của Tạ Ký gắn liền với thơ, cũng như với việc dạy học. Năm 1970 ông xuất bản tập thơ Sầu Ở Lại, đã đoạt giải thơ của VNCH sau đó. Tập thơ thứ nhì Cô Đơn Còn Mãi ra đời năm 1973. Từ 1975, ông đi tù CS trong hai năm, đã làm nhiều thơ trong tù, rất tiếc hiện chỉ còn một số ít trong trínhớ của các bạn đồng tù.

Cuối năm 1978 Tạ Ký từ Sài Gòn đi về sống ở An Giang và bị tù CS một lần nữa, và đã qua đời trong cô độc tại nhà tù nàyvào tháng Ba năm 1979. Hai mươi hai năm sau, vào ngày 5 tháng Tư năm 2001, gia đình và bạn bè đã dời mộ ông từ Chợ Mới, An Giang về cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, bên cạnh mộ phần của Bùi Giáng, với ước mong đặt để trở lại chỗ nằm và chỗ đứng xứng đáng cho ông, trong cuộc đời cũng như trong lòng người."

ta ky 1 content Mộ phần nhà thơ Tạ Ký tại Gò Dưa, Thủ Đức

Nhân tiện đây xin ghi lời của Tạ Thái (con trai Tạ Ký) viết về ba mình khi ở hải ngoại, bạn bè, thân hữu của Tạ Ký đã in và phát hành tập thơ "Sầu Ở Lại" của ông:

"Lời Cảm Tạ: "Những dòng thơ lưu lại, những dòng thơ đã mất. Những gì muốn nói, đã nói, chưa kịp nói, và không thể nói. Một kiếp người, chớp mắt. Định mệnh đã buộc chặt ba tôi với quê hương Việt Nam và thơ. Định mệnh đã cho ba tôi những tình bạn mà ba tôi vô cùng quí mến. Xin cảm tạ những tình bạn tha thiết, tri âm tri kỷ đó. Một ngàn năm nữa, không biết tiếng Việt có còn không, nhưng cách đây hai mươi mấy năm, trong trại học tập cải tạo, có một người đàn ông tối tối lén lút trùm mền viết thơ trên giấy đi cầu tơi tả, và Tết đến, thầm thì đọc những dòng thơ ai oán cho bạn đồng tù nghe, để họ được khóc. Hình ảnh đó là tinh túy của ba tôi. Tập thơ này là một cảm tạ, tới quê hương, tình yêu, và Thượng Đế."

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com