User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Hồi năm ngoái, khi “Những Mảnh Hồn Tôi” còn ở dạng bản thảo, tôi đã được tác giả có nhã ý gởi cho đọc trước rồi; và hồi Tháng Bảy vừa rồi, khi về Boston, tôi nhận được quyển “Những Mảnh Hồn Tôi” của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung bên Úc Đại Lợi do chị Nguyễn Thị Lộc Tưởng chủ trang nhà Thất Sơn Châu Đốc trao tặng. Tôi mừng vô cùng. Cầm trên tay cuốn sách bằng giấy khá dày, 348 trang, lòng tôi vui như gặp lại chính mình! Dường như người già nào cũng giống nhau ở chỗ là họ cần một quyển sách thật được in trên giấy trắng mực đen, một người thật, một tình cảm thật hơn là những trang sách ảo, những người ảo, những tình cảm ảo trên nhiều trang mạng toàn cầu; và tôi cũng không phải là một người ngoại lệ!

nhungmanhhontoi

Bìa sách “Những Mảnh Hồn Tôi” của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung, nhà xuất bản Quán Âm Sơn (Tân Tây Lan), tháng 7.2019.

Khi nhìn vào phần Mục lục, tôi bắt gặp lòng ưu ái của tác giả dành cho Hai Trầu qua tiết mục “Những Lá Thư Gởi Anh Hai Trầu” với 14 tiêu đề, dày có tới gần bốn chục trang sách, lần lượt được tác giả sắp xếp theo thứ tự:

– Hầu Tàn, trang 82.
– Bác Hai Còn Ở Kinh Xáng Bốn Tổng Hả Ba?, trang 83,
– Cỏ Xứ Mình Cỏ Xứ Người, trang 85.
– Tâm Sự Của Một Con Mèo Và Người Chủ Nuôi, trang 88.
– Hiện Đại, trang 93.
– Văn Hóa Ẩm Thực, trang 96.
– Ăn Thịt Thú Rừng, trang 98.
– Hỏi Đáp Về Bút Hiệu Khiêm Cung Và Làng Bắc Nam, trang 100.
– Nói Tiếng Việt, trang 102.
– Mùa Nước Lên, 103.
– Tiếc Một Dòng Sông Đã Cạn, trang 105.
– Nhớ Về Những Bến Sông, 108.
– Tết Việt Nam Ở Úc, trang 112.
– Mùa Trồng Mía Và Ép Đường, trang 118.

Đó là chưa kể ở chương “Đọc Sách”, từ trang 140-143; “Niềm Vui Của Người Viết Truyện”, trang 154; và “Một Truyện Vui Về Trồng Trọt”, trang 258-260, tác giả dành riêng ba phần này ân cần giới thiệu về cuốn “Mùa Màng Ngày Cũ” và những bài viết khác của Hai Trầu về nếp sống ở làng quê vùng sông nước Cửu Long với cái nhìn của một người vốn lớn lên và sống với miền quê từ thuở nhỏ, yêu mùa màng và thương xứ nghèo, tác giả đã thể hiện sự đồng cảm của mình qua lời văn vừa giản dị mà súc tích, vừa văn chương mà chí tình! Dĩ nhiên là, với riêng cá nhân mình, tôi rất cảm động và vô cùng biết ơn anh về tấm lòng ưu ái ấy mà tác giả đã dành cho tôi.

Đó là cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đọc lại “Những Mảnh Hồn Tôi” của Khiêm Cung- Dương Văn Chung được in trên giấy. Dĩ nhiên rồi, những trang sách còn lại với quyển sách dày gần 400 trang của tác giả, nếu bạn chịu khó ngồi mở ra những trang sách mới này, bạn sẽ nhận ra nhiều sự việc, nhiều chi tiết qua cái nhìn sắc sảo của một người già có tuổi đời từng trải qua hơn tám mươi năm, bạn sẽ nhận ra những câu chuyện thường ngày mà mình tưởng là mình biết nhưng thực sự là mình chưa biết hoặc biết một cách sơ sài…; hoặc giả có những câu chuyện mà mình tưởng là mình kể lại sẽ hay hơn tác giả, nhưng sự thật không phải như vậy!

Tôi xin nêu ra đây vài chương điển hình qua nhận xét vừa rồi. Chẳng hạn như chương “Tôi Từ Đâu Tới” (trang 144-147), theo bạn thì bạn sẽ nghĩ mình từ đâu tới? Hoặc như “Cái Ơ và Cái Mẻ” (trang 152-153), theo bạn thì “Cái Ơ” khác “Cái Mẻ” chỗ nào? Hoặc như “Nói Chuyện Với Đầu Gối”, theo bạn thì bạn sẽ nói những gì với đầu gối đây? Còn tác giả Khiêm Cung, tác giả muốn gởi gắm điều gì? Và còn nữa, nhiều chuyện gần với thật, đôi khi lại thật hơn sự thật; nhiều chuyện rất lý thú, đôi khi lại lý thú, thâm trầm hơn mình nghĩ nữa qua bút pháp vừa giản dị, vừa gọn gàng mà súc tích!

Có bao giờ bạn nghe ai nhắc qua với bạn hoặc là bạn sẽ nghĩ rằng mình sẽ nói chuyện với “thời gian” chưa? Thì xin mời bạn tìm hiểu xem tác giả Khiêm Cung muốn nói gì với thời gian qua chương “Đối Thoại Với Thời Gian”?

Như bạn biết khi người ta nói về cái bao la của vũ trụ người ta đặt ra cái “không gian” vô hạn, và khi nói về cái tuổi đời của vũ trụ cùng mọi sinh vật có mặt trên vũ trụ này người ta đặt ra cái “thời gian” vô biên của trời đất; và nếu có ai nghĩ, thì chúng ta chỉ nghĩ “thời giờ thắm thoát thoi đưa” như trong ca dao tục ngữ bình dân truyền khẩu của tiền nhân mình nhắc qua từ đời kiếp nào, chứ chưa ai dám ngồi xuống “đối thoại với thời gian” như tác giả, phải không bạn?

Sở dĩ tôi dám quả quyết như vậy vì lẽ thứ nhứt là thời gian là một cái gì đó nó vừa có mà vừa không có, nó vừa thực mà cũng lại vừa ảo nữa; nên làm sao mình nói chuyện được với nó đây? Đó là một câu hỏi thực mà cũng là một câu hỏi khó, không phải lúc nào mình cũng tự đặt ra và cho dù có lúc mình tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy nhưng làm sao mà giải đáp được những thắc mắc, những trăn trở về cái “bóng câu qua cửa sổ” đây? Vậy mà tác giả Khiêm Cung đã giúp người đọc nhận ra thời gian là cái gì, có thật không, khi anh “Đối thoại với thời gian”, và tôi nghĩ đây là một chương sách vừa mới, vừa ý nghĩa nữa trong tác phẩm mới này của tác giả!

Nhắc đến cái nền tảng chánh yếu của những chương sách trong “Những Mảnh Hồn Tôi”, tôi tin là không ai phủ nhận tấm lòng của tác giả dành hết cho chốn cố hương của mình qua niềm thương nỗi nhớ của tác giả về một miền quê cũ đó! Một vàm sông có cái tên gọi là “Bắc Nam” ở quận An Phú thuộc tỉnh Châu Đốc ngày trước, nơi mà tác giả được chào đời và lớn lên ở đó nó cứ mãi hoài làm cho anh thương nhớ bâng khuâng. Dẫn về điều này, chúng ta thấy cái tình của tác giả bàng bạc ở khắp các chương “Nhớ Một Vàm Sông” (trang 12), “Dòng Sông Xưa Hình Bóng Cũ” (trang 17), Tình Quê Còn Đó” (trang 41), “Nhớ Tết Nhà Quê Thời Niên Thiếu” (trang 48), Nếp Sống Cũ Ở Châu Đốc Quê Mình” (trang 54), “Nồi Bánh Tét Mẹ Nấu Sau Hè” (trang 62), “Một Chút Hương Vị Quê Mình” (trang 70) và còn nhiều nữa… Nhưng người đọc cũng không thể nào bỏ qua những trang sách của tác giả đề cập tới những vấn nạn mới của xã hội quanh mình, nơi mà tác giả hiện đang sinh sống mỗi ngày, như một điều gì đó cứ làm cho lòng của tác giả không yên và cứ trăn trở hoài về những cảnh đời phức tạp!

Chẳng hạn như  các chương “Giá Vé Lên Thiên Đường” (trang 156), “Đất Lên Tình Xuống” (trang 201), “Sống Thử” (trang 211), “Sanh Mổ” (trang 215), … và còn nhiều nữa, là những chương sách nói về thực trạng xã hội thời nay mà dường như ai ai cũng đã một lần nghe người ta nhắc hoặc nghe người ta kể, hoặc chính mình nhìn thấy nhưng vì quen quá những cảnh đời ấy, rồi mình cứ nghĩ đó là những chuyện rất “bình thường”, không có gì phải làm mình bận tâm với chúng để rồi làm mất thời giờ riêng tư của mình; nhưng với tác giả Khiêm Cung thì lại khác, anh đã ghi lại thành những trang sách như chứng tích về sự biến đổi của xã hội vào một thời kỳ mà con người phải chạy theo sự sống tất bật với các xã hội của thời @!

Quả là rất thiếu sót, nếu tôi không ghi ra đây thêm phần nhận định của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung qua các tác phẩm mà anh đã đọc với những nhận xét rất tinh tế của một người lớn tuổi, của một người bạn cùng quê, mà cũng là tình anh em trong nhóm kết nghĩa Thất Sơn Châu Đốc, không phải nhằm để khen lấy nhau, mà cốt là mang cả tấm lòng chân thật của một người bạn chia sớt với một người bạn, của một người anh chia sớt với một đứa em cùng gốc gác với mình về những chương sách mà anh đã đọc được. Với các chương “Đôi Dòng Chia Sẻ Với Nhà Văn Vũ Thất” (trang 120), “Cảm Nghĩ Về Cuốn Bút Ký “Vàm Kinh Cũ” Của Nguyễn Thị Lộc Tưởng” (trang 276), “Đọc Thơ Lê Toàn Ân” (trang 306) là ba chương sách mà tôi nghĩ rằng đó là những trang bình văn, bình thơ vô cùng hấp dẫn và rất giá trị mà tôi được đọc.

Sau cùng, có lẽ còn một cảm tưởng nữa là về cách bố cục và cách viết qua các chương sách của tác giả Khiêm Cung-Dương Văn Chung trong “Những Mảnh Hồn Tôi” là tác giả viết như những lời tâm tình với người thân nên văn của anh lúc nào cũng giữ được cái nét trữ tình qua giọng văn thân mật, thân tình mà chân thật. Anh không cố ý làm văn chương nhưng câu văn được chấm phết rất đúng chỗ, chữ dùng rất đơn sơ, giản dị, rõ ràng, mạch lạc. Riêng phần kết mỗi chương sách, tác giả thường để ngỏ cho bạn đọc suy nghĩ về cái kết của mỗi đề tài tùy theo cảm tưởng của mỗi người, hiếm khi tác giả tự kết đặt cho mình những kết luận mang tính bất di bất dịch!  

Tóm lại, với 64 chương sách, dày 348 trang, trải dài từ những ngày còn thơ ấu, rồi đi học chữ từ Tiểu Học lên Trung Học; rồi học nghề kế toán vì giỏi toán, mê toán và vào đời đi làm việc; rồi đi lính làm quan; rồi có lúc đi tù cải tạo; rồi có lúc làm rẫy, làm ruộng; rồi có lúc đi làm lại cái nghề kế toán cũ của mình trên chuyến xe buýt người người chen lấn chật như nêm giữa những đường phố Sài Gòn để rồi bị bọn bất lương rạch chiếc cặp lấy mất đồ đạc trong ấy nhiều khi muốn khóc; rồi vượt biên, vượt biển mấy bận; rồi nay ở buổi hoàng hôn của một đời người với cái tuổi ngoài tám mươi, quả là một hành trình khá dài so với đời người trăm năm, nhưng có cái may là tác giả rất vui trong tác phẩm mới nhứt của anh. Quả đây không chỉ mà là một tập hồi ức ấp ủ biết bao cái chất trữ tình chứa đầy vốn sống của một người từng trải, mà nó còn là một bức tranh xã hội đầy màu sắc và rất sinh động mà tác giả đã vẽ lên một cách khá trung thực và tài tình!

Houston, ngày 30 tháng 9 năm 2019
Hai Trầu

**********************************

Lời Mở Đầu 

Tập truyện ngắn Những Mảnh Hồn Tôi

Tôi viết cho khuây khỏa niềm thương nỗi nhớ quê hương, nhớ đâu viết đó, thấy gì viết nấy. Có khi là chuyện xảy ra ở quê mình, có khi chuyện ở xứ định cư hay một xứ ta bà nào đó. Cho nên tôi muốn đặt tên tập truyện là “Chuyện Bên Này Bên Kia” hay là “Đôi Bờ Đại Dương”. Rồi tự hỏi lại: còn những chuyện không dính tới bên nào, bờ nào thì sao? Khó chọn tên cho tập truyện quá, tôi cầu cứu anh Hai Trầu Lương Thư Trung chọn giùm. Anh đã viết nhiều sách: “Bến Bờ Còn Lại”, “Tình Thầy Trò”, “Lá Thư Từ Kinh Xáng”, “14 Tác Giả Mỗi Người Một Vẻ”, “Nhớ Về Những Bến Sông”, “Mùa Màng Ngày Cũ”, “Một Chút Tình Quê”, “ Người Đọc và Người Viết”. Anh là bạn trong nhóm “kết nghĩa vườn đào” trên đất lành Thatsonchaudoc.com gồm có anh Hai Trầu (Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng), anh Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa (Nghĩa Tri Tôn) nay đã mất, anh Vũ Thất (Anh Bảy Tân Châu), Cô Nguyễn Thị Lộc Tưởng (Cô Út Châu Phong), tôi là Chung An Phú hay Hai An Phú. Sau này có thêm bạn trẻ Lý Việt Thái (Thái Lý), thuộc hàng “hậu sanh khả úy”, viết văn cũng khá, bình luận bóng đá cũng hay.

Đứa con tinh thần thứ nhất của tôi là “Nội Ngoại Đều Thương” (2008), đứa thứ nhì là truyện thật ngắn “Thằng Mập” (2013). Anh Hai Trầu đặt tên cho đứa con tinh thần thứ ba này là “Những Mảnh Hồn Tôi”. Chí lý lắm! Dù chuyện bên Đông hay bên Tây đều từ tâm hồn tôi thu nhận vào, nhào nắn  rồi phát ra. Tôi thành thật cảm ơn anh Hai Trầu đã đặt tên và viết lời giới thiệu tập truyện.

Tôi chân thành cảm ơn một anh Hai nữa là Anh Hai Lúa cũng đã viết lời giới thiệu “Những Mảnh Hồn Tôi”. Anh Hai Lúa là Nhà văn Hồ Ông, nguyên Chủ Bút  Văn Nghệ Tuần báo tại Sydney-Úc Châu, nay anh nghỉ bệnh, đi đứng khó khăn,  nhưng tinh thần còn rất minh mẫn, rất cảm ơn chị Hai Lúa là Nhà văn Tâm Minh đã đọc bản thảo tập truyện cho anh Hai Lúa nghe để anh cho ý kiến. Vì thân kính anh là người dìu dắt tôi viết truyện từ buổi ban đầu, tôi muốn có được bút tích trân quý của anh Hai trong tập truyện để lưu niệm, nên tôi đã làm anh chị cực nhọc.

Tôi cảm ơn Nhà văn Vũ Thất, tác giả các truyện dài “Đời Thủy Thủ”, “Trong Cơn Bão Biển”, “Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh” đã đọc những bài viết của tôi trên Trang nhà Thatsonchaudoc.com và có dịp chân tình góp ý xây dựng với tác giả.

Tôi cảm niệm hương linh Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, tác giả “Như Cánh Chuồn Chuồn”, “Con Đường Cũ”, lúc còn sống đã trao đổi nhiều ý kiến rất hay để tôi viết thêm phần chuẩn mực.

Tôi cảm ơn Nhà văn Tiểu Tử Võ Hoài Nam, một bậc lão thành đã có lời sách tấn rất chân tình đối với đàn em. Ông Võ Hoài Nam tốt nghiệp Kỹ Sư tại Pháp; trước ngày 30/04/1975, Ông làm việc tại Công Ty Xăng Dầu Shell, số 15 Đại Lộ Thống Nhất Sài Gòn. Sau khi đọc tập truyện ngắn “Nội Ngoại Đều Thương”, Ông có lời dặn dò:

“Anh vẫn đọc từ từ “Nội Ngoại Đều Thương”, thích lối chú viết “kể chuyện” không màu mè huê dạng. Tụi mình gần nhau ở chỗ đó! Hãy giữ như vậy, nghen! Thăm hết,

Anh Nam”

Nhà văn Tiểu Tử đã tặng tôi một bộ sách quý gồm 2 cuốn “Tiểu Tử Toàn Tập”.

Chú Hai An Phú cảm ơn cháu Thái Lý ở Châu Đốc, An Giang đã tốn công tốn của chụp được nhiều tấm hình Vàm Bắc Nam để chú chọn một tấm làm bìa sách này và cháu Võ Hùng Tuấn-An Phú, An Giang đã dùng hình ảnh vệ tinh cho chú Hai thấy rõ cảnh trí của Vàm sông Bắc Nam ngày nay.

Tôi cảm ơn Họa sĩ La Thảo Nhi đã vẽ lại cảnh Vàm Sông Bắc Nam Ngày Xưa theo hồi ức của tôi. Cô đã cố gắng hết sức để thu gọn những cảnh vật tiêu biểu (công xi rượu, khu hành chánh của Pháp, bến tàu, đình chùa, nhà cư dân...) trong khu vực vàm sông rộng lớn vào trong một trang giấy nhỏ, là một việc khó làm, nếu không có được một kỹ năng hội họa và một trí sáng tạo tuyệt vời.

Anh cảm ơn Cô em Út Nguyễn Thị Lộc Tưởng, tác giả cuốn Bút ký “Vàm Kinh Cũ”, đã cho anh mượn vùng đất lành Thatsonchaudoc.com để giao duyên các truyện ngắn “Những Mảnh Hồn Tôi”.

Tôi rất cảm ơn quý thân hữu không muốn nêu tên đã giúp tôi hoàn thành tập truyện ngắn này.

Tôi không quên ghi nhớ chân tình của quý độc giả chia sẻ tâm tư của tôi, một người sống xa xứ.

Trân trọng,

Sydney, ngày 26 tháng 03 năm 2019

Khiêm Cung-Dương Văn Chung

------------------------------------

Lời Giới Thiệu Của Tác Giả Hai Trầu-Lương Thư Trung

Nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung với tác phẩm đầu tay “Nội Ngoại Đều Thương” ra đời năm 2008. Rồi tiếp theo đó, anh còn có tác phẩm song ngữ nữa là “Thằng Mập” (2013).

Với tính tình hiền hòa, luôn làm việc thiện thí công như có lần anh trò chuyện với một bạn trẻ cùng quê An Phú của anh hồi tháng 3 năm 2018. Đặc biệt, anh rất khiêm nhường như bút hiệu Khiêm Cung của anh, nên lúc nào anh cũng nhờ anh em trong nhóm anh em kết thân “Tân Châu-Châu Đốc” xin cho ý kiến về các tác phẩm của mình. Mới đây anh lại gởi cho tôi bản thảo tác phẩm mới của anh.

Tôi đã đọc lại tập bản thảo của anh rất chậm, và rất kỹ, tôi thấy lần này anh chuẩn bị rất chu đáo cho tác phẩm mới này của mình một cách rất nhà nghề. Có cái điều rất ngạc nhiên là dù trước đây thỉnh thoảng tôi đã đọc vài bài của anh trên trang nhà Thất Sơn-Châu Đốc của chị Nguyễn Thị Lộc Tưởng (Boston, Hoa Kỳ), nhưng nay đọc lại văn của anh sắp in thành sách, tôi có cảm tưởng như anh vừa mới viết xong, nó sống động, lôi cuốn và hấp dẫn!

Từ chuyện xưa đến chuyện nay, từ chuyện bên nhà đến chuyện xứ người, chuyện nào cũng dạt dào tâm sự của chính tác giả hòa với cảnh đời ngày trước cũng như bây giờ, mỗi mỗi đều được anh nhìn ngắm, mà trong lòng tác giả luôn xao xuyến, bồi hồi pha chút ngậm ngùi, lưu luyến, bâng khuâng! Và đăc biệt, ở cái tuổi ngoài tám mươi mà lời văn của tác giả rất bóng bẩy mà giản dị và dễ hiểu; sự việc thì rành mạch mà ý tưởng lại rất thâm trầm, cảm động!

Điều ấy cho thấy đời sống tinh thần của tác giả rất phong phú; ở đó là cả một công trình gạn lọc, tích lũy biết bao chất liệu sống cùng những kinh nghiệm của một bậc lão thành qua hơn tám mươi năm lăn lóc giữa dòng đời luôn đày bất trắc với biết bao biến đổi của thời cuộc, và của xã hội!

Chính vì nội dung cuốn sách này gắn liền trái tim và tâm hồn của tác giả với cảnh với người, nên tôi xin mạn phép đề nghị với anh nên đặt tên cho nó cái tựa “Những Mảnh Hồn Tôi” mà tôi nghĩ nó rất kết hợp với tình cảm và nỗi lòng của anh đã gói trọn qua từng trang  sách khi anh viết cuốn sách này.

Nói một cách khác, theo tôi, “Những Mảnh Hồn Tôi” của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung là một tập bút ký thuộc loại trữ tình; trong thể văn trữ tình, yếu tố quan trọng nhất là phải thành thật, và có thành thật nên tác giả mới gợi được cho người đọc cùng rung cảm với mình; chẳng hạn như bài “Nhớ Một Vàm Sông” trong tập sách này, lần nào đọc lại, tới lời kết, tôi đều rưng rưng nước mắt! Xưa nay cổ nhân đã nói: “Văn có tình mới hay” (*) là vậy!

Người đọc sách, vốn dĩ là người muốn đi tìm cái hay, cái đẹp trong những trang sách nhưng giữa rừng sách vở bao la vô tận ngày nay, không phải lúc nào người đọc cũng may mắn gặp được một cuốn sách  mà mình vừa ý. Nhưng tôi hy vọng rằng, với cuốn bút ký “Những Mảnh Hồn Tôi” của nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung chẳng những nó sẽ mang đến cho bạn đọc gần xa những trang đời rất thật mà cảm động của tác giả; mà nó còn để lại trong lòng bạn một chút tình, một chút vui với những trang sách giản dị mà đẹp, trữ tình mà hay nữa!

Trân trọng,

Hai Trầu-Lương Thư Trung

Houston, ngày 18 tháng 03năm 2019

(*) Lời của  nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong cuốn “Hương Sắc Trong Vườn Văn” do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê (Sài Gòn) in năm 1962.

--------------------------------------------------------------

Lời Giới Thiệu Của Nhà Văn Hồ Ông – Úc Châu

Tản Mạn Về Tập Truyện Ngắn “Những Mảnh Hồn Tôi” Của Nhà Văn Khiêm Cung

Có một cảm giác nhẹ nhàng thú vị sau khi tôi đọc xong 69 truyện ngắn “Những Mảnh Hồn Tôi” của Khiêm Cung trong USB anh gửi qua cho đọc trước khi gửi tới nhà in. Tôi sinh ra ở miền Bắc, 10 tuổi di cư vào Nam tạm cư tại Sóc Trăng, hình ảnh sông nước miền Tây Nam bộ ngấm sâu tới mức khiến tôi mang tâm hồn của một dân Nam bộ chính cống. Lớn lên ở Sài Gòn, sau này ly hương qua Úc, lạ thay, ký ức xa xưa của tôi mang đậm nhất vẫn là Miền Tây lục tỉnh. Điều này cũng ảnh hưởng tới cả cách thưởng ngoạn nghệ thuật, văn chương của tôi. Tôi mê cải lương, yêu giai điệu Dạ Cổ Hoài Lang, những điệu hò xàng xê, lý con sáo... và thích đọc dòng văn đậm chất Nam Bộ của Lê Xuyên, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam...

Bước vào sự nghiệp văn, báo, tôi thấy dễ dàng thoải mái hơn khi sử dụng phương ngữ rặt miền Tây. Qua Úc, phụ trách trang thư tín, tôi đã dùng bút danh Hai Lúa vì cảm thấy tên đó biểu hiện con người thật nhất của mình. Hôm nay, Hai Lúa tôi cảm thấy thật gần gũi khi thả hồn trôi theo từng truyện ngắn của nhà văn Khiêm Cung, một nhà văn xuất thân miền Tây Nam Bộ.

Mỗi câu chuyện là một đề tài, đến 80% là ký ức về miền Tây phong cảnh thi vị, đời sống mộc mạc, tánh người chân phương, tình người hồn hậu. Số truyện còn lại liên quan đến những đề tài thời học trò, thời quân ngũ, học tập cải tạo và đôi điều trong đời sống Úc, nơi tác giả sống tạm dung sau khi rời bỏ quê hương. Mỗi câu chuyện được tác giả phác họa một cách đơn thuần, không tô vẽ màu mè cường điệu, người đọc dễ cảm nhận và cảm giác như hòa được cùng các nhân vật. Nếu hình dung mỗi câu chuyện thành một bức tranh hay coi đó là một sân khấu thì ở đấy đều thấp thoáng bóng dáng của tác giả ẩn hiện. Thấp thoáng ở một góc nhỏ thôi, khiêm tốn như bút danh nhà văn tự đặt cho mình... Khiêm Cung.

Mỗi câu chuyện là một hoạt cảnh được nhà văn lôi ra từ ký ức, sắp đặt mạch lạc, đơn giản và trung thực để người thưởng ngoạn tự chiêm nghiệm. Văn là người, câu nói này rất đúng ở nơi nhà văn Khiêm Cung. Xuyên suốt 69 câu chuyện, không hề thấy “cái tôi” của tác giả đặt vào. Nhà văn Khiêm Cung không dẫn dụ, ép buộc người đọc phải thấu hiểu mình, nghĩ theo hướng của mình, từ chuyện bao đồng thiên hạ cho tới chuyện riêng tư. Thậm chí, tả về mối tình đầu của mình trong tác phẩm Chị Thằng Biện, tác giả làm như không cố tình kể ra, chỉ là câu trả lời cho đứa cháu ngoại gái hỏi vu vơ - Hồi chưa cưới bà ngoại, ông ngoại có bồ không? Nhà văn kể chuyện tình của mình mà không đặt mình làm trọng tâm của mối tình đầu mỏng như tơ trời nhưng rất đẹp thời xa xưa ấy. Kỷ niệm nhắc về quê bên Nội, bên Ngoại trong tác phẩm Bạn Từ Quê Ngoại Đến Thăm cũng vậy, tác giả không cố tình khoe khoang, chỉ dựa vào một buổi thăm viếng của bạn xưa mà nhắc lại. Đây là điều tôi cho là ưu điểm của tác giả, người viết “càng giấu cái tôi, càng ẩn mình”, càng đẩy tính khách quan của câu chuyện, khiến người đọc cảm như thấy lại kỷ niệm của họ, hồi ký của họ chứ không của ai khác... Có nhiều câu chuyện mà Hai Lúa chưa từng thấy, từng nghe, thì càng hứng thú khi đọc truyện, như ngồi đò dọc du ngoạn cùng người hướng dẫn viên am hiểu tận tường phong tục tập quán miền sông nước vùng Tây Nam bộ, thú vị vô cùng.

Có một truyện ngắn Hai Lúa tôi tâm đắc nhất là Cái Rương Cũ. Nhân vật chính được tác giả gọi là Lão, trong chuyến bay tới vùng đất mới, chỉ mang theo một chiếc rương chứa đựng hành trang. Cái rương cũ chứa vài món đồ vặt vãnh được Lão cất giữ bấy lâu nay, được Lão nâng niu và trân trọng hơn bất cứ báu vật nào. Ở câu chuyện này, hoàn toàn không có bóng dáng tác giả nhưng Hai Lúa tôi thấy rõ Khiêm Cung chính là hiện thân của Lão, với một chiếc rương cũ bằng vàng ròng sáng lòa chứa đầy kỷ niệm về quê hương yêu dấu, cất ở một nơi rất trang trọng tận đáy tim. Với bản tánh khiêm cung, tâm hồn bình dị, khi viết về đề tài bè bạn gần xa, bạn học, bạn lính, bạn tù, tác giả Khiêm Cung đều thể hiện tính nhân bản, thiện ý trong mọi hoàn cảnh dù vui, buồn  hoặc có đôi điều bất ưng. Giống như tác phong điềm đạm chậm rãi, cách viết của anh cũng rất từ tốn nhẹ nhàng.

Hai Lúa có tật hay chiêm nghiêm một tác phẩm qua lăng kính khác, đánh giá bài văn này linh động như một thước phim, bài văn kia như một vở kịch, một bức tranh v...v... Đọc xong toàn bộ 69 truyện ngắn “Những Mảnh Hồn Tôi” của nhà văn Khiêm Cung, Hai Lúa hình dung những truyện ngắn này hóa ra thành những bức ảnh, có vài tấm đen trắng nghệ thuật, nhiều tấm màu sắc hiện thực rõ nét của một nhiếp ảnh gia có cái nhìn nhạy bén bao quát, nhưng tay bấm vô cùng chuẩn mực và cẩn trọng...

Hai Lúa, Hồ Ông - nguyên chủ bút Văn Nghệ Tuần Báo, Úc Châu

(Sydney-8/1/2019)   

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com