“Quán Bên Đường” là một tập truyện gồm 10 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Lan, tái bản tại California, Hoa Kỳ, vào năm 2016. Hầu hết các truyện đều tập trung vào các đề tài làm nổi rõ thân phận trôi nổi của con người trải qua những biến thiên của xã hội và cuộc sống.

Bìa trước và bìa sau tập truyện “Quán Bên Đường” của Nguyễn Thị Ngọc Lan. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)
Bằng một văn phong đơn giản, không cầu kỳ, không làm dáng, rất ít ví von, tóm lại, ít sử dụng hình thức tu từ, lại phong phú các chi tiết hiện thực, Nguyễn Thị Ngọc Lan kể cho chúng ta nghe những câu chuyện bình thường, thậm chí tầm thường, trong thời buổi đất nước có chiến tranh.
Đọc truyện chị, ta không tìm thấy những chi tiết éo le gay cấn và cũng không tìm thấy những sự kiện được tô son vẽ phấn nhằm gây ấn tượng nơi độc giả. Nói chung, chị không sử dụng nghệ thuật hư cấu nhằm đưa vào một triết lý gì cao siêu hay nhằm tạo nên những bi kịch làm mủi lòng người. Tuy nhiên, toát lên từ những chất liệu bình thường và tầm thường đó, người đọc lại cảm nhận được những chua xót, tan nát của phận người, nhất là thế hệ trẻ thời chiến, kinh qua những chia cách, đổi thay, dang dở và những ước vọng không thành. Có thể nói, nghệ thuật viết văn của Ngọc Lan là một đan xen giữa “viết truyện” và “kể chuyện.” (*)
Truyện dài nhất trong tập là “Hải Tặc Thái Lan,” viết dưới dạng hồi ký, ghi lại một cách trung thực chuyến vượt biên cuối năm 1979 bị hải tặc Thái Lan cướp khiến 152 người chết thảm, dựa theo lời kể của một trong hai người sống sót.
Một trong những truyện khác khá cảm động là “Mái Nhà.” Truyện có cấu trúc khá mới, qua đó, ba nhân vật chính lần lượt kể lại câu chuyện của chính mình (một loại tự truyện) trong mối liên hệ với hai nhân vật kia với nhiều chi tiết khá lạ và khá bất ngờ khiến ta bùi ngùi cảm động.
Đó là một cặp vợ chồng nghèo, nghèo sát đất. “Khi quá nghèo thì người ta cũng mất đi cái thú hàn huyên,” một nhận xét khá thú vị và chính xác. Vợ, mắt gần như mù, làm nghề quét rác, chồng là thợ nề đi đây đi đó làm thuê kiếm ăn qua ngày. “Vợ chồng tôi như hai cành cây trong gió, ngã vào nhau, mắc vào nhau, và cứ thế mà sống, không biết thế nào là yêu, thế nào là không yêu,” theo lời kể của người vợ. Lấy nhau, không có nhà ở, hai vợ chồng phải ngủ chung trong một cái sạp với những thợ nề khác, thành thử qua một thời gian dài, người vợ vẫn còn là trinh nữ. Mãi đến nửa năm sau, nhân về dự đám tang bà ngoại, cả hai mới có dịp gần gũi nhau và thế là anh chồng, do “cái thằng đàn ông trong tôi thức giấc bất ngờ, không đúng lúc,” làm vội, làm vàng, làm ẩu cho xong. Rồi phải nửa năm sau nữa, hai vợ chồng mới gần nhau lần thứ hai. “Lúc Duyên vào buồng lấy gạo thổi cơm mời khách, tôi đi theo và đè Duyên xuống đất, như con gà đạp mái. Hấp tấp, chớp nhoáng, cũng xong…,” theo lời kể của người chồng.
Trong 10 truyện, “Quán Bên Đường” có lẽ là truyện ưng ý nhất của Nguyễn Thị Ngọc Lan, vì đã được sử dụng làm tựa đề cho cả tập truyện. Tuy truyện diễn ra trong một xóm đạo nhỏ, nhưng nếu phóng lớn lên, chúng lại chứa đựng những hình ảnh tiêu biểu của xã hội miền Nam vào thời còn chiến tranh trước năm 1975. Mọi người trong xóm gần như đều có bà con xa gần với nhau, sống như một đại gia đình. “Buổi chiều, cuối tuần xúm xít nhau nơi sân nhà thờ, người lớn, vì mê Chúa, người trẻ, vì mê nhau, con nít, vì mê chơi…” Quả là một diễn đạt rất cô đọng nhưng lại vẽ ra khá đầy đủ sinh hoạt của cái xóm đạo nhỏ bé này. Nhân vật chính, chứng nhân của những đổi thay ghê gớm xảy ra trong xóm nhỏ, xưng “tôi,” là người con gái cuối cùng trong một gia đình không có con trai. Bị chi phối bởi quan niệm “thập nữ viết vô,” “Ngày tôi chào đời, ba bỏ đi nhậu để giải khuây, khi nghe bà mụ nói ‘con gái.’ Không ai quan tâm đến một đứa con gái vừa chào đời, là tôi. Ngày làm lễ rửa tội, chỉ có Cha Sở, mẹ, tôi, và hai giọt nước mắt của mẹ.” Vì thế, năm người anh họ được cô xem như năm người anh trai.
Ngoài sân nhà thờ, có một nơi thanh thiếu niên mới lớn thường tụ họp tập tễnh uống cà phê, tán gái, hút thuốc… là một cái quán bình dân đầu ngõ, “quán bên đường.” Lớn lên một vài tuổi nữa, trong lúc cô gái vào học trường nội trú, thì những người anh họ mỗi người một ngả, người thì vào Đại Học, người thì đi lính, kẻ thì đi học xa. Họa hoằn lắm họ mới có dịp gặp lại nhau tại “quán bên đường” và mỗi lần như thế, mọi người sôi nổi bàn tán về những mơ ước riêng của mình và ai cũng cảm thấy “sắp bước chân vào cuộc đời, cả một chân trời hứa hẹn, tưởng mình sắp kê vai để gánh vác đất nước.”
Nhưng, “đất nước quá tang thương,” tất cả đám trai trẻ lần lượt nối tiếp nhau đi vào quân đội. “Xóm nhỏ, ngày xưa, mỗi lần có xe hơi vào xóm, lũ con trai nhỏ bỏ tất cả trò chơi, để chạy theo, đu vào đuôi xe, cười rạng rỡ.” Giờ thì khi “có chiếc xe nhà binh vào xóm, mọi người, lớn nhỏ, ngừng ăn, ngừng uống, ngừng nói, ngừng thở dõi theo chiếc xe… Chiếc xe nhà binh chở quan tài…” Mỗi lần như thế thì cô gái được các dì, các bác trong xóm níu lấy, ai cũng khóc lóc, vật vã nhờ cô đi hỏi thăm giùm xem chồng, con họ có mệnh hệ gì không vì nghe nói trận Hạ Lào, “lính mình chết gần hết.” Ở cổng nhà xác, “người ta chen chúc nhau tìm xác người thân, như chen nhau đi lãnh hàng Quân Tiếp Vụ, có điều, lãnh hàng Quân Tiếp Vụ thì chắc chắn sẽ được lãnh, còn bây giờ, họ van vái đừng được lãnh.” Khung cảnh đau lòng đó được Nguyễn Thị Ngọc Lan diễn tả một cách sống động qua đoạn đối thoại giữa thân nhân và người gác cổng nhà xác sau đây:
“- Nhờ ông coi giùm có tên Nguyễn Y, Trần Văn T không?
- Thôi được, tui sẽ làm hết lòng cho các bà yên tâm mà về, còn lại sáu xác không có thẻ bài, tui sẽ cắt mỗi xác một miếng vải quần đùi, các bà phải biết vải quần đùi của chồng mình chứ hả?
Người gác cổng quay vô, rồi trở ra với miếng vải bông loang máu, miếng vải vừa đưa lên, chưa kịp lên tiếng, thì đã có một bà chồm lên, giật lấy, cầm cứng trong tay rồi khóc ngất:
- Đúng là của ảnh rồi, quần này chính tay tui mua vải, tui cắt may cho anh đây mà, anh ôi, anh ôi…
Thế là có một bà vừa nhận được xác chồng. Người gác cổng, lại quay vào rồi trở ra với mảnh vải màu xanh kaki, có mấy bà chồm tới giật lấy, khóc lóc, một bà bình tĩnh hơn:
- Quần này là hàng Quân Nhu phát, thiếu chi người mặc, biết chồng ai mà giành.
- Nhờ ông coi, có hai cái răng vàng hàm trên không?
- Nhờ ông coi giùm có nốt ruồi son ở cổ không?
- Nhờ ông coi giùm có…
- Tui xin lỗi, chịu thôi, xác này chắc trúng nguyên quả mình chỉ còn một nửa…”
Năm người anh họ thân thiết của cô, có hai người chết trận. Người đầu tiên “tử trận tại chiến trường Hạ Lào, hai mươi mấy tuổi, chưa lập gia đình, mới có người yêu…;” và người thứ hai là con trai duy nhất của bà bác, chết chồng lúc bác mới hai lăm tuổi, ở vậy để giữ tiếng “tiết hạnh khả phong.”
Không lâu sau đó, một người anh họ khác bị thương, mất một tay, một chân, mặt nát đi vì sẹo. Nhưng nhờ vậy mà sau 1975, anh khỏi đi ở tù cải tạo trong lúc hai người anh kia, may mắn không chết và không bị thương tích gì, thì phải đi ở tù. “Họ đã để anh tôi và đồng đội lên bàn cờ, sống chết như một chiếc lá rơi… Cả một thế hệ mất nụ cười… Những bàn tay lông lá đã đày đọa, những đàn anh của anh tôi đã quá nhiều và đã quá lâu…”
Sau cuộc nhiễu nhương, quán bên đường vẫn còn đó, nhưng tiêu điều, xập xệ hơn. Bà chủ quán ngày xưa đã chết, cô con gái thay mẹ trông coi quán. Khi người anh họ đi ở tù về, anh em kéo nhau ra lại quán. Chủ quán cho mở lại những bản nhạc cũ ngày xưa thời của các anh. Nghe nhạc, cô gái chỉ cảm thấy tái tê.
Cảnh cũ thì còn nhưng người xưa mất hết! “Nước mắt thì không nghĩa lý gì với niềm đau của anh tôi… dĩ vãng mất hết… em út chưa nếm đủ mùi đời đã chết, bạn bè bỏ vợ bỏ con, chết… anh lớn nhất, cụt tay, cụt chân… bản thân anh, biết làm gì để sống, sau những ngày tù tội… tương lai mờ mịt… anh ngồi lăng người như tượng đá trong Nghĩa Trang Quân Đội…”
***
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Lan sinh trưởng ở Huế, hiện sinh sống tại California. Đã từng cộng tác với Tuổi Hoa, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Làng Văn, Quán Văn. Đã góp mặt trong nhiều tuyển tập văn chương hải ngoại như “Trăng Đất Khách,” “Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995,” “Khung Trời Bỏ Lại,” “Chương Trình Vietnamese Short Story” của BBC Luân Đôn.
Đã xuất bản hai tác phẩm: “Một Chút Hạnh Phúc Nhỏ” (1987, tái bản 1995), “Quán Bên Đường” (tập truyện 2015).
Trần Doãn Nho
—–
Chú thích:
(*) Theo Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), chuyện có nghĩa là “sự việc được kể lại.” Còn truyện có hai nghĩa là “tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn.” Thứ nhất, truyện thuộc lĩnh vực văn chương, như trong các từ: truyện ngắn, truyện dài, truyện trinh thám, truyện tranh… Còn chuyện lại thuộc các lĩnh vực khác, như trong: chuyện vui, chuyện tình, chuyện đời, chuyện vẩn vơ, chuyện tầm phào…