
Bìa cuốn tiểu thuyết “Vòng Đai Xanh” của nhà văn Ngô Thế Vinh.
“Vòng Đai Xanh” là cuốn sách thứ hai mà tôi nhận được từ nhà văn Ngô Thế Vinh gửi tặng, cuốn kia là “Mặt Trận Ở Sài Gòn,” cả hai đều được xuất bản vào năm 2020 tại Hoa Kỳ bởi NXB Văn Học Press và Việt Ecology Press. Tất nhiên, nhà văn Ngô Thế Vinh không chỉ có chừng ấy sách mà theo danh sách liệt kê trong “Vòng Đai Xanh” thì ông có tới ít nhất 17 cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc song ngữ Việt-Anh được xuất bản từ năm 1964 ở trong nước và tại hải ngoại cho đến năm 2020.
“Vòng Đai Xanh” là cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc vào năm 1971 tại Sài Gòn. Theo nhà văn Ngô Thế Vinh trả lời phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa số 370 vào ngày 1 tháng 6 năm 1972, thì lúc đầu ông muốn “viết một cuốn sách, không phải tiểu thuyết, sưu khảo về vấn đề cao nguyên,” nhưng vì để tránh rắc rối kiểm duyệt nên ông phải chuyển sang viết tiểu thuyết để có thể được phép xuất bản. Và có lẽ vì vậy mà trong cuốn tiểu thuyết này tên của các nhân vật cũng không phải là tên thật. Điều này đã được học giả Hoàng Xuân Hãn trong lá thư trả lời cho nhà văn Ngô Thế Vinh có nêu ra thắc mắc, “Một điều tôi mong được ông cho hay là các sự kiện và biến cố trong sách có hoàn toàn thật không, và những nhân vật Mỹ, Việt quả có không và tên thật là gì?” (Vòng Đai Xanh, trang 228).
Riêng tôi khi đọc “Vòng Đai Xanh” thì đã thấy ra tên của nhiều nhân vật trong tiểu thuyết đã không phải là tên thật như trường hợp của “nhà sư Pháp Viên” và “Giác Nghiệp,” vì tôi có biết những vị này với tên thật ở ngoài đời. Nhưng cái tên của họ không quan trọng. Điều quan trọng là họ thật sự là những người có thật ở ngoài đời và những gì tác giả Ngô Thế Vinh viết về họ đều là thật. Dĩ nhiên, tiểu thuyết thì không thể thiếu phần hư cấu, bởi vậy trong “Vòng Đai Xanh” chắc chắn cũng có điều không thật, ít ra là hư hư thật thật, chẳng hạn trường hợp người tình tên Nguyện của tác giả. Tôi đoán vậy!
“Vòng Đai Xanh” có sức hấp dẫn không thể cưỡng đối với tôi, vì nó đề cập đến một vấn đề mà từ lâu tôi cũng có nhiều quan tâm đến. Đó là vấn đề người Thượng cao nguyên. Đối với tôi, “Vòng Đai Xanh” không chỉ là cuốn tiểu thuyết chiến tranh với nhiều tình tiết liên quan đến cuộc chiến Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất hay về một chiến lược bí mật của người Mỹ, mà còn là một cuốn tài liệu lịch sử về một vấn đề gây nhiều khúc mắc trong các chính sách của nhiều chế độ tại Việt Nam đối với thành phần dân tộc tiểu số sống ở cao nguyên.
Nhưng điều gây cho tôi ngạc nhiên trước nhất chính là tựa đề của cuốn tiểu thuyết “Vòng Đai Xanh.” Vì đã từng đọc nhiều nghiên cứu của nhà văn Ngô Thế Vinh trong những năm qua về vấn đề Sông Mê Kông và an ninh môi trường sinh thái, lúc đầu tôi có liên tưởng “Vòng Đai Xanh” với vấn đề môi trường. Nhưng khi đọc sâu vào truyện thì không hoàn toàn là vậy. Nói thế cũng có nghĩa là lúc “Vòng Đai Xanh” được xuất bản vào năm 1971 tại Sài Gòn thì tôi vẫn còn chưa có đủ duyên để biết đến cuốn sách này. Vậy “Vòng Đai Xanh” là gì?
“Vòng Đai Xanh”
Một cách rất ngắn gọn, “Vòng Đai Xanh” là một chiến lược an ninh bí mật của Mỹ lập ra để vừa bao vây vừa chận đường xâm nhập của cộng sản Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Một người lính Biệt Kích Mỹ huấn luyện các du kích người Thượng. (www.en.wikipedia.org)
Tác giả Ngô Thế Vinh mô tả chiến lược của Mỹ qua Vòng Đai Xanh như sau:
“Davis cũng cho tôi biết về tông tích của hắn. Tacelosky xuất thân ở Fort Bragg, nguyên Trung Tá LLĐB Mỹ giải ngũ, đại diện cho USOM đặc trách cao nguyên. Fort Bragg là một trung tâm đào tạo các toán lính Mũ Xanh để tung vào khắp các ngỏ ngách hoang vu của thế giới, từ rừng rậm Phi châu đến các vùng hẻo lánh của Nam Mỹ nhưng thí điểm chính của họ vẫn là lục địa Á châu với đủ mọi sắc dân thiểu số sống rải rác trên các núi cao và rừng xanh chạy suốt từ bờ biển phía Đông tới giáp chân Hy Mã Lạp Sơn. Tại mỗi quốc gia họ đều tung vào những toán xung kích hoặc công khai hoặc bí mật, thông thạo phong tục và thổ ngữ, thích ứng nhanh chóng với các dân địa phương, giúp đỡ khai hóa họ để chinh phục cảm tình và sau đó nhiệm vụ chính là tổ chức cho bằng được những toán quân chiến đấu tinh nhuệ và dễ bảo dưới quyền điều khiển của các sĩ quan Mỹ. Tham vọng lớn lao của họ là làm sao để thiết lập được một vòng đai an ninh kiên cố bao vây Hoa Lục. Đó là một Vòng Đai Xanh mà họ tin rằng đủ sức đương đầu với mọi hình thức chiến tranh du kích và rừng rậm của cộng sản. Đó là một công trình thử thách bán công khai của cả CIA lẫn LLĐB Mỹ mà Hoa Thịnh Đốn và Ngũ Giác Đài vẫn chưa dám nhìn nhận. Họ là đám con cưng của Tổng Thống Mỹ với những ưu đãi và đặc quyền vô hạn nhưng cũng là một lũ con hoang khi bị đổ bể.” (tr. 143)
Và ở một đoạn khác, nhà văn Ngô Thế Vinh nói thêm về Vòng Đai Xanh:
“Chính hắn [Tacelosky], sau khi rời Việt Nam hắn lại sang Vientiane đặc trách tổ chức ở Thượng Lào và miền Bắc Thái Lan các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ người Mèo, ngăn chận hữu hiệu những cuộc xâm nhập của lính cộng sản Bắc Việt theo lối đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là khúc của Vòng Đai Xanh được coi là kiên cố nhất.” (tr. 143)
Nhưng chiến lược Vòng Đai Xanh của Mỹ đã nêu ra hai vấn nạn: vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một số nước, và sử dụng, mua chuộc các dân tộc thiểu số sống trong các buôn làng ở rừng núi để làm hậu thuẫn cho chiến lược, mà thường gây phân hóa và xung đột sắc tộc tại một số quốc gia như người Thượng ở cao nguyên Việt Nam. Tác giả Ngô Thế Vinh đã nói đến các hiện tượng nêu trên trong tiểu thuyết “Vòng Đai Xanh” như sau:
“Trở lại vấn đề Việt Nam, điển hình là vụ cao nguyên, tôi đã viết nhiều lần là đã tới lúc Hoa Thịnh Đốn phải lựa chọn dứt khoát giữa những ảo tưởng quyền lợi nhất thời và đồng minh của họ. Dù Bộ Ngoại Giao Mỹ có thanh minh bao nhiêu đi nữa, ai cũng hiểu rằng Hoa Thịnh Đốn tuy không chính thức nhưng đã hỗ trợ ngầm hay cố tình làm ngơ cho một số người Mỹ công khai giày xéo chủ quyền của quốc gia này trong khi chúng ta cần sát cánh với họ chiến đấu.” (tr. 93)
Hoặc một đoạn khác khi nói đến phản ứng của Miến Điện, nhà văn Ngô Thế Vinh đã viết:
“Chính phủ Miến cực lực lên án và tố cáo những phi vụ lén lút của Mỹ nhằm yểm trợ tiếp tế cho các dân tộc thiểu số ly khai ẩn náu ở trong những khu rừng rậm ở Bắc Miến. Một lần nữa Mỹ bối rối không biết phải xử trí ra sao. Thỏa mãn yêu sách công khai xin lỗi, Bộ Ngoại Giao Mỹ có thể làm dễ dàng nhưng nếu vậy là chính thức xác nhận âm mưu khuynh đảo chính phủ hợp pháp Miến và hậu quả ngoại giao sẽ không biết là thế nào. Mẫu tin rất nhỏ chìm đắm giữa bao nhiêu biến cố quốc nội khác nhưng với nhà báo như tôi lại có một giá trị khám phá đầy ý nghĩa về câu chuyện một Vòng Đai Xanh bao vây Hoa Lục. Tôi dần dà đi tới một cái nhìn khá chuẩn xác về tầm quan trọng của những biến chuyển tại tây nguyên trong một tương quan quốc tế rộng lớn.” (tr. 141, 142)
Đối với người Thượng tại vùng Tây Nguyên Việt Nam, chiến lược Vòng Đai Xanh của Mỹ có tác động tiêu cực như thế nào, hãy đọc tiếp “Vòng Đai Xanh” của nhà văn Ngô Thế Vinh kể cho chúng ta biết.
“Không phải chỉ có bọn lính Mỹ Xanh mà chính đám Trung Ương Tình Báo Mỹ giẫm nát Cao Nguyên. Mọi biến cố hay dở ở đây không thể coi đơn giản chỉ là mối bất hòa Kinh Thượng. Bọn chúng lộ liễu lắm, mua chuộc mời đám lãnh tụ Thượng tới nhà nói thẳng với họ là chính người Việt dù cộng sản hay không cũng tìm cách tiêu diệt dân thiểu số, bởi vậy chỉ còn một cách là đi tới cùng con đường ly khai của họ. Ông nhà báo có biết ai đã nói với họ câu đó không. Chẳng phải Tecelosky, viên tư lệnh LLĐB Mỹ mà là ông mục sư; nhưng lão Denman không ngờ là trong đám người Thượng tưởng đã hoàn toàn mua chuộc được lại có lẫn cả người của mình, khi trở về họ kể lại cho tôi biết.” (tr. 73, 74)

Những cô gái dân tộc Rhade ăn mặc theo truyền thống. (www.en.wikipedia.org)
Hoặc một đoạn khác trong “Vòng Đai Xanh” đã viết:
“Hơn sáu mươi trại LLĐB là những miếng mồi ngon tung ra giữa một hoang địa thiếu ăn, nó quyến rũ người Thượng xúm lại như những đàn kiến, phần lớn dân số quy tụ ở đấy được người Mỹ nuôi ăn, mộ lính tổ chức thành những đội Dân Sự Chiến Đấu và hoàn toàn ngoài quyền kiểm soát của chánh phủ. Đó là những thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tung khi đụng một tia lửa nhỏ, một ngày đẹp trời nào đó người Mỹ sẽ mồi tia lửa này, chúng ta sẽ đứng trước một sự kiện đã rồi vô phương cứu chữa. Rất có thể một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức với sự giám sát quốc tế và anh biết chắc chắn kết quả sẽ thế nào.” (tr. 75)
Đọc đến đây người đọc không tránh khỏi có cảm giác khó chịu hay tức giận vì chính sách độc đoán, thất nhân tâm của ít ra là những người Mỹ có liên quan đến chiến lược Vòng Đai Xanh, nếu không muốn nói một cách nghiêm khắc là giới cầm quyền Mỹ tại Washington. Qua đó, có lẽ người đọc như tôi hiểu được phần nào lập trường và thái độ bỏ rơi của chính phủ Mỹ đối với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là một đồng minh gắn bó của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản xâm lăng ở Đông Nam Á, khi Mỹ bắt tay với Trung Cộng để thực hiện chiến lược toàn cầu chống thế lực của đế quốc Liên Xô nói chung và chiến lược Việt Nam Hóa Chiến Tranh để phủi tay và rút quân ra khỏi Việt Nam vào đầu thập niên 1970s.
Nhưng trong cuốn tiểu thuyết “Vòng Đai Xanh” của nhà văn Ngô Thế Vinh còn có một vấn đề làm cho tôi rất muốn tìm hiểu thêm là vấn đề người Thượng ở cao nguyên Việt Nam.
Người Thượng cao nguyên
Có một chi tiết liên quan đến chữ viết của người Thượng làm cho tôi rất thích thú khi đọc “Vòng Đai Xanh.” Đó là đoạn nhà văn Ngô Thế Vinh kể lại câu chuyện của một người Thượng tên Y Chơn nhắc đến truyền thuyết về việc người Thượng bị mất chữ viết. Nhà Văn Ngô Thế Vinh viết như sau:
“Nghe tôi nói Y Chơn cười kể lại rằng không phải là chưa có mà người Thượng đã sơ ý đánh mất chữ viết của họ.
“Tục truyền rằng khi Đức Phật đi vào cao nguyên truyền giảng, đồ đệ theo Ngài đông vô kể, người Thượng cũng đến nghe và được Ngài dạy viết cho. Trong khi mọi người dùng lá cây khô để viết thì người Thượng giết trâu lột da để viết. Khi về tới nhà vì họ không chịu cất giấu kỹ nên khi chủ nhà ngủ say, nửa đêm con chó ngửi thấy mùi thịt liền ngậm miếng da mà ăn đi, từ đó người Thượng mất luôn cả chữ viết.” (tr.35)
Tục truyền này mới đọc qua thì có vẻ là một huyền thoại nhưng thực tế đó là đầu mối rất quan trọng cho thấy nguồn gốc lịch sử của người Thượng ở cao nguyên có mối tương quan mật thiết với quốc gia Champa (có mặt từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ 19 sau Tây lịch) ngự trị tại vùng đất rộng lớn từ Quảng Bình ở phía Bắc tới Bình Thuận ở phía Nam và dãy Trường Sơn ở phía Tây. Champa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, mà trong đó Phật Giáo và Ba La Môn Giáo là chính, theo www.en.wikipedia.org.
Trong “Vòng Đai Xanh,” nhà văn Ngô Thế Vinh trích lời của mục sư Denman nói rằng:
“Theo lịch sử truyền kỳ thì cả miền Trung và cao nguyên xưa kia là của người Thượng với kinh đô ở gần bờ biển phía Đông, có lẽ là tỉnh Nha Trang hiện giờ. Những người già cả còn sống sót cũng kể lại rằng quê hương ông cha họ trước kia cũng ở phía mặt trời mọc…” (tr. 26)
Theo tác giả Trần Long Vi trong loạt bài “Người Thượng Ở Tây Nguyên – Kỳ 1: ‘Cổ tích’ Luật Tục,’” được đăng trên trang mạng www.luatkhoa.org vào ngày 30 tháng 4 năm 2019, cho biết thêm một số thông tin về người Thượng như sau:
“Người Annam và người Pháp gọi chung họ là Mọi. Từ này được hai nhà nghiên cứu Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi giải thích trong cuốn “Mọi Kontum” in lần đầu năm 1937, từ Mọi có lẽ có nguồn gốc từ tiếng Ba-na là “tơ-moi” để chỉ những người khách đến làng của người Ba-na, ví dụ tơ-moi Xơ-đăng, tơ-moi Gia-rai có nghĩa là khác Xơ-đăng, khách Gia-rai. Người Việt bắt chước cũng gọi theo nhưng tiếng Việt thì độc âm nên lâu dần bỏ chữ “tơ” chỉ còn lại từ “moi” để chỉ người bản địa ở Tây Nguyên.
“Cách gọi này đến sau năm 1945 thì bỏ hẳn vì dễ mang tính miệt thị, thay vào đó bằng cách gọi theo địa phương là “người Tây Nguyên” hay “người Thượng” để chỉ những người sống ở miền thượng du.
“Theo hai nhà nghiên cứu trên, dân số mọi lúc đó ước chừng 300.000 đến 500.000 người, chia thành nhiều bộ lạc khác nhau. Trong đó, có ba bộ lạc lớn là Ba-na, Xơ-đăng và Dja-rai (Gia-rai). Trong mỗi bộ lạc lại có những bộ tộc khác nhau. Ví dụ như có người Ba-na chính tông, và các bộ tộc như Bonam, Hrui, Konho, Krem…
“Ngoài ra còn có người Lạt, Mạ, Stiêng và Srê ở hai Cao nguyên Lang-biang và Gia-rinh. Người Mnông ở Tây Nam Cao nguyên Đắc Lắk và Tây Bắc Cao nguyên Lang-biang.
“Người Thượng đã đến từ đâu, tổ tiên của họ là ai thì vẫn chưa có đáp án chính xác. Chỉ biết chắc rằng các nhóm dân này đã bị người Chàm khuất phục, trở thành thần dân của Champa. Họ cũng từng sống ở ven biển rồi nhượng lại những vùng đất tốt nhất ở miền duyên hải cho người Chàm, rồi rút dần lên vùng núi cao Trường Sơn – Tây Nguyên.
“Nhà nghiên cứu người Pháp có hơn 23 năm sống cùng các bộ tộc ở Tây Nguyên Jaques Dournes cho rằng vì sự hiểm trở của đồi núi vùng này đã làm cho các sắc tộc vốn trước kia là một bị cô lập và hình thành các ngôn ngữ khác nhau, như một truyền thuyết được kể lại: “Ngày xưa tổ tiên chúng tôi nói cùng một tiếng nói, nhưng họ không còn hiểu nhau nữa khi họ phân tán khắp các hướng.”
“Về sau khi người Chàm suy yếu, quyền lực rơi vào tay người Annam nhưng người Thượng vẫn được tự do trong khu vực của họ. Núi rừng, sông suối, muông thú vẫn là của người Thượng, họ định kỳ nộp thuế cho triều đình Annam.
“Dù họ là ai, đến từ đâu thì người Thượng vẫn được biết đến là những cư dân đầu tiên của Tây Nguyên ngày nay.
“Do không có chữ viết nên những thay đổi trong xã hội chỉ được nghiên cứu khi người Pháp và người Việt bắt đầu tiếp cận với khu vực này.
”
Theo www.en.wikipedia.org, những thổ dân vùng Cao Nguyên là người Degar (hay Montagnard). Nhà văn Ngô Thế Vinh trong “Vòng Đai Xanh” đã chú giải về người Degar như sau:
“(Dega có nguồn gốc từ tiếng Rhadé: Anak Ede Gar có nghĩa là Những Đứa Con Của Núi Rừng – một từ ngữ đã được người Thượng chính trị hóa / politicized để chỉ chung cho các nhóm sắc dân thiểu số sống trên cao nguyên. Nhiều người Thượng không muốn dùng từ Montagnard vì cho đó là sản phẩm của thời thực dân Pháp. Giới quân sự Mỹ trên cao nguyên trong thời chiến tranh Việt Nam gọi họ là Yard, được người Thượng chấp nhận dễ dàng hơn nhưng đó cũng chỉ là một từ rút ngắn từ chữ Montagnard.)” (tr. 212)
Nước Champa và người Cham hay người Chàm tại vùng thấp (đồng bằng và bờ biển) theo truyền thống đã thống trị người Thượng tại cao nguyên, trong khi quyền tự trị là do người Thượng nắm giữ, theo Oscar Salemink trong tác phẩm được xuất bản vào năm 2003 “The Ethnography of Vietnam's Central Highlanders: A Historical Contextualization, 1850–1990.” Người Việt hay người Kinh đã đến vùng cao nguyên trong cuộc Nam tiến của Đại Việt vào thời nhà Trần ở thế kỷ 14, rồi tiếp theo là các triều đại nhà Hậu Lê ở thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 19, nhà Nguyễn từ đầu thế kỷ thứ 19 đến vị vua nhà Nguyễn sau cùng là Bảo Đại vào tiền bán thế kỷ 20. Pays Montagnard du Sud-Indochinois [Lãnh Thổ Cao Nguyên Củ Nam Đông Dương] là tên của Cao Nguyên từ năm 1946 dưới thời Pháp thuộc ở Đông Dương.
Một ngôi nhà sàn dài trong buôn làng Buôn Jun của người Mnong tại Cao Nguyên Việt Nam. (www.en.wikipedia.org)
Cho đến khi thực dân Pháp đô hộ, Cao Nguyên hầu như chưa bao giờ có người Việt bước chân đến bởi vì họ xem đó là vùng dân mọi rợ với nhiều thú rừng hung dữ như hổ, “nước độc” và “thần linh ác quỷ.” Người Việt có hứng thú đến vùng đất này sau khi thực dân Pháp chuyển nó thành một vùng cao nguyên trù phú để trồng trọt, thêm vào đó là nhiều nguồn thiên nhiên từ rừng, khoáng sản và đất mầu mỡ, sự nhận ra tính quan trọng của địa lý trọng yếu, theo Bác Sĩ Lawrence H. Climo trong tác phẩm “The Patient Was Vietcong: An American Doctor in the Vietnamese Health Service, 1966–1967,” được phổ biến vào năm 2013 cho biết.
Người Thượng cao nguyên nói các thứ tiếng Austroasiatic – cũng được biết là tiếng Mon-Khmer, là gia đình ngôn ngữ lớn của Vùng Đông Nam Á, cũng được lan truyền ra nhiều vùng của Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và miền Nam Trung Hoa – của người Katuis và Bahnaic, cũng như các thứ tiếng Chàm cũng nằm trong gia đình ngôn ngữ Austronisian, theo www.en.wikipedia.org. Bahnar là nhóm chủng tộc thứ hai, sau người Kinh, có chữ viết dựa vào mẫu tự La Tinh bởi các nhà truyền giáo Pháp vào năm 1861. Sau đó người Ede cũng có chữ viết vào năm 1923. Bản anh hùng ca đầu tiên được biết đến Dam San được biên tập và xuất bản tại Paris, Pháp với tên tác giả Le Chanson de DamSan. Ấn bản song ngữ Ede-Pháp đã được công bố sau đó vào năm 1933 bởi tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp tại Hà Nội. Vào tháng 2 năm 1949, một nhạc cụ bằng bá thời tiền sử vô giá có tên Ndut Lieng Krak đã được khám phá tại Dak Lak, mà hiện nay được trưng bày trong Viện Bảo Tàng Mankind, Paris. Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng tại Cao Nguyên của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO thừa nhận như là Kiệt Tác Di Sản Truyền Khẩu và Phi Vật Thể của Nhân Loại vào ngày 15 tháng 1 năm 2005.
Về dân số người Thượng, trong “Vòng Đai Xanh” nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết như sau:
“… với không ngừng các đợt di dân lên cao nguyên, cho tới năm 2000, dân số trên các tỉnh Tây Nguyên đã tăng vọt lên tới con số 4 triệu, mà đa số lại là người Kinh đến từ đồng bằng. Chỉ còn khoảng 1 triệu người Thượng với ngót 30 sắc tộc bao gồm 6 bộ lạc lớn chính như: Jarai (320 ngàn), Rhadé (258 ngàn), Bahnar (181 ngàn), Koho (122 ngàn), Mnong (89 ngàn), và Stieng (66 ngàn). Và người Thượng nay trở thành thiểu số trên chính vùng đất đai là quê hương của họ.” (tr. 210, 211)
Về tôn giáo của người Thượng, nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết rằng: “Tôn giáo nguyên thủy của người Thượng là đa thần và thờ cúng những vật linh, với nhiều nghi thức thường thấy như cảnh giết trâu hay súc vật khác trong các buổi tế lễ. Nếp sinh hoạt vẫn còn được duy trì nơi một số ít buôn bản Thượng ở Việt Nam.
“Nhưng cũng do có các đoàn truyền giáo Tây Phương (Pháp và Mỹ) hoạt động rất mạnh trên cao nguyên từ những thập niên 1930, càng ngày càng có đông số người Thượng theo đạo Tinh Lành, một số khác ít hơn theo đạo Thiên Chúa (có khoảng 150 ngàn theo đạo Thiên Chúa).
“Trong số một triệu người Thượng ở cao nguyên hiện nay, ước tính có khoảng hơn 300 ngàn người theo đạo Tin Lành – hay còn được gọi là Tin Lanh Dega. Từ thập niên 1990, theo nhận định của Human Rights Watch, Tin Lanh Dega trở nên càng ngày càng hấp dẫn đối với người Thượng không phải chỉ có thuần đức tin tôn giáo mà nó còn được kết hợp với khát vọng độc lập và niềm kiêu hãnh về văn hóa. Đó là một kết hợp chánh trị và tôn giáo khác tinh vi.” (tr. 211, 212)
“Khát vọng độc lập và niềm kiêu hãnh về văn hóa” mà nhà văn Ngô Thế Vinh nói đến chính là một trong các vấn đề của người Thượng và cũng là động lực và con đường dẫn người Thượng bước vào khúc quanh đầy sóng gió và tan thương, khi bị các thế lực chính trị và tôn giáo lợi dụng.
Vấn đề người Thượng cao nguyên
Đề cập đến vấn đề mâu thuẫn giữa người Kinh và người Thượng, nhà văn Ngô Thế Vinh để cho nhân vật Davis trong “Vòng Đai Xanh” phát biểu:
“Mâu thuẫn đó không phải là không có, không rõ rệt như trắng với đen mà là giữa những màu xám. Tuyệt nhiên không có mặc cảm kỳ thị về chủng tộc đúng nghĩa như người Đức với dân Do Thái, như sự thù hằn đen trắng ở Mỹ. Bằng chứng là chẳng bao giờ có trong lịch sử ở đây một chiến dịch diệt chủng như Hitler diệt dân Do Thái hay một phong trào kiểu như 3K ở Mỹ. Có một điều kỳ lạ là sự dễ dàng chung sống giữa các sắc dân, giữa các tôn giáo qua mấy ngàn năm trên lục địa Á Châu này: hiện tượng Tam Giáo ở Việt Nam là một bằng chứng. Theo tôi nguyên nhân tấm thảm kịch dai dẳng ở cao nguyên không bắt nguồn từ một mâu thuẫn chủng tộc mà là sự bất bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tiến bộ giữa Kinh Thượng. Có điều là sự cách biệt đó sắc nét hơn giữa sự nghèo khó ở thôn quê và trong thành thị nhưng chúng cùng đối tượng cho một phương thức giải quyết, đó là một cuộc cách mạng về công bằng xã hội.” (tr. 90)
Nhưng, các chính phủ tại Việt Nam đã giải quyết vấn đề người Thượng như thế nào? Trước hết là thời thực dân Pháp, “Vòng Đai Xanh” mô tả các chính sách của thực dân Pháp đối với người Thượng như sau:
“Vấn đề Thượng qua lịch sử, sự góp phần mật thiết giữa các sắc dân Kinh Thượng vào lịch sử dân tộc Việt bị sụp đổ do chính sách chia để trị của Pháp. Có lẽ cảm thấy sự nguy hại do mối đoàn kết Kinh Thượng, người Pháp đã ra lệnh cấm mọi giao dịch và ngăn ngừa mọi trà trộn của người Kinh. Họ coi người Thượng như một loại động vật sắp sửa biến mất, một loại đồ cổ cần phải bảo trì trong tình trạng nguyên thủy. Và vấn đề trở nên khó khăn từ đó. Lại những người lính Mũ Xanh làm ung thối thêm bằng ý muốn đi nốt đoạn cuối của con đường mòn.” (tr. 81)
Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về chính sách của chính quyền Miền Nam đối với người Thượng như sau:
“Ý thức được tầm quan trọng chiến lược của vùng địa bàn cao nguyên, ngay từ những tháng đầu tiên, chánh phủ Sài Gòn đã tung ra hàng loạt các nỗ lực đồng hóa người Thượng vào đời sống xã hội người Việt mà không kể gì tới những sắc thái văn hóa đặc thù của riêng họ. Quy chế Hoàng Triều Cương Thổ riêng biệt dành cho người Thượng có từ thời vua Bảo Đại, đã bị ông Diệm hủy bỏ (từ tháng 3/1955). Có nghĩa là không còn chính sách đãi ngộ và tôn trọng quyền lợi đặc biệt của những người thiểu số. Với chính sách dinh điền, hàng chục ngàn người dân Công Giáo di cư từ miền Bắc đã được đưa lên cao nguyên định cư, xâm phạm cả những vùng đất đai màu mỡ đã từng là sở hữu của người Thượng qua nhiều thế hệ. Cộng thêm với vô số những lỗi lầm khác của chánh quyền thời bấy giờ, như ra lệnh đóng các tòa án phong tục Thượng, ngăn cấm các thổ ngữ và hạn chế số người Thượng có khả năng và có học tham gia vào các cơ cấu hành chánh. Thái độ bất mãn và không hợp tác của người Thượng và cả chống đối nữa là điều rất dễ hiểu.” (tr. 208, 209)
Theo nhà văn Ngô Thế Vinh trong “Vòng Đai Xanh,” trong chiến tranh Việt Nam, các giới chức quân sự Mỹ đã phỏng đoán có khoảng 200,000 người Thượng đã chết trong các cuộc giao tranh, với khoảng 80% buôn làng người Thượng đã bị phá hủy.
Sau năm 1975, khi cộng sản Bắc Việt đánh chiếm miền Nam, người Thượng cũng đã trở thành nạn nhân bi thảm, như “Vòng Đai Xanh” cho biết:
“Dưới chế độ cộng sản mới, hàng ngàn người Thượng do bị nghi ngờ đã sát cánh chiến đấu với người Mỹ, bị hành hạ tù đày trong các trại cải tạo, một số lãnh tụ Thượng bị hành quyết và những người dân Thượng sống trong các buôn bản cũng bị kiểm soát rất chặt chẽ khiến cuộc sống của họ càng ngày càng khốn khổ và trở nên bi đát hơn.” (tr. 210)
Khi chế độ cộng sản Việt Nam đẩy người Thượng vào chốn lầm than điêu đứng thì họ ắt vùng dậy chống đối. “Vòng Đai Xanh” đã mô tả phong trào phản kháng của người Thượng như sau:
“Một số người Thượng khác đã chọn cầm vũ khí, tìm tự do trong rừng sâu, chống lại chế độ mới. Nhưng họ đã bị tổn thất nặng nề do nhà nước Hà Nội có hỏa lực nhiều lần mạnh hơn. Nhóm người Thượng này đã phải chạy sang Lào rồi Cam Bốt cuối cùng cho dù kiệt sức, họ cũng thoát được sang Thái Lan.” (tr. 210)
Theo nhà văn Ngô Thế Vinh, 213 người Thượng tị nạn tại Thái Lan đã được chính phủ Mỹ chấp nhận cho họ định cư đầu tiên ở tiểu bang North Carolina. Tiểu bang này đã trở thành nơi tập trung người Thượng từ cao nguyên Việt Nam sang định cư đông nhất. “Vòng Đai Xanh” cũng cho biết rằng tính tới năm 2000, có khoảng 3,000 người Thượng định cư tại North Carolina. Làn sóng người Thượng bỏ nước ra đi vẫn còn tiếp tục sau đó khi chính quyền CSVN đã thực hiện nhiều cuộc đàn áp người Thượng ở cao nguyên.
Tóm lại, không những là cuốn tiểu thuyết văn chương tình cảm lồng trong bối cảnh của cuộc chiến đang hồi khốc liệt tại Miền Nam, “Vòng Đai Xanh” còn là một cuốn tư liệu quý giá về tình hình chính trị bất ổn của Miền Nam trước năm 1975, về chiến lược vòng đai xanh bí mật của Mỹ để kềm hãm đà xâm lăng của cộng sản Trung Quốc, về cách người Mỹ sử dụng người Thượng cho chiến lược và cũng từ đó tạo ra nhiều vấn đề khó khăn cho các đồng minh.
Vì giới hạn của một bài báo, tôi không thể giới thiệu hết những gì nhà văn Ngô Thế Vinh viết trong “Vòng Đai Xanh.” Bởi thế, độc giả có thể tìm mua cuốn tiểu thuyết này để đọc vì trong lần xuất bản ở Mỹ kỳ này vào năm 2020 có nhiều tài liệu được bổ sung và chuyển dịch sang Anh ngữ toàn bộ cuốn sách.
Cảm ơn nhà văn Ngô Thế Vinh.
Huỳnh Kim Quang