User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Trời vừa rạng đông, Thanh dậy sớm đi cuốc khoai lan cho một nhà điền chủ, cậu ruột của cô. Ông cậu, thì ai cũng biết tiếng, là Michel Cảnh trước kia làm Côm-mi ở Dinh Thống Soái, lên chức Huyện Hàm. Vì bịnh đau mắt phải mổ mắt một con, ông xin nghỉ việc về quê, hưởng cảnh giàu có nhờ chức vị đã tạo lập nên.

Lúc cô Thanh hãy còn bé, thấy Thanh là đứa cháu xinh đẹp và thông minh, ông cũng có lòng thương. Nhưng Ba Má cô Thanh nghèo khổ rách rưới nên ông không muốn lai vãng. Ngay từ lúc má cô Thanh còn sống, không bao giờ ông huyện Cảnh quá bộ đến thăm em và thăm cháu. Suốt trong thời gian cô Thanh đi học, nhờ ba má cô dành dụm chút ít tiền, và cô Thanh rất tằn tiện, học không tốn kém bao nhiêu, nên cô gắng học đến năm thứ ba ban Thành Chung. Chớ ông Huyện Cảnh không hề có giúp đỡ cô được đồng nào. Nghe tin cô Thanh bỏ học, ông Huyện lại còn nói với nhiều người trong làng:

- Phải chớ! Nhà nó nghèo mà nó muốn bay nhảy như người ta sao nổi! Con gái một chủ giữ ruộng mà ham làm cô giáo với cô đốc!

Sự thật là vì ông Cậu quý hóa kia cũng có một cô con gái học trên Sài Gòn, nhưng học kém lắm. Cô chỉ ham đọc tiểu thuyết nhảm và nhảy đầm, chẳng thiết tha gì đến văn chương thi cử hết. Rốt cuộc quý nữ tên là cô Lịch, biệt hiệu là Hồng Lan, đã 20 tuổi, học ba bốn năm trong nhiều trường tư thục Sài Gòn, mà chưa nên thân phận gì.

Michel Cảnh thấy con gái của mình hư hỏng như thế, ông ganh ghét đứa cháu ruột, không muốn nó hơn con mình. Cho nên lâu nay ông Huyện không hề tỏ tình cậu cháu gì với cô Thanh hết, chỉ vì Thanh có hai cái tội: nghèo và học giỏi hơn Hồng Lan. Vừa rồi, ông tử tế nhắn người nói lại với cô Thanh:

- Tôi có miếng vườn trồng khoai lang, cũng được 50 giồng khoai là ít, tôi muốn cuốc bớt năm giồng để lấy củ ăn chơi. Biểu con hai Thanh như nó có nuôi heo thì nó đến cuốc năm giồng khoai đó, tôi lấy củ, còn nó lấy dây khoai về cho heo ăn...

Cô Thanh hỏi ý kiến Ba cô. Ông Bảy cười:

- Nếu anh Huyện muốn mướn con cuốc khoai cho ảnh, ảnh cũng phải chia khoai cho con, chớ anh cho con một nắm dây khoai cho heo ăn sao được?

- Thưa Ba, năm giồng thì cuốc lên được chừng bao nhiêu khoai?

- Ít lắm cũng được mười thúng chứ con. Đất vườn ảnh trồng khoai thiệt tốt mà giống khoai của anh là khoai dương ngọc sai củ lắm.

- Mười thùng củ, mà công con cuốc khó nhọc như thế nào, cậu Huyện lại không cho con được vài chục củ hay sao, Ba? Lẽ nào cậu chỉ cho con một mớ dây khoai cho heo ăn?

- Từ nhỏ tới lớn con đi học, có cuốc khoai bao giờ? Ba sợ con cuốc không nổi. Thôi con!

- Chắc không khó đâu Ba! Con vẫn quen tập thể thao ở nhà trường. Con sẽ cuốc hết năm giồng để lấy vài thùng dây khoai về cho heo, chớ tiền đâu mua cám. Chuối cây cũng phải mua vậy. Còn củ khoai, nói vậy thì nói chớ cậu Huyện trả công cho ít nhiều hay không con cũng không muốn hỏi đâu. Con ngượng lắm, Ba à!

Thế là rạng đông, Thanh dậy sớm vác cuốc đến nhà cậu, ông Huyện Michel Cảnh. Thanh mặc như các cô thôn nữ, áo bà ba trắng, quần đen, đi chân không. Da mặt của Thanh không một chút phấn sáp, nhưng hồng hào, tự nhiên, thật đẹp. Đôi mắt sầu mơ phản chiếu những ý nghĩ tinh khiết như sương đọng trên bông lúa buổi sớm. Dưới làn áo vải, ngực của cô nở với những nét tròn vun vắn, đầy đặn, hồi hộp trong làn gió mát dịu của bình minh. Cánh tay mềm mại với bàn tay trắng muốt, năm ngón tay búp măng, vác chiếc cuốc trên vai, cô Thanh đi chậm rãi từng bước trên con đường làng trải nắng tơ hồng.

Không hẹn mà gặp, Đồng từ một đường hẻm trong xóm gánh ra một gánh phân trâu. Hai người cùng ngạc nhiên, dừng bước ngó nhau cười.

Đồng hỏi:

- Thanh vác cuốc đi đâu đây?

Thanh đỏ ửng đôi má. Lần đầu tiên trước mặt Đồng, cô mất hẳn vẻ tự nhiên. Hai mí mắt của cô chớp lia lịa. Với nụ cười hàm tiếu, nụ cười dịu dàng của buổi sáng sớm, cô bẽn lẽn đáp:

- Em đi cuốc khoai bên cậu em.

- Bên ông Huyện Cảnh?

- Dạ.

- Thanh nói cho Đồng nghe việc ông Huyện mướn cô cuốc năm giồng khoai lang.

- Tôi có thể đi cuốc thay cho Thanh được không?

- Dạ được. Còn em thì đi gánh phân thay cho anh vậy nhé?

- Tôi chỉ còn một gánh này nữa là hết. Rồi tôi đi cuốc khoai.

- Nói chơi vậy, chớ anh có lòng tốt, em cảm ơn anh. Nhưng em muốn tự sức em làm để quên công việc nhà nông.

Thanh lại cười, lộ hai hàm răng trắng như ngà:

- Cuốc khoai đâu có khó bằng cuốc mấy bài toán phân số anh nhỉ!

- Chúc Thanh có nhiều can đảm.

- Can đảm thì em có đủ. Chỉ mong có nhiều khoai thôi!

- Tôi ái ngại cho Thanh quá! Một nữ sinh đẹp nhứt ở tỉnh học giỏi nhứt lớp, chỉ còn một năm nữa đi thi, nay phải ở nhà đi cuốc khoai mướn!

- Em thích thế anh à. Mình con nhà nông mà! Còn anh đỗ đíp-lôm cũng đi gánh phân đó thì sao?

Đôi bạn trẻ cùng cười. Đồng đặt gánh phân lên vai, hỏi:

- Chiều nay tôi đến thăm Thanh nhé?

- Dạ.

Thanh cười, nói tiếp:

- Nếu em cuốc được nhiều khoai, chiều nay em sẽ nấu đãi anh!

°

Đi một quãng đường, Đồng đặt gánh phân bên gốc một cây dừa, ngoảnh lại nhìn Thanh đi đã xa xa. Bóng cô tha thướt dưới bóng rặng dừa xanh. Đồng nhìn theo mãi cho đến lúc Thanh quẹo sang con đường lớn rẽ vô nhà lầu của ông Huyện Cảnh.

Đồng ngồi xuống gốc cây, nghĩ ngợi về cô Thanh, thương cô Thanh lắm. Cũng là cảnh nghèo, nhưng cậu còn đủ Ba má lại có anh chị lo việc gia đình. Cậu tính nghỉ hè xong, lên tỉnh xin việc làm để dành dụm mỗi tháng chút ít tiền giúp cho Thanh tiếp tục học để sang năm cô đi thi. Đó là ý định của cậu nhưng cậu chưa dám nói với Thanh vội. Vả lại từ hôm cậu thi đỗ về nhà, có xảy ra một chuyện bất ngờ. Chính ông Huyện Cảnh có cho gọi cậu đến nhà, cách đó ba hôm. Ông bảo:

- Đồng, con đã đỗ đạt thành tài, bác mừng cho con có chí cả, và Ba má con cũng có phước đức lớn lắm đó. Nghỉ hè rồi đây, con tính làm gì? Con đi học Tú Tài hay xin làm việc nhà nước?

- Dạ thưa quan Huyện, cháu định xin việc làm để giúp đỡ gia đình Ba má cháu.

- Ừ, con có hiếu lắm đó. Nhưng bác muốn giúp tiền cho con học đến Tú Tài. Con muốn đi Tây, bác cũng cho đi.

- Cháu xin cám ơn quan Huyện, nhưng Ba má cháu nghèo, cháu không muốn học nữa.

- Tùy ý cháu. Đó là bác thấy cháu cũng người trong làng tuy là nhà nghèo nhưng thông minh học giỏi, đỗ đạt được như vậy thì bác thương, bác muốn giúp cho cháu có tương lai rực rỡ hơn. Nếu cháu muốn học Tú Tài, rồi học Đại Học, sau làm Trạng Sư, Bác Sĩ, bác sẵn sàng giúp tiền cho. Nhà bác thì chỉ có con Lịch. Nó tự đặt biệt hiệu của nó là Hồng Lan, mà nó học bết quá! Pháp Văn và Toán môn nào cũng kém, bác muốn nhờ con ba tháng nắng này đến kèm thêm cho nó để sang năm nó đi thi. Con dạy cho nó, bác cũng trả bằng lương thầy giáo vậy.

Đó là ý muốn của ông Huyện Michel Cảnh, nhưng Đồng chưa trả lời. Đến nay đã ba hôm, Đồng vẫn chưa đến trả lời dứt khoát với ông Huyện. Cậu muốn tỏ hết nỗi thắc mắc cho Thanh biết, và hỏi ý kiến Thanh. Nhưng mấy lần Đồng định nói với Thanh, thì Đồng lại ngại... không rõ ý Thanh thế nào.

Thanh! Đồng chỉ nghĩ đến Thanh thôi. Đồng đã hiểu tánh nết của Thanh, tư tưởng của Thanh, tâm hồn của Thanh. Đồng rất quý mến Thanh, Đồng đã yêu Thanh, nhưng âm thầm lặng lẽ, chưa bao giờ dám cho Thanh biết.

Đồng ngồi từ nãy đã lâu, đôi mắt mơ màng nhìn cánh đồng lúa chín, làn gió nhẹ xao xuyến nổi lên trên ngọn lúa. Tâm hồn của cậu hôm nay cũng như mùa lúa chín, một làn gió êm dịu nổi dậy trên cánh đồng tư tưởng, gợn sóng vàng xao xuyến...

Bỗng có tiếng cười hăng hắc, tiếng cười lả lơi ngay sau lưng cậu. Cậu quay lại. Tưởng là ai! Té ra cô Lịch, biệt hiệu Hồng Lan, con gái của ông Huyện Michel Cảnh. Cô vừa cười vừa hỏi:

- Bao giờ anh đến dạy em học Pháp Văn với Toán, anh Đồng?

Đồng chưa kịp trả lời, Hồng Lan cười toe toét giới thiệu một người bạn gái cùng đi:

- Chị Alice, bạn học của em ở Sài Gòn mới lên chơi hôm qua. Tụi em đi chơi coi cảnh nhà quê đẹp quá.

Quay lại cô Alice, Hồng Lan giới thiệu:

- Anh Đồng, diplômé, sắp làm thầy giáo dạy em đó.

Alice mặt dồi phấn trắng toát, môi đỏ chót, lạnh lẽo nhếch mép cười đầy vẻ kiêu căng.

Hồng Lan hỏi Đồng:

- Sao anh ngồi chi đây? Gánh phân của ai kia?

- Gánh phân của tôi. 

Alice trề môi, bảo nhỏ Hồng Lan:

- Thôi đi, mầy!

Hồng Lan còn muốn đứng lại hỏi Đồng:

- Gánh phân của anh mà người gánh đi đâu, để anh ngồi đây một mình vậy sao?

Đồng mỉm cười:

- Người gánh phân là tôi đây, thưa cô!

Hồng Lan cười sặc sụa:

- Trời ơi! Anh gánh phân thiệt sao anh?

- Cái đó phật ý cô lắm sao?

- Không, nhưng em thấy kỳ cục quá. Thiếu gì người gánh phân, sao anh lại gánh chi cho ẹ vậy?

- Phân này là đồ ăn quý báu của ruộng đất. Ruộng đất là bà mẹ nuôi sống loài người đó cô à.

Alice nhún vai, không nói gì. Hồng Lan vẫn cười híp mắt:

- Thôi, tụi em chào anh nhé. Ba em cứ nhắc anh hoài. Ông già cứ hỏi em sao anh chưa đến dạy Pháp Văn với Toán cho em.

- Cô về thưa lại với quan Huyện, vài hôm nữa tôi sẽ đến...

- Anh hẹn chắc, nghe? Nói sai, em bắt đến đấy!

- Tôi sẽ đến trả lời quan Huyện.

Hai thiếu nữ từ giã Đồng. Hồng Lan vẫn cười lớn, cười hăng hắc như con nắc nẻ.

Hồng Lan khẽ bảo Alice:

- Hắn ta nhà nghèo, nhưng học giỏi lắm mầy à.

- Tao chỉ thấy nó đẹp trai, nhưng thấy gánh phân của nó, tao muốn oẹ.

- Ba tao muốn giúp tiền cho y đi Tây học Bác Sĩ đó!

- Sao mầy không cản ổng?

- Ông già cứ khen thằng cha thông minh, hạnh kiểm tốt, có tương lai rực rỡ, vân vân và vân vân...

- Còn mầy có khen nó không?

- Tao, tao cũng thấy nó đẹp trai và học giỏi.

- Thiếu gì thầy dạy ở Sài Gòn, sao mầy muốn học với thằng gánh phân cho mất giá trị?

- Nói vậy chớ thằng cha đã dạy đâu. Tao đã học đâu. Ông già biểu vậy thì tao nghe vậy thôi chớ. Tao muốn nghỉ chơi ít bữa rồi trở lên Sài Gòn, nhưng ông già không cho tiền, mầy ơi! Ông bắt tao ba tháng nắng ở đây luôn, thấy mồ chưa!

- Mầy không nhớ thằng Paul à?

- Tao ghét thằng Paul, nó cứ muốn đào mỏ tao. Tao cũng biết điều tra chớ bộ! Mầy tưởng tao ngốc sao! Mầy biết tao điều tra sao không? Nè tao cho mầy biết, hết thảy mấy con gái nhảy ở mấy tiệm khiêu vũ Sài Gòn là mèo của nó tuốt luốt. Mà đứa nào cũng làm tiền nó, nó làm tiền lại tụi mình, thế có chó không?

- Mày nói xấu thằng Paul quá xá, sao mầy còn mèo với nó?

- Hí! Tao mèo với nó là để mèo với thằng em nó cho dễ chớ bộ! Nhưng mầy ơi, từ khi tao biết thằng em nó là Nicolas Thuần, làm giáo sư trường Triệu Ẩu, ngủ với con học trò bạn của tao, để con nọ có chửa rồi phá thai, nó bỏ rơi luôn, từ đó tao khinh nó ra mặt. Tao khinh luôn cả anh nó nữa.

- Bây giờ mầy định đánh đu theo thằng gánh phân lúc nãy hả?

- Ít nhứt hắn cũng còn trong sạch hơn.

- Mầy điên rồi, Hồng Lan ơi!

- Ừ, có lẽ tao điên thật đó, mầy!

Hai cô nói chuyện đến đây thì vừa về đến nhà ông Huyện, Hồng Lan bảo khẽ Alice:

- Thôi nghe! Bước chân về cái chùa này, đừng có nói bậy bạ mà bị bố đa.

Vào đến sân, Alice trông thấy một cô gái quê cuốc khoai trong vườn. Cô khẽ bảo Hồng Lan:

- Gái quê ở làng này, đẹp quá xá đẹp! Thế mà mầy chẳng đẹp được như nó!

- Nữ sinh đấy, mầy ạ. Nhà nó nghèo, Ba nó giữ ruộng cho ông Cai Tổng, nó phải bỏ học, đi làm mướn đó. Trước nghỉ hè, nó học ở trên tỉnh.

- Vậy hả? Nó học lớp mấy?

- Nó nói nó học năm thứ ba, nhưng tao cho là nói dóc.

- Nói dóc ngay đuôi, chớ gì nữa. Tao hỏi mầy, con nhà nghèo làm gì học tới nước đó?

- Bây giờ cha nó bắt nó ở nhà. Cha nó nghèo không có miếng đất cắm dùi, mà nó dám đòi đi học, mầy nghĩ coi!

- Lên tỉnh chắc cũng chơi bời chớ học gì!

- Tao ghét nó lắm. Không biết học hành ra sao mà làm phách ghê!

- Giờ đi làm mướn, đáng kiếp!

- Tao có thèm ngó mặt nó đâu mầy.

- Mày mướn nó cuốc đất hả?

- Ba tao ổng kêu nó cuốc khoai lang hồi nào tao đâu có biết.

- Mầy kêu biểu nó đem khoai lang vô nấu ăn chơi! Ở Sài Gòn, không khi nào tao đụng đến một củ khoai lang, vô ruộng lại muốn ăn, kỳ chưa!

- Mầy muốn ăn thiệt hả? Giống khoai lang dương ngọc này ngọt lắm, mầy ơi!

- Biểu con nhỏ đó đem vô tao coi thử.

- Mầy biểu đi!

- Tao đâu có quen biết nó.

- Tao kêu nó nhé?... Thanh ơi!

Cô Thanh cặm cụi cuốc, giả vời không nghe và không đáp. Hồng Lan lại gọi to:

- Thanh! Lượm đem vô tao chục cái củ khoai mầy!

Thanh không ngửng mặt lên, Hồng Lan bảo với Alice:

- Đó, mầy coi. Có làm phách không!

- Thôi, đi vô nhà đánh đờn chơi mầy. Đừng thèm hỏi nó nữa.

°

Cả Ba má và anh chị của Đồng đều muốn cậu đến ở nhà ông Huyện trong ba tháng hè để dạy cho cô Lịch học.

Má Đồng nhỏ to than thở:

- Con cũng biết nhà mình nghèo, làm sao trả nổi số tiền lúa mình nợ ông Huyện? Mùa lúa này có lãnh được mấy chục giạ, nếu trả cũng chưa hết nợ, mà trả thì lấy gì ăn? Hôm qua ông Huyện có cho gọi má đến. Ông hứa rằng nếu con đến ở nhà ông dạy học cho cô Lịch, thì ông nghĩ tình mà cho Ba má hết số nợ cũ. Ông còn cho con tiền riêng cũng như ông trả lương cho con vậy. Còn như chuyện ổng muốn cho con đi Tây học Bác Sĩ, là ông có lòng tốt muốn con sau này thành một nhơn tài. Đó là danh giá cho con và gia đình mình cũng được thơm lây.

- Nhưng con không muốn thế má à.

- Con không muốn thế thì thôi, má đâu có ép bụng con. Nhưng còn việc con đến ở nhà ông để dạy học cho cô Lịch, tại sao con không muốn?

- Tại con không muốn.

- Con chỉ muốn, là con gỡ được cho Ba má một số nợ mà chưa biết bao giờ Ba má trả hết được. Con đi học ở tỉnh mấy năm nay là cả nhà phải hy sinh. Nay con đỗ đạt thành tài, cũng có một phần nhờ ông Huyện giúp cho. Nói có Phật trời làm chứng!

- Nhà mình nhờ ổng gì đâu Má?

- Sao không nhờ! Nếu ổng không để Ba má thiếu nợ lúa cho đến ngày nay thì làm sao có chút ít tiền gởi cho con ăn học?

- Ống cho thiếu lúa, thì chừng nào trả ổng lấy lời, chớ bộ ổng tử tế sao Má?

- Biết vậy rồi. Nhưng...

- Má cứ để số nợ đó con sẽ lên tỉnh hoặc lên Sài Gòn xin việc làm, con sẽ để dành tiền đem về Ba má trả nợ.

- Lâu lắm con à. Ông Huyện đã nói với Má rằng nếu con không đến ở nhà ông để dạy học cho cô Lịch, thì ông bắt Ba má phải trả hết nợ trong mùa gặt này. Con nghĩ thử coi. Chi bằng con cứ nhận lời thì Ba má được hết nợ, mà con lại có tiền lương trong ba tháng hè, đỡ cho Ba má biết là chừng nào.

- Má để con suy nghĩ kỹ lại đã. Ngày mai con sẽ thưa chuyện lại cho Ba má rõ.

Ba của Đồng cũng khuyên bảo:

- Không phải Ba thấy người ta giàu, mình nghèo, mà Ba biểu con đến bợ đỡ người ta đâu. Con chỉ đi dạy học, để trừ nợ cho Ba thôi.

°

Tám giờ tối, trong gian nhà lụp xụp của Thanh thắp đèn dầu liu hiu, ông Bảy nằm rên trên chiếc chõng tre. Ông già bị bịnh tê thấp từ hai năm nay, cứ đêm nào trời mưa gió là tay chưn nhức mỏi, chịu không được. Cô Thanh ngồi cạnh, đấm bóp cho cha. Ngoài, mưa gió ào ạt. Thỉnh thoảng một tiếng sấm nổ rền trời, một tia chớp xoẹt trong đêm thẳm, gió rít từng cơn.

Có tiếng gõ cửa, Thanh hỏi:

- Ai đó?

- Tôi.

Thanh nghe tiếng biết là Đồng, mừng rỡ đứng dậy, ra mở cửa. Đồng đội nón, mang áo lá tơi ướt hết.

- Xin lỗi Thanh, Thanh đã đi nghỉ hả?

- Chưa anh à. Mời anh vô nhà... Em biết thế nào tối nay anh với em cũng gặp nhau, em vẫn chờ anh, nhưng em không ngờ trời mưa to mà anh cũng đến!

Đồng cất nón và cởi áo tơi dựng vô vách, rút trong túi áo chiếc khăn vuông để lau nước mưa trên mặt và trên áo.

Thanh mời Đồng ngồi ghế, và bưng ấm trà ra pha một chén mời bạn:

- Ba em có bịnh tê thấp anh à. Thời gian em đi học, ở nhà có đứa cháu ở với Ba em, đêm nào mưa giờ cũng đấm bóp cho Ba em ba bốn tiếng đồng hồ thì Ba em mới ngủ được, nhưng ngủ cũng không yên. Đêm nay trời mưa, Ba em lại nhức mỏi. Em ngồi bóp chân cho Ba em từ nãy tới giờ.

- Thanh có thuốc bóp chớ?

- Bóp không, anh à. Không có thuốc gì hết.

- Bên nhà tôi, Ba tôi có thứ rượu thuốc chuyên trị bịnh tê thấp, nghe Ba tôi nói hay lắm. Ông có dự trữ hai chai. Để tôi chạy về xin ổng một chai.

- Cám ơn anh nhiều lắm, anh Đồng. Nhưng em không dám làm phiền anh.

- Không sao, Thanh à.

Đồng đứng dậy, cầm nón và mang áo tơi. Thanh nhứt định ngăn cản:

- Trời mưa lớn quá, anh đừng đi. Sáng mai anh đem lại cũng được.

- Đêm nay nếu có rượu thuốc, chỉ bóp cho Bác nội trong nửa tiếng đồng hồ, rượu thấm vào gân vào thịt, Bác sẽ nghỉ yên được, không nhức mỏi nữa. Thanh đỡ phải thức khuya mệt.

- Nhưng em không muốn anh dầm mưa nhiều.

- Tôi có nón, có áo tơi. Tôi chạy về một chút, trở lại ngay.

Đồng mở cửa. Một tia chớp xoẹt ngoài trời sáng rực, tiếp theo một tiếng sấm nổ rền trong đêm giông tố. Đồng chạy vụt ra sân. Một con gió mạnh thổi lùa vào, nhưng Thanh nắm chặt cánh cửa, đứng trước làn gió lốc, hồi hộp nhìn ra ngoài.

Nghĩ đến tấm lòng thành thật của người bạn trai quý mến, Thanh cảm động vô cùng. Thanh tưởng tượng Đồng đang chạy trong mưa gió, trong đêm thẳm mịt mùng, với chiếc nón mỏng manh, một chiếc áo lá tơi xác xơ rách nát... Vì ai, nếu không phải vì Thanh? Vì thương Thanh nên Đồng đã hăng hái, chịu dãi gió dầm mưa chạy về nhà lấy một chai thuốc! Cử chỉ ấy khiến cho Thanh thương Đồng không xiết kể! Một lúc sau, bóng Đồng lù lù chạy trở lại, Thanh vội vàng mở rộng cửa cho Đồng vô. Đồng cầm chai rượu thuốc trong tay, áo quần ướt hết. Thanh dịu dàng nói:

- Anh tốt với em quá... Em cám ơn anh nhiều lắm.

Dựng nón và áo tơi trong vách, Đồng bảo:

- Thanh để yên tôi bóp cho Bác. Phải bóp thật mạnh rượu thuốc mới thấm vào da thịt.

Đồng đến ngay giường, đổ rượu ra tay, xoa lên ống chân của ông già, rồi hai tay bóp mạnh. Thanh không thể ngăn cản Đồng săn sóc cho Ba cô. Cô bảo:

- Em xuống bếp nấu nước pha trà nóng anh uống nhe. Anh dầm mưa chắc lạnh.

Đồng chưa kịp trả lời, Thanh đã cầm hộp quẹt đi xuống bếp.

Chiếc đồng hồ cũ để trên bàn thờ kêu tic tắc, tic tắc, tiếng kêu càng rõ rệt trong túp nhà lá vắng vẻ. Đồng ngẩng mặt lên nhìn, mới 9 giờ. Tưởng đã khuya lắm rồi. Ngoài, mưa gió xào xạc, sấm nổ ầm ầm.

Đồng bóp rượu thuốc một lúc, Ông già đã ngủ ngon.

Thanh xách ấm nước dưới bếp lên, pha trà trong chén:

- Mời anh uống trà nóng.

- Cám ơn Thanh.

- Ba em đã ngủ yên, không rên nhức nữa. Anh nghỉ tay cho khoẻ. Có nước và xà phòng đây, anh đi rửa tay.

Rửa tay xong. Đồng ngồi ghế đối diện với Thanh, nơi bàn con giữa nhà. Khói trà bốc lên ấm áp trong hai chén nhỏ. Đôi bạn trẻ ngồi làm thinh, hơi ngượng.

Một lát, uống một hớp trà rồi, Đồng nhìn Thanh:

- Thanh à, tôi muốn hỏi ý kiến Thanh về một điều tôi đang thắc mắc...

- Điều chi đó anh?

- Cậu của Thanh, ông Huyện Michel Cảnh, mời tôi đến ở nhà ông dạy thêm Pháp Văn và Toán cho cô Lịch trong ba tháng hè. Nhưng tôi không muốn nhận lời.

- Tại sao anh không nhận lời.

- Tại vì nhiều lý do, mà lý do chánh là tôi không thích gần gũi cô con gái của ông Huyện...

Thanh mỉm cười:

- Chị Lịch của em ngoan lắm chớ.

- Cô ấy không ngoan, theo những điều tôi được biết. Dư luận trong làng và trong tỉnh đối với cô Lịch thế nào, chắc Thanh cũng đã rõ.

- Nhưng chuyện đó có quan hệ gì đến việc anh dạy chị ấy học?

- Có quan hệ... Nhưng tôi sẽ nói sau. Hiện giờ, trong đời tôi chỉ có một người mà tôi vui sướng mỗi khi tôi được gần gũi... Chỉ một người thôi.

Thanh đang chăm chú nghe Đồng nói, đến đây tâm hồn cô xôn xao hồi hộp. Cô cúi mặt xuống, không dám nhìn người bạn trai. Giọng nói của Đồng rất nhỏ, Thanh nghe như văng vẳng từ trong trái tim của Đồng vang ra:

- Người ấy là Thanh... Chỉ một mình Thanh...

Cả hai người yên lặng. Lần đầu tiên hai người không ai giấu được ai mối cảm thông sâu xa rạo rực từ bao lâu nay.

Đồng tiếp:

- Thanh à, những lời tôi vừa nói với Thanh, tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi.

Thanh khẽ đáp:

- Em... em cũng đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, như những lời anh vừa nói... Em hoàn toàn đồng ý với anh.

- Và Đồng... Thanh?

Thanh nhoẻn một nụ cười:

- Ba má khéo đặt tên cho chúng mình nhỉ?

Đồng sung sướng đưa bàn tay cho Thanh. Thanh dịu dàng đặt bàn tay mềm mại của cô trong tay chàng. Mười ngón tay siết chặt vào nhau. Bốn mắt đê mê nhìn nhau. Tình yêu đã gắn bó cuộc đời của đôi bạn trẻ trong một nụ cười say mê chan chứa.

Một lát, Đồng nói:

- Nếu hết hè tôi phải xa Thanh, tôi cảm thấy là sẽ xa tất cả.

- Em không tin rằng chúng mình sẽ xa nhau, anh ạ.

- Rồi đây Thanh ở nhà phụng dưỡng cha già, làm việc nhà nông, trơ trọi giữa thôn quê... Còn tôi lại phải ra đi để tranh đấu với đời... Nghĩ đến đó, tôi buồn lắm.

- Anh đi tranh đấu, tức là anh không xa em.

- Thật chớ Thanh? Mặc dầu hoàn cảnh thế nào, trên đường đời chúng ta sẽ được gần nhau mãi mãi chớ em?

- Lúc còn đi học, anh vẫn thường nói với em thế hệ thanh niên chúng ta là một thế hệ tranh đấu. Ba tháng nghỉ hè này chỉ là một trạm nghỉ chân, để kiểm điểm thời kỳ học tập và dự bị bước tiến của tương lai. Riêng em, mặc dầu em có bổn phận đối với cha già, em vẫn luôn luôn sẵn sàng chung sức với anh trên con đường phụng sự Chánh nghĩa Quốc gia. Em là người đã được anh giác ngộ. Những tư tưởng tốt đẹp gì của em đều đã được tiêm nhiễm của anh, và được anh huấn luyện. Từ một nữ sinh ngây thơ ngớ ngẩn, anh đã biến hóa em trở nên một thiếu nữ biết suy nghĩ, biết lãnh hội trách nhiệm thanh niên trong thời đại mới. Anh đã chỉ cho em thấy ý nghĩa cao cả của cuộc đời, và em đã hân hoan đón tiếp lý tưởng của anh, lý tưởng tranh đấu cho Tổ Quốc và Dân Tộc. Anh Đồng ạ, Thanh xin sẵn sàng chung sức với anh để phụng sự Lý tưởng bất cứ lúc nào. Còn như bây giờ, nếu anh thấy không có gì cản trở thì em tưởng anh cứ đến ở nhà cậu Huyện em để dạy chị Lịch học trong mấy tháng nắng. Em không thấy có gì anh phải thắc mắc.

- Thắc mắc là ông Michel Cảnh muốn cấp tiền cho tôi đi thi Tú Tài và đỗ Tú Tài xong, ông lại cấp tiền cho sang Pháp học Bác Sĩ! Tôi không hiểu tại sao ông quá tử tế với tôi như vậy? Ông muốn ép buộc tôi ba tháng hè này phải đến ở luôn nhà ông để dạy cô Lịch học, tôi càng không hiểu tại sao ông muốn vô lý như thế?

Thanh cười:

- Cậu em muốn gả chị Lịch cho anh chớ gì?

- Chính vì lẽ đó mà tôi đã từ chối, mặc dầu Ba má tôi, vì một món nợ...

Đồng nói cho Thanh biết rõ việc nợ nần của Ba má Đồng, và câu chuyện Ba má khuyên Đồng cứ đến dạy cô Lịch học ba tháng hè để trừ nợ mấy trăm giạ lúa.

Thanh tiếp lời:

- Ba má nói phải đó, anh ạ. Em thiết tưởng như thế anh đến dạy học cho chị Lịch ở nhà cậu em, chính là một bổn phận của anh. Vả lại chỉ trong mấy tháng nghỉ hè thôi. Anh không nên do dự.

- Em tin tôi chớ?

- Em tin anh hoàn toàn.

- Nhưng nếu tôi đến ở nhà cô Lịch, hoặc chỉ phải tiếp xúc hằng ngày với cô, tôi sợ dư luận trong làng sẽ nghi ngờ tôi chăng?

- Anh là người đàng hoàng, bà con trong làng ai cũng mến anh, làm sao có dư luận không tốt với anh được? Giá có đi nữa, thì dư luận bậy bạ không đáng cho chúng ta lưu ý.

- Hay là muốn tránh tất cả những tiếng thị phi của dân làng và muốn cho ông Huyện hết nghĩ đến chuyện gả cô gái của ông cho tôi, thì nội trong tháng này hay tháng tới, chúng ta có nên chánh thức làm lễ đính hôn chăng? Em nghĩ sao?

Thanh âu yếm đáp:

- Nghĩ như anh cũng phải. Em cũng muốn cho kẻ khác biết rằng em là người của anh rồi. Em đã thuộc về anh rồi.

Đồng cảm động đứng dậy lại gần Thanh. Thanh đứng dậy, âu yếm dựa đầu vào vai chàng. Đồng khoát tay ôm chặt lấy người yêu vào lòng. Cặp thanh niên say mê vì lý tưởng, gắn bó hai cuộc đời nghèo khổ và hai tâm hồn thanh cao, trong một nụ hôn nồng nàn, ngây ngất, nụ hôn đầu tiên lâu dài như vĩnh viễn.

Ngoài, vẫn mưa tầm tã. Một tiếng sấm nổ ầm lên vang dội cả đêm khuya. Một làn chớp xoẹt ra như xé rách vòm trời đen nghịt.

Đôi bạn trẻ đứng trong túp lều tranh nhỏ hẹp ngó ra cảnh tượng ào ạt của vũ trụ. Đồng bảo:

- Thanh à, đời chúng ta sẽ không tránh khỏi những cơn giông tố...

- Nhưng chúng ta can đảm và nhẫn nại, bình minh sẽ đến với chúng ta!

Đồng lấy nón đội, lấy áo tơi mang. Chân không giày, không guốc, quần xắn lên đến đầu gối, Đồng nắm chặt bàn tay Thanh, trước khi ra về:

- Thanh đi nghỉ nhe. Anh về thưa với Ba má, rồi ngày mai chúng ta sẽ bàn với nhau về lễ đính hôn.

- Dạ, anh về. Thấy anh ra đi trong mưa dầm gió tạt, em thương anh quá.

- Anh nhắc lại câu của em: bình mình sẽ đến với chúng ta!

Thanh đứng tựa cửa, nhìn theo bóng chàng chìm trong bóng tối. Thanh còn đứng mãi một lúc, theo chàng trong mơ tưởng, theo chàng trong tương tự, theo chàng trong viễn ảnh rực rỡ tưng bừng của những bình minh réo rắt nhạc...

°

Ông Huyện Michel Cảnh tiếp đãi Đồng rất tử tế, thân mật như cha con. Đồng xin đến ngày hai buổi dạy Pháp Văn và Toán cho cô Lịch, trua và chiều về nhà. Nhưng ông Huyện không bằng lòng:

- Bác cần cháu làm thơ ký riêng cho Bác nữa. Sổ sách về ruộng đất ở đây và nhà cửa ở Sài Gòn từ lâu Bác tự làm lấy, nhưng bây giờ Bác mệt mỏi bỏ lộn xộn quá. Con Lịch thì nó làm biếng và nó không biết gì hết. Giờ có cháu, cháu lo giùm cho bác. Bác có để riêng cho cháu một căn phòng, chút nữa con Lịch dẫn cháu đi coi để cháu dọn ở đó. Phòng mát mẻ, có tủ sách, có bàn viết, có đủ tiện nghi cho cháu. Bác coi cháu như con trong nhà, cháu đừng ngại, nghe cháu! Vài ba bữa, cháu về thăm Ba má cháu một lần. Còn con Lịch thì cháu phải chỉ bảo nó thiệt siêng cần, ngày đêm cháu coi chừng bài vở cho nó, chớ nó ham chơi bời, đờn địch hoài, bác nói nó không nghe, bác rầy nó không sợ. Nhưng cháu nói thì chắc nó chịu nghe, tại vì cháu học giỏi, và nó cũng thích học với cháu trong mấy tháng hè. Nó nói với bác là mấy tháng hè nó không muốn lên Sài Gòn vì nó chán cảnh phồn hoa đô hội.

- Dạ thưa quan Huyện...

- Cháu đừng gọi bác quan quyền chi ráo. Cứ gọi bác là Papa cũng được, đừng có ngại, nghe cháu. Bác coi cháu như con trong nhà vậy mà!

- Dạ thưa... quan, cháu xin phép quan cho cháu thưa quan, để cháu giữ lễ phép với bậc ân nhân của Ba Má cháu. Cháu có đủ thì giờ buổi sáng và buổi chiều để chỉ thêm Pháp Văn và Toán cho cô Hai. Còn số sách, thì cháu xin làm buổi trưa.

- Không được. Bác không cho phép vậy đâu. Thôi, để bác kêu con Lịch ra đây... Lịch ơi!

Tiếng thiếu nữ trong buồng đáp:

- Ba kêu con hả ba?

- Ra đây con.

Lịch, má phấn môi son, mặc Pyjama, ỏn ẻn đi ra, sặc mùi dầu thơm. Cô nhõng nhẽo với ông Huyện:

- Sao Ba cứ kêu tên con là "Lịch" hoài vậy? Con nói con thích cái biểu hiệu "Hồng Lan" mà!

Ông Huyện cười:

- Ừ, con muốn kêu Hồng Lan thì Ba kêu Hồng Lan chớ sao. Nè con, thằng Đồng bữa nay nó đến dạy con học đó. Nó ở luôn nhà mình. Con muốn học trong phòng con, hay trong phòng nó, tùy ý thích của con.

Hồng Lan nhìn Đồng, với một nụ cười duyên dáng:

- Anh thích em học ở phòng nào?

Đồng ngắt lời:

- Thưa cô Hai, học ở phòng khách này có lẽ tiện hơn.

Ông Huyện cản:

- Úy! Không được đâu! Ở đây bác có khách hoài. Học đây đâu có được, cháu!

Hồng Lan cười:

- Thôi, con thích học trong phòng con, Ba à! Ai lại học trong phòng ảnh, kỳ cục quá!

- Con muốn sao cũng được. Mà con phải chăm chỉ học, nghe hôn? Học sao cho đỗ đạt với người ta, rồi Ba lên Sài Gòn xin cho con được sang du học bên Pháp thì ba mới ưng bụng. Học ở Sài Gòn con thi rớt hoài, Ba buồn lắm. Thôi con dẫn thằng Đồng vô phòng của nó, để nó nghỉ một bữa đã.

°

Mặc dầu ông Huyện ép buộc, Đồng vẫn cứ làm theo ý định của cậu. Mỗi ngày, 8 giờ sáng, Đồng từ nhà cuốc bộ đến nhà ông Huyện ở đấy dạy học và làm sổ sách đến 5 giờ chiều. Xong, Đồng lại cuốc bộ về nhà, cách xa hơn một cây số.

Buổi trưa, ở lại nhà ông Huyện, cậu đóng cửa nằm nghỉ trong thơ trang dành riêng cho cậu, kế phòng cô Lịch.

Đồng dạy mấy ngày đầu đã thấy cử chỉ lẳng lơ của cô học trò cố tính quyến rũ cậu. Hồng Lan 18 tuổi, nhưng đã già dặn về lối khêu gợi dục tình và điếm đàng trong khoa ngôn ngữ. Gần gũi nhau mới bảy ngày, Hồng Lan đã tỏ ra thái độ quá thân mật sỗ sàng với Đồng. Ba giờ chiều hôm ấy, theo thường lệ, Đồng cầm quyển sách Toán vô phòng cô học trò, đến ngay bàn học kê giữa phòng. Nhưng Hồng Lan còn nằm trên giường, mặc áo sơ mi hở nửa ngực, quần lụa rất mỏng. Cô ả nằm với dáng điệu uể oải, Đồng mắc cỡ không dám ngó. Bỗng cô nghiêng mình bên cạnh giường, cúi xuống muốn nôn trong một chiếc ống nhổ đặt cạnh bàn ngủ. Sợ Đồng để ý đến triệu chứng bất thường ấy, cô vội vàng súc miệng với một chén nước lạnh, ăn một múi cam để cho hết muốn nôn, rồi nhoẻn miệng cười ngó Đồng:

- Em xin lỗi anh, trưa nay em cảm.

Đồng đứng dậy toan đi ra:

- Cô bị cảm thì chiều nay nghỉ học vậy.

- Không, em học bây giờ đây chớ. Em chỉ xin phép thầy giáo của em cho em nằm nghỉ vài phút cho khỏe thôi mà...

giaybiro 1

Ngừng một lát, Hồng Lan nói tiếp:

- Anh làm ơn đóng cửa giùm em, kẻo gió em. Rồi anh lấy ve dầu cù là trong tủ đưa giùm cho em, đi anh.

Đồng theo phép lịch sự, đứng dậy đi lấy ve dầu đem đến Lan, tưởng Lan bị cảm thật. Nhưng cậu không đóng cửa. Hồng Lan cầm ve dầu, nắm luôn bàn tay Đồng, kéo Đồng xuống:

- Cám ơn anh. Anh tử tế quá. Anh ngồi đây thoa dầu giùm em ở ngực và ở bụng chút đi!

Đồng hất tay thiếu nữ, nhưng Hồng Lan nắm chặt lấy lưng áo của cậu, ghì cậu xuống. Đồng mặc sơ mi cũ đã vá hai chỗ, nên cậu sợ rách áo không dám dựt mạnh. Hồng Lan lại níu Đồng:

- Anh ngồi xuống đây với em một chút không được sao?

Đồng đỏ mặt tía tai, chỉ vì sợ rách áo mà đành phải ngồi tạm xuống mép giường. Nhưng cậu bối rối, không nhúc nhích, không nói một lời. Lần đầu tiên, cậu bị một thiếu nữ, thịt da phơi phới, ngào ngạt hương thơm, quyến rũ cậu, vuốt ve cậu. Hồng Lan cười lẳng lơ, hỏi Đồng:

- Lúc nãy em nói em bị cảm. Anh có biết em cảm... gì không?

Đồng không trả lời. Hồng Lan nhỏ nhẹ nói tiếp:

- Em cảm anh đó!

Cô ả siết chặt tay Đồng:

- Em bắt đền anh đó, anh Đồng...

Cô tiếp luôn:

- Anh hiền lành, thật thà, đáng yêu quá xá.

Đồng muốn đứng phăng dậy, nhưng Hồng Lan nắm chặt tay áo sơ mi kéo giữ cậu:

- Anh ơi, đi đâu vội? Ngồi đây em nói chuyện này đã. Ba em cũng thương anh lắm. Ba em định cho em sang Pháp học, nhưng sợ qua bên ấy thân gái một mình em bợ ngợ, nên muốn cho anh cùng đi với em qua bển, anh vừa học Bác Sĩ vừa dìu dắt em. Khi nào anh học thành tài, Ba em sẽ bỏ tiền ra mở cho anh một phòng khám bịnh lớn tại Sài Gòn. Em sẽ ngoan ngoãn phụ giúp anh, anh bằng lòng không?

Hồng Lan một tay nắm chặt Đồng, một tay cầm ve dầu đưa Đồng:

- Anh thoa dầu cho em đi anh! Thoa trên ngực và trên bụng kẻo em thấy lạnh bụng quá.

Đồng ngồi điềm nhiên như pho tượng gỗ. Cậu không dám ngó cô Hồng Lan, đôi mắt cậu cứ nhìn trong quyển sách toán cầm trong tay. Thiếu nữ lại nũng nịu đặt bàn tay trên đầu gối cậu:

- Đi anh! Thoa dầu vào bụng cho em đi! Bỏ quyển sách xuống!

Đồng tức giận, gắt lên:

- Cô buông tôi ra. Tôi không thể làm như thế được.

- Sao vậy? Anh sợ người ta thấy à? Ở đây chỉ có mình anh với em, người nhà đi làm lụng hết. Ba đi lên tỉnh, tối mới về. Em muốn nói thiệt với anh: em yêu anh. Vì anh hiền lành, thực thà, thông minh, học giỏi, chỉ phải cái tội nghèo. Nhưng em không cần giàu nghèo. Giàu mà làm gì, phải không anh? Miễn là chúng mình yêu nhau tức là hạnh phúc đó. Nếu anh muốn thì chúng mình làm lễ cưới nay mai cũng được. Ba thương anh và lại chìu em nữa. Em muốn anh về ở luôn đây với em. Con phần ba má anh, thì em sẽ nói với ba để một căn nhà trên Sài Gòn cho ba má anh lên ở, buôn bán hột xoàn. Cưới xong, chúng mình đi du lịch trong ba tháng hè, qua Nhựt Bổn chơi. Hết hè, hai vợ chồng mình đi Tây.

Hồng Lan nắm lưng áo Đồng, kéo Đồng xuống nằm áp lên ngực cô, nhưng Đồng giãy giụa, xô ra, mặt đỏ bừng, tóc rối bù:

- Tôi không thích đâu. Cô đừng làm thế, không được. Chiều nay cô không học, thì tôi đi về.

Hồng Lan cười:

- Em không cho anh về.

Cô ả ngồi dậy sát cạnh Đồng, khoát tay bá cổ cậu. Đồng hất tay cô ra, thì vừa ông Huyện bước vô. Trông thấy Đồng và Lan, ông nhe răng cười:

- Ồ! Ba xin lỗi các con.

Rồi ông vội vàng đi ra. Nhưng Hồng Lan gọi rất tự nhiên:

- Ba ơi, Ba!

Đồng lật đật đứng dậy, Hồng Lan lại nắm tay áo ghì xuống:

- Anh cứ ngồi đây, Ba không rầy chúng mình đâu.

Đồng đang giãy giụa thì ông Huyện trở vào:

- Con kêu Ba hả?

- Sao Ba lên tỉnh về sớm vậy?

- Ờ, Ba vừa mới về.

- Chiều nay con bị cảm. Con nhờ anh Đồng săn sóc cho con đó, Ba à.

Ông Huyện gật đầu lia lịa:

- Được, được.

Quay ngó Đồng, ông hỏi:

- Cháu biết chích thuốc không? Bác đi lấy một ống thuốc bổ để cháu chích cho nó! Coi bộ con nhỏ muốn đau!

- Thưa quan, cháu không biết chích thuốc.

Ông Huyện dặn con gái:

- Thôi con nghỉ kẻo mệt.

Quay lại Đồng:

- Cháu cứ ở đó săn sóc cho Hồng Lan nghe cháu?

Ông đi ra, khép kín cửa lại. Hồng Lan giựt quyển sách toán của Đồng, vứt lên bàn ngủ, và cười toe toét:

- Anh nhà quê quá. Cứ nói biết chích cho Ba vui lòng, không được sao?

Ông Huyện lại gõ cửa, nhưng ông chỉ hé mở một cánh, đứng ngoài thò miệng vô nói to:

- Chút nữa dạy xong, cháu Đồng ra bác nhờ đánh mấy cái giấy nghe, cháu!

Đồng cương quyết gỡ mạnh tay Hồng Lan ra, đứng phăng dậy xô cửa chạy ra ngoài, sang phòng khách của ông Huyện, ông Huyện ngạc nhiên hỏi:

- Bác nói chút nữa cháu qua cũng được. Bây giờ cháu cứ săn sóc giùm cho con Lan, rồi sau giờ qua đây. Bác ở tỉnh về có nhiều giấy tờ nhờ cháu dịch ra chữ Pháp và đánh máy cho bác luôn thể.

- Quan có giấy tờ, đưa cháu làm luôn bây giờ cũng được.

- Vậy thì cháu đợi một lát. Bác còn đang soạn đây.

- Thưa quan, chừng nào soạn xong quan kêu cháu vô.

- Ừ, được.

Đồng ra sân, đi lang thang trong vườn, đến ngồi bờ giếng là nơi vắng vẻ nhứt. Chiều nay tinh thần của cậu bị xúc động quá mạnh. Nhưng cậu nhận xét một điều đáng mừng, là cậu đã tự chủ được trong một giờ phút mà thanh niên khác có thể để mình sa ngã rất dễ dàng. Ý chí cương quyết và tình yêu sâu xa của cậu đối với Thanh đã thắng được sức cám dỗ mãnh liệt của cô con gái lẳng lơ của ông Huyện. Cậu toan bỏ nơi cạm bẫy này đề về nhà, quyết không trở lại nữa. Cậu đã ra đến ngõ định đi về luôn. Nhưng cậu nghĩ lại: "Về nhà, ta sẽ viện cớ gì nói với Ba má để ta không tới nhà ông Huyện nữa? Ta không nên đem câu chuyện bỉ ổi của con gái ông mà nói cho ai nghe. Dù sao ta cũng không nên bêu xấu danh dự của một thiếu nữ. Điều quan trọng nữa là ông Huyện đã hứa bỏ nợ lúa của Ba má khi ta đến dạy học cho Hồng Lan. Nếu ta bỏ dạy, thì ông Huyện có thể kêu rêu rằng ta phỉnh ông để gạt nợ. Nhưng ta sợ gì mà bỏ đi? Ta đã nhận lời dạy con gái ông trong ba tháng hè. Ta nhẫn nại chịu đựng trong thời gian ba tháng ấy. Ta đã tự chủ được một lần, nếu tấn tuồng ấy tái diễn một lần nữa có lý nào ta lại không tự chủ được nữa sao?

Ta tin rằng ta có đủ can đảm và sức phấn đấu để thắng được tất cả mọi quyến rũ bất lương của tiền tài và nhục dục!

Nghĩ như thế, Đồng quay trở vô, ngồi trên một ghế đá cạnh một bồn nước trồng sen.

Đồng không hay biết một tí gì về cuộc âm mưu đang dự bị sẵn sàng trong phòng ông Huyện. Hồng Lan phụng phịu với cha:

- Thằng đó nhà quê lắm, Ba à. Hèn chi nó đi gánh phân. Ngày mai con không học với nó nữa đâu. Ba đừng cho nó tới nữa.

Ông Huyện trố mắt nhìn con, tuy ông còn có một mắt. Ông đưa ngón tay chỉ ngay cái bụng của con gái, và hỏi nhỏ:

- Còn cái bầu của con mỗi ngày mỗi lớn, thì làm sao đây?

- Con chửa ở Sài Gòn, thì con lên Sài Gòn con đẻ, rồi con cho bà Sơ nuôi, không thì con phá thai.

- Úy, không được đâu! Tội chết, con à!

- Chớ làm sao giờ?

- Ba hỏi thiệt con: con có chửa được mấy tháng?

- Mới hai tháng.

- Thằng Đồng có biết không?

- Nó làm sao biết được.

- Con đừng nói chi cho nó nghi ngờ nghe? Để Ba lập mưu... Tối nay... Thôi con đi về phòng nằm yên.

Ông gọi Đồng. Ông gọi ba lần Đồng mới nghe, vì cậu ngồi xa tít nơi góc vườn. Đồng vô phòng ông thì đã thấy trên bàn hai cái ly và một chai rượu whisky. Ông Huyện cười nói rất tự nhiên:

- Cháu à, Bác lên tỉnh, mua được một chai rượu Whisky Ang-lê đây, thứ ngon thượng hạng. Phải nhờ các cụ trên tỉnh giới thiệu mới mua được thứ này, với giá chợ đen 900$ một chai đó, cháu! Sẵn có cháu đây, bác mời cháu một ly để mừng cháu thi đỗ... Cháu học giỏi lắm đa!

Nói xong, ông huyện Michel lấy đồ mở rượu, rồi rót ra hai ly, đưa cho Đồng một:

- Này cháu! Hôm nay lên tỉnh, bác cũng làm được áp phe vô bạc nhiều. Bác cháu mình nâng ly uống mừng lẫn nhau cho vui!

Đồng ngập ngừng:

- Thưa quan, cháu xin lỗi, cháu không biết uống rượu.

- Thanh niên không biết uống rượu, là hay lắm đó. Bác thành thật khen cháu! Nhưng rượu này là thánh tửu, cháu à! Bác mua về để dành có dịp nào long trọng mới lấy ra, đãi các quí khách thôi. Cháu là người đầu tiên nâng ly này với bác. Cháu uống thử coi, ngon số dách! Ngọt lắm, không say đâu!

Đồng nể lời, nâng ly uống. Mùi rượu thơm thơm, dịu dịu, tê tê nơi đầu lưỡi. Nhưng Đồng uống một hớp thôi. Ông huyện bắt uống hết. Xong ông rót thêm một ly nữa cho Đồng. Ông nói chuyện cà kê dê ngỗng, và khéo nói bông lơn làm cho Đồng ngồi nghe cũng vui vui. Sẵn lúc tâm hồn đang bị xúc động, Đồng uống hết hai ly nhỏ, để cố quên những việc vừa xảy ra trong phòng cô Lan lúc nãy.

Nhưng lần đầu tiên Đồng uống rượu, và lại là rượu Whisky, nên cậu hối hận. Rồi lần lần cậu thấy ngồi không vững trên ghế, nói câu không rõ, chỉ lẩm bẩm được mấy tiếng:

- Thưa quan... cháu... xin... đi về...

Ông Huyện cũng hơi say, ngó cậu với một con mắt, và nửa nụ cười:

- Hà hà!... cháu... muốn về... hả? Ừ... bác cho... cháu về... đó...

Đồng đứng dậy, lảo đảo, gượng đi mấy bước ra đến hè thì té nắm bất tỉnh. Ông Huyện kêu con gái chạy ra, với một người thân tín, ôm Đồng vô ngay trong buồng Hồng Lan.

°

Đồng ngủ say mê, không hay biết gì hết. Sáng dậy, cậu mở mắt, chợt thấy mình nằm trên giường Hồng Lan. Cô gái ông Huyện nằm bên cạnh, với chiếc áo sơ mi hở ngực. Hồng Lan đã thức giấc từ lâu, nhưng vờ nhắm mắt. Nghe Đồng lục đục tỉnh dậy, Hồng Lan ngáp một ngáp dài, mở mắt ngó Đồng, làm bộ ngạc nhiên:

- Ủa! Anh Đồng! Anh ngủ với em mà em không biết chớ!

Đồng chau mày, ngồi vùng dậy. Cậu vẫn chưa hiểu vì sao cậu nằm đây? Hồng Lan nhoẻn miệng cười:

- Em sợ anh quá trời! Lỡ mà em có chửa chuyến này thì em bắt đền anh đó! Chiều qua, anh uống rượu Whisky chi cho nhiều, để rồi say té ngoài sân? Em phải ôm anh vào phòng của anh, người anh nóng như lửa, em phải quạt cho anh mát, em pha nước đường đổ vô miệng cho anh uống đỡ say. Mãi đến mười một giờ buồn ngủ quá, em mới về phòng em! Không ngờ đêm khuya anh tỉnh dậy lúc nào, và qua nằm với em lúc nào vậy anh? Làm em mệt đừ, ngủ say mê không biết chi hết! Chắc anh say rượu cũng không nhớ nhỉ...

Đồng nhảy xổm xuống đất, choáng váng mặt mày, giận dữ la lớn:

- Nói láo!... Tất cả câu chuyện ấy là nói láo! Nói láo!

Cậu ngó chòng chọc vào mặt Hồng Lan:

- Cô muốn cái gì? Cô tưởng tôi khờ dại lắm sao? Cô tưởng cô lừa gạt được tôi sao?

Hồng Lan mắc cỡ trợn mắt:

- Anh giở trò gì đó, anh Đồng? Anh lừa gạt tôi, rồi anh đổ cho tôi lừa gạt anh, phải không? Rõ ràng anh nằm với tôi, anh còn chối gì?

Đồng hét lên:

- Tôi không thèm hạng con gái như cô đâu.

Cậu cười gằn một tiếng, nói tiếp:

- Hừ! Bây giờ tôi mới biết!... Người ta đã bày ra âm mưu để... để... Nhưng để làm gì được chớ? Lừa gạt tôi sao được chớ?

Hồng Lan nhảy xuống đất, chạy gần đến Đồng, dịu giọng năn nỉ:

- Anh Đồng! Anh Đồng! Dù sao anh cũng đã...

- Thôi! Thôi! Tôi ghê tởm lắm rồi! Đừng có vu khống nữa! Cô là một con rắn độc! Nhưng lương tâm của tôi yên tĩnh. Tôi hoàn toàn vô tội, tôi không sợ gì đâu!

Hồng Lan đặt tay lên vai cậu:

- Anh... Anh...

Đồng hất tay cô ả một cái thật mạnh, bỏ đi. Cậu đi thẳng ra ngõ, không thèm chào ai, không thèm quay lại.

°

Chiều hôm ấy, trong căn nhà lá của Thanh, Đồng và Thanh ngồi đối diện như mọi khi. Nhưng lần này, Thanh ngạc nhiên thấy Đồng ngồi cúi mặt, trầm ngâm, coi bộ Đồng rất buồn. Đồng muốn nói một điều gì, nhưng do dự rất lâu. Sau rốt, Đồng ngước mắt lên ngó Thanh:

- Thanh à, anh phải đi xa.

- Anh đi đâu?

- Đi đâu anh cũng chưa biết. Nhưng anh đi.

- Vì sao anh đi?

- Vì... một chuyện lộn xộn... Nhưng thôi, xin em đừng hỏi anh...

- Chuyện chi, mà anh không cho em biết?

- Anh khó nói bây giờ. Ngày sau, Thanh sẽ hiểu. Anh đến đây chiều nay để từ giã Thanh... Anh mong rằng anh sẽ không đi lâu, những bất cứ anh ở đâu, hình ảnh yêu quý của Thanh cũng không bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng của anh. Em là người độc nhất mà anh đã yêu. Trong đời anh sẽ không có một người đàn bà nào khác... Thôi anh tạm biệt Thanh hôm nay, mong còn ngày tái ngộ.

Đồng đứng dậy. Hai ngấn lệ rưng rưng trên mắt, Đồng vội vàng lấy khăn lau, nói tiếp:

- Chiều nay, anh không có can đảm nhìn Thanh lâu. Nhưng có một ngày anh sẽ nói hết sự thật cho em nghe. Bây giờ đây, anh chỉ xin em tha lỗi cho anh, và anh gởi lời kính chào Ba.

- Nhưng chuyện gì mà anh giấu em?

-  ... Anh không giấu em chuyện chi hết...

- Sao anh không nói rõ cho em nghe...

- Anh không nói được... Em thương anh thì một ngày sau em sẽ hiểu. Nay em đừng hỏi anh nữa... Anh đau khổ lắm, Thanh à... Anh xin lỗi Thanh...

Đồng vụt chạy ra đường cái, biến luôn. Thanh chạy theo gọi:

- Anh! Anh!

Nhưng Đồng không ngoảnh lại. Cậu cắm đầu chạy, chạy tắt theo bờ ruộng, chạy băng qua rạch dừa, chạy... chạy mãi như một ám ảnh rùng rợn đang đuổi riết theo cậu!... Thanh nước mắt chảy ràn rụa đứng nhìn theo bóng Đồng đã biến xa dưới bóng chiều tà...

Cô trở vào nhà, gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Cô không hiểu gì hết. Cô thương Đồng quá, nghi Đồng có gặp một chuyện gì đau khổ lắm, nhưng chuyện chi mà Đồng giấu kín, không nói cho Thanh hay? Đồng đi đâu, sao không cho Thanh rõ? Rồi đây tương lai của Đồng sẽ ra sao? Duyên phận của Thanh sẽ như thế nào? Tình yêu của hai người, tình yêu đầu tiên và duy nhứt, đang say mê xinh đẹp biết bao, rồi đây sẽ tan vỡ chăng? Ôi! Bao nhiêu điều thắc mắc như bao nhiêu mối tơ vò rối rắm trong lòng Thanh! Mà Đồng thì đã biến, biến mất nơi chân trời vô định!... Thanh thoáng thấy đời cô như sắp đổ nát từng mảnh vụn! Nhưng lấy lại can đảm, trở lại bình tĩnh, Thanh tự bảo không nên thất vọng. Cô tin tưởng nơi tình yêu của Đồng, một bạn trẻ có tâm hồn cao cả. Và cô tin tưởng nơi số kiếp của cô đã gắn bó với Đồng bởi một mối cảm thông siêu thoát, một lý tưởng tuyệt vời, một tâm hồn cứng rắn, không có gì làm tiêu tan được cả.

Mây đen cuồn cuộn bao phủ cả vòm trời tối mịt. Mùa giông tố đem lại cho mỗi buổi hoàng hôn trên cây cỏ thôn quê, một màu ảm đạm nặng nề đầy điện khí. Một tia chớp loè trong đám mây, kế tiếp một tiếng sấm vang rền, báo hiệu một cơn phong vũ hãi hùng sắp sụp đổ xuống trần gian. Những con chim lạc đàn bay tán loạn, hớt hãi tìm về tổ ấm.

Thanh vội vàng sửa soạn cơm dọn lên. Ông già bảo:

- Con ăn cơm luôn chớ?

- Dạ mời Ba dùng trước.

Thanh bồi hồi rối loạn, gục đầu khóc trước bếp lửa cháy gần tàn. Cô lặng lẽ khóc một mình, nước mắt chảy ràn rụa trên hai gò má. Ngoài trời đã mưa ào ào, trận mưa trút xuống mịt mù cả non nước. Ông Bảy ăn cơm xong. Thanh dọn dẹp vội vàng rồi xin phép Ba cho đi một lúc. Ông già ngạc nhiên hỏi:

- Trời tối mù, mưa to gió lớn quá mà con đi đâu?

- Thưa Ba, con đến thăm anh Đồng.

Ông già chưa kịp hỏi rõ thì Thanh đã đội nón chạy ra đi. Trời mưa tầm tã, một trận mưa mực tối đen tối thui cả trời đất. Cô băng ruộng, lội mương theo lối tắt để đến nhà Đồng cho mau. Áo quần ướt hết dính nhẹp vô người, tay cô nắm chặt quai nón bị gió tốc muốn bay. Có lúc cô phải dừng lại, gió mạnh quá, mưa xối vào mặt cô, không sao đi được nữa. Một tiếng sét nổ rền trời như xé tan cả vũ trụ, cô phải ngồi thụp xuống bờ ruộng, hai tay ôm vào ngực. Trái tim cô như muốn bể làm đôi. Một lúc cô cố gượng đứng dậy, đi lảo đảo mò từng bước trong vực thẳm rào rạc của ban đêm.

Đến nhà Đồng, cô gõ cửa. Tiếng mẹ Đồng hỏi vọng ra. Cô đáp:

- Dạ, thưa bác, con đây ạ.

Cửa hé mờ, bà già sửng sốt:

- Con Hai! Mưa gió quá mà con đi đâu đây, con?

- Thưa Bác, có anh Đồng của con ở nhà không?

- Nó đi rồi, con à! Nó nói nó lên tỉnh, mà làm sao nó lật đật quá, hai bác biểu nó để sáng mai hãy đi, nó không chịu. Đi đâu mà không đem va-li theo.

- Thưa bác, anh đi có chuyện chi không?

- Chuyện chi của nó, bác đâu có biết! Nó nói riêng với anh Hai nó là nó muốn lên tỉnh kiếm sở làm. Nhưng kiếm sở làm thì bữa nào đi cũng được chớ. Nó có nói chi với con Hai không?

- Dạ thưa bác, anh không nói chi với con hết.

- Ông già và anh của Đồng ở trong buồng vừa ra. Ông già tiếp lời:

- Mấy bữa rày nó tới nhà ông Huyện để dạy cô Lịch học. Đêm hôm qua nó ở lại trển không về. Sáng nay tự nhiên nó về thiệt sớm. Nó buồn bực, hỏi gì nó cũng không nói. Trưa nay, nó không ăn cơm. Nó cứ nằm miết đến chiều, hai bác đi ra ruộng, thì nó đến đằng con. Rồi nó đi luôn. Vậy chớ nó không nói với con là nó đi đâu sao?

- Dạ không.

Thấy Thanh khóc sướt mướt, rất là thảm thiết, anh của Đồng bảo:

- Chắc nó không muốn dạy học ở nhà ông Huyện, nó đi lên tỉnh kiếm sở làm. Sợ Ba Má không cho, nên nó không dám nói đó. Ít bữa chắc nó gởi thư về, chớ không có chuyện chi đâu, em à.

Thanh chào mọi người để đi về. Ông già bà già cũng bảo:

- Trời mưa mà con đi sao được? Ở đây chờ tạnh mưa đã.

Nhưng Thanh nhứt định xin về... Chị dâu Đồng từ nãy cũng đứng nghe chuyện, vội vàng lấy áo tơi đưa Thanh:

- Cô mang thêm áo tơi, đỡ mưa cô Thanh!

Chị quay lại biểu chồng:

- Anh đốt cây đuốc đưa đường cô Thanh về, chớ trời tối như mực, cổ đi té làm sao?

Thanh cám ơn, chỉ mượn áo tơi mang vô, rồi chào về.

Trời vẫn mưa ào ào như nước lũ. Gió rít từng cơn. Sấm chớp từng hồi. Trong lòng Thanh cũng đang trải qua một cơn bão táp phong ba, hãi hùng, xáo loạn...

°

Nửa tháng sau, một buổi sáng tinh sương, nét mặt âu sầu buồn bã, Thanh lại quảy một đôi gánh và mang cuốc đến cuốc mướn vườn khoai của ông cậu. Lần trước ông Huyện không cho cô một củ khoai nào. Cô Thanh đổ mồ hôi dưới nắng gắt từ sáng đến trưa, cuốc năm giồng khoai được trên mười thúng củ, ông Huyện trả công khó nhọc cho đứa cháu của ông bằng hai thùng dây khoai đem về nấu cho heo ăn.

Cô Thanh không kêu rêu, lần này cũng đi cuốc mướn vì heo cô đói.

Cô con gái ông Michel trong nhà đi ra, mặc áo kimono như cô gái Nhựt, chưn đi dép Nhựt, môi đánh son đỏ loét. Má xoa phấn hồng, đầu thơm sặc mùi nước hoa. Thanh cúi đầu cuốc, không muốn ngó cô. Nhưng Hồng Lan đến gần:

- Thanh ơi!

Thanh buộc lòng phải ngẩng mặt lên:

- Chào chị Lịch.

- Kêu tao là Hồng Lan. Lịch là tên trong trường.

Hồng Lan lại nhếch mép cười:

- Nghe nói mầy thôi học phải không Thanh?

- Phải, chị à!

- Ừ! Nghèo mà học hành làm chi? Nghe nói thằng Hai Ngọc, con chú Cai Tổng, nhà nó giàu lắm, nó muốn hỏi mầy làm vợ mà mầy không ưng nó hả? Sao mầy ngu vậy?

Thanh làm thinh không trả lời. Hồng Lan nói tiếp:

- Tao cũng nghe nói mầy bồ với thằng Đồng, mầy sắp lấy nó, có hông?

Thanh cứ một mực làm thinh, không thèm nói chuyện. Hồng Lan hỏi dồn:

- Có không, mầy? Tưởng mầy khôn, mầy mèo với đứa nào chớ mầy mèo với cái thằng chó đẻ đó, thì kệ mầy chớ! Tao cần chi phải biết! Nhưng tao cho mầy hay, nghe không Thanh, thằng Đồng nó khốn nạn lắm, mầy à. Mầy biết không, nó gạt gẫm tao để ngủ với tao, cho tao có chửa rồi nó trốn mất! Có phải đồ sở khanh không! Tao đâu có thèm lấy một thằng học trò nghèo như nó? Nhưng mầy nghĩ coi, nửa đêm thừa lúc tao ngủ mê, nó dám lẻn vô phòng tao, hiếp dâm tao! Thật là đồ đểu giả! Nhưng nó coi chừng tao! Đứa nhỏ trong bụng tao đây chừng đẻ ra mà thằng Đồng không nhìn nhận thì nó chạy trốn lên trời!

Thanh không cuốc được nữa, hai tay cô run cầm cập. Nhưng cô ráng giữ được bình tĩnh, cúi đầu cuốc lia lịa. Hồng Lan lại hỏi, giọng hục hặc:

- Mầy biết thằng Đồng bây giờ ở đâu, Thanh?

Thấy Thanh làm thinh, Hồng Lan càng hỏi dồn dập:

- Nó ở đâu? Hả? Nó trốn nơi nào? Nó trốn ở nhà mầy hả? Thanh? Sao mầy không nói?

Thanh vẫn làm thinh. Hồng Lan xấn tới, hăm dọa:

- Sao mầy không nói? Mầy giấu cái thằng khốn nạn đó ở chỗ nào? Mầy muốn đồng lõa với nó để làm hại tao hả?

Thanh cắn răng, không trả lời, cứ giữ hết sức bình tĩnh để cuốc khoai.

Hồng Lan tiếp tục mửa ra những lời bẩn thỉu:

- Tao tưởng nó cũng có lương tâm, cho nên tao mới chịu nghe lời Ba tao cho nó ở trong nhà, dạy tao học. Ai ngờ đâu, nó tán tỉnh tao mấy lần không được, rồi đêm hôm thừa lúc tao ngủ mê, lẻn quá buồng tao, ngủ với tao để cho tao có chửa, rồi sáng bữa sau nó đi mất biệt. Đồ cái thằng ăn c...! Đồ trâu! Đồ chó! Vậy mà mầy còn mèo với nó chớ, chèng ơi! Mầy định lấy nó thiệt hả, con đĩ ngựa!

Nghe đến đây Thanh tái mặt, hai tay rụng rời, quăng cuốc xuống đất, bỏ chạy vụt ra ngõ, Thanh chạy ra bờ ruộng, chạy qua rạch dừa, bỗng té xỉu trong bụi lác, hai chưn tuột xuống nước, nằm như xác chết!

Cô nằm bất tỉnh dưới bờ rạch có nửa tiếng đồng hồ, không ai hay biết. Cô mê mang, hai tay bám chặt lấy bùn. Tóc cô rũ rượi, tung xõa trong những cành lác, rối nùi bên mấy bụi cỏ hoang. Thỉnh thoảng cô nức lên một tiếng.

Một lúc lâu cô tỉnh dậy, áo quần ướt đẫm cả bùn, mặt mày ngơ ngác, đôi mắt sưng vù lên. Cô ngồi trên bờ, đăm đăm nhìn nơi chân trời xa, nước mắt chảy ràn rụa như muốn ngập tràn ra mây gió!...

Thanh không tin rằng người yêu của cô là một kẻ xấu xa tồi bại. Cô không tin rằng Đồng có thể có một hành động vô liêm sĩ nào. Cô hiểu Đồng hơn ai hết. Cô biết rõ tánh tình cao thượng của người bạn học từ lúc còn để chỏm tóc trên đầu cho đến ngày nay là một trang thanh niên tuấn tú, tâm hồn thanh cao, chí khí phi thường.

Một người như Đồng rất có thể lầm lỗi như ai, nhung không thể bần tiện như Hồng Lan đã nói. Thanh quả quyết rằng người yêu của cô không bao giờ hàng động mù quáng si mê, và không bao giờ ngã quỵ dưới mãnh lực của cám dỗ, một cách nhục nhã đê hèn như thế.

Nhưng mặc dầu cô tin tưởng mạnh mẽ vững vàng, cô vẫn bị những lời tố cáo của Hồng Lan thấm vào trí óc cô như một liều thuốc độc. Cô đã bị một vết thương sâu sắc nặng nề. Nhưng cô quyết rửa sạch những hụm máu của Hồng Lan đã phun vào cô, cô quyết không để cho nó làm dơ bẩn danh dự của Đồng và làm mờ phai tình yêu trong trắng của cô. Cô tin rằng cô sẽ có can đảm. Cô sẽ đương đầu. Cô sẽ cương quyết và sẽ thắng.

Thanh thắc mắc tự hỏi: "Tại sao Đồng không thú thiệt với ta? Đồng phải hiểu rằng ta luôn luôn tha thứ nếu quả thật Đồng có phạm lỗi". Nhưng chính câu hỏi ấy đã cho cô một câu trả lời: "Nếu Đồng không có lỗi, Đồng đâu có cần ta tha thứ?" Sự im lặng của chàng phải chăng là một uất hận mà ta chưa tìm hiểu được nguyên do đó thôi? Đồng có bảo: "Sau này em sẽ hiểu..." Tại sao sau này Đồng mới cho ta hiểu?

Dù sao, bởi Thanh quá yêu Đồng, bởi Thanh quá tin tưởng nơi Đồng, nên Thanh cố tự bào chữa cho danh dự của người yêu và cả cho mối tình nồng nàn tha thiết của cô. Nhưng trong thâm tâm, cô vẫn đau xót vô cùng! Một ngày sau, thời gian sẽ đem lại sự thật như Đồng đã nói chăng? Cô sẽ thắng trong sự thử thách tàn nhẫn này chăng? Nhưng hiện nay, cô gái hiểm độc của ông Huyện, người chị khả ố khả bỉ, con ông cậu ruột của cô, đã thành công một phần nào trong việc làm tan vỡ giấc mộng đẹp nhứt của đời cô!

Thanh đứt từng đoạn ruột. Suốt bao nhiêu đêm trường, Thanh nhắm mắt ngủ không được, Thanh bị ám ảnh bởi những điều tố cáo ghê gớm, còn vang dội bên tai cô như tiếng sét đánh hãi hùng trong đêm bão táp. Cô sực nhớ đêm cô chạy đến nhà Đồng, giữa ruộng cô bị tiếng sét lớn làm cô kinh hoàng, cô ngồi thụp xuống bờ, nghe như trái tim cô muốn rạn nứt làm hai... Nhưng hôm nay, trái tim cô đã bể nát tan tành, từng mảnh vụn!...

(Còn tiếp)

Nguyễn Vỹ

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com