Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
CTR NCK
 
II. Con Trâu Rừng Cuối Cùng Trên Đảo
 
Mùa mưa đến trên đảo thật là dầm dề và dai dẳng. Có những lần mưa gió hàng tháng không dứt. Mây mù bay từ biển vào sà gần xuống mặt đất. Cả tháng không nhìn thấy trời, không nhìn thấy màu xanh của núi rừng, không nhìn thấy chân trời giáp với mặt biển. Nước mưa từ trên ngàn đổ xuống, chảy như nước lũ, dâng tràn lên mặt đường, mấp mé các nhà sàn hai bên bờ con sông nhỏ. Nhiều buổi chiều, nghe gió hú và đứng nhìn các ngọn dừa bị gió giật từng hồi uốn cong xuống xác xơ. Những lần đó, quận thường ra thông cáo yêu cầu phải giữ trẻ trong nhà, đừng để gần sông trượt chân rất dễ bị trôi ra biển. Nhiều gia đình phải vào nhà lồng chợ trú ẩn.
 
Không có thuyền nào dám ra khơi, không có tàu chở hàng nào từ Rạch Giá trở về. Bữa ăn nào cũng trở nên đạm bạc. Thỉnh thoảng mới có một ít thịt, một ít rau, và ngay cả cá cũng không có. Máy bay dân sự hồi đó mỗi tuần mới có một chuyến. Một hôm, ngồi buồn không biết làm gì, mở máy dò các đài xem có tin gì mới lạ hay không, thì bỗng bắt được lời nhắn của Trưởng Đài Khí Tượng Phú Quốc với Trưởng Đài Rạch Giá, gửi ba kí thịt bò và rau vào chuyến máy bay tới. Đại Úy Hùng nghe thấy cười lớn, tuần này chắc có thịt bò nhúng giấm rồi. Gia đình Khí Tượng này không hiểu có một thiên tình sử ra sao mà họ có một đời sống khá ly kỳ. Bà vợ không bao giờ thấy ra ngoài, chỉ thấy ông chồng lù dù ngày ngày yên lặng xách giỏ đi chợ. Một hôm, Đại Úy Hùng từ bãi biển trở về, cứ thắc mắc hoài với anh vì nhìn thấy một người đàn bà mặc áo tắm hai mảnh kiểu tân kỳ, đang nằm trên ghế xích đu, chỗ bãi biển Đài Khí Tượng. Hỏi lính thì mới biết đó là bà vợ ông Khí Tượng. Sau này, anh còn được biết thêm hai vợ chồng đổi từ đảo Hoàng Sa về đây. Họ ở đó sáu năm trời. Chắc những ai mà đến đó, thì còn thắc mắc hơn Đại Úy Hùng nhiều.
 
Những tuần mưa gió như thế, cả quận chỉ mong chờ ngày có chuyến máy bay chóng đến. Nhiều lúc đứng trong quận, nghe tiếng máy bay vừa mừng lại vừa thấy cái hy vọng mong manh. Có lúc thấy tiếng máy bay thật thấp, ẩn hiện chớp nhoáng trong đám mây mù, đảo quang một hai vòng rồi bay đi mất hút để cả quận ngơ ngẩn. Giống như cái cảnh bao nhiêu ngày kiệt quệ lênh đênh trên biển, không biết đâu là bến bờ, thấp thoáng thấy có bóng chiếc tàu ở đằng xa, nhưng chỉ trong chốc lát lại mất dạng.
 
Cả bọn nghĩ không biết phải làm gì cho qua một tuần sắp tới, bèn đứng rủa thầm anh chàng phi công nhát gan. Có lần, một anh phi công Đài Loan liều đáp xuống từ phía biển vào bị gió thổi chạy văng ra ngoài phi đạo. Hút chết, không đâm vào núi là may. Quận lại phải đem xe Dodge 4, lấy dây buộc vào đuôi kéo ngược trở lại.
 
Những tuần đó không có việc, chỉ luẩn quẩn quanh văn phòng. Không có ma nào mò đến. Quận thường đóng cửa kín mít, chỉ sợ gió mạnh làm bật tung các cửa, thổi loạn các giấy tờ bay tứ tung, phải nhặt và xếp lại cũng đủ mệt. Ngồi không, hút thuốc đến đen cả mấy đầu ngón tay, phải đổi sang hút ống điếu. Anh thường nhờ bạn bè ở Saigon gửi ra hai loại thuốc 79 và Half and Half để trộn lẫn với nhau. Hôm đầu, anh mang ra hút, mùi thơm làm tỉnh mấy anh thư ký quận đang ngồi nhìn mưa rơi buồn hiu, và làm ngưng cả tiếng vọng cổ rầu rĩ của mấy tay nghĩa quân dưới nhà. Cả bọn tưởng như trong không gian có cái gì làm thay đổi khứu giác của họ. Lúc sau, họ mới khám phá ra anh đang hút ống điếu. Tất cả nhao nhao ùa lại mỗi người xin một ít để làm thuốc quấn, thi nhau thả khói làm thơm lừng cả văn phòng quận.
 
Nhiều hôm vừa mưa lại vừa nóng, anh thường mở cửa sổ đứng nhìn ra biển lấy một chút gió. Mùa này là mùa ruốc, dân chài cũng thường ra khơi để vớt về làm mắm. Cá voi cũng về, chỉ việc há mồm đón những đàn ruốc bơi qua cuống họng, thỉnh thoảng chúng lấy hơi phun những cột nước bắn lên cao.
 
Ai cũng nghĩ lúc này mà tụ họp nhau ăn nhậu thì không còn gì bằng. Nhưng ‘‘mồi’’ thì không dễ kiếm ra. Tối đến, mấy tay thư ký quận rủ nhau nai nịt, lội mưa cầm đèn bão đi lùng ếch. Cứ chỗ nào nghe tiếng ồm ộp là mò vào rọi đèn, thế nào cũng chộp được một con. Có tối mang về được vài chục con ếch non, tẩm bột đem chiên, ăn được cả xương, ngon hơn thịt gà. Có ‘‘mồi’’ nhưng rượu lại càng hiếm. Ngày thường ngư dân uống đã nhiều, ngày bão ngồi không lại càng uống dữ hơn nữa. Có một điều làm anh phải giật mình khi làm các con số thông kê các hàng xuất nhập đảo. Số xăng nhập vào đảo đã nhiều cho thuyền bè đánh cá, mà số lít rượu nhập vào còn cao hơn. Anh yêu cầu cộng lại, nhưng mấy người thư ký ở lâu trên đảo, họ thấy chẳng ngạc nhiên chút nào.
 
*
Cuối cùng chẳng biết làm gì cho qua những ngày bão biển, anh vào trong kho lục trong đống văn khố xem có gì đáng đọc hay không. Anh mang ra từng chồng sách xuất bản từ Hà Nội đã tịch thu được trong cuộc hành quân trên vùng Bắc đảo năm trước. Những sách khảo cứu về Dược Thảo Việt Nam, chắc để cho du kích dùng mỗi khi thiếu thuốc bào chế. Những sách về Khảo Cổ, Lịch Sử và Văn Học viết theo quan điểm Mác-xít, mị giai cấp công nông, đọc không nổi.
 
Anh tìm được một quyển Địa Phương Chí của đảo, khiến anh nghiền ngẫm đến mấy ngày liền và là một cái cớ khởi đầu để anh có dịp đi gặp các cụ già trên đảo tìm hiểu thêm về các sử liệu, các dấu vết cổ xưa, kể cả các truyện truyền kỳ, huyền thoại.
 
Anh mở rộng tấm bản đồ với đầy đủ các hòn đảo của Việt Nam trong vịnh Thái Lan. Những cái tên nghe mường tượng như từ một thời cổ xưa lập địa với những Hòn Đồi Mồi, Hòn Kiến Vàng, Hòn Khoai, Hòn Thơm, Hòn Nước, Hòn Rùa, Hòn Tre, Hòn Nước, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Thổ Châu và Hòn Hải Tặc... mà nhiều hòn trong suốt thời gian ở đó anh không có dịp đến.
 
Anh đọc tới những trang sau, những truyện có thật mà tưởng như truyền kỳ của một hòn đảo thường gọi là xứ của 99 ngọn núi, ý nói có nhiều núi lắm. Những chứng tích còn lại, như những bí mật của Chùa Sư Muôn. Những câu sấm của ông Đốc Phủ Chiêu với Chùa Cao Đài trên núi, mộ của những ông cố đạo ngoại quốc không hiểu từ đâu đến truyền giáo, có những cái tên lạ hoắc được chôn ở bãi biển sau quận từ thế kỷ trước mà những buổi chiều hè, lúc anh tắm biển xong thường ngồi nghỉ trên những tấm mộ xiêu đổ nhìn ra biển ngắm cảnh hoàng hôn. Cái Giếng Tiên bên bờ sông bên bờ sông Dương Đông nước mặn mà nước giếng vẫn ngọt. Còn những đền thờ cá ‘‘Ông’’ rải rác trên đảo, nhưng khi anh có dịp đến thăm thì đã chẳng được ngư dân thờ phụng như trước nửa, chỉ còn chổng chơ vài cái xương cá voi khổng lồ cũ kỹ...
 
Có một số trang sách liên quan đến sử liệu như thời của ông Nguyễn Ánh, Nguyễn Trung Trực và thời kỳ quân đội Nhật, Trung hoa trong và sau Thế Chiến Thứ Hai trên đảo.
 
Ông Nguyễn Trung Trực nổi lên chống Pháp, lúc thất thế phải chạy ra Phú Quốc, nương náu ở ấp Cửa Cạn. Cuối cùng ông vẫn bị truy lùng. Lúc quá quẫn, ông không thể đem theo được đứa con nhỏ, bèn treo lại trên cây mong dân Cửa Cạn mang về nuôi giúp. Nhưng không hiểu dân ở đó không tìm ra hay đã làm lơ để đứa trẻ đó chết. Do đó, dân chúng tin rằng oan hồn cứ vất vưởng ở ấp làm đàn bà ở Cửa Cạn sanh ra khó khăn và trẻ sơ sinh thường hay chết yểu. Anh muốn phá bỏ cái truyền kỳ độc ác đó, nên đề nghị với dân chúng sửa sang lại nhà hộ sinh và chuyển một cô đỡ hương thôn về và yêu cầu Chi Y Tế cung cấp thêm thuốc men cho ấp Cửa Cạn. 
 
Có một thời kỳ lịch sử cận đại của đảo mà được rất ít người nhắc đến, đó là những ngày quân Nhật chiếm đóng trên đảo trong Thế Chiến Thứ Hai. Họ đã chở đến hàng trăm tù binh để lập một sân bay lớn ở Cửa Cạn, dùng nơi đó làm căn cứ Không Quân Chiến Lược tấn công Tân Gia Ba. Một số người trên đảo vẫn còn nhớ cái cảnh từng đoàn tù binh đói ăn, gầy guộc phá rừng, san đất dưới ánh lưỡi lê của bọn lính Nhật. Ngày ngày, máy bay lên xuống từng đoàn, bụi mù cả một vùng. Ngày Tân Gia Ba thất thủ, quân Nhật ăn mừng bắn súng vang cả đảo. Anh cố tìm một số chứng tích của thời Nhật, nhưng không có dịp, chỉ thỉnh thoảng còn gặp được một vài người nói đuợc một ít câu tiếng Nhật nhờ thời gian làm thông ngôn cho họ. 
 
Đảo Phú Quốc, một lần nữa lại phải để cho một sư đoàn tàn quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng đến tá túc, sau khi bị Hồng Quân của Mao Trạch Đông vượt qua sông Dương Tử tràn xuống phía Nam và đẩy họ qua biên giới Việt Nam, hình như vào khoảng những năm đầu của thập niên năm mươi. Chính quyền Pháp hồi đó không biết giải quyết ra sao, nên phải giải giới và tập trung họ trên đảo. Ít lâu sau, Tưởng Giới Thạch củng cố được lực lượng tại Đài Loan, và họ có dịp trở về. Một số nhỏ Quốc Quân không muốn hồi hương đã ở lại, lấy vợ Việt Nam và sinh cơ lập nghiệp trong các vườn tiêu trên đảo.
 
Có một điều, anh thấy rất ít tướng lãnh, ngay cả sĩ quan phục vụ trên đảo biết đến tính cách chiến lược của hòn đảo đã được dùng để khống chế vịnh Thái Lan trong Thế Chiến Thứ Hai, biết đến những hiểm địa của Nguyễn Trung Trực lúc kháng Pháp và của Nguyễn Ánh khi lánh nạn Tây Sơn, mà sau này ông đã dựng được nghiệp lớn. Có lẽ, vì thế mà Việt Cộng cứ đi lại tự do trên chín mươi phần trăm đất trên đảo, mà Quốc Gia chỉ có vỏn vẹn vài ấp rạt sát ven biển.
 
Ít năm sau, anh có dịp đi du hành quan sát tại Đài Loan, tổ chức bởi Trường Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam mà anh theo học. Trên chuyến bay từ Đài Bắc ra đảo Kim Môn, Mã Tổ nằm sát ngay bờ biển Trung Hoa lục địa, lúc gần tới, phi cơ phải bay gần sát mặt biển để tránh tầm máy dò ra-đa của Trung Cộng. Một vị Đại Tá Trung Hoa, hướng dẫn phái đoàn, ngồi cạnh anh hỏi chuyện, anh làm những gì và ở đâu. Anh có nhắc đến thời gian ở Phú Quốc. Ông ta mừng rỡ và nói ngay, ông ta đã ở trong đám Quốc Quân hồi đó. Ông kể rất rành mạch các địa danh trên đảo và có hỏi thăm anh về khu nghĩa trang của các Quốc Quân đã bỏ mình tại đó được chôn cất sát sân bay Dương Đông. Hồi anh ở đảo, thỉnh thoảng anh nhận được công điện yêu cầu tiếp phái đoàn Trung Hoa Quốc Gia đến chỉnh trang nghĩa địa và thăm viếng các chiến hữu của họ đã nằm xuống mấy chục năm về trước.
 
*
Có một trang trong cuốn địa phương chí nói đến tên bà Kim Giao. Anh không rõ sự liên hệ của gia đình bà với triều nhà Nguyễn ra sao, chỉ biết khi nhà Tây Sơn nổi lên chiếm miền trong và Nguyễn Ánh phải lánh nạn ở Phú Quốc, bà cũng đem theo gia nhân và năm mươi con trâu ra đảo, nghĩ đến việc khai phá và lập nghiệp lâu dài. Công cuộc của bà đã thất bại, không hiểu vì quân Tây Sơn đến đánh phá hay đất trên đảo không thích hợp cho sự trồng trọt. Ít lâu sau bà mất, gia nhân bỏ trốn dần về đất liền và đàn trâu xổng chuồng thành một lũ trâu rừng lang thang trên đảo.
 
Anh vội tìm cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, muốn đi ngược lại dòng thời gian để tìm một vài niên hiệu và những gì đã xảy ra trong thời bà còn sống trên đảo. Anh giở lại những trang sử nói về anh em nhà Tây Sơn và lúc Nguyễn Ánh lánh nạn, có những đoạn liên quan đến đảo như sau:
 
‘‘Tháng Ba năm Nhâm Dần (1782), vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, đem hơn một trăm chiếc thuyền vào cửa Cần Giờ đánh nhau với Nguyễn Vương ở Thất Kỳ Giang tức Ngã Bảy. Trận ấy quân Nguyễn Vương thua to có người Pháp tên là Mạn Hòe (Manuel) làm chủ một chiếc tàu phải đốt tàu mà chết. Nguyễn Vuơng phải bỏ thành Saigon về đất Tam Phụ (Ba Giồng) rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc.’’
 
‘‘Lúc bấy giờ lương thực hết sạch, Nguyễn Vương cùng với người đi theo phải hái rau và tìm củ chuối mà ăn, thế lực cùng kiệt, thật là nguy nan quá. Nhân vì khi trước Nguyễn Vuơng có quen một người nước Pháp làm Giám Mục đạo Gia Tô, tên là Bá Đa Lộc, khi đó đang ở Thái Lan, ngài bèn sai người đến bàn việc. Ông Bá Đa Lộc nói nên sang cầu cứu nước Pháp, nhưng phải cho hoàng tử đi làm tin thì mới được’’
 
Năm 1784, sau khi thua ở Sài Côn, Châu Văn Tiếp cùng Nguyễn Vương sang Thái Lan cầu cứu. ‘‘Vua Thái Lan tiếp đãi Nguyễn Vương rất hậu và sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân cùng ba trăm chiếc thuyền sang giúp. Quân Thái Lan lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thích, Sa Đéc. Khi đánh ở Mân Thích, Châu Văn Tiếp ỷ thế đi đến đâu quấy nhiều dân sự đến đó, làm nhiều điều tàn ác cho nên lòng dân oán hận lắm’’
 
‘Nguyễn Huệ vào đến Gia Định nhử quân Thái Lan đến gần Rạch-Gằm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh phá một trận, giết quân Thái Lan chỉ còn được vài ngàn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Nguyễn Huệ phá được quân Thái Lan rồi đem binh đuổi đánh Nguyễn Vương. Nguyễn Vương bấy giờ hết cả lương thực cùng với mấy người chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt, rồi sang Tiêm La’’
 
Ít lâu sau, anh em nhà Tây Sơn bất hòa với nhau và ngày càng suy nhược. Ở các nơi nhiều đảng lại theo về chúa Nguyễn, nổi lên đánh phá làm cho quân Tây Sơn giữ không nổi. Nguyễn Vương đang ở Thái Lan ‘‘được tin đất Gia Định có thể lấy được, Vương bèn để thư lại từ tạ vua Thái Lan, rồi nửa đêm đem Vương mẫu cùng cung quyến xuống thuyền về nước. Bấy giờ là tháng Bảy năm Đinh Tỵ 1787. Nguyễn Vương đi qua đảo Cổ Cốt, có người nhà Thanh tên là Hà Hy Văn thuộc Thiên Địa Hội đem mấy người đến xin theo giúp. Vương về đến Hà Tiên, cho người đưa Vương Mẫu và cung quyến ra Phú Quốc, rồi cùng mọi người về đóng ở Long Xuyên’’
 
Hai năm sau, 1789, Nguyễn Vương lấy lại được toàn đất Gia Định và 13 năm sau, năm 1802, Nguyễn Vương thống nhất sơn hà và lập nên triều Nguyễn.
 
Anh gập cuốn sử lại, nghĩ đến những thờì gian nguy khốn của Nguyễn Ánh, nghĩ đến những ngày long đong trên biển chơi trò đuổi bắt với Nguyễn Huệ. Anh lại nhớ đến những truyện truyền kỳ về Nguyễn Ánh được cá voi giữ thuyền cho khỏi đắm trong cơn giông bão, nhớ đến những con cá họ đem bày bán ở chợ, trên lưng có dấu năm đầu ngón tay. Hỏi mấy ông cụ già thì được biết, khi thuyền Nguyễn Ánh trôi trên biển, hết lương thực, đói quá, có đàn cá bơi lại hiến mình và Nguyễn Ánh đã cầm lấy để ăn. Sau này, Nguyễn Ánh lập xong nghiệp lớn và những con cá đó đã được mang trên mình dấu tay của một chân mạng đế vương.
 
Nhưng có một hình ảnh mà anh đã hình dung ra và đã theo anh mãi trong những ngày ở trên đảo và cả sau này nữa, đó là đàn trâu của bà Kim Giao. Tính ra những con trâu này đã được mang ra đảo vào khoảng gần 200 năm truớc, hiền lành chỉ biết cần cù, gia sức cầy bừa, nhưng sau này con cháu của chúng lại trở thành một lũ trâu rừng lang thang...
 
Anh có dịp nói chuyện với một số dân trong rẫy, ngoài vòng ấp chiến lược, họ cho biết đàn trâu chỉ còn lại hai con. Năm trước một con đã bị bắn chết. Nghe đến đó tự nhiên anh thấy buồn rầu như đã đánh mất một vật gì quí mến mà không thể nào tìm lại được.
 
Anh tưởng tượng ra rằng hai con trâu cuối cùng đó chắc đã có một thời được sống trong một đàn. Có những ngày thong dong gặm cỏ trên những ngọn đồi xanh. Có những trưa đằm mình dưới nước trong vùng ‘‘Vũng Trâu Nằm’’ trên vùng Bắc đảo. Có những đêm nằm kề nhau nhai lại cỏ dưới ánh trăng hay bên dòng suối. Có những đêm mưa lạnh nằm chúi vào nhau dưới những tàn cây hay cả những lần chạy thục mạng vì bị các tay súng săn rượt đuổi.
 
Hai con trâu đó có thể đã chứng kiến bao nhiêu cảnh mất dần của một đàn. Thỉnh thoảng, có những người lính gặp chúng đuổi theo bắn, chúng thường giơ sừng ra đỡ khiến sừng con nào cũng chỉ còn trơ một nửa và lỗ chỗ những vết đạn. Hai con trâu còn lại, chắc đã không có nhiều ngày thong dong trên đồng cỏ, không còn những ngày yên ổn nằm bên dòng suối mà chắc đã có nhiều ngày lang thang trốn lủi trong các rừng cây.
 
Bây giờ một con đã bị bắn chết, còn một con lủi thủi cô độc, trong một vùng hoang đảo mênh mông. Anh không muốn tưởng tượng ra thêm nữa về tình cảnh của một con trâu rừng cuối cùng trên đảo. Nhưng như thế cũng đủ làm cho lòng dạ anh bồn chồn, lo lắng về số phận của nó. Anh đã nghĩ đó là một hình ảnh, một huyền thoại cuối cùng của hòn đảo, của một thiên đường đã mất mà anh đang sống, mà anh đang đi tìm từ ngày đến đảo. Nhưng sao anh thấy cái huyền thoại đó quá mong manh và không hiểu nó sẽ kết thúc vào lúc nào, và như thế nào. Tuy anh đã cẩn thận dặn dò các người lính và dân trên đảo là không nên săn đuổi con trâu nữa...
Còn tiếp
Nguyễn Công Khanh

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com