Một đồn Pháp có chừng một trăm lính da đen, bị tấn công mãnh liệt.
Từ 12 giờ đêm, một tiếng súng mọt chê báo hiệu bắt đầu từ ngoài bắn vô, làm sụp một góc mái ngói. Súng trong đồn bắn trả, rồi kế tiếp tiếng súng lớn, súng nhỏ, F. M. mi tray dét, đua nhau nhả đạn, khạc lửa, gây cảnh hãi hùng ghê rợn đột ngột giữa đêm khuya. Suốt mấy tiếng đồng hồ, súng nổ chan chát và ầm ầm, kinh thiên động địa.
Chiến sĩ hai bên cùng hăng máu, vừa xáp chiến, vừa la inh ỏi, dưới hai ánh đèn pha sáng rực như hai con mắt tử thần đang chứng kiến cuộc tàn sát vô cùng ác liệt.
Xác chết cả hai bên đối thủ nằm la liệt trên cỏ, trong những vũng máu đỏ bầm. Nhiều thương binh nằm quằn quại hoặc ráng bò vô bóng tối.
Có lúc tiếng súng hơi thưa thớt, tưởng đâu sắp êm luôn, nhưng bỗng dưng lại nổ vang rền lên như một tràng pháo giao thừa, tiếp theo những hồi còi, những tiếng súng sáu, rồi một loạt liên thanh tạch… tạch... ria cái chết hãi hùng trong đêm thẳm. Lửa bốc cháy lên sáng rực, một vùng khói tỏa mịt mù, dày đặc như mây đen. Tiếng đạn bay veo véo, lẫn lộn với tiếng hò hét, kêu la, và tiếng rên rỉ.
Mấy bóng người ôm súng vừa lủi tới bị một loạt mi tray dét ria trúng vào ngực vào đầu họ. Tất cả đều ngã xuống, giãy giụa với tia máu trào ra ọc ọc. Những bóng người khác lù lù bò qua một hàng rào dây thép gai mới sụp đổ xiên xẹo, mấy viên đạn F. M. ngắt bay luôn ba bốn linh hồn. Một tiếng mọoc chê, hai tiếng mọoc chê, ầm! ầm! làm tung lên một ụ đất. Ba người lớp ngớp từ trong bò ra, nằm sát xuống, nhắm bắn đối phương, bị hai trái lựu đạn rớt ngay trên lưng, xé nát tan mấy mảnh. Quân ngoài nhảy vô, quân trong từ các bóng tường bắn xối, xáp trận ngay trên hầm hố quanh đồn. Bao nhiêu người ngã chết, bao nhiêu kẻ gục xuống đất, ôm vết thương đẫm máu rên la.
Bỗng từ xa có tiếng xe thiết giáp và một đoàn quân tiếp viện....,
Súng nổ thưa thớt dần.
Đoàn quân tiếp viện đến đông nghẹt, thấy còn lại cái xác đồn bị sụp đổ nhiều nơi, và nhiều xác chết... Lính trong đồn còn bảy chục người với mười tù binh địch, trong số hình như có một đại đội trưởng.
Gà gáy ở mấy túp nhà lân cận. Tiếng gà gáy như trổi lên một giọng kèn thu quân ai oán não nùng.
Tiếng súng im hẳn.
Hừng đông đã nhuộm màu hồng êm dịu mấy chòm mây trên đỉnh núi xa xa...
°
Bác sĩ Long đang ngồi làm việc nơi phòng giấy. Có tiếng gõ cửa. Ông bảo:
- Vào đi!
Cô nữ phụ tá Nguyễn Thị Mai luôn luôn có điệu bộ ẻo lả, với nụ cười cố làm tăng duyên dáng cho đôi môi tươi thắm của cô, ỏng ẻo bước vào. Bác sĩ nghiêm trang bảo:
- Có chuyên chi, cô Mai?
- Thưa Bác sĩ, nhà binh Pháp vừa chở qua một người bị thương nặng có lẽ là tù binh, có một viên đội Pháp đi kèm theo. Viên đội muốn gặp Bác sĩ riêng trong phòng giấy,
- Cô cho họ vô.
- Dạ
Viên đội bước vào, đứng nghiêm chào Bác sĩ xong khép kín cửa, Bác sĩ hỏi:
- Có chuyện chi, ông đội?
Viên đội lấy trong túi ra một bức công-văn của nhà binh Pháp, ngoài phong bì đóng dấu đỏ:
‘‘secret’’ (mật thơ).
Bác sĩ Long mở ra xem. Xong, ông hỏi viên đội:
- Người tù binh đâu?
- Thưa Bác sĩ, hắn ở ngoài xe.
- Được, tôi ra bây giờ.
Mở ngăn kéo, ông bỏ mật thư vào, khóa lại cẩn thận, rồi đứng dậy đi ra ngoài với viên đội Pháp. Ông đến gần xe ngó người tù binh. Y nằm trên một chiếc bao bố trải trên sàn xe che kín bịt bùng, trên bụng đắp chiếc mền rách. Bác sĩ kêu cô nữ phụ tá:
- Cô gọi thầy Lễ đến gấp.
- Dạ.
Một lúc người y tá đến. Ông bảo:
- Thầy đưa bịnh nhơn nầy đến căn phòng trống ở cuối Pavilion C. Sẽ có người lính Pháp ở canh gác họ. Thầy di chuyển ba người bịnh ở ba phòng kế cận sang Pavilion B. Ba phòng đó để trống, cấm không người qua lại. Vả lại chút nữa nhà binh sẽ cho lính đến rào dây kẽm gai và canh phòng cẩn mật chung quanh. Thầy dặn tất cả nhơn viên nhà thương, bất cứ nam hay nữ, không ai được đến gần đó. Thầy không được tiết lộ cho ai biết một điều gì về người tù binh, dù với nhân viên nam hay nữ trong bịnh viện. Ai tò mò đến gần hàng rào gai sẽ bị lính bắn chết chịu. Chỉ có một mình thầy được ra vô thăm người bịnh khi nào có lịnh của tôi, và mỗi khi thầy vô, thầy chịu phiền để người lính lục soát thầy, và họ sẽ đi kèm thầy vô phòng bịnh nhơn. Thầy không được hỏi han hay nói gì với bịnh nhơn ngoài việc chữa bịnh. Đó là lịnh của Nhà binh Pháp, thầy nhớ nhé!
- Dạ.
- Bây giờ thầy đi với người đội và người lính dẫn bịnh nhơn xuống phòng C, và sắp đặt như tôi vừa bảo, nội trong một tiếng đồng hồ cho xong. 11 giờ tôi sẽ đến khám bịnh cho bịnh nhơn.
- Dạ.
Nói xong Bác sĩ Long trở vào phòng giấy.
Đóng kín cửa, Bác sĩ mở ngăn kéo lấy mật thư của nhà binh Pháp, xem lại. Tên người tù binh là Lê Quang Đồng.
Bác sĩ Long thắc mắc tự hỏi: ‘‘Có phải Lê Quang Đồng, là vị hôn phu của cô Thanh không?’’
Bỗng chuông điện thoại reo, ông cầm nghe Thiếu Tá Louis, một Sĩ quan cao cấp ở Đệ Nhị văn phòng Pháp, mà Bác sĩ quen biết từ lâu, bạn học cũ của Bác sĩ, hẹn sẽ đến thăm Bác sĩ trong 5phút. Bác sĩ đáp: ‘‘Vâng, tôi đợi Thiếu Tá’’ Một lúc Thiếu Tá Louis đến. Sau vài câu mào đầu, Thiếu Tá nói:
- Thằng tù binh nầy là Đại đội trưởng Bộ đội Trịnh Minh Thế, nghĩa là một viên chỉ huy. Nó là một chiến sĩ Quốc gia, và theo những lời lẽ của nó tôi cũng tin rằng nó không phải là Cộng sản. Nhưng dù sao, nó cũng đã chỉ huy một trận đánh chết trên mấy chục người lính Liên hiệp Pháp. Vì lẽ đó, tôi thiết tưởng Bác sĩ không cần phải mổ tay và chân nó để lấy mấy viên đạn ra làm chi. Bác sĩ tiêm thuốc cho nó chết, cũng không sao. Nếu không, thì Bác sĩ cưa luôn cánh tay và ống cẳng bị thương của nó, bởi lẽ nó là kẻ thù của chúng ta, kẻ thù của nước Pháp và của Chánh Phủ Bảo Đại. Đáng lẽ tôi cho lịnh bắn nó. Nhưng theo luật Quốc tế, tôi coi nó như một tù binh. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng tiêm thuốc cho nó chết, cũng không khác nào nó chết nơi chiến trường. Anh nghĩ sao? Vả lại anh sẽ thấy nó còn có một viên đạn ở hên hông nữa. Nó đáng chết cho rồi.
Bác sĩ làm thinh, chưa trả lời. Thiếu Tá Louis nói tiếp:
- Mà này, ông bạn thân mến à, anh có biết cảm tình của nó đối với anh như thế nào không? Lúc sáng nầy, tôi bảo nó: ‘‘Tao sẽ đưa mầy qua Bác sĩ Việt Nam, chớ ở bịnh viện Quân Y thiếu dụng cụ mổ xẻ’’. Anh bạn biết nó trả lời sao không? À! nó nói tiếng Pháp nhé, nó nói khá lắm nhé nó bảo: ‘‘Tôi không cần tụi đốc tờ của các anh, chúng nó là tay sai của thực dân.’’ Anh bạn nghe không? Thật là quân ngu xuẩn! Vì lẽ đó, tôi thấy không cần phải săn sóc nó như một người lương thiện. Bây giờ nó là một tù binh ở trong tay Quân đội Pháp. Nó sống hay chết không quan hệ gì. Chúng ta có thể tự do hành động. Vì anh là Bác sĩ anh có thể tiêm cho nó vài mũi thuốc độc cho nó chết lần chết mòn cũng không sao! Tôi bàn bí mật với anh như thế vì tôi biết anh là một người tốt một người bạn thân của tôi.
Bác sĩ Long mỉm cười đáp:
- Ngày mai, tôi sẽ trả lời anh.
Thiếu Tá Louis ra về, vừa đúng 11 giờ. Bác sĩ tiễn Thiếu Tá ra khỏi cửa, trở vô phòng bỏ mật thư vào ngăn kéo khóa kỹ lại, xong mở tủ thuốc lấy ra một ống thuốc chích bỏ vào túi. Ông đi thẳng xuống phòng C. Ông đi với thầy Lễ đến phòng cuối cùng có một người lính Tây gác ngồi trên cái ghế. Người lính đứng dậy chào ông. Ông bước vô phòng. Người lính mang súng mi tray dét đi theo sau.
Tù binh Lê Quang Đồng nằm trên cái giường sắt sơn xanh của bịnh viện. Bác sĩ Long được dịp ngó chàng tường tận. Một thanh niên độ 23, 24 tuổi, nét mặt thông minh tuấn tú, nhưng gầy ốm xanh xao. Y mặc bộ bà ba đen, rách và dính máu nhiều nơi. Y ngó trân trân Bác sĩ Long, với cặp mắt đỏ ngầu, đầy căm hờn. Y không chào Bác sĩ. Bác sĩ Long dịu dàng hỏi:
- Anh đau lắm không?
Y không trả lời. Bác sĩ biểu thầy Lễ cởi áo bà ba đen của y để ông coi các vết thương trầm trọng ra sao. Thầy Lễ cởi áo hơi mạnh, tù nhơn la lên:
- Làm gì dữ vậy? Ai biểu cởi áo? Đồ chó! Đồ mọi!
Thầy Lễ lặng yên làm phận sự. Nhưng tù nhơn cứ hét lên:
- Đồ khốn nạn! Để yên cho tao nằm không? Tao chết kệ tao!
Bác sĩ Long đứng làm thinh. Áo cởi xong, Bác sĩ thấy một vết thương lớn trên cánh tay phải và một vết thương nguy hiểm ở nơi hông mà Quân y Pháp đã tạm băng cho cầm máu. Ngoài ra còn hai vết thương lớn trên ống chơn đang còn rỉ máu. Bác sĩ cúi xuống mở băng ra coi. Nhưng tù binh đẩy mạnh lên, đánh vào mặt bác sĩ một tát tay. Bác sĩ điềm nhiên né một bên. Tù nhơn còn hét lên:
- Tao không cần mầy! Đồ tay sai của thực dân! Đồ nô lệ! Việt gian!
Người lính Pháp nét mặt hầm hầm chĩa súng vào tù nhơn:
- Coi chừng nghe, con ngựa vằn kia! Nếu mầy quẩy cựa, tao sẽ cho thêm vài viên đạn vào da mầy bây giờ!
Bác sĩ Long nói nhỏ với thầy Lễ một câu gì, thầy Lễ ‘‘Dạ’’ rồi đi ra. Một lúc thầy trở lại, đem một hộp ống chích. Bác sĩ lấy trong túi ra ống thuốc đã đem theo sẵn.
Tù nhơn la hét như người điên, nói nhiều câu mê hoảng của kẻ mất trí. Người lính và thầy Lê phải đè giữ y thật mạnh để cho Bác sĩ tiêm mũi thuốc.
Xong Bác sĩ khẽ dặn thầy Lễ mấy lời, rồi ra đi. Thay Lễ theo sau. Người lính mang súng đi sau cùng ra ngoài, bác sĩ bảo người lính:
- Trong mười phút, y sẽ ngủ mê. Anh cứ để cho y ngủ yên giấc.
°
Cả đêm Bác sĩ Long thao thức dưới ngọn đèn xanh lờ mờ để trên bàn ngủ. Bác sĩ chỉ nghĩ đến Lê Quang Đồng, đúng là vị hôn phu của Thanh cô gái diễm kiều phúc hậu mà Bác sĩ đang yêu say mê từ ba năm nay. Lê Quang Đồng! Vâng người tình nhơn của Thanh, hiện giờ Bác sĩ đã thấy rõ mặt! Y đang nằm trong bịnh viện, bị những vết thương trầm trọng máu chảy rất nhiều. Thanh không hay biết chuyện này. Bác sĩ nhớ lại bao nhiêu thân mật giữa Bác sĩ và Thanh, thân mật mà đứng đắn, vì những cử chỉ rất dịu dàng nhưng trang nghiêm của cô bạn gái tuyệt đẹp và nghèo khó của ông.
Nếu không có Đồng, Thanh chắc chắn đã không yêu ai khác hơn là Bác sĩ rồi. Thanh đã nhiều lần tỏ cảm tình nồng nàn chân thật của Thanh đối với ông, nhưng cảm tình tha thiết ấy vẫn chỉ là tình bạn rất trong sạch, rất thanh cao... Còn tình yêu, Thanh đã thú thật rằng Thanh để dành cho người đã cùng Thanh kết nghĩa, trừ khi nào người ấy không còn sống trên thế gian nữa. Bác sĩ đau khổ âm thầm nhưng quá yêu Thanh, Bác sĩ đã nhứt định chờ đợi Thanh mãi đến khi nào Thanh quyết định kết hôn với Bác sĩ. Đã có lần Thanh hứa với Bác sĩ rằng Thanh sẽ kết bạn trăm năm với Bác sĩ khi nào Thanh biết chắc người kia đã chết rồi, hay không bao giờ trở về được nữa.. Nay, người kia đã trở về... trên một giường bịnh, với mấy vết thương nặng, có thể chết được, mà Thanh không hay biết gì! Bác sĩ làm cho Đồng chết được không khó. Bác sĩ có thể tiêm cho một vài mũi thuốc y theo lời bạn thân của Bác sĩ là Thiếu Tá Louis đã bí mật dặn dò ông. Đồng chết, thì người ta sẽ đêm chôn y trong một nghĩa địa hoang vu, dưới một nấm mồ không tên không tuổi, như ngàn vạn nấm mồ vô chủ của ngàn vạn chiến sĩ vô danh, chết trên chiến địa! Đồng chết, thì một ngày không xa, ông sẽ được cưới Thanh, sẽ thực hiện được giấc mơ xinh đẹp mà ông đã ôm ấp từ 3 năm nay.
Đồng là trở lực duy nhứt của tình yên trung thành của Bác sĩ trong ba năm đăng đẳng. Trở lực vô hình ấy đã làm cho Bác sĩ Long đau khổ và nhẫn nại. Ngày nay sinh mạng của Đồng đang ở trong tay Bác sĩ. Chỉ một mũi thuốc của ông, là Đồng sẽ trút linh hồn trong bịnh viện. Bác sĩ có nên chụp ngay cơ hội này để thỏa mãn được mối tình trắc ẩn của ông chăng? Bác sĩ lại nhớ cử chỉ rất tàn bạo của Đồng đối với ông buổi trưa trong bịnh viện, và những lời chửi mắng rất vô lễ, rất hổn xược của người chiến sĩ cuồng nhiệt ấy. Bác sĩ lại nhớ những lời căn dặn của Thiếu Tá Louis... Phải, Đồng là một kẻ vô giáo dục, là một kẻ thù, thì ông có để cho Đồng chết ông cũng không có tội lỗi gì!
Nhưng... không! Không thể được! Ông không thể giết Đồng được! Lương tâm của ông không thể để cho ông phạm tội ác ấy được! Danh dự Bác sĩ của ông không cho phép ông đồng lõa trong một việc dã man vô nhân đạo như thế được!
Bác sĩ Long ngồi vùng dậy, vặn đèn sáng lên. Ông cầm bức ảnh của Thanh. Đây là bức ảnh mà ông đã chụp cho Thanh hôm lễ sanh nhựt của Bé Bình Minh. Thanh có tặng riêng ông một tấm, ông lồng kiếng rất đẹp để trên bàn ngủ. Mỗi khi nằm lên giường, ông say mê nhìn bức ảnh diễm lệ tuyệt vời của người ông yêu. Đêm nay ông nhìn ảnh, bỗng nhiên hai ngấn lệ trào ra trên mắt ông. Ông gục đầu xuống giường. Nhưng ông vùng dậy ngay, ông cương quyết hy sinh tình yêu của ông để Thanh được giữ vẹn lời thề với người xa vắng... Ông ráng chịu đau khổ riêng một mình ông, để đôi bạn trẻ được sum họp vui vầy. Bác sĩ Long đứng dậy, lại bàn giấy, bật đèn xanh trên bàn. Ông lấy giấy viết thư:
7 - 3 - 1953.
Thiếu Tá thân mến.
‘‘Tôi rất cảm động vì lòng tín nhiệm mà anh đã đặt nơi tôi. Tôi rất hiểu những lý do vì sao anh đã bàn cặn kẽ với tôi sáng hôm qua về trường hợp của người tù binh Lê Quang Đồng. Tôi cũng mong anh hiểu lòng tôi không thể làm được một việc mà lương tâm tôi không cho phép tôi làm. Tôi đã khám nó chiều qua sau khi chích cho nó một mũi thuốc khỏe, để nó ngủ được một giấc yên tĩnh khá lâu. Tôi nhận thấy hai điều:
1) Những vết thương của nó, nhứt là vết thương nơi hông và nơi chưn có thể gọi là vết tử thương đã làm cho nó điên. Vì vậy nó có thái độ hung dữ như một con mãnh thú khi bị trúng đạn. Nhưng 5 giờ chiều hôm qua sau khi nó ngủ yên một giấc dài, thức dậy nó bình tĩnh và hiền lành lắm.
2) Nó là một thanh niên có tinh thần Quốc gia. Chiều hôm qua tôi có hỏi nó, nó nói thật với tôi không phải nó thù ghét Pháp. Nó chỉ muốn nước Việt Nam được độc lập mà thôi. Nó cầm súng là để giành lại độc lập cho Tổ Quốc mà thôi… Hạng người thanh niên ấy, đáng cho chúng ta chú ý và săn sóc khuyên răn. Nó sẽ trở thành một công dân tốt của Việt Nam và một người bạn tốt của Pháp nếu Việt Nam được độc lập và Pháp - Nam thành đôi bạn. Tôi mong anh hiểu tôi. Anh cứ giao người thanh niên tù binh ấy cho tôi. Tôi sẽ chữa cho nó lành bịnh. Tôi sẽ hàn lại những vết thương trên da và trong tinh thần của nó. Vì tôi thấy tinh thần của nó cũng đang bị rỉ máu rất trầm trọng như thân thể của nó vậy. Tôi sẽ cứu nó trở nên một người thanh niên lành mạnh, bạn tốt của anh và của tôi. Chiều nay mời Louis đến dùng cơm với tôi. Mong anh đừng từ chối.
Thân mến chào anh,
Bác sĩ Long.
°
Bác sĩ Long chăm nom cho Đồng với một lòng tận tụy chu đáo thật đáng khen, đáng phục. Bịnh tình của Đồng rất nặng. Đồng đã yếu sẵn lúc còn ở trong Bưng, nước da xanh xao, thân hình gầy ốm nay lại bị ba vết thương trầm trọng, phải một Bác sĩ có nhiệt tâm cứu chữa như Bác sĩ Long nếu không thì người bịnh khó mà sống được. Luôn luôn Đồng bị sốt, nhiều khi nóng lên 40 độ. Giữa lúc đêm khuya Bác sĩ Long được báo tin cũng chạy đến để chích thuốc và coi chừng mạch.
Một đêm mưa gió ào ạt. Một cơn bão lớn ở đâu rớt về Hậu Giang. Từ 5 giờ chiều, gió đã thổi thật mạnh trên thành phố khiến cho mọi người đều phải đóng hết cửa. Bác sĩ Long lái xe từ nhà thương về nhà phải lái thật chậm vì gió vun vút chung quanh xe, và mưa trút xuống như hàng rào nước đổ ngập hết phố phường.
12 giờ khuya, ông đang trùm mền ngủ ngon. Bỗng có điện thoại reo lên liên tiếp từng hồi. Ông tỉnh dậy cầm ống nghe. Thấy y tá gác bịnh viện đêm ấy báo tin cho Bác sĩ biết rằng tên tù binh ở phòng C đang hấp hối trên giường bịnh, vì y đang nóng 40 độ mà ráng bò dậy đi tiểu, bị té luôn ngoài hè. Khiêng y vô giường, y giãy giụa một lúc, ú ớ mấy tiếng rồi nằm lịm. Tay chưn đều lạnh, hơi thở gần tắt. Mạch rất yếu, và không đều. Bác sĩ Long vội vàng ngồi dậy, thay áo quần rất lẹ chạy ra xe. Trời lạnh quá, Bác sĩ kéo nút ga mãi không rồ máy. Bác sĩ kiếm cây quay cũng không thấy. Bác sĩ liền khoác áo mưa chạy bộ đến nhà thương, dưới trận mưa dầm gió tạt ướt hết cả mình mẩy. Bác sĩ chạy thật mau, vào đến nhà thương thì thấy cây gãy nằm ngổn ngang trên các lối đi. Mưa vẫn dội xuống, nước ngập cả các đường mương và các bồn hoa trong sân bịnh viện, Bác sĩ đến phòng C gặp người lính Tây nhún vai nói: ‘‘Nó sắp trả linh hồn cho quỷ sứ rồi, Bác sĩ à! Cứu nó cũng vô ích!’’ Bác sĩ cương quyết đáp: ‘‘Không! phải cứu nó!’’ Bác sĩ tiêm một mũi thuốc hồi tỉnh cho Đồng, rồi soạn các thứ thuốc khác để tiêm thêm và cho uống. Bác sĩ ngồi canh chừng bịnh nhơn suốt đêm. Đến sáng Đồng đã khỏe lại.
Sau mấy tháng điều trị, bịnh của Đồng đã thuyên giảm nhiều. Bác sĩ đã mổ lấy ra hai viên đạn ở ống chưn, hai vết lở ấy đang được xức thuốc và băng bó. Bác sĩ sắp sửa mổ nơi hông để gắp viên đạn ở đó ra. Đau quá, thỉnh thoảng nỗi lên từng cơn điên kinh khủng, Đồng kêu la chửi mắng người lính Pháp, thầy Lễ và cả Bác sĩ, không chừa ai. Nhưng Bác sĩ Long điềm nhiên làm phận sự, nhẫn nại và tận tâm đến cực điểm, nhiều lần hy sinh cả những buổi cơm trưa hay cơm chiều.
Đồng được Bác sĩ chích cho các thứ thuốc mới hiệu nghiệm nhứt, và các thuốc bổ huyết bổ tim, được ăn uống các món bổ dưỡng, được đầy đủ các vật cần dùng, nhưng Đồng không ngờ tất cả những món đắt tiền ấy là của Bác sĩ lấy tiền riêng mua sắm cho chàng!
Trong thời gian hai tháng Bác sĩ chữa bịnh cho Đồng, ông vẫn theo thường lệ mỗi tuần lễ một lần về làng thăm cô Thanh, có khi Thanh hoặc bé Bình Minh đau nặng, ông đến hai ba ngày đêm liên tiếp để săn sóc thuốc men rất là tận tụy, không hề mỏi mệt. Từ ngày Bác sĩ Long khám phá được di hài của ông Bảy, và Thanh chánh thức phục tang cho Ba cô, cô buồn rầu đau đớn không xiết, Bác sĩ Long đã đem đến cho cô những an ủi dịu dàng, khiến cho cô vô cùng cảm động. Lần nào Bác sĩ về thăm Thanh, ông cũng có đem theo thuốc chích và thuốc uống bổ tim, bổ huyết vì ông thấy cô bị bịnh thiếu máu. Nhưng không lần nào ông cho Thanh biết vụ Đồng đang nằm dưỡng bịnh tại Nhà thương tỉnh. Ông muốn giấu kín việc đó, vì những lý do riêng mà chỉ mình ông hiểu thôi.
Một buổi chiều gần tối, Đồng lại sốt lên 39 độ rưỡi, ông xem mạch, chích thuốc, căn dặn thầy Lễ phải coi chừng, xong ông về ăn cơm. Về đến nhà vừa 8 giờ, thì thằng Cùi hớt hơ hớt hãi ở đâu chạy vô. Ông ngạc nhiên:
- Cùi! Em đến có chuyện chi gấp vậy? Sao coi bộ em sợ hãi dữ vậy?
- Thưa Bác sĩ, cô Hai bị bịnh tả chắc chết quá!
Nói xong, nó khóc. Bác sĩ không kịp ăn cơm, lật đật bỏ một mớ thuốc vào va-li lên xe với thằng Cùi. Xe chạy vùn vụt, mười lăm phút sau về đến làng. Năm sáu người trong xóm, đàn ông, đàn bà đang xúm xít lăng xăng chung quanh cô Thanh với vẻ mặt đầy lo sợ. Cô nằm trên giường, không quẩy cựa, tay chưn lạnh ngắt, mắt nhắm, mặt nhợt nhạt. Thấy Bác sĩ vô, mọi người lễ phép chào, đứng né một bên. Thanh không hay biết chi cả. Mấy Bà hàng xóm, người thì đang xoa dầu nhị thiên đường vào chưn vào bụng cô, người thì giã gừng bóp cho cô. Họ để dưới giường một mẻ lửa than đỏ. Họ cho Bác sĩ biết là từ hồi 7 giờ đến giờ cô Thanh đã đi cầu bốn lần và mửa hai lần. Lần sau cùng, cô đi cầu sau bếp, bị té xuống ngạch cửa, thằng Cùi la lên kêu cứu hàng xóm, nhờ có hai người đàn bà chạy đến kịp ôm cô lên giường. Cô lạnh ngắt, hai mắt trợn ngược lên, răng nghiến lại, miệng không hả được. Họ tưởng thế nào cô cũng chết rồi... Từ nãy giờ họ thay phiên nhau xoa dầu và bóp gừng cho cô. Họ đổ cả nước gừng vào miệng cô nữa, trong khi thằng Cùi chạy lên tỉnh mời Bác sĩ đến. Bác sĩ vội vàng rót ra chén nửa ve thuốc Elixir anticholérique, cạy miệng trút vô cho cô uống. Ông chích thêm một mũi thuốc hồi tỉnh. Ông kêu mượn thêm mền để đắp cho cô và lấy đôi vớ mang vào chưn cô.
Nửa giờ sau, Thanh hơi ấm người trở lại, và đã quẩy cựa được. Thấy Bác sĩ đã đến và cô Thanh đã tỉnh, các người hàng xóm yên tâm hết sợ. Ai nấy đều lộ vẻ vui mừng. Họ lần lượt chào Bác sĩ ra về. Bác sĩ cám ơn tất cả mọi người đã săn sóc cô Thanh với những phương pháp cấp tốc, nhờ đó cô khỏi chết. Bác sĩ không quên đưa biếu cho mấy người ba chai thuốc trị tả để dự trữ trong nhà, dặn khi nào trong xóm có ai mắc chứng bịnh nguy hiểm này, phải cho họ uống lập tức một hai muỗng cà phê thì cầm được ngay, trong khi đi báo cho Bác sĩ biết.
Bác sĩ Long kéo ghế ngồi cạnh giường Thanh, xem mạch cho cô. Mạch đã chạy đều. Thanh mở mắt trông thấy Bác sĩ Long, ráng hỏi với giọng còn yếu ớt, mệt nhọc:
- Bác sĩ đến hồi nào vậy?
Ông mỉm cười nói bông lơn:
- Tôi đến lúc Thanh đang du lịch bên kia thế giới!
Thanh cũng nhoẻn miệng cười, gắng gượng:
- Em tưởng em chết rồi chớ !
- Thanh thấy ấm đều trong mình chưa?
- Dạ, ấm rồi.
- Cần để lửa dưới giường nữa không?
- Dạ, nóng lưng quá.
Bác sĩ kêu thằng Cùi đem lửa ra.
- Sáng mai Thanh ăn cháo trắng với muối, đừng ăn cơm vội nhé.
- Dạ.
Bác sĩ chỉ rõ cho Thanh cách dùng mấy thứ thuốc mà Bác sĩ đã lấy để ra trên bàn con cạnh đầu giường. Thanh dịu dàng nói.
- Cảm ơn Bác sĩ đã cứu em sống lại.
Lần đầu tiên tối nay, Bác sĩ nghe Thanh xưng ‘‘em’’ với Bác sĩ. Nhưng Bác sĩ điềm nhiên:
- Phật trời lúc nào cũng phù hộ cho Thanh. Tôi chỉ gíup đỡ Thanh một phần nào thôi.
Thấy Thanh ngó Bác sĩ với đôi mắt biết ơn, đầy vẻ âu yếm, Bác sĩ băn khoăn, cố làm như không để ý. Ông vội vàng đứng dậy, nhìn bé Bình Minh nằm ngủ ngon lành trên chiếc giường con bên cạnh, không hay biết chi hết. Bác sĩ nói đùa:
- Kìa xem, bé đang mê mải nghe chuyện mấy nàng Tiên trong giấc mơ kìa!
Bác sĩ sửa soạn cất ống chích trong va li, dặn dò Thanh các điều cần thiết để giữ gìn sức khỏe, và bảo:
- Sáng mai sớm, tôi sẽ đến thăm Thanh, và chích thuốc thêm.
Thanh dịu dàng hỏi:
- Bác sĩ về sao?
- Vâng. Tôi có một người bịnh nóng 39 độ rưỡi, đang nằm vùi trên giường bịnh ở nhà thương. Tôi phải về gấp. Chào Thanh nhé. Chúc Thanh ngủ ngon.
- Dạ, Em cám ơn Bác sĩ nhiều lắm.
Ra cửa, Bác sĩ quay lại thấy Thanh đang âu yếm nhìn theo ông. Bác sĩ về tỉnh, lái xe thẳng đến bịnh viện trước khi về nhà. Ông đỗ xe ngay trước phòng C, vào coi bịnh tình của tù binh Lê Quang Đồng. Thầy Lễ báo cáo:
- Nhờ Bác sĩ tiêm cho mũi thuốc lúc 7 giờ, bịnh nhơn đã khỏe. Cơn sốt đã hạ xuống nhiều.
- Thầy đã cho anh ấy ăn gì chưa?
- Thưa Bác sĩ, tôi chưa dám cho ăn.
- Thầy bảo nấu cho anh một tô cháo đánh vô hai hột gà, bỏ chút ít hành.
- Dạ.
Bác sĩ coi mạch lại cho bịnh nhơn, nghe phổi, sờ trán, tay, chưn, và hỏi:
- Anh đã thấy khỏe chưa?
- Dạ thưa Bác sĩ, tôi đã khỏe nhiều.
- Chốc nữa anh ăn một tô cháo nóng, rồi đắp mền ngủ yên.
- Cảm ơn Bác sĩ.
Một đêm sau, vào khoảng 9 giờ, Bác sĩ đến nhà cô Thanh. Từ ngoài sân đi vô, ông nghe trong nhà im lìm. Bác sĩ đoán là Thanh ngủ, nên ông bước thật nhẹ. Chiếc chiếu bỏ trống ngoài hè tỏ rằng thằng Cùi đi chơi khuya chưa về. Bác sĩ khẽ đẩy cửa bước vô nhà. Dưới ngọn đèn dầu vặn nhỏ màu xanh leo lét, Thanh nằm, ngủ mê say. Bình Minh cũng ngủ say trên chiếc giường con bên cạnh. Bác sĩ Long bước rất nhẹ đến gần Thanh. Thanh nằm ngửa trên giường, một quyển sách còn cầm trong tay, nhưng đôi mắt nhắm riết dưới cặp lông mi đen nhánh trong khuôn mặt trái xoan hồng hào xinh đẹp vô cùng! Thân hình nở nang, diễm kiều như một nàng Ngọc nữ…
Thanh mặc áo bà ba trắng, quần đen, để lộ hai bàn tay và hai ống chưn nõn nà mơn mởn. Hơi thở đều đều, ngực cô hồi hộp êm ái. Dưới ánh sáng lờ mờ trong căn phòng vắng vẻ, Thanh đang say đắm trong giấc mơ tiên. Bác sĩ Long đứng ngắm một lúc hình dung tuyệt đẹp tuyệt diệu ấy. Tâm hồn ông rạo rực, lòng ông rung động đê mê. Dưới mắt ông, thân hình tha thướt diễm lệ kia như một kho vàng thẩm mỹ, trong một động Đào nguyên mà ông chỉ khẽ đưa tay ra là ôm lấy được. Sóng lòng ông nổi dậy rào rạt, xao xuyến, ông lầm bẩm trong miệng: ‘‘Thanh diễm kiều yêu quý!...’’ Nhưng ông buồn bã cúi mặt xuống đất, không dám nhìn cô nữa. Không! Ông không thể xúc phạm đến sắc đẹp tinh khiết như một vị nữ thần mà ông chỉ được thờ trong giấc mộng mà thôi!
Không làm một tiếng động, Bác sĩ Long nhẹ nhàng mở va li lấy năm chai thuốc bổ Hépathémol Deschiens, để trên bàn, rồi cũng nhẹ nhàng ngồi ghế, lấy giấy viết mấy chữ:
‘‘Sớm mai ngủ dậy, mỗi ngày, Thanh uống hai muỗng Hépathémol trước khi ăn cháo. Chiều uống 2 muỗng trước khi ăn cơm. Chúc Thanh khỏe mạnh.
Bác sĩ Long, 21 giờ’’.
Bác sĩ lấy chai thuốc để nhẹ lên miếng giấy. Sợ Thanh bị gió vì mới ốm dậy, ông khẽ lấy chiếc mền ở trên giường, trải đắp nhè nhẹ cho Thanh kín từ trên ngực xuống đến hai bàn chưn.
Xong ông ra về, sau khi quay lại khép kín cửa, nhẹ nhàng, không một tiếng động...
(Còn tiếp)
Nguyễn Vỹ