User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thaytro

(tiếp theo và hết)

Nghĩ cũng ngộ, tôi đã bỏ cái mộng giang hồ từ khi đời xúi bẩy đi làm thầy. Vậy mà đời lại đưa tôi xuống tới Rạch Giá để được đi giang hồ vặt hoài. Ngó cái bộ tôi cũng “chịu chơi” cho nên học trò thường hay rủ rê làm những cuộc rong chơi giang hồ rất mực. Có khi về nhà cha mẹ ở tuốt dưới quê ăn đám giỗ, hay thôi nôi đầy tháng gì đó. Có khi nhảy theo ghe biển lang thang bạt mạng ngoài mấy hòn đảo nhỏ xíu loi choi giữa vịnh Thái Lan.

“Tôi ở hòn Khoai chạy về hòn Ðá Bạc
Tôi trương bườm chạy lạc tới hòn Nhum
Gặp lão tiều đốn củi lum khum
Tôi hỏi ông lão chớ não nùng tại ai?”.

Mấy câu ca dao đã một thời làm tôi bứt rứt, khi có dịp may là tôi đâu có chịu từ. Buổi trưa thứ Sáu, tan giờ dạy, xách cái túi vải lận thêm bộ quần áo với vài ổ bánh mì chạy vội ra bến cảng cùng một hai tên đệ tử, đón ghe cá quen có giang đi hòn. Trời biển trong xanh, nắng vàng hực. Ðứng ngay đầu ghe đón gió, chép miệng thấy mằn mặn, lòng người mở lớn ra hết mức tới biên cùng của vũ trụ. Sơn Rái, Hòn Tre, Củ Tron, Hòn Nghệ… Bãi cát trắng tinh không vết chân người, tối tối thầy trò chụm đống củi rừng nằm nghe sóng vỗ, ngủ thức với trăng sao, nghe đời phiền muộn tan đi đâu mất. Trời ơi hạnh phúc sao mà giản dị và rẻ tiền quá vậy! Lần khác đi chơi đảo Phú Quốc, ghé bến An Thới, đi lên đi xuống dãy phố núi lơ thơ mấy căn nhà xám, thấy trời xuống thật gần mới nhớ ông thi sĩ họ Vũ tài hoa làm sao khi kết hai câu thơ giản dị như hơi thở mà nồng nàn hơn cả chục câu tỏ tình.

“… Phố núi cao phố núi đầy sương… 
Anh khách lạ đi lên đi xuống…
May mà có em. Ðời còn dễ thương”.

Ông ta tả phố núi Pleiku mà tôi lại thấy giống y cái xóm biển này, cũng trời cũng núi cũng mây và dường như thêm một ai đó nữa, tất cả sao mà dễ thương hết sức. Còn cái miệt đất liền chưa nói tới, tôi có bỏ sót xó xỉnh nào đâu. Sóc Sơn, Sóc Xoài, Cù Là, Minh Lương, Bến Nhứt, Tà Niên, Tắc Cậu… chỗ nào không có Honda thì cỡi “giỏ vọt” như bay, tôi quên phứt ông thầy nơi tôi chỉ còn khoái cái tình người nồng hậu của người dân Rạch Giá. Mà đặc biệt những cuộc rong chơi đó không lần nào là không kết đẹp bằng một mâm rượu thịt. Làm như ở đó rượu càng nồng thì tình càng nóng hay sao không biết. Rượu thuốc đặc quánh, rượu nếp than đỏ hồng, rượu trắng pha nước dừa xiêm đổ vô thau quay vòng vòng, rượu đế Ðường Xuồng sủi bọt trong vắt uống vô muốn khè lửa… thịt mèo thịt rắn nấu chung gọi là long hổ hội để dành đãi ông thầy, tôi chơi ráo trọi. Cũng may thời đó không biết có ông thần nào độ mà lần nào tôi cũng qua trót lọt. Thú thật tôi không phải là bợm nhậu, càng không phải là dân lưu linh lưu địa, tôi chỉ khoái cái hào sảng của chủ nhà mà thành ra mềm nhũn cả môi. Nếu không tin thử thay vô cái chỗ của tôi coi. Mới nghe tin ông thầy của thằng con ghé thăm là đã hô hoán sắp nhỏ bắt gà bắt vịt làm thịt, vặt lông vặt cánh đâu chừng năm mười phút là đã có đồ nhậu bưng lên, rau răm tía tô húng thơm ngò om đâu mà cả dĩa, rồi thoắt đi ra xóm đâu có mấy lúc là rượu đế đã vác về cả can. Miệng mời, tay gắp đưa cái đùi gà béo ngậy tay rót rượu ra chung cụng cum cum, làm sao mà từ chối. Quý vị cha mẹ học sinh của tôi sao mà thiệt tình quá đỗi. Nhậu đi thầy, thầy mà không nhậu tôi buồn lắm đó. Dễ gì có dịp cho tôi được đền ơn trả nghĩa. Nói thiệt lúc đó mà có ông bộ trưởng đi qua chắc tôi cũng không thể làm khách được nữa. Thây kệ, bà con xả láng với mình thì mình cũng phải xả láng lại mới trọn đạo giang hồ chớ. Tôi vốn là người chuộng đạo nghĩa mà. Vả lại đãi thầy có nghĩa là rất lo cho chuyện học tập của con cái, vậy là đúng điệu quá rồi còn gì nữa. Sướng lắm, tình người ở đây hồn hậu, sông nước, đất đai, cây cỏ vì vậy cũng đều phưởng phất cái tình cố thổ như quen biết đã lâu ngày. Tôi mê cái nếp sống chơn chất mà lại ngang tàng bất kể, cứ bắt người ta nhớ đến những tay yên hùng của một thời phá rừng cắm cọc. Bởi vậy có lần, tôi theo vô tận Xẻo Rô, ra tới vàm sông Cái Lớn, đứng ngó cho được con sông đã chảy vào huyền sử. Ở đó một cô học trò đọc cho tôi nghe mấy câu thơ làm tặng người bạn đã bỏ đi theo phía bên kia.

“Cũng như anh rồi một ngày bỏ phố
Tôi sẽ về tìm uống giọt phù sa
Hãy dành sẵn nghe anh căn nhà nhỏ
Nhìn ra dòng sông Cái Lớn bao la…

Hãy dành sẵn cho tôi bờ Cái Lớn
Với khóm lá xanh và tiếng đàn ngùi
Ngày tôi về, xin anh đừng han hỏi
Ngoài phố mình độ ấy có gì vui”.

Học trò tôi mười tám tuổi làm thơ đã buồn như chinh phụ. Cho nên ông thầy của nó làm sao không thấy xốn xang. Ðứng ở đó, giữa trời nước mênh mông mà thấy ngùi ngùi khi nhớ đến anh em mình đang ngồi trên đống than hồng, cứ nhấp nha nhấp nhổm để chia xa rồi chết dấp chết dúi. Bên kia hay bên này thì cũng như nhau. Năm 1972, giặc đánh dữ, tôi đưa đám học trò đầu tiên đi lính theo lệnh Tổng Động Viên. Mấy đứa con trai mặt mũi non choẹt, vô lớp lần chót từ giã thầy cô bạn bè. Nhìn tụi nó lăng xăng chào qua chào lại, nước mắt tôi ứa ra lúc nào không hay. Tan giờ học tụi nó đón tôi ngoài cổng trường rủ đi nhậu. Tội nghiệp, tôi có từ chối được đâu. Mấy thầy trò ngồi uống tới giờ giới nghiêm, ly nào cũng đắng nghét. Tối về nhà trọ làm mấy câu thơ rồi cũng không biết tụi nó ở đâu mà gởi cho. 

Ngày mai em xa trường
Chiều nay uống rượu suông
Em mời ta quán nhỏ
Dô thầy, dô… lệ tuôn.

Tính ra được năm năm chẵn, tôi làm thầy dạy học. Chẳng bằng thời gian người ta nghỉ bệnh nữa. Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, năm năm ấy gom lại bao nhiêu tình, cho tôi làm của chìm của nổi. Ðã có lúc tôi tưởng mình chọn đúng con đường đi và sẽ đi cho hết đời. Nhưng mà mặc cho mình tưởng, ông trời ổng tính khác. Năm 1975, tôi bị sa thải cái rụp. Giống như cái chuyện miền Nam bị bóp cổ chết không kịp ngáp. Một sớm một chiều tôi trở thành người “mất dạy”. Có điều thuở trước mà bị ai phán như vậy là giận lắm. Còn thời mới thì cũng là thường thôi bởi vì cả nước lúc đó đâu có giáo dục nữa mà bị mất hay không. Chỉ có điều phiền nhất là tôi lại bị gọi đi “học tập” nữa. Mấy chuyện học trước đây coi như xù hết. Mấy “thầy” của tôi kỳ này chính thị từ ngoài Bắc đưa vào, đem cái vốn hai mươi năm thất học vô truyền bá, kỳ này nhứt định làm cho đồng đều cả hai miền về phương diện dốt nát. Thú thiệt tôi đã chán học gần chết. Mà bây giờ còn được lên lớp hoài thì phải kể là cực hình còn hơn bị tùng xẻo nữa. Thêm cái khổ là sau khi bị bắt vô trại rồi là cái đầu tôi trở nên tối mịt, cứ như có ai đó đổ nguyên bình mực đen lên đầu, thành ra học hoài mà vẫn không vô được chữ nào. Cái này là nói thiệt không có hoa mỹ gì hết. Ông quản giáo ổng ngồi ổng nói, vận dụng hết biện chứng rồi hiện tượng, đến nỗi kéo cả “bác Hồ” ra dọa dẫm mà tôi ngu cứ vẫn là ngu, không hiểu được ông ta nói gì hết trơn. Nói cho có Trời Phật làm chứng tôi ngu vậy là tốt, lẽ ra còn phải làm như Tôn Tẩn giả điên nữa mới phải. Chớ còn lớ quớ mà để họ gắn cho cái nhãn hiệu tiên tiến lỡ mai có chết xuống tuyền đài thì làm sao mà dòm mặt ông bà.

Vậy đó rồi tôi đền tội dạy học cũng gần năm rưỡi. Tù ra, tôi lang thang đầu trên xóm dưới như cô hồn các đảng khuân thuê vác mướn để kiếm ăn. Lần này thì không phải mơ mộng qua lại chốn giang hồ như thuở nhỏ nữa. Lần này tôi trở thành đệ tử cái bang thứ thiệt, lởn vởn ở cửa chợ chực chờ ai mướn đâu làm đó. Ở thì ở đậu, ăn thì ăn chực, nay ngủ chỗ này mai ngủ chỗ khác. Bữa thì dọn chợ, bữa bưng hồ, bữa gánh gạch. Chiều xuống chủ thầu phát cho tí ti tiền còm, ghé lại quán lá uống xị rượu thuốc cho đỡ đau mình rồi về ngủ chờ mai “vinh quang” tiếp. Nhưng rồi cũng chính từ trong cảnh khốn cùng đó tôi mới thấy được nghề thầy nó đáng giá bao nhiêu. Học trò tôi, cái đám cứ bị chê là trẻ người non dạ đã mang ơn nghĩa trả lại cho tôi cả vốn lẫn lời. Chắc không ai ngờ được ngay từ ngày tù thứ nhứt, một bầy em gái nhỏ mười lăm mười sáu tuổi đã chia nhau canh chừng cổng khám lớn, để thông báo kịp thời cho gia đình mọi động tĩnh của đám “tù-thầy” đó. Giữa lúc mà không khí khủng bố còn trùm kín lên thành phố, cái đám “điệp viên” tí hon này chạy đi chạy lại ngờ ngờ chẳng coi cách mạng vào đâu hết. Những em nhỏ đó sẽ không bao giờ biết được nỗi vui mừng của người tù lớn đến độ nào sau lần chuyển trại nửa khuya mà sáng sớm thấy được thân nhân theo ngóng kiếm mình ngoài cổng trại. Sẽ không ai lường được cái công lao âm thầm của bầy chim sẻ đưa tin đã nâng đỡ thế nào cho tinh thần suy sụp của đám tù. Có lời cám ơn nào đủ vừa cho thứ tình nghĩa hồn nhiên đó đâu. Ðến khi được thả ra, thì người đầu tiên chạy đi báo tin cho gia đình tôi cũng là một đứa học trò.

Một năm sau nữa, khi thấy tôi nghèo quá, một đứa khác đã cạy cục chạy đôn chạy đáo mượn cho tôi một ít tiền làm vốn rồi xúi tôi ra bán chợ trời. Chẳng những vậy, sau khi chen vào trải được góc chiếu bày chút đỉnh hàng lậu lạc thì cũng chính đám học trò cũ rủ nhau trở thành khách hàng quen thuộc của tôi. Ai đời thầy bán trò mua mà vui đáo để. Chưa hết đâu, lắm khi có đứa bỏ tiền ra mua hộp bia tôi bán rồi mời ngược lại tôi uống nữa. Chợ Rạch Giá đông người qua lại, đầu trên một chút đầu dưới một chút tôi gom không hết ân tình mà học trò cũ trả lại cho tôi. Ði đâu cũng gặp, đứa này điếu thuốc, đứa kia cốc xây-chừng, một lời ái ngại thăm hỏi của cô học trò cũ cũng nghèo như tôi, đã như cho lại tôi tất cả những gì mà người ta cướp mất. Giữa lúc mà tôi sống như tên vô sản chính cống tôi lại thấy mình giàu có vô cùng. Rồi cũng chính lúc mà lẽ ra tôi phải tuyệt vọng nhất thì đám học trò cũ đã nhúm lại trong tôi niềm hy vọng tuyệt vời nhất. Tôi không biết có xứ nào như xứ ấy không, xứ Rạch Giá của tôi, đất đai đãi người mà người cũng đãi người rất hậu. Năm năm dạy học mà tình thầy trò nhiều đến không kể xiết. Năm năm bầu bạn với đất đai sông nước mà tình nghĩa cao cũng cỡ núi cỡ non. Những người phụ huynh chở tôi đi những cuốc xe không lấy tiền, mời tôi ăn bữa cơm chui đụt dưới cái chái che dựa vách chùa, đưa tôi mượn vốn đi buôn không một tờ giấy lộn làm bằng và cũng không ăn lời một xu nhỏ, đã nai lưng gánh thế cho tôi những thúng đá nặng oằn, đã dang thân hứng bớt cho tôi búa liềm của đám công an tráo trở, đã đưa tay đỡ đần cho tôi những hồi túng quẫn, đã hết lòng mai mối cho tôi một chuyến vượt biên dù rằng không thành…

Thiệt tình nói sao cho hết, những tấm lòng chung thủy trời biển đó. Tôi còn có thể nói thêm không, từ hai mươi mấy năm nay, khoảng cách đã xa hơn một tầm nhớ, vậy mà học trò tôi vẫn chưa quên. Hai mươi mấy năm không gặp đã đủ để cho có đứa lấy chồng có đứa cưới vợ rồi sanh con đẻ cái, đường đường làm cha làm mẹ mấy lần rồi mà vẫn giữ nguyên si một tấm lòng son sắt như tự thuở còn ăn hàng vặt ngoài cổng trường. Nghĩ coi có sướng không? Ở giữa xứ người lạ hoắc, ông thầy trẻ đã già đến nỗi muốn nhìn không ra, vậy mà gặp lại rồi thì trò cứ tíu tít như một bầy chim sẻ – dù rằng bầy chim cũng đã hơi xơ lông xác cánh chút đỉnh. Nhưng có hề gì ba cái tuổi rong rêu. Cái tình nghĩa thầy trò nó đâu có chịu già. Nó tươi rói như cọng rau thơm mới cắt ngoài vườn vậy. Nó cũng không chịu chết nữa. Nó đã bị làm thịt mấy lần mà rồi cứ sống nhăn như con Tấm trong chuyện đời xửa đời xưa. Nó sống lại với nguyên vẹn thảo ngay, hết dạ ân cần như không có gì đã xảy ra mặc dầu mấy mụ “mẹ ghẻ” ác độc đã nhổ lông vặt cánh xát muối dồn mắm cả hũ ở phía bên kia biển lớn.

Nghĩ coi có ngộ không, thầy trò vừa mới gặp lại sau hai mươi mấy năm thất lạc chưa tỏ vân mòng, chỉ mới phong phanh nghe ông thầy cũ có làm thơ kiểu như Cao Bá Nhạ ngồi trong khám viết Tự Tình Khúc vậy mà trò đã hè nhau chung tiền góp sức đem in cho thầy làm sách kỷ niệm. Có ai điệu hơn học trò của tôi không. Bỏ tiền ra in thơ giữa thời buổi mà thơ còn nhẹ hơn tờ giấy quyến vấn thuốc rê, chỉ cốt để thầy mình thấy được đứa con tinh thần thai nghén tới mấy chục lần chín-tháng-mười-ngày rồi mà không “lâm sàng” được và cũng còn để cho ông thầy cũ có dịp tỏ chí lần chót cùng thiên hạ nữa. Ai sao tôi không biết, chớ còn tôi, khi cầm được tập sách mới in thơm phức mùi giấy mực, lúc hoàng hôn đã chập choạng sát gần, tôi có cảm giác giống như vừa chụp bắt được cái bóng hạnh phúc trơn trợt bằng tay không. Tôi sẽ nói sao đây để những người học trò cũ biết rằng hạnh phúc là một cái gì rất đỗi mong manh… nhưng có thật. Và chính các em, các em đã tạo nó nên hình.

Bởi vậy mà rồi nhiều khi giống hệt như ông cụ non keo kiệt thường hay lẩn thẩn tính toán sổ đời, tôi cứ thắc mắc hoài không biết những cái mình đã cho đi có bằng với những gì mình đã nhận lại. Nhưng rồi đành phải chịu thua mà nhận rằng không có bài toán cộng trừ nào làm được chuyện đó. Bởi làm sao mà đong lường được những vòng tay thưa, những mắt nhìn ấm, những tiếng cười giòn, những bao bọc hết lòng, những cưu mang ráo dạ… và nhất là nỗi cảm thông tuyệt diệu của lớp đời đi sau đến trễ. Duy có điều ai đó dùng cái hình tượng ông-lái-đò để than thân trách phận cho nghề thầy sao tôi thấy dường như không còn đúng nữa. Ai đâu bạc bẽo, chớ còn đất và người ở chỗ quê hương thứ hai của tôi có bội bạc ai đâu.

Cho nên nếu bây giờ có ai cắc cớ hỏi tôi sẽ làm gì nếu có phép lạ cho làm lại từ đầu, không chừng tôi sẽ trả lời rằng… xin cho tôi được làm thầy lần nữa.

Cao Vị Khanh
*Tặng em Rạch Giá
 
 
 

 

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com