User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
canhque
 
Duyên số! Phải, duyên số đã đưa tôi về làm việc ở Mỹ Tho, một tỉnh nhỏ trù phú nằm dọc theo bờ Tiền Giang. Về nhận việc với những ngày đầu, tôi được nghe bà y công và hai cô đồng nghiệp kể sơ rằng cù lao đối diện với vườn hoa Lạc Hồng thuở xưa là cù lao Rồng, có nhà thương chứa người bệnh cùi. Từ đầu thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, trại cùi này dời về Bến Sắn. Vào thời tiền chiến, mấy năm 1954, 1955, 1956, 1957, từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho có đường xe lửa. Nhưng từ khi có xe lô thì đường sắt bị dở đi, xe lửa nằm luôn trong ụ, và bị tháo ra từng toa, đưa về Sài Gòn.
 
Nhỏ Hồng kể rằng ngã ba Trung Lương có bến đò. Bền này là làng Đạo Thạnh, bên kia là làng Đạo Ngạn, hồi tiền chiến trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Nhưng lụa ở đây không dệt bông, không có thứ lụa mình khô bông ướt, hay lụa mình ướt bông khô. Chỉ là thứ lụa mình trơn nhuộm tím, nhuộm màu hồng điều, nhuộm màu hoàng yến hay lụa trắng, lụa màu ngà voi còn thơm mùi kén tằm.
 
Nhỏ Huệ kể là ngày xưa nhạc sĩ Anh Việt Thu học trường Nguyễn Đình Chiểu, có chụp ảnh ở tiệm chụp hình Cảnh Trung và rọi lớn chưng trong tủ kiếng. Nhỏ ta còn kể ca sĩ Duy Mỹ hát nhạc ngoại quốc tuyệt vời cũng học ở trường này. Về sau anh ta thành lập ban Tam Ca Sao Băng với Thanh Phong, Phương Đại.
 
Bà y công liếng láu:
 
- Mấy cô chưa biết đây là nơi sản sanh các đào kép nổi danh lừng lẫy là ông Năm Châu, bà Phùng Há. Ông Năm Châu đẹp trai, oai phong lẫm lẫm, tướng cọp, dáng beo. Còn bà Phùng Há mập mà đẹp, da trắng như bông bưởi, như dừa nạo, cất giọng lên ca bài Tứ Đại Oán là anh hùng phải mềm lòng, hảo hớn phải lỏng dạ.
 
Nhỏ Huệ chỉnh bà y công liền:
 
- Tỉnh này của bà chớ đâu phải tỉnh của tụi tui. Tỉnh tôi là tỉnh Vĩnh Long có cô đào Thanh Tùng đẹp và sang hơn bà Phùng Há nhiều.
 
Nhỏ Hồng cũng hùa theo:
 
- Tỉnh tôi là tỉnh Long An, không có danh ca, nghệ sĩ trình diễn, nhưng có khóm, có mía ngọt hơn giọng hát hồi xưa hoặc giọng hát đương thời.
 
Hoanh thì theo chiến hạm ở ngoài khơi, có khi ba bốn tháng chưa về đất liền. Cứ cách vài ba tuần tôi về thăm nhà một lần. Đường Cần Thơ Mỹ Tho không xa lắm. Tôi cần phải thăm nhà, vì tôi nhớ má, nhớ những món ăn do bà vú nấu.
 
Vào một ngày đẹp trời, tôi về thăm nhà, cùng theo ba má đến nhà bác Ninh, bạn đồng nghiệp của ba tôi. Bác mời cả gia đình tôi đến ăn mừng chị Huỳnh Anh, cô con gái út của bác vừa đậu Tú Tài một! Chị Anh con của bác Ninh, nhỏ hơn tôi hai tuổi, da trắng trẻo, mặt mày sáng sủa, cặp mắt to sáng ngời và đen láy, nụ cười tươi ơi là tươi. Chị khá đẹp, nhưng không lanh, không sống động. Chị vừa đậu phần một thôi, nhưng ba má chị bắt chị ở nhà để gả cho một ông giáo sư cao ráo, đẹp trai, ưa ăn nói trặc trẹo với em út trong nhà. Cái ông giáo sư tên Cao Thành Tâm; chẳng ai xa lạ, đó là ông anh dễ thương của tôi. Ông này ra ngoài nhà thì được thiên hạ khen là hiền lành, cắn cơm không bể.
 
Hôm đó gia đình chúng tôi đến nhà bác Ninh. Anh Tâm không về kịp vì khoảng đường Bạc Liêu - Cà Mau bị đấp mô. Mãi tới chiều anh mới về tới nhà. Vừa đặt va li ở góc phòng khách, anh khều tôi ra chỗ vắng, hạch hỏi đủ điều về chị Anh. Tôi nghĩ kế bắt chẹt anh tôi, để trị cái tội ăn nói trặc trẹo của anh đối với em út, cho bõ ghét. Tôi đặt nhiều điều kiện. Anh Tâm nhăn mặt, nói xuôi:
 
- Ừ, em muốn cái gì anh cũng chịu, hãy nói về cô Anh cho anh nghe đi. Mà em đừng có nói xạo, có ít xích ra nhiều. Anh mà biết em đía dóc là anh quết em nhuyễn nhừ như mấy bà Bắc quết giò sống.
 
Tôi xổ một hơi:
 
- Chị Anh đẹp sáu, nhưng dễ thương đến mười. Hôm đó chị ta lóng tai nghe ba má nói tốt về anh. Chị ta cứ chớp mắt lia lịa. Em chơi ác kéo chị ra ngoài hè, tố khổ anh tơi bời hoa lá. Nào là anh ưa nói móc họng xóc óc với em út trong nhà. Nào là anh kén ăn. Nào là anh ưa to nhỏ với Hoanh, bày cho Hoanh làm chuyện tào lao, cho nên Hoanh bị ảnh hưởng anh, chuyện nhà thì biếng nhác, chuyện cô bác thì siêng. Chèn ơi, em tố anh hăng quá, làm chị Anh tức cười, mặt mày đỏ ửng. Sau cùng, chị vỗ vai em bảo:
 
- “Cô Minh Thu mà làm việc ở Phòng Thông tin tỉnh nhà chắc là giỏi cái môn tố Cộng.
Nghe cô tố anh Tâm nãy giờ tôi mới biết cái tài hùng biện của cô”.
 
Anh Tâm sung sướng vỗ tay:
 
- Em thấy chưa? Huỳnh Anh là người tri kỷ của anh đó. Với cái miệng độc địa và ưa buộc tội, mai sau nếu em được làm biện lý thì người vô tội thành ra thủ phạm, đáng bị án tử hình.
 
Tuy nhiên hôm sau, anh dắt hai đứa em đi ăn phở và uống cà phê sữa đá, còn cho mỗi đứa mấy trăm dằn túi.
 
Từ dạo Hoanh theo tàu ra khơi đến giờ, tôi ít khi gặp Hoanh, trừ khi nào về phép Hoanh tìm đến thăm tôi. Hoặc là chúng tôi hẹn trước nghỉ phép cùng ngày. Những ngày đó má tôi và thím tôi thay phiên nhau nấu những món ăn đặc biệt. Mặc dù ít khi gặp nhau, chúng tôi vẫn thư từ cho nhau luôn. Hoanh không ở một bến bờ nhứt định nào, khi Cam Ranh, khi Vũng Tàu, lúc Phú Quốc. Các bờ biển miền Nam, tàu Hoanh ít đến hơn ở miền Trung. Tuần rồi tôi được thư Hoanh. Có đoạn, Hoanh viết:
 
“... Chị Thu, tàu em đang lênh đênh trên biển cả. Hôm nay biển thật yên. Mặt trời vừa lặn thì trăng đã lên. Trăng càng lên cao càng đẹp. Ánh trăng thật dịu dàng. Em không biết diễn tả thế nào để chị biết được cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời trong đêm trăng trên biển cả. Sóng gợn lăn tăn. Ánh trăng chiếu xuống mặt nước, lung linh, bát ngát. Nước và trăng, trăng và nước, không bến, không bờ. Phải có chị ở đây thì chị tha hồ làm thơ. Tàu em nhỏ, ở bên trong thấy mình cao lớn. Khi ra boong tàu nhìn chung quanh, em thấy mình nhỏ bé, nhỏ bé vô cùng trước cái vĩ đại bát ngát của trùng dương”.
 
Thư khác Hoanh viết:
 
“... Đêm nay trời không trăng. Mắt thường khó nhìn thấy xa. Tiếng sóng vỗ, rì rào. Bầu trời cao thăm thẳm lấp lánh những vì sao. Em tìm thấy một ngôi sao, và cho đó là ngôi sao của mình. Rồi bỗng dưng em muốn thành sao thật, bay vút lên cao, tỏa sáng trong đêm tối dầy đặc trên sóng nước của biển cả mênh mông. Vì sao đó như một chấm lửa xanh. Chị Thu ơi! Bây giờ em mới hiểu đó là một vì sao xanh. Có lẽ chị nghĩ rằng em dạo này mơ mộng lắm phải không? Em vẫn không quên cho chị biết là em của chị vẫn cô đơn. Các cô nói là các cô không đủ can đảm đợi chờ mấy anh chàng thủy thủ. Hay chị giới thiệu bạn chị cho em đi...”
 
Thư nào viết cho tôi Hoanh cũng luôn nhắc tới hai chữ “cô đơn”. Thật tội cho Hoanh! Rồi bẵng đi một thời gian khá lâu. Hơn sáu tháng tôi không được thư nào của Hoanh cả. Tôi cũng không viết thư hỏi tại sao, như mọi lần. Và tôi như quên mất người em “cô đơn” ấy! Tại sao? Tại vì tôi không có thì giờ. Vì tôi có người yêu!
 
Bỗng một hôm tôi nhận được thư Hoanh.
 
“... Chị Thu mến, dạo này em của chị bớt cô đơn rồi, và gần như quên bà chị của nó. Vì một lý do đơn giản, là nó đã có người yêu! Cô ấy là giáo viên sư phạm Long An, mới ra trường, đang dạy ở Thị Nghè. Lần sau về phép, em sẽ đưa chị đến gặp cô ta cho biết nhé...”
 
Tôi mỉm cười một mình khi đọc xong lá thư: “Thì ra mi cũng như ta, ai cũng có bồ bịch cả. Vậy đừng ai trách ai mới là công bình”.
 
Đến giờ ăn trưa, nếu ai bận trực thì đi ăn sớm hơn một giờ ở phòng ăn của nhân viên. Còn người nào không trực thì ăn đúng mười hai giờ trưa. Có người ra ngoài ăn cơm tiệm, người ở gần thì về ăn cơm nhà. Tôi cũng không ngoại lệ, hôm nay tới phiên trực nên tôi đi ăn sớm. Đang ngồi ở phòng ăn xem lại bài viết để ngày mai giảng cho lớp y tế nông thôn về thực tập. Bỗng bà y công lê đôi dép lẹp xẹp bước vào, hỏi:
 
- Cô Hồng, có cô Minh Thu đây không?
 
Tôi cao giọng:
 
- Tôi đây! Chuyện gì đó bà?
 
- Dạ, văn phòng cho mời cô.
 
- Việc gì vậy?
 
Bà y công lắc đầu:
 
- Tôi không rõ. Nhưng hình như có ai muốn gặp cô.
 
Hồng đang vặn nước rửa tay, cười nhìn tôi tinh quái:
 
- Có phải người hùng đẹp trai của cô Thu không?
 
Bà y công cười:
 
- Dạ không đâu. Người này lạ.
 
Hồng ỏn ẻn:
 
- Chết rồi! Phải lo lót ta, nếu không, ta sẽ méc với bồ mi.
 
Huệ ngồi ở ghế cuối phòng, xí xọn chen vào:
 
- Hồng, mi muốn sét đánh vỡ tan cái bệnh viện này sao mà đòi méc bồ nó?
 
Hồng pha trò:
 
- Thấy chưa Thu? Con Huệ nó nói bồ mày là Thiên Lôi đó.
 
Huệ đứng phắt dậy, vừa rượt, vừa la, vừa vói tay đánh Hồng:
 
- Nói bậy, nói bậy! Mầy là con ưa đâm bị thóc, thọc bị gạo. Thu hiểu tao mà. Có phải vậy không Thu?
 
Ba chúng tôi cười rộ. Tôi gấp sách lại ra khỏi phòng ăn. Bọn chúng tôi ăn ý với nhau lắm nên thường đi ăn chung và đi chơi chung. Hai đứa nó đều đã đính hôn. Hôn phu Huệ là thầy giáo quê ở Vĩnh Bình, hôn phu Hồng là sĩ quan pháo binh của Sư Đoàn 9.
 
Đi qua dãy Ngoại khoa, qua phòng thí nghiệm, khu Nha khoa, tôi thấy hai người cao lớn đứng trước phòng khách. Một người là Hoanh, còn người kia tôi chưa gặp bao giờ. Đó là một chàng sĩ quan Hải quân ăn mặc tươm tất và phong nhã giống như Hoanh vậy. Tôi hỏi Hoanh:
 
- Ngọn gió nào đưa mi đến đây vậy?
 
Hoanh nóng nảy:
 
- Trời! Chị hách thật. Tụi này phải đợi hơn nửa giờ mới gặp được chị.
 
Tôi cười an ủi:
 
- Vậy là mau đó. Hôm trước bác Năm qua đợi chị hơn hai tiếng đồng hồ, vì chị phải phụ Bác sĩ trong phòng giải phẫu.
 
Hoanh quay qua người thanh niên giới thiệu:
 
- Anh Dũng, đây là Minh Thu, chị tôi.
 
Chàng khách lạ nhoẻn nụ cười tươi, khóe mắt sáng ngời:
 
- Dạ chào cô.
 
Hoanh quay qua tôi:
 
- Chị Thu, đây là anh Dũng, cùng khóa với em. Ảnh có số hên, ra trường được về Đồng Tâm. Chắc chị biết căn cứ Đồng Tâm chớ?
 
Tôi ngọt ngào chào hỏi chàng thanh niên:
 
- Dạ chào ông. Tôi có nghe nói về Đồng Tâm, nhưng chưa đến đó bao giờ. Chắc ông Dũng ở căn cứ cố định, khỏi phải lênh đênh ngoài biển cả như Hoanh?
 
Dũng vui vẻ:
 
- Dạ đúng như vậy. Tôi có đi công tác trong đất liền, nhưng đôi khi thôi. Ở đây mà cô chưa biết Đồng Tâm sao? Vậy hôm nào trên đó có mở tiệc, mời cô đến dự cho vui nhé.
 
Tôi thối thoát nhưng mắt không rời Dũng:
 
- Cảm ơn ông, tôi rất bận rộn, giờ giấc làm việc lại bất thường nữa, không dám làm phiền.
 
Ở Mỹ Tho, dọc theo đường Trưng Trắc, từ Cầu Quay ra đến vườn hoa Lạc Hồng, sát bờ sông có nhiều quán ăn nổi tiếng, có quán kem rất thanh lịch, quán cà phê rất thi vị. Trong khoảng thời gian từ chín giờ sáng đến mười hai giờ khuya, ai đi qua khúc đường này mà không cảm nhận mùi những món ăn thơm ngon?
 
Có nhiều hôm, sau giờ tan sở, thay vì về nhà trọ thui thủi một mình, tôi đánh vòng xuống bờ sông, vào quán gọi ly cà phê phin. Bên kia bờ sông, là bến đò có các vựa trái cây rất nhộn nhịp. Những ghe buôn bán ồn ào ngược xuôi. Người mua, kẻ bán, xô đẩy, la ó, réo gọi. Những người đàn ông làm bến, khuân vác những cần xé, những thùng hàng nặng nề. Dưới sông, ghe chèo, ghe máy, đò đưa khách, qua lại tấp nập, trông rất vui mắt. Xa hơn là Xóm Chài, ẩn hiện trong tia nắng chói chang của mặt trời chiều sắp lặn, sau rặng cây xa. Những chiếc ghe lưới từ vàm sông Mỹ Tho về muộn. Những người trên xe làm việc xốc vác, nhanh nhẹn cho xong công việc trước lúc trời tối. Một vài nhà trong xóm đã lên đèn, và Xóm Chài mờ dần, mờ dần theo màn đêm buông xuống.
 
Uống xong ly cà phê, tôi ra về, đi lần lên đầu Cầu Quay, mua ít đậu phọng luộc, món quà vặt mà lúc nào tôi cũng rất thích.
 
Chiều nay thay bộ đồng phục, tôi mặc lại chiếc áo dài trắng, thêu hoa ô môi tím. Tôi định đi qua tiệm chụp hình Cảnh Trung để lấy mới phim mà tôi đi rửa ra ảnh hôm đầu tuần rồi. Tôi tự biết mình không đẹp lộng lẫy, nhưng chụp hình ra cũng dễ nhìn. Vả lại tôi ưa chụp hình lắm: tôi chụp đủ kiểu, chụp nghiêng nghiêng, chụp cận ảnh chường nguyên mặt, chụp bán diện, góc cạnh nào trên khuôn mặt tôi khi vào ảnh cũng làm nhỏ Hồng, nhỏ Huệ xuýt xoa, rồi hạ đòn độc:
 
- Ảnh của mi đẹp hơn mặt thật mi ngoài đời.
 
Tôi cười hỏi:
 
- Hơn mặt thật ngoài đời là sao? Đẹp quá làm tụi mầy tức hả?
 
Bọn chúng được dịp cười ha hả. Hồng trả lời:
 
- Đã dữ tợn mà lại còn xí ơi là xí!
 
Tôi nguýt dài đuôi mắt, giựt lại xấp ảnh trên tay chúng bỏ vào xách. Sửa lại vạt áo, rồi tôi đi về. Vừa bước ra khỏi phòng, tôi gặp Thủy, cô học trò của trường Tá Viên đến thực tập. Thủy vui vẻ chào tôi:
 
- Cô Thu, có phải hôm qua cô uống cà phê ở quán Hương Duyên ngoài bờ sông không?
 
Tôi trố mắt:
 
- Sao Thủy biết?
 
- Anh của em nói.
 
- Vậy hả?
 
- Cô có biết bạn của anh em nói sao không?
 
- Họ nói sao?
 
- Họ nói: “Ở Mỹ Tho có hiện tượng lạ. Chiều chiều có một cô gái tóc dài, hay mặc áo màu tím, ưa ngồi trầm ngâm, uống cà phê ở quán Hương Duyên. Thành phố này tụi mình ở từ nhỏ, nhưng trước đó mấy tháng, chưa có ai gặp cô ta bao giờ. Có lẽ cô ấy từ nơi khác đến, không phải người ở đây”.
 
Tôi hơi chột dạ:
 
- Họ còn nói gì nữa?
 
Thủy lắc đầu, rồi nói:
 
- Cứ chiều chiều là họ rủ nhau đi quán Hương Duyên để ngắm tà áo tím.
 
Tôi lại hỏi:
 
- Anh của Thủy cũng vậy hả?
 
Thủy có vẻ buồn:
 
- Không, anh của em đi lính xa lắm, mãi tận dưới Cà Mau lận. Bây giờ ảnh ở nhà dưỡng thương.
 
Kể từ hôm đó, tôi không uống cà phê ở quán Hương Duyên nữa, vì cảm thấy như có người đang nhìn mình thì làm sao mình được tự nhiên thoải mái?
 
Đã mấy lần rồi, Thủy rủ tôi qua vườn nhà cô ấy chơi, nhưng tôi từ chối. Sau giờ thực tập hôm nay, Thủy lại rủ nữa. Vì sợ tôi từ chối Thủy nói:
 
- Vườn nhà em không xa, chỉ qua đò là tới thôi. Qua bển, cô sẽ thích lắm, vì có rất nhiều trái cây. Gần Tết trái cây chín rộ, thấy ham lắm cô ơi. Cuối tuần này, cô đi viếng vườn nhà em nghe cô.
 
Thủy là một trong những đứa học trò thường tìm tôi nói chuyện chơi. Cô nhí nhảnh dễ thương như các cô gái quê ở tuổi mười tám. Thủy chăm chú nhìn tôi và chờ câu trả lời của tôi. Cái nhìn sao mà hết sức ân cần, van nài làm tôi cầm lòng không đậu. Tôi ngọt giọng:
 
- Thôi được, thứ Bảy này không trực, tôi có thể qua thăm vườn Thủy. Nói trước là tôi không biết lội. Phải chờ Thủy ở đâu đây?
 
Nghe tôi nhận lời, Thủy vui ra mặt. Cô ta sốt sắng:
 
- Em sẽ đến đón cô. Cô muốn đi vào mấy giờ?
 
- Tùy Thủy chớ. Thường thì Thủy về thăm vườn lúc mấy giờ?
 
- Em đi sớm lắm, vì sáng sớm ít nắng. Thôi, em đón cô đúng tám giờ được không? Cô có thấy sớm quá không?
 
Tôi lắc đầu:
 
- Không. Vậy tám giờ nghe Thủy.
 
Con đường đất sét từ bến đò đến nhà Thủy dưới ánh nắng áp Tết có màu trắng mốc. Nó nằm giữa hai mương cạn mọc nhiều cỏ lông, và dây mắc cỡ. Cả hai chúng tôi đi một lúc thì bụi bay lên bám đầy chân và ống quần. Mới chín giờ sáng mà nắng chang chang, nhưng đường đi râm mát vì được che phủ bởi những tàn cây mù ù, cây da xà, bụi tầm vông, cây còng...
 
Hôm nay, vì nghĩ mình đi du ngoạn chốn vườn ruộng, nên tôi không dám ăn mặc lòe loẹt. Nhưng ai cấm tôi ăn mặc theo lối tỉnh thành? Tôi chọn chiếc áo kiểu ngắn tay hàng “xoa Thái Lan” màu hồng nhạt. Quần tây màu sô-cô-la. Quần không chật bó, cũng không rộng thùng thình. Tóc tôi cột đuôi cao lên với cái nơ màu tím hoa cà. Thủy mặc áo bà ba vàng có in rải rác hoa phượng đỏ, và lá phượng xanh lộng lẫy. Tôi có cảm tưởng màu áo mình lu câm trước màu áo cô ta. Eo ơi, Thủy còn đội nón lá bài thơ quai nhung hồng nữa. Trông cô đẹp mặn mòi, hiền lành, dễ thương làm sao!
 
Thủy nói:
 
- Vườn nhà em do người ta sang lại, hơn bốn năm nay. Khi mới sang cây cối còi cọc, ba má em đã đổ vốn rất nhiều, mua thêm cây về trồng, bón phân đầy đủ, lại còn mướn vợ chồng chú Bảy chăm sóc, cho nên cây trái trong vườn rất tươi tốt và huê lợi rất khá. Cô Thu ơi, qua khỏi cây cầu kia là mình tới khuôn viên vườn của em rồi đó.
 
Thủy vừa nói vừa chỉ tay. Cây cầu tre ngắn bắc ngang qua mương cạn xâm xấp nước. Chúng tôi rẽ theo con đường mòn đi vào khuôn viên. Hai bên đường có mấy cây mai trồng không ngay hàng. Tuy nhiên chúng được lảy lá sạch, trơ cành, chờ đơm nụ, nở hoa. Đã cuối tháng Chạp rồi, còn chừng mươi mấy ngày nữa thì đến Tết Nguyên Đán. Những bụi vạn thọ màu vàng nghệ, màu vàng anh chen chúc nhau. Kế bên hông nhà, mấy nia chuối phơi khô tươm mật, gợi thèm cho mấy chú ruồi bay quanh. Thủy chỉ tay về túp nhà lợp lá nói:
 
- Đó là cái nhà giữ vườn, ba má em cất để che nắng che mưa, và nghỉ trưa. Vào mùa trái cây chín, chú Bảy ngủ ở đây luôn để giữ vườn.
 
Chúng tôi bước vào đến thềm nhà. Hai ông bà thân sinh của Thủy chăm chú nhìn tôi.
 
Thủy giới thiệu:
 
- Cô Thu, đây là ba má em.
 
Tôi lễ phép:
 
- Dạ chào hai bác.
 
Thủy quay về cha mẹ của mình:
 
- Thưa ba má, đây là cô Thu, làm việc ở bệnh viện, và cũng là cô hướng dẫn thực tập của con.
 
Ba má Thủy chào tôi. Bà mẹ nói:
 
- Cháu Thủy nhắc đến cô luôn. Cháu nói hôm nào sẽ mời cô qua chơi. Nhà này là cái chòi, cô hãy tự nhiên, đừng ngại nghe cô Thu.
 
Cậu bé trai đâu chừng mười tuổi, tay cầm chùm quít đường chín vàng tươi, tay kia cầm trái ổi xá lị, từ ngoài sân chạy vào. Thủy níu tay cậu ta lại, bảo:
 
- Chào cô Thu đi Nghĩa.
 
Cậu bé có cặp mắt đen to, tóc cắt ngắn gọn gàng. Trông cậu bụ bẫm khỏe mạnh thật dễ thương. Cậu mỉm cười cúi đầu chào tôi. Ba của Thủy nãy giờ cứ nhìn tôi mà không nói gì. Tôi hơi lúng túng. Bỗng Thủy nói:
 
- Ba ơi, bộ anh Vĩnh chưa qua hả?
 
Ba của Thủy nói:
- Nó ở sau vườn với chú Bảy. Con hãy dẫn cô Thu ra hái cam quít ăn chơi. Ở bên liếp bạch mai, cây mận da người mới có mấy trái chiếng, trái cũng ăn được rồi. Ba thấy da mận đã ngã màu ngà ngà. Cứ lấy lồng hái mà ăn, chớ có leo trèo. Kiến vàng nhiều lắm. Hay là con hãy nhờ anh Vĩnh hái cho.
 
Rồi ông quay sang tôi nói tiếp:
 
- Vườn nhà nghe cô Thu. Cô thích thứ trái nào thì cứ hái, để em Thủy hướng dẫn cho.
 
Khu vườn khá rộng, mấy cây cau sau chòi nở bông trắng xóa, tỏa mùi thơm ngạt ngào thanh khiết. Trời trong xanh, cao vòi vọi. Những luồng gió thổi qua mát rượi, làm rung động cành lá xạc xào. Tôi hít thở không khí trong lành này, nghe tâm hồn vô cùng khoan khoái. Một chiếc võng treo giữa hai thân cây cau. Cạnh một đầu võng là một chiếc bàn bằng gỗ, chân đóng tréo sơ sài, loang lổ mốc meo, chứng tỏ đã trải qua mấy mùa mưa nắng. Trên bàn, ly nước trà uống dở, chiếc hộp quẹt nằm trên bao thuốc lá. Và chai dầu Nhị Thiên Đường nằm bên cạnh quyển truyện “Bướm Trắng”. Tôi thầm nghĩ, trưa mà nằm đây đọc sách, thật thú vị, ai mà sành hưởng thụ quá vậy?
 
Còn nhớ ba tôi có lần đã nói rằng, cồn là nơi bồi đắp bởi đất phù sa, nên trồng cây rất tốt. Thật vậy, ở đây trái sum sê, mận, cam, quít; nhánh phải có nạng chống đỡ cho khỏi gãy. Có chùm là đà trên mặt đất, có chùm thòng xuống, nước mương bám sình non, nên vỏ mốc xám. Cây mận hồng đào bên bờ mương, trái chín đỏ rụng đầy gốc, trái nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi chắc lưỡi hít hà, chỉ Thủy:
 
- Trông kìa, cây xoài cát, sai trái quá! Từ gốc lên đến ngọn đầy những trái, là trái!
 
Thay vì trả lời tôi, Thủy hỏi:
 
- Cô Thu, cô có cảm nhận mùi gì không?
 
Tôi hít hít mũi, nhìn sang bên này, nhìn sang bên kia, tìm kiếm, rồi lắc đầu, mỉm cười. Thủy chỉ bờ bên kia, kế cây chanh giấy:
 
- Cô nhìn coi kìa!
 
Tôi mở to mắt nhìn cây mít đơm đầy trái. Loại mít này trái không lớn lắm. Thủy gọi lớn:
 
- Anh Hai ơi, đến tìm mít giùm em. Có nhiều mít chín lắm.
 
Một chàng trai từ bên hàng ổi xá lị bước ra, Thủy giới thiệu:
 
- Anh Hai, đây là cô Thu, cô hướng dẫn của em. Cô Thu, đây là anh Hai em, tên ảnh là Vĩnh.
 
Chàng thanh niên chào tôi. Mặt chàng nghiêm quá, hóa ra lầm lì, nhưng nụ cười chiếu sáng khuôn mặt, long lanh khóe mắt. Chàng chào:
 
- Chào cô Thu.
 
Tôi lí nhí:
 
- Dạ chào ông.
 
Vĩnh cất giọng êm ái:
 
- Xin cô gọi tôi bằng anh. Hình như cô bằng hay nhỏ tuổi hơn Thủy. Tôi thường nghe Thủy nhắc về cô. Đây là lần thứ hai tôi gặp lại cô.
 
Giọng Vĩnh có vẻ thẳng thắn khiến tôi hơi khựng. Dường như hiểu ý tôi, chàng nói:
 
- Xin lỗi cô, tôi hơi đường đột làm cô không được vui phải không?
 
Tôi bẽn lẽn:
 
- Dạ không, ông gặp tôi ở đâu vậy?
 
- Lần đầu ở quán Hương Duyên. Nhưng lúc đó tôi chưa biết cô là ai. Hôm nay, tôi biết cô là cô giáo hướng dẫn của Thủy ở trường y tá. Hình như cô không phải là dân Mỹ Tho chính cống?
 
Tôi dịu dàng:
 
- Dạ quê tôi ở Cần Thơ. Nghe Thủy nói ông đi lính ở Cà Mau, như vậy nếu về đây bằng đường bộ, ông phải đi ngang qua bắc Cần Thơ?
 
Vĩnh gật đầu, khóe mắt vẫn sáng ngời:
 
- Đúng rồi cô, tôi là lính Sư Đoàn 21. Căn cứ Trung Đoàn thì ở thành phố, nhưng chúng tôi ít về đó lắm. Lính rừng mà, cô có xuống vùng Cà Mau lần nào chưa?
 
Tôi cười trả lời:
 
- Tôi có người anh dạy ở trường Trung Học Cà Mau, nhưng tôi chưa đến đó bao giờ. Thủy nói ông bị thương và về đây dưỡng sức, phải không?
 
- Đúng vậy, nhưng vết thương nhẹ thôi. Hai tuần nữa tôi sẽ trở ra đơn vị.
 
Kỳ lạ, mới chạm mặt Vĩnh, tôi cảm thấy chàng hơi đáng ghét. Bởi chàng thẳng thắn quá, gần như đường đột. Nhưng ở chàng có nét mặt cương nghị, có một sức mạnh tiềm tàng, sự vững vàng lạ lùng, khó diễn tả. Vĩnh ăn mặc xuề xòa. Tóc chàng cắt ngắn (kiểu nhà binh). Trán chàng vuông, cái vuông đó tạo cho chàng một nét quyến rũ đặc biệt. Do linh tính, tôi hiểu rằng con người này lúc đầu làm tôi e ngại, nhưng sẽ đi sâu vào tâm hồn của những ai đồng điệu với chàng hoặc những người chàng thương mến.
 
Tôi và Thủy đứng dưới gốc mít, còn Vĩnh bắc thang trèo lên, vỗ vỗ và búng từng trái, để tìm mít chín. Chừng mười lăm phút, chàng đã hái được sáu, bảy trái. Thủy lấy dao, cắt một lần dài trên vỏ mít, từ cuống xuống tận bên dưới, rồi gỡ vỏ quăng đi. Những sơ mít dính theo vỏ. Những múi mít chi chít dính trên cùi, vàng tươi. Bây giờ tôi mới cảm nhận được mùi thơm của mít. Thủy đưa cho tôi trái vừa mới cắt vỏ xong, mời mọc:
 
- Cô ăn đi, ngọt lắm, mít chín cây đó nha! Cô biết không? Mít tố nữ chín trên cây mới ngon, nếu trái già mà hái xuống, chờ chín như mít thường thì sẽ không còn ngon ngọt nữa.
 
Tôi cầm cuống cùi mít, những múi không lớn lắm, thơm ngát. Tôi cố gỡ một múi nhưng không được vì mật tươm ra làm trơn tay. Thủy vừa lột xong trái thứ hai đưa lên miệng cắn từng múi ăn ngon lành. Thủy bảo:
 
- Cô ăn như vầy nè. Mít này không ăn như mít thường được; nó khó gỡ và dính tay nữa.
 
Tôi bắt chước ăn theo cách của Thủy. Mít tố nữ quả nhiên ngon ngọt quá, còn thơm nữa, nhưng nhão hơn mít thường. Thủy vào chòi để lấy rổ đựng mít. Vĩnh cũng vừa xuống khỏi thang, vừa phủi bụi vừa phủi kiến vàng, hỏi tôi:
 
- Cô đến Mỹ Tho lâu chưa cô Thu?
 
- Dạ đã hơn một năm.
 
Chàng nhìn sâu vào mắt tôi:
 
- Cô có thích Mỹ Tho không?
 
Tôi cau nhẹ cặp mày:
 
- Nhiệm sở mà tôi muốn được về là Long Xuyên hay Vĩnh Long. Còn một nơi để chọn, tôi đang phân vân không biết đi tỉnh nào? Thấy Mỹ Tho còn chỗ trống. Tỉnh này cũng không xa nhà tôi lắm, tôi ghi đại vào, không ngờ họ cho về đây. Từ trước, chưa bao giờ tôi nghĩ là sẽ về Mỹ Tho cả. Tôi cũng chưa đến Mỹ Tho lần nào trước khi nhận việc. Ở đây cũng vui và an ổn. Nhưng năm sau tôi sẽ xin về Cần Thơ để được gần má tôi.
 
Vĩnh quay đi nơi khác mỉm cười một mình khi nghe tôi nói muốn về gần má tôi. Thật cái anh chàng này có vẻ kỳ kỳ thế nào ấy! Chàng gàn gàn làm sao! Tôi cũng có anh trai, em trai, nhưng đâu có ai như anh chàng này! Nhưng mà chàng có điều gì đó khiến tôi chú ý và phải nghĩ ngợi. Ý nghĩ của tôi không được mạch lạc khi tôi nghĩ về chàng, ngoài chuyện tôi thấy chàng gàn gàn. Nhưng cái gàn đó dần dà không làm tôi khó chịu. Vĩnh không cao lớn, không trắng trẻo đẹp trai, không ăn nói hấp dẫn. Tóm lại chàng không phải là mẫu người lý tưởng từ trong tiểu thuyết chui ra. Chàng hơi thấp người, nhưng người ta thường nói “đàn bà cao trộm”, nên tôi nghĩ rằng, khi đứng gần tôi, chàng sẽ cao hơn. Chàng mặc áo thun xám, quần ka ki bạc màu, lốm đốm mủ cây. Tay chân chàng cứng rắn khỏe mạnh.
 
Vĩnh lại hỏi tôi:
 
- Cô có đi chơi đâu không?
 
Tôi nhìn chàng, không hiểu. Vĩnh giải thích:
 
- Tôi muốn hỏi cô có đi viếng những phong cảnh ở đây như: chùa Vĩnh Tràng, cồn ông Đạo Dừa, hay một vài thị trấn kế cận khác như Long An, Gò Công, Bến Tre chưa vậy.
 
- Dạ chưa, ở Mỹ Tho tôi chỉ biết nhà trọ, chỗ làm, và khu chợ. Hôm nay lần đầu tiên tôi đi chơi xa.
 
- Còn nữa chớ.
 
Tôi ngạc nhiên nhìn Vĩnh. Chàng mỉm cười nói:
 
- Quán cà phê ngoài bờ sông. Bộ cô thích uống cà phê lắm sao?
 
Tôi bật cười giòn giã:
 
- Tôi uống cà phê gần như theo thói quen. Từ lúc nhỏ tôi đã tập uống rồi. Ba tôi rất thích cà phê. Sáng nào ông cũng uống một cữ. Cho nên mỗi lần pha cà phê cho ông, má tôi thường pha cho anh em tôi, nhưng cà phê lợt hơn. Nghĩa là cà phê nước đầu dành cho ba tôi. Còn nước thứ nhì dành cho anh em chúng tôi. Khi biếng ăn, tôi chỉ uống một tách cà phê là đủ rồi.
 
Vĩnh gật gù:
- Như vậy không tốt.
 
- Dạ má tôi cũng nói vậy, nhưng đôi khi thôi.
 
Mắt Vĩnh chợt long lanh, chàng đề nghị:
 
- Vậy hôm nào tôi sẽ đến mời cô đi uống cà phê nhé, có phiền cô không?
 
Tôi thoáng e ngại, vì sợ mấy đứa bạn cùng sở chọc ghẹo. Nhưng trong thâm tâm tôi cho tôi biết rằng ý mình bằng lòng mạnh hơn lý do kia; nhưng tôi vẫn làm giọng không mấy nhiệt thành:
 
- Dạ, để coi.
 
Trời về trưa, luồng gió Tết mát rượi lào xào trên ngọn xoài nhánh mận. Có tiếng con tôm tích búng chóc chóc dưới mương gần đây, tiếng chim trao trảo líu lo gọi đàn tìm trái chín, tiếng máy tàu xình xịch chạy trên sông, và có tiếng gà gáy lẻ tẻ cuối xóm. Tôi và Vĩnh tiếp tục nói chuyện: Chuyện hằng ngày, chuyện giải trí, chuyện thời cuộc, chiến tranh... Thật ra, Vĩnh nói cho tôi nghe, còn tôi chỉ ấm a, ấm ớ chớ có biết gì nhiều đề tài và kiến thức để ăn nói. Được biết Vĩnh là anh cả trong gia đình ba anh em, ba Vĩnh dạy học, má chàng ở nhà chăm lo gia đình. Vĩnh là cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Khi đậu xong phần hai, chàng lên Sàigòn theo học Văn Khoa. Đến năm thứ ba thì chàng bỏ học, vào trường Võ Bị Đà Lạt. Khi ra trường thì chàng được bổ sung về Sư Đoàn 21. Đến nay chàng được tròn sáu tuổi lính.
 
Hôm đó tôi được ba má Thủy đãi cơm trưa. Mâm cơm dùng chén sành, đũa tre, nhưng sạch bóng. Các món ăn được chiên xào kho nấu tươm tất. Một tô canh bí đao nấu với cá lóc, có ngò rí, hành lá xắt mỏng nổi xanh trên mặt. Cá trê vàng kho tộ, với mỡ xắt hột lựu, rắc tiêu cay. Một đĩa tép bạc lột vỏ xào mướp hương. Dĩa gỏi dưa leo bằm xoài sống trộn với khô cá sặc và thịt ba chỉ. Thủy cố tình đặt Vĩnh ngồi gần tôi để chàng gắp thức ăn cho tôi.
 
Tôi mắc cỡ quá! Mấy ông Sĩ Quan trổ tài nịnh đầm coi cũng hay đáo để. Tuy đói bụng, nhưng tôi cũng ăn uống thong thả, không dám ăn uống tự nhiên như ở nhà... “Trước mặt người bạn trai và gia đình họ, có bao nhiêu thanh lịch, phong nhã, đài các, chị phải đem phô ra hết. Nếu là cốt cọp chị phải làm ra vẻ con mèo; nếu dữ dằn như con kên kên, con diều hâu, thì chị làm ra hiền lành như con bồ câu, con cu cườm...”. Anh của Thủy không phải là bạn trai của tôi, nhưng khi chợt nhớ những lời của hai cô em họ, con chú tôi dạy, tôi vụt ngượng ngùng, và cảm thấy tay chân thừa thãi, lúng túng, lụp chụp làm sao!
 
Tôi sửa soạn ra về, thì Hồng Huệ bước vào. Tối nay hai cô trực ở nội khoa. Hồng chúm chím cười tinh quái, má lúm đồng tiền:
 
- Huệ, mi biết không? Hôm nay trước cửa bệnh viện có trồng một “cây si”. Không biết của ai đây?
 
Huệ điệu đà chớp chớp bờ mi dài cong vút:
 
- Chắc là của Minh Thu.
 
Tôi vừa cái nút áo, vừa sừng sộ:
 
- Ê nói gì có tên ta đó?
 
Huệ nhìn ra phía cổng:
 
- Ở bệnh viện to lớn có hàng trăm nhân viên này, giờ chỉ có mình mi chưa có ai đưa đón. Nhưng bọn ta chỉ nói mò thôi mà, bộ bị đạp trúng đuôi rồi sao mà mi dữ dằn vậy người đẹp “giá băng”?
 
Tôi làm thinh rủa thầm “đồ hai con quỷ xí xọn”. Nhưng tôi vẫn lắng tai nghe coi chúng nói gì. Huệ hỏi Hồng:
 
- Hắn ra sao, mậy?
 
- Trông cũng “bô trai”, coi như đủ tiêu chuẩn. Hình như là lính trận miền xa. Nhưng mặt hắn trông có vẻ nghiêm lắm. Tức cười quá! Hồi nãy nhỏ Hồng Nhi tưởng bở, liếc cười với hắn, hắn tỉnh bơ lờ đi, làm nhỏ quê quá chừng. Nhỏ cứ lẩm bẩm rủa hắn cho đã giận.
 
Hai cô tiếp tục bàn tán, rồi thích chí cười khúc khích. Tôi chào chúng ra về khi chuông reo tan sở.
 
Má tôi thường nói, tôi ra đường là luôn nhìn xuống, để tìm bạc cắc. Thật ra má nói cũng đúng, tôi ít khi nhìn qua ngó lại.
 
Hai con bạn tôi, mỗi đứa một vẻ, đứa nào cũng có đủ đòn phép. Hôn phu con nào cũng cao ráo, bảnh trai. Hai con nha đầu này ưa dùng đủ đòn phép để hai tên kia mê mệt say đắm. Ý là tụi nó không đẹp, chỉ có duyên mà thôi.
 
Con Hồng có cặp gò má hơi cao. Nó chưa ló mòi ăn hiếp hôn phu cưng vàng, cưng ngọc của nó. Tôi biết con này đáo để, chỉ hiền ở ngoài mặt. Để rồi coi, anh chị em bên chồng sẽ bị nó áp chế. Con quỷ này thuộc về loại đàn bà không hề nhịn thua ai hết. “Chị em chồng nó bồng nó nách. Anh em chồng nó xách một tay”. Nó mà không sửa đổi thì bên chồng nó sẽ khổ với nó dài dài.
 
Còn nhỏ Huệ thì làm vẻ con mèo mít ướt. Nhưng nó thích lùi một bước rồi tiến hai bước. Thằng chồng tương lai của nó nếu hay lạng quạng sẽ mệt đừ với nó, thấy nó là hết dám ho lớn, là hết dám thở mạnh.
 
- Minh Thu! Minh Thu!
 
Có tiếng ai gọi làm tôi giật mình, quay lại. Thì ra ông anh kỳ kỳ của Thủy, tôi hơi ngạc nhiên:
 
- Dạ chào ông Vĩnh.
 
Vĩnh trách:
 
- Cô đi mau quá, thiếu điều tôi không theo kịp. Hôm trước tôi đã nói với cô, sẽ có một hôm nào, tôi sẽ mời cô đi uống cà phê. Cô nói “để nghĩ coi”. Hôm nay cô đã nghĩ kỹ chưa?
 
Vĩnh vừa nói, vừa đi về phía tôi. Chàng tìm tôi thật bất ngờ, làm tôi mất tự nhiên, ngượng ngùng quá! Vì là giờ tan sở, nên ở cửa chánh có rất nhiều người chờ vào thăm thân nhân. Cửa tôi vừa mới ra tấp nập nhân viên ra vào. Nhìn về phía cửa sổ phòng trực, tôi thấy Huệ, Hồng nói gì không biết, mà đang chỉ chỏ về phía tôi. Mấy cô nữ tá viên đến thực tập vừa đạp xe qua mặt tôi, vừa gọi lớn, cố ý chọc ghẹo tôi. Anh chàng Minh, nội khoa thì cho rú máy xa Vespa thật lớn. Hắn chạy qua mà còn quay đầu lại nhìn tôi cười nheo mắt. Tôi đang lúng túng thì nghe tiếng gắt gỏng của Vĩnh:
 
- Kìa, sao cô còn không đi? Cô đứng đây để người ta trêu ghẹo cô hả?
 
Tôi vội bước mau theo Vĩnh, không nói lời nào. Có lẽ tôi chưa lấy lại được bình tĩnh, và hình như tôi đang hờn mát. Thật ra, tôi cũng không biết mình phải làm gì! Vĩnh đi gần tôi hơn, giọng mềm mỏng và tha thiết:
 
- Đừng giận anh nghe Thu. Anh tệ lắm, hay gắt gỏng với kẻ vừa quen. Thật là vô duyên hết sức!
 
Giọng chàng trầm ấm dễ thương làm sao! Ánh mắt tha thiết van nài, nụ cười bùi ngùi. Chàng như biến thành một người khác. Bỗng dưng hai hàng nước mắt chảy dài xuống má tôi, mà chính tôi cũng không ngờ, và không biết tại sao? Vĩnh cuống cuồng lấy chiếc khăn tay màu trứng sáo trao cho tôi, em ái bảo:
 
- Lau mắt đi Thu, xin lỗi Thu nhé, không phải anh cố tình đâu. Ý anh muốn nói để Thu đi mau khỏi chỗ này, cho họ đừng chọc ghẹo Thu nữa. Thật ra anh không biết ăn nói làm sao cho mềm lòng phái đẹp.
 
Mặt Vĩnh lộ vẻ thành khẩn, lo âu, cơn hờn giận tôi tan biến. Tôi chặm nước mắt, rồi trả khăn lại cho chàng:
 
- Thôi bỏ đi, lỗi không phải của ông. Bây giờ mình đi đâu đây?
 
- Đi ăn nghe.
 
- Không, đi uống cà phê.
 
- Thì đi, lên xe anh nghe, để anh chở Thu đến đó.
 
- Dạ không, tôi không quen ngồi xe Honda.
 
- Vậy anh đi gởi xe, để cùng cuốc bộ với Thu cho vui.
 
Vĩnh dắt xe đến chỗ gởi. Chúng tôi đi bộ dọc theo đường Hùng Vương, quẹo trái qua đường Lý Thường Kiệt, rồi đi lần về hướng đường Trung Trắc.
 
- Chào cô Thu!
 
Tiếng chào lanh lảnh của cô học trò. Tôi lịch sự chào lại. Tôi biết nếu đi một mình chắc chắn cô sẽ không chào, vì cô đi xe đạp cùng chiều với tôi. Cô chào là cố ý để nói với tôi rằng: “Đã bắt gặp quả tang rồi nhé!”
 
Vĩnh khen:
 
- Nhiều người biết Thu quá!
 
- Ông cũng biết đây là thành phố nhỏ mà, vả lại có ông đi bên cạnh, tức là gây sự tò mò cho người khác, nên họ muốn trêu tôi. Nếu tôi đi một mình thì chẳng ai thèm ngó.
 
Vĩnh tinh quái hỏi gặng:
 
- Có đúng không?
 
Tôi không trả lời, và cũng không nói gì thêm, vì tôi nghĩ nếu bất cứ một câu chuyện gì, tôi mà bàn cãi với Vĩnh, thì bao giờ tôi cũng thua là cái chắc. Trước mặt Vĩnh bao giờ tôi cũng thấy mình nhỏ bé và ngây ngô.
 
Vĩnh cất giọng mỏng nhẹ như cơn gió mát:
 
- Bộ Thu còn giận anh hả?
 
Tôi nhẹ lắc đầu:
 
- Dạ không.
 
Vĩnh nhìn tôi đề nghị:
 
- Bỏ tiếng dạ đi Thu, và đừng gọi bằng ông nữa, nghe nặng quá!
 
Tôi vẫn không trả lời, bước đi bên chàng. Tới trước một chiếc quán nhỏ, tuy vậy vẫn sáng sủa, trang trí tân thời với bàn ghế thấp, đèn hồng ẩn trong xó kẹt. Vĩnh rủ rê:
 
- Thôi, ta vào quán này nghen.
 
- Dạ, cũng được.
 
Chiều thứ tư, đường phố vắng vẻ hơn ngày cuối tuần. Nhưng bến trái cây ở bên kia sông vẫn ồn ào náo nhiệt. Xóm Chài vẫn có nhiều chiếc ghe lưới về muộn, khi các nhà trong xóm đã lẻ tẻ lên đèn.
 
Những giọt cà phê nhỏ đều đều trong ly, rồi chậm dần, chậm dần. Tiếng hát êm đềm từ máy phát ra, bản “Những Bước Chân Âm Thầm”, lòng tôi lắng xuống.
 
- Xin phép Thu cho anh hút thuốc.
 
Tôi nhẹ gật đầu, Vĩnh hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Và tôi mất tự nhiên, mỗi lần bắt gặp ánh mắt Vĩnh nhìn đăm đăm xoáy vào tôi.
 
Chúng tôi rời quán cà phê, đi ngược lên đầu Cầu Quay, vòng qua chợ. Vào buổi sáng, nơi này buôn bán sầm uất. Kẻ bán, người mua chen lấn, rao hàng in ỏi. Giờ thì chợ trống trơn. Tôi nhìn suốt từ đầu đến cuối chợ. Các sạp được thu gọn, cất dẹp nơi nào không thấy, chỉ còn trơ mặt đường khúc thì loang lổ, khúc thì lổm chổm đá mà thôi. Một vài tiệm cửa còn nửa mở nửa khép như tiệm bán sách, bán băng nhạc. Vĩnh ân cần hỏi :
 
- Thu có muốn mua gì trong tiệm bán quà tặng không?
 
- Dạ không.
 
Vĩnh có vẻ dội ngược trước thái độ quá lễ phép của tôi. Chàng bảo:
 
- Bỏ tiếng dạ đi Thu.
 
- Dạ vâng.
 
- Anh muốn mua một quà gì đó cũng được để tặng Thu.
 
Tôi lắc đầu, tỏ vẻ không sốt sắng:
 
- Dạ không cần thiết đâu.
 
Vĩnh làm ra vẻ thất vọng:
 
- Lại dạ nữa.
 
- Quen rồi, Thu chưa bỏ ngay được.
 
Vĩnh giục:
 
- Thôi mình đến đầu chợ ăn bò vò viên đi. Có một ông Tàu bán món này ngon lắm. Lúc nào đi chơi khuya về anh cũng hay ghé qua.
 
Tôi nhấn giọng:
 
- Ông hay đi chơi khuya lắm sao?
 
- Thỉnh thoảng thôi, vì bạn bè cũ đã đi tứ tán hết rồi. Lúc còn đi học thì anh đi thường lắm.
 
Vĩnh lại đốt thuốc hút, chúng tôi bước đi chầm chậm. Tôi đi bên chàng ngoan ngoãn như một con khờ! Tôi nhìn cuộn khói tuôn ra từ miệng, mũi anh:
 
- Anh Vĩnh chắc hút thuốc lá nhiều lắm?
 
- Sao Thu biết?
 
- Vì ngón tay anh vàng màu khói thuốc.
 
- Đúng vậy, vì anh đóng quân ở các nơi hẻo lánh, chung quanh anh là rừng, là tràm, là đước. Muỗi thì vi vo như sáo thổi, chỉ có điếu thuốc làm anh dễ chịu và thoải mái hơn.
 
Rồi anh kể cho tôi nghe những trận đánh, chỉ trong đường tơ kẽ tóc thì anh toi mạng ngay. Tôi thấy lòng mình bồi hồi. Tội cho Vĩnh! Thương cho những người lính chiến biết bao! Tôi than thở:
 
- Chiến tranh này không biết bao giờ mới hết? Thu không ngờ chiến tranh độc ác, vô tình hơn những gì đã viết trong sách báo, và hơn trong sự tưởng tượng của mình nhiều.
 
Chúng tôi ăn xong thì hơn tám giờ, Vĩnh đưa tôi về nhà, trước khi từ giã, anh nói:
 
- Từ rày có uống cà phê, thì nhớ kiếm gì ăn. Đừng đi ngủ mà để bụng đói.
 
Anh cười nụ nhìn tôi, vẫy tay chào rồi bước đi thật mau.
 
Sáng hôm sau, Hồng và Huệ bàn giao trực cho người khác. Quá giờ về rồi mà hai con nha đầu ác ôn đó cũng cố ở lại khảo tra tôi, kép dẫn đi ăn món gì? Ở đâu? Tôi trả lời cụt ngủn:
 
- Ăn bò viên, được không?
 
Hồng tỏ vẻ chán nản:
 
- Ở Mỹ Tho mà dắt đào đi ăn bò viên thật xệ quá trời! Ít ra thằng chả phải đãi mi ăn hủ tíu Mỹ Tho.
 
Huệ phụ họa:
 
- Ở Mỹ Tho mà mi chưa ăn hủ tíu Mỹ Tho nấu với tôm cua, lòng heo là mi quê, là tên kia hà tiện một cách khó ưa. Đã vậy, ăn hủ tíu Mỹ Tho phải ăn kèm với giá sống, và món rau tần ô tươi tắn thơm tho. Thiệt tình, cả hai đứa bây quê một cục!
 
Sáng thứ Bảy, Vĩnh đến nhà đón tôi và đưa đi thăm cồn Phụng của ông Đạo Dừa. Ông Đạo Dừa còn có tên khác, mà dân địa phương gọi là Cậu Hai cho thân mật hơn. Hôm đó, tôi mặc chiếc áo dài bằng mousseline đen, thêu lấm tấm bông cúc vàng lá xanh. Giày bít nhọn đầu màu đen. Tóc xõa thả gọn về phía sau. Đánh phơn phớt phấn hồng trên má, và thoa son nhạt trên môi. Thoạt nhìn tôi, Vĩnh hơi ngạc nhiên, sau đó nhẹ mỉm cười quay đi nơi khác.
 
Chúng tôi qua bắc Rạch Miễu, đi vòng lên nhà lồng chợ, qua thêm một chuyến đò máy mới tới cồn. Nơi đây nhà cửa chen chúc. Là cồn, dù cao cách mấy, cũng không cao bằng đất liền, nên hay bị ngập vào mùa mưa nước nổi. Vì vậy họ cất nhà theo kiểu nhà sàn, và cột sàn khá cao. Đường đi cũng làm bằng ván. Nơi Cậu Hai trụ trì để tu hành thì được cất trên một chiếc tàu, hay một chiếc bắc lớn gì đó, nên dù đi trên ấy, tôi cũng thấy rất vững vàng, không lắc lư như những chiếc tàu bình thường.
 
Trên tàu có những cầu dây đi thông từ nơi Cậu Hai ở ra đài cầu nguyện. Những thang này trạm trổ, sơn phết rực rỡ, với những hình long, lân, quy, phụng, hoặc những con chim công rất tinh xảo, rất đẹp, rất khéo tay.
 
Bổn đạo đa số là dân tứ xứ. Tất cả già, trẻ, nam hay nữ đều mặc áo quần một màu nâu sậm. Đàn ông thì mặc áo quần bà ba, tóc để dài bọc trong khăn vải, cùng màu với màu áo quần, sau khi được quấn tròn quanh đầu. Các cậu đồng nam chừng chín mười tuổi thì cạo đầu chừa ba cá bánh bèo, như các tiên đồng trong tranh Tàu, trông rất ngộ nghĩnh, có duyên. Còn đàn bà và đồng nữ thì mặc áo vạt hò, nút cài về bên mặt.
 
Quanh đài cầu nguyện là những nhà dùng làm văn phòng, phòng tiếp tân, phòng chỉ dẫn. Mỗi phòng được trang trí bằng nhiều hình ảnh Cậu Hai được ghép nối. Có bức ảnh cậu đứng trên mây, tay cầm bình bát chiếu hào quang xuống trần gian. Có hình ảnh rồng phụng, được chạm trổ rất công phu, được ghép lại bởi những mảnh vụn của ly chén xưa, phô trương đủ màu sắc tươi đẹp và hết sức ngoạn mục. Chúng tôi đi chung quanh cồn. Dọc theo hai bên đường, có nhiều quán giải khát, quán kem, quán hủ tíu chay.
 
Bổn đạo bán nhiều trái cây, các loại chuối, nhứt là chuối khô, vì đó là đặc sản của vùng này. Chúng tôi đi thăm tất cả những gì trưng bày ở đây; những biểu ngữ treo cao, những tấm bích chương dán theo đường, trong các văn phòng. Toàn là những lời lẽ phản chiến, làm chùng lòng chiến sĩ. Tôi liếc nhìn Vĩnh, xem anh ta có phản ứng gì trước mấy câu đó, nhưng Vĩnh tỉnh queo, nét mặt không gì thay đổi. Chàng cũng không phê bình lời nào.
 
Những người chụp hình ở đây đến mời chúng tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm, Vĩnh lắc đầu chỉ qua tôi. Tôi chỉ trở lại Vĩnh, và nói với người chụp hình:
 
- Ông đó thích chụp hình lắm trở lại mời ổng đi.
 
- Thu chụp ăn ảnh hơn anh, anh bự con quá, máy ảnh thâu không hết.
 
Chúng tôi ghé qua tiệm hủ tíu chay ở gần bến đò. Quán cất đơn sơ, chỉ chừng sáu cái bàn gỗ. Bốn cái ghế đẩu kê sát mỗi chiếc bàn. Trên bàn có bày chai nước tương, lọ ớt, bình trà, và mấy cái chung nhỏ. Trong quán có ba cô gái, cô nào cũng trắng xanh, thân hình mảnh khảnh và rất xinh xắn. Vĩnh ngồi đối diện với tôi, anh chồm qua bàn, nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
 
- Cháu Cậu Hai đó. Các cô ăn chay trường, và tắm bằng nước dừa.
 
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, và cũng nói nhỏ vì sợ các cô nghe:
 
- Sao anh biết? Ăn chay trường thì có thể, còn tắm nước dừa sao được? Nước dừa rít lắm mà?
 
Vĩnh bật cười thành tiếng:
 
- Thu dễ tin người quá. Đó là lời đồn nhảm để tạo huyền thoại cho ly kỳ thôi mà.
 
Khi chúng tôi trẩy qua đò thì mới có một giờ trưa. Vĩnh nói hãy còn sớm, nên đề nghị qua thăm thành phố tỉnh Bến Tre. Thành phố này xa bến bắc Rạch Miễu chừng mười lăm cây số. Chúng tôi đi vòng khu chợ, thăm một vài nơi như chùa Ông Tương, công viên, sở thú. Sau đó Vĩnh dắt tôi đi thăm Huy, ông bạn cùng khóa, đã giải ngũ vì bị thương. Anh ta có vợ, và được một con, đang làm chủ một tiệm xe đạp khá lớn trong thành phố.
 
Huy, rất vui mừng khi gặp lại Vĩnh. Vợ chồng anh tíu tít nói cười, mời nước, mời dùng bữa trưa, nhưng chúng tôi từ chối, vì vừa mới ăn xong. Sau một hồi trò chuyện, anh ta hỏi Vĩnh:
 
- Chừng nào ông lấy vợ để bọn này uống rượu mừng đây? Cứ kén chọn hoài, già mất không hay đó!
 
- Có ai chịu tôi đâu mà lấy?
 
Huy cười cười hỏi lại:
 
- Thật vậy sao?
 
Vĩnh cười ánh mắt long lanh tinh quái, rồi quay về phía tôi:
 
- Không in hỏi cô Thu đây thì biết.
 
Tôi giựt mình, lính quýnh mất tự nhiên. Tôi vừa thẹn vừa tức, không biết Vĩnh muốn giở trò gì nữa đây nên làm bộ tảng lờ, đến khều khều cậu con của Huy đang đùa giỡn với chiếc lục lạc trên nôi.
 
Chúng tôi về Mỹ Tho hơn sáu giờ chiều, Vĩnh rủ đi ăn và uống cà phê.
 
Tôi thoái thác:
 
- Thu muốn về. Đi cả ngày hôm nay, mệt quá!
 
- Thôi cũng được. Thứ Ba anh trở ra đơn vị. Chiều thứ Hai anh đến đón Thu sau giờ tan sở, có phiền cho Thu không?
 
Tôi nghĩ thầm trong bụng, còn phiền nỗi gì nữa! Lần đón trước, cả làng, cả nước ai cũng biết, dư âm hạch hỏi chọc ghẹo của Hồng, Huệ còn văng vẳng đâu đây:
 
- Thu, bồ mi thật chững chạc. Mi khéo chọn quá! Mi kín miệng dữ há!
 
Đó là câu đầu tiên của Hồng, sau hôm Vĩnh đón đi uống cà phê. Tôi chối bay chối biến:
 
- Ta chỉ quen thường thôi. Anh của Thủy, học trò tá viên đó.
 
Huệ tròn mắt, há hốc mồm, làm bộ ôm ngực, giống như cô đào thương đang đau khổ vì bị phụ tình:
 
- Trời đất! Vậy mà con mén đó không giới thiệu ông anh bảnh trai của nó cho ta. Bài kiểm kỳ này do ta phụ trách, hắn sẽ được cái hột vịt lớn bằng cái đĩa đựng bánh bèo.
 
Chúng tôi cùng cười lớn, Huệ chêm tiếp:
 
- Mi cứ làm bộ hoài. Cây si này coi bộ để rễ ăn sâu rồi đa. Lâu quá bệnh viện không ai mời đám cưới, tụi này thèm lắm. Mi đã có bồ rồi, phải giục hắn cưới mi mau lên.
 
Hồng ngó qua Huệ:
 
- Ta biết rồi, con Huệ nó muốn mi bàn giao ông dược sĩ cận thị mang kính dầy cả tấc cho nó, để dành làm bánh xe sơ cua, nên nó xúi mi cưới chồng gấp đó Thu ơi!
 
Huệ rủa sả:
 
- Con quỷ ác ôn, hay nói bậy. Ta thật tình với nhỏ Thu ấy mà.

Tôi cũng cười cởi mở với bọn chúng, rồi đính chánh:

- Bọn mi khéo phóng đại câu chuyện quá! Ta có thân với ông dược sĩ đó đâu. Ổng chào ta, lịch sự ta chào lại ổng vậy mà. Còn về chuyện ông anh của Thủy, thì cũng có gì đâu! Chỉ là sự quen biết thường thôi. Đứa nào thích hắn thì nhào vô đi.

Hồng trề môi dài cả tấc, mắng:

- Thôi đừng có chối, bộ mi muốn bắt cá hai tay hả?

Tôi háy thậy bén:

- Nói tầm bậy, ta chẳng muốn bắt cá tay nào cả. Ta sẽ thờ chủ nghĩa cô đơn hườn tán. Cô đơn, chứ không phải cao đơn hườn tán đâu.

Hồng, Huệ được dịp cười ha hả, cùng nói một lược:

- Lấy dép xin keo!

Bỗng có tiếng trầm ấm dội sâu vào tai tôi:

- Thu nghĩ gì vậy? Thu có nhận lời anh không?

Vĩnh kéo tôi về thực tại. Tôi không trả lời chàng, mà nói nho nhỏ:

- Phải chi có má Thu ở đây.

- Chi vậy?

- Để hỏi má cho yên lòng.

Vĩnh cười nhẹ, nhìn tôi lí lắc:

- Thôi được rồi! Chuyến này về, anh sẽ ghé qua nhà, sẽ xin bác cho Thu đi dạo với anh, mỗi khi anh được về phép.

Tôi tròn mắt:

- Không được, không được đâu.

- Làm gì Thu lo giữ vậy? Anh chỉ nói đùa thôi mà, chớ thật ra anh cũng không dám ghé, vì bác sẽ hỏi: “Ê, cậu là ai, mà dám dắt con gái tui đi lang thang ngoài phố? Coi chừng tui đập cậu gãy giò bây giờ”.

Không nhịn được, tôi bật cười thành tiếng. Bất chợt tôi tự hỏi, nếu má biết được con gái của má hay đi chơi với một người con trai xa lạ, má sẽ nghĩ sao đây? Trước ngày đi làm ở xa, má dặn dò tôi đủ mọi thứ, nhưng chưa bao giờ má mói về việc đi chơi. Bởi tôi chưa đi đâu với người ngoài khác phái đơn lẻ như vậy. Thường thì tôi cùng lũ bạn đi chơi tập thể, như đi cắm trại với nhà trường, đi hội họp. Má biết tôi lười lắm. Ngày cuối tuần, tôi không làm gì, không đi đâu. Tôi thích ngủ thôi, thích ngủ hơn cả ăn. Mặc dù bây giờ tôi đi chơi với Vĩnh, một chàng thanh niên mới quen, tuy không có một ý nghĩ gì đen tối cả, nhưng tôi cảm thấy mình như kẻ phạm tội.

- Suy nghĩ gì nữa vậy? Thôi anh về nghen. Thứ Hai mình sẽ gặp.

- Dạ, anh về.

Không biết tại sao, tôi nhu nhược như vậy? Nhỏ Minh Thu này thường ngày lý sự với anh nó, với Hoanh, hôm nay biến đi đâu mất rồi? Tôi có thể từ chối, không đi chơi với Vĩnh. Trở về đơn vị thì mặc chàng chớ, có mắc mớ gì đến tôi đâu? Cũng như tôi cùng chàng đi chơi Bến Tre, đến nhà bạn, tại sao chàng bảo Huy hỏi tôi thì biết vì sao không có cô nào ưng chàng? Cãi lẫy với anh em trong nhà, lúc nào tôi cũng thắng họ hết mà. Thu ơi, tại sao với Vĩnh mi cứ ấm a, ấm ớ hoài vậy? Việc gì cũng để chàng quyết định cả, ừ, tại sao vậy? Tôi cũng không biết tại sao!

Chúng tôi đi ăn chiều, đi uống cà phê, đi nghe nhạc, đi qua các con đường rợp bóng mẹ Hôm nay, Vĩnh hút thuốc nhiều hơn nói chuyện. Tôi vẫn yên lặng đi bên chàng. Bỗng Vĩnh hỏi:

- Thu có người yêu chưa?

Tôi giựt mình, cảm thấy sượng sùng, nhột nhạt. Vì đây lần đầu tiên có người con trai trực tiếp hỏi tôi câu đó. Tôi chỉ nghe các nhân vật nam nữ hỏi nhau trong phim ảnh, trong tiểu thuyết thôi. Chu choa ơi, ngượng quá! Nếu trời sáng tỏ, Vĩnh sẽ thấy sắc mặt tôi đỏ ửng, sẽ thấy cử chỉ tôi mất tự nhiên. Chàng lại lên tiếng làm tôi giật mình thêm nữa:

- Kìa Thu, có nghe anh hỏi không?

Tôi ấp úng:

- Có, em có nghe.

Chàng hỏi gặng:

- Vậy có anh chàng nào lọt vào mắt xanh của Thu chưa?

- Chưa, còn anh?

Đó là một phản ứng tự nhiên, mãi cho đến bây giờ, tôi cũng không ngờ mình hỏi ngược lại như vậy. Vĩnh trầm ngâm:

- Lúc còn đi học, anh có quen với một cô gái cùng trường. Nhưng cô ta đã đi lấy chồng khi anh chưa ra trường Võ Bị Đà Lạt. Và kể từ đó đến nay, anh chưa có quen với ai nữa cả. Có lẽ nơi anh đến chỉ toàn là nước đỏ phù sa, cùng chồn, khỉ, rừng tràm, đỉa vắt, muỗi mòng...

Rồi chàng cười, tôi cũng cười theo. Thời gian qua mau, giây phút chia tay rồi cũng phải đến. Vĩnh đưa tay nhìn đồng hồ:

- Đã chín giờ hơn, thôi để anh đưa Thu về.

Tôi yên lặng đi bên Vĩnh, dưới ánh đèn đường vàng vọt. Tôi chợt cảm thấy buồn sâu đậm. Đến trước nhà trọ, Vĩnh nắm tay tôi siết nhẹ. Tôi vẫn để tay yên trong lòng bàn tay ấm chắc của chàng. Chàng châm điếu thuốc rồi thì thầm:

- Thu hãy giữ gìn sức khỏe.

Tôi hơi nghẹn vì niềm xúc động chợt đến:

- Anh cũng vậy. Chừng nào... anh về?

Vĩnh siết tay tôi chặt hơn:

- Chưa biết, nhớ biên thư cho anh.

- Anh cũng nhớ biên thư cho Thu, nhớ kể chuyện vui đời lính cho Thu nghe.

Cuộc chia tay lại có vẻ bịn rịn, rồi suốt đêm hôm đó, tôi thật khó ngủ. Tôi thấy như mình thiếu thốn một thứ gì đó, và buồn rã rời, nhưng tôi không biết nguyên nhân từ đâu. Tôi cứ trằn trọc mãi trên giường, nằm lăn qua trở lại. Thời gian sao đi quá chậm theo tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức. Hương dạ lý ngoài bờ rào thoang thoảng vào phòng. Ánh trăng len lỏi vào khe cửa sổ lá sách. Không phải ly cà phê sau buổi cơm chiều làm tôi trải qua một đêm thức trắng. Chính cái nhìn và nụ cười của Vĩnh làm tôi không tài nào vùi sâu vào giấc ngủ bình thường. Rồi ngoài phòng khách, chiếc đồng hồ ODO dạo nhạc và gõ ba tiếng. Ngoài đường xe tuần tiễu chạy vút qua, bỏ lại tiếng máy nổ trong cái vắng ngắt của nửa đêm về sáng.

Từ đó tôi thay đổi nếp sống tình cảm. Tôi hay buồn, hay mơ mộng và thích đi dạo một mình trên những con đường đầy bóng mát cây me lớn cỡ nửa vòng ôm. Rồi những cánh thư từ tiền tuyến gửi về, từ Năm Căn, từ Châu Đốc, từ Tịnh Biên. Thư Vĩnh đại khái thăm hỏi tôi, kể lại những nơi anh đã đi qua, kể niềm nhung nhớ trong ngày đầu gặp tôi.

Bốn tháng sau, kể từ ngày anh đi, bất ngờ Vĩnh đến tìm tôi trong giờ làm việc. Quân phục của chàng còn lấm bụi đường. Tôi rụt rè đi chậm lại vì trên xe Jeep, ngoài Vĩnh ra còn mấy người mặc quân phục nữa. Thấy tôi, Vĩnh gọn gàng nhảy khỏi xe gọi:

- Đến đây Thu! Anh Nghiêm, đây là cô Thu, bạn tôi. Nè Thu, đây là Thiếu Tá Nghiêm, ông bạn già của anh đó.

Tôi chào viên sĩ quan cấp Tá có đóa hoa mai bạc nằm trên vạch vàng đính trên ve áo. Thiếu Tá Nghiêm niềm nở:

- Không dám, chào cô. Mặc dù ở xa Vĩnh, nhưng mỗi lần nói chuyện với hắn qua điện thoại, hắn hay nhắc đến cô luôn. Hôm nay tôi mới hân hạnh được gặp cô. Vĩnh nói không sai chút nào cả, cô còn đẹp hơn hắn tả nữa.

Tôi e thẹn cảm ơn ông. Thiếu Tá Nghiêm tươi cười:

- Hôm nay tôi đưa Vĩnh về đây giao cho cô. Khi hắn hết phép thì cô nhớ nhắc hắn về trình diện. Nếu trễ, hắn sẽ bị phạt đó. Thôi chào cô, chúc cả hai vui vẻ.

Trong những ngày nghỉ phép, Vĩnh luôn đến đón tôi. Sau giờ làm việc, chúng tôi đi ăn, tản bộ vòng thành phố nhỏ bé, đi xem chiếu bóng. Trong lúc nói chuyện, Vĩnh nhắc đến Thiếu Tá Nghiêm:

- Thu biết không? Ông Nghiêm hay nói tếu, tánh tình vui vẻ. Hầu như chưa bao giờ anh thấy ổng giận hờn ai. Anh ra trường sau ổng một khóa, và về cùng đơn vị với ổng. Tụi anh rất hợp tánh nhau. Ba năm trước ổng bị trọng thương, không tác chiến được nữa, nên được về làm Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn.

Nhà ổng ở tại thành phố Cà Mau. Lúc về phép anh thường ghé nhà ổng gởi bộ đồ lính để mặc thường phục cho nó tiện, có khi anh ngủ đêm ở nhà ổng để cụng ly với nhau. Bà Nghiêm vui vẻ, hiếu khách, giới thiệu cô em gái cho anh. Cô ta cũng xinh lắm, dạy học gần tỉnh này.

Vĩnh đang nói bỗng dừng lại hỏi:

- Thu, em có nghe anh nói không?

Tôi cười nheo mắt:

- Có chớ anh.

Vĩnh liệng điếu thuốc cháy lụn xuống vệ đường, trách móc:

- Sao Thu không hỏi anh gì cả?

Tôi làm bộ ngạc nhiên:

- Hỏi gì bây giờ?

- Thí dụ như em vợ ông Nghiêm vậy.

Tôi phì cười:

- Thôi đi, đó là chuyện riêng của anh mà.

Vĩnh nhìn sâu vào mắt tôi, như muốn tìm hiểu, và chàng hờn dỗi:

- Nhưng anh muốn Thu hỏi.

Tôi ỡm ờ:

- Vậy hả? Nếu Thu hỏi mà anh không muốn trả lời thì cũng vô ích thôi. Vả lại cô ta có mắc mớ gì đến Thu đâu? Còn nếu anh muốn Thu có ý kiến, thì chần chờ gì nữa? Tốt lắm, tiến tới đi anh.

Vĩnh xoáy cái nhìn vào tôi, làm da thịt tôi nhột nhạt kỳ lạ:

- Thiệt hả? Thu nói thiệt hay muốn giả bộ với anh?

Tôi chớp mắt rồi cúi mặt xuống đất:

- Tùy anh, nghĩ sao cũng được.

- Vậy anh nghe lời Thu. Chuyến này về sẽ ghé qua nói chuyện với bà Nghiêm.

Vĩnh ngừng nói, quay lại nhìn. Tôi tránh né ánh mắt anh, nhìn đi nơi khác. Một luồng khí lạnh len vào tim tôi. Nước mắt tôi như chực trào ra. Tôi hờn dỗi, khổ sở, nhưng tôi cố trấn áp cái cảm giác ấy. Tôi bước từng bước không hồn bên Vĩnh, và có cảm tưởng mình đi trong cơn mê Vĩnh nhìn phủ cả người tôi, giọng ấm áp vẳng bên tai tôi:

- Anh nói với bà Nghiêm, anh sẽ không đi dự đám cưới cô ấy được, vì nếu có phép, anh sẽ bay về Mỹ Tho ngay, để chiều chiều đến đón Thu đi dạo phố rồi đưa Thu đi uống cà phê.

Thấy tôi không có phản ứng gì, anh dừng lại:

- Sao Thu yên lặng, không nói với anh một lời nào vậy?

Tôi bạo dạn nhìn thẳng vào Vĩnh:

- Thì anh nói đi, Thu nghe đây. Nếu hai người cùng nói thì có ai chịu nghe ai?

- Ờ, em bà Nghiêm xinh lắm. Nhưng anh không thích cô ta, nên cô ta lấy chồng vào cuối tháng này. Thu biết không? Anh đã thích người khác, Thu có muốn biết đó là ai không?

- Cảm ơn anh. Thôi anh khỏi nói. Thu dư biết người có diễm phúc đó là ai rồi.

- Thu thông minh lắm, tinh tế lắm!

Tôi xoay qua chuyện khác:

- Thôi, mình vào quán này đi. Bao giờ anh trở về đơn vị?

- Cuối tuần này. Đáng lẽ anh đã về từ hai tuần trước, nhưng vì bận rộn quá, và vì không có chuyến bay, nên mãi đến hôm qua anh đi họp Trung Đoàn rồi về đây luôn. May anh gặp ông Nghiêm sửa soạn đi công tác ở Sài Gòn, nên ông cho quá giang đó. Anh luôn khắc khoải mong thư Thu. Còn Thu thì sao? Thu có mong thư anh không?

- Cũng có, nhưng Thu bận rộn lắm. Nhiều lúc nhận được thư anh, nhưng Thu không có thì giờ. Thu bỏ quên trong ngăn kéo cả tuần chưa xem.

Vĩnh lừ cặp mắt:

- Bận dữ vậy hả? Hay là Thu không thích đọc thư anh?

Tôi ngầm trả đũa Vĩnh, thấy chàng cười buồn. Chỉ chờ có thế, tôi thích thú thêm thắt nhiều chuyện để cho chàng đau thêm. Với vẻ mặt hết sức tươi tỉnh, tôi tung thêm đòn phép:

- Hôm tuần rồi, Thu đi công tác. Dân quân phối hợp “Chiến dịch y tế về làng”. Vui lắm anh ơi! Đi từ bảy giờ sáng, mà gần tám giờ tối mới về đến đây. Nhân dịp này Thu quen thêm nhiều người như Dược sĩ Hoàng, Bác sĩ Hiên ở Quân Y, ông Mai ở Hành Chánh Tài Chánh... Anh biết không? Dân làng thật hiếu khách, họ đón tiếp tụi này nồng hậu. Lúc trưa tạm nghỉ, họ mời cả đoàn qua vườn gần đó, tặng đủ thứ trái cây. Họ rất vui mừng khi đoàn y tế đến viếng. Mệt lắm, nhưng rất vui. Có lẽ tuần tới đoàn sẽ về Cái Bè, Gò Công, hay Cai Lậy...

Lướt mắt trên mặt Vĩnh, tôi không thấy phản ứng gì rõ rệt. Chàng vẫn yên lặng trầm ngâm hút thuốc. Tôi ngừng lại uống ngụm cà phê. Bỗng Vĩnh hỏi:

- Bộ câu chuyện tới đây là hết rồi?

Tức quá, tôi gằn giọng:

- Còn, còn nhiều lắm, để Thu kể tiếp...

Vĩnh xẵng giọng, xua tay:

- Thôi đủ rồi! Đừng kể chuyện làm anh khổ sở nữa! Từ xa về đây anh không muốn nghe chuyện vui của Thu với người khác. Anh không muốn nghe, có nghe chưa?

Tôi cũng không vừa, run giọng hỏi Vĩnh:

- Sao kỳ vậy? Những gì anh nói, anh muốn Thu nghe và hỏi lại anh. Còn Thu nói thì anh không muốn nghe, mà còn hằn học, gắt gỏng nữa. Anh thật là độc tài, ích kỷ!

Vĩnh nhún vai:

- Đúng vậy! Anh rất độc tài, rất ích kỷ!

Nước mắt tôi trào ra không sao ngăn kịp! Tôi đứng phắt lên, bước ra khỏi quán cà phê, không nói lời nào. Vĩnh không ngờ phản ứng tôi lẹ như chớp vậy. Tôi vừa qua bên kia đường, Vĩnh cũng bươn bả đuổi theo, đưa khăn cho tôi. Chàng thấp giọng:

- Lau nước mắt đi Thu. Anh vô duyên quá, luôn làm Thu khóc. Tội đáng chết thật! Thôi bỏ qua đi nghe Thu. Anh về đây chỉ được mấy ngày mà. Vì nhớ Thu anh mới về đó. Khi chưa quen Thu, gặp kỳ nghỉ phép ít như vầy, anh không về đâu, chỉ thích ra ngoài phố nhậu nhẹt với tụi bạn rồi trở về đơn vị. Đừng giận anh, anh rất dở trong việc ăn nói, và không quen chiều chuộng người khác.

Tôi nghe lòng dịu lại! Vĩnh có biết đâu, thật ra tôi khóc vì ghen hờn, chứ không phải vì chàng nói xẵng, hay là tại vì không nghe tôi kể chuyện.

Những ngày Vĩnh nghỉ phép, chúng tôi dạo hết con đường này đến con đường khác. Những cảnh vật vẫn như hàng ngày, vẫn thế không gì thay đổi. Nhưng bên Vĩnh tôi thấy mỗi cảnh có một sắc thái riêng biệt hơn. Bên Vĩnh tôi thấy lòng mình ấm áp, như được bao bọc chở che. Càng ngày, tôi thấy mình thân thiết gần gũi Vĩnh nhiều hơn. Mai chàng đi rồi! Ý nghĩ đó làm tôi thấy như có cơn gió lạnh lướt qua tâm hồn, và lòng tôi chùng xuống một cách thê thảm. Tôi yêu chàng mất rồi. Giờ đây tôi mới nhìn sâu vào bản sắc đổi mới của tâm hồn mình.

“... Anh trở về cuộc sống nhà binh thường nhật. Anh loay hoay trong cô đơn xa vắng, nhớ thương, đợi chờ ray rứt. Mặc dù lúc nào cũng có sự an ủi, thân thương của tình đồng đội, nhưng anh cảm thấy thiếu vắng hình ảnh, tiếng nói, giọng cười và nước mắt hờn dỗi của Thu...”.

Đó là đoạn thư của Vĩnh. Tâm tư tôi luôn dao động. Nỗi nhớ thương thầm kín tràn ngập tâm hồn. Tôi sống trong khắc khoải chờ mong và vui buồn theo từng cánh thư của Vĩnh gởi về.

Tôi tự hỏi mình đã yêu Vĩnh rồi sao? Sao mà hình ảnh Vĩnh luôn sáng rực trong tâm tưởng tôi, từ dáng dấp khoan thai, nét mặt nghiêm trang đến đôi mắt buồn nhưng cương nghị đó? Phải, mình đã yêu Vĩnh với tất cả tâm hồn và trái tim mình. Nhưng tôi cố xua đuổi cái ý nghĩ đó đi, viện dẫn mọi lý do để quên chàng và tự bảo với chính mình là chưa yêu chàng! Nhưng tôi dối lòng để làm gì? Yêu mà không dám nhận mình yêu là lố bịch, giả dối một cách đáng ghét!

Chúng tôi có hẹn trước, chiều thứ Sáu tôi về Cần Thơ, sáng thứ Bảy Vĩnh đến thăm ba má tôi. Thư Vĩnh viết như sau: “... Anh đã yêu Thu rồi, nếu Thu không chê anh là lính chiến, thì cho anh đến thăm gia đình em. Và ba má anh sẽ chính thức đến cầu hôn...”.

Tôi xem đi xem lại đoạn thư ấy biết bao nhiêu lần; lòng bồi hồi, lo âu lẫn vui mừng, lao đao khắc khoải. Đúng là lòng tôi xáo trộn bởi nhiều tình cảm phức tạp. Tôi cũng biết khi được thư tôi gửi về, xin ba má cho Vĩnh đến thăm, bà vú sẽ có thêm nhiều việc để làm lắm. Và ba má tôi sẽ nói nhiều chuyện về tôi. Lúc nào má cũng coi tôi là cô gái bé nhỏ ngây thơ của má, luôn luôn cần sự nhắc nhở, che chở dòm ngó của má. Má lo cho tôi đủ thứ, từ miếng ăn, giấc ngủ, đến chiếc khăn tay.

Khoảng năm giờ sáng, tôi đã thấy ánh đèn ngoài phòng khách, và mùi cà phê thật quyến rũ. Định ra xin một ly, nhưng lười quá nên tôi nằm nướng lại. Bỗng tôi nghe tiếng nói mở đầu của má:

- Ông cũng biết, mỗi lần tôi nhắc đến chuyện lấy chồng, là con Thu cự nự. Giờ đấy nó cho người ta tới gặp mình, tôi nghĩ thằng ấy cũng không tệ lắm.

Ba vui vẻ:

- Con gái mình lớn rồi, vả lại nó cũng có nghề nghiệp. Vậy thì nó ưng đâu, mình gả đó. Tôi chỉ mong cho con hạnh phúc, sung sướng là tôi vui lắm rồi, không đòi hỏi gì thêm nữa ở chàng rể.

Ông bà nói thao thao; má tôi thì không giấu vẻ vui sướng trong giọng nói. Hồi tôi lên năm mười bảy tuổi, bà đã muốn tôi lập gia đình. Quan niệm của má là con gái vừa lớn là phải lấy chồng kịp thời để phụng sự nhà chồng, lo lắng cho chồng, cho con, không phải đi làm. Và tôi biết mà giờ này tưởng tôi còn ngủ trưa như ngày trước, chớ má có biết đâu, con gái má dạo này thường hay thức giấc nửa đêm, hay mơ mộng, và thức sớm để nghĩ đến người khác.

Hoanh hù tôi:

- Chị nghĩ gì miên man vậy? Mình vào đây không?

Tôi mắng:

- Thằng quỷ! Làm người ta giật mình hà. Thì vào quán Cửu Long đi.

Dạo này Hoanh có vẻ rắn rỏi, hiên ngang. Bộ quân phục Sĩ Quan trắng như tờ giấy mới làm Hoanh được các cô gái chiêm ngưỡng.

Chúng tôi ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Ông bạn của Hoanh cũng thích ứng với những mẩu chuyện nhỏ của chúng tôi. Ông này có vẻ bảnh trai hơn Vĩnh. Nước da sáng sủa, mặt mày thanh tú. Người đàn ông đẹp trai là dành cho các giai nhân hoa hậu, có tiền của, có bằng cấp cao. Phước báo nào mà đương sự lọt vào tay tôi? Chỉ có Vĩnh mới xứng đôi với tôi. Vả lại tôi đâu thích chọn tấm chồng giàu sang, học giỏi đẹp trai. Tôi chỉ cần ông chồng chung thủy, một lòng, một dạ yêu tôi. Nếu có hậu kiếp, thì kiếp sau tôi sẽ đầu thai làm cong ngỗng mái, con chim cu cườm mái, con sam cái. Mấy con này có phước trong hôn nhân, được con ngỗng trống, chim cu cườm trống, con sam đực yêu bằng tất cả trái tim, tất cả linh hồn thể xác một khi đôi đàng trở thành vợ chồng. Vĩnh của tôi khôn hơn con sam đực, hơn con ngỗng đực và oai hùng hơn con cu cườm trống, tôi chắc mẻm như vậy.

Câu chuyện giữa ba người rất hồn nhiên, rất tương đắc. Chủ đề chánh vẫn là người yêu của Hoanh, cô giáo Phượng. Đến khi ông bạn của Hoanh vào phòng vệ sinh, Hoanh sang ngồi cạnh tôi:

- Chị thấy anh ta thế nào? Con nhà đàng hoàng đó, cũng hiền lành. Em định giới thiệu cho chị, nhưng anh ta chưa biết ý của em. Em để chị nhận xét và có ý kiến trước.

Tôi cười không trả lời, Hoanh nôn nóng hỏi:

- Chị thấy sao? Có vừa ý anh ta không?

Tôi làm bộ tiếc rẻ:

- Đã trễ! Hoa đã có chủ rồi ông mai ạ!

- Thật hả? Dạo này chị kín miệng dữ há. Mà ai vậy? Đồng nghiệp hả?

- Bí mật quân sự! Lính Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Sét Miền Tây đó, có hách không?

Hoanh lại hỏi:

- Lính rừng à? Bên nhà biết chưa? Có tính gì không?

- Thiệp hồng báo tin sẽ gửi cho mi ngay. Anh ấy đã đến viếng nhà rồi. Cho mi hay nếu không gì thay đổi, bọn ta sẽ cưới vào cuối năm.

Hoanh chắc lưỡi:

- Trời đất! Sao mau vậy? Ai vậy cà? Dung nhan mùa hạ anh ta ra sao? Lương tháng bao nhiêu? Mà sao mấy người gan quá vậy? Dám tự ước với nhau không để mẹ cha sắp đặt.

Tôi mắng:

- Đừng có khùng, coi chừng ta méc cô giáo Phượng về tật tò mò, tọc mạch của mi đó!

Chúng tôi cười xòa. Trước khi chia tay, Hoanh dặn:

- Em chúc mừng chị. Nếu được phép, giữa tháng sau em sẽ về đưa chị đi gặp Phượng. Đừng có nhớ người yêu quá mà quên mất thằng em này nhé.

Tôi cảm động:

- Mi cũng vậy, nhớ thư cho ta.

- Ủa! chị còn cần thư sao biển hả? Em nghĩ giờ này chị chỉ mong thư người rừng thôi.

Nói xong Hoanh cười ha hả, nhảy đánh thót lên ngồi sau xe Honda ôm lưng ông bạn. Xe lăn bánh, và mất hút sau ngã quẹo.

Tôi trở về sở làm, nghe tâm hồn lạnh lẽo lạ lùng. Bỗng từ máy ở quán kem gần đấy phát ra, giọng hát ngọt ngào réo rắt của cô ca sĩ thời đại: “... Giờ này anh ở đâu? Sét Miền Tây chiến thắng U Minh Rừng. Anh ở đâu? Ớ ơ ờ, anh ở đâu?”. Lòng tôi chùng lại, nước mắt muốn trào ra, thương nhớ Vĩnh đến tận cùng nỗi nhớ. Phải! giờ này anh ở đâu Vĩnh ơi!

Thứ Bảy hôm đó thật đẹp. Đêm qua sao sáng đầy trời. Tôi đoán rằng suốt ngày hôm nay thế nào cũng khô ráo, cũng có không khí trong suốt. Và tôi nhất định sẽ mặc chiếc áo dài màu vàng anh in những chùm hoa ti gôn trắng hồng.

Tôi ra bến xe, ngồi vào chiếc xe lô Minh Chánh chạy về hướng Sài Gòn. Ruộng lúa hai bên đường xanh mướt, thẳng tận bên kia chân vườn. Gió thật mát lùa vào cửa sổ xe. Nắng sáng tươi hiền nhẹ trải trên ruộng lúa. Bên kia rặng cây, bóng khói tỏa lên không trung rồi lẫn vào mây. Bôỗng xe chạy chậm rồi dừng hẳn lại. Hành khách xôn xao hỏi nhau:

- Việc gì vậy? Chuyện gì vậy?

- Không biết, nhưng xe kẹt đông quá!

Đó là tiếng bác tài xế trả lời. Chú lơ xe từ trên mui vọng xuống cố ý cho mọi người trong xe nghe:

- Xe kẹt nhiều lắm, hình như có tai nạn.

Mọi người xôn xao bàn tán như chết chìm tàu. Không khí trở nên oi bức, ngột ngạt:

- Không phải, giặc Cộng đắp mô bên kia cầu, gần chòm mả vôi!

Đó là câu trả lời của cậu bé bán cà rem. Rồi cậu ta chồm vào xe nói tiếp:

- Xe kẹt hơn ba cây số. Mấy ông lính Công Binh đang rà máy gỡ mìn. Chắc là xế trưa xe mới chạy được. Cà rem cây! Cà rem cục! Cà rem đây! Ai ăn cà rem không?

Tiếng rao cậu bé xa dần, xa dần. Hành khách trên xe kẻ chép miệng, người càu nhàu, ông khách ngồi bên trên chửi rủa lầm bầm:

- Thật thứ đồ ăn hại! Cái đồ chết bờ chết bụi!

Đồng hồ tôi chỉ hơn chín giờ ba mươi. Hôm nay, tôi hẹn gặp Hoanh mười giờ. Thế nào hắn cũng chờ dài cả cổ.

Tôi nhìn về phía cánh đồng. Đám mạ xanh mướt như tấm thảm nằm rạp xuống khi có cơn gió mạnh thổi qua. Cá đớp mồi làm xao động mặt nước hai bên lề Quốc lộ. Những con chuồn chuồn màu đỏ sậm, màu vàng nghệ, đang chập chờn bay qua, bay lại tìm muỗi. Xa xa, sau vườn cây lá rậm rạp, ẩn hiện những ngôi nhà mái ngói đỏ, mái lá. Trong cảnh này, nếu không có tiếng nổ long trời, tiếng xe cứu thương hú còi hối hả, tiếng súng vang vọng từ xa thì ai có thể ngờ rằng, quê hương mình đang gặp hồi chinh chiến?

Hoanh và Phượng đón tôi ở bến xe đò. Chúng tôi đưa nhau đi dạo Thảo Cầm Viên. Cả bọn ra chợ Bến Thành. Tiện dịp, tôi mua vài món đồ cần dùng. Sau đó Phượng và Hoanh đưa tôi về bến xe trở về Mỹ Tho nội ngày hôm đó.

Phượng rất dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, mềm mỏng. Nước da cô trắng, thân hình mảnh mai. Thoạt nhìn qua, tôi không thấy cô đẹp, nhưng càng nhìn lâu, tôi càng thấy cô có duyên, và thật dễ thương. Cái điều làm tôi chú ý đến cô là cặp môi thanh tú khi cô ngậm miệng. Nhưng khi cô cười thì nụ cười buồn man mác, khóe mắt sáng. Khi bị Hoanh chọc quê, cô cũng cười mà ánh mắt rưng rưng như rướm lệ. Phượng diện áo đen mà lại hay. Màu đen làm nước da cô trắng mát. Nó làm cho các món nữ trang bằng ngọc thạch của cô thêm xanh biếc. Cô quấn “phu-la” bằng the trong suốt, màu xanh lá mạ quanh cổ nên cách ăn mặc cô sang mà nổi. Tuy nhiên, màu đen ở cô dù được màu xanh lục tươi nõn nâng đỡ, nhưng vẫn là màu buồn. Trước khi xe rồi bến, tôi gọi Hoanh đến nói nhỏ:

- Được lắm, trên 70%. Tiến tới đi Hoanh, trong cuộc đời này, rất khó tìm được mẫu người đáng mến như vậy.

Hoanh hớn hở, cười thật tươi, chào tôi làm theo kiểu chào người Nhật Bổn, khom lưng thấp xuống.

- Xin đa tạ, đa tạ. Mai mốt gặp người yêu của chị, em sẽ khen lại.

Tôi lắc đầu cười. Cô Phượng đứng không xa, nhưng bởi tiếng máy xe nổ, tiếng ồn ào nơi bến xe, dù cô không nghe được chúng tôi nói những gì. Nhưng thấy điệu bộ của Hoanh, cô cũng không nhịn được cười. Kể ra Hoanh và Phượng rất xứng đôi.

Nhớ lời hai con nha đầu Hồng và Huệ thường bảo Vĩnh và tôi chẳng những xứng đôi mà còn đẹp đôi nữa. Chẳng biết hai con xí xọn lẻo lự ấy khen thật hay khen xạo để ghẹo tôi đây? Nhưng sao cũng được. Tôi yêu Vĩnh rồi thì chàng trở thành đẹp trai trong tấm lòng yêu dấu của tôi

Khi tôi về đến nhà thì tỉnh lỵ đã lên đèn. Tôi đi tắm cho mát mẻ tươi tỉnh, mặc áo mỏng nhẹ, rồi thay nước cho bình bông huệ đặt trên bàn viết. Tối nay trăng mọc sớm. Tôi nhất định phải viết thư cho Vĩnh. À quên, tại sao mình không làm thơ khi tâm hồn mình lai láng rung động lúc nghĩ tới Vĩnh? Lâu quá rồi tôi quên lửng viết nhật ký, quên làm thơ. Tập thơ và quyển nhật ký còn nằm trong đáy rương, ướp mùi băng phiến thơm hăng hắc.

Vào giữa tháng Mười Một năm đó, gia đình Vĩnh gồm, cha mẹ, hai em, chú thím, dì dượng, cậu mợ... trên dưới khoảng mười bốn người, sang nhà ba má tôi để làm lễ đính hôn cho tôi và Vĩnh. Ngày lễ đính hôn Vĩnh không về kịp. Mặc dù chàng đã có giấy phép từ mấy tuần trước, nhưng không có chuyến bay từ tiền đồn về hậu cứ. Còn đường bộ bị Việt Cộng đào hố không đi được. Chiều hôm sau, chàng mới về tới nhà. Chính em gái Vĩnh làm lễ thay cho anh.

Gia đình chú thím tôi ai cũng khen Vĩnh điềm đạm, ít nói, còn tên Hoanh thì lại kiếm chuyện chọc quê tôi:

- Tội nghiệp cho anh Vĩnh! Quanh năm ảnh ở trong rừng, chẳng tiêu xài một đồng xu nào. Tiền ảnh để dành mấy năm nay, từ rày về sau, đã có người xài giùm ảnh rồi. Chị Thu lẩm rẩm mà có phước quá chừng chừng!

Má tôi có vẻ hài lòng vì tôi chịu lấy chồng. Lại nữa gia đình hôn phu tôi có vẻ tương đắc với song thân tôi. Bà luận bàn:

- Thằng Vĩnh lớn hơn con Thu những tám tuổi, nên trông thẳng chững chạc, đứng đắn. Nhưng coi bộ thẳng không dễ tánh đâu. Như vậy mới trị được con nhỏ này.

Tôi phụng phịu:

- Má làm con như chằng tinh vậy. Vĩnh mà nghe được sẽ nở phồng mũi cho coi. Sau này nếu ảnh ăn hiếp con là lỗi ở má đó nghe.

Ba tôi hớp từng ngụm trà nóng rồi cười khà khà:

- Phải nói thằng Vĩnh có phước mới cưới được con Thu. Con gái tôi dễ thương, giỏi giắn, đàng hoàng. Nó lại có nghề nghiệp. Đàn ông con trai ai mà không muốn cưới cô vợ như nó?

Tôi đắc chí:

- Má thấy chưa? Ba con bàn việc đời có sâu sắc không?

Má tôi cười quay qua chú thím tôi:

- Chú thím Mười coi, cha con nó lại khen nhau đó.

Chú thím tôi nãy giờ cười cười thôi, bay giờ thím mới nói:

- Anh Năm nói đúng. Thời buổi này tìm một cô gái như cháu Thu, không phải là chuyện dễ đâu đó chị.

Chú tôi chen vào:

- Đúng đó chị Năm. Chị phải khen con Thu để nó lên tinh thần mới phải.

Má tôi cười ngất:

- Thôi, thôi, tôi chịu thua anh em nhà chú rồi.

Có một điều tôi chắc chắn ba tôi rất vui, vì ba của Vĩnh cùng nghề mô phạm như ông.

Ngày đính hôn trước mặt hai họ, ba của Vĩnh xin cho cưới vào ngày 12 tháng 11 năm Kỷ Dậu, nhằm ngày 20 tháng 12 năm 1969. Vậy từ ngày đám hỏi đến ngày đám cưới chỉ một tháng hai mươi ngày thôi. Ba của Vĩnh trịnh trọng trình với nhà gái, nhưng thật sự ba má tôi cũng đã biết trước ngày thành hôn của chúng tôi rồi. Ba của Vĩnh nói:

- Chỉ còn một tháng hai mươi ngày nữa thôi, cũng hơi cận, và sau đám cưới cũng không bao lâu thì Tết ta, xin anh chị cho biết ý kiến. Chúng tôi thì không gấp, nhưng Vĩnh thì gấp dữ lắm. Gần ba mươi tuổi rồi nó mới gặp được người vừa ý, coi bộ nó quýnh lên.

Ba của Vĩnh vừa nói tới đó, cả hai họ đều cười. Ba tôi tiếp theo lời ông:

- Từ hôm nay, cháu Thu là con dâu nhà anh chị. Anh chị muốn làm đám cưới lúc nào cũng được. Thôi thì hai bên định như vậy đi, ngày đó cũng tốt với tuổi tụi nó lắm.

Thế là đám cưới chúng tôi được tổ chức đúng ngày dự định của cha mẹ hai bên. Chồng tôi là lính chiến, nhưng đám cưới chúng tôi không có “... Bốn xe lội nước theo sau, tám xe đại bác đi đầu...”, mà được tổ chức trong vòng thân mật của gia đình hai bên.

Từ Mỹ Tho qua Cần Thơ không xa, nhưng phải qua hai chuyến bắc, và lộ trình thường bị trở ngại vì Việt Cộng đắp mô, đào hố. Bởi đó, họ nhà trai qua Cần Thơ mướn khách sạn ở ngày hôm trước. Chín giờ sáng ngày hôm sau, họ đưa rể sang làm lễ, dự tiệc, đến mười hai giờ trưa thì họ nhà trai xin phép ra về. Một giờ sau đó, ba má và chú thím cũng hối thúc chúng tôi về. Thím bảo đêm tân hôn không nên bỏ phòng trống. Đám cưới chúng tôi không có đưa rước dâu. Ba tôi nói: “Thời buổi bây giờ không được yên ổn, đưa rước chi cho rườm rà, tốn kém, lại mất thì giờ. Hãy để tiền mướn xe cộ, đãi tiệc linh đình cho chúng nó làm vốn”. Đó là ý kiến hay, vì tôi và Vĩnh vốn không muốn làm đám cưới lớn.

Ba má của Vĩnh tặng chúng tôi căn nhà ở đường Nguyễn Trãi. Đây là căn nhà dành cho Vĩnh ở lúc còn học bậc Trung Học. Về sau Anh vào Đại Học phải lên Sài Gòn nhà không ai ở, nên ông bà cho mướn, bây giờ lấy nhà lại và chỉ sơn sửa chút ít mà thôi.

Xe vừa dừng lại, Thủy và thím Bảy chạy ra phụ xách đồ đạc vào nhà. Xong đâu đấy Thủy bảo:

- Má biết mấy hổm rày chị mệt lắm, nên dặn thím Bảy lên đây nấu cơm chiều cho anh chị ăn. Giờ thì mọi việc xong rồi. Em xin giao chìa khóa “căn nhà màu tím” này lại cho anh chị. À, má còn dặn anh chị ăn uống xong nên đi ngủ sớm. Ngày mai cả hai phải về dưới nhà, má có làm tiệc mừng cô dâu mới để ra mắt họ hàng.

Nói đến đây Thủy nheo mắt cười nhìn tôi, rồi cùng ra cửa với thím Bảy.

Tôi đi từ nhà trên xuống nhà dưới. Tuần trước, thầy thợ còn đang sơn sửa, giờ đây căn nhà thật ngăn nắp. Phòng khách bộ xa long bằng gỗ còn thơm mùi dầu sơn. Trên tường có treo hai bức tranh sơn dầu. Bức vẽ cô gái ngồi đan áo, trên chiếc chiếu tóc dài phủ xuống chiếu ngồi. Bức vẽ hai đứa bé đang đuổi bướm. Giữa nhà sát vách tường, bên dưới là tủ búp-phê, bên trên là hàng chữ bằng giấy màu do Nghĩa khéo tay cắt dán “Chúc Mừng Tân Hôn”. Bên trái tủ búp-phê ở góc tường là máy truyền hình. Vén màn trúc vào trong là phòng ngủ. Mền, mùng, gối, tấm trải giường, tất cả màu hồng. Màu này chắc chắn là do Thủy chọn. Trong nhà bếp, soong, nồi, bộ bàn ăn với bốn ghế, chén dĩa, than đốt, thạp gạo... Không thiếu món chi cả.

Vĩnh phụ dọn dẹp rồi đi tắm. Tôi còn đang loay hoay xếp đặt quần áo vào ngăn tủ, thì có tiếng còi xe trước nhà. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy đó là xe của bệnh viện, nên ra mở cửa. Ông quản lý, bác tài xế, Hồng, Huệ khệ nệ bưng quà vào. Thì ra ông quản lý đại diện ông Giám Đốc cùng nhân viên bệnh viện tới tặng quà, và chúc mừng chúng tôi. Tôi biết chắc Thủy báo tin cho họ là chúng tôi đã về rồi.

Chúng tôi tiễn khách ra cửa thì đã hơn sáu giờ chiều. Ở phòng tắm bước ra tôi thấy cơm canh đã dọn sẵn và Vĩnh đang ngồi chờ. Liên tục mấy ngày ngủ không đủ giấc, tôi mệt nên không muốn ăn, chỉ muốn uống nước thôi. Tôi đang ngần ngừ trước mâm cơm thì Vĩnh bảo:

- Em phải ăn chút gì chớ. Anh không muốn má vợ anh buồn, khi em đã về với anh rồi mà vẫn còn ốm nhom.

Tôi ngồi xuống ghế ăn lấy lệ. Đêm đã xuống. Tôi không cảm thấy xa lạ căn nhà này. Nó có một ý nghĩa thiêng liêng đối với tôi. Đang lúc tôi chải tóc, thì Vĩnh kéo tấm phủ giường ra. Cặp áo gối sa-teng màu hồng có thêu hai con phượng thật đẹp, nổi bật trên tấm trải giường màu trắng tinh. Tôi còn đang ngại ngùng len lén nhìn Vĩnh rồi rón rén nằm xuống. Vĩnh khẽ choàng tay qua người tôi, hôn nồng nàn lên môi tôi, lên mắt tôi rồi khẽ nói:

- Ngủ đi em, em mệt lắm rồi. Mai sớm chúng mình còn phải về dưới nhà nữa.

Giấc ngủ đến với tôi thật dễ dàng. Khi tôi tỉnh giấc, căn nhà ngập đầy ánh sáng ban mai. Nhìn đồng hồ đã hơn tám giờ, tôi lính quýnh ngồi dậy. Vĩnh cũng vừa từ nhà dưới đi lên.

Tôi trách yêu:

- Sao anh không gọi em? Bộ anh không vặn đồng hồ báo thức hả?

Vĩnh ngồi gần tôi và nhìn sâu vào mắt tôi:

- Thấy em ngủ ngon quá nên anh để em ngủ. Vả lại ngắm em lúc ngủ, anh thấy em đẹp và thơ mộng như công chúa ngủ trong rừng.

Chín giờ hơn chúng tôi mới ra khỏi nhà. Khi cho nổ máy xe, Vĩnh cười trêu ghẹo tôi:

- Hãy ôm ngang lưng anh cho chặt, không thì té xuống đường. Từ rày về sau em phải tập ngồi xe Honda, không được nói không quen ngồi xe như dạo trước. Ờ, em có biết cưỡi xe đạp không?

- Biết, nhưng em nhát lắm.

- Để anh dặn Thủy đem xe đạp lên. Em phải tập cho quen. Bận về lần sau, anh sẽ đổi xe này thành xe đàn bà cho em đi làm việc.

Tôi lắc đầu:

- Không cần đâu, em đi bộ được rồi. Từ đây đến bệnh viện cũng không xa lắm. Hôm nào gặp trời mưa em sẽ đi xích lô.

- Không được, em phải tự lái xe chớ! Sau này còn nhiều nơi em sẽ đi đi về về mà phải đợi chờ đón xe mất thì giờ lắm, chẳng hạn như về dưới má vậy.

Chúng tôi vừa về gần đến nhà thì đã nghe tiếng cười nói xôn xao. Mùi đồ ăn thơm phức bay tận ngõ. Họ hàng thân hữu cùng xóm giềng được mời rất đông. Rất ít người mà tôi được biết. Còn nhiều người tôi chưa gặp bao giờ. Tôi cảm thấy bỡ ngỡ trước những người gọi chúng tôi bằng anh chị, chú thím, hai bác... Vì ba má chồng tôi là anh chị cả trong đại gia đình họ Trần, nên vợ chồng tôi thuộc về vai lớn với đám con cô, con chú, con dì, con cậu của Vĩnh.

Ba má Vĩnh dắt chúng tôi đến trước bàn thờ lạy ra mắt ông bà, sau đó đến xá họ hàng trưởng thượng một xá, vì chúng tôi được miễn lạy. Khi tiệc đã dọn lên xong, mọi người đến dự được mời vào bàn.

Bữa tiệc có nhiều món lạ nhưng không phải là món cầu kỳ: tóc tiên nấu với lòng gà và da heo khô, bào ngư xào nấm đông cô, chả thịt gà cuốn lá gừng nướng than, thịt bò nướng ống tre... Toàn những món phổ thông cho đám tiệc miệt Tiền Giang, tôi đã biết cả rồi vì đã ăn qua. Tôi chỉ chú ý những món khéo là món thịt kho với phần mỡ trong như sương sa, bánh tét với nhân lộng hình chữ Thọ, bánh hỏi đẹp như ren thêu để ăn cặp với thịt quay và tôm nướng.

Tôi nghĩ rằng mẹ chồng tôi và các cô, dì thím, mợ bên chồng tôi khéo léo về bếp núc, thêu may. Làm sao tôi dám đãi họ về sau này? Vốn dĩ tôi vụng về trong việc thêu thùa, chiên nấu kho xào.

Chúng tôi đi từng bàn, kẻ mời nước ngọt, người mới rượu chúc mừng. Tôi chỉ uống chút ít nước ngọt, còn bao nhiêu rượu thì Vĩnh uống thay hết. Tôi không ngờ Vĩnh uống rượu mạnh như vậy. Má chồng tôi xót ruột nói:

- Xin các anh chị đừng ép cháu uống rượu nữa. Sáng sớm mai, hai cháu còn đi Vũng Tàu.

Má chồng tôi vừa dứt lời, thì có tiếng xì xào: “Đi hưởng tuần trăng mật”.

Đến gần hai giờ chiều, tiệc mới tan. Ai nấy ra về, chỉ còn vài người thân ở lại phụ dọn dẹp. Đàn ông thì ráp cửa, xếp bàn ghế, đàn bà thì rửa chén bát, chùi nồi niêu. Tôi phụ sắp chén và bưng vào nhà. Má chồng tôi nắm tay tôi:

- Con vô đây, để đó cho Thủy. Nó biết chỗ cất chén dĩa. Con chưa quen nơi chốn trong nhà này đâu

Bà gọi Vĩnh, rồi dắt chúng tôi vào buồng:

- Đây là căn buồng lúc mới cất nhà, ba má xây cho thằng Vĩnh để dành cưới vợ. Nay các con không ở đây, nhưng nó vẫn là của các con.

Rồi bà chỉ quà, bánh, rượu:

- Đây là quà tặng bà con mừng các con đó. Thấy tiện thì đem. Hoặc là khi các con đi Vũng Tàu về, má sẽ nhờ chú Bảy chở lên cho.

Vĩnh thoái thác:

- Thôi để đi Vũng Tàu về hãy hay. Tụi con không cần nhiều thứ như vậy đâu. Ba má tổ chức tiệc tùng làm chi cho cực? Không có tiệc, hôm nay Thu vẫn là vợ con mà.

Tôi cào nhẹ tay Vĩnh, cố ý bảo chàng đừng nói, nhưng chàng làm bộ như không nghe thấy. Má chồng tôi gạt ngang:

- Nói bậy nà, ba má đã châm chế nhiều lắm đó. Theo lẽ đám cưới con làm phải thật linh đình vì ba con là trưởng nam trong ngành trưởng gia tộc, mà con cũng là anh cả trong gia đình nữa.

Ba chồng tôi cũng vừa vào tới, ông nói:

- Lúc đám cưới ba, ông bà nội tổ chức thật lớn, đãi họ hàng ba ngày, ba đêm. Ba phải lạy những bậc trưởng thượng ê ẩm cả đầu gối, mà ông cố ngoại các con cũng chưa chịu cho rước dâu. Ba phải lạy thêm một chập nữa. Ổng bắt lỗi đàng trai đủ điều, hành tội ba đủ thứ.

Má chồng tôi liếc xéo về phía ông cười:

- Ông cứ nhắc đi nhắc lại hoài cái chuyện xa lơ xa lắc đó hàng trăm lần rồi. Xưa khác nay khác chớ. Ông không sơợ con dâu nó cười sao!

Chiều, trước khi về nhà, tôi có yêu cầu Vĩnh tìm cho tôi mâm trầu rượu dùng lúc ban sáng. Má tôi đã dặn: “Phải lạy cha mẹ chồng để trao thân gởi phận, đó là việc phải làm. Nếu không lạy, rủi gặp gia đình khó tánh họ sẽ bắt lỗi con không biết lễ phép, và họ sẽ cười cha mẹ không biết dạy con”. Vĩnh tìm hoài không thấy mâm trầu rượu nên hỏi Thủy. Thủy nói:

- Má bảo em rửa cất hết rồi. Mà anh tìm chi vậy?

Vĩnh cười chắc biết dụng ý của tôi nên nói:

- Em hỏi chị Thu đi!

Tôi nhăn mặt với Vĩnh, chàng càng cười lớn, làm tôi tức nghẹn cổ. Má chồng tôi từ ngoài sân bước vào hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Thủy cười:

- Chị Hai cần mâm trầu rượu.

Má chồng tôi trìu mến nhìn tôi, rồi gọi cha chồng tôi vào. Có lẽ cả hai hiểu ý tôi tìm mâm trầu rượu để làm gì. Ông nói:

- Đừng có câu nệ như vậy. Ba má đã thương con như con Thủy rồi. Tất cả những gì của ba má có là của anh em các con. Thôi chế đi. Con cũng mệt trong mấy hôm rày.

Ông nói xong lại kéo ngăn tủ, lấy phong bì dầy cộm trao cho tôi:

- Cho hai con, để mai đi chơi cho vui. Tiền này của bà con họ hàng mừng đám cưới hai con đó.

Tôi không chịu lấy tiền, Vĩnh nói:

- Ba cất đi, tụi con còn tiền.

Thủy xen vào, cầm lấy tiền trên tay ông, nói:

- Anh chị chê tiền thì em lấy xài chơi.

Má chồng tôi kéo tay Thủy lại, mắng:

- Con nhỏ này lộn xộn. Có đưa cho chị dâu mầy không? Lương hướng các con không được bao nhiêu. Sau này nếu có thiếu hụt thì cứ hỏi ba má.

Thủy nhét bao thư tiền vào giỏ tôi:

- Lộc của anh chị đó. Chúc anh chị đi chơi cho vui. Đừng nên mua quà cho em nghe. Anh chị cứ yên tâm, em và Nghĩa sẽ giữ nhà cho. Sáng mai, anh chị đi sớm phải không?

Vĩnh gật đầu:

- Đi sớm cho mát. Nhưng anh còn hỏi chị Thu em nữa.

Tôi khều Vĩnh, ý ngăn anh đừng nói, đừng có chọc ghẹo tôi hoài. Nhưng anh mỉm cười nhìn đi nơi khác.

Về đến nhà hơn bảy giờ, tôi đã thấm mệt. Chúng tôi còn phải sửa soạn hành trang để mai lên đường sớm. Loay hoay đã hơn mười giờ tối, khi nằm xuống giường tôi đã thấy rã rời. Vĩnh kéo mền lên đắp cho tôi, và hôn lên trán, lên mắt, lên môi tôi. Tôi rúc vào lòng anh ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.

Đồng hồ báo thức reo vang. Tôi cùng Vĩnh thức dậy, khăn gói lên đường. Chúng tôi đến Sài Gòn, ăn tạm ở bến xe cho tiện, rồi chở hành lý qua bến xe đi Vũng Tàu lúc mười một giờ.

Xe chạy bon bon ra khỏi Bà Rịa một đỗi bỗng dừng lại. Xe cộ bị kẹt quá dài. Hành khách trên các xe khác tản mác xuống lộ. Kẻ ngồi người đứng.

Những người bán nước ngọt, bán bánh, bán mía xúm lại theo các xe mời mọc rao hàng inh ỏi. Hỏi ra mới biết ở chặng đường phía trước đêm rồi có xảy cuộc đụng độ giữa hai bên. Giờ đây, đội Công Binh Quốc Gia đang đắp lại những khúc lộ bị hư, và đang rà gỡ mìn của địch.

Trên lưng trời phía rừng rú núi đồi xa xa, mờ mờ, mấy chiếc máy bay đang dội bom. Tiếng nổ ầm ì vang dội. Rồi những cột khói to, đen nghịt ngùn ngụt bốc lên. Tôi hơi lo lắng cảm thấy mặt đất như bị rung chuyển.

Một số hành khách xuống xe đi tới đi lui cho đỡ nóng. Mặc dù gió cuối Đông man mác thổi qua, nhưng không làm giảm bớt cơn oi bức của nắng trưa dội xuống mặt lộ đá, hơi nóng bốc lên hừng hực. Tôi và Vĩnh vẫn ngồi trên xe, chàng đốt thuốc hút, không nói lời nào. Hơn hai giờ xe vẫn chưa chạy được, Vĩnh như hiểu ý tôi:

- Đừng có lo. Chúng mình sẽ đến nơi nội trong ngày hôm nay mà. Để anh gọi nước uống. Em có đói không?

- Không đói. Không khí hâm hấp nóng quá làm em hơi nhức đầu.

Vĩnh choàng tay ôm vai tôi:

- Em hãy nhắm mắt lại dưỡng thần cho khỏe, không ngủ cũng được.

Tôi nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ, nhưng không tài nào ngủ được. Hành khách cứ xôn xao không ngớt. Bỗng bác tài xế rồ máy xe. Chú lơ xe la lớn:

- Bà con lên xe đi. Đường đi được rồi.

Xe bắt đầu nhích bánh, chạy nối đuôi nhau dài không biết bao xa. Những tiếng thở dài khoan khoái, những khuôn mặt mừng rỡ khi xe chạy. Vì gần ngày Tết kẻ buôn, người bán mong đến nơi đến chốn cho xong, mong mọi việc đâu vào đấy, trước khi đón năm mới bước sang. Chỉ có tôi và Vĩnh rỗi rảnh sau ngày cưới.

Xe qua khúc lộ bị loang lỗ vết mìn nổ. Công Binh đang sửa chữa. Ở xa tôi đã cảm nhận mùi khen khét từ chiếc xe Thiết Giáp còn âm ỉ khói, những vết máu khô còn bê bết dưới lộ, trên đám cỏ mọc bên đường, trên xe bị cháy. Mấy thây người nằm trên bãi cỏ, được phủ vải ni lông, còn lòi chân ra. Tôi vùi đầu vào ngực Vĩnh:

- Thật dễ sợ!

Vĩnh ôm chặt vai tôi như che chở:

- Đừng nhìn ra ngoài nữa em, hãy nhắm mắt lại ngủ đi.

Qua một đổi xa, xe chạy mau hơn. Gió mát bên ngoài lùa vào các cửa sổ xe thật dễ chịu. Làm việc ở bệnh viện, thấy người chết là một việc thường đối với tôi. Nhưng trước cảnh tượng bất ngờ như vậy, làm sao tôi không sợ hãi?

Một bàn tay ấm áp lay nhẹ vai tôi, tiếng Vĩnh trầm rền dội vào tai tôi:

- Tới rồi! Em nhìn ra ngoài xem.

Thì ra tôi đã ngủ một giấc không biết dài bao lâu. Tôi chồm ra cửa sổ xe reo lên:

- Gió mát quá! Coi kìa, biển thật xanh, đẹp quá! Sao anh không đánh thức em sớm hơn?

Vĩnh âu yếm:

- Lúc nãy thấy em ngủ ngon, anh không muốn đánh thức em, để bác tài xế chở em về Sài Gòn. Nhưng anh không đành lòng.

- Vậy sao? Ghét anh quá! Tuy anh không chơi ác, nhưng có ý định ác. Coi chừng em đó.

Vừa nói tôi vừa cào vào đùi Vĩnh một cái. Phố xá xa lạ, hàng cây bên đường che bóng, gió lồng lộng thổi, thật mát. Tôi thấy tâm hồn thơ thới, vui tươi như chưa từng đến thành phố này bao giờ.

Khách sạn chúng tôi ở nằm bên cạnh bờ biển, giữa khoảng đường đi Bãi Trước và Bãi Sau. Vĩnh bảo rằng như vậy rất tiện, muốn đi bãi nào cũng gần. Bãi Trước thì quá ồn ào, còn Bãi Sau thì quá vắng vẻ. Nhưng bãi nào cũng có cái đẹp riêng của nó.

Buổi tối, chúng tôi ăn cơm tại khách sạn, vì khách sạn ở kế nhà hàng, lại cùng một chủ, nên rất tiện. Tiệm ăn có bán các món Tây. Ông quản lý khách sạn mời chúng tôi món tôm hùm hấp chín phết sauce mayonnaise ăn với bánh mì nướng và uống rượu Vin d’Alsace tức là rượu chát trắng. Tôi gọi các món đồ biển phổ thông: Canh chua cá nhám, cá thu kho giềng, tôm xao cải rổ. Ăn uống, tắm rửa xong thì phố xá đã lên đèn.

Tôi mặc chiếc áo ngủ dài phết gót màu hồng tươi, xức một chút dầu thơm hiệu Lancôme. Xong tôi lôi tập vở bìa cứng bọc nhung dùng làm quyển nhật ký. Tôi mở đầu ở trang ba hàng chữ:

Ngày... tháng... năm...

Cuộc sống của Vĩnh và Thu khởi đầu qua ngày thứ ba.

Phòng chúng tôi ở cửa sổ nhìn ra biển. Về đêm, biển mờ sương, có vẻ huyền bí. Tiếng gió vi vu lay động nhành dương liễu quanh nhà, tạo thành âm thanh rào rào êm tai. Trên nền trời xanh thẳm sao lấp lánh. Nước biển trong vắt, rì rào tiếng sóng vỗ bờ. Ngoài khơi xa, sương mù dầy đặc. Chiếc ca-nô của Hải Quân từ đâu chạy vụt qua, rồi mất hút trong đêm tối.

Nhớ có lần Hoanh viết thư cho tôi, nói là biển về đêm đẹp lắm, không biết tả thế nào cho tôi biết cái đẹp của biển. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Hoanh ơi, ta không ở giữa biển như mi. Nhưng ở đây nhìn ra ta thấy biển đẹp một cách huyền bí, dù ta không thấy ánh trăng lấp lánh trên sóng, không thấy được sao soi bóng vào khoảng nước im sóng đi nữa”.

- Đi ngủ nghe em, ngày mai chúng mình còn đi chơi nữa.

Tiếng Vĩnh giục. Thì ra Vĩnh đứng sau tôi tự bao giờ. Tôi không nói gì, ngả đầu vào ngực chàng. Vĩnh hôn lên mắt lên trán rồi ẵm tôi lên giường. Đèn phòng vụt tắt. Bộ đồ ngủ rời khỏi thân... Tôi không còn nghe thấy gì nữa, khi tâm hồn và thể xác tôi tan biến trong hơi thở nồng nàn của Vĩnh.

Thôi giã biệt tuổi hồng thời con gái
Đây mùa Xuân hôn phối đẹp vàng son
Khi chiến chinh còn khua động nước non
Tình vụng dại âm thầm tan biến hết
Tuần trăng mật thắm tươi như ngày Tết
Bên nhau cùng thêu dệt mộng tương lai
Nghĩ làm gì những lối rẽ ngày mai
Khi hoa cưới đã cài lên áo cưới

Chúng tôi đi vòng ra chợ ăn sáng. Vĩnh đưa tôi đi vườn mãng cầu dai. Lạ thật! Mãng cầu trồng vùng nước mặn sao sai trái quá! Trái nào cũng to cỡ bụm tay. Chúng tôi hái trái chín ăn liền tại gốc, hái một mớ đem về. Ở đây, ăn xong chủ vườn mới tính tiền, nhưng cũng không mắc lắm. Sau đó, chúng tôi ra lộ đi thăm một vài nơi, rồi dùng xe Lam thăm Thích Ca Phật Đài. Vĩnh mua ghim mía bán bên đường đưa cho tôi:

- Em ăn đi, mía ở đây ngọt hơn mía ở tỉnh mình.

- Sao vậy?

- Vì là mía vùng nước mặn mà.

Vĩnh đã đưa tôi đi thăm chỗ này, viếng chỗ kia, nơi nào ăn ngon, nơi nào có nhiều việc lạ. Trên đường đến Thích Ca Phật Đài, tôi cứ thắc mắc không biết tại sao Vĩnh có vẻ rành vùng này quá vậy? Bỗng dưng một chút ghen hờn làm tôi khó chịu, mắt tôi cay cay muốn khóc. Đi bên Vĩnh tôi không nói lời nào, không chỉ trỏ, không hỏi han những vật chung quanh như lúc nãy.

Lên đến Thích Ca Phật Đài, tôi nhìn chung quanh. Thành phố Vũng Tàu thu nhỏ lại dưới tầm mắt tôi. Biển mênh mông xanh thẳm. Những chiếc tàu Hải Quân màu trắng xám như bất động trên mặt nước. Đó là vì tầm mắt tôi phải trải trên biển rộng lớn vô cùng, chớ thật ra tàu chạy rất nhanh. Tôi nghĩ tội nghiệp cho Hoanh. Nơi Hoanh ở, nơi Hoanh đi toàn là nước. Nước mênh mông, nước bốn bề. Hèn gì lúc nào Hoanh cũng than buồn. Dưới chân núi rất ít du khách, vì gần Tết rồi mà! Nhưng vẫn có người lác đác đi lên. Trông họ nhỏ bé như những tượng bằng gỗ đặt trên thềm xi-măng nhỏ đang di động.

Vĩnh đến bên tôi, sờ trán tôi:

- Em không được khỏe hả?

- Không.

- Nếu em mệt thì mình về. Hôm sau viếng cảnh tiếp.

- Không.

Vĩnh nhìn tôi như dò xét rồi nói:

- Em có điều gì buồn? Nói anh nghe đi. Đi chơi mà buồn thì uổng phí cuộc vui. Nói đi em.

Tôi hỏi gặng:

- Anh quen vùng này lắm hả?

- Đúng vậy, lúc còn đi học, thứ Bảy nào không về dưới nhà thì anh thường ra đây.

- Với người đẹp phải không?

Vĩnh nhìn tôi như chợt hiểu rồi cười thật tếu:

- À, thì ra là vậy! Phải chi đi với người đẹp cũng đỡ, mà đi với đực rựa mới khổ chớ.

Tôi bật cười khi nghe Vĩnh than thở:

- Bạn thân anh có người cô ruột ở Rạch Dừa, nên anh thường theo nó ra đây tắm biển, câu cá. Nếu không tin anh đưa em đến thăm bà ấy cho biết.

Tôi xua tay khoát:

- Không, em chỉ thuận miệng thôi mà.

- Thôi được rồi để anh nói luôn, không khéo em lại buồn mà anh không biết. Khi còn học ở Văn Khoa, anh có quen người bạn gái cùng trường. Cô ta đẹp, lanh lợi, tân thời. Quen nhau chừng năm, sáu tháng gì đó, anh bỏ học đi lính. Khi vào lính chừng một năm thì anh được tin cô lấy chồng ngoại quốc và theo chồng về nước. Chỉ có vậy thôi, nên anh không có thời giờ dắt cô đi đâu cả. Đừng có để ý mà buồn vu vơ. Anh không ngờ em nhớ dai và ghen dữ vậy.

Tôi nhỏ giọng:

- Vì em là đàn bà mà!

Vĩnh cười nhìn tôi:

- Anh cũng ghen ghê lắm đó. Em có quen với ai không?

- Nghĩa là sao anh không hiểu?

Vĩnh chồn lên nhìn sâu vào mắt tôi:

- Nghĩa là em có người yêu trước khi gặp anh không?

- Em nhớ anh đã hỏi rồi mà. Có chớ!

- Ai vậy, ông dược sĩ ấy hả?

Tôi chỉ vào trán Vĩnh cười:

- Đây nè!

Vĩnh ôm vai tôi:

- Thật ra lúc mới gặp em, anh thấy em có gì là lạ, em rất hiền lành, dễ thương.

- Vậy bây giờ em hết hiền lành hết dễ thương rồi sao?

Vĩnh xua tay:

- Vẫn trước sau như vậy. Em biết không? Lúc em qua bên vườn về, ba má và Thủy cứ cật vấn anh luôn. Ba má thì bảo anh nên tìm cách gần gũi em để gây thiện cảm với em. Thủy thì nôn nóng hỏi anh xem em có đẹp lòng anh không? Má thì bảo bây giờ trai gái rắc rối, chỉ bằng lòng kết hôn với nhau, sau khi gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Hồi xưa, ba má có bao giờ biết trước nhau đâu, mải đến rước dâu cả hai mới thấy mặt nhau rõ hơn. Trước đây lúc ba coi mắt má, má bưng nước ra mời khách rồi rút lẹ vào trong. Lúc đám hỏi, má cũng xẹt ra chỗ đàng trai một chút rồi lặn sâu dưới bếp. Ba chưa kịp quan sát má, má chưa kịp thấy mặt ba rõ ràng. Theo má, em có vẻ hiền lành, có lễ độ, có vẻ đằm thắm nết na. Tuy là gái ở thời đại mới, nhưng em không lý sự ồn ào, không xí xọn đấu lý với nam phái. Má chỉ sợ anh cưới em không được mà thôi. Còn cô ả Thủy thì cho rằng, nhờ vẻ thùy mị đoan trang mà em có rất nhiều kẻ theo đuổi. Chẳng hạn như ông dược sĩ bên bệnh viện dã chiến, cả mấy ông bên quân y viện cũng vậy. Theo Thủy, nếu anh cứ chần chờ thì sẽ bị kẻ khác phỗng tay trên. Anh thì sợ em chê anh nên nhờ Thủy dọ ý em giùm anh. Má nóng ruột toan xách dù đến gặp em. Nhưng Thủy can gián, bảo việc vày anh phải tự giải quyết lấy, phải bạo dạn lên. Đó, em coi, anh một khi gặp tiếng sét ái tình, lại đâm ra nhút nhát, chớ đâu phải táo bạo như em tưởng.

Vĩnh vừa ngừng lại thì tôi nói ngay:

- À, thì ra anh cưới em là vì gia đình xúi phải không?

Chàng lắc đầu cười:

- Lần về phép với ông Nghiêm cho quá giang, anh định hỏi em. Nhưng anh ngại quá, lại sợ em không bằng lòng, em lại hay khóc. Thật là khó mở miệng. Nên khi trở về đơn vị, đêm đó anh viết thư cho em ngay. Thư gởi đi rồi, anh cứ thấp thỏm chờ mong...

- Nếu anh không gắt gỏng thì em có khóc đâu. Ờ, còn nếu em không bằng lòng thì sao?

- Anh sẽ buồn lắm. Sẽ không bao giờ hỏi cưới một cô nào nữa. Và anh sẽ ở trong rừng luôn không về.

- Có đúng không đó? Hèn gì Hoanh nói em ưng người rừng.

- Thủy kể, em hát hay, em có nhiều người theo? Anh tính nhẩm số người mà em quen đông hơn Tiểu Đội. Quen trong dịp nào vậy? Quen lúc đi học hay lúc đi công tác?

- Lúc còn đi học em ít quen ai lắm. Nếu có cũng là những bạn học cùng trường, hoặc những bạn của Hoanh, họ gọi em bằng chị như Hoanh. Nhớ chuyến anh về với ông Nghiêm; đi dạo phố với em mà lúc nào anh cũng nhắc đến cô em vợ ổng hoài. Em hờn giận anh lắm. Tại anh chọc tức em, em chọc tức anh lại thôi. Em xấu xí thế này, ai mà thèm thích em, cho nên không có ai để lọt mắt xanh, mắt đỏ của em hết. Anh nhắc đến hát em còn thấy mắc cỡ quá chừng!

- Sao vậy?

- Em còn nhớ ngày mãn khóa lớp Tá Viên đầu tiên, Bộ Y Tế gởi điện tín ngợi khen các nhân viên của Ty và các nhân viên của Bệnh viện. Bác Sĩ Trưởng Ty phấn khởi trong lòng, bỏ tiền ra tổ chức một bữa tiệc thật linh đình, cho mời nhân viên của Ty và của Bệnh Viện, từ hành chánh đến chuyên môn tới dự. Anh cũng dư biết hai con bạn khùng điên của em là Hồng và Huệ. Hôm đó tụi nó là hai nhân vật nổi đình, nổi đám về các tiết mục như khiêu vũ, ca hát, ngâm thơ. Mấy cô học trò Tá Viên đảm nhận hai màn vũ thật hay, giống như các nàng tiên nga múa quạt múa lụa. Bác sĩ giám đốc ngâm thơ bằng giọng trầm ấm bài “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” có tiếng sáo du dương của chú tài xế Mừng phụ họa. Hồng và Huệ song ca bản “Trăng Thanh Bình” của Lam Phương bằng giọng trong ấm. Đến tiết mục đơn ca, ban tổ chức mời mà không có chàng nào cô nào xung phong. Thế là họ đề nghị rút thăm. Hai con Hồng, Huệ kia không biết giở trò lươn lẹo thế nào mà bắt trúng tên em, em từ chối cách chi cũng không được. Mọi người vỗ tay, huýt sáo, như vỡ chợ. Em đành hát bài “Chàng Đi Theo Nước” của Hiếu Nghĩa, thầm gởi về anh. Lời bài hát rất lạc quan, vẽ cảnh chàng chiến binh trở về giữa ngày vui chiến thắng. Bài hát chấm dứt, mọi người hét lớn: “Cô Minh Thu hát cho Dược sĩ Châu đó”. Em sợ quính lên vì có sự trùng hợp: tuần tới Dược sĩ Châu phải đi thụ huấn quân sự ở Thủ Đức để khi ra trường sẽ về làm ở Quân y dược. Bữa tiệc tàn, em còn đang đứng xớ rớ đợi hai con nha đầu kia cùng về, thì Dược sĩ Châu đến gần nhẹ giọng hỏi: “Có phải vừa rồi cô hát cho tôi không cô Thu?”. Em mắc cỡ, nhưng quả quyết trả lời: “Dạ không, tôi hát cho người yêu tôi, một chàng chiến binh thật sự, một Người Tình Ngoài Mặt Trận, nói theo Nhà Binh của Nhã Ca”. Dược sĩ Châu trơ trẻn hỏi: “Vậy thì xa quá. Tôi còn có cơ hội không Minh Thu?”. Em lắc đầu: “Thưa ông, tôi sắp thành hôn”. Dược sĩ Châu thở dài. Trước khi đi nơi khác, ông ta nói: “Xin thành thật chúc phúc cho cô”. Đó, anh thấy chưa? Cho dù em có quen biết nhiều người, nhưng em không ưng ai, lại ưng anh. Vậy là anh hơn họ rồi.

Vĩnh hỏi tôi:

- Ai dạy em hát vậy? Chắc em ưa lên sân khấu để ca hát?

Tôi lắc đầu:

- Có ai dạy riêng cho em đâu. Các lớp ở nhà trường từ lớp Đệ Nhứt trở lên vẫn có giờ âm nhạc mà. Đôi lúc em ưa hát nghêu ngao. Bữa lễ hôm đó, thấy em ít nói, ít cười, nên nhỏ Hồng, Huệ bài mưu tính kế để bắt em phải hát, cốt phá em. Về sau Hồng bảo: “Trong buổi tiệc mi thật nổi đình nổi đám lắm”. Nhỏ Huệ nguýt em lia lịa, rồi bảo: “Bình thường mi nhút nhát. Có ai nghe mi hát hò bao giờ đâu. Bữa đó mi chẳng những không khớp mà còn hát hay. Ai lột lưỡi mi vậy, hả con nhỏ mắc dịch?”

Vĩnh cù lét tôi:

- Anh không ngờ em khéo léo trong việc hành hạ anh, lại còn khéo ăn nói nữa.

- Còn có nhiều việc anh không thể nào ngờ được lắm.

- Vậy hả? Như việc gì?

- Chưa tiết lộ bí mật được. Thiên cơ bất khả lậu mà!

Chúng tôi vừa đi xuống núi vừa nói chuyện. Một lúc sau tôi mới phát giác ra, Vĩnh chỉ trả lời tôi hỏi thôi, chứ không nói nhiều như lúc nãy, gương mặt anh thoáng buồn. Rồi Vĩnh đốt thuốc hút. Không nhịn được, tôi cười thành tiếng, Vĩnh cũng mỉm cười, hỏi tôi:

- Chuyện gì vui mà em cười?

- Trông mặt anh bí xị mắc tức cười. Em chỉ nói đùa thôi. Em giờ còn có bí mật gì mà anh không biết! Thủy lại là tình báo của anh nữa. Em đơn giản lắm không gút mắc như anh tưởng đâu mà lo. Thì ra anh em các người toa rập với nhau mà. Phải chi em biết được thì em không bao giờ qua vườn bên cồn với Thủy đâu.

- Đã trễ rồi cô ơi. Trời đã định cô mắc cạn ở cồn thì làm sao cô tránh khỏi?

Chúng tôi vừa nói vừa nhảy nhảy xuống từng bậc tam cấp. Đối với tôi bây giờ vạn vật chung quanh, không gian, thời gian đều thơ mộng tuyệt vời. Buổi sáng hôm ấy trời màu lam ngọc xanh phơn phớt điểm lác đác những dải mây mỏng trắng như lụa.

Tiết trời khô ráo nên màu trắng vàng tươi. Mặt biển dưới thấp, phía xa xa lóng lánh màu ve chai gợn sóng trắng xóa. Cỏ cây xanh mướt. Các loại hoa dại như hoa bìm bìm màu tim tím, hoa trang rừng trắng, hoa ổi tàu màu vàng, hoa cỏ đai màu thiên thanh mọc lác đác trên thảm cỏ xanh, làm tôi có cảm tưởng những bông hoa do Chúa Xuân thêu để điểm trang cho thảm cỏ.

Cuộc đời ở đây sao mà thanh thản bình yên! Pho tượng Phật Thích Ca được đúc bằng bê tông cốt sắt, và được sơn trắng, từ dưới trông lên như khối phấn trắng khổng lồ in trên nền trời gợn mây. Thỉnh thoảng trên không trung, một chiếc phi cơ phản lực lướt qua, tuôn một luồng khói trắng mỏng như kết ren hình cầu vồng để rồi làn khói đó lẫn vào mây trắng. Vĩnh nắm tay tôi:

- Thôi chúng mình về nghe em. Nghỉ ngơi, ăn uống xong, hãy cùng nhau đi dạo phố đêm, đi uống cà phê. Em đã quên hương vị của cà phê rồi sao?

(Còn tiếp)

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com