.
Tôi yêu thích mãi một thời áo trắng dưới mái trường trung học nơi mà có biết bao nhiêu kỷ niệm thật là vui buồn lẫn lộn. Cuộc đời học sinh sao thật là hạnh phúc biết bao và nó sẽ đi hết với tôi trong suốt cuộc đời còn lại này đây.
Ngôi trường trung học đầu tiên của tôi là trường Thủ Khoa Huân. Thủ Khoa Huân là một trường nam trung học công lập của thị xã Vĩnh Long, nằm tọa lạc ven lề đường quốc lộ 4, cách thị xã Vĩnh Long khoảng vài cây số đi về hướng Cần Thơ. Phía sau trường là một con sông nhỏ uốn quanh tạo thêm vẻ nên thơ cho trường. Trong những ngày nóng oi bức, chúng tôi thường ra đây ngồi tán gẫu hoặc thỉnh thoảng lại thích làm thơ. Cũng may là các bài thơ này không quá tệ như bài thơ Con Cóc.
Tôi bước vào trường trung học Thủ Khoa Huân ngày đầu với lòng nôn nóng, bỡ ngỡ, có chút hoang mang lo lắng, và nhiều câu hỏi tự đặt ra trong đầu, không biết mình có học được tốt không đây? Bỡ ngỡ bên những gương mặt mới lạ của những người bạn mới, với các thầy cô mới. Thầy cô ở đây có phần khác nhiều với những thầy cô mà tôi đã học ở tiểu học. Đa số thầy cô ở đây thật là trẻ với nhiều năng lực. Ngày đầu bỡ ngỡ rồi cũng qua mau. Tôi quen dần và thích nghi thật nhanh với môi trường trung học mới này. Rồi tôi có được những người bạn mới. Chúng tôi thích nhất là những lúc được nghỉ 2 tiết cuối của lớp học trong ngày. Những lúc như vậy chúng tôi có dịp cùng nhau xuống sân vận động để chia phe đá banh thật là hào hứng. Cứ mỗi lần có dịp như vậy. Chúng tôi đề cử bạn V nhanh nhẹn mang theo trái banh chạy nhanh một lèo xuống sân vận động trước để giành sân trước. Phải nói thêm là sân vận động chánh ở giữa là nơi để cho cầu thủ thuợng thặng đá. Chúng tôi thì không thể vào đó đá được. Tuy nhiên chung quanh ở 4 góc sân banh, chúng tôi còn có 4 cánh gà. Đó là nơi lý tưởng nhất để chúng tôi có thể xếp thành goal nhỏ, và chia ra làm 2 phe để đá. Mà nếu mình chậm chân một chút thì 4 cánh gà đó sẽ bị các bạn lớp khác đến trước chiếm lấy thì coi như sẽ không còn chỗ để đá banh cho ngày hôm đó. Tôi làm quen được với V cũng nhờ hai đứa đều mê bóng đá và từ đó chúng tôi trở thành là những đôi bạn thân và cứ mỗi buổi tan trường về chúng tôi cùng đạp xe đạp thay vì đi về bằng đường cái trên quốc lộ 4, chúng tôi đi qua cầu Tân Hữu, rồi len lỏi vào những con đường nhỏ rợp bóng mát, chạy cặp theo bờ sông, cuối cùng chúng tôi bọc ra con đường ở Quận Nghĩa, đâm ra đường Lê Thái Tổ ở gần dốc Cầu Lộ. Mặc dù đi đường này xa hơn, nhưng con đường rất là đẹp và nên thơ có nhiều bóng mát, chúng tôi vừa chạy, vừa trò chuyện rất là lý thú.
Việc học ở Thủ Khoa Huân này không bị áp lực nhiều, mặc dù bài tập cho về nhà cũng khá nhiều. Chúng tôi càng học càng lấy làm hứng thú. Các thầy và cô thì hết sức là tận tụy với học trò của mình, mong mỏi các em đều trở thành những người công dân hữu ích sau này. Tôi còn nhớ có một hôm trong giờ Sử Địa của thầy S. Thầy đang giảng dạy về sự phát triển của các xứ Tây Âu. Tôi thấy đất nước người ta sao mà giàu có quá trong khi đất nước mình còn nghèo quá, tôi mới giơ tay lên hỏi thầy rằng:
• Thưa thầy cho em hỏi!
• Vâng, em cứ hỏi.
• Em thấy đất nước người ta giàu có quá sao đất nước mình vẫn còn nghèo quá vậy thầy?
Thầy S nghe tôi hỏi. Thầy khựng lại một hồi lâu, trầm ngâm suy nghĩ và bảo với chúng tôi rằng:
• Câu hỏi nầy đúng ra thầy phải hỏi lại các em.
Thoạt tiên tôi cũng chưa xác định được ý của thầy. Nhưng sau đó tôi cảm nhận ngay ra được điều mà thấy đang nói, và tự nhiên tôi cảm thấy có một nỗi buồn man mác không biết là sau này mình có thể làm được những gì cho câu hỏi này chăng?
Ngoài việc giảng dạy lớp chúng tôi về môn Địa lý. Năm đó thầy còn dạy cho chúng tôi về lịch sử của triều đại nhà Trần. Triều đại nhà Trần có những đóng góp không ít trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt nam. Một trong những đóng góp to lớn của triều đại nhà Trần là 3 lần đại thắng quân Nguyên xâm lược. Một trong những chiến thắng hiển hách đó là trận Bạch Đằng Giang lẫy lừng với Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn được Viện Hàng Lâm nước Anh bầu làm tướng tài giỏi nhất của nhân loại trong lịch sử của nhân loại thời trung cổ.
Bởi vì triều đại vua Trần có tất cả 12 vị, khó mà có thể nhớ được tất cả các tên. Thầy S có một mẹo vặt để cho học sinh dễ nhớ. Thầy đặt ra một bài thơ, từ bài thơ này, người học sinh sẽ biết được thứ tự và tên của dòng họ Trần.
Bài thơ được viết như sau:
Thái, Thánh, Nhân, Anh, Minh, Hiến, Dụ Nghệ, Duệ, Phế, Thuận, Thiếu.
Trần Thái Tông
Trần Thánh Tông
Trần Nhân Tông
Trần Anh Tông
Trần Minh Tông
Trần Hiển Tông
Trần Dụ Tông
Trần Nghệ Tông
Trần Duệ Tông
Trần Phế Đế
Trần Thuận Tông
Trần Thiếu Đế
Năm đó vào thời điểm mà chiến tranh ở Vietnam dâng lên cao độ. Có một sự kiện ở Vĩnh Long xảy ra giữa hai trường Kỹ Thuật và trường Thủ Khoa Huân. Bắt đầu từ hai bạn học sinh của hai trường gây gỗ với nhau. Sau đó nó lan rộng ra khắp cả trường. Cả trường Kỹ Thuật kéo lên trên trường Thủ Khoa Huân để ẩu đả với nhau. Các thầy và ban giám hiệu của trường Thủ Khoa Huân phải đi ra ngoài để dàn xếp. Đây là một chuyện lớn xảy ra sôi nổi được các báo chí ở Saigon cho loan tin ngay trong ngày hôm đó. Tôi có một người bạn thân đang ở trên đó viết thư về hỏi thăm tôi rằng:
• Bạn ơi, cái gì đã xảy ra ở thành phố Vĩnh Long của bạn vậy?
• Ái dà, bạn có tham gia vào việc này không vậy?
• Bạn có bị thương tích gì không vậy?
Bạn tôi liên tục dồn dập hỏi tôi nhiều câu hỏi tôi không kịp trả lời có lẽ vì quá lo lắng cho tôi hoặc là chỉ có ý chọc phá tôi thôi. Tôi cười thầm rồi và viết thư trả lời rằng:
• Cảm ơn bạn đã lo lắng cho tôi. Tôi không sao cả. Bạn cũng biết rằng tôi không bao giờ thích tham gia vào những chuyện như vậy. Tại sao mình không chọn con đường sống hòa thuận, thay vì làm chuyện ngược lại.
Rồi sau lần đó. Chiến tranh Việt Nam cũng kết thúc. Hai trường Kỹ Thuật và Thủ Khoa Huân cũng không còn ẩu đả với nhau nữa. Năm đó chúng tôi được lấy bài thi cuối năm sớm hơn dự định và vì vậy niên khóa học cùng kết thức sớm hơn. Khi tựu trường trở lại, chúng tôi mới phát hiện rằng chúng tôi không còn được trở lại với mái trường thân yêu xưa nữa, thay vào đó chúng tôi phải dời trường, ai ở đâu sẽ về lại đó học cho gần nhà và tôi mãi mãi sẽ không còn dịp gặp lại các thầy cô thân yêu và các bạn bè quý mến của trường Thủ Khoa Huân nữa. Mọi kỷ niệm đẹp của thời trung học Thủ Khoa Huân đã khép kín lại sau cánh của trường và thỉnh thoảng tôi tìm thấy người bạn V của tôi đạp chiếc xe đạp ôm cho những người khách qua lại trong một dòng đời không biết phải xuôi ngược về đâu.
Tôi rời TKH về học ở trường phổ thông cấp 2 khu C (Nguyễn Trường Tộ cũ). Lòng thương nhớ mái trường xưa vẫn còn chưa nguôi. Trường Phổ Thông Cấp 2 Khu C tọa lạc ven sông Tiền gần cầu Cái Cá. Trường nhỏ nhắn xinh xinh và nên thơ biết bao cũng giống như một khúc sông buồn lặng lờ trôi ngang qua ngôi trường của nó. Bọn học sinh chúng tôi không còn được mặc đồng phục như trước đây nữa. Trường không còn là một trường nam học sinh riêng biệt mà bây giờ có thêm học sinh nữ và Hiệu trưởng mới của trường là một người từ ngoài bắc vào. Hiệu trưởng Minh người quê ở Thái Bình, vóc dáng người chỉ có bề ngang và chiều cao thật là khiêm tốn. Tôi còn nhớ có một hôm làm lễ chào cờ ngoài trời có đại diện bên phòng giáo dục của thị xã qua làm việc. Hiệu trưởng Minh giới thiệu:
• “ Xin giới thiệu với ban giám hiệu, thầy cô, và các em: Đây nà d.c. Năm Nọc từ bên phòng giáo dục qua...”
Người đại diện bên phòng giáo dục nghe giới thiệu như vậy, tỏ thái độ luống cuống mắc cỡ vội vàng đính chính lại:
• “ Xin lỗi quý vị, tôi tên thật là Năm Lộc, chứ không phải là Năm Nọc..”
Cả sân trường vang lên một tiếng cười và Hiệu trưởng Minh cũng cười gượng theo. Đó là kỷ niệm khó quên của một thời đi học ở phổ thông cấp 2.
Thời gian trôi qua mau, tôi cũng quen dần với việc học tập ở đây. Các thầy cô vẫn thương học sinh và tận tụy với nghề nghiệp. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh bỗng mây đen kéo đến bao phủ xuống ngôi trường. Từng cơn mưa dài lạnh lẽo trút xuống lên mái trường thân yêu của chúng tôi với những giọt buồn không đoạn kết. Một lần nữa chúng tôi lại mãi mãi không gặp lại những thầy thân yêu của chúng tôi. Các thầy không còn được dạy ở đây nữa. Lí do: Các thầy phục vụ cho chế độ cũ.
Tôi mãi mãi xa rời những thầy thân yêu. Trong số đó có thầy Hiệp, thầy Hài, thầy Ánh, thầy Thu, thầy Gia,... Thầy Hiệp nhắn với các học trò đến thăm nhà thầy ở tận trong xã Hòa Tịnh. Bọn chúng tôi sắp xếp đến thăm gia đình thầy bằng xe đạp. Phải chạy xe đạp một khoảng đường khá xa, rồi phải qua một con sông dài, phải đi ghe do gia đình thầy hẹn và đến đón rước. Cuộc đi thăm thầy cũng là một cuộc đi chơi xa tít ở vùng ngoại ô. Có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong chuyến đi nầy chúng tôi sẽ không bao giờ quên được. Khi chia tay thầy ngậm ngùi tiễn biệt bọn chúng tôi và bảo rằng các em cố gắng thành người và hẹn không biết bao giờ có dịp gặp lại!
Tôi quen được với N. A. người bạn cùng lớp. Tôi rất thích nàng, và cảm nhận được rằng nàng cũng thích tôi. Đêm Giáng Sinh nàng hẹn gặp tôi ở nhà thờ Chánh Tòa mặc dù biết rằng tôi không phải là người theo đạo Chúa. Tôi nhận lời là sẽ gặp nàng trong đêm Giáng Sinh. Đúng hẹn tôi đã đến với nàng. Chúng tôi gặp nhau ở các bậc tam cấp của nhà thờ và tìm một nơi yên tĩnh để tiện việc tâm sự. Bầu trời hôm nay sao đẹp thế. Ngàn vì sao đang lấp lánh soi xuống chúng tôi như có một đấng thiêng liêng nào đó đang bảo với chúng tôi rằng: “Ta sẽ ban phước lành cho hai con một tình yêu vô cùng trong sáng”. Chúng tôi cùng ngước nhìn trời cao với những ước nguyện thầm kín mong sao cho chúng tôi mãi mãi là những người bạn tốt bên nhau. Nàng ngả đầu vào vai tôi, mái tóc bồng bềnh theo làn gió heo may quấn quít quanh mặt tôi. Chúng tôi yên lặng nhìn sao đêm với tiếng kinh cầu vang lên đâu đó và mọi việc dường như chìm trong sự bình yên mãi mãi.
Cuối năm đó, tôi đã vượt qua được cuộc thi tuyển chuyển cấp để lên học lớp 10 ở cấp 3. Mặc dù N. A. rất là thông minh học hành rất tốt, nhưng có lẽ vì lí lịch xấu, nên việc học của nàng bị đình trệ kể từ đó. Từ đó về sau nàng không còn ở lại Vĩnh Long. Tôi tìm kiếm nàng biết bao nhiêu lần nhưng không gặp. Không ai biết nàng đã đi về đâu và từ đó đến nay tôi chưa bao giờ gặp lại được nàng.
Tôi từ giã mái trường Phổ Thông Cấp 2 để đi vào lớp 10 ở trường Phổ Thông Cấp 3 (Trường Tống Phước Hiệp cũ). Tôi hăng hái bước vào ngưỡng cửa của trường TPH. Đây là một trong những trường có lịch sử lâu đời và nổi tiếng ở miền Tây. Trường TPH được xây cất từ thời Pháp, có nhiều dãy lớp 2 tầng bao bọc chung quanh khung viên của trường. Từ cổng chính đi vào, dọc theo hai bên đường là hai hàng cây phượng vỹ lúc nào cũng rợp bóng cây. Bên phải của dãy hành lang là dãy để xe đạp. Bên trái là một sân bóng rổ, có thể làm sân Tennis. Đi xa hơn về phía bên trái của sân bóng rổ là sân bóng chuyền. Tận cùng của sân bóng chuyền phía ngoài đường là phòng y tế học đường. Tận cùng sân bóng chuyền ở phía trong có một sân cát nhỏ để chơi nhảy cao và nhảy xa. Đi dọc hết hành lang từ ngoài cổng chánh vào là gặp một dãy chắn ngang, bên trên là phòng khánh tiết dùng để chơi văn nghệ hoặc các hoạt động khác. Phía dưới là phòng làm việc của ban giám thị và thầy cô giáo. Còn tất cả các dãy phòng còn lại khác đều sử dụng cho các lớp học.
Tôi thích nhất những giờ tan trường giữa trưa, khi mà học sinh buổi sáng ra về, và học sinh ban chiều bắt đầu. Đây là những giờ phút đẹp đẽ nhất dưới sân trường của TPH, bạn sẽ có dịp ngắm nhìn những nét đẹp độc đáo của trường mình bao gồm những gương mặt khả ái xinh xinh của nữ sinh trường TPH. Mặc dù trường không đòi hỏi học sinh của TPH phải mặc đồng phục nữa.Tôi vẫn tìm thấy được một ít nhiều học sinh nữ với áo dài trắng thướt tha bên sân trường.
Một vài học sinh sau giờ học không về thẳng nhà mà ghé vào quán giải khát bên đường để la cà ở đó. Một nữ sinh đang đứng đợi ai đó bên dãy xe đạp với nét mặt khả ái dễ thương. Cô đang nhìn chung quanh xem chừng như đang tìm kiếm một ai với con mắt đỏ hoe như đang muốn khóc, thỉnh thoảng lại giậm chân như đang tức giận một điều gì.
Rồi một nam sinh đi đến:
• “Ồ... tôi thành thật xin lỗi nhé. Hình như tôi đang khóa nhằm vào xe của cô thì phải?”
• “Thì ra đây là xe của anh!... Anh có biết rằng hôm nay tôi được nghỉ 2 tiết cuối mà tôi không thể nào rời đây được làm tôi lỡ hẹn với những người bạn của tôi. Ổ khóa tàn nhẫn của anh đã làm cho tôi tức chết đi được!“
• “Tôi thành thật xin lỗi cô nhé“ và anh chàng nhanh nhẹn mở khóa ra và liên tục xin lỗi cô ta nhiều lần.
• “Tôi đâu có lỗi nhiều đến thế để cho anh xin“
• “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi... Tôi thật tình biết lỗi của mình rồi. Có lẽ đêm hôm qua mẹ tôi đau nhiều vì bận chăm sóc mẹ suốt đêm thành ra nguyên đêm qua tôi không có ngủ được, sáng sớm phải đi học liền có lẽ vì thế thị giác của tôi bị kém đi, tôi không nhìn thấy rõ điều mà tôi đang làm và tôi đã khóa nhằm xe của cô”. Anh chàng giải thích một lèo, rồi lấy kính cận xuống lau lau nó cho sạch bụi, trông có vẻ hết sức là bi thương bi đát.
• “Có thật vậy không anh?”
• “Thật mà!”
• “Tôi còn chưa tin”
• “Không tin.. bữa nào tôi mời có đến nhà tôi... Mẹ tôi sẽ kể rõ cho cô biết”
• “Anh khôn ghê!. Thôi được. Vì thấy anh có hiếu với mẹ anh tôi tha cho anh lần này, nhưng mà mai mốt không được làm như vậy với người khác nữa nhé.”
Nói xong rồi cô nhìn sâu vào đôi mắt của anh ta, mỉm cười như đang nghĩ ngợi một điều gì đó. Từ đó hai người lại quen nhau...
Thầy P dạy môn hóa học mặc một quần tây quá cũ, ống quần bị co rút gần đến tận mắt cá. Vải bị sờn nhiều nơi, không biết sẽ bị rách vào lúc nào. Có một người bạn đến tâm sự với tôi rằng:
• “Tôi thấy thầy như vậy tôi muốn giúp thầy một quần áo mới hết sức mặc dù tôi cũng không giàu có gì nhưng không biết tôi có nên làm như vậy không? Bởi vì tôi sợ bị dị nghị nói là tôi nịnh bợ thầy. Mặc dù thầy khó khăn nghiêm khắc nhưng tôi thấy thương thầy và rất là kính nể thầy. Đó là lời tâm sự chân thành của một người bạn.
Trong giờ chính trị của thầy D.C.T. Khi thầy giảng đến đoạn:
• “...Xây dựng XHCN dựa trên lền tảng: Đảng Nãnh đạo, nhà nước quản ný, và dân làm chủ..”
Bạn C.D. giơ tay lên xin hỏi:
• “ Thưa thầy, nhà nước đã quản lý rồi, dân làm chủ..làm chủ như thế nào? “
Thầy D.C.T.:
• “ Nàm chủ ở đây nà nàm chủ trên tinh thân tập thể”
Bạn C.D. vẫn còn chưa hiểu lại dơ tay lên:
• “ Thưa thầy, chẳng hạn như em có 10 đồng trong túi, nhà nước đã quản lý rồi thì làm gì em còn được 10 đồng đó nữa, thì làm gì gọi là làm chủ kể cả tập thể hay không tập thể”.
Kết quả cuối cùng người bạn C.D. ở lại học thêm giờ phụ trội với ban giám hiệu bởi vì hỏi hơi nhiều trong ngày hôm đó.
Trong giờ Toán của thầy B, các bạn trong lớp rất ngại khi bị kêu lên trả bài tập thể. Thầy nhìn vào sổ điểm rồi bảo với các em rằng: Hôm nay thầy sẽ tàn sát dòng họ D, hoặc là dòng họ P, hay một dòng họ nào khác nữa tùy hứng trong ngày. Các bạn hôm đó có cùng chung một số phận với người đang trả bài cùng dòng họ.
Trong giờ Pháp văn, một hôm thầy T.T. mang vào lớp nhiều hình ảnh của các hãng công nghiệp lớn ở nước ngoài. Có lẽ thấy muốn cho học sinh biết được ít nhiều cuộc sống tân tiến ở nước ngoài như thế nào? Điều đó làm cho chúng tôi một linh cảm rằng thầy đã chuẩn bị một cái gì đó đã từ lâu rồi. Đúng thật, sau buổi dạy đó, thầy đã ra đi biền biệt.
Tôi thích nhất trong giờ Văn của cô T.M. Thường khi học qua một bài thơ, cô thường bảo với lớp rằng có ai biết ngâm thơ bài thơ này không? Hay biết hát bản nhạc phổ lời thơ của bài này không? Tôi còn nhớ có một hôm chúng tôi đang học tới một bài thơ xưa thời tiền chiến. Bài thơ có tên là Bao Giờ Trở Lại của Hoàng Trung Thông. Cô hỏi rằng có em nào biết hát bản nhạc này không? Trong lớp không ai trả lời? Thật là đáng tiếc. Tôi rất thích bài hát này được hát bởi ca sĩ nổi tiếng Hà Thanh.
“Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi.
Các anh đi đến bao giờ trở lại.
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong.
Làng tôi nghèo nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo gió mùa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi
Các anh về mái ấm nhà êm
Câu hát tiếng cười rộn ràng trong xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Thương đàn con ở rừng sâu mới về
...
Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Các anh đi đến bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong...”
Trong giờ sinh vật của cô H. Cô H. kêu tôi lên:
• “ Em hãy nói cho cô biết tại sao chân vịt lại có màng? Hãy dùng học thuyết tiến hoá của Charles Darwin để làm dẫn chứng cho điều mà em đang giải thích”.
Ôi, sao tôi luôn luôn yêu thích những lần thử thách lớn như vậy!
Trải qua 3 năm ở trường TPH chúng tôi được dịp đi lao động nhiều nơi để biết nếm mùi lao động là gì. Một lần trồng bo bo trong Phước Hậu. Một lần trong đậu ở phường Năm. Nhiều lần đi thủy lợi đào kinh ở nhiều nơi, có lẽ cực khổ quá thành ra chúng tôi không còn nhớ tên. Tuy nhiên trong sự cực khổ như vậy, tôi và chúng bạn mới có dịp gần gũi bên nhau, tìm hiểu lẫn nhau, tình bạn càng thêm gắn bó hơn. Bên cạnh đó không quên nhắc đến phong trào văn nghệ của trường mà tiền phong đi đầu là thầy Thành. Tôi yêu thích mãi những buổi văn nghệ được trình diễn ở trường trong suốt khoảng thời gian tôi học ở đây.
Ở những năm cuối của trường TPH tôi rất bận rộn dành nhiều thời gian cho việc thi vào đại học nên đã bỏ qua những cơ hội để làm bạn với mọi người. Bây giờ ngồi suy nghĩ lại phải chi mình học ít lại một chút, và dành nhiều thời gian cho bạn bè mình hơn, nhất là đối với phái nữ, thì bây giờ có lẽ mình sẽ không bỏ lỡ những điều đáng tiếc trong suốt thời gian còn học ở trung học.
Cảm ơn những trường trung học mà tôi đã đi qua. Cảm ơn tất cả các thầy cô yêu quý, tất cả các bạn bè thân thương đã cho tôi ít nhiều kỷ niệm vui buồn để rồi một khi nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua, mình cảm thấy rằng mình đã thật sự có được những giờ phút hạnh phúc nhất của một thời niên thiếu dưới những mái trường thân yêu nhất của mình.
Đức Hiệp
Dec. 2014