..
.Thấm thoát mà đã 40 năm nền đệ nhị Cộng Hòa chấm dứt. Dù đã là quá khứ nhưng hình ảnh những sinh hoạt trong thời gian đó của gia đình vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi… Nhắc lại chỉ là đơn giản để nhớ lại một mảnh nhỏ cuộc đời mình và của gia đình mình mà thôi!
Ngày 30/4/1975, ba tôi – là một sĩ quan trong quân lực Việt nam Cộng Hòa- đang học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình, đã lái xe về nhà tại Sàigòn để nghe ngóng tin tức. Lúc Tổng Thống Dương Văn Minh lên tiếng đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi binh lính bỏ súng, ba tôi đã thẫn thờ bỏ lên sân thượng nhà để ngồi một mình. Không biết suy nghĩ những gì, nhưng ông từ chối ăn uống, không nói một lời nào suốt cả ngày hôm đó…
Khi màn đêm buông xuống, nằm trong phòng, tôi cũng đã hoang mang tự hỏi: ”rồi gia đình mình sẽ ra sao?” Lúc đó tôi đang học năm đầu đại học, tuy nhiên ý thức về xã hội chủ nghĩa chỉ rất sơ sài, nhưng vẫn biết là gia đình mình sẽ khó lòng sống sung sướng, thoải mái như xưa.
Sáng hôm sau, ba tôi lái xe gắn máy đi đâu một lúc, khi về thì một lô tập vở và hai đầu máy may được ông chồng chất trên chiếc xe máy và một người đạp xe xích lô cũng chở đầy tập vở cùng theo ông vào sân nhà. Chúng tôi đã tròn mắt kinh ngạc nhưng ông chỉ nói vắn tắt: ”sau này sẽ không còn tiền để sắm sách vở nữa đâu!”. “Còn đầu máy may?” một đứa con buột miệng hỏi ”đó là cách để mưu sinh sau này đó con ạ!” Nói xong ông bảo các con cùng xúm lại khiêng các thứ vào nhà…
Những ngày sau đó, ba mua nhiều loại thức ăn ngon -mà lúc trước gia đình chúng tôi hiếm khi được thưởng thức- và thúc giục chúng tôi vào bàn ăn, tuy nhiên ông chỉ lặng lẽ ngồi nhìn chúng tôi ăn mà thôi. Nhớ lại dáng ba đi ra, đi vào trong nhà, ánh mắt luôn lộ vẻ đăm chiêu, tư lự… thỉnh thoảng có vài người bạn đến thăm và rầm rì chuyện trò trên sân thượng ngày đó, mới thấy rằng họ đang hoang mang, lo lắng về một tương lai vô định…
Thế cho nên ngày các binh lính, sĩ quan cấp úy được kêu gọi đi học tập cải tạo ba ngày hoặc mười ngày... rồi được trở về yên lành, làm ông đã không ngần ngại trình diện ngay ngày đầu của lệnh yêu cầu các sĩ quan cấp tá, tướng tập trung trong ba ngày 13,14,15 tháng 6 năm đó với suy nghĩ chân thành tin tưởng rằng: ”hòa bình rồi, trình diện sớm để học tập rồi về còn lo làm ăn, nuôi dạy con cái nữa”- dù má năn nỉ để ngày cuối hãy đi trình diện vì ngày 13 là một con số không may mắn và tại sao lại phải đi ngay, khi được quyền ở đến ngày 15 - Vậy đó, mà ba tôi trải dài hơn mười năm trong tù, dù khi nhận lệnh trình diện học tập cải tạo đã được thông báo là chỉ chuẩn bị một tháng lương thực.
Không biết lúc đó trong trại học tập cải tạo, tình cảnh ba ra sao nhưng ở nhà phải nói là mọi gia đình “ngụy quân, ngụy quyền” (một tên gọi dành cho những người phục vụ cho quân đội hay hành chánh của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) đã khổ sở không ít trong cuộc sống. Lý lịch này là một hàng rào cản kiên cố mà không sao chen vào làm việc hay học tập bất cứ nơi nào được, ngoại trừ tình nguyện đi Kinh Tế Mới - Đó là một vùng sâu, xa ở ngoài thành phố, hoàn toàn không có một tiện nghi tối thiểu nào, người đến ở chỉ được cấp đất rồi tự mình phải làm nhà, đào giếng, trồng cây…. Má tôi, chỉ là người nội trợ, thế nhưng rất sáng suốt trong quyết định bám lấy thành phố. Bà cũng mua được miếng đất ở Bà Quẹo và thuê người trồng trọt, chỉ cuối tuần chúng tôi mới đạp xe về để phụ chút đỉnh vườn tược mà thôi. Với tám đứa con, ông anh tôi đã ra trường nhưng khó lòng tìm được việc làm với lý lịch như thế, Má tôi đã tìm hỏi để rồi cũng gởi gắm (kèm theo “thủ tục đầu tiên”) được anh vào sở Y tế để chỉ làm nhân viên sửa chữa máy móc, dụng cụ y khoa dù anh tốt nghiệp Kỹ sư Điện. Tôi may mắn vẫn được tiếp tục học đại học, còn các em thì bị ngưng việc học tập sau khi tốt nghiệp cấp 3, bởi không một trường đại học nào chấp nhận cho vào học với lý lịch “con của Ngụy quân” cả.
Nhớ làm sao hình ảnh cô em kế, ra vào thui thủi đi chợ nấu ăn- trong khi các chị em khác vẫn còn tiếp tục cắp sách đến trường - vì vừa tốt nghiệp cấp 3 và không có bất cứ cơ hội nào để bước vào ngưỡng cửa đại học, khi đơn nộp thi đại học có một con dấu ở phường xã chứng nhận “con của ngụy quân”, dù em học rất giỏi. Buồn và tủi thân biết bao. Vậy mà lúc đó, tôi là chị vẫn vô tâm, hồn nhiên trong việc học của mình, không hề chú ý đến tâm trạng em mình. Còn nhớ, mỗi chiều, khi cơm nước xong xuôi, em ngồi lẻ loi, cô đơn trên sân thượng, suy nghĩ gì thì chỉ mình em biết… Thỉnh thoảng ngưng việc học, chuyển tầm nhìn sang chỗ em ngồi, tôi tự nghĩ “con bé này “khùng” thiệt, ngồi một mình như thế thì đúng là làm việc vô bổ!” Mãi về sau này, lúc “trà dư tửu hậu”, nhắc lại kỷ niệm và cuộc sống thời đó, em tiết lộ “buồn nản vì tương lai bế tắc, nên ngồi nhìn trời, ngắm những đám mây trôi để mong ngày mình cũng được tự do bay như thế” và cười tủm tỉm thêm vào một câu “vả lại lúc đó thích ngồi trên sân thượng một mình còn là vì có một anh sinh viên trọ ở nhà đối diện cứ tựa cửa ngắm mình nên cũng thích thích” Quả là lãng mạn nhưng không kém phần tích cực. Với tinh thần lạc quan đó, đêm đêm em lại ôm chiếc máy truyền thanh, lắng tai luyện nghe tiếng Anh từ các đài ngoại quốc như BBC, VOA... Nhờ thế khi qua được xứ Úc, em đã vô thẳng vào đại học mà không gặp một trở ngại nào về ngôn ngữ…
Trở lại cuộc sống thời đó, ba đi học tập cải tạo, mẹ bươn chải để lo cho cuộc sống tám đứa con mà cô út chỉ mới năm tuổi, bằng cách mua đi bán lại những đồ đạc, áo quần và cả nữ trang. Thời đó những người từ miền Bắc vào mua đủ thứ đồ của miền Nam để mang ra Bắc, do đó tất cả thứ gì cũng bán được và có giá. Thêm vào đó, má tôi lại nuôi heo vì nhà có đất phía sau khá rộng và dài, nên vừa có chỗ nuôi heo, vừa trồng được một ao rau muống. Dù đi học hay ở nhà, thì mỗi đứa con đều có công việc để chăm sóc mấy con heo tùy theo lứa tuổi. Tôi và ông anh lớn nhất trong nhà có sức đạp xe đạp đi xa, hoặc đi xe gắn máy thì có nhiệm vụ đi mua và chở hèm (là bã rượu, sản phẩm biến thể từ gạo hay gạo nếp còn lại sau khi gạo đã lên men được chưng cất thành rượu) về cho heo ăn, mấy đứa em nhỏ thì đứa xắt rau, băm đọt chuối, nấu cám heo, tắm heo… đứa thì đi chợ, nấu ăn cho cả nhà và chăm sóc hai cô em út còn nhỏ…
Nhớ làm sao những đêm thức trắng để phụ mẹ làm bà mụ đỡ đẻ cho heo vì má tôi là y tá lúc xưa, nên có kinh nghiệm nhiều về việc này, hễ lúc nào bà đoán là heo sẽ đẻ trong đêm đó thì phân công cho từng đứa và chuẩn bị những dụng cụ dành cho việc này như vải vụn để lau những chất nhớt trên mình heo con, kềm để bấm răng cho chúng để không làm đau bầu vú của heo mẹ, nấu một nồi cháo ngon để “thưởng” cho heo mẹ v.v… Nửa đêm, nghe tiếng “éc” của heo là biết một con heo con đã lọt ra, thế là cả nhà ùn ùn chạy ra chuồng heo, má ôm chú heo con còn đỏ hỏn và ướt đẫm, cắt vội cuống nhau còn lòng thòng… xong đẩy qua cho ông anh tôi để vạch miệng ra bấm mấy đầu răng nhọn của chúng và chúng tôi thay phiên nhau có nhiệm vụ cột lại cuống rún, hoặc dùng những tấm vải vụn lau sạch nhớt rãi của heo con, rồi bỏ qua chuồng bên cạnh. Nếu heo mẹ “éc” nhanh, nghĩa là mấy chú heo con lọt lòng… ào ào, thì ôi thôi cả đám chúng tôi nhốn nháo, tay làm, miệng… rủa vì lau chùi heo không ngớt tay và cũng “hùa” theo tiếng kêu của mấy chú heo con đang tìm sữa mẹ cho… đỡ buồn ngủ. Sau khi heo mẹ không còn kêu “éc” thì một vĩ trứng gà sống được “dọn” để thưởng bà mẹ heo, tiếp đến là nồi cháo thịt thơm phức được đưa đến “mời bà”. Bà mẹ heo lúc này “chảnh” lắm vì biết được chủ nhà cưng, ăn nhỏ nhẹ, có lúc chỉ hửi hửi ra dáng mỏi mệt, mắt nhìn má tôi như kể công, thế là má lại đưa tay vuốt đầu, vuốt lông khen, dỗ dành… cho đến lúc mẹ heo liếm sạch không còn chút thức ăn nào trong máng. Mẹ heo nằm ngửa thở dốc, thì đó là lúc chúng tôi nhẹ nhàng bỏ từng chú heo con vào chuồng mẹ, hướng dẫn cho chúng cách ngậm vú mẹ, có con “láu cá” và tham lam lắm, vừa bú xong núm này là hất ngay chú hay cô em (hay anh) bên cạnh để giành sữa nếu như bầu sữa bên chú không ra nhiều sữa nữa… Thường thì gần sáng, chúng tôi mới xong công tác giúp mẹ đỡ đẻ, thế là sau khi tắm rửa chúng tôi thoải mái nằm dài đánh một giấc… Mở mắt ra thì đã trưa trờ trưa trật, bước xuống nhà thì mỗi đứa đã có một món ăn khoái khẩu chờ sẵn trên bàn. Nghĩ lại, không biết má thức dậy từ lúc nào nhưng bước ra chuồng heo thì heo mẹ, heo con chỉ cũng nằm ngủ ngon lành còn máng và chuồng heo thì sạch sẽ… thì biết là má đã làm hết để cho lũ con ngủ nướng.
Nuôi heo rất cực, nhiều lúc rất bực mình vì mới vừa cho ăn xong mà thấy bóng mình lại kêu réo đòi ăn, hoặc vừa tắm cho nó xong thì “hắn” lại lăn ngay trên đống phân của chính nó mà mình chưa kịp dọn, thế là lại leo vào xịt nước kỳ cọ cho nó tiếp, đó là không kể đến việc lội ra ao cắt rau, đi xin và khiêng về thân cây chuối già mà người hàng xóm đốn bỏ và chặt củi nấu cám… Có hôm bực quá, vừa xịt nước tung tóe vào mặt nó, vừa lầm bầm rủa cho hả tức… Thế nhưng khi kêu người tới để bán heo, nếu là heo còn nhỏ thì yên tâm hơn vì biết nó vẫn còn tiếp tục sống thêm vài tháng nữa nhưng nếu là bán heo thịt thì chính tôi cũng rất áy náy, ngậm ngùi cho kiếp heo, huống chi là má tôi đã tận tay đỡ đẻ và nuôi nấng từng con!!! Có một thời, phải bán heo lậu vì nhà nước cấm không cho bán bên ngoài, người lái heo phải tới mua lén lút và đòi cắm điện để giết heo, xẻ thịt tại nhà. Má tôi đã không ngần ngại từ chối ngay vì không muốn nhìn thấy heo mình nuôi gục ngã ngay tại nhà mình, thế là họ phải tìm những nhà bên cạnh để xin làm việc đó. Khi tôi rời khỏi nước thì gia đình vẫn còn tiếp tục nuôi heo thêm vài năm nữa mới ngưng, khi các con dần dần đi xa. Có một con heo đã từng đẻ nhiều lứa góp phần vào việc sinh sống cho nhà, má đã nuôi nó cho đến lúc chết già rồi chôn sau nhà chứ nhất định không bán. Má bảo nó đã giúp mình trong lúc khó khăn thì nỡ lòng nào bán khi nó đã yếu già…
Hai đầu máy may cũng có việc làm, tuy không may cắt cho người nhưng cũng hữu dụng cho cả nhà vì trước đó ba má đã cho tôi và cô em kế đi học may nên chúng tôi đã có những bộ quần áo tươm tất, gọn gàng mà chỉ tốn tiền mua vải hoặc sửa lại từ những quần áo không còn hợp với thời đó. Còn nhớ những năm đầu, những áo quần màu sặc sỡ, kiểu cọ đều phải xếp vào góc tủ vì không ai đám mặc, quần đen và áo bà ba là chủ yếu trong trang phục của phụ nữ- ngay cả ở trong trường học- và các người thợ nhuộm áo quần ra màu đen, nâu đã có việc làm thường xuyên… Còn tập vở dĩ nhiên là giúp cho chúng tôi nhiều trong việc học vì không cần tốn tiền mua trong một khoảng thời gian dài...
Lúc tôi tốt nghiệp đại học, chờ hoài không được phân công, các em nhỏ cũng lần lượt học xong lớp 12, tuy những năm sau đó tương đối dễ dàng hơn nếu mình chấp nhận học Cao đẳng hoặc thấp hơn nhưng vẫn không thể nào bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Cô em kế được nhận vào Trung học Sư Phạm Sông Bé, cô em kế nữa thì vào Cao đẳng Sư Phạm thành phố… Ước vọng của các em tôi không ngừng ở mức đó, thế nên suy nghĩ về những chuyến vượt biên được lẩn quẩn trong đầu… Dù không hề có ý định đi nước ngoài từ trước, nhưng nhìn thấy tương lai mờ mịt và những đứa em ao ước được học lên cao mà không thể nào thực hiện được dù là có dư khả năng học tập… Má đã bấm bụng, nuốt nước mắt vào lòng để lo cho tôi cùng hai em kế liều lĩnh vượt biên mà không hề biết bao nhiêu hiểm nguy, khó khăn đang chờ…. Phải nói là chúng tôi vô cùng may mắn đã đến bến bờ tự do mà không gặp những éo le, gian truân trong lần vượt biển hay bất hạnh như một số người phải bỏ xác nơi biển khơi. Từ nơi xa lạ, không bà con thân thích lại khác ngôn ngữ, khác màu da, chúng tôi bắt đầu từ tay trắng để tạo dựng sự nghiệp…
Bên nhà, má lại lần lượt cho các em kế tiếp vượt biên… cho đến khi còn lại hai cô em út vì còn quá nhỏ trong thời đó nên ở nhà để chờ ngày ba về và cùng được chúng tôi bảo lãnh ra đi theo diện đoàn tụ gia đình… Được nghe kể lại thời điểm sau năm 1975, dù đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, nhưng các bạn tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn về sinh kế, ngoài giờ dạy hoặc làm tại các công sở, các bạn cũng phải bươn chải trong việc mưu sinh bằng các nghề khác, kể cả đi bán dạo và không ít người đành phải bỏ nghề để có thể chuyên tâm vào những công việc ngoài khả năng mình nhưng có thể giải quyết được tình trạng khó khăn về tài chánh. Buồn hơn nữa là có những bạn đã không dám nghĩ đến việc có con cái hay phải phá bỏ, để rồi bây giờ tiếc nuối, mong muốn thì đã quá muộn! Biết bao gia đình đã tan vỡ hạnh phúc vì chuyện này…
Giờ đây ngồi nghĩ lại chặng đường đã qua, chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã ban ơn lành và che chở cho gia đình chúng tôi thoát khỏi những hiểm nguy gian khổ, và may mắn hơn là cả gia đình đều được đoàn tụ ở cùng một nơi mà vòng tay nhân ái luôn rộng mở và tạo cơ hội cho những ai muốn thăng tiến. Xin được tri ân đất nước đang sinh sống mà trong thâm tâm đã xem như là quê hương của mình. Thêm vào đó, xin được phép chia sẻ, đồng cảm với những mất mát, đau khổ mà các bạn tôi phải gánh chịu trên đường vượt biên hay ở lại quê nhà. Chỉ có thể kết luận, dù sống ở đâu và ở hoàn cảnh nào thì những nỗ lực, quyết tâm bỏ ra sẽ không bao giờ vô ích, sẽ học được những bài học quí giá, sẽ đạt những thành quả mong muốn, mà tôi đã được kiểm nghiệm qua cuộc sống của gia đình và từ bạn bè chung quanh, dĩ nhiên là không thể chối bỏ được số phận và niềm tin tôn giáo cũng góp phần vào cuộc đời mình không nhỏ.
Những ngày cuối tháng Tư năm ấy, có lẽ cũng từ từ đi vào quên lãng, một trang sử nhỏ đã dần khép lại… Xin được phép gởi một lời nhắn nhủ đến những thế hệ sau này là mong rằng giới trẻ nhìn ra được những vất vả, gian truân và hy sinh của thế hệ đi trước để sống tích cực hơn, biết trân quý với những gì đang có, đừng bao giờ buông xuôi khi gặp trở ngại và nhất là luôn gặp nhiều may mắn, an lành và hạnh phúc hơn thế hệ cha anh trong cõi vô thường này…
Hồ Diệu Thảo