User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Tôi có đứa cháu ngoại trai, từ khi sanh ra cho tới khi lên năm, nó sống trong gia đình tôi, sau đó ba nó xin được việc làm tốt, nên di chuyển sang tiểu bang lân cận. Mỗi khi theo cha mẹ về thăm gia đình tôi, lúc từ giã chúng tôi để ra về, nó lẳng lặng đi ra xe không lời từ giã, cha mẹ nó bảo chào chúng tôi, nó vừa đi vừa nói giọng yếu xìu: “- Bye!”

Nhà tôi có nhận xét, nó không rơi lệ nhưng cặp mắt nó đỏ hoe khi nó lặng lẽ ra xe. Con gái tôi cho biết, khi xe bắt đầu lăn bánh, nó ngoái lui lại nhìn ngôi nhà, cho đến khi tới một đoạn đường cong, không còn nhìn thấy nhà chúng tôi nữa, nó thôi nhìn lui nhưng bắt đầu khóc rấm rứt, hỏi nó vì sao khóc, nó không nói lý do nhưng lại khóc nhiều hơn, chừng mười lăm hay hai mươi phút sau nó mới hết khóc, nhưng vẫn im lặng cho đến một, hai giờ sau nó mới bắt đầu nói chuyện. Vài lần như vậy, vợ chồng con gái tôi kết luận, nó khóc vì không muốn xa chúng tôi.

Tình trạng đó kéo dài cho đến  khi nó học hết lớp Năm, đã hơn mười tuổi, nó vẫn cứ khóc mỗi khi rời khỏi nhà tôi đi về nhà nó.

Cho đến khi nó lên lớp Sáu, ba nó xin được chuyển về cùng tiểu bang chúng tôi nhưng ở thành phố khác, hai nơi cách nhau chỉ khoảng một giờ mười lăm phút lái xe, việc đi lại cũng như xưa, vào những ngày lễ, Tết cha mẹ nó mới đưa nó về thăm chúng tôi như trước kia, nhưng từ ngày ở gần và cũng do đã lớn, nên mỗi khi ra về, nó không còn khóc nữa.

Hình như cha mẹ nó lo sợ nó không nghe, nói giỏi tiếng Anh, nên lúc nào cũng nói chuyện với nó bằng tiếng Anh, trong khi vợ chồng con gái tôi nói chuyện với nhau tiếng Việt. Nhà tôi và tôi nói chuyện với nó tiếngViệt, nó nghe hiểu gần hết nhưng chỉ trả lời bằng tiếng Anh mà thôi.

Gần đây nhà tôi bảo nó:

- Con là người Việt Nam, con phải nói tiếngViệt Nam. Nếu không, khi con tiếp xúc với người Việt họ cười con không biết nói tiếng Việt.

Từ đó nó có cố gắng trả lời từng tiếng một như “- Dạ”, “- Dạ không” thay cho Yes và No.

Trái lại, nó có đứa em gái kế, nhỏ hơn nó đến tám tuổi, cha mẹ nó nói chuyện với nó tiếng Anh pha lẫn tiếngViệt. Năm nay, đứa cháu gái nầy đã lên năm, ngoài những từ thường dung như dạ, dạ không, đôi khi nó còn nói thành câu ngắn và giọng chuẩn tiếng Việt không bị lơ lớ.

Tôi có người bạn định cư ở Mỹ từ lâu, anh ta lập gia đình rồi có con, cho đến khi nó vào Trung học vẫn chỉ biết ăn thức ăn của Mỹ và chỉ nói chuyện trong gia đình bằng tiếng Anh mà thôi, lúc nó gần tốt nghiệp Trung học, người bạn ấy mới nhờ tôi dạy cho nó tập đọc, tập viết, tập nói tiếngViệt.

Ngày đó, chỗ tôi ít người Việt, không có lớp dạy Việt ngữ, tôi phải bỏ công ra soạn từ a, b, c … ráp vần, ráp câu để dạy cho cháu ấy.Trong khi dạy, tôi có khuyên:

“Ai cũng muốn mình có kiến thức sử dụng nhiều ngôn ngữ để giao tiếp khi đi du lịch, để giao dịch trong thương trường, để tìm hiểu văn hóa. Cho nên mình có điều kiện về gia đình, về dân tộc, nên học cho rành tiếng Việt, hơn nữa người Việt chúng ta có nền văn hóa khá cao, vượt hơn một số các dân tộc khác.”

Dù sống ở trên đất Mỹ nhiều năm, đời sống văn minh, đầy đủ vật chất, nhưng tôi vẫn nhớ tới Việt Nam, mặc dù ở đó tôi đã sống trải qua những ngày gian khổ, tù đày, thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng chắc vì nơi đó người ta gọi là nơi chôn nhau, cắt rốn, cái thuở thiếu thời đi chân đất, để đầu trần ra ngoài đồng lật đất cày bắt dế, hoặc khi trời mưa, tắm mưa đuổi bắt những con diều ở giữa đồng, bị nước mưa ướt cánh không bay được, bắt những con cua ra khỏi hang vì ngập nước hoặc chơi những trò chơi vật lộn, bắn bi, đánh đáo, chơi u…, những cô gái có trò chơi nhẹ nhàng hơn như đánh đũa, nhảy dây, cò cò…và những bài học i, tờ khi mới cặp vở tới trường, có những trò nhỏ được mẹ đưa tới trường, nhưng nắm áo mẹ đòi về nhà, riêng tôi còn nhớ buổi học đầu tiên trong lớp học ở trường bên kia sông. Tôi khóc, chú tôi dạy lớp bên cạnh bảo: “Lớn rồi! Đi học mà khóc cái gì”.Chú rầy thế, nhưng tôi vẫn cứ khóc.

Rồi một ngày nào đó, khi đã lớn lên, thằng cháu ngoại tôi phải học đọc, học nói tiếng Việt, để khi trở về Việt Nam thăm họ hàng, ra đường có thể giao tiếp với mọi người, trong nhà có thể trò chuyện với thân nhân.

Đọc và nói được tiếng Việt là cần nhưng chưa phải đủ, vì hiểu được văn hóa và phong tục của người Việt càng khó hơn.

Một ngày nào đó, cháu tôi sẽ đi du lịch hay làm việc tại Việt Nam. Chắc nó sẽ đi thăm mồ mả ông bà, thân nhân của nó, nhưng liệu nó có nhận nơi đó là quê hương, hay nơi chôn nhau cắt rốn, nơi căn nhà của tôi nó đã khóc, cười khi buồn vui lúc tuổi thơ, đó mới là quê hương của nó?!

 

 

Huỳnh Ái Tông

19/03/2015

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com