Ngày 20 tháng 11 vừa qua, tôi nhận được một số lời chúc mừng từ bạn bè, một cô bạn còn ghẹo là “cho hưởng ké” ngày nhà giáo Việt Nam. Dù biết là ghẹo nhưng thực tế thì đúng là hưởng ké bởi vì ngày này không có ý nghĩa chi cả nơi xứ này - kể cả về vật chất cũng như tinh thần - mặc dù cũng có ngày World Teachers Day. Nghe kể là ở Việt nam, đây là ngày cũng rầm rộ, hao tốn không kém những ngày lễ, ngày Tết và không ít gia đình gặp khó khăn để tỏ lòng biết ơn thầy cô của con mình bằng hiện vật. Bởi thế vài ý nghĩ về nghề godautre của bản thân xin được chia sẻ chút ít nơi đây.
Từ “godautre” được viết dính liền như thế này là cụm từ được KS sử dụng- một cô bạn thân thời Trung Học - để báo công việc làm lúc đó của bạn, khi chúng tôi liên lạc lại sau một thời gian dài vắng bóng - dễ chừng cũng 40 năm- Không ngờ mà hai đứa lại thành đồng nghiệp dù ở hai phương trời cách biệt. Dùng chữ “không ngờ” là vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ theo cái nghề dạy học, một nghề cao quý nhưng bị nhiều người than van là nghề “bán cháo phổi”, một nghề nhiều trách nhiệm, đầy áp lực mà lại nhận lãnh lắm bạc bẽo lẫn vô tình của học trò, phụ huynh đối với người truyền đạt kiến thức. Không biết là cái duyên hay là cái nghiệp của tôi mà ngay từ lúc còn đi học đã nhận dạy kèm cho những em nhỏ hàng xóm, rồi khi tốt nghiệp Đại Học, thì lại được mời dạy thế cho trường Trung Học gần nhà mỗi khi thầy cô ở trường bận việc hay nghỉ bệnh trong khi chờ đợi phân công về dạy học tại một trường Trung Học ở khá xa nhà. Tuy nhiên chưa nhận nhiệm sở, thì số phận đưa đẩy lại từ bỏ đất nước mình để sống đời tha hương, bay qua tận xứ Úc để dính liền với ngành bưu điện trong hàng ngũ “cổ xanh”, đứng, ngồi mỏi mệt lựa thư trong ca đêm, hay toát mồ hôi kéo bao chứa bưu kiện… – dù mùa đông hay hè – kèm với những giọt nước mắt tủi thân lăn dài trên má những năm đầu làm việc… Sau 10 năm, tôi đã chuyển sang nghề dạy học mà không hề định trước.
Số là có lần nghe cậu con trai lớn, lúc đó mới học lớp 1,2 gì đó than phiền là không được ăn trưa vì bị nguời bạn giựt miếng bánh mì sandwich được gói theo ném vào thùng rác. Nóng ruột tôi lên trường để hỏi thăm và nhờ cô giáo can thiệp. Khi cô giáo hỏi nguyên do và người bạn nào thì cháu ngỏn ngoẻn cười “con giả bộ thôi mà”. Tôi sửng người nhưng chưa tin, hỏi lại thì cháu tỉnh bơ gật đầu xác nhận tự “make up story”, đã vậy cuối năm cháu còn được “ưu ái” mời ở lại học “đúp” thêm năm nữa. Chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán… Kiểu này thì không ổn rồi, thôi đành hy sinh ở nhà với con vậy!
Ở nhà lo đưa đón mấy đứa con đi học, bất đắc dĩ phải ôn lại vốn liếng tiếng Anh để có thể giúp các con những bài tập nhà trường cho đem về nhà làm. Cảm thấy cũng chẳng có gì khó “nhá”, nhất là về môn Toán. Được vài năm cảm thấy tự tin hơn, tôi hăng hái ghi danh học lại để trở thành cô giáo xứ người với ý nghĩ đơn giản là vì công việc này được nghỉ hè như các con nên không cần phải tìm người chăm sóc chúng trong thời gian này, vả lại học những môn về Toán tại xứ người mới thấy là dễ như ăn cơm… sườn (vì “nuốt” Toán thì trơn tru, nhưng thỉnh thoảng vẫn lấn cấn mấy cục xương ngôn ngữ!). Thêm vào đó cũng có chút ‘tự ái dân tộc” là để trả lời cho những suy nghĩ thiển cận sai lầm của một số người dân bản xứ - đã cho rằng người tỵ nạn Việt Nam chỉ biết ăn tiền xã hội rồi đi làm lậu để trốn thuế - cho họ biết rằng “dù da vàng tóc đen, ta cũng hữu dụng cho đất nước, xã hội đã cưu mang mình và cũng có thể dạy dỗ, đóng góp công sức cho người được thôi”
Bây giờ từ “gõ đầu trẻ” có lẽ đã lạc hậu vì thời nay mấy ai dám lạm dụng để “gõ” đầu học sinh mà gõ chi nỗi nếu không muốn bị mang tội “child abuse” và hơn thế nữa nghề dạy học cũng chẳng còn uy quyền như thời chúng ta còn học tại quê nhà nên “godautre” lại càng khó hơn. Nghề dạy học dành cho người Úc gốc Việt ở xứ này không sáng sủa chi so với các ngành khác cùng tốt nghiệp 4 năm Đại Học - ngành giáo dục có mức lương bèo nhất - Thêm vào đó, sự kính trọng dành cho thầy cô cũng bị xem thường, tư tưởng “quân sư phụ” đã mai một đến mức trở thành quý hiếm và chỉ còn là dư âm. Người Việt tốt nghiệp ngành giáo dục, nói riêng về môn Toán, cách đây hai ba chục năm về trước, phải công tâm mà nói thì chưa mấy ai hòa nhập vào giòng xã hội chính mạch được, nên cái nhìn của người bản xứ vẫn còn mang tính kỳ thị. Tôi còn nhớ cách đây hai chục năm, một anh bạn đồng nghiệp tâm sự, cứ mỗi lần lái xe đi làm là trong đầu lại phân vân suy nghĩ là có nên tiếp tục đến trường hay quay về lấy ngày bệnh, và thường là anh quyết định quay xe trở về. Lý do là vì anh không kiểm soát được kỷ luật trong lớp, nhiều học sinh cá biệt quậy phá và coi thường mình, nhà trường cũng không can thiệp giúp đỡ vì kỷ luật trường công khá lỏng lẻo, nên những chuyển tải kiến thức toán học cho các em trở thành vô ích, dù là khả năng anh không ai không công nhận.
Có thể là do cái nhìn chủ quan của bản thân nhưng qua các bạn đồng nghiệp người Việt cùng lứa tuổi hoặc lớn tuổi hơn, thì tôi đã nhìn thấy người Việt nam theo ngành dạy học thời thập niên 80, đa số đều bỏ dạy tại trường chính mạch để chuyển sang mở lớp hay trung tâm dạy kèm. Lý do là giảm thiểu những trách nhiệm, những căng thẳng của nghề dạy học mà mức lương được trả không tương xứng, hon nữa dạy kèm là hình thức kinh doanh vô cùng thành công vì hiện nay học kèm đã là một phần không thể thiếu trong đời học sinh.
Đúng là “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, khi bước vào ngưỡng cửa này mới thấy biết bao là áp lực khi dạy học, khi tiếp xúc với đồng nghiệp , với phụ huynh người bản xứ. Không như ở nước ta – vào thời tôi đi học, tức là thập niên 60, 70 và trước đó- thầy cô có uy vô cùng với học sinh và được sự nể trọng của phụ huynh; còn ở đây thì học trò nghênh ngang coi thầy cô ngang hàng với mình, thái độ nói chuyện nhiều lúc làm mình lộn ruột, còn đồng nghiệp và phụ huynh vẫn xen lẫn ánh mắt coi thường dân da vàng mũi tẹt (chỗ này thì phải xét lại vì bây giờ hiếm người còn mũi tẹt lắm nha!) khi nói chuyện, tiếp xúc nữa chứ… Thôi nhớ lại làm chi cái “thuở hồng hoang” ấy, chỉ biết là rất nhiều thầy cô giáo người Việt phải giã từ phấn trắng bảng đen để tìm những công việc khác. (Ngay cả những đứa con và cháu của tôi, khi đề nghị chúng nó chọn ngành Sư phạm cho rảnh rang vì có được nhiều ngày nghỉ so với công việc khác, thì đứa nào cũng nhìn tôi với ánh mắt “bất mãn”: “bộ con học tệ đến vậy sao?”) Nói như vậy để thấy rằng dạy học là công việc mà “cực chẳng đã” mới chọn, không những là tiền lương không tương xứng với công sức mình bỏ ra mà còn chịu đựng nhiều áp lực từ mọi phía nữa. Hơn thế nữa, ngành Sư phạm lại có tiêu chuẩn chọn vào đại học rất thấp và dễ dàng, không cần đậu điểm cao, cho nên đa số giới trẻ tự xấu hổ, hoặc trề môi dè bỉu khi “liếc” đến ngành này nếu như điểm đậu Đại Học không đủ tiêu chuẩn để vào các ngành khác.
Tôi không yêu nghề lắm, nhưng chỉ vì những lý do nêu trên nên vẫn tiếp tục và thầm nhủ “thôi cũng được” và cuối cùng thì hơn 10 năm trời “gõ đầu trẻ” (thực sự thì làm gì dám “gõ” để bị án child abuse sao?) đã đạt được một niềm tin tưởng khá tích cực từ nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nói là “gõ đầu trẻ” chỉ là từ nói cho vui thôi chứ thật ra là “dạy dỗ” nghĩa là vừa “dạy” mà cũng vừa “dỗ” nữa. Không sai, vì dạy mà không dỗ thì chúng nó có “ý kiến” ngay vì bên này bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau không phân chia giai cấp, lứa tuổi… Thêm vào đó, có lẽ vì cuộc sống sung túc nên học sinh cũng không coi trọng việc học bởi vì bên này chỉ cần chịu khó, siêng năng và có sức khỏe thì mức lương cũng chót vót khi làm công việc lao động tay chân chứ không cần bằng cấp cao. Nếu chẳng may thất nghiệp thì ông nhà nước lại nuôi dài dài, không giới hạn thời gian, bởi thế cần chi phải học cho mệt cái đầu!
Nói nào ngay, môi trường nào cũng có những mặt tiêu cực và tích cực, nên dạy học cũng thế. Kể ra thì cũng nhàm tai vì “chuyện hầu như ai cũng biết” hay “xưa rồi Diễm” nên chỉ có thể kết luận rằng dù học sinh thời nay tiếp cận nhiều với internet, với công nghệ thông tin tân tiến đến đâu thì trên tất cả, các em cũng vẫn còn nét ngây thơ dễ thương của lứa tuổi học trò, cũng lém lĩnh, nghịch phá của “thứ ba học trò”…. Niềm an ủi của thầy cô là khi được học trò nhớ đến, ghé thăm hoặc gởi thư liên lạc, thăm hỏi, để cùng vui với thành công của em hoặc chia sẻ những nỗi buồn, thất bại với em. Gặp nhau ngoài đường vẫn còn những nụ cười chân tình, của tình cảm thầy trò thì đã mừng không kể xiết, đơn giản thế thôi nhưng nhiều khi vẫn không có được. Mấy ai qua đò mà còn quay lại tìm người đưa? Nghiệm lại rằng, hình như các thầy cô và bạn bè tôi ở Việt nam vẫn còn diễm phúc là được có ngày “tôn sư trọng đạo”, có ngày “nhà giáo Việt Nam” để học trò tỏ lòng biết ơn trân trọng. Còn bên này, biết đến bao giờ??? Theo thiển ý, nghề “bạc bẽo” chắc đúng với nhà giáo xứ người hơn!
Hồ Diệu Thảo