User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

phanthaiyen

Người đàn ông lặng đứng bên ngõ sau vườn nhà, lòng hẫng buồn như vừa lỡ chuyến đò ngang. Mùa hạ hanh hao thiếu vắng những ngày mưa chừng qua từ lâu lắm. Biền biệt trong trí nhớ, từ cuối một dòng mưa, chuỗi hạt bong bóng nước vỡ tan trong lòng phố chiều xưa là tiếc nuối bây giờ đang khoác muộn phiền lên hàng cây hững hờ cánh áo thu rơi.

Buổi chiều thu sẹ bước về phía chân ngày. Lá đồi phong vàng ối bên kia bờ hồ chen trong màu tím đỏ của sồi dẻ chảy theo ráng chiều về phía chân trời ủ bóng hoàng hôn. Chiều chỉ lặng lờ chút gió sao lòng chợt khơi vương niềm nhớ khôn nguôi.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.. (Ca dao)

Gió lịm ngút trời xa, lãng đãng lá phong rơi vàng màu chiều bất tận quan san. Bầy vịt trời quang quác gọi nhau, đùa giỡn trên vùng hồ nước nghỉ cánh bay trên nẻo thiên di từ phương Bắc. Xóm nhà vắng vẻ choàng quanh bờ hồ như vui hơn với tiếng chim rộn rã gọi bầy và từng đôi cánh biếc sải đùa trên mặt nước vướng màu thu. Thế rồi cái lạnh từ biển hồ chẳng lâu sau nhón gót len theo, se buốt cơn tuyết đầu mùa, bầy chim lại đàn lũ gọi nhau sải cánh về vùng nắng ấm.

Người đàn ông bâng khuâng nhìn gia đình bầy vịt bơi lội quây quần giữa hồ. Mấy năm trước, con gái ông trong lúc dạo quanh bờ hồ tình cờ thấy chú vịt con thương tích bị bỏ lạc đang cuống quít kêu thương. Cô bé nhân từ bồng chú vịt về nhà. Bố mẹ chìu con, thuận ý để con gái dùng góc phòng dưới tầng hầm ngôi nhà làm cơ ngơi cho chú vịt vào những ngày đông. Stinky lớn nhanh như thổi nhờ sự chăm sóc của cô bé. Chú vịt luôn quẩn theo chân chủ vào những ngày nắng ấm dạo vườn hay nô nức lội quanh vầng lá màu lục biếc điểm những nụ hoa súng hé nở như bàn tay con gái chúm thuôn hồng. Một buổi sáng mùa thu năm cô bé chuẩn bị xa nhà vào Ðại Học, lần đầu tiên Stinky sải cánh chao bay trên mặt hồ trước đôi mắt vui buồn lẫn lộn của người đã từng cứu nó thoát chết. Gia đình bầy chim thiên cư lạ lẫm nhìn anh chàng vịt có bộ lông cánh màu sặc sỡ hơn chúng đang thảnh thơi bơi lội trên mặt hồ lắng nước. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, cô gái đã thấy Stinky nô nức theo đàn bay lượn trên nóc hàng dương ven hồ. Con Stinky thỉnh thoảng bay về phía cô gái đứng bên gốc liễu, cất tiếng quang quác gọi nài xin kéo dài cuộc vui.

Buổi chiều cuối cùng trước ngày cô gái đi học trường xa. Như những lần trước, con vịt bạn bay liền cánh với Stinky đứng giữa vườn sau, chờ nhìn bạn theo cô gái đi khuất vào nhà trước khi lẻ cánh bay về hồ nước. Cô gái ôm chú vịt vào lòng thủ thỉ, vỗ về, rồi một mình bước khuất vào cánh cửa đóng chặt sau lưng. Con Stinky đứng lặng hồi lâu trước khung cửa khép rồi bay lên nóc nhà mát cuối vườn. Nó rũ cánh nhìn khung cảnh quen thuộc một lần cuối trước khi theo bạn bay vào cuộc đời mới.

Năm sau, đôi lần chú vịt bỏ bầy bay về đứng ngơ ngác nhìn khu vườn yên tĩnh, thiếu vắng tiếng cười giòn tan của cô gái. Chỉ còn cha mẹ đứng tựa ngõ sau, im lìm như cặp chim câu già, đưa tay vẫy chào lúc Stinky sà cánh lướt qua. Họ khuyến khích con cái bay cao bay xa, thi thố với đời, còn họ thì ở lại vườn sau buồn nhớ quẩn quanh. Như cô gái đã một chiều giã từ chú vịt con lưu lạc ngày nào rồi khóc một mình sau khung cửa khép, nghĩ đến ngày mai Stinky và chính mình bay xa vào tương lai thách đố.

Người đàn ông thẫn thờ nhìn con vịt đầu đàn với đôi cánh màu sặc sỡ đang cùng bầy trầm lặng bơi thành vệt dài trên mặt hồ im sẫm bóng chiều. Có lẽ vịt đã quên khoảnh vườn nhỏ nhoi của thời chưa tháp cánh bay. Có lẽ mùa Ðông đang đến sẽ dài lê thê vì con cái ở xa không thể kịp vềvào những ngày lễ Tết. Quê xa, mẹ già lâm bệnh nặng. Có lẽ là cơn bệnh cuối đời mẹ. Lẽ nào ông vẫn mãi lần lữa khất hẹn một chuyến trở về?

Nửa vầng trăng chiều len khỏi chân ngày, huyễn khuyết trên ngọn cánh rừng phong. Nửa vầng trăng. Vầng trăng ai xẻ làm đôi... (Nguyễn Du). Mảnh trăng chẻ đôi long đong trời quê cũ. Và chơi vơi nửa vầng kia đã nào nguôi nỗi sầu viễn xứ. Nơi nào là Quê Nhà cho một kiếp thiên di, cho bầy chim trốn tuyết đang bơi lội trong vùng nước sẽ đóng thành băng vào những ngày đông đang tới. Câu hát cũ về một ước muốn quay về, ngồi yên dưới hiên nhà (Trịnh Công Sơn) trong màu trăng ngát lừng hương bưởi vườn khuya, rời rạc tìm đến đầu môi, ấp úng nỗi muộn phiền...

Hơi nước quyện trong se sắt thu phong, lãng đãng trên mặt hồ lớp sa mù giăng mắc bâng khuâng. Có phải bụi thu mờ hay lớp phấn bụi miên liễu Ðông Pha âu sầu cố quận? Dạ lai u mộng hốt hoàn hương (Tô Ðông Pha). Ðêm qua ông cũng nằm mộng về quê. Mơ trở về làm đứa bé thơ trong vòng tay mẹ, chỉ để rồi bừng mắt dậy, đếm canh dài, trở lăn với nỗi ray rứt của tháng ngày biền biệt trôi đi không trở lại. Nhân hành do khả phục. Tuế hành na khả truy (Tô Ðông Pha). Người đi mong có ngày về. Tháng năm đi mất khôn bề đuổi theo. Mẹ già một nắng hai sương, biết mẹ có còn chờ được ngày về của đứa con xa vẫn ôm mối sầu hoài vọng quê hương. Diệc dục cử hương phong. Ðộc xướng vô nhân họa (Tô Ðông Phan). Quê xưa tình dẫu đượm dày. Nỗi riêng ấp ủ, phân bày cùng ai...

Lời cổ thi, phiêu hốt kiêu lãng cánh chim hồng bay lượn trên khắp vùng Quê Hương đồng vọng, dọc dài lịch sử Ðông Phương, đã mang đến cho ông nỗi đằm thắm ấm lòng.

Luỡng lưỡng qui hồng dục phá quần
Y y hoàn tợ bắc qui nhân
Diêu tri sóc mạc đa phong tuyết
Cánh đãi Giang Nam bán nguyệt xuân (Tô Ðông Pha)
 
Ðường lên bắc mấy cánh hồng lẻ bọn
Bay dật dờ người trở gót lưu li
Trời sa mạc tưởng chừng sương tuyết nặng
Ðợi con trăng nửa mảnh ở nam về (Tuệ Sỹ cảm dịch)

Ngôn ngữ cổ thi chẳng thấu, nhưng âm hưởng thi điệu qua nhịp gõ quyến rũ của chiếc gậy lục ngọc đã vang vọng trong lòng mối cảm thông làm dịu những cơn buồn. Những bài ca phổ từ Ðường thi phóng tác của người bạn một thời Phan Châu Trinh Hải Ðà Vương Ngọc Long có cơ may nghe một lần, rồi nhiều lần? Và như có bàn tay ai đó đang ân cần lợp vá mái lòng mình ủ dột. Thi tài và ẩn tình hoài vọng về một quê nhà bỏ lại cùng hình ảnh quê làng phố cũ đẹp thiết tha đã vực lời thơ người thi sĩ đứng dậy vươn vai. Tự tại... Bóng cả Ðường thi dù vần vũ nhịp cánh trên cao, vẫn Lầu thơ vút cánh hạc vàng, vẫn lãng đãng tiếng chuông chùa Hàn San, vẫn xanh rì bãi Anh Vũ, vẫn cầu Phong, vẫn Hàm Dương Cô Tô, nhưng thi tứ âm tiết thì riêng đứng một trời thơ Việt.

Nhiều năm trước, giữa tháng ngày lao đao tìm đường vượt biển, ông đã có lần lòng chợt nương xuống bình an giữa một đêm bấn loạn. Lời hát vương điệu buồn phương Nam bên dòng sông vắng, trôi xuôi dòng ca dao quyện trong lãng đãng Ðường Thi đã đưa hồn người vào sự tỉnh thức của hi vọng.

(Hò... ợ.. chớ)... Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Giữa canh khuya nghe tiếng ai thỏ thẻ bên thuyền
Hỏi thăm quân tử ....(ờ...)
(Hò...ờ...chớ)... Hỏi thăm quân tử vượt biên nơi nào?... (1)

Ông vẫn thường nghĩ về giấc mơ của người nghệ sĩ ca dao - cơn mộng tưởng lúc đang ngày dưới bóng đa mát rượi đình làng, bên hàng cau soi bóng nắng, hay lúc tựa gốc ô môi bên dòng sông vắng. Giấc mơ chói bừng sáng tạo đã níu Ðường thi vào ca dao rồi viên thành ở đó, êm đềm trên đầu môi người thôn quê Việt Nam sức diễn đạt mới rợi của ngôn từ.

Ông bàng hoàng lắng nghe nỗi xúc động rùng chuyển châu thân qua lời thơ đượm ngát tình ca dao. Tình thơ phóng thoát từ bóng cổ thi, rồi tự tại trở thành.

Ra đi thuở hãy còn thơ
Tuổi già mới được ngày mơ trở về
Thưa rằng chẳng mất giọng quê
Tóc sương điểm bạc lòng tê tái sầu... (Hải Ðà phóng tác Hồi Hương Ngẫu Thư Hạ Tri Chương)
Ðây chiếc áo năm canh dài Mẹ thức
Ngọn đèn khuya hiu hắt suốt đêm trường
Tay gầy guộc, run run luồn kim chỉ
Áo bạc màu nhưng đậm nghĩa yêu thương... (Hải Ðà phóng tác Du Tử Ngâm Mạnh Giao)

Tứ thơ thấp thoáng vần tiên thoại Lâm Tuyền, Bích Câu:

Thổn thức hồn quyên mộng tỉnh say
Sông xưa bến cũ nhớ từng ngày
Phơ phơ tóc bạc đời sương điểm
Thơ thẩn đêm dài ngấn lệ cay... (Hải Ðà phóng tác Tỉnh Dạ Tứ Lý Bạch)

Hay tiếng Ðoạn Trường:

Ðầu sông chàng đứng thẫn thờ
Bẽ bàng mình thiếp đợi chờ cuối sông
Nhớ thương xa cách mịt mùng
Nước sông thắm thiết ta cùng uống chung... (Hải Ðà phóng tác Trường Tương Tư Lương Ý Nương)

Và đâu đây hồn xưa Nguyễn Bính, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương...

Tóc em xõa ngang trán
Trước nhà hái hoa chơi
Chàng phi ngựa tre đến
Mơ xanh ném nhau cười...
Trường Can cùng chung sống
Vui đùa chẳng nhớ nhung
Lấy chồng năm mười bốn
Thơ ngây với thẹn thùng... (Hải Ðà phóng tác Trường Can Hành Lý Bạch)
 
Cất cao vút giọng ngân dài
Người xưa nào biết lòng này hay chăng?
Mai thuyền bỏ bến buồm căng
Lá phong rơi rụng bẽ bàng người đi... (Hải Ðà phóng tác Thu Phố Ca Lý Bạch)
 
Hoàng hạc về đâu, vút cánh bay
Thi nhân cạn chén, tỉnh hay say
Ngàn năm lãng đãng vầng mây trắng
Thổn thức hồn thơ mắt lệ đầy... (Hải Ðà phóng tác Hoàng Hạc Lâu Thôi Hiệu)

Hải Ðà Vương Ngọc Long đi vào thế giới Ðường thi với hồn nho sĩ và chân bước lưu dân, lòng nặng mơ về một trời quê hương viễn mộng. Ông bước vào... vũ trụ Thơ mênh mang bát ngát vô chung vô thủy, ... vào thế giới huyền thoại của tác động và mỹ thuật, của biểu cảm và hình tượng, có khả năng khêu gợi và cuốn hút tâm tư...? (Vương Ngọc Long Tình Thu trong Ðường thi). Tiếng chuông chùa Hàn San ngân vọng đến nghìn sau nương theo dòng nước tương tư bất tương kiến nghìn xưa xuôi chảy vào dòng Hàn Giang lao đao trời quê hương bỏ lại với biết bao kỷ niệm một thuở phố Ðà. Tiếng vạc kêu sương, lay thức nỗi lòng Trương Kế từ một đêm thu nghìn năm cũ, hoang mang theo sóng sầu dâng, mà ngỡ tiếng ai gọi đò trên bến Hà Thân sớm xuân nào. Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang. Hồn thơ quyện hồn xưa đã mạo muội nên dòng Ðường thi lưu luyến.

Phong xuy lạc diệp động sầu âm
Nguyệt chiếu hà lương khách tứ thâm
Hỷ vũ hỷ hoa vô hỷ sắc
Hàn Giang hàn thủy bất hàn tâm
Tha phương uẩn nộ phi nan giảm
Cố quận nhân yên bất khả tầm
Tịch mịch xuân tiêu cô đối ảnh
Hương quan bán dạ Việt thi ngâm (Hải Ðà Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang)
 
Sương lạnh Hàn Giang khói tỏa mờ
Mênh mang sóng nước giạt đôi bờ
Hò ai văng vẳng đêm thanh vắng
Thuyền khách bâng khuâng luống thẫn thờ
Khóm trúc đong đưa nước lững lờ
Tiếng tiêu dìu dặt động hồn thơ
Bên cầu bóng nguyệt lung linh tỏa
Man mác tình quê nỗi đợi chờ
Sương thấm thuyền mơ xao xuyến ai
Ngẩn ngơ hư ảo trắng đêm dài
Hàn giang mòn mỏi phương trời nhớ
Ấp ủ trong tim những tháng ngày
Lá rơi gió thổi tiếng sầu vang
Trăng chiếu cầu sông khách bẽ bàng
Mưa thuận, hoa cười, đâu sắc thắm
Lạnh sông, buốt nước, chẳng khô lòng
Tha phương uất hận nào nhạt phai
Cố quận khói mờ há dễ trông
Quạnh quẽ đêm xuân thân đối ảnh
Ngâm câu thơ cũ nhớ quê làng (Vương Ngọc Long Ðêm Xuân Nhớ Sông Hàn)

Hàn giang mòn mỏi phương trời nhớ. Ấp ủ trong tim những tháng ngàỵ.. Phố cũ trời quê xưa. Cánh rừng dương ôm quanh bờ vịnh cuối phố, mở ra lối biển, chớp tắt ngọn hải đăng chóp núi Sơn Trà. Con đường từ Trẹm, kiêu sa hàng cây bạc hà vương vóc liễu, theo áo lụa em về dọc bờ sông đỏ rưng sắc phượng. Ngôi trường Trung Học không xa dòng sông, cao vời bóng tàng cây xà cừ chở che dãy phượng vừa lớn xanh mướt lá. Bóng mát kiền kiền trên lối Nguyễn Hoàng, Quang Trung, Thống Nhất che mát bầy áo trắng đường trưa. Con dốc nắng ướt lưng thiếu nữ, bịn rịn mái tóc thề như e ấp gọi mời chân ai theo bước lối về Ga. Giàn bông giấy trước sân nhà rực tím màu hoa khuất sau vách cổng cao vừa khép làm ngại ngần gã học trò lơ đãng lỡ chọn lối rất xa để trở về nhà. Những dịp nghỉ bất ngờ hai giờ sau thì luôn quá ngắn cho chuyến phà qua sông, theo con đường dương liễu dẫn tới Mỹ Khê rộn sóng hay đạp xe thành bầy qua ngã Ðò Xu êm đềm bến nước, chát chát chua chua trái ổi sân chùa Bà Quảng.

Bóng mát hàng cổ thụ thả xuống khoảng sân gạch mát rượi của những ngôi đình làng cuối cùng của thế hệ Nho phong. Những mái đình Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián, Nại Hiên, cũ kỹ xanh rêu rải rác trong thành phố còn ghi lại biết bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ trẻ. Bầy học trò mải mê đá xóm dưới bóng những cây bàng, mù u. Vị ngọt ngọt chát chát của trái bàng, trái mù u và nước giếng thì luôn sẵn sàng cho lúc nghỉ mệt giữa trận đấu. Banh là trái bưởi lấy trộm từ miếu Tân Thành đem ra đình Nam Dương để đá phục thù cho cuộc chiến bại hôm qua. Bãi cát cuối đường Triệu Nữ Vương trước đình Thạch Thang, một tối thứ Năm mỗi tháng, là đấu trường quần vật của đám con nít xóm trước đồn Cảnh Sát Hoàng Diệu trong khi chờ xem phim. Ty Thông Tin chiếu thời sự Tổng Thống Diệm đi kinh lý trước khi vào những phim chính như Chúng Tôi Muốn Sống, Ánh Sáng Miền Nam, Ðất Lành mà bọn trẻ hầu như đứa nào cũng thuộc từng cảnh phim.

Ngôi trường Tiểu Học ở đầu ngả vào thành phố, khuất sau xóm nhà tranh nép mình dưới bóng mát hàng cây sầu đông dọc theo lối đi lầy cát. Từng chùm hoa màu tím nhạt lấm tấm trắng, phất phơ trong gió cuối xuân, tỏa hương nồng ngát đến tận đình làng phía sau trường học. Ngôi đình bề thế có voi chầu hai bên sân gạch rộng, nhìn xuống bàu nước phủ hoa bèo chen lẫn với những nụ bông súng trắng hồng. Nằm trên lưng voi, hấp háy nhìn sợi hoa xoài đong đưa theo tầng mây trắng trên cao, đôi mắt trẻ thơ chợt ríu lại êm đềm.

Ðường đi học là quãng đường quê từ xóm Mả Vôi, băng qua đường rầy xe lửa rồi men theo bàu Thạc Gián mát rượi bóng tre trước khi đến trụ sở xã nhìn ra phía đường Hùng Vương. Cống nước ngã ba Cây Quăng chảy xiết vào những ngày mưa, chiếc rớ cất lên, vài con cá mắc nạn hốt hoảng búng mình bạc trắng. Sáng nào cũng thế, cậu bé rẽ vào Vườn ương Thạc Gián đứng chờ đứa bạn cao hơn mình cả cái đầu từ ngôi nhà nhỏ cuối góc vườn ương đi ra để cùng đến trường. Chia nhau mẩu bánh mì, củ khoai lang, hai đứa đi dọc dưới hàng cây vừa mù vừa u đến tận ngã ba Cai Lang rồi rẽ theo lối cát vào trường.

Ðầu năm lớp Tư, phải hết mấy tuần, cậu bé mới viết và gọi đúng tên người bạn mới. Huờn. Tôn Thất Huờn. Người cha dòng dõi vương tộc mà cục mịch ít nói, suốt ngày lo phụ việc chăm sóc cây con trong vườn ương. Huờn không thích tên của mình mấy vì có lần cậu bé nghe hắn cằn nhằn với mạ. Răng hồi nớ cha mạ không đặt tên tui là Hùng hay Hưng nghe cho hay? Gán chi cái tên mà bạn bè không đứa mô kêu được hết... Bà mẹ thương con, an ủi. Ôn nội mi chữ nghĩa cả bồ, đặt tên cháu ý nghĩa cao siêu, mi vói chưa thấu rứa thôi. Ðừng chê mà tội ôn con ơi...

Ở đâu rồi đứa bạn của một thời tuổi nhỏ. Những người bạn một thuở lớn lên. Ðâu rồi chiếc nôi êm trong căn nhà kỷ niệm. Cơn lốc chiến tranh thổi tràn qua quê hương, quay cuồng trong đó một lũ người tuổi trẻ, chọn lựa, tan tác, điêu linh... Họ cùng trở nên già nua từ bên kia biển ngó về nhau, hoang mang một thời để nhớ, lồng lộng hoa niên.

Mới đây ông tình cờ đọc bài viết từ trong nước của một người bạn thời Trung Học. Bài văn hay, thành thật nỗi gợi nhớ man mác về một mùa hoa sữa đơm hương trên thành phố miền Nam Trung Phần nơi gia đình anh sống từ hơn bốn mươi năm qua. Bài viết còn nhắc đến cốm mới Hà Nội như một gợi nhớ để mà hoài niệm về cốm ở Quảng Nam, quê nhà anh đã bỏ đi để tha phương cầu thực bao năm. Bài viết mang lại cho ông nỗi ưu phiền. Phải chăng ông đã xa quê hương quá lâu hay bạn ông đang mất mát một quê xưa tự cõi lòng mình? Hay đấy chỉ là ước lệ mới, buồn cười, của một số người viết bên đó, hiện giờ? Dù sao thì ông thà được buồn cười hơn là phải vướng mang thêm một nỗi buồn. Những năm gần đây, phải đợi đến sau khi một anh chàng nhạc sĩ Huế ra Hà Nội viết được bài hát hay về mùa Thu ngoài đó, người ta chợt thấy nhan nhản thơ nhạc nhiều màu về hoa sữa, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, mùa cốm xanh về...

Kỷ niệm là con đường ngắn nhất đến từ tim, không vòng vo, đứng lại, đi quanh. Nhớ về Nha Trang nào ai quên được hàng dương liễu dọc theo đại lộ Duy Tân, con đường ven biển từ Tòa Tỉnh đến Cầu Ðá. Ôi Nha Trang! liễu xanh, biển xanh, khi mái tóc còn xanh... như lời thở than của người bạn lưu vong mỗi khi nhớ về thành phố biển quê nhà. Người bạn nhớ về những cây bàng gần trường Võ Tánh lá trở màu khi trời bắt đầu thu, nhớ hàng me cao lá hát như reo dẫn đến trường Nữ Trung Học dọc theo Quân Y Viện Nguyễn Huệ. Như ông nhớ về tuổi thơ Ðà Nẵng mát rượi bóng cây kiền kiền hay vết xước chùm trái chà là trên lối núi Phước Tường. Nhớ Ðường Hàng Ðoát nón lá che nghiêng, nhớ trưa nắng Kim Long rạo rực bóng dâu, nhớ đường phượng bay thắm xa ngả về Tây Lộc, nhớ nước Bến Ngự êm đềm bóng tre của những ngày hè ở Huế... Quên sao đành, cho dù cơn lốc cuồng xoay vẫn thổi rạc rài qua từng mùa chướng. Kỷ niệm thật thà chỉ đến từ dòng sông cũ, từ bóng mát tuổi thơ của riêng mình. Khác hơn, chỉ còn là thất thoát thương tâm.

Sương lan kín mặt hồ. Nửa vầng trăng treo hao hớt chơ vơ trên nóc cánh rừng phong lá rụng, hư huyễn tìm bóng mình khuất chìm đâu đó dưới đáy hồ thu. Tiếng vịt gọi bầy lãng đãng gần xa, âm vọng mơ hồ một bến bờ mãi kiếm tìm để dừng đôi cánh mỏi.

Người vợ choàng lên vai chồng tấm áo lạnh. Họ cùng bước qua khoảng vườn sau phủ bóng tối vào nhà. Ánh lửa lò sưởi bập bùng đêm Thu xa xứ...

Một cuối Thu

Phan Thái Yên

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com