Sau năm 1968 chợ Tây Lộc xây mới tên là chợ Trần Quốc Toản. Từ chợ ngó ra phía sân bay Tây Lộc vẫn còn thấy bóng dáng mấy chiếc ‘đầm già’ L 19 bay lên xuống. Thỉnh thoảng có vài chiếc Cessna, trông hơi giống mấy chiếc L19, nhưng có sơn hai màu xanh trắng rõ ràng. Người ta nói Cessna này chuyên chở Cố Vấn Mỹ. Chợ mới Tây Lộc xây xong thì mẹ đích tôi bắt đầu bán cháo gà. Gánh cháo mẹ tôi nhờ ngon, nên khi nào cũng hết sớm.
Sau 1969, dãy nhà công chức gần chợ Tây Lộc cũng xây xong. Gia đình mẹ tôi may mắn, mua trả góp được một căn. Tôi vẫn còn nhớ số nhà là: 45 Trần Quốc Toản - Tây Lộc. Dãy nhà đó gần nhà ông James, Cố Vấn Mỹ lấy vợ Việt Nam. Mẹ tôi có dịp quen trong những lúc rảnh đánh bài tứ sắc với vợ ông James. Quen nhau lâu ngày, bầy con mẹ tôi lại kêu vợ ông James là dì Hai.
Hồi này ông James lại thuê căn lầu gần cư xá công chức, nhà mẹ tôi ở, nên ba tôi mỗi dịp từ Quảng Trị vào nhà lại tới thăm ông. James biết tiếng Pháp, trong lúc ba tôi khá rành Pháp ngữ, là dịp cho hai người làm quen trò chuyện.
Ông James xa Mỹ lâu ngày, về Tây lộc có bạn đàn ông chuyện trò ông ta lấy làm thích. Ông James hình như muốn có ba tôi “làm điểm” để rèn luyện Pháp ngữ. Ba tôi cũng “khoái” trong lòng do có James để ôn lại vốn liếng Pháp văn đã ‘nguội‘ từ thời Pháp về nước chăng?
Chuyện không ngừng ngang đây…
Năm tôi lên lớp Đệ Tam, có một điều làm tôi nhớ mãi trong đời là khi được ba tôi tặng tôi một cái đồng hồ hiệu TIMEX. Khó diễn tả nỗi sung sướng cho tôi do đây là chiếc đồng hồ đầu tiên trong đời. Ngày nào tôi cũng mân mê cái đồng hồ. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh chiếc đồng hồ này, đến nỗi khi tìm kiếm trên mạng Google tôi nhận ra nó ngay. Tôi cho rằng giới trẻ thời này khó cảm nhận nỗi sung sướng của một cậu học trò vào thời đó. Thời này, đồng hồ nhan nhản khắp nơi, ‘muôn hình vạn trạng”, người ta không còn muốn đeo nhiều do đâu cũng đọc được đồng hồ nhất là đã có sẵn trên cell phone.
Cái đồng hồ đầy ắp kỷ niệm như “ngầm khuyên” tôi chăm học. Ba tôi cho tôi hay do ông bạn James trong Tây Lộc tặng cho ba tôi, chứ không phải mua. Tôi nhớ cái ngày vô Tây lộc (1970), hai cha con tới nhà thăm ông Mỹ này. Ông về nhà là kêu vợ tiếng “darling‘ đến nay tôi còn nhớ. Tôi có giúp ông “trọ trẹ” vài câu:
– mình ơi!
hay
- mình ơi, có chi cho anh ăn không?
…v v
Coi bộ ông khó nói cho giống. Đối với tôi, ông Mỹ này sao “kỳ quá”? không bao giờ uống nước?. Ông cứ ‘lôi’ trong tủ lạnh ra bia Budweiser lon ra uống. Tay ông liên tục cầm lon bia này sang lon bia khác, uống không bao giờ ngưng. Dù sao ông Mỹ này thương ba tôi mới tặng cho ba tôi cái đồng hồ. Có cái TIMEX trong tay, đêm về tôi hết ngắm ánh sáng mờ mờ từ cây kim chỉ giờ. Tôi lại ngậm vào miệng rồi dùng hai ngón tay bít vào lỗ tai để nghe thử có tiếng kêu dội vào trong “bong bong” hay không?, tôi tin lời ai đó cho rằng đồng hồ mà kêu ‘bong bong’ nghe trong như chuông kêu thì là loại ‘tốt’?. Thật ra cái đồng hồ của tôi hồi đó phải lên giây hàng ngày. Một thuở, các bác các chú mang cái đồng hồ Wyler của Pháp, cũng dây nhôm và cũng lên giây như của tôi vậy. Kể ra vào năm đó TIMEX thuộc về đời mới do người Mỹ đem qua VN.
Thời này không tìm ra đồng hồ y xưa, tôi phải mua cái Timex này chạy pin, tặng con trai tôi năm lên lớp 10 tại Mỹ. Qua Mỹ một thời gian, năm con tôi vào lớp 10, không hiểu sao, bất chợt tôi nhớ đến ba tôi và kỷ niệm cái đồng hồ Timex, thế là tôi đi tìm mua cho ra cái đồng hồ cùng tên để tặng cho con mình. Nhưng chiếc đồng hồ thời nay không thể nào giống cái đồng hồ năm xưa ba tôi tặng tôi được. (có lumineur như cái ba tôi cho tôi và lên giây). Tôi kể lại kỷ niệm với con tôi, lý do tôi tìm đồng hồ TIMEX. Tôi thầm nghĩ, có thể con trai tôi không nói ra nhưng nó lại ‘âm thầm’ chăm học ít ham chơi.
Tôi có niềm tin, hương linh ba tôi phù trợ cho cháu nội tốt nghiệp trường Trung Học vùng tôi ở, nó được Thủ Khoa. Sau khi nộp đơn lên Đại Học cháu nó lại được các trường có tiếng ở xứ Mỹ này thu nhận. Đó là niềm vui quá lớn cho vợ chồng tôi. Tôi tin hương linh ba tôi ở chốn suối vàng đã rất hài lòng và mãn nguyện.
Chuyện hai cái đồng hồ Timex, ba thế hệ: cha – con – cháu, truyền thừa cho nhau cùng một ý niệm chung là ‘Mong Con Chăm Học’. Đời tôi, dang dở công danh nhưng ý nghĩa cái đồng hồ TIMEX đầu đời đã hằn sâu trong tâm khảm cho đến hôm nay. Đời cháu của ba tôi, tôi tin chắc rằng sẽ chẳng còn ‘dang dở’ vì đây là xứ sở của cơ hội. Sức bật đi lên có thể từ ước mơ thầm kín hay sự kỳ vọng từ niềm cảm xúc trong tim.
Hơn bốn mươi năm sau, trong hồi ký của em trai tôi có nhắc chuyện ông bạn ba tôi ngày xưa có tên James và chuyện một thời gian ông ấy giận ba tôi do không thấy ba tôi?. Ông buồn lòng cho là ba tôi bán đi do ‘cần’ tiền hơn ‘cần’ tình bạn với nhau. Do ba tôi không nói thật, và cũng do ông James buồn mà ‘để trong lòng’. Sau này một dịp tình cờ, ông James biết ba tôi đã hi sinh cho tôi cái đồng hồ để ‘khuyến học’ cho con. Ông James mới thông cảm và trở thành ‘cảm kích’. Chuyện này làm tôi nhớ nhớ lại, sau này ba tôi có mang một cái đồng hồ lớn hơn, nặng nề, cục mịch hơn nhưng loại gì tôi không còn nhớ. Cái đồng hồ có 3 cái nút ‘to thật là to”, ba tôi thử vặn nút báo thức nó kêu ‘rèng rẹc’ không thua gì đồng hồ để bàn. Kết quả sau khi biết được tấm lòng ‘người cha’ ông James cảm động và tặng ba tôi cái đồng hồ thứ hai kia.
Cái đồng hồ trong hình này là cái Timex mà con tôi để lại khi nó không còn dùng nữa trong thời gian vào đại học. Nhưng tôi sẽ cất nó làm kỷ niệm để nhớ cái đồng hồ TIMEX năm xưa mà ba tôi đã ân cần trao cho tôi và người sẵn sàng chấp nhận sự ‘buồn lòng’ hay ‘coi thường‘ từ người bạn Mỹ tên James.
Hơn bốn mươi năm qua, chuyện ra đi từ thành phố xa xăm Quảng Trị trong khói mờ lửa đạn sau đó có những người cố vấn Mỹ giã từ cái xứ sở khốn nạn của chiến tranh, trong đó có kỷ niệm cái đồng hồ TIMEX của riêng tôi. Cái đồng hồ, chuyện tầm thường vào thời đại hôm nay; nhưng là một kỷ niệm khó quên cho tôi vào một thời dĩ vãng. Bóng tiền nhân xa dần mang theo bao hoài vọng. Sự tiếp nối sẽ cho ai biết nâng niu kỷ niệm của tình cha.
Đinh Hoa Lư