User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

bendongsongcan

Trước mặt nhà nàng là con sông nhỏ, mùa hè nước rút xuống có thể lội qua được bên kia sông. Nước rất trong. Buổi sáng, ánh nắng chiếu lung linh qua làn nước, soi rõ những viên sỏi xinh xắn bám rêu xanh phía dưới. Buổi chiều, nắng chênh chếch qua khu vườn nhà nàng, đâm thủng những tàn cây rậm rạp. Thường thì khi bóng nắng đổ lên hàng rào xanh mướt phía sau, nàng mới ra vườn, leo lên cây ổi sai trái, đong đưa chân và hát líu lo. Gót chân hồng, chứng tỏ là nàng… còn cha và được nuông chiều nữa là đằng khác.

Tôi, một thằng con trai mười sáu vừa mọc râu mép lún phún vài sợi, giọng nói đã bắt đầu ồ ề bể vỡ, nhưng tính tình còn ham chơi. Vườn ngoại tôi cạnh vườn nội nàng. Dò la tin tức, biết nàng về đây nghỉ hè. Tôi cũng vậy! Thế là có bạn rồi nhé. Tôi rình rập nàng nhiều ngày, nhưng chỉ có dịp nói chuyện với nàng ngày hôm qua. Vâng! Ngày hôm qua mới thật là vô duyên cho tôi. Ðang lấp ló ở hàng rào um lá bên vườn mình, tôi bỗng thấy nàng thoăn thoắt chạy ra, leo lên cây ổi như… khỉ. Nàng tìm một cháng ba và ngồi xuống, tay bẻ một quả ổi ươm, cắn một miếng rồi nhai rau ráu. Xong, tôi thấy nàng vừa ngồm ngoàm nhai, vừa hát một bài hát quen thuộc nhưng bị nàng cải biến:

Anh như con chó em như con mèo, hai con cắn nhau…

Tôi thấy ngộ quá, bật cười. Nàng quét mắt về phía phát ra tiếng cười. Tôi trồi đầu lên, đỏ mặt, lúng túng:

– Ồ! Xin lỗi, tôi không có ý cười cô… bé đâu.

Nàng đanh đá Bắc kỳ:

– Ơ, cái ông này hay nhẩy? Lớn hơn ai mà bé với “nhớn”. Lén lút ở đây định ăn trộm trái cây hở?

Tôi nghe mười cục quê chạy lên cuống cổ:

– Vườn tôi thiếu giống gì, sao lại phải ăn trộm?

– Nhưng vườn ông không có ổi.

– Sao cô biết?

– Ôi cái ông này hỏi mới ngớ ngẩn. Sao lại không? Nhìn là biết rồi mà.

Tôi bướng bỉnh:

– Nhưng tôi đứng trong vườn tôi, đâu có đụng chạm gì đến vườn của cô đâu mà bảo tôi ăn trộm?

Nàng cười ranh mãnh:

– Vườn của ông thì thiếu gì chỗ đứng, sao lại thập thò nơi hàng rào chi có gai nó đâm, cho kiến nó cắn?

Nghe nói đến kiến, tôi mới giật mình. Nhiều chú kiến vàng đang bò tràn lên áo và cổ của tôi. Tôi nhảy lên như bị điện giật. Thật là xui. Mải mê nhìn nàng làm tôi quên khuấy đi mất đã làm vỡ ổ kiến vàng cạnh hàng rào. Bây giờ tôi mới thấy đau nhức. Muộn quá rồi. Kiến tràn lên người tôi như giặc. Tôi hét lên, cởi phăng áo và ba chân bốn cẳng chạy xuống dòng sông trước mặt. Bên tai còn nghe văng vẳng tiếng cười đắc thắng của nàng, còn đau hơn… kiến cắn.

Tôi bị kiến cắn làm lên cơn sốt mấy ngày. Ngoại tôi phải sang nhà nàng xin lá ổi nấu cho tôi tắm. Những ngày nằm trên giường là thời gian tôi oán hận nàng khôn tả. Tôi tìm kiếm trong trí bao nhiêu trò để trả đũa nàng, nhưng hình như đầu óc tôi đã mù tịt. Tôi ghét tôi quá thể. Ngày  thường, tôi và lũ bạn đã “sáng chế” ra không biết bao nhiêu trò chơi để phá thiên hạ; vậy mà bây giờ tôi như lú lẫn hẳn ra. Nằm nhà được ba ngày, tôi lại nhớ khu vườn và phải… bò ra. Lại nàng, lần này nàng “tấn công” tôi trước:

– Có người không ăn ổi lại đi ăn… lá ổi.

Tôi uất ức nhìn nàng bằng đôi mắt tóe lửa, nàng làm bộ không biết, mặt vẫn quay ra dòng sông, ngâm nga:

– Chim khôn ăn trái ổi ươm. Người ăn lá ổi là khôn quá “chời”!…

Nàng kéo dài chữ “chời” rất “chanh chua Bắc kỳ”, làm tôi giận quá mất khôn, mất… dạy, chỉ vào mặt nàng quát:

– Ê, con nhỏ kia nói ai đó. Ai ăn lá ổi? Hả???

Con nhỏ” vẫn tỉnh queo:

– Nói ai chứ có nói ông đâu mà ông la lối – con bé làm bộ tròn xoe mắt (ngây thơ vô số tội) – ủa, chứ bộ ông ăn lá ổi thật hả? Ông khôn quá “chời”!

Lại “chời”! Tôi ghét “con nhỏ” chi lạ. Tôi muốn đấm ngay một quả “thôi sơn” vào đôi môi vừa chun lại kéo dài chữ “chời” kia. Nhưng tôi chỉ đấm vào chòm lá trước mặt:

– Nè, ăn nói đàng hoàng, không thì “ông” bẻ răng đó.

Con bé” le lưỡi. Xong, cười khoe chiếc răng khểnh. Tôi ngẩn người. Chà, răng người ta có duyên như vầy mà đòi bẻ đi cũng quá đáng đó ta. Tôi nhủ lòng. Nhưng tôi bỗng hối hận về ý nghĩ đó ngay lập tức, sau khi nghe “con nhỏ” nói:

– Eo ui! Chứ bộ ông cũng từng bị bẻ răng rồi đó hở, sao mà tôi thấy thiếu mất một cái?

Tôi giật mình đóng chặt hai bờ môi lại, mắt nhìn “con nhỏ” như muốn nổ tung. Con bé này đáo để thật. Cái răng cửa của tôi vừa bị gãy tháng trước, sau một cuộc ẩu đả, bây giờ bị “kẻ địch” phát giác. Nguy quá. Tôi đã nhắc ba tôi làm sao trồng lại cái răng càng sớm càng tốt, nhưng ông cứ bận rộn hoài. Nhiều lúc, tôi lại bực mình và gây gổ bởi mấy đứa bạn cứ mang hàm răng của tôi ra mà trêu. Có đứa còn bảo tôi “mở cửa cho chó đi… ị” nữa. Tính tôi lại nóng như lửa, cho nên sau khi cái răng bị gãy là tai họa đến với tôi dồn dập. Bây giờ lại đến phiên “con nhỏ” này dám đụng vào “vết thương lòng” của tôi. Tôi xỉa ngón tay trỏ vào mặt “con nhỏ” rồi quát lên (may mà tôi còn đủ sáng suốt để kịp miệng khóa hai tiếng chửi thề):

– Ê, có tin là “ông” dám đánh không này?

“Con nhỏ” thấy thái độ của tôi “vũ phu” quá, tuột xuống cây, chạy vào nhà, không quên ném lại cho tôi cái háy mắt thật lém.

Ðêm đó, tôi nghĩ đến nàng, cảm thấy hối hận và tự trách mình. Ai đời, người ta là con gái mà cũng đòi đánh thì hết chỗ… mê. Hôm sau, thấy nàng đang giặt áo ở bờ sông, tôi lân la định đến gần… xin lỗi. Nhưng vừa thấy tôi từ đàng xa, nàng đã bụm miệng lại cười chọc quê. Tôi ứa gan, cởi phăng áo, nhào xuống tắm. Vùng vẫy tứ phía, nước văng trúng nàng. Nàng nhăn mặt, nhảy ra phía sau, không vừa:

– Ê, có tắm thì ngậm miệng lại thật chặt, không nước chảy vào đau bụng đó.

Tôi càng tức càng vùng vẫy. Ðúng là miệng lưỡi con gái. Tôi đập nước mạnh hơn, lần này tôi còn quạt cả nước lên người nàng. Chịu không nổi, nàng hét lớn:

– Vừa thôi chứ. Sông rộng sao ông không đi chỗ khác mà tắm?

Tôi làm mặt dày:

– Sông rộng sao cô không đi chỗ khác mà giặt? Ở đây nhìn tôi tắm à?

Nàng không ngờ tôi trơ trẽn đến mức “thần sầu” như vậy, ngớ người ra một chút rồi trả đũa:

– Ối “chời”! Bộ xương cách trí trường tôi có mấy cái  trong phòng thí nghiệm, cần gì phải “quan sát” ông?

Tôi tức quá, lội gần chỗ nàng ngồi, đứng dậy làm bộ… tuột quần:

– Vậy cô có tin là tôi… tắm truồng ở đây không này?

Nàng hét lên một tiếng rồi co giò chạy. Tôi cười vang đắc thắng. Nàng ngoái đầu lại, hai bàn tay che gần hết khuôn mặt. Tôi thấy nàng xòe ngón tay ra để ngắm lén tôi sau kẽ hở. Biết tôi không dám làm thật. Nàng quay lại lý luận:

– Người ta ở đây trước mà.

Tôi cũng “lý luận”:

– Sao cô không mang hàng rào ra để rào nó lại?

Nàng giận đến đỏ mặt, mắt bắt đầu rơm rớm. Tôi thấy trong lòng thật “đã”. Nàng quay lại đống áo quần, phát giác ra hai chiếc áo đang trôi lềnh bềnh đàng xa. Hốt hoảng, nàng kêu cứu đến tôi:

– Ê, ông làm ơn vớt giùm hai chiếc áo cho tôi đi.

Tôi thấy “cục” tự ái được vuốt ve, nhưng lòng vẫn còn ấm ức:

– Có giỏi thì xuống mà vớt.

Nàng nhìn hai chiếc áo trôi xa dần, trào nước mắt:

– Ông thật là quá đáng, áo của nội tôi đó, mất thì bà cằn nhằn tôi cho mà xem.

Tôi như trả được thù, cười khoái trá, quên cả chiếc răng sún:

– Ðáng kiếp! Ai bảo con gái gì mà chanh chua ớt hiểm quá.

Nàng bật khóc.

– Ông ác quá đi thôi.

Tôi thấy mềm lòng. Gì chứ chơi trò nước mắt là tôi thua:

– Cô phải nói xin lỗi rồi tôi mới vớt áo cho cô. Nhanh lên. Nếu không xa quá tôi bơi theo không kịp.

Nàng ngạc nhiên:

– Xin lỗi gì cơ? Tôi có lỗi gì đâu nào?

– Nhiều lắm. Cô bảo tôi ăn trộm, ăn lá ổi rồi… nhiều thứ lắm… Tôi ghét cô.

Nàng lại chanh chua:

– Không đúng à?… Chứ ai đứng ở hàng rào rình rập? Ai xin lá ổi? Ai…. Ơ kìa! Ông vớt lên đi chứ, áo trôi xa quá rồi.

Tôi nghe nàng thảng thốt kêu lên. Nhìn hai chiếc áo đang vật vờ trôi tít tắp đàng trước. Tôi quẫy mình bơi đi vớt áo. Khi trở lại thì nàng đã thu dọn áo quần xong xuôi vào chậu. Tôi ghét nàng không chịu theo dõi hành động “anh hùng vớt áo” của tôi. Nhưng tôi cũng phải vắt áo cho nàng, với nhịp tim đang cố nén từng hơi thở nặng nhọc. Tôi nói sau khi trao áo lại cho nàng:- Cô còn nợ tôi hai tiếng “xin lỗi” đó à nghen.

Nàng cầm áo bỏ vào chậu rồi bê lên, quày quả bước đi. Tôi nói với theo:

– Và còn hai tiếng “cảm ơn” nữa.

Nàng im lặng bước. Tôi thấy vai nàng rung lên, hình như nàng đang cười. Tôi lầu bầu trong miệng: “Ðúng là đồ vô ơn. Khóc rồi lại cười, ăn mười cục… kít…

o O o

– Huy à, ngày mai Hà phải về rồi.

– Sao về sớm thế, còn một tuần nữa mới nhập học mà?

– Bố bảo về để chuẩn bị trước.

Tôi im lặng khuấy hai chân trong làn nước trong xanh. Hà lắc lắc mái tóc rồi nhìn tôi:

– Sau này Huy có nhớ Hà không?

– Nhớ chứ. Nhớ Hà đanh đá, Hà lém này, Hà…

Hà nhéo vào vai tôi đau điếng:

– Vừa thôi chứ. Huy có thua gì Hà đâu. Huy du côn nè, Huy ba gai nè, Huy…

Tôi đặt ngón tay trỏ lên môi Hà:

– Suỵt! Huy người lớn rồi… Huy nhớ Hà ngay từ bây giờ. Huy… Huy…

Tôi bỗng dưng cà lăm. Hà mở lớn mắt chờ đợi. Tôi ú a ú ớ. Hà huých nhẹ khuỷu tay vào sườn tôi:

– Huy… sao nữa? Huy nói tiếp đi.

Tôi đỏ mặt:

– Huy… thôi Huy không nói được đâu.

– Huy mà cũng biết mắc cỡ à?

Tôi chống chế:

– Không. Nói ra sợ Hà mắc cỡ thôi.

– Xí..í… Ỡm ờ mãi.

Tôi ném viên sỏi xuống lòng sông. Như chợt nhớ ra điều gì:

– À! Hôm nay là ngày cuối, Hà còn mắc nợ Huy cái gì thì phải trả hết đó.

– Cái gì nào?

Tôi cười bí mật:

– Bốn tiếng “xin lỗi” và “cảm ơn”.

Hà phát vào vai tôi thật mạnh, cười nắc nẻ:

– Huy này. Nhớ dai ghê. Ðược, Huy nói trước đi rồi Hà mới… trả nợ.

Tôi làm bộ ngạc nhiên:

– Nói gì?

– Nói gì Huy định nói lúc nãy đó.

– Nhưng mà Hà không được cười.

– Ừ.

– Hứa nghen.

– Ừ.

Tôi quay mặt đi hướng khác, nhìn chùm sung đong đưa trên cành cao, bối rối:

– Huy… Huy thương… thích… thích Hà lắm đó…

Hà đỏ mặt đứng dậy chạy vào nhà. Tiếng Hà dội lại phía sau, dường như làm mặt sông gợn sóng:

– Hà “cảm ơn” và… “xin lỗi”.

Tôi chới với đá viên gạch xuống sông làm tê buốt đầu ngón chân.

dong song can

o O o

Hết mùa hè năm đó tôi phải theo gia đình vào Sài Gòn vì công tác của ba tôi. Thay đổi hoàn cảnh sống không làm tôi thấy dễ chịu. Trái lại, đôi khi tôi thấy mất mát quá nhiều, nhất là đám bạn bè, kể cả những đứa đã từng đánh lộn với tôi. Có nhiều lúc tôi nhớ Hà ray rứt. Những lúc đó tôi thường ước mong thời gian trôi qua nhanh cho tới mùa hè.  Ðể tôi được trở về khu vườn của ngoại tôi. Ðể được nhìn Hà với đôi chân trần thoăn thoắt trên cành ổi.

Nhưng rồi đất nước đổi thay. Tôi bỗng dưng bơ vơ giữa những thay đổi lạ lùng của đời sống. Tôi đã biết buồn và lo lắng mỗi khi thấy dáng ba tôi thất thểu trở về sau một ngày hội họp. Tôi thi trượt vào Ðại học bởi lý lịch mù mờ, không được trong sạch. Khóm phường lại hối thúc tôi đi làm “thanh niên xung phong”. Thời gian này, tôi bỗng quên Hà mất hút. Cho đến một hôm, ba má tôi kéo tôi vào phòng, nói như ra lệnh:

– Ba má đã tìm được chỗ cho con rồi. Có chuyến đi ở Nha Trang vào tuần tới. Con ra ngoài đó ở tạm nhà ngoại ít bữa. Sẽ có người đến liên lạc và đưa con đi. Tất cả, ba má đều lo xong đâu vào đó rồi. Tạm thời con đi trước. Ba má lo xong chuyện của ba má rồi đưa các em của con đi sau. Thời buổi này, đi được người nào thì hay người đó.

Tôi tròn xoe mắt nhìn ba má. Tôi thật sự không hiểu gì hết với đầu óc khù khờ của tôi dạo ấy. Nhưng thấy mấy đứa bạn đã theo gia đình nhanh chân chạy trước, lòng tôi càng háo hức thêm. Nghĩ đến khu vườn của ngoại, tôi lại nhớ Hà. Biết đâu tôi sẽ gặp được Hà để vui chơi những ngày cuối cùng ở Việt Nam? Tôi thao thức suốt đêm. Những lời dặn dò của ba má tôi như nước đổ đầu vịt. Tôi chỉ nao nức được gặp Hà. Má tôi lo lắng đủ thứ cho tôi, từ những viên thuốc say sóng cho tới chai dầu Nhị Thiên Ðường. Nửa đêm, tôi nghe tiếng mở cửa phòng tôi. Tôi vờ nhắm mắt nằm yên. Má tôi đứng bên cạnh tôi thật lâu. Người đắp chăn lại cho tôi. Xong, vuốt tóc tôi rồi đi ra, khép cửa nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy một giọt nước loang ấm trên trán tôi. Má tôi khóc!

Buổi sáng. Bến xe liên tỉnh với không khí ồn ào, nhộn nhịp như mọi ngày. Tôi lặng lẽ đi bên cạnh má tôi. Người âu yếm nắm lấy tay tôi như năm nào tôi còn bé tí mới đến trường ngày đầu. Tôi bỗng thấy tôi bé lại rất nhiều bên người. Má tôi dặn dò đủ thứ. Tôi đã lên chỗ ngồi rồi mà người vẫn còn đứng dưới nói vói lên:

– Con về nhà ngoại đừng phá phách, cố gắng học hành nghe con.

Tôi hiểu má tôi ám chỉ điều gì. Ngoại đây là bà ngoại và cả… ngoại quốc nữa. Má tôi như chợt nhớ ra điều gì, vội vã bỏ đi. Khi người trở lại thì xe đã chuyển bánh. Má tôi chạy theo, nhưng không kịp. Tôi thấy má tôi khóc. Trên tay người, gói xôi được bọc bằng miếng lá chuối xanh biếc quơ chới với đằng trước mặt. Tôi nhoài đầu ra cửa hét lớn:

– Má về đi. Tới nhà ngoại con sẽ viết thư về cho má ngay.

Xe quẹo qua một khúc đường, tôi thấy bóng má tôi mờ sau đám bụi và khói xe.

Khi chiếc xe đến Mã Vòng để vào thành phố Nha Trang, tôi mới thấy bồi hồi. Ðèn đường vừa lên vàng vọt. Người người hối hả trở về. Không khí xám buồn. Xe đạp chạy như mắc cửi trong thành phố. Lẽ ra tôi phải xuống ngã ba Thành vì nhà ngoại tôi ở gần đó. Nhưng tôi muốn trở về thăm con phố cũ. Nơi tôi đã lớn lên. Nơi bạn bè thời thơ ấu của tôi đều ở đó. Nơi có căn nhà xinh xắn trên đường Nguyễn Trãi với giàn bông giấy tím trườn mình trước cổng. Tôi trở về muốn thu lại kỷ niệm của tôi sau hai năm đã mất. Tối nay tôi sẽ lẻn về ở tạm nhà Hùng đầu bự. Thằng bạn thân duy nhất tôi vẫn còn liên lạc. Ngày mai sẽ tính.

Xe qua nhà thờ Núi, bao kỷ niệm lại hiện về. Ðây là ngã Sáu. Kia là con đường Bá Ða Lộc với hai hàng cây rợp mát dẫn tôi đến trường Võ Tánh ngày xưa. Và, con đường Nhà Thờ dẫn đến mấy rạp chiếu bóng. Nào là rạp Tân Tân trên đường Ðộc Lập. Rạp NhaTrang Ciné trên đường Hoàng Tử Cảnh. Rạp Tân Tiến, Minh Châu, Tân Quang, tất cả đều nằm gần đó, mà có thời tôi cùng lũ bạn thường la cà từ rạp này qua rạp khác sau những giờ học. Còn rạp Tân Thanh cạnh chợ Ðầm chiếu thường trực hai phim, rạp này dễ cho chúng tôi coi cọp nhất… Tôi nhìn không chớp mắt cánh cửa trường Thánh Tâm đóng im lìm trước mặt, lòng bỗng chùng xuống. Xe đi qua chợ Xóm Mới, rồi đến bến xe Nguyễn Hoàng là trạm cuối. Xe dừng lại. Người người hớt hải tìm nhau. Kẻ lôi, người xách. Mấy chú xích lô tranh nhau mời khách. Những cô bán hàng rong lanh lảnh giọng rao. Tôi bước xuống xe. Ði được một khoảng. Bỗng có tiếng mời sau lưng:

– Ông anh uống nước trà đá không, đi đường xa chắc là khát lắm?

Tôi quay lại. Hà. Hà đó! Hà bối rối nhìn tôi. Tôi nhướng mắt nhìn Hà. Hà đen và gầy hơn xưa. Tay phải cầm ấm nước trà. Tay trái cầm một chồng ly khoảng ba bốn cái bằng nhựa, vàng ố. Hà lúng túng quay lưng bước đi. Tôi chạy vội theo:

– Hà có khoẻ không? Gia đình có bình an không?

Hà cúi đầu bước nhanh vào đường hẻm bên cạnh. Tôi vẫn bước theo, lo lắng hỏi:

– Hà,  Hà không nhớ Huy sao?

Hà đứng khựng lại, ngập ngừng:

– Hà nhớ chứ. Huy dạo này cao lớn quá. Huy về thăm ngoại hả? Vườn của nội Hà bị họ lấy mất rồi. Bố Hà đi học tập cải tạo tận ngoài Bắc lận. Hà bỏ học đi bán nước trà. Hà bây giờ khác xưa nhiều lắm.

Tôi cố cãi, giọng không kìm chế nỗi xúc động:

– Không. Hà không khác xưa đâu. Hà bây giờ ở đâu vậy, cho Huy tới thăm bác gái được không?

Hà lắc đầu, nước mắt nhoè trên hai mi:

– Mẹ và Hà vừa dắt mấy đứa em trốn từ vùng Kinh Tế Mới về. Hà không có chỗ ở đâu. Nhà Hà bị họ “tịch biên” rồi.

Rồi Hà cắm đầu chạy. Ấm nước còn đầy chao động trên tay nàng. Nước trào ra nơi vòi, nhểu xuống đất theo bước chân Hà. Tôi dợm bước định chạy theo. Nhưng Hà ngoái đầu lại, xua cánh tay đang cầm mấy cái ly nhựa cáu bẩn bởi nước cốt trà, nói như khóc:

– Huy đi đi, Hà không muốn gặp Huy nữa đâu.

Tôi bỗng sờ túi mình. Một xấp tiền má tôi cho cùng với mấy chiếc nhẫn vàng y cộm lên trong túi, được cài cẩn thận bằng kim băng. Má tôi dặn nếu chuyến đi bị bể thì cũng có chút tiền trở về nhà. Tôi nghĩ tới Hà thật nhanh. Tôi chạy theo Hà. Nhưng Hà đã mất bóng. Màn đêm đổ xuống thật dày. Tôi đã khóc!

dong song can 1

Việt Phương

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com